Mối liên hệ giữa tổ Thanh Kế – Huệ Đăng và tổ Như Hiển – Chí Thiền (HT. Thích Thiện Xuân)

DẪN NHẬP

Từ khi truyền vào Việt Nam đến nay, Đạo Phật trải qua hàng nghìn năm đã đi vào tâm thức, ảnh hưởng nhiều đến cách nghĩ, cách sống của phần đông người Việt. Tuy có nhiều thịnh suy do những nguyên nhân bên trong cũng như bên ngoài nhưng Đạo Phật từ lâu đã có vai trò quan trọng trong đời sống người Việt, góp phần không nhỏ trong di sản lịch sử và văn hóa của đất nước Việt Nam.

Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Bộ máy cai trị của chúng tại Việt Nam đã làm xáo trộn mọi mặt, từ chính trị đến tôn giáo. Trong khoảng thời gian dài, Phật giáo trở nên mờ nhạt và còn sinh ra các tệ nạn. Mãi đến những năm 1920, phong trào Chấn hưng Phật giáo phát khởi khắp cả ba miền đất nước, như luồng sinh khí mới làm sống dậy tinh thần chánh pháp giúp Phật giáo trở về đúng nghĩa.

Phong trào Chấn hưng Phật giáo xuất phát và lan truyền rộng tại miền Nam nước ta nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hòa thượng Chí Thiền hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Lê Khánh Hòa, chủ xướng phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, xóa nạn thất học Phật pháp cho Tăng Ni, bài trừ mê tín dị đoan, phát huy chánh tín, chánh lý trong giới Tăng Ni, Phật tử. Và ở miền Đông Nam Bộ (Bà Rịa) có một Tổ sư với ý niệm “Cứu quốc không xong, thôi thì cứu đời vậy”. Ngài cũng là một trong những thành viên phong trào Chấn hưng Phật giáo, đó là tổ Huệ Đăng – Thanh Kế, thuộc phái thiền Lâm Tế, dòng thiền Liễu Quán, đời thứ 41.

Tổ Như Hiển – Chí Thiền và tổ Thanh Kế – Huệ Đăng được sinh ra và lớn lên tại miền Trung Việt Nam, gặp nhiều biến cố chính trị nên tư tưởng của nhị vị có nhiều chỗ tương đồng. Tổ Huệ Đăng xuất thân là nghĩa sĩ Cần Vương, sau có duyên lành với nhà Phật đã trở thành gương sáng, biểu tượng cho tinh thần Phật giáo yêu nước và là người “truyền lửa” trọn vẹn tinh thần yêu nước đó cho đệ tử cùng Tông phong của mình. Hành trạng của Ngài vang danh khắp nơi nhất là miền Nam và miền Nam Trung Bộ. Tổ Như Hiển – Chí Thiền khi 18 tuổi được triều đình sắc làm  hạt Khánh Hòa. Ngài bí mật cùng anh mình tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân chống thực dân Pháp. Phong trào thất bại, Ngài lánh nạn vào miền Nam, ở đất Gia Định để tránh sự theo đuổi của quan quân triều đình và mật thám Pháp, Ngài tỏ ngộ lý vô thường, đến xin quy y xuất gia với tổ Phương Minh tại chùa Giác Viên và học đạo với tổ Minh Khiêm – Hoàng Ân tại chùa Giác Lâm, Gia Định – Sài Gòn. Ngài được Tổ ban Pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39. Công đức của hai vị Tổ được sách sử lưu danh muôn đời, làm bài học cho hậu thế noi theo.

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

Tổ Như Hiển – Chí Thiền (1861-1933)

Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền thế danh Nguyễn Văn Hiển, húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, sinh tháng hai năm Tân Dậu (1861) tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông nội là Hộ Quốc Công Nguyễn Công Thành, triều vua Tự Đức. Thân phụ làm đến chức Tổng trấn Quảng Nam. Năm 1878, khi Ngài 18 tuổi, sắc chỉ triều đình bổ nhiệm làm quan  hạt Khánh Hòa. Vì liên luỵ đến phong trào Văn Thân, Ngài lánh nạn vào Nam sinh sống.

Năm Tân Tỵ (1881), Ngài tỏ ngộ lý vô thường, đến xin quy y xuất gia với tổ Phương Minh húy Minh Mai thu nhận làm đệ tử đặt pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thành tại chùa Giác Viên. Về sau, Ngài cầu y chỉ tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân, trụ trì chùa Giác Lâm tại Gia Định, được Tổ đặt lại Pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thành (do kiêng húy tên ông nội nên đổi hiệu thành Chí Thiền), nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39. Sau khi xuất gia học đạo, Ngài phát tâm làm công quả xe đất cho chùa ba năm. Sau đó, Ngài phát nguyện nhập thất ba năm. Sau khi ra thất, Ngài cùng Bổn sư khởi công xây dựng Chùa Giác Sơn, Chợ Lớn. 

Năm Giáp Thìn (1904), một trận lụt khủng khiếp tàn phá miền Tây, nặng nhất là ở Gò Công, Ngài đã tích cực công tác cứu tế, từ thiện xã hội trong cơn nguy biến. Cứu vớt trên 500 người, mai táng xác nạn nhân và sau đó tổ chức Đại lễ Kỳ siêu 3 ngày cho những nạn nhân xấu số do thiên tai gây ra. Cũng trong năm này, Ngài trở về quê lo tang chay cho thân mẫu, đến mãn chung thất Ngài mới trở lại chùa. 

Sau khi sắp đặt mọi việc trong chùa xong, Ngài cùng một thị giả đến chùa Giác Sơn, từ giã huynh đệ thẳng đường đến núi Sam – Châu Đốc, ẩn dật tu hành. Khi đi ngang kênh Vĩnh Tế, Ngài được ông Năm Thanh đưa sang bờ và hướng dẫn đến Phi Lai Cổ Tự lễ Phật. Đây là ngôi chùa vách đất, vắng vẻ hoang vu, do đó khi lễ Phật xong Ngài cùng thị giả đi thẳng qua hướng Thạch động, núi Cấm, yên chí tu hành nhưng không quên ngôi chùa vắng vẻ đìu hiu ấy. Ông Năm Thanh, sau khi tiễn Ngài lên núi, trở về bàn cùng hương chức và Phật tử địa phương cung thỉnh Ngài trụ trì chùa Phi Lai và được Ngài hứa khả. Chùa Phi Lai sau đó được Ngài về trụ trì. Nhờ uy đức và hạnh nguyện, Ngài đã biến nơi đây thành chốn già lam đông đúc Tăng tín đồ đến thọ pháp, cuộc sống người dân quanh vùng có biến đổi mới mẻ và chan hòa ý sống tình đạo.

Năm 1915 và 1925, Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng truyền trao giới pháp cho các giới tử tại chùa Phi Lai do Hòa thượng trụ trì. Năm Đinh Mão (1927), Ngài chứng minh Lễ khai giảng Trường Sơ học Phật pháp đầu tiên của Ni giới tại chùa Giác Hoa, Bạc Liêu và truyền trao giới pháp cho Ni chúng nhân mùa An cư Kiết hạ. Năm Kỷ Tỵ (1929), Ngài đã thân lâm chứng minh Đại Giới đàn tại chùa Trùng Khánh, Phan Rang, do Hòa thượng Chơn Niệm làm Trưởng ban Kiến đàn.

Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam do tổ Khánh Hòa đề xướng, năm Nhâm Thân (1931), khi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập do Hòa thượng Khánh Hòa làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, Sài gòn, tổ Như Hiển là một thành viên Chứng minh Đạo sư của Hội. Ngài đã nỗ lực vận động tài chánh ủng hộ 100 đồng tiền Đông Dương cho các hoạt động Phật sự trọng đại của Hội.

Năm Quý Dậu (1933), Ngài thọ bệnh và trước khi viên tịch Ngài chắp tay niệm lớn: “Nhất niệm viên quang tội tánh không, đẳng đồng Pháp giới hàm thanh tịnh”. Niệm xong Ngài an nhiên viên tịch vào ngày 15 tháng 2 năm Quý Dậu. Ngài trụ thế 73 năm và 52 mùa An cư Kiết hạ. Nhục thân của Tổ được nhập tháp trong khuôn viên chùa Phi Lai, thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, Châu Đốc.

Trong thời gian hơn 50 năm thi hành Phật sự, Hòa thượng đã Quy y Tam bảo cho hàng trăm Phật tử hữu duyên và hơn 40 Tăng Ni xuất gia, trở thành pháp khí cho đạo pháp, góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, làm cho Tổ ấn quang huy, chúng sanh lợi lạc, tốt đời đẹp đạo.

Tổ Thanh Kế – Huệ Đăng (1873-1953)

Tổ sư Huệ Đăng, thế danh Lê Quang Hòa, sinh năm Quý Dậu (1873) nhằm triều Tự Đức năm thứ 26, tại làng An Dõng, xã An Đông, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay là thôn An Dõng, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), trong một gia đình Nho học có nền tảng giáo dục đạo đức tốt. Được sinh ra và lớn lên trong gia đình nề nếp gia phong, đến 7 tuổi, Ngài được vào học trường huyện. Nhờ tư chất thông minh, Ngài luôn chiếm ưu hạng. Sau một thời gian, Ngài được chuyển lên học trường tỉnh. Đây là nơi Ngài mong sôi kinh nấu sử để mai sau danh chiếm bảng vàng, làm rạng rỡ tông đường. 

Dù còn nhỏ tuổi nhưng Lê Quang Hòa cũng tham gia phong trào Cần Vương. Quân Pháp đã bắt mẹ Mai Xuân Thưởng cùng các hương lý và một số dân chúng ở địa phương để buộc Mai Xuân Thưởng ra hàng. Vì thương dân, Mai Xuân Thưởng ra gặp Trần Bá Lộc ở đình làng Phú Phong, nhưng không chịu đầu hàng, ông khẳng khái bảo: “Chỉ có đoạn đầu Tướng quân chứ không có hàng đầu Tướng quân”. Mai Xuân Thưởng bị Pháp xử tử ngày Rằm tháng 4 năm Đinh Hợi (1887). Phong trào tan rã, Lê Quang Hòa cùng một số nghĩa quân phải bỏ xứ chạy trốn vào miền Nam. Ông vào tỉnh Bà Rịa, tạm ngụ ở nhà ông Cả Mãng, lấy nghề dạy học sinh sống.

Năm 1897, ông xuống Gò Công dạy chữ Nho, tạm ngụ tại nhà bà Tham Tá. Năm 1900, ông trở về Bà Rịa sống ở nhà ông Cả Mãng. Sau nhiều năm tham gia chống Pháp thất bại, phải bỏ quê hương lưu lạc nơi xứ người, thấy rõ cuộc đời là vô thường, đầy phiền não. Năm 1900, trên đồi Chân Tiên, lòng bâng khuâng vì thời cuộc, từ xa vọng lại tiếng chuông chùa trầm buồn, Ngài chợt thức tỉnh giấc mộng trần. Sáng hôm sau, Ngài tìm đến chùa Long Hòa Cổ Tự gặp Sư tổ Hải Hội – Chánh Niệm. Qua phong thái và tâm tình của Ngài, tổ Hải Hội đoán đây là người lương đống cho Phật pháp trong tương lai, nên lấy lời cảnh tỉnh khuyên Ngài xuất gia hành đạo.

Nghe Tổ giáo huấn, Ngài tự nghĩ rằng “Cứu quốc không xong, thôi đành cứu đời vậy”. Từ đó, Ngài xin xuất gia học đạo, tổ Hải Hội – Chánh Niệm truyền quy giới và ban cho Ngài pháp danh Thiện Thức. Ngài tinh tấn tu học, mau chóng am hiểu được các việc trong thiền lâm, được thầy tổ mến yêu, huynh đệ kính mến.

Năm 1901, Ngài được Bổn sư gởi đi tham học với tổ Trí Hải tại chùa Thiên Thai Sơn Thạch ở Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ngài ở đây ba năm tinh tấn tu học, tỏ ra là người trí tuệ uyên bác, thông suốt các Kinh, Luật, Luận. Rồi Ngài quay về chùa Long Hòa. Thấy đạo phong và trí huệ của Ngài xứng đáng là người gìn giữ mối đạo tương lai, tổ Hải Hội truyền trao Cụ túc giới và ban pháp húy Thanh Kế, pháp hiệu Huệ Đăng.

Năm 1903, Ngài được Tổ cho trụ trì chùa Kiên Linh hơn một năm. Sau đổi về trụ trì chùa Phước Linh ở xã Tam Phước (cùng tỉnh Bà Rịa). Năm 1904, Ngài được nhập chúng tu học với hạ lạp đầu tiên tại chùa Giác Viên, do tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân làm Chủ hương.

Năm 1905, tổ Hải Hội viên tịch ở chùa Long Hòa. Ngài phải về cư tang và lo xây dựng bảo tháp. Thời gian này, Ngài vào núi Dinh (núi Dinh Cố) khai phá Thạch động làm nơi tĩnh tu. Ngài ở lại đây hai năm tĩnh tu thiền định, tụng Kinh Pháp Hoa. Danh đức của Ngài vang khắp, thiện tín bốn phương sùng kính ngày càng đông, đồ chúng theo Ngài tu học càng nhiều. Năm 1908, chùa Châu Viên ở Bà Rịa khai trường Kỳ, chư sơn mời Ngài lãnh chức Yết ma, đồng thời làm pháp sư trong Giới đàn đó.

Năm 1910, Ngài vẫn ở tại Thạch động mà Ngài đặt tên là động Thiên Thai. Thạch động nhỏ hẹp, không phải là chốn già lam, nên Ngài nghĩ đến việc xây dựng chùa Thiên Thai ở chân núi Dinh để tiếp Tăng độ chúng truyền bá chánh pháp. Tổ có làm hai câu đối trước cửa hang đá bằng chữ Hán: 

“Tá Thạch vi tường, thục thức lão Tăng cùng đáo để
Dĩ phong tác phiến, thùy tri đại đạo lạc vô cương”

(Mượn đá làm tường ai biết lão Tăng nghèo vô kể,
Lấy gió làm quạt, ai biết đại đạo vui vô cùng).

Năm 1913, chư sơn trong tỉnh thỉnh Ngài tổ chức Giới đàn tại chùa Phước Linh, xã Tam Phước, Bà Rịa. Tại Đại Giới đàn này, Ngài được suy tôn làm Đường đầu Hòa thượng. Năm 1915, Ngài được thỉnh đến trụ trì chùa Bà Lang Lệ ở Cái Tàu Thượng (Sa Đéc) do Phật tử cúng dường. Về đây việc truyền bá Phật pháp của Ngài có cơ hội phát triển. Rất đông chư sơn các nơi đến học và quảng đại tín đồ đến quy y thọ giới.

Năm 1937, tổ Huệ Đăng là Hòa thượng Chứng minh trong Trường hương ở chùa Giác Hoàng (Cần Thơ). Hòa thượng Huệ Đăng cũng có liên lạc với Hòa thượng Chí Thiền ở chùa Phi Lai (xã Tú Tề, tỉnh Châu Đốc). Hòa thượng Chí Thiền rất nhiệt thành với phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ và trợ giúp cho các phong trào chống Pháp. Khi sắp tịch, Hòa thượng Chí Thiền có bảo một số đệ tử nên theo học Hòa thượng Huệ Đăng.

Pháp hạnh của Ngài được lan truyền trong các sơn môn, nên trong những trai đàn đại lễ, các chùa đều thỉnh Ngài làm Pháp sư hay Chứng minh. Ngài không từ chối dù phải đi xa, như: Năm 1918, Ngài làm Pháp sư Trường hương ở Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự (Cà Mau); năm 1920, Ngài làm Chứng minh Trường hương ở chùa Phước Trường… Sau một thời gian vân du hoằng hóa ở các tỉnh Nam Bộ, Ngài cùng một đệ tử về ẩn tu ở hang Mai trên núi Dinh, sống khắc khổ để tĩnh tu thiền định. Ngài bị quan Tri phủ sở tại nghi ngờ tổ chức chống Pháp nên bắt buộc phải rời hang Mai.

Năm 1925, Ngài lại dẫn đồ chúng lên sườn núi Dinh khai hoang lập vườn trồng cây trái. Sau năm năm vừa tu hành vừa làm lụng cực nhọc, vườn cây vú sữa đã có trái, đủ huê lợi cho môn đồ no ấm tu học. Năm 1929, Ngài trùng tu lại ngôi Tổ đình Long Hòa được khang trang. Vì chùa đã bị hư mục sau hai thế kỷ. Và năm 1933, do thỉnh cầu của đồ chúng, Ngài cho xây dựng Thiên Bửu Tháp (còn gọi là Cửu Liên Đài) ở phía đối diện chùa Thiên Thai.

Năm 1931, Hòa thượng Khánh Hòa, cây đại thụ của phong trào Chấn hưng Phật giáo, vận động chư sơn thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn ở gần chợ Cầu Muối. Chẳng may trên bước đường hoằng dương chánh pháp, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học đã gặp trở ngại, nên Phật sự tiến hành không suôn sẻ. Trước tình trạng đó, các Hòa thượng có tâm huyết ở Nam kỳ tha thiết với mục đích Chấn hưng Phật giáo đã phải quay về chùa nhà, tỉnh nhà thành lập các tổ chức Phật giáo với danh xưng khác nhau để tùy duyên hoằng pháp. Hòa thượng Khánh Hòa thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học năm 1934, Hòa thượng Trí Thiền thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế năm 1937. 

Năm 1935, Ngài thành lập hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông, đặt trụ sở tại chùa Long Hòa ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời, Ngài cho xuất bản tờ Bác Nhã Âm để vận động phong trào Chấn hưng Phật giáo và hoằng dương chánh pháp. Trường Gia giáo cũng được khai giảng tại chùa Long Hòa, quy tụ hàng Phật tử xuất gia và tại gia về tu học ngày càng đông. Ngài thường nói với đồ chúng rằng: “Duy trì Phật pháp chính là ở chỗ mở rộng việc hoằng hóa lợi sanh, giáo dục thiện tín, gieo trồng duyên lành, cội phước”. Chính nhờ quan niệm đúng đắn đó, việc truyền bá giáo lý của Ngài được phát triển khắp nơi, cho nên Thiên Thai Thiền Giáo Tông liên hữu hội (thường được gọi là Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông) được thành lập năm 1935 với mục đích chính chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Giai đoạn 1935 – 1942, tổ Huệ Đăng phát triển Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông và phát hành miễn phí Tạp chí Bác Nhã Âm rộng khắp các tỉnh Nam Bộ, đã thành lập năm chi Hội và Hội viên lan rộng đến 21 tỉnh, thành. Ngày 11 tháng 7 năm Quý Tỵ, tổ Huệ Đăng thấy cơ thể hơi yếu, biết cơ duyên hoằng hóa đã mãn, nên bảo Thiện Niệm lấy quế mài cho uống, uống xong, Hòa thượng lấy viên ngọc xá lợi của Phật (Tỳ kheo Minh Tịnh dâng cúng) ngậm vào miệng, ngồi kiết già, hướng về phía Nam niệm Phật rồi an nhiên thị tịch. Đồ chúng đưa kim quan Hòa thượng Huệ Đăng vào hang núi, gần núi Hòn Dũng theo lời di chúc của Ngài. Đồ chúng ở chùa Thiên Thai (Bà Rịa) lập tháp vọng trong khuôn viên chùa để thờ.

Tổ sư Thanh Kế – Huệ Đăng, khai sơn chùa Thiên Thai và sáng lập Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông góp rất nhiều công đức trong việc chấn hưng và phổ truyền Phật giáo ở Nam Bộ và các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Ngoài ra, Ngài còn nổi tiếng về văn chương, giỏi thi phú chữ Nho và chữ Nôm. Hòa thượng Huệ Đăng tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo gắn với truyền thống yêu nước phụng đạo, như Ngài nói: “Đất nước có độc lập tự chủ thì Phật pháp mới hóa độ tròn duyên”. Tổ đình Thiên Thai là nơi Ngài hoằng dương đạo pháp, thu hút rất nhiều chư Tăng, chư Ni đến học đạo, là bậc Đại sư từng giáo huấn nhiều danh Sư.

MỐI LIÊN HỆ GIỮA TỔ HUỆ ĐĂNG VÀ TỔ CHÍ THIỀN

Xuất thân từ nghĩa sĩ Cần Vương

Ngày 1/9/1858, Đô đốc Rigault de Genouilly đem 14 tàu chiến, 3.000 quân tấn công Đà Nẵng, bắn phá và chiếm hai pháo đài An Hải và Điện Hải của ta. Từ đó, thực dân Pháp chính thức xâm chiếm nước ta. 

Năm Ất Dậu (1885) sau cuộc chống Pháp ở kinh thành Huế bị thất bại, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi văn thân, sĩ phu và Nhân dân đứng lên giúp vua chống Pháp. Dân chúng khắp nơi hưởng ứng phong trào Cần Vương, Mai Xuân Thưởng (1860-1887) nổi lên chống Pháp ở tỉnh Bình Định, thanh niên học sinh hưởng ứng nhiệt liệt, tích cực tham gia bãi khóa, phá trường thi… Là người con trong gia đình có truyền thống yêu nước, dù còn nhỏ tuổi nhưng Lê Quang Hòa cũng tham gia phong trào đó suốt nhiều năm.

Đến năm 1887, chí sĩ Mai Xuân Thưởng bị thực dân Pháp bày mưu dụ hàng, nhưng ông không chịu đầu hàng nên địch xử tử vào ngày 15/4 năm Đinh Hợi (1887). Đến năm 1895, cụ Phan Đình Phùng bị bệnh mất trong chiến khu núi Quạt (tỉnh Hà Tĩnh) nên phong trào Cần Vương tan rã, Lê Quang Hòa cùng một số nghĩa quân phải bỏ xứ chạy trốn vào miền Nam. 

Nghĩa sĩ Lê Quang Hòa

Ông Lê Quang Hòa vào tỉnh Bà Rịa tạm ngụ ở nhà ông Cả Mãng, lấy nghề dạy học để sinh sống, khoác áo thầy đồ để che mắt quân địch, chờ cơ hội và tìm đồng đội. Năm 1897, ông xuống Gò Công dạy chữ Nho, ngụ tại nhà bà Tham Tá. Người đi khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây. Đi đến đâu, ông cũng thất vọng vì bấy giờ thực dân Pháp đã đặt xong nền cai trị với bộ máy đàn áp và tay sai khắp nơi. Phong trào Cần Vương không có ảnh hưởng gì ở miền Nam. Chán nản, ông quay về Bà Rịa tạm ẩn mình nơi nhà người bạn cũ năm xưa.

Nghĩa sĩ Nguyễn Văn Hiển

Năm 1878, ông Nguyễn Văn Hiển khi đó 18 tuổi, được triều đình bổ nhiệm làm quan  hạt Khánh Hòa. Dù đã làm quan, nhưng thấy dân chúng lầm than cơ cực, Ngài khởi lòng thương và tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân. Chẳng được bao lâu, khởi nghĩa Văn Thân bại lộ, làm cho “giấc mộng công danh của Ngài cũng tan theo khói mây”. Đây cũng là nhân duyên lớn giúp Ngài lần đầu giác ngộ lý vô thường, thấy rõ thế sự nhiễu nhương, danh lợi phù hư, trở thành động lực chính dẫn Ngài quyết tâm tìm về nơi cửa từ bi của nhà Phật. Ông Nguyễn Văn Hiển phải ẩn náu và lánh nạn đến vùng đất Sài Gòn – Gia Định để tránh sự theo đuổi của quan quân triều đình lẫn mật thám Pháp. Quân lính triều đình và thực dân Pháp truy đuổi gắt gao nên Ngài mới nương tựa vào cảnh Phật. Ngài đến chùa Giác Viên xin tá túc và tỏ lý vô thường, xin xuất gia tại đây.

Ngộ lý Vô thường

Ông Lê Quang Hòa, sau khi thấy cuộc khởi nghĩa chống Pháp thất bại, đã bỏ quê hương lưu lạc nơi xứ người, nhận thấy rõ cuộc đời là vô thường đầy phiền não. Năm 1900, vào một buổi chiều dạo bước viếng cảnh rừng núi Chân Tiên, giữa cảnh rừng thâm u, tỉnh mịch, bỗng nghe tiếng chuông chùa Long Hòa vang lên nghe trầm buồn, làm ông thức tỉnh giấc mộng trần. Suốt một đêm, ông suy nghĩ, tính toán chọn lựa hai con đường: một là tiếp tục con đường đã đi hoặc xuất gia tu hành theo gương tổ Hải Hội – Chánh Niệm (1834 – 1905) trụ trì chùa Long Hòa cứu đời. Cuối cùng, ông Lê Quang Hòa đã tìm đến Tổ đình Long Hòa, đảnh lễ Tổ xin xuất gia với tâm niệm “Cứu quốc không xong, thôi đành cứu đời vậy”. Tổ Long Hòa nhìn thấy Ngài có căn khí tốt nên chấp nhận và truyền tam quy ngũ giới, ban cho pháp danh Thiện Thức, một năm sau truyền giới Sa di.

Về nhân duyên của Ngài Nguyễn Văn Hiển lại là một hồi khác, Ngài lánh nạn sự truy lùng gắt gao của quân lính triều đình và mật thám Pháp, nên đã ẩn náu vào nơi cảnh Phật, ban đầu làm người công quả cho chùa Giác Viên đang trong quá trình xây dựng trùng tu. Sau nhờ nhân duyên, Ngài tỏ ngộ lý vô thường, xin quy y xuất gia với tổ Phương Minh trụ trì chùa Giác Viên rồi được tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân ban pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39. Sau đó, Ngài cùng Bổn sư khởi công xây dựng chùa Giác Sơn (Chợ Lớn). Khi công trình hoàn thành, Hòa thượng được Bổn sư công cử giữ chức trụ trì.

Năm Giáp Thìn (1904), một trận lụt khủng khiếp tàn phá miền Tây, nặng nhất là ở Gò Công, Hòa thượng đã tích cực công tác cứu tế, từ thiện xã hội trong cơn nguy biến. Ngài đích thân quy nạp ghe thuyền và cùng với sự trợ giúp đắc lực của Nhân dân  địa phương và các Tăng Ni, tín đồ ở Gò Công. Cứu vớt trên 500 người, mai táng xác nạn nhân trên 50 người và sau đó tổ chức Đại lễ Kỳ siêu 3 ngày cho những nạn nhân xấu số do thiên tai gây ra.

Ngài đã chọn con đường xuất gia, làm bậc xuất trần thượng sĩ, nghiêm trì giới pháp, thủ chí an nhẫn, tinh tấn tu trì, chuyên tâm thiền quán và thành tựu trí tuệ. Tổ Như Hiển rất quan tâm đến vấn đề giới luật và truyền trì giới pháp. Không chỉ tự thân giữ gìn giới pháp mà còn giảng dạy giới luật trong mùa An cư cho Tăng chúng ở chùa Phi Lai. Năm 1929, Ngài chứng minh Giới đàn chùa Trùng Khánh (Phan Rang). Ngoài ra, Ngài còn có đức an nhẫn, mật hạnh và khiêm cung sâu dày. Cho nên, đời sống của tổ Như Hiển có rất nhiều bí mật, do Ngài thực hành nhiều mật hạnh và lại có đức tính vô ngã khiêm hạ. Đó là nguyên nhân mà không mấy người biết Tổ có xuất thân nhà quyền quý và có học thức. Chính mật hạnh an nhẫn và vô ngã khiêm hạ mà tiếng tăm và oai đức của Ngài lại phổ khắp xứ, cảm đến muôn dân.

Theo người viết, năm 1904 là nhân duyên lớn của nhị vị Tổ sư, bởi đây là năm đầu tiên mà tổ Huệ Đăng được nhập chúng tu học tại Trường hương chùa Giác Viên sau khi thọ Cụ túc giới. Cũng chính năm này trận lũ năm Thìn mà người dân Nam Bộ hay nhắc đến với cái tên “năm Thìn bão lụt” đã gây thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản ở miền Tây Nam Bộ, nghiêm trọng nhất là Gò Công. Tổ Chí Thiền đã tích cực trong công tác cứu tế, từ thiện vận động nhân lực, vật lực để cứu tế những gia cảnh màn trời chiếu đất. Thiết nghĩ, tổ Huệ Đăng cũng có thời gian sinh sống dạy học tại Gò Công thì lẽ nào trong đợt cứu tế tại Gò Công, tổ Chí Thiền phát lòng đại bi đi cứu tế mà tổ Huệ Đăng không tháp tùng. Chính những lúc như thế, tình nghĩa huynh đệ lại càng thắt chặt thêm, cùng nhau cứu tế những người dân trong lúc nguy khốn chính là niềm vui lớn của những bậc xuất trần thượng sĩ. Tư tưởng lớn của hai nhà yêu nước thương dân, lo cho quần chúng Nhân dân; tình thương và lòng từ bi của người con Phật trong nhị vị Tổ sư nhân lên gấp bội khi những chí nguyện của mình gặp nhau. 

Hội ngộ Tư tưởng yêu nước, Chấn hưng Phật giáo

Tư tưởng yêu nước là một giá trị cơ bản trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Vì vậy, tư tưởng yêu nước đã thẩm thấu vào tình cảm, vào tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam qua mọi thời đại, làm nên một lịch sử oai hùng, giúp cho dân tộc ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược cho dù chúng có mạnh gấp ta nhiều lần.

Người viết xin mượn lời nhận định của Giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010) đã viết về những gắn bó, đóng góp của Phật giáo ngay từ buổi đầu trong quá trình đi tới của lịch sử dân tộc Việt Nam: “Bình minh của lịch sử dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta”. Vì vậy, xuất thân từ phong trào yêu nước, nhị vị Tổ sư Chí Thiền và Tổ sư Huệ Đăng hơn ai hết tự thân phải hiểu thời cuộc, nhận định và vạch ra phương hướng để định hướng theo chí nguyện mình đã chọn. Cho dù dưới hình tướng như thế nào, vốn có tư chất thông minh, chí tâm tu học tiến bộ nhanh, trí tuệ uyên bác cho nên quý Ngài thấy đủ nhân duyên hóa độ quần chúng Nhân dân và thực hiện các ý nguyện mà mình đã chọn. 

Khi quốc gia lâm nguy, dù ở cương vị nào, mặc dù khoác áo cà sa hay khoác chiến bào, với chí nguyện cứu dân độ đời, song song với việc tu hành, chư vị Tổ sư cũng tham gia tích cực phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Trong thời gian 1923–1940, tổ Huệ Đăng có liên hệ với các chí sĩ yêu nước, Tổ nhiều lần tiếp xúc với cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh). Trong Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh có thông tin: “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thường lui tới chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) và một số chùa khác: Thiên Thai (Bà Rịa), Từ Ân, Linh Sơn, Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), Hội Thọ (Cái Bè), Tiên Linh (Bến Tre), Long Hưng (An Giang) để đàm đạo với các sư tăng”. Lúc đó, thầy Minh Nguyệt theo hầu được nghe các cuộc đàm đạo đó.

Trong giai đoạn 1930 – 1940, tổ Huệ Đăng cũng tích cực tham gia phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ và thành lập Thiên Thai Thiền Giáo Tông liên hữu hội năm 1935 với mục đích chính chấn hưng Phật giáo. Tổ Huệ Đăng có hạnh nhu nhuyến, mềm mỏng, kham nhẫn trong tất cả các mối quan hệ, nhất là với chính quyền thực dân Pháp. Dù hoạt động trong sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp, Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông và Tạp chí Bác Nhã Âm mang tinh thần yêu nước nhưng vẫn có thể hoạt động bình thường, không bị làm khó dễ. Từ đó, ta thấy Tổ rất khéo trong các mối quan hệ ngoại giao. Người tu hành, lãnh đạo phải đặt hạnh nhẫn lên hàng đầu thì làm việc gì cũng thành công. Quan trọng hơn, cuộc đời tu tập và Phật sự hoằng pháp của tổ Huệ Đăng luôn thiết lập trên nền tảng của Giới – Định – Tuệ, vững vàng như kiềng ba chân trong cõi Ta bà đầy uế trược.

Đối với tổ Chí Thiền, do uy tín và danh tiếng của Ngài, chùa Phi Lai thường xuyên trở thành nơi gặp gỡ bí mật của các nhà Cách mạng yêu nước thời bấy giờ. Trong cuộc hội ngộ với Phan Bội Châu vào năm Quý Mão 1903, tổ Chí Thiền từng căn dặn: “… Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc với nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya, nhà kín, tai mắt mình không thể phòng được xa, chỉ làm thêm cơ hội những ai muốn rình xét…”.

Vào tháng 12 năm 1904, tổ Chí Thiền có cuộc gặp gỡ với hoàng thân Cường Để tại Quảng Nam (trong khi về lo tang sự cho thân mẫu). Trong lần gặp gỡ này, Ngài nhận nhiệm vụ về Nam hoạt động hỗ trợ cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Sau khi về Nam, Ngài hoạt động bí mật và tham gia vào các phong trào chống Pháp với nhiều cương vị khác nhau, trong nhiều tổ chức khác nhau dưới hình tướng người tu sĩ Phật giáo đi truyền đạo khắp miền Tây Nam Bộ. 

Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam do tổ Khánh Hòa đề xướng, năm Nhâm Thân (1931), khi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập do Hòa thượng Khánh Hòa làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn), Hòa thượng Chí Thiền là một thành viên Chứng minh Đạo sư của Hội và đã nỗ lực vận động tài chánh ủng hộ 300 đồng tiền Đông Dương cho các hoạt động Phật sự trọng đại của Hội.

Hình tượng tổ Huệ Đăng và tổ Chí Thiền tiêu biểu cho tinh thần yêu nước trong giới Tăng sĩ Phật giáo; hành trạng của quý Ngài vang khắp nơi nhất là tại miền Nam. Với tinh thần yêu nước, phụng đạo, quý Ngài được sử sách lưu danh, hậu thế ca tụng và là tấm gương sáng cho những thế hệ Tăng Ni noi theo. Quý Ngài tiêu biểu cho thế hệ danh Tăng ở Nam Bộ, đóng góp công sức rất lớn cho phong trào Chấn hưng, mà lịch sử mãi còn kính ghi khắc lại tưởng niệm đời đời.

Duy trì mạng mạch Phật pháp, kết nối thâm giao

Đầu những năm 1920, công cuộc Chấn hưng Phật giáo hình thành. Với sự thành lập các hội Phật giáo, phong trào Chấn hưng Phật giáo nổi lên khắp cả ba miền đất nước, đó là con đường tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam để hòa nhập và phát triển cùng với nền văn hóa của dân tộc.

Chấn hưng Phật giáo tại miền Nam được khởi xướng bởi Hòa thượng Khánh Hòa. Trong các buổi lễ Húy kỵ, Ngài đã thỉnh mời chư vị Tôn túc Hòa thượng thành lập các tổ chức Phật giáo để củng cố Phật giáo, chấn hưng để phát triển nội lực, trí tuệ và đạo đức trong giới Phật giáo, xóa nạn thất học Phật pháp cho Tăng Ni, bài trừ mê tín dị đoan, phát huy chánh tín, chánh lý trong giới Tăng Ni, Phật tử. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Hòa thượng Chí Thiền đã mở lớp Gia giáo Phật học tại chùa Giác Hoa – Bạc Liêu dành cho chư Ni và chứng minh lễ khai giảng Trường Sơ học Phật pháp đầu tiên của Ni giới cũng như truyền trao giới pháp cho Ni chúng nhân mùa An cư Kiết hạ (1927); tổ chức định kỳ các lớp học Gia giáo dành cho chư Tăng các tỉnh lân cận dự học, dưới sự hướng dẫn của Ngài cùng Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Pháp Hải, Hòa thượng Diệu Pháp, Hòa thượng Chánh Tâm, Hòa thượng Tâm Quang, Hòa thượng Vạn An…

Năm Kỷ Tỵ (1929), tổ Chí Thiền đã thân lâm chứng minh Đại Giới đàn tại chùa Trùng Khánh (Phan Rang), do HT. Chơn Niệm làm Trưởng ban Kiến Đàn. Năm 1932, tổ Chí Thiền làm Đường đầu Hòa thượng Đại Giới đàn chùa Tam Bảo (Hà Tiên). Ngài đã làm trọn nhiệm vụ của một sứ giả Như Lai, truyền dạy thông điệp trí tuệ và từ bi, thực hành hạnh tự lợi và lợi tha để đem lại hạnh phúc cho hết thảy Nhân dân, mở con mắt pháp cho bốn chúng đệ tử, những hạnh nguyện, công đức và đạo nghiệp cao quý của Người vẫn luôn là bài học sâu sắc cho hàng hậu học, xứng đáng làm kim chỉ nam cho tứ chúng.

Trong thời gian hơn 50 năm thi hành Phật sự, Hòa thượng đã quy y Tam bảo cho hàng trăm Phật tử hữu duyên, và hơn 20 Tăng Ni xuất gia, trở thành Pháp khí cho đạo pháp, góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, làm cho Tổ ấn quang huy, chúng sanh lợi lạc, tốt đời đẹp đạo như:

Về chư Tăng, gồm:

– HT. Hồng Pháp, hiệu Thiện Minh.

– HT. Hồng Diệu, hiệu Thiện Đạo.

– HT. Hồng Nhẫn, hiệu Từ Nhơn (Đào Bá Nhẫn).

– HT. Hồng Nhơn, hiệu Từ Nhẫn.

– HT. Hồng Tôi, hiệu Thiện Tường.

– HT. Hồng Xứng, hiệu Thiện Quang.

– HT. Hồng Mão, hiệu Thiện Tâm.

– HT. Hồng Nở, hiệu Thiện Hoa, tự Hoàn Tuyên.

– HT. Hồng Minh (có nơi ghi Hồng Hinh), hiệu Từ Hội (HT. Pháp Long).

– HT. Hồng Tồng – Quảng Đạt.

– HT. Hồng Thông, hiệu Trí Châu.

– HT. Hồng Sáng, hiệu Thiện Quang.

– HT. Hồng Tòng, hiệu Thiện Tòng, tự Phổ Quảng.

– HT. Hồng Chương, hiệu Trí Đức (Y chỉ).

– HT. Hồng Trung, hiệu Thiện Tín (HT. Huệ Hải).

 

Về chư Ni, gồm:

– NS. Hồng Từ, hiệu Diệu Nga.

– NS. Hồng Trung, hiệu Diệu Hậu.

– NS. Hồng Thọ, hiệu Diệu Tịnh.

– NS. Hồng Lầu, hiệu Diệu Tấn.

– NS. Hồng Tích, hiệu Diệu Kim.

– NS. Hồng Quý, hiệu Bửu Thanh.

– NS. Hồng Khoái, hiệu Bửu Chí.

Hưởng ứng lời kêu gọi Chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa, tính từ năm 1935-1942, tổ Huệ Đăng phát triển Hội Thiên Thai Thiên Giáo Tông và phát hành miễn phí Tạp chí Bác Nhã Âm khắp các tỉnh Nam Bộ, thành lập 5 Hội Tịnh độ tại các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ và mỗi Hội Tịnh độ đều mở lớp sơ Phật học hoặc mở Trường hương. Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông có mở trường Đại học tại chùa Long Hòa (Bà Rịa) để đào tạo Tăng Ni.

Ở các tỉnh thành, tổ Huệ Đăng thành lập các Hội Tịnh độ, như: Hội quán chùa Châu Viên (Châu Đốc), Hội quán chùa Hội Linh làng Long Tuyền, Bình Thủy, Cần Thơ; Hội quán chùa Bửu Long, làng Trung An, tỉnh Mỹ Tho; Hội quán chùa Giác Hoằng, ấp Tham Tướng, làng Tân An, Cần Thơ; Hội quán chùa Phước Hậu, làng Mỹ Phước (Long Xuyên). Mỗi hội quán đều mở lớp Gia giáo hay trường Hạ và khai giảng các lớp sơ Phật học ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Vì vậy, mỗi khi tổ Huệ Đăng thuyết pháp hay các vị trong Ban Trị sự của Hội có việc gì cần thông báo luôn bắt đầu bằng câu “… chư sơn Thiền đức và năm phái Hội viên” hay “bố cáo năm phái Hội viên, mười phương pháp lữ”. Các Hội Tịnh độ này đã giúp Thiên Thai Thiền Giáo Tông liên hữu hội hưng thạnh hơn, Phật giáo đến với mọi người ngày một nhiều hơn, cổ vũ phong trào Chấn hưng Phật giáo ngày lan rộng hơn.

Tổ Huệ Đăng rất chú trọng vấn đề mở trường lớp để đào tạo Tăng tài, dù cơ sở vật chất trụ sở của chùa Thiên Thai và Thiên Bửu Tháp không đủ chỗ ở phải mượn chùa Long Hòa, không đủ tài chánh phải giản lược xuất bản Tạp chí Bác Nhã Âm ba tháng một lần dành tiền nuôi Tăng, Ni ăn học nhưng Tổ vẫn quyết tâm khai giảng mở lớp. Tỉnh hạt Bà Rịa từ khi Phật giáo truyền vào đến thời tổ Huệ Đăng trải qua bao thế kỷ, đây là lần đầu tiên khai Hương và mở trường Đại học. Vì vậy, mọi người trong Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông xem đây như một công cuộc vĩ đại. “Hạt Bà Rịa trải bấy lâu luống chịu cho đạo Phật một lúc suy vi, nay mở được một cuộc như vầy đối với các xứ nhơn vật phong hành kinh-dinh vĩ đại thì chẳng thấm vào đâu, mà đối với hạt Bà Rịa có lẽ lần này là lần thứ nhứt. Tại sao mà được cái kết quả vĩ đại bất ngờ như thế? Ấy là cũng nhờ trên Tôn sư hết lòng vì đạo, gieo giống Bồ đề, đượm nhuần mưa pháp; ngoài thì quí vị viên quan hồi hưu đã không từ mõi mệt mà ra tay phò trì Phật pháp trong lúc suy vi”. Vậy có thể nói, chùa Long Hòa là nơi mở trường Phật giáo đầu tiên của hạt Bà Rịa và công lao của Tổ cũng như Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông rất lớn. Có thể nói, tổ Huệ Đăng được xem như vị hiệu trưởng trường Phật giáo đầu tiên hạt Bà Rịa.

Mở trường lớp dạy học là một phần của giáo dục Phật giáo. Tuy nhiên, giáo dục đạo đức Phật giáo quan trọng hơn hết là thân giáo, khẩu giáo và ý giáo, gọi chung là Đức Giáo. Mở trường lớp là cuộc cải cách giáo dục thoát khỏi phương cách giáo dục bó hẹp trong chùa, tu viện xưa nay. Đến với lớp học và trường Hương, hành giả ngoài việc tiếp thu kiến thức, trau dồi nội điển; cái quan trọng là hành giả hoàn thiện đạo hạnh được học qua thân giáo, khẩu giáo, ý giáo của các bậc trưởng thượng. 

Thay đổi để phát triển là xu thế chung của xã hội bất cứ thời đại nào. Muốn thay đổi phát triển phải có bộ óc tư tưởng tiến bộ. Và tổ Huệ Đăng là con người như vậy, điều đó giúp Thiên Thai Thiền Giáo Tông liên hữu hội có diện mạo mới trong giao diện chung của các Hội Phật giáo thời chấn hưng. Theo quan điểm tổ Huệ Đăng, đào tạo Tăng tài phải cả trên hai phương diện kiến thức và đạo hạnh như hai cánh của một con chim, mới giúp con chim bay lên cao được. Bên cạnh đó, Tổ thường xuyên dạy chúng đệ tử phải đoàn kết, nhất là trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX cần phải có tinh thần đoàn kết một lòng vì tương lai và sự nghiệp chung của Phật giáo nước nhà. Các Hội Phật giáo đã cùng chung một mục đích, tôn chỉ là Chấn hưng Phật giáo, giữ gìn và phát huy sự nghiệp vĩ đại mà Phật, Tổ đã để lại.

Tổ Huệ Đăng thật sự đã trở thành bậc đống lương thạch trụ, lợi lạc quần sanh. Cả cuộc đời Ngài đều sống cho tha nhân, tuổi trẻ chưa xuất gia thì lăn xả, nhiệt huyết trong phong trào Cần Vương chống Pháp cứu nước. Giai đoạn xuất gia thì nỗ lực hết mình tu học, hoàn thiện phẩm chất người con Phật. Lập hạnh mở lòng cho đại cuộc Chấn hưng Phật giáo dù tuổi già, sức mỏi nhưng vẫn thành lập Thiên Thai Thiền Giáo Tông liên hữu hội. Truyền lại tinh thần yêu nước cho đệ tử, đệ tôn; làm tròn trách nhiệm người con đất nước, đệ tử Phật gia. Có thể nói, cuộc đời của tổ Huệ Đăng là biểu tượng tu sĩ Phật giáo yêu nước. Tổ Huệ Đăng tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo gắn với truyền thống yêu nước phụng đạo, như Ngài nói: “Đất nước có độc lập tự chủ thì Phật pháp mới hóa độ tròn duyên”. 

Ngài là người xuất gia nhưng tư tưởng yêu nước luôn thể hiện trong cuộc sống, trong giảng dạy đạo Pháp, chính vì đã tìm ra điểm chung trong học thuyết cứu khổ, cứu nạn của nhà Phật và mơ ước làm cho Nhân dân độc lập, hạnh phúc. Tổ Huệ Đăng đã đào tạo ra nhiều Tăng, Ni, Phật tử yêu nước, tiêu biểu như: Hòa thượng Thích Minh Tâm, Thích Pháp Trí, Thích Pháp Dõng,Thích Pháp Lan, Thích Thiện Hào, Thích Pháp Hiền, Thích Minh Nguyệt, … Trong đó, HT. Thích Thiện Hào từng bị bắt giam ở Chí Hòa. Trong thời kỳ chống Mỹ, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt trụ trì chùa Thiên Thai hoạt động cách mạng bị bắt đày ra Côn Đảo. 

Có thể nói, tổ Huệ Đăng và sơn môn Thiên Thai Thiền Giáo Tông luôn nêu cao tinh thần yêu nước và hết lòng phụng sự đạo pháp – dân tộc dù thời bình hay thời chiến. Tổ đình Thiên Thai là nơi Ngài hoằng dương đạo pháp, thu hút rất nhiều chư Tăng Ni đến học đạo, là bậc Đại sư từng giáo huấn nhiều danh Sư, như: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt – Phó Pháp chủ Thường trực HĐCM TƯ GHPGVN, người đã từng là hội trưởng của Hội Phật giáo Cứu Quốc; Hòa thượng Thích Thiện Hào – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Trí Quảng – Pháp chủ GHPGVN… Đây là những người đã tiếp nối vẻ vang sự nghiệp của tổ Huệ Đăng, là những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giữ nước của dân tộc.

Trong nội dung bài tham luận này, người viết xin đề cập đến vấn đề mối tâm giao, lời nguyện ước của nhị vị Tổ sư. Không biết từ khi nào, những hàng đệ tử, đệ tôn của hai vị Tổ đã được biết đến trong lời di huấn rằng: “Trong hai vị Tổ, nếu có một người nào viên tịch trước thì đệ tử của vị ấy phải đến cầu y chỉ và tham học với vị còn lại”. Nội dung này, người viết tìm hiểu trong rất nhiều tư liệu cũng như tham vấn những bậc tôn túc đương thời thì cũng không xác định được chính xác thời gian và địa điểm mà hai vị Tổ đã giao ước. Nhưng trên thực tế, khi Tổ sư Chí Thiền viên tịch năm 1933 có rất nhiều đệ tử của Ngài ra Bà Rịa tìm đến Tổ đình Thiên Thai để cầu y chỉ với Tổ sư Huệ Đăng.

Điển hình như Hòa thượng Pháp Thân (1903-1970), trụ trì Tổ đình Hội Linh (TP. Cần Thơ). Năm 12 tuổi, Ngài xin song thân vào chùa Phi Lai học đạo. Năm 13 tuổi (1915), Ngài đảnh lễ cụ tổ Chí Thiền cầu xin xuất gia thọ giới. Cụ Tổ truyền Tam quy thập giới pháp, đặt pháp hiệu là Huệ Tịnh. Năm 19 tuổi, Ngài đến trường Kỳ chùa Phước Thạnh, Cái Bè, do thầy Khánh Đức đương vi Đường đầu Hòa thượng truyền thọ giới Cụ túc. Năm 1922, Ngài cùng với người bạn thân hiệu là Viên Thông đến chùa Thiên Thai (Bà Rịa) yết kiến tổ Huệ Đăng làm lễ nhập chúng để chấp lao phục dịch, cầu y chỉ hầu hạ Tổ. Sau đó, Ngài được tổ Huệ Đăng ban hiệu là Trừng Chí, tự là Pháp Thân và người bạn được đăt hiệu là Pháp Hội.

Hòa thượng Thích Pháp Long (1900-1971), trụ trì Tổ đình Khánh Quới, Cai Lậy, Tiền Giang. Năm Ngài 22 tuổi, nhận thấy muốn thoát khỏi sông mê về bến Giác, cần phải có thầy Tổ làm nơi nương tựa dẫn đường. Nên Ngài tìm đến tổ Phi Lai cầu học. Ngài ở nơi đây học đạo một năm và được Tổ ban cho pháp hiệu là Hồng Hinh (Hồng Minh), pháp tự Từ Hội. Năm 1924, Ngài trở về Tổ đình Khánh Quới, phát nguyện nhập thất trì tụng một tạng kinh Di Đà, 3.000 biến Kinh Kim Cương và thọ nhất thực (một bữa Ngọ) trong 6 tháng. Ngài chợt tỉnh ngộ, nhận thấy do mình tự tu thiếu Tổ chơn truyền, cần phải tầm Sư chỉ giáo. Ngài tìm đến Hòa thượng Huệ Đăng ở chùa núi Thiên Thai xin cầu yếu chỉ. Tổ Thiên Thai nhận thấy Ngài có tuệ căn thông đạt, phước tướng trang nghiêm, có thể là rường cột Phật pháp sau này, nên thâu nhận làm đệ tử, ban pháp húy là Trừng Hinh; pháp hiệu là Pháp Long, với 4 câu kệ rằng :

“Trừng định tinh thần trí tuệ khai
Hinh phong hương thủy tẩy trần ai
Pháp hoa liễu ngộ vô sinh nhẫn
Long đạt tông phong đại biện tài”.

Sau khi nhận lãnh pháp ngữ thầy Tổ, Ngài nhất tâm chuyên trì giới luật, trên cung kính dưới khiêm nhường, khắp nơi ngưỡng mộ tài đức của Ngài theo học rất đông. Năm 1927, Ngài được tiến cử chức Giáo thọ tại trường Kỳ chùa Thanh Long (Biên Hòa) và sau đó được tấn phong ngôi Yết ma tại trường Kỳ chùa Khánh Quới (Cai Lậy).

Hòa thượng Thích Thiện Tường (Hồng Tôi) kiến tạo Chùa Phước Hưng – Bún Tào – Sóc Trăng (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Hòa thượng Thích Pháp Hiện (1907-1987), trụ trì Tổ đình Thiên Thai (Bà Rịa – Vũng Tàu). Hòa thượng Thích Pháp Độ, trụ trì chùa Khánh Sơn, Sóc Trăng.

Sư cô Bửu Ngọc là đệ tử y chỉ pháp với Tổ Huệ Đăng. Bổn sư xuất gia của Sư cô là Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền, chùa Phi Lai, ban pháp danh là Diệu Ngọc. Trên bước đường cầu pháp tu học, Sư cô được Đại đức Yết ma chùa Khánh Quới (Cai Lậy) dẫn đến đảnh lễ tổ Huệ Đăng cầu pháp và được ban pháp danh là Bửu Ngọc. “Khi Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông thành lập ở Bà Rịa, Sư cô vui lòng chung lo với Hội và lãnh trách nhiệm nặng nề là chức Giáo Viên, đặng hoằng dương Phật pháp cho phe nữ ở tỉnh Mỹ Tho. Vì vậy, Sư cô đứng vào hàng sáng tạo hội viên của Hội vậy”.

Sự hòa hợp, kết nối và đồng hành của nhị vị Tổ sư trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh gợi cho chúng ta nhớ lại Tăng đoàn thời Đức Phật: hài hòa, trật tự, tương thông và thanh tịnh. Một bức tranh sống động về sự đoàn kết, chúng ta cần giữ gìn và phát huy để hậu lai nhìn vào sẽ phát khởi thiện tâm, gieo hạt Bồ đề, trưởng dưỡng đạo tâm, hoằng dương Phật pháp, cửu trụ Ta bà, lợi lạc quần sanh.

KẾT LUẬN

Vốn xuất thân nghĩa sĩ Cần Vương nên cuộc đời xuất gia, hành đạo của tổ Huệ Đăng và tổ Chí Thiền  mang tinh thần tu sĩ Phật giáo yêu nước, chuyển tải tinh thần yêu quê hương đất nước, kêu gọi thanh niên đứng dậy đánh đuổi thực dân, phục hưng văn hóa dân tộc. Sự ra đời phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam và các hội Phật giáo trước 1945 đã thực sự đem lại diện mạo mới, luồng sinh khí mới mang tính tích cực cho Đạo Phật Việt Nam lúc bấy giờ. Có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nền giáo dục Phật giáo Việt Nam, kế thừa mô hình cơ cấu tổ chức của các Hội Phật giáo để hình thành mô hình cơ cấu tổ chức thống nhất Giáo hội 1951 và xa hơn là thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Tất cả là nhờ vào bài học tinh thần đoàn kết sẽ dẫn đến thành công.

Tóm lại, mối tương quan giữa tổ Thanh Kế – Huệ Đăng và tổ Như Hiển – Chí Thiền trong thời gian hoằng pháp lợi sanh, đã để lại bài học sâu sắc cho nhiều thế hệ sau noi theo, những công đức mà chư Tổ đã thực hiện đó là:

– Thắp sáng và củng cố niềm tin Tam bảo.

– Khắc phục vấn nạn thất học trong Tăng đồ, vực dậy, chỉnh đốn Tăng già.

– Làm mới các hoạt động hoằng dương Phật pháp.

– Đào tạo Tăng tài, lập trường Phật học, 

– Hướng đến mô hình thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

 

Chú thích:

* Hòa thượng Thích Thiện Xuân, Nguyên Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng TƯ GHPG Cổ truyền Việt Nam, Nguyên Hiệu trưởng trường Tư thục Lục Hòa, Nguyên Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng BTS GHPGVN TPHCM, Nguyên Đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa III, Nguyên Ủy viên BTS GHPGVN TP HCM, Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN quận Tân Phú (TP HCM), Thành viên HĐCM TƯGHPGVN,Trưởng Ban Thừa kế Thiên Thai Thiền Giáo Tông kiêm Trưởng Ban Quản Trị Tổ đình Thiên Thai, Viện chủ chùa Hạnh Nguyện (quận Tân Phú, TP HCM).