Thư tòa soạn 406

Thân gửi quý độc giả!

Trong Kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật dạy rằng, bậc Bồ tát cần “thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp” (thường nghĩ đến việc biết đủ, yên trong cảnh nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của mình). 

Chữ “Tuệ” là trí tuệ giúp con người nhận biết và hiểu rõ chính pháp, hiểu được những giáo lý cơ bản mà Đức Phật chỉ ra, hiểu rõ quy luật của trời đất vốn vô thường, vô ngã, là duyên sinh – duyên khởi, là nhân quả – nghiệp báo. Với trí tuệ đó, con người ta mới rũ bỏ mọi phiền não, đau khổ, đạt được giải thoát, giác ngộ. 

Từ đây nhìn ra, chúng ta thấy “Duy tuệ thị nghiệp” là lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của đời mình. Hay đơn giản là mỗi người phấn đấu rèn luyện, nâng cao trí tuệ, hiểu biết đầy đủ, có nhận thức đúng đắn làm sự nghiệp chính cả đời. Giáo lý nhà Phật chỉ ra rằng của cải, vật chất như bèo dạt mây trôi, không có gì bền vững. Đó là lẽ vô thường của tạo hóa vì tài sản sinh ra rồi cũng sẽ mất đi. Chỉ có sự hiện quán về Chánh pháp, an trú vào phạm hạnh mới mang lại chân giải thoát cho chúng ta.

Có thể nói, Phật giáo là một nền giáo dục rộng lớn đầy trí tuệ, đạo đức nhằm giáo dục con người nhận thức đúng đắn về các quy luật của thế giới. Trí tuệ đạt từ kinh điển hay sự thực chứng sẽ đảm bảo cho sự tồn vong của Đạo Phật. Dù có trải qua muôn ngàn cơn pháp nạn, nhưng hễ một khi hạt giống tuệ giác còn nảy mầm thì nó vẫn phát triển thành khu rừng tư tưởng Phật giáo. Một khi đã xác định được “Duy tuệ thị nghiệp”, tự nhiên tâm sẽ tĩnh, dần bớt đi sự tham chấp trên đời.

Để cùng bàn sâu rộng hơn về nội dung này, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 406 với chủ đề “Duy tuệ thị nghiệp”. Qua đây, chúng tôi hy vọng sẽ giúp những người học Phật luôn tự răn mình phải lấy việc nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp của cuộc đời.

Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo