Tuệ giác: Ánh sáng và con dao (Võ Quốc Việt)

NỀN TẢNG TUỆ GIÁC

Tuệ giác có giống như trí tuệ thông thường? Tuệ giác hay thánh trí không đơn thuần như việc ta nắm bắt định đề toán pháp hay nguyên lý cơ học. Hơn thế, trí tuệ hay trí huệ (Prajñā/ paññā) “mang ý nghĩa sự hiểu biết phát sinh từ sự rèn luyện tâm linh, soi sáng bản chất của các pháp, và đạt đến đỉnh cao là sự thanh tịnh tâm và giải thoát tâm” [1]. Do đó, việc thực hành và rèn luyện tâm linh giúp người cầu đạo đạt đến tâm thanh tịnh, dẫn tới giác ngộ. Như thế, nền tảng của tuệ giác trước hết ở chỗ rèn luyện nhằm an định và vững chãi tâm. Cũng tức là, tuệ giác bao hàm trong đó nghĩa lý nhận thức sâu sắc đúng đắn và quá trình tu tập, chứng nghiệm.

Và tuệ giác còn khác với tri kiến thông thường ở chỗ đưa tới giác ngộ. Tuệ giác hiểu đơn giản thể như phương thức thanh tịnh tâm và thanh tịnh tâm là điều kiện tiên khởi khai mở tuệ giác. “Khi trí tuệ tiếp tục tăng cường và phát triển, nó thâm nhập càng lúc càng sâu hơn vào bản chất của vạn pháp, và đạt đến đỉnh cao với tri kiến đầy đủ trọn vẹn được gọi là giác ngộ (sambodhi)” [2]. Rèn giới; tu tập định; và tuệ khai mở, hiệp thành con đường đưa tới khả thể giải thoát.

Vậy tuệ giác có phải mục tiêu cứu cánh chung trên đường giác ngộ? Đức Khổng Tử từng có ý: “Chưa biết việc sống, đâu biết được việc chết”. Đó là bám vào cái ý “sống ở trong đời” để thi hoạt cơ hội sống trải trên cõi thế gian. Đức Phật Thích Ca cũng có ý không luận bàn chuyện viễn vông. Hơn thế nữa, để khuyên giải chúng sinh sống cuộc hằng trải trong cõi thế gian thì, Ngài chỉ rõ bản chất của cõi thế gian, mà rộng hơn là bản chất của vạn pháp. Ngài nhìn thấy chúng sinh lặn hụp trong bể trầm luân, cứ trở đi trở lại trong nỗi khổ niềm đau không dứt. Việc hằng sống cũng không rõ đâu cứu cánh, phương tiện, khiến cho đời sống u mê lầm lạc, tự trối chết trong cuộc đuổi bắt vô tri vô nghĩa. Lẽ đó trong Phật lý, việc sống trải không tách rời việc hiểu biết đúng đắn siêu vượt. “Tuệ” đưa tới “giác” là căn bản, nền tảng cho sự sống trải chân thực đúng đắn vậy! Tuệ giác cũng là một trong số những khác biệt căn bản của Đạo Bụt với truyền thống sùng bái (bhakti) của Ấn giáo. Chính vì thế, Đạo Bụt có thể nói đại để là con đường tuệ giác ở thì hiện tại tiếp diễn. Đạo và Đời không tách rời, ngược lại Đời là khả thể của Đạo. 

Trí tuệ theo Phật lý không đơn thuần tư biện thuần túy. Ngược lại, “trí tuệ được biết bằng cuộc đàm thoại”. Sự cọ xát, trải để nghiệm của tri kiến khiến cho cuộc trui rèn thành tựu trí tuệ. Và trong cuộc trải và nghiệm ấy, khởi sanh “trực giác bằng trí tuệ”. Ngược lại, chính điều này khiến trí tuệ trong cách hiểu Phật lý là tuệ giác, tức trí tuệ đưa tới giác ngộ, vượt lên tri kiến thông thường (vốn nhập nhằng trong thế nhị nguyên). Cũng vì thế, người có thánh trí tuệ thì xuất chúng vậy!

TUỆ GIÁC NHƯ ÁNH SÁNG XOÁ TAN VÔ MINH

Theo lời Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, đây là bốn thứ ánh sáng. Thế nào là bốn? Ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời, ánh sáng ngọn lửa, và ánh sáng trí tuệ. Trong bốn thứ ánh sáng này, ánh sáng trí tuệ là tối thượng” [3]. Vì sao trí tuệ là ánh sáng tối thượng? “Đó là ánh sáng siêu phàm bởi vì nó soi sáng bản chất đích thực của các pháp và xóa tan bóng tối của vô minh” [4]. Lửa thánh trí vừa soi sáng những góc khuất ung bế tắc tỵ, vừa thiêu đốt hoại diệt kiết sử tù đọng trong thân tâm. Bậc thánh trí với giới-định-tuệ trọn đủ như ngọn lửa, như nguồn sáng rực rỡ chói lọi. 

“Xương ta mai trắng trong vòm lửa

Đốt cháy từ xưa mấy nghiệp tà”.

Lửa thánh trí còn soi tỏ phần “tà độc” asura xâm hoạt trong trí tưởng. Cuộc soi tỏ ấy ví như người mù lòa được cơ hội sáng mắt, nhìn rõ mình-người-thế gian và vạn pháp. Bởi vì, ánh sáng lửa thánh trí vừa soi sáng vừa thiêu đốt “tam độc” đang gây hại khắp cõi thế gian nên thánh trí tuệ có thể xem như bài thuốc chạy chữa, hay phương tiện tiêu trừ hiện trạng suy đồi tâm tính hiện nay của nhân loại. Vấn đề hậu nhân luận (Posthumanism) của thời hậu hiện đại với quá trình dã nhân hóa/khử nhân tính hóa (Dehumanization) của xã hội đương thời có thể tìm lối thoát ở đâu ngoài việc khai thị thánh trí cho nhân sinh.

Muốn vậy, người phải tự trở thành ngọn lửa thiêng! “Bậc minh triết nên làm cho tâm mình trong sáng khỏi đều dơ bẩn” [5]. Sự cấu uế bợn nhơ ví như tấm màn che làm mờ mịt nhận thức, khiến cho ngã biệt càng thị oai tác quái, gây cớ sự nhiễu nhương và bạo động tâm linh. Bước đầu thức tỉnh tâm linh hẳn phải khởi sự từ chỗ nhìn ra chân tướng u tối trong tinh thần. Tuệ giác là điều kiện/phương tiện cũng là trạng thái thành tựu sau khi ngã biệt/chủ thể tính vô minh bị nhận diện. Thế thì, tuệ giác là điều kiện tiên quyết hay kết quả hậu nghiệm, chỉ biết rằng tuệ giác trực khởi ngay khi u tối bao bọc ngã biệt tan biến. Hai sự thể ấy hầu như đồng thời. 

Với khả năng soi tỏ vô minh u tối, diệt trừ mê lầm, trí tuệ còn quý báu hơn vàng ngọc sự sản. Bởi tài sản thường hại kẻ ngu dại, danh dự thường hại kẻ đê hèn. Chỉ có trí tuệ giúp nhận diện bản chất tài sản, danh dự, công trạng và tất cả các pháp, đấy mới thực là điều quý báu hơn cả công-danh-lợi. Cho nên, “đến hết của cải, bậc trí tuệ vẫn an vui; nhưng thiếu trí tuệ dù có tài sản cũng không ở an được” [6]. Giúp nhận diện bào ảnh mộng điệp, thánh trí tuệ cũng tức là chân giá trị của việc sống trải. Thánh trí tuệ rực rỡ như vầng dương, cao quý thanh tịnh như mặt nguyệt, lại đẳng trì-trực định như lửa tam muội.

Và tuệ giác còn khác với tri kiến thông thường ở chỗ đưa tới giác ngộ. Tuệ giác hiểu đơn giản thể như phương thức thanh tịnh tâm và thanh tịnh tâm là điều kiện tiên khởi khai mở tuệ giác. “Khi trí tuệ tiếp tục tăng cường và phát triển, nó thâm nhập càng lúc càng sâu hơn vào bản chất của vạn pháp, và đạt đến đỉnh cao với tri kiến đầy đủ trọn vẹn được gọi là giác ngộ (sambodhi)”.

TUỆ GIÁC NHƯ CON DAO ĐOẠN TRỪ PHIỀN NÃO

Vì sao tuệ giác được ví như “con dao”? Nghĩ tưởng tạo tác không ngừng như dòng nước cuồn cuộn về xuôi, đêm ngày không ngớt. “Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ/ Lãng hoa đào tận anh hùng”. Trong cuộc lao tác không thôi của ngã biệt trên cõi thế gian, các quan năng và niệm tưởng bó siết lấy nhau, không ngừng sinh triển, tạo ra cả thái bình ngày đêm sóng vỗ. Bể khổ chính ở cuộc ba đào niệm tưởng. Cuộc ba đào của ngã biệt lại còn liên tục bạo động bởi ái dục. Nhưng hễ biết ham muốn đang thực hiện sự ham muốn cũng chính là tách rời khỏi ham muốn. Sự biết-thấy như vậy ví như con dao cắt lìa “phần thịt bên trong”/nội tại với “phần da bên ngoài”/ngoại hiện, chặt đứt nguồn cơn và triệu chứng của ba đào bạo động. Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, ta cho ví dụ này là để nói lên một ý nghĩa. Đây là ý nghĩa: “phần thịt bên trong” để chỉ sáu nội căn. “Phần da bên ngoài” để chỉ sáu ngoại căn. “Dây chằng, gân, khớp bên trong” để chỉ lạc thú và dục vọng. “Con dao sắc bén của người đồ tể” để chỉ Thánh trí tuệ – Thánh trí tuệ này cắt, xẻo, tiện đứt những phiền não, kiết sử và hệ lụy thuộc nội tâm” [7]. Tuệ giác phá vỡ các “mảng bám” dày đặc thành kiến, chấp nệ, ngu muội trong thân tâm. Nó ví như con dao hay búa tạ đập vỡ sự cầm tù và quyền bính của dục vọng khoái trá. Vô minh đưa tới khoái lạc; thánh trí đưa tới an lạc. Tuệ giác bứt dây cởi trói, vượt thoát như cánh chim ưng tự tại phóng khoáng giữa trời vô lậu, cũng tức là khả thể mở đường giác ngộ.

Bằng cách nào tuệ giác chặt đứt ái dục-vô minh? “Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối”. Nào những u tối, muộn phiền, kiết sử, hệ lụy nội tâm ví như muôn vàn dây leo trói buộc. Nhưng bấy nhiêu dây leo ràng rịt cũng khởi sinh từ vọng tưởng của tâm. Muốn chặt đứt dây leo, trước phải chặt đứt dòng diễn hiện sinh khởi của tâm. Khi con người còn liên hồi vọng động giữa bốn bề u minh bao phủ, tức còn lầm lạc trong cánh rừng trần gian. Vậy làm thế nào để lòng người đạt tới trạng thái thành toàn trọn đủ, không còn vọng động bạo cuồng! Cái gì dẫn đến bạo động, cái gì là chủ tể của sự bạo động? Tuệ giác từ chỗ nhận diện, soi chiếu bản chất đến tiêu trừ tâm bạo động. Nói cách khác, tuệ giác tiêu trừ ngã biệt, hay ảo tưởng về cái sự “tôi” (I-ness). Khai tâm/khai tuệ (hiểu một cách đơn sơ) chẳng khác gì vỡ mộng!

Cơn mơ dẫu kéo dài trăm năm vạn kỷ cũng là cuộc mộng. “Kẻ vô trí tuệ không có tâm kiên cố, dù sống đến trăm năm cũng không quý bằng bậc trí tuệ trầm tư mặc tưởng sống một ngày” [8]. Ấy là nói đến hữu tại chân thực của bậc thánh trí. Một trăm năm vô tri vô trí, thiết nghĩ, chẳng khác gì cội cây cục đá trơ trơ giữa hằng hữu du du miên man! Vậy nên, nghĩa lý hữu tại chân thực trước hết nằm ở nhận thức và tự nhận thức và hẳn nhiên nhận thức đúng đắn bản chất của hiện hữu, chứ không phải trương độ không-thời gian của hiện hữu. Vậy nên kẻ vô trí sở hữu cả hoàn vũ, sống trọn cả thiên niên, nghĩ cũng vô nghĩa vậy! 

“Biển dâu sực tỉnh giang hà

Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh”.

Như lưỡi rìu khai thiên vén mở hồng hoang, như chớp giật đêm trường giông tố, thánh trí tuệ còn là “con dao – một con dao sắc bén của người đồ tể – bởi vì nó chặt đứt xuyên suốt đống phiền não rối rắm và từ đó mở ra con đường giải thoát” [9].

Với khả năng soi tỏ vô minh u tối, diệt trừ mê lầm, trí tuệ còn quý báu hơn vàng ngọc sự sản. Bởi tài sản thường hại kẻ ngu dại, danh dự thường hại kẻ đê hèn. Chỉ có trí tuệ giúp nhận diện bản chất tài sản, danh dự, công trạng và tất cả các pháp, đấy mới thực là điều quý báu hơn cả công-danh-lợi.

Để có thánh trí tuệ? “Trí tuệ không đến với người không tập trung (tư tưởng)” [10]. Nền tảng tuệ tác trước hết ở an định tâm. Mầm tuệ giác nảy nở trên nền đất vững lành. Thiền tập cũng như người nông phu lao tác chuẩn bị đất gieo trồng. Và đời sống phạm hạnh góp phần thuận duyên cho sự hành thiền. Nên nói, giới-định-tuệ là theo lẽ ấy! Bên cạnh đó, cần nhận thấy “tâm” (như ảo tưởng sự tôi/I-ness) vừa là nguy cơ quay cuồng điên đảo vừa là khả thể giải thoát hiếm có; ví như con dao vừa có thể tự sát vừa có thể chặt đứt gông xiềng tù ngục; như ngọn lửa vừa có thể thiêu đốt vừa có thể soi tỏ hồn người giữa đêm trường. Thấy vậy, có thể vượt qua cách biệt chia rẽ đôi đường!

“Lửa quanh đời đốt trắng hồn ta

Tâm tư bừng sáng nẻo đêm xa

Dậy thôi đời! Sao tàn trong vô tận

Vang dội u minh một tiếng gà”.

 

 

Chú thích:

[1] [2] [4] [9] Bhikkhu Bodhi, Trần Như Mai (dịch) (2016), Hợp tuyển lời Phật dạy từ Kinh tạng Pali, Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, tr. 401.

[3] [7] Bhikkhu Bodhi, Trần Như Mai (dịch) (2016), Sđd, tr. 426.

[5], [6], [8] [10] Tỳ khưu Hộ Tông (1974), Phật ngôn, Saigon, Hiếu Minh ấn quán, tr.3, tr.11, tr.12, tr.10.