Tổ Chí Thiền và cuộc đời hoằng pháp lợi sanh (TT.TS Thích Minh Nhẫn)

1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XIX – ĐẦU THẾ KỶ XX

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử Việt Nam có những biến đổi hết sức to lớn. Thực dân Pháp xâm lược và biến nước ta thành xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Các phong trào kháng Pháp nổ ra hết sức sôi nổi nhưng đều bị đàn áp khốc liệt. “Không khí chính trị lại càng trở nên ngột ngạt khi Pháp và Nhật ra sức tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam. Các phong trào yêu nước của Nhân dân ta bị triều đình Huế và thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, tầng lớp trí thức rơi vào trạng thái bế tắc. Người dân Nam Bộ thời bấy giờ mất phương hướng và khủng hoảng niềm tin sâu sắc” [1].

Do đức độ của mình, Tổ được người dân vùng biên giới, cả người Việt lẫn người Khmer kính nể, kể cả các Tăng sĩ Nam tông người Khmer.

Từ nửa sau thế kỷ XIX, những biến động về đời sống chính trị – xã hội của đất nước với sự hiện diện của thực dân Pháp đã khiến tam giáo và nhất là Phật giáo suy thoái nghiêm trọng, không còn giữ được vai trò quan trọng trong việc định hướng tâm linh cho người dân. Chính quyền thực dân ra sức du nhập văn minh phương Tây với chủ đích nô dịch văn hóa, tinh thần nhân dân ta, cắt đứt cội rễ văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc ta. Thực dân Pháp còn áp dụng chính sách chia để trị, khuyến khích phân biệt vùng miền, tôn giáo, sắc tộc. Một mặt, những tôn giáo, tín ngưỡng bản địa bị chèn ép, hạn chế. Mặt khác, họ cổ xúy lối sống hưởng thụ vật chất, hướng đến giá trị tâm linh xa lạ với truyền thống văn hóa Việt Nam. Từ năm 1897, với chính sách khai thác thuộc địa do Toàn quyền Đông Dương Paul Dumer đề xướng, bộ máy quản lý hành chính của người Pháp thiết lập từ cấp trung ương đến cơ sở khắp ba miền nước ta. Song song với đó là các thiết chế phương Tây được du nhập vào như y tế, giáo dục, báo chí hiện đại. 

Đối với Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam Bộ nói riêng là thời kỳ gặp rất nhiều khó khăn. Do chính sách hạn chế và bãi bỏ giáo dục chữ Hán (kỳ khoa bảng cuối cùng bị bãi bỏ năm 1919), người dân gặp khó khăn khi tiếp cận kinh sách Phật giáo truyền thống. Chư Tăng, Ni phần bị chính quyền thực dân chèn ép, phần sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu điều kiện tu học, bị nếp sống nhiễu nhương phiền hà, nên mạng mạch Phật pháp chỉ duy trì ở một số ngôi già lam tiêu biểu, còn lại rất nguy khốn. Ở miền Bắc có chùa Tổ: Vĩnh Nghiêm, Tế Các, Bằng Sở, Mật Ứng, Hương Tích, Trung Hậu, Phú Ninh, Phúc Thỉnh, Đồng Đắc, Hưng Ký,… Miền Trung có chùa Tổ: Thiên Tôn, Tây Thiên, Trúc Lâm, Từ Hiếu, Từ Đàm, Quốc Ân, Báo quốc Tra Am (Huế); Thập Tháp, Long Khánh, Linh Phong (Bình Định); Thiên Ấn, Quang Lộc (Quảng Ngãi); Từ Quang (tổ Từ Quang Phú Yên giải kinh dịch sách rất nhiều), Bát Nhã, Bảo Tịnh (Phú Yên), … Miền Nam có chùa Tổ: Giác Viên, Giác Lâm (Sài Gòn) Giác Hải (tổ Từ Phong ở chùa Giác Hải ChoLon có công dịch kinh và khắc bản, như bộ Quy Nguyên Trực Chỉ, …Tổ có óc cải tiến), Phi Lai, Tây An (Châu Đốc), Thiên Thai (Bà Rịa), Tuyên Linh (Bến Tre) Long Triều (Sài Gòn), Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), Tam Bảo (Rạch Giá)… [2].

Thực tế cho thấy rằng, bối cảnh Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX đã phản ánh những mâu thuẫn xã hội sâu sắc giữa phong trào giải phóng dân tộc với ách thống trị của thực dân Pháp, giữa việc lựa chọn giữ hay cải biên những hệ giá trị hiện thời nhằm bảo vệ căn cố dân tộc. Chính trong bối cảnh này, Phật giáo đã xác định vai trò của mình đối với vận mệnh lịch sử dân tộc qua phong trào Chấn hưng Phật giáo. Các nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục đã thừa nhận vai trò của Phật giáo trong việc tập hợp sức mạnh toàn dân tộc là yếu tố cần thiết nhất trong phong trào đấu tranh cứu nước và giải phóng dân tộc đang đặt ra. Cụ Phan Châu Trinh nhận định: “Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu; nào bị cướp sáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ Đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?” [3]. Cụ Phan Bội Châu trong Hải ngoại huyết thư đã thể hiện tinh thần chủ đạo của các phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục là tinh thần bất bạo động, tinh thần của văn hóa và triết lý Ahimsa của Đạo Phật [4]. Như vậy, cho thấy các nhà lãnh đạo Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục đã rất tin tưởng vào phong trào Chấn hưng Phật giáo và kêu gọi việc Chấn hưng Đạo Phật để hỗ trợ cách mạng giải phóng áp bức của thực dân phong kiến.

Trên trường quốc tế, phong trào Chấn hưng Phật giáo khởi phát tại Ấn Độ với tên tuổi Đại đức Dharmapala. Ông đã dấy lên vận động phong trào trùng tu các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ và thành lập hội Mahabodhi Society, xuất bản Tạp chí Phật học, thành lập trung tâm Phật học và tu viện Phật giáo [5]. Phong trào Chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ đặc biệt phát triển khi tiến sĩ Ambedkar đề xướng phong trào quy y theo Đạo Phật.

Tại Trung Quốc, phong trào Chấn hưng Phật giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội kể từ năm 1912, khi Thái Hư đại sư lập Phật học viện Vũ Xương. Tiếp theo đó nhiều Phật học viện được tuần tự thiết lập tại Trung Quốc, xuất bản Tạp chí Phật học. Các hiệp hội Tăng Giáo Dục, Phật Giáo Hợp Tiến, Phật giáo Tổng hội, Phật giáo Liên hiệp, Phật giáo Cư Sĩ Lâm… thi nhau ra đời. Tạp chí Giác Xã ra đời năm 1918 do Thái Hư đại sư chủ trương, ít lâu sau đổi tên thành nguyệt san Hải Triều Âm, là một trong những cơ quan ngôn luận Phật giáo có ảnh hưởng tới phong trào Chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam.

Trong lúc ấy, tại các nước Miến Điện, Tích Lan và Nhật Bản, một ngọn gió mới cũng thổi vào nền Phật giáo cố hữu. Động cơ của sự phục hưng này không phải chỉ do phong trào học Phật ở Ấn Độ và Trung Hoa mà còn do sự hâm mộ của người phương Tây về Phật giáo nữa. Như vậy, phong trào Chấn hưng Phật giáo là một phong trào có tính chất quốc tế vào thời gian đó [6].

Tuy nhiên, các nhân tố quốc tế không ảnh hưởng nhiều tới phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, mà nhân tố chính là xuất phát từ sự phát triển của xã hội Việt Nam. Khi mà nền cựu học Nho giáo sụp đổ và nền tân học Tây phương đang phát triển, chữ Hán được thay thế bằng chữ Quốc ngữ thì các Tăng Ni, Phật tử cũng đòi hỏi phải có một sự đổi mới trong sinh hoạt tâm linh và hoằng dương chánh pháp. 

Chính thời điểm này đã xuất hiện nhiều vị cao Tăng tâm huyết với Phật giáo như: Hòa thượng Tâm Thông (chùa Trường Thọ), Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải), Hòa thượng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên), Hòa thượng Từ Văn (chùa Hội Khánh), Hòa thượng Huệ Tịnh (chùa Linh Tuyền), Hòa thượng Từ Vân (chùa Tân Long), Hòa thượng Hoằng Đạo (chùa Hội Linh), Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh), Hòa thượng Chí Thiền (Tổ đình Phi Lai), sư Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn),…

Đây cũng là thời điểm phong trào Chấn hưng Phật giáo Nam Bộ diễn ra mạnh mẽ, chủ yếu theo hai khuynh hướng: Thành lập các hội Phật giáo và Tạp chí liên quan đến Phật giáo; hình thành các hệ phái Phật giáo mới. Các vị Thiền sư nói trên đã đứng ra vận động những người bạn đồng môn cùng tham gia Chấn hưng Phật giáo. Trong đó, đề cao tuyên truyền những giá trị căn bản, cao quý và đóng góp của Phật giáo đối với đất nước, nhân loại, đồng thời, đi kèm là những bài viết đả kích các thói hư, tật xấu, những hủ tục lạc hậu đang còn tồn đọng. Chủ đích hướng đến là vạch rõ thực trạng Phật giáo Việt Nam đương thời, cũng như khích lệ trách nhiệm, lòng tự tôn của Tăng Ni, Phật tử trước vận mệnh của đạo pháp. Và cuối cùng là tranh thủ vai trò của đội ngũ các nhà trí thức cùng những người mến mộ Đạo Phật.

Ngoài ra, Tăng Ni, Phật tử cũng tìm cách thích ứng với những biến động chung của xã hội. Việc tiếp biến các giá trị văn hóa để làm phong phú hơn nhận thức, phong phú hơn các sinh hoạt của đời sống đã được Tăng Ni, Phật tử thực hiện linh hoạt. Bằng nhiều hình thức khác nhau, Tăng Ni, Phật tử cũng đã có sự phản kháng lại chế độ cai trị và bóc lột của thực dân Pháp; tích cực tham gia luận bàn các vấn đề của thời cuộc để từ đó khẳng định vị trí của Phật giáo.

2. HÀNH TRẠNG CỦA THIỀN SƯ NHƯ HIỂN – CHÍ THIỀN (1861-1933)

Tổ Phi Lai thế danh là Nguyễn Văn Hiển, pháp hiệu Chí Thiền. Ngài sinh tháng 02 năm Tân Dậu (1861) tại Quảng Nam, xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, trong một gia đình nhiều đời làm quan triều đình và có lòng kính tin Phật pháp. Ông nội là Hộ Quốc Công Nguyễn Công Thành, dưới triều Tự Đức, thân phụ Ngài là quan Tổng trấn Quảng Nam, rất được lòng dân .

Ngài lớn lên trong sự giáo dục nghiêm ngặt theo đúng truyền thống gia phong, văn võ song toàn, trí đức ngời sáng. Tuy ở dinh tổng Trấn với nếp sống quyền quý, nhưng Ngài vốn bản tính hiền hậu hay giúp đỡ mọi người. Giữa lúc thiếu niên đang cần sự dạy bảo của phụ thân thì ông qua đời. Ngài phải nương dựa vào mẹ và tiếp tục phấn đấu học hành tiến thủ.

Năm Mậu Dần (1878), khi Ngài 18 tuổi, vua sắc chỉ trọng dụng con công thần làm quan, Ngài được bổ nhậm làm quan Hậu Bổ tại hạt Khánh Hòa. Tuy làm quan, có tài kinh lược, nhưng Ngài vẫn không cảm thấy thích thú với quan lộ như truyền thống gia đình. Ngài bí mật tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân. Khi phong trào tan rã, Ngài lánh nạn vào miền Nam ở đất Gia Định để tránh sự theo đuổi của quan quân triều đình và mật thám Pháp.

Năm Mậu Dần (1878), khi Ngài 18 tuổi, vua sắc chỉ trọng dụng con công thần làm quan, Ngài được bổ nhậm làm quan Hậu Bổ tại hạt Khánh Hòa. Tuy làm quan, có tài kinh lược, nhưng Ngài vẫn không cảm thấy thích thú với quan lộ như truyền thống gia đình. Ngài bí mật tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân. Khi phong trào tan rã, Ngài lánh nạn vào miền Nam ở đất Gia Định để tránh sự theo đuổi của quan quân triều đình và mật thám Pháp. (Ảnh: Đăng Huy)

Năm Tân Tỵ (1881) tại nơi lánh nạn này, Ngài cảm nhận được sự vô thường, danh lợi như chiếc bóng thoáng qua, chiêm nghiệm thực cảnh biển dâu, thống khổ bấy giờ chỉ là giấc mộng, chí xuất trần bộc phát nên Ngài xuất gia với tổ Phương Minh tại chùa Giác Viên và học đạo với tổ Minh Khiêm – Hoàng Ân tại chùa Giác Lâm (Sài Gòn – Gia Định). Ngài được ban pháp hiệu Chí Thiền, pháp danh Như Hiển.

Thời gian học đạo, Tổ nổi tiếng với hạnh kham nhẫn, trong suốt ba năm Tổ không quản ngại bất cứ công việc khó khăn nào từ nhỏ đến lớn, như sửa cầu, bồi lộ, cho đến bửa củi, gánh nước… Tại chùa Giác Viên, trong thời gian đầu, Tổ phát nguyện đóng chuông ngày sáu thời ròng rã suốt ba tháng, rồi Ngài phát nguyện nhập thất tịnh khẩu thêm ba năm nữa. Trong các Phật sự, Tổ đã cùng thầy Bổn sư xây dựng chùa Giác Sơn, khi chùa khánh thành, Tổ được cắt cử làm Thủ tọa. Sau khi Hòa thượng trụ trì viên tịch vào năm Kỷ Hợi (1899), Ngài kiêm nhiệm trụ trì luôn chùa Giác Sơn.

Khoảng năm Nhâm Ngọ (1900), sau khi sắp đặt mọi chuyện trong chùa xong, Tổ cùng một đệ tử từ giã hết tất cả huynh đệ đi thẳng vào vùng núi Thất Sơn (thuộc tỉnh An Giang ngày nay) một mặt là để ẩn dật tu hành, mặt khác là để quyết chí làm việc lớn. Ban đầu Tổ ở tại núi Cấm (ở vị trí đặt Phật Di Lặc hiện nay), một thời gian sau Tổ được thỉnh về trụ trì tại chùa Phi Lai (hay còn gọi là Phi Lai Cổ Tự) tại Châu Đốc. Nguyên chùa Phi Lai là một ngôi chùa vách đất, vắng vẻ hoang vu; Tổ đã mộ dân phu, Phật tử, cùng hương chức địa phương khẩn hoang thành lập các nông trại làm ruộng. Ngoài ra, Tổ còn tổ chức mua bán khoai, muối… để có kinh phí xây dựng chùa, giúp đỡ mọi người ở vùng biên giới trong cơn khốn khó.

Trải qua một thời gian, Ngài tìm đến nơi hẻo lánh như ở các vùng núi Cấm để ẩn tu; đức độ tu tập của Ngài đã chiêu cảm được nhiều Tăng, Ni cũng như Phật tử. Vào năm 1905 tiếng vang đó ngày càng được lan rộng, con đường của Hòa thượng Chí Thiền lại được mở rộng, một động lực mới, một sinh lực khác qua thời gian công luyện đã chiêu cảm được phương diện đạo pháp. 

Từ đó, Hòa thượng Chí Thiền phát triển giáo đoàn cho Tăng Ni, Phật tử hoằng truyền chánh pháp; làm nhiều việc lợi ích cho Tăng Ni cũng như Phật tử; giảng kinh thuyết pháp giúp nguồn đạo pháp và tinh thần dân tộc gắn lại với nhau bằng tình yêu thương và trí tuệ.

3. CÁC HOẠT ĐỘNG HOẰNG PHÁP CỦA TỔ CHÍ THIỀN

Trong thời gian theo học đạo, tổ Chí Thiền sống rất kham khổ và phát nguyện sửa cầu, bồi lộ, bửa củi, gánh nước, giã gạo… suốt ba năm. Sau đó phát nguyện đóng chuông ngày sáu thời ròng rã suốt ba tháng, tiếp theo đắp đất xây nền chùa Giác Viên ngày trăm xe cho đến khi hoàn tất, lại nguyện nhập thất tịnh khẩu thêm ba năm nữa, được thầy ban pháp ấn.

Trong trận bão lụt lớn năm Giáp Thìn (1904), Tổ đích thân quy nạp ghe thuyền cùng với sự trợ giúp đắc lực của nhân dân địa phương và các Tăng Ni, tín đồ thị xã Gò Công, trực tiếp cứu sống rất nhiều người đang bị nước cuốn trôi. Suốt một tháng sau đó có khoảng gần năm mươi xác người chết trôi được đem về mai táng và được Tổ làm lễ cầu siêu trong vòng 49 ngày liền.

“Tay Ngài không rời quyển kinh, đêm không an giấc, ngày chẳng dám nghỉ, có thấy mới biết cái khổ hạnh của Ngài thật là ghê, cái chí nguyện của Ngài thiệt là thành, cái tinh thần lợi sanh của Ngài thiệt là vững, cái lòng tế độ chúng sanh của Ngài thiệt là sốt sắng”.

Do uy tín và danh tiếng của Tổ, chùa Phi Lai thường xuyên trở thành nơi gặp gỡ bí mật của các nhà cách mạng yêu nước thời bấy giờ. Trong cuộc hội ngộ với Phan Bội Châu vào năm Quý Mão (1903), Tổ từng căn dặn: …Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc với nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya, nhà kín, tai mắt mình không thể phòng được xa, chỉ làm thêm cơ hội những ai muốn rình xét…

Vào tháng 2 năm 1904, Tổ có cuộc gặp gỡ với hoàng thân Cường Để tại Quảng Nam. Trong lần gặp gỡ này, Tổ nhận nhiệm vụ về Nam hoạt động hỗ trợ cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp.

Trận thiên tai lũ lụt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vào mùa mưa năm 1907, trong đó có tỉnh Châu Đốc đã làm tổn thất thiệt hại mùa màng nặng nề, nạn đói kém lan tràn khắp nơi. Tổ đã đứng ra hô hào kêu gọi sự giúp đỡ khắp nơi và đem cả lương thực của chùa ra phân phát cho người dân gặp nạn. Bên cạnh đó, Tổ còn đốc thúc ghe xuồng cứu vớt và nuôi dưỡng khoảng 500 nhân mạng của làng Tú Tề tị nạn lên núi và ở ngay trong chùa, chờ cho đến khi nạn lụt lội qua khỏi. Tổ còn lập đàn Dược Sư 49 ngày cầu cho mưa thuận gió hòa, phát nguyện tịch cốc, chỉ ăn rau trái, suốt 12 năm liền để chịu khổ thay cho dân. Sau sự kiện này, tên tuổi và đức độ của Tổ càng được nhiều người biết đến.

Năm Đinh Tỵ (1917), sau vụ ông Bảy Do – Chưởng giáo Nam Cực Đường bị bắt, vì ở gần núi Cấm nên chính quyền Pháp nghi ngờ Tổ có liên lạc với Bảy Do cùng với việc Tổ ngày càng được lòng tin của quần chúng, nên bị mật thám Pháp theo dõi và vu cho là làm quốc sự. Tổ bị bắt và đưa đi giam giữ tại Khám Lớn Sài Gòn hơn 10 tháng trời, nhưng do không đủ chứng cớ nên đành phải thả.

Do đức độ của mình, Tổ được người dân vùng biên giới, cả người Việt lẫn người Khmer kính nể, kể cả các Tăng sĩ Nam tông người Khmer. Khi phong trào Chấn hưng Phật giáo hình thành, Tổ hoạt động rất tích cực trong giai đoạn đầu. Vào năm Đinh Mão (1927), Tổ tham dự buổi lễ khai giảng lớp học cho Ni tại chùa Giác Hoa ở tỉnh Sóc Trăng – đây là trường Ni đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ. Năm Kỷ Tỵ 1929, Tổ tham gia Đại Giới đàn chùa Trùng Khánh tại Phan Rang.

Năm Nhâm Thân (1932), tổ Khánh Hòa cổ xúy phong trào Chấn hưng Phật giáo thành lập hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, Tổ tham gia ủng hộ 300 đồng bạc Đông Dương và vận động khuyến khích Phật tử khắp nơi tích cực ủng hộ hội. Ngoài ra, Hòa thượng Chí Thiền sang sửa trùng tu ngôi chùa lá đơn sơ bé nhỏ trở thành một chùa Phi Lai là nơi nâng cao mặt bằng trí thức.

Hòa thượng Chí Thiền đã phát nguyện bi tâm rộng lớn trên con đường hành Bồ tát đạo; đồng thời, huân tu thâm sâu hạt giống Trí tuệ Ba-la-mật này từ nhiều đời nhiều kiếp.

Có thể thấy rõ những điểm sáng ngời trong đời tu hành của tổ Phi Lai là: Thứ nhất, công đức sâu dày do mật hạnh an nhẫn, vô ngã khiêm hạ; thứ hai, chí nguyện lợi tha vô hạn do tâm từ bi cùng trí tuệ rộng lớn. Thứ ba và thứ bốn là pháp tinh tấn và thiền định, Tổ sư khi mới xuất gia, ba năm ròng rã, tinh chuyên gánh nước giã gạo, chưa từng ngừng nghỉ; trong khi làm chay bốn chín ngày cầu nguyện cho dân địa phương. “Tay Ngài không rời quyển kinh, đêm không an giấc, ngày chẳng dám nghỉ, có thấy mới biết cái khổ hạnh của Ngài thật là ghê, cái chí nguyện của Ngài thiệt là thành, cái tinh thần lợi sanh của Ngài thiệt là vững, cái lòng tế độ chúng sanh của Ngài thiệt là sốt sắng” [Từ Bi Âm, 1932, 16: tr.42].

4. KẾT LUẬN

Tóm lại, kể từ khi Ngài từ Quảng Nam vào xứ Nam kỳ ở tuổi 20, thuở đầu xuất gia hành đạo tại chùa Giác Viên (Chợ Lớn) cho đến lúc trụ tích chùa Phi Lai, trong khoảng mấy mươi năm đó, khi thì Tổ dấn thân cứu độ những người bị thiên tai ở Gò Công, khi thì ra tay giải nạn cho đồng bào trong trận lũ lụt kinh hoàng ở Châu Đốc. Đức hạnh từ bi của Ngài làm cảm động đến mười phương, vì vậy mà Tăng tục một vùng Nam kỳ rộng lớn, trong từ chư sơn Thiền đức, ngoài đến thập phương đàn việt, ai ai cũng khâm phục phẩm hạnh cao thượng và hành vi chính đáng của Ngài.

Hòa thượng Chí Thiền đã phát nguyện bi tâm rộng lớn trên con đường hành Bồ tát đạo; đồng thời, huân tu thâm sâu hạt giống Trí tuệ Ba-la-mật này từ nhiều đời nhiều kiếp. Cuộc đời của tổ Phi Lai còn rất nhiều hành trạng bí mật trong việc giúp đỡ các phong trào yêu nước chống Pháp và những pháp thuật cứu đời. Học thức uyên thâm và đức độ của Ngài đã cảm hóa không biết bao nhiêu người trở thành đệ tử, quy y theo Phật, xuất gia học đạo và thế hệ kế thừa Ngài là những vị Tăng tài xuất chúng đóng góp cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam rạng rỡ huy hoàng. Có thể nói, tổ Phi Lai là tiêu biểu cho thế hệ danh Tăng ở miền Tây Nam Bộ, đóng góp công sức rất lớn cho phong trào chấn hưng, mà lịch sử mãi còn kính ghi khắc lại tưởng niệm đời đời.

 

 

 

Chú thích:

[*] TT.TS. Thích Minh Nhẫn – Ủy viên Thư ký HĐTS GHPGVN, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.

[1] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, 2015: 234.

[2] Thích Thiện Hoa, Năm mươi năm Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, https://thuvienhoasen.org/a10787/nam-muoi-nam-chan-hung-phat-giao-ht-thich-thien-hoa.

[3] Nguyễn Hiến Lê (1974), Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn.

[4] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.

[5] Heinrich Dumoulin (ed.), Buddhism in the Modern World (London: Collier Macmillan Publishers, 1976), tr.130.

[6] Thích Đức Thiện (8/2006), “Chấn hưng Phật giáo – Đổi mới và phát huy bản sắc”, Tạp chí Xưa và Nay, số 265, https://xuanay.vn/chan-hung-phat-giao-doi-moi-va-phat-huy-ban-sac/.