Văn tưởng niệm Hòa thượng Thích Chí Thiền (sưu tập Tạp chí Từ Bi Âm)

Tôi xin bạch cùng chư sơn thiền đức và quý vị Thiện-tính đặng rõ:

Nay tôi thay mặt cho Hội Nam kỳ Nghiên-Cứu Phật-học mà tới trước huyệt nầy, tỏ lòng bi-cãm cùng một vị Hội-viên thường trợ của Bổn-hội mới viên-tịch, là Hòa-thượng Chí-Thiền ở chùa Phi-lai.

Ngài là người ở xã Viêm-sơn, huyện Duy-xuyên, tỉnh Quảng-nam xứ Trung-kỳ. Ngài vẫn sanh trưởng trong nhà Phiệt-duyệt; nhưng Ngài không lấy cảnh phú-quý làm vui, cuộc công danh làm thích, quyết tìm đường giải thoát để ngày sau khua chuông kỉnh tỉnh, thức kẽ trầm mê, nên lúc đương thời còn tuổi trẻ, mà Ngài đã có cái chí nguyện xuất trần.

Khi Ngài 20 tuổi vào xứ Nam-kỳ, thì từ ban-sơ hành đạo chùa Giác-viên (Cholon) cho đến lúc trụ tích chùa Phi-lai nầy, trước sau trong mấy mươi năm, khi thì Ngài phát nguyện chuẩn cứu cho những người bị phong nạn ở Gò-công, lòng bi-mẫn đã cảm cùng chư Phật, khi thì Ngài phát tâm tế độ cho những kẻ bị thủy-nạn ở hạt Châu-đốc, tiếng nhơn tư lại nghe đến thượng-quan. Vì vậy cho nên lại xứ Nam-kỳ nầy trong từ chư-sơn thiền-đức, ngoài đến thập-phương đàn-việt ai ai cũng khâm-phục chỗ hành vi chánh đáng của Ngài.

Sự tự-tu và lòng cấp-nạn của Ngài như vậy, ai thấy cũng đều xưng tụng, nhưng Ngài đã lấy làm mãn nguyện đâu. Bỡi vì trong khoản 20 năm trước, Ngài xem thấy cái hiện trạng Phật pháp trong xứ Nam-kỳ càng suy đồi, Tăng-đồ trong chốn Tòng-lâm càng giải đải, còn những người thiện-tín thì chỗ xu-hướng càng ngày càng sai lầm, khiến cho Ngài càng mục kích chừng nào, càng thêm nóng nãy tấm lòng vì đạo chừng nấy mà tự nghĩ rằng: “Nếu độ người về phần vật-chất thì không bằng độ người về phần tinh-thần”.

Nên trải mấy phen, Ngài hỏi tìm những bạn tri-thức, đặng hiệp nhau mà đề xướng cái chủ-nghĩa “Trùng hưng Phật-giáo chỉnh đốn Tăng-già” để bảo tồn chánh đạo trong lúc ma cường pháp nhược.

Ngờ đâu, thời tiết còn chờ, nhơn duyên chưa gặp, làm cho Ngài phải lao tâm phí thần về cái chủ-nghĩa ấy đã mấy năm trường.

Qua năm 1929, nhầm năm kỷ tị Annam. Ngài nghe chư-sơn hiệp lại chùa Linh-sơn ở Sài-gòn, mà lo trùng hưng Phật-giáo, thì Ngài có nguyện cúng ba trăm đồng (300$00).

Đến nay 1930, Ngài vừa nghe hội Nam-kỳ Nghiên-Cứu Phật-Học thành lập, thì Ngài khôn xiết vui mừng; nhưng ngày ấy, Ngài đã già yếu (71 tuổi), không đích thân đi đến nơi được, bèn gửi thơ tới Hội mà tỏ lòng vì đạo của Ngài trong mấy nhiêu năm, lại xin vào hàng Hội-viên thường-trợ đặng chung lo cho đạo. Như vậy thì cái tâm nhiệt thành của Ngài đối với Phật giáo đáng nên cảm trọng biết dường nào.

Thương thay cho Ngài! Hạnh tự-tu đã tròn, nguyện lợi-tha lại lớn, thiệt cũng một bực người thiền môn long lượng ít ai sánh bằng. Hội chúng tôi cũng tưởng trăm năm cõi thọ, ngày tháng còn dài, mà nhờ ngọn nêu đạo đức của Ngài chỉ huy cho khánh Tòng-lâm, đặng đi theo con đường liên lạc và nhờ mãnh kính nhơn từ của Ngài chiếu rọi cho đoàn hậu-tấn, đặng dòm theo cái ánh quang minh, hầu một ngày kia hội Phật-học khoách-trương thêm rộng, tiếng Từ-Bi truyền bá khắp nơi, khiến ai ai cũng bỏ thói riêng tư mà lo phần công lợi, thì Hội chúng tôi đặng vẻ vang đặc sắc, mà Ngài cũng mỹ mãn cái chí nguyện bình sanh.

Hay đâu, thân tứ-đại nay vầy mai khác, cảnh phù-sanh giục dã kiếp người. Trong khi Ngài nhuốm bịnh nặng có cho người đến mời hội chúng tôi; lúc ấy tôi đi khỏi, nhưng có Hòa-thượng Lê-Khánh-Hòa và ông Commis Chấn, là Phó-nhứt và Phó-nhì Hội-trưởng thân hành đến nơi, thì Ngài có phú chút việc chùa ngày sau cho Hội.

Không ngờ, cách đó mấy hôm mà Ngài đã hóa ra người thiên-cổ. Ôi! Cái cảnh đau đớn ấy chẳng những làm cho môn-đồ và bổn đạo của Ngài, đêm xem bắc-đẩu ngày ngó thái-sơn mà đứt mấy đoạn viên-trường và tuông mấy hàng giao-lệ đó thôi, cho đến chư-sơn thiền-đức và thập-phương đàn-việt cũng thương tiếc đạo hạnh của Ngài mà cưu buồn rước thảm. Vậy thì tình bi-cảm của Hội chúng tôi đối với Ngài có thể gì mà miêu tả đặng nữa.

Nếu ngày sau, môn đồ của Ngài biết thừa theo chỗ chí-hướng và tuân theo lời di-chúc của Ngài trong lúc sanh tiền mà đến yêu cầu, thì Hội chúng tôi cũng sẵn lòng bảo hộ cho được hoàn mỹ, đặng thỏa mãn cái giác linh của Ngài ở nơi minh mịch, chớ có lẻ nào dám phụ.

Than ôi! Trăm năm nữa giấc, một khắc ngàn thu: nay chính là ngày vỉnh-quyết của Ngài, không thể gì chiêm ngưỡng tôn nhan đặng nữa. Vậy nên tôi thay mặt cho Hội Nam-Kỳ Nghiên-Cứu Phật-Học mà đến đây, đặng tỏ lời bằng-điếu, rồi sắp tạo bài-vị của Ngài thờ tại chùa Linh-sơn, là Hội-quán, để ngày đêm hương hoa cúng dường và cầu nguyện cho Ngài siêu sanh Tịnh-độ, mà thù-đáp công đức Ngài và tỏ dấu cảm hoài của anh em trong Hội.

Ôi! Xác gửi cõi Trần, hồn chơi cảnh Phật, đốt tâm-hương un khối hồng vân, kính đưa Tiên-giác; mượn hoa-bút tả lời bạch-kệ, biểu chút hạ tình; ba lạy kiều cần, muôn trông chứng giám.

Ngài là người ở xã Viêm-sơn, huyện Duy-xuyên, tỉnh Quảng-nam xứ Trung-kỳ. Ngài vẫn sanh trưởng trong nhà Phiệt-duyệt; nhưng Ngài không lấy cảnh phú-quý làm vui, cuộc công danh làm thích, quyết tìm đường giải thoát để ngày sau khua chuông kỉnh tỉnh, thức kẽ trầm mê, nên lúc đương thời còn tuổi trẻ, mà Ngài đã có cái chí nguyện xuất trần.

Bổn-chí thiệt cũng lấy làm kính trọng thương tiếc cho Hòa-thượng Phi-Lai, vì Ngài là người ở trong trương phú quý mà coi như một giấc xuân-mộng, không hề quan-niệm đến hai chữ danh lợi.

Song chẳng những như vậy mà thôi, Ngài lại còn biết lánh chốn trần-hiêu, tìm đường giải-thoát, chẳng từ muôn dặm xa khơi, vượt biển trèo non vào xứ Nam-Kỳ nầy mà tầm sư học đạo. Thiệt cái chí hướng siêu việt ấy, tưởng không phải thủ-đoạn của người đại-trượng-phu thì chẳng có thể nào làm được.

Đã vậy mà trong mấy chục năm tu hành, chẳng những Ngài trường trai, thủ giái, tham thiền, nhập định mà lo phần tự-độ đó thôi, ngoài ra Ngài còn làm lắm sự công đức, biết làm chay cầu an cho nhơn loại và biết xuất của cứu nạn cho đồng bào, cũng một bực người ít có.

Thế mà đến lúc vãn niên, Ngài lại vào Hội N.K.N.C.P.H mà chung lo cho đạo, là ý Ngài muốn khoách trương cái chủ nghĩa “Hoằng Pháp lợi sanh” để quay chuyển cái tư tưởng điên đảo của người đời mà đem về nơi cảnh giải vô-vi thanh tịnh.

Nhưng tiếc thay! Ngài vào Hội chưa được bao lâu, mà đã yểm thân hữu-lậu, nhẹ bước tây qui, làm cho những người đồng Hội với Ngài, ai ai cũng thương vi đạo-hạnh, cũng trọng vì bi-tâm, mà khôn xiết nỗi buồn nỗi thảm.

Ôi! Chỗ hành tàng của Ngài, trước sau trong mấy chục năm, giới tròn hạnh đủ, công vẹn phước toàn; thiệt cũng đáng ghi tạc, ngàn thu mà đăng danh vào trong Phật sử.