CUỘC ĐỜI VÀ ĐẠO NGHIỆP CỦA HOÀ THƯỢNG NHƯ HIỂN – CHÍ THIỀN (1861-1933)
Hoà thượng Như Hiển – Chí Thiền với thế danh là Nguyễn Văn Hiển, sinh vào tháng 2 năm Tân Dậu (1861), tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngài sinh ra trong gia đình nhiều đời làm quan như: ông nội là Hộ quốc công (hoặc Tiền quân) Nguyễn Văn Thành, ông ngoại làm Tổng trấn Bắc Ninh,… Theo tác phẩm Lịch sử Đại đức Hoà thượng Phi Lai do Thiện Minh biên soạn cho biết: “Đêm thanh trăng tỏ như tờ, bỗng đâu yến sáng một giờ giữa dinh, Phu-nhơn bà mới cựa mình, tâm thần chuyển động biết mình thọ thai… Nói rằng nằm thấy Phật bà, dắt ông Bồ tát xuống mà hòa quan” [1].
Từ khi mang thai, thân mẫu Ngài phát tâm ăn chay, niệm Phật và làm nhiều việc phước thiện. Khi hạ sanh Ngài, trong dinh trấn lan toả hương thơm rộng khắp khiến lòng người hân hoan. Với mong ước ngài sẽ làm rạng danh gia tộc nên song thân quyết định đặt tên là Nguyễn Văn Hiển. Vì thế, từ thuở nhỏ, Ngài được thân phụ giáo dưỡng nghiêm ngặt cùng với tánh tình của ngài vốn nhân hậu, sống rất mực phi thường và thường giúp đỡ những người khó khăn. Tiếc thay, giữa lúc tuổi thiếu niên trưởng thành thì thân phụ mất sớm, Ngài phải nương vào sự dạy dỗ của thân mẫu cùng với chí tiến thủ bản thân trên con đường học hành [2].
Với tài trí thông minh và học hành hơn người, vua phong Ngài giữ chức Hậu Bố tại tỉnh Khánh Hoà vào năm 1878. Mặc dù có tài nhưng tâm trí không thích hơn thua chốn quan trường nên Ngài âm thầm tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân. Được một thời gian, phong trào tan rã. Từ cuộc đàn áp ráo riết của thực dân Pháp cùng việc lánh nạn vào miền Nam để thoát khỏi sự truy bắt của quan quân triều đình và mật thám Pháp khiến Ngài nhận ra được lẽ thật vô thường của cuộc đời, đồng thời phát tâm xuất gia với với Tổ Phương Minh tại chùa Giác Viên, sau đó đến học đạo cùng tổ Minh Khiêm Hoằng Ân [3] tại chùa Giác Lâm (Gia Định – Sài Gòn). Ngài được bổn sư đặt cho pháp danh là Như Hiển, pháp hiệu là Chí Thiền [4].
Từ đó, Ngài phát tâm chấp tác nhiều việc tại chùa như đóng chuông sáu thời trong suốt ba tháng, đắp nền chùa mỗi ngày với 100 xe đất, bửa củi, gánh nước,… Đồng thời, Ngài phát nguyện nhập thất tu học suốt ba năm và được tổ Hoằng Ân truyền tâm ấn. Bấy giờ, Ngài ra sức hỗ trợ bổn sư xây dựng và quản lý chùa Giác Sơn. Năm 1899 (tức năm Kỷ Tỵ), bổn sư viên tịch, Ngài đảm nhận trụ trì chùa Giác Viên và chùa Giác Sơn. Năm năm sau (tức năm 1904, Giáp Thìn), sau khi giúp đỡ một số nạn nhân bị bão lụt ở Gò Công, Ngài về thăm lại quê nhà và an táng mẫu thân vào ngày 15 tháng Chạp (nhằm ngày 20/1/1905). Lễ chung thất mẫu thân hoàn mãn vào tháng 3/1905, Ngài từ biệt chư Tăng hai chùa Giác Viên và Giác Sơn đi về hướng núi Cấm (Châu Đốc) ẩn tu. May thay được sự giúp đỡ của ông Năm Thanh cùng sự thiết tha cầu học Phật pháp, các vị hương chức và tín đồ Phật tử tại địa phương đã cung thỉnh Ngài về làm trụ trì chùa Phi Lai (Châu Đốc).
Từ năm 1907 đến năm 1933, Hoà thượng Chí Thiền đã có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc tỉnh An Giang nói riêng, miền Nam Việt Nam nói chung. Theo Nguyễn Lang nhận định trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận rằng: Từ khi xuất gia với tổ Hoằng Ân cho đến hành đạo tại chùa Phi Lai, không ai biết Hoà thượng Chí Thành (tức Như Hiển Chí Thiền) xuất thân từ nhà quyền quý và có học. Về sau, nhân dịp ghé thăm chùa Phi Lai, tổ Phổ Huệ (chùa Tịnh Lâm, Bình Định) phát hiện xuất thân của ngài Chí Thành mà làm bài kệ tặng:
“Đương thế Phi Lai chân đạo tôn
Chí Thành khí sắc cổ phong tồn
Phong lưu bất tẩy tâm thường tịnh
Diệu nghĩa năng tham tự tính dung
Vân khứ vân lai vô trú trước
Hoa khai hoa tạ tổng thành không
Phong quang hảo cực tư thời tặng
Sạ nhược linh san lạc bất ung” [5].
Bên cạnh đó, ông Ngư Khê (Vĩnh Long) cũng đã tán thán hành trạng của Tổ sư Phi Lai là “công đức khả gia xưng Bồ tát”. Năm 1933, trước khi thị tịch, Ngài đã khuyến tấn hàng đệ tử tu học và đọc kệ sau:
“Nhất niệm viên quang tội tánh không,
Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh” [6].
Ngài hành đạo được 52 năm (1881-1933), viên tịch vào ngày 10 tháng 3 năm 1933 (nhằm ngày 15 tháng 2 năm Quý Dậu), trụ thế 73 tuổi. Bảo tháp của Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền được chúng đệ tử tôn trí tại chùa Phi Lai. Ngài được Hoà thượng Khánh Anh tán dương là vị chân tu bậc nhất. Tác giả Thích Đức Quang trong bài viết “Tổ sư Phi Lai – một đại sĩ hoá thân” cũng đã nhìn nhận Ngài là “một chí sĩ yêu nước, một đại sĩ cứu khổ ban vui, một Tổ sư nối pháp truyền đăng chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời hiện đại” [7].
ĐÓNG GÓP CỦA HOÀ THƯỢNG CHÍ THIỀN ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP
Thứ nhất về mặt xây dựng và phát triển tự viện, sau một thời gian theo tổ Hoằng Ân học đạo, Ngài đã “cùng Bổn sư lo xây dựng ngôi Tam bảo Giác Sơn. Ngôi chùa được khánh thành, Bổn sư cử Ngài làm Thủ toạ coi sóc trong ngoài chùa Giác Sơn” [8]. Đến năm 1899, bổn sư viên tịch, Ngài đảm nhận trách nhiệm trụ trì và hướng dẫn chư Tăng chùa Giác Viên và Giác Sơn tu học. Sáu năm sau (tức năm 1905, Ất Tỵ), sau khi hoàn mãn lễ chung thất, ngài từ biệt chúng Tăng ở chùa Giác Viên và Giác Sơn về núi Cấm (Châu Đốc, An Giang) để trụ trì chùa Phi Lai. Đồng thời, cảm động trước những việc làm cứu tế xã hội, sư Lục Cả của chùa Tà Lạp (Campuchia) đã dâng cúng cho Hoà thượng Chí Thiền một pho tượng Phật cổ bằng vàng để tôn trí thờ cúng tại chùa Phi Lai. Việc làm này đã thắt chặt đạo tình Phật pháp của hai quốc gia lúc bấy giờ.
Thứ hai về phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Chí Thiền đã hỗ trợ về tài chính, giáo dục và lễ nghi Phật giáo. Về tài chính, ngài đã đóng 300 đồng tiền Đông Dương trong buổi họp triển khai hoạt động Chấn hưng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn) do tổ Khánh Hòa chỉ đạo. Về giáo dục, Ngài đã giảng dạy cho rất nhiều học Tăng tại chùa Phi Lai và hơn 100 học Ni tại chùa Giác Hoa (Bạc Liêu). Về lễ nghi, Ngài đã chứng minh lễ khai giảng lớp Phật pháp cho chư Tăng tại chùa Giác Hoa vào năm 1927 (Đinh Mão) và chứng minh Đại Giới đàn Trùng Khánh tại Phan Rang, Ninh Thuận vào năm 1929 (Kỷ Tỵ). Sau khi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập, Ngài được xem là “bậc cao kiến, ấy là theo sở hành của các bậc cổ nhân” cho tổ chức Hội Phật học [9]. Ngài tích cực vận động giới xuất gia và tại gia tham gia chấn chỉnh và phát triển ngôi nhà Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ [10].
ĐÓNG GÓP CỦA HOÀ THƯỢNG CHÍ THIỀN ĐỐI VỚI DÂN TỘC VIỆT NAM
Về hạnh nguyện lợi tha, năm 1904 (Giáp Thìn), sau trận bão lụt gây thiệt hại thảm khốc cho người dân xứ Gò Công, được sự hỗ trợ của chư Tăng và người dân, tổ Chí Thiền đã cứu rất nhiều người bị nước cuốn trôi. Với tâm từ bi bao la của một vị đại sĩ dấn thân, ngài đã tổ chức lễ siêu độ cho những nạn nhân tử vong và cấp phát cho những người còn sống [11]. Ba năm sau (tức năm 1907, Đinh Mùi) khi đang trụ trì tại chùa Phi Lai, một trận lũ lụt phá hoại mùa màng người dân, Ngài đã đem thực phẩm trong chùa ra cứu trợ cho người dân, đồng thời kêu gọi mọi người lên chùa tránh lũ một thời gian. Nhân đó, ngoài việc lập đàn Dược Sư trong 49 ngày cầu nguyện cho nhân dân an cư lạc nghiệp, còn ngài phát nguyện ăn uống đạm bạc như rau trái và ngũ cốc trong 12 năm để chịu khổ cực thay cho những người dân xứ Châu Đốc.
Về mặt kháng chiến cứu nước, trước khi xuất gia, Ngài đã tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân. Sau khi xuất gia, Ngài vẫn âm thầm giúp đỡ các phong trào yêu nước, sắp xếp những buổi đàm luận với nhiều chí sĩ yêu nước, trong đó có cụ Phan Bội Châu. Chính việc làm đó khiến cho mật thám Pháp nghi ngờ và ra lệnh bắt giam ngài trong 10 tháng tại Sài Gòn. Những việc làm ích nước, lợi dân của ngài trong giai đoạn chống Pháp đã góp phần vào phong trào yêu nước bấy giờ.
Tóm lại, với hạnh nguyện tự lợi và lợi tha, tâm từ bi bao la và trí tuệ rộng lớn của một vị đại sĩ hoá thân trong bối cảnh đất nước thời Pháp thuộc là tấm gương rạng ngời với nhiều đóng góp tích cực cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Ngài là vị Tăng tài xuất chúng, đóng góp cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày một phát triển rạng ngời trong lòng dân tộc. Ngài là vị “tiêu biểu cho thế hệ danh Tăng ở miền Tây Nam Bộ, đóng góp công sức rất lớn cho phong trào chấn hưng, mà lịch sử mãi còn kính ghi, khắc lại tưởng niệm đời đời” [12].
Chú thích:
* Đại đức Thạc sĩ Thích Thiện Mãn.
[1] Thiện Minh (1994), Lịch sử Đại đức Hòa thượng Phi Lai, Nhà in Xưa và Nay, Sài Gòn, tr.3.
[2] Thích Đồng Bổn (biên soạn, 2017), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX (tái bản lần thứ nhất), tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.80.
[3] Tổ Minh Khiêm Hoằng Ân (1850-1914): là đệ tử của Đại lão Hoà thượng Tiên Giác Hải Tịnh (chùa Giác Lâm, Chợ Lớn). Trước khi ngài Tiên Giác tịch đã giáo phó trưởng tử Minh Vi Mật Hạnh trụ trì chùa Giác Lâm, còn Hoà thượng Minh Khiêm Hoằng Ân đảm nhận trụ trì chùa Giác Viên khi mới 20 tuổi. Ngài Hoằng Ân là người đã chú giải quyển Tỳ ni nhật dụng yếu lược.
[4] Thích Đức Quang (2022), “Tổ Phi Lai – Một đại sĩ hoá thân”, Phật giáo, đăng ngày 15/06/2022, truy cập ngày 17/2/2023. Nguồn: https://phatgiao.org.vn/to-su-phi-lai-mot-dai-si-hoa-than-d54025.html. Tham khảo trong tác phẩm Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX (tập 1) do Thích Đồng Bổn biên soạn (2017), Sđd, tr.80 ghi pháp danh Hoà thượng Chí Thiền là “Như Hiền” chứ không phải là “Như Hiển”. Tham khảo Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.794 đều gọi Tổ Phi Lai là thiền sư Chí Thành. Theo quan điểm Trương Ngọc Tường cho rằng gọi pháp hiệu Chí Thiền nhằm cử tên ông nội là Nguyễn Văn Thành và thân phụ là Nguyễn Công Thành. Hoà thượng Chí Thành (hay Chí Thiền) trụ trì chùa Phi Lai khác với thiền sư Chí Thành, trụ trì chùa Tam Thai (Quảng Nam).
[5] Nguyễn Lang (2000), Sđd, tr.795-796.
[6] Đây là hai câu thơ trong bài kệ Sám Ngã niệm, được tác giả Hạnh Cơ dịch là: “Nguyện cùng pháp giới đại đồng. Viên quang thanh tịnh dứt vòng tử sinh” (Nguồn: https://hoavouu.com/a25476/sam-nga-niem).
[7] Thích Đức Quang (2022), “Tổ Phi Lai – Một đại sĩ hoá thân”, bài viết đã dẫn.
[8] Thích Đồng Bổn (2017), Sđd, tr.80.
[9] Thích Khánh Hòa (1929), “Hành trình nhựt ký đi cổ động cuộc sáng lập tòng lâm Phật giáo hội”, Pháp Âm, tr.40-48.
[10] Thích Đồng Bổn (2017), Sđd, tr.82-83.
[11] Từ Bi Âm (1932), “Tiểu sử của Hoà thượng chùa Phi Lai”, Từ Bi Âm, Sài Gòn, số 16, tr.40-43.
[12] Thích Đồng Bổn (2017), Sđd, tr.83.