Vai trò của Tổ đình Phi Lai và Tổ sư – Hòa thượng Thích Chí Thiền với đạo pháp và dân tộc (Phát biểu chỉ đạo) (HT.TS Thích Thiện Nhơn)

Trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam, vào nửa đầu thế kỉ XX, tại vùng đất Nam Bộ đã ghi nhận vai trò lịch sử của Tổ đình Phi Lai, một trong những chốn tổ của Phật giáo Việt Nam tại Nam Bộ. Nơi đây đã chứng tích tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân to lớn của tổ Như Hiển – Chí Thiền, một danh Tăng tiêu biểu trong sự nghiệp tham gia đào tạo tăng tài góp phần tạo tiền đề quan trọng cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, phổ lợi chúng sanh. (Ảnh: Đăng Huy)

Hơn 2.000 năm có mặt tại nước ta, Phật giáo Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc, song thời nào Phật giáo cũng lấy đức Từ bi để giáo hoá chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Phật giáo Việt Nam luôn xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành và không ngừng cống hiến cho dân tộc. Trong mỗi thời kì, mỗi giai đoạn, mỗi vùng đất mà Phật giáo có mặt, đều sản sinh ra những bậc danh Tăng thạc đức, làm thạch trụ cho tòng lâm, rường cột Phật giáo nước nhà để bá tánh, tín đồ nương tựa. Trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam, vào nửa đầu thế kỉ XX, tại vùng đất Nam Bộ đã ghi nhận vai trò lịch sử của Tổ đình Phi Lai, một trong những chốn Tổ của Phật giáo Việt Nam tại Nam Bộ. Nơi đây đã chứng tích tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân to lớn của tổ Như Hiển – Chí Thiền, một danh tăng tiêu biểu trong sự nghiệp tham gia đào tạo Tăng tài góp phần tạo tiền đề quan trọng cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, phổ lợi chúng sanh.

Với tất cả tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với tổ Như Hiển – Chí Thiền, nhân lễ tưởng niệm lần thứ 90 ngày viên tịch Tổ sư, nhằm nêu cao tinh thần “ẩm thủy tri nguyên”, để tưởng niệm, kế thừa và tiếp tục phát huy sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, phổ lợi chúng sanh của Hòa thượng Chí Thiền, Môn phong Tổ đình Phi Lai phối hợp với Văn phòng 2 Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: Công đức và đạo hạnh của Tổ sư Như Hiển Chí Thiền – Tổ đình Phi Lai: “Hội tụ và lan tỏa”. Đây là dịp để chư Tôn đức, các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá một cách khoa học, khách quan về Tổ đình Phi Lai cùng Tổ sư Chí Thiền đối với phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân lẫn sự nghiệp giáo dục, đào tạo Tăng tài. 

Hội thảo khoa học lần này sẽ là dịp để tất cả chúng ta cùng nhau làm sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc, mà ở đó, mỗi sự kiện trọng đại của đất nước và Phật giáo đều hiện hữu những bước chân gắn bó đồng hành dạt dào lòng yêu nước và tận tụy hy sinh gian khổ của các bậc tiền bối Tăng già.

Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền (1861-1933) là một trong những bậc danh Tăng tiêu biểu ở miền Tây Nam Bộ nửa đầu thập kỷ XX đã góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, nơi chốn Tổ Phi Lai, được xem là một trong những cái nôi đào tạo Tăng tài nổi tiếng ở vùng Tây Nam Bộ. Cùng với những đóng góp to lớn trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ngay từ những năm 1930, Tổ đình Phi Lai cũng là nơi xuất phát các hoạt động cho cách mạng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. 

Xuất thân trong gia đình nhiều đời làm quan, tuy nhiên, Ngài cảm nhận sâu sắc về đời sống vô thường, danh lợi là ảo mộng. Chí xuất trần bộc phát, vào năm 1881, Ngài đến chùa Giác Viên xin xuất gia học đạo với tổ Phương Minh, được Tổ thâu nhận làm đệ tử với pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền nối pháp đời thứ 39 của dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ. Sau đó, Ngài được bổn sư giới thiệu đến học đạo và cầu pháp với tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân – bậc danh Tăng lỗi lạc đương thời (chùa Giác Lâm).

Tổ đình Phi Lai và tên tuổi của tổ Chí Thiền đã đi vào lịch sử, gắn liền với vùng đất con người, quê hương vùng Tây Nam Bộ. (Ảnh: Đăng Huy)

Năm Canh Ngọ (1900), trên bước đường vân du, hoằng pháp lợi sanh, Tổ vào vùng núi Cấm (Thất Sơn – An Giang) ẩn dật tu hành. Sau đó được chư sơn môn cung thỉnh về trụ trì Tổ đình chùa Phi Lai tại Châu Đốc. Tổ đã cùng bổn đạo và hương chức địa phương khẩn hoang khu vực rộng lớn xung quanh chùa để thành lập nông trại làm ruộng. Từ đó, Ngài cùng bổn đạo ra sức tăng gia sản xuất để có tài vật xây dựng lại chùa khang trang và giúp đỡ người dân vùng biên giới trong những lúc khó khăn.

Trong thời gian đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, cũng là lúc Pháp mang theo văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo phương Tây truyền bá vào Việt Nam. Mặt khác, chúng ra sức kỳ thị, chèn ép Phật giáo với mục đích xoá dần tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá truyền thống của người dân Việt. Bấy giờ, Phật giáo không còn được sự ủng hộ như trước. Bản thân Phật giáo lúc này nặng về tín ngưỡng hơn tư duy. Do đó, chư Tôn đức đã ý thức được rằng muốn có sức mạnh thật sự phải cùng nhau đoàn kết, tập hợp trong một tổ chức để chấn hưng đạo pháp, bảo vệ văn hoá truyền thống, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là lý do để chư Tôn đức, cư sĩ có tâm huyết và tinh thần đạo pháp, dân tộc đã quyết tâm chỉnh đốn lại bằng cách mở trường Phật học, dịch kinh điển sang chữ quốc ngữ cho Tăng Ni, Phật tử dễ học, dễ hiểu, xây dựng các cơ sở từ thiện xã hội, xuất bản các tờ tạp chí với mục đích giúp đỡ nhau cùng học Phật và hoằng pháp, nêu cao tinh thần dân tộc. Chương trình học văn hoá cũng được đưa vào giáo dục cho Tăng Ni. Phong trào “Chấn hưng Phật giáo” ở cả 3 miền Trung – Nam – Bắc trong những thập niên 30, 40 của thế kỷ XX đã thổi bùng lên truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với dân tộc và đạo pháp của Tăng Ni, Phật tử. Trong đó, tổ Chí Thiền là người có nhiều tâm huyết và tinh thần hoằng dương Phật pháp. Tổ đã tham gia nhiều công tác giáo dục như mở trường đào tạo Tăng tài, mở lớp Gia giáo, khai mở Giới đàn tấn tu cho Tăng Ni và Phật tử, đặc biệt ủng hộ tích cực cho phong trào Chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ do các bậc tiền bối tâm huyết và tổ Khánh Hoà khởi xướng.

Tổ đình Phi Lai và tên tuổi của tổ Chí Thiền đã đi vào lịch sử, gắn liền với vùng đất con người, quê hương vùng Tây Nam Bộ. Và nơi đây đã hun đúc nên những thế hệ kế thừa, nối tiếp sự nghiệp của Tổ, có thể thấy tiêu biểu như: HT. Hồng Pháp, Hồng Diệu, Hồng Nhẫn, Hồng Nhơn, Hồng Tôi, Hồng Xứng, Hồng Mão, Hồng Nở, Hồng Minh, Hồng Tông, Hồng Thông, Hồng Sáng, Hồng Chương, Hồng Trung; đặc biệt HT. Hồng Tòng – Đại Tăng trưởng (Tăng Thống GHPG Lục Hoà Tăng Việt Nam năm 1952), HT. Hồng Nở – Viện trưởng Viện Hoá đạo GHPGVN Thống Nhất (giai đoạn 1966 – 1973), HT. Nhựt Bình – Chủ tịch HĐTS GHPGVN (giai đoạn 1984 – 2014), HT. Lệ Huy – Chủ tịch HĐTS GHPGVN từ năm 2014 đến nay. 

Dù thời gian có đi qua, không gian có biến đổi, nhưng những công đức và đạo hạnh của Tổ sư đã cống hiến cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp vẫn mãi khắc sâu vào trang sử hào hùng của dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

Trong Hội thảo khoa học lần này, trước tiên, chúng tôi rất hoan hỷ và vui mừng phấn khởi, đó là chư Tăng Ni vốn xuất thân từ Tổ đình Phi Lai trong thời đại ngày nay đã tích cực, góp phần công sức đáng kể vào sự nghiệp xương minh Phật pháp, chung tay xây dựng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh. Tôi thiết nghĩ có được kết quả khả quan này là nhờ hàng hậu học biết kế thừa và phát huy những truyền thống cao quý của các bậc tiền nhân; một trong những truyền thống tốt đẹp đó chính là tinh thần tri ân, báo ân, noi gương các bậc tiền nhân trên bước đường tu hành giác ngộ giải thoát và nhập thế độ sanh. Qua Hội thảo lần này, hàng hậu bối của tông phong Tổ đình Phi Lai đã nói lên trọn vẹn tư tưởng nhân văn sâu sắc đó. Đồng thời, chúng ta cần thiết tập trung thảo luận những vấn đề cơ bản sau đây.

Thứ nhất: Hội thảo khoa học lần này sẽ là dịp để tất cả chúng ta cùng nhau làm sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc, mà ở đó, mỗi sự kiện trọng đại của đất nước và Phật giáo đều hiện hữu những bước chân gắn bó đồng hành dạt dào lòng yêu nước và tận tụy hy sinh gian khổ của các bậc tiền bối Tăng già. Qua đó sẽ đóng góp vào kho tàng văn hóa và lịch sử Phật giáo nước nhà nguồn tư liệu giá trị về truyền thống yêu nước, tinh thần nhập thế độ sanh của Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, tại Hội thảo lần này, chúng ta cần tập trung nghiên cứu, phân tích để ghi nhận, tôn vinh những đóng góp quý báu của Tổ đình Phi Lai lẫn tổ Chí Thiền đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xương minh Phật pháp và đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong công tác đào tạo Tăng tài. Từ đó nêu bật lên vai trò và vị trí của tổ Chí Thiền đối với đạo pháp và dân tộc trong một giai đoạn lịch sử.   

Thứ hai: Cần làm rõ quá trình ra đời và phát triển của Tổ đình Phi Lai cũng như đánh giá nghiêm túc, khoa học hành trạng của Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền; Những công đức to lớn của Hòa thượng trong tinh thần nhập thế, đặc biệt là công tác xã hội.

Thứ ba: Cần tập trung đánh giá có cơ sở và bằng dữ liệu chứng cứ khoa học về quá trình giáo dục, đào tạo Tăng tài cho Phật pháp, đặc biệt là thế hệ hậu bối kế thừa dòng Thiền của Tổ, đóng góp cho sự nghiệp ổn định và phát triển qua từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam.

Thứ tư: Hội thảo cần hướng đến những đề xuất, định hướng, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát huy các truyền thống cao đẹp, tính nhân văn của chốn Tổ Phi Lai và Tổ sư Chí Thiền trong công cuộc phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời đại mới. 

Tôi mong rằng, Hội thảo này sẽ nhận được nhiều bài tham luận, ý kiến phát biểu từ các bậc tôn túc, nhà nghiên cứu, khoa học, các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, học giả… để làm sáng tỏ hơn về ý nghĩa đề tài trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Từ đó, chúng ta tiếp tục nỗ lực khắc phục những hạn chế còn tồn đọng và phát huy, kế thừa những mặt tích cực để làm sáng tỏ hơn chủ đề Hội thảo. Đây không chỉ là dịp để tưởng niệm mà còn là một cơ hội nhắc nhở thế hệ học tăng kế thừa ghi nhớ về một bậc long tượng của đạo pháp, một nhân sĩ yêu nước, từ đấy sách tấn thế hệ Tăng, Ni trẻ rường cột của GHPGVN trong tương lai không ngừng nỗ lực tiến tu phục vụ Giáo hội.

Hội thảo khoa học này của chúng ta sẽ tập trung giải quyết tốt 04 vấn đề trên như một nén tâm hương dâng lên để tưởng niệm 90 năm ngày viên tịch của tổ Chí Thiền. 

Một lần nữa, tôi xin bày tỏ tinh thần phấn khởi vui mừng được cùng chư Tôn đức và quý vị học giả ôn lại một chặng đường lịch sử đầy gian khổ nhưng cũng rất tự hào vinh quang của dân tộc và Phật giáo nước nhà. Niềm tự hào và vinh quang đó chính là những cống hiến to lớn mang ý nghĩa lịch sử của chư vị Tổ sư nơi Tổ đình Phi Lai. Tiếp nối truyền thống cao đẹp của chư vị Tổ sư, GHPGVN đã và đang viết tiếp vào trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam, tiếp tục khẳng định chỗ đứng của Phật giáo trong lòng dân tộc. Với bản chất từ bi, yêu tự do, yêu hoà bình, tôn trọng sự sống, GHPGVN hôm nay với phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” luôn tích cực trong các phong trào tương thân tương ái, giúp đỡ cộng đồng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết của Phật giáo trong lòng dân tộc. Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!\