Trong dòng chảy lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam tại vùng đất Tây Nam Bộ, tất cả Tăng Ni, tín đồ Phật tử luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức bất phàm của Thiền sư Như Hiển – Chí Thiền, mọi người thường gọi là tổ Phi Lai. Chín mươi năm tổ Phi Lai đã trở về cõi Niết bàn, nhưng cuộc đời, đạo hạnh và những hành trạng của Người đã trở thành bất tử. Cuộc đời và sự nghiệp của tổ Phi Lai là sự kết tinh và tỏa sáng của những gì ưu tú nhất, tốt đẹp nhất của nhân cách, phẩm chất, trí huệ và đạo đức cho Tăng Ni, tín đồ Phật tử trong và ngoài khu vực Tây Nam Bộ học tập, noi theo. Để hàng hậu bối học tập và làm theo tấm gương của bậc xuất trần thượng sĩ, với tư cách là hàng hậu học, tôi xin trình bày tham luận “Tổ Phi Lai tấm gương đạo đức bất phàm”, để thấy rằng nhân cách, phẩm chất, đạo đức của bậc tiền bối đã vượt không gian, thời gian.
Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, tổ Phi Lai là một trong những danh Tăng có tầm ảnh hưởng sâu rộng tại vùng đất Tây Nam Bộ nói chung và ở vùng Châu Đốc nói riêng. Khi đề cập đến sự ảnh hưởng này, mỗi người dưới từng góc độ nghiên cứu khác nhau, đưa ra những lý giải khác nhau. Nhưng đều có chung nhận định, tổ Phi Lai là một trong những bậc danh Tăng kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng lớn của Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ, góp phần công đức to lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà, đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni, có những vị trở thành bậc lương đống của Phật giáo Việt Nam qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử Phật giáo nước nhà.
Khác nhau về mặt nghiên cứu, nhưng về mặt biện chứng khoa học, một câu hỏi được đặt ra là tại sao khi dấn thân hành đạo tại vùng đất Thất Sơn huyền bí, chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng uy đức của tổ Phi Lai được lan tỏa khắp Tây Nam Bộ. Theo tôi, có bốn vấn đề: Thứ nhất, đó là sự bình thường nhưng vĩ đại trong đời sống tu hành của tổ Phi Lai; Thứ hai, tinh thần “hạnh giải tương ưng” của bậc xuất trần, nói theo ngôn ngữ hiện đại, đó là việc truyền đạo và hành đạo theo cấu trúc “Thực hành sinh hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận và lý luận lãnh đạo thực hành” nên đã làm uy đức của Người tỏa rạng; Thứ ba, nhu cầu học tập giáo lý của Tăng Ni, tín đồ Phật tử tại vùng Châu Đốc rất lớn, cho nên sự hiện diện của tổ Phi Lai vào thời điểm này là khế thời; Thứ tư, tổ Phi Lai đã kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần “Đạo tục dung thông” trong việc phụng đạo giúp đời.
Hội thảo 90 năm ngày Tổ sư viên tịch, chính là dịp để chúng ta phân tích một cách khoa học đối với bậc cao Tăng kiệt xuất, những hành trạng của Người để lại cho hậu thế học tập và noi theo trong xu thế kết nối toàn cầu hiện nay của Tổ quốc Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Như chúng ta biết, trong công cuộc khai hoang lập ấp của các cư dân người Việt tại vùng đất mới Nam Bộ, Phật giáo là một trong những ý thức hệ mà những người dân đi mở đất mang theo, được dung hóa với nền văn hóa hiện có để tạo thành Phật giáo Nam Bộ với những đặc thù của mình. Tuy nhiên ở giai đoạn này, Phật giáo tại Tây Nam Bộ có những khó khăn nhất định về mặt khách quan và chủ quan, chưa tập hợp được nguồn nhân lực hiện có, bên cạnh đó có những hạn chế và tiêu cực trong một bộ phận Tăng, Ni tại địa phương Châu Đốc và các tỉnh trong vùng cần được chấn chỉnh để Phật giáo tiếp tục là hệ tư tưởng chủ đạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam vững mạnh.
Tây Nam Bộ là vùng đất mới, vùng đất hội tụ của nhiều dân tộc, tiếp biến của nhiều nền văn hóa khác nhau. Qua đó, người dân Tây Nam Bộ rất bình dị, chân thật, phóng khoáng và rất nhân văn, đặc biệt là có tư tưởng rất thoáng, kiến thức mở, ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, cộng với bối cảnh xã hội Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX có nhiều biến động; Phật giáo của xã hội nông nghiệp cổ truyền không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của các cư dân Tây Nam Bộ trước giai đoạn lịch sử này. Mặc dù Phật giáo vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng đến giai đoạn này, sự ảnh hưởng không cao như buổi đầu có mặt tại Tây Nam Bộ bởi vì những lý do khác nhau.
BỐI CẢNH XÃ HỘI TÂY NAM BỘ VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA TỔ PHI LAI
Như chúng ta biết, những lưu dân người Việt khi đến vùng đất Tây Nam Bộ đều gặp phải nhiều khó khăn trong sinh cơ lập nghiệp, cho nên người dân Tây Nam Bộ đối xử với nhau rất chí tình chí nghĩa, tạo nên đức tính cao đẹp là trọng nghĩa khinh tài, vì nghĩa quên mình, bộc trực, hào phóng, sống rất thực tế, khí khái và độ lượng. Do đó, chúng ta không lấy làm lạ là tại sao người dân Tây Nam Bộ lại cưu mang tất cả.
Sau khi tổ Phi Lai xuất gia và đắc pháp với Thiền sư Minh Mai – Phương Minh đời thứ 39 Thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều, được Thiền sư Minh Khiêm – Hoằng Ân truyền trao tinh hoa Phật học, ứng phó đạo tràng, Người đến vùng Thất sơn hoằng khai Thích chủng và luôn được các bậc Tôn trưởng địa phương quý trọng, đồng hành đồng sự trong Chánh pháp.
Từ những ý nghĩa nêu trên, tổ Phi Lai đã cùng các bậc Tôn trưởng địa phương thực hiện việc chỉnh đốn Tăng già, mở lớp Gia giáo truyền dạy Phật pháp, mở đàn truyền giới… theo phương thức “4 K” một cách linh hoạt, sáng tạo. Chữ “K” đầu tiên, đó là “Kế thừa”, tức là tổ Phi Lai đã cùng các bậc Tôn trưởng địa phương giữ gìn và phát huy những gì hiện có để thu phục nhân tâm, xúc tiến việc chỉnh đốn Tăng đoàn có lộ trình, cho nên được sự đồng thuận của Tăng Ni, tín đồ Phật tử. Chữ “K” thứ hai là “Kết hợp”, tức là tổ Phi Lai đã cùng các bậc Tôn trưởng tổ chức các lớp học Gia giáo về Giới luật, Chánh pháp để truyền thọ những yếu nghĩa lời Đức Phật dạy. Đây là công việc rất khó khăn, bởi vì một thời gian dài việc học tập giáo lý ở đây chủ yếu được truyền dạy từ vị thầy cho đệ tử, chưa tổ chức được lớp học mang tính sư phạm, quy củ, bên cạnh đó đời sống tu học của Tăng Ni mang tính tông môn, pháp phái. Chữ “K” thứ ba, đó là “Kiên trì”, tức là tổ Phi Lai đã cùng các bậc Tôn trưởng kiên trì vận động, thuyết phục để thực hiện mục tiêu đã đề ra đạt kết quả tốt đẹp. Chữ “K” thứ tư, đó là “Kiên quyết”, tức là tổ Phi Lai đã cùng các bậc Tôn trưởng vừa kế thừa, vừa kết hợp, vừa kiên trì, vừa kiên quyết thực hiện một cách thắng lợi việc tu học nề nếp, từng bước chỉnh đốn Tăng đoàn, truyền dạy Phật học mang tính sư phạm để Tăng, Ni tinh sâu nghĩa lý các giáo nghĩa Phật học, am tường các pháp môn tu học từ thánh giáo môn đến tịnh độ môn. Như thế qua bốn chữ “K”, tổ Phi Lai đã cùng các bậc Tôn trưởng tiến hành thực hiện trọng trách một cách thận trọng, có lộ trình phù hợp và quyết sách cụ thể mang tính khế lý, khế cơ để tạo sự thống nhất trong đa dạng, đồng thuận các Phật sự của Tăng Ni, tín đồ Phật tử bấy giờ. Những công đức của tổ Phi Lai và các bậc Tôn trưởng tiền bối để lại, hôm nay Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang đã, đang thừa hưởng và sẽ phát huy tốt các giá trị mà các bậc tiền bối dày công tạo dựng.
Như vậy, uy đức của tổ Phi Lai có thể cho chúng ta thấy hai vấn đề: Thứ nhất, cư dân luôn tôn kính các bậc chân tu thực học, một lòng vì sự phồn vinh của đất nước, một lòng vì sự xương minh đạo pháp. Do đó, sự có mặt của tổ Phi Lai tại vùng Thất sơn đã đáp ứng cơ bản những nhu cầu của Tăng Ni, tín đồ Phật tử, những người yêu mến Đạo Phật. Dưới một góc nhìn khác, tổ Phi Lai đã sử dụng sở học từ Thiền sư Minh Khiêm – Hoằng Ân, vận dụng và sáng tạo phương cách giảng dạy giáo lý của Đức Phật vừa uyên áo, vừa giản dị, dễ đi vào lòng người. Đơn cử như bài thơ xuất gia (Cạo đầu) của Người:
“Cạo đầu tuy xấu chút mà hay
Ra gió nào lo tóc quẹt mày
Đầu lược không cần, vò chẳng rối
Bụi gàu có dính phủi liền tay (bay)
Mặc tình thế sự còn mai mĩa
Đánh trọc còn gì dỡ với hay
Sự thế hỡi còn bia cửa miệng
Dậu lâm cơn rủi vẫn còn may” [1].
Bằng tâm đức, tài đức, uy đức, thực hiện việc chỉnh đốn Tăng đoàn vùng Châu Đốc một cách khoa học và biện chứng, vì vậy việc tu học, hành đạo, sinh hoạt của Tăng Ni từng bước được chấn chỉnh, đem đạo vào đời bằng tinh thần “Liễu nghĩa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xã nhất pháp”. Song song đó, tổ Phi Lai đã cùng các bậc Tôn trưởng chùa Tây An, chùa Phú Thạnh, chùa Phước Điền, chùa Hòa Thạnh, chùa Giồng Thành tổ chức nhiều trường hương, trường kỳ, lớp học Gia giáo; đặc biệt là việc tổ chức Đại Giới đàn, cử tội và trị phạt theo đúng Hiến pháp thiền gia (Yết ma chỉ nam), phát huy bản thể của Tăng già là đoàn kết hòa hợp và thanh tịnh, giải quyết những việc bất hòa trong nội bộ bằng 07 việc bất thối và 04 việc cần tránh theo lời Đức Phật dạy, vượt qua các dị đồng để cùng chung lo việc đạo việc đời. Nói cách khác, tấm gương đạo đức bất phàm của tổ Phi Lai cũng như tấm gương đạo đức của các bậc Tôn trưởng bấy giờ đã làm cho lời dạy của Đức Phật được áp dụng một cách triệt để vào đời sống thường nhựt. Qua đó, từng bước nội bộ Tăng, Ni tại Châu Đốc đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết hòa hợp, thanh tịnh và lan tỏa sang các vùng khác trong khu vực Tây Nam Bộ. Tổ Phi Lai và các bậc Tôn trưởng bấy giờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo việc dấn thân hành đạo, truyền trì chánh pháp thông qua nhiều phương tiện thiện xảo nhưng cứu cánh vẫn là một. Có thể nói đây là mô hình hoằng pháp mà tổ Phi Lai và các bậc Tôn trưởng đã thực hiện rất thành công trong quá khứ.
TÂM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC BẤT PHÀM
Sự hiện diện của tổ Phi Lai tại vùng Châu Đốc lúc bấy giờ được xem như một hiện tượng về sự đột phá trong việc giữ gìn sự trong sáng của Phật giáo và nhu cầu tiếp cận cái mới của Tăng Ni, tín đồ Phật tử và những người yêu mến Đạo Phật trong vùng. Từ đó, tổ Phi Lai đã để lại tấm gương đạo đức bất phàm cho đến hôm nay.
Từ các vấn đề nêu trên đã cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về tình hình xã hội tại Tây Nam Bộ và tổ Phi Lai đã áp dụng những phương tiện thiện xảo như đã trình bày để lập thân hành đạo, truyền trì chánh pháp. Với tài năng và đức độ của Người, cho nên chùa Phi Lai trở thành một trong những địa chỉ để các bậc Tôn trưởng, những người yêu nước đến đây trao đổi về vận nước, vận đạo; Tổ Phi Lai và các bậc Tôn trưởng Phật giáo An Giang đã nhiều lần đi gặp gỡ, tiếp kiến cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khi cụ về chùa Hòa Thạnh [2] (tục gọi chùa Cây Mít) để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước vào những năm 1921 – 1923; chùa Long Hưng [3] (tục gọi chùa Giồng Thành) vào những năm 1928 – 1929.
Với uy đức của mình, tổ Phi Lai đã thổi một sinh khí học tập Phật pháp một cách quy củ trong Tăng Ni, tín đồ Phật tử vùng Châu Đốc và đã lan tỏa sang các vùng khác của Tây Nam Bộ. Đơn cử, năm 1927, tổ Phi Lai đã tham gia và giảng dạy Phật học tại lớp học đầu tiên dành cho Ni giới tại chùa Giác Hoa, tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh việc mở trường hương, trường kỳ, mở lớp học Gia giáo, tổ Phi Lai cùng các bậc Tôn trưởng bấy giờ khắc phục những hạn chế trong việc truyền và thọ giới tại Châu Đốc. Với uy đức đó, tổ Phi Lai được mời chứng minh Đàn giới tại Phan Rang và Đại Giới đàn các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ.
Tổ Phi Lai không những có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần của Tăng Ni, tín đồ Phật tử khu vực Tây Nam Bộ nói chung và tại vùng Châu Đốc nói riêng, mà còn góp phần quan trọng trong việc lo vận nước vận đạo lúc bấy giờ. Từ ý nghĩa đó, nhiều chùa, nhiều Tăng Ni, tín đồ Phật tử khu vực Châu Đốc đã tích cực tham gia kháng chiến, làm phong phú thêm sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà trong giai đoạn này, là một gạch nối giữa truyền thống và đổi mới trong hành đạo. Chính từ những yếu tố này đã tạo nên một sự hoàn thiện nhân cách, phẩm chất, lối sống đạo đức của Tăng Ni, tín đồ Phật tử Phật giáo An Giang từ khi tổ Phi Lai xã báo thân cho đến tận hôm nay, những dị đồng giữa các sơn môn, pháp phái được khắc phục và hôm nay Phật giáo An Giang là một thể thống nhất trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nói cách khác, tổ Phi Lai hiện diện tại vùng Thất Sơn huyền bí với tư cách là một người có khả năng tạo ra một trạng thái tinh thần, một trạng thái tâm lý hưng phấn cho mọi người, làm động lực cho những sáng tạo có ý nghĩa, sự thăng hoa về đạo tục dung thông tại vùng Châu Đốc và để lại một tấm gương đạo đức bất phàm, một nhân cách vĩ đại, một bước nhảy vọt về đổi mới tư duy trong tu học, hành đạo, sinh hoạt đúng chánh pháp cho đến hôm nay.
KẾT LUẬN
Từ tiền đề của lịch sử, cho chúng ta thấy rằng sự tự thân vận động, một sự đổi mới để bắt kịp sự phát triển của thời đại. Tổ Phi Lai đã vận dụng, phát huy văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những truyền thống có sẵn, đổi mới nó và sáng tạo nó để làm nền tảng trong việc lập giáo tu hành, chấn hưng Phật giáo nước nhà.
Với bốn chữ “K” như đã trình bày, tổ Phi Lai đã vận dụng sáng tạo với tất cả những gì tinh hoa nhất, tích cực nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử, địa lý của Tây Nam Bộ bấy giờ, biến nó thành chất men hội tụ và làm chất xúc tác để Phật giáo Việt Nam luôn là hệ tư tưởng chủ đạo theo tinh thần hộ quốc an dân, làm cho mọi người ở những cương vị khác chăm lo cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng thịnh vượng, Phật giáo Việt Nam luôn xương minh bằng chính sự đoàn kết hòa hợp, thanh tịnh của Tăng già; luôn phát huy cao độ trí huệ và dũng khí của chính mình để lo cho đạo pháp và dân tộc.
Trong xu thế kết nối toàn cầu hiện nay, tấm gương đạo đức bất phàm của tổ Phi Lai cần được đúc kết thành những bài học kinh nghiệm về bài học của sự đoàn kết hòa hợp và thanh tịnh, phát triển trong đa dạng, đồng thuận các Phật sự, mỗi Tăng Ni, tín đồ Phật tử ở từng cương vị khác nhau sẽ tiếp tục học tập và noi gương sự bình dị nhưng vĩ đại của Người, hàng hậu học bằng dũng khí và trí huệ của chính mình làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xương minh thì ngày thêm xương minh, Tổ quốc Việt Nam đã thịnh vượng thì ngày càng thêm thịnh vượng.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang được cơ đồ như hôm nay, có thể khẳng định rằng Ban Trị sự đã, đang kế thừa và phát huy tấm gương đạo đức bất phàm của tổ Phi Lai và các bậc Tôn trưởng của Phật giáo tỉnh nhà. Xin trùng tuyên lại bài kệ do Đức Phật dạy thay cho lời kết.
“Thiện hộ ư khẩu ngôn
Tự tịnh kỳ ý chí
Thân mạc tác chư ác
Thử tam nghiệp đạo tịnh
Năng đắc như thị hành
Thị đại thánh nhân đạo” [4].
Chú thích:
* Hòa thượng Thích Thiện Thống – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang
[1] Theo https:// phathocdoisong.com
[2] Theo https://thamhiemmekong.com
[3] Theo htps://vi.m.wikipedia.org
[4] HT. Thích Minh Thông, Yết ma yếu chỉ, Viện Luật học Huệ Nghiêm.
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, kinh số 48, quyển I, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
2. Viên Chiếu, Tích truyện Pháp Cú, NXB TP. Hồ Chí Minh.
3. Tỳ kheo Thích Đổng Minh, Luật Tứ phần, Nxb. Phương Đông.
4. HT. Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb. Tôn giáo.
5. Thích Chơn Thiện, Tư tưởng kinh Pháp Hoa, Nxb. Tôn giáo.
6. Thích Đồng Bổn, Danh Tăng Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.