ĐẶT VẤN ĐỀ
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng: “Bình minh lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam”. Điều đó có nghĩa trong tiến trình dựng nước và giữ nước, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Chính trong cuộc hành trình này, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều xuất hiện những con người góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Các Thiền sư đời Trần đã lập nên dòng thiền Trúc Lâm mang bản sắc Việt, góp phần tạo nên kỳ tích huy động sức mạnh nội tại toàn dân, ba lần đánh tan quân xâm lược Mông-Nguyên và chủ trương phục hưng văn hóa Đại Việt. Các Thiền sư Đại Việt khi được truyền đăng dòng thiền Lâm Tế từ Trung Hoa sang vào thế kỷ XVII trở về sau cũng đã nỗ lực Việt hóa, góp phần ổn định lòng dân và cùng vương triều Nguyễn hoàn thành công cuộc mở cõi phương Nam. Đến đầu thế kỷ XX, các Thiền sư Việt Nam đã khởi xướng phong trào Chấn hưng Phật giáo trong bối cảnh nhà Nguyễn suy yếu, thực dân Pháp đô hộ, để đáp ứng nhu cầu tất yếu của lịch sử đặt ra.
Có thể phong trào chấn hưng diễn ra là nhằm đáp ứng và giải quyết vấn đề: “Sống dưới sự bảo hộ của ngoại bang, cái lo sâu đậm nhất của người Việt là sự đánh mất cá tính và linh hồn Việt, cho nên sự phục hưng Phật học cũng như ý hướng xây dựng “quốc học” đã được hỗ trợ nồng nhiệt của quần chúng. Phục hưng Phật học và xây dựng quốc học là những công việc làm chính đáng, hợp pháp, không phải là những việc làm quốc cấm, cho nên không sợ bị đàn áp” [1].
Có thể xem đây là công cuộc Việt hóa Phật giáo lần thứ ba mà các Thiền sư nước ta đã nỗ lực hoàn thành trong công cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh xã hội đầy biến động thời bấy giờ. Công cuộc chấn hưng được khởi xướng ở miền Nam, rồi lan tỏa ở miền Trung và miền Bắc. Ở miền Nam, phải nhắc đến các vị Thiền sư tiêu biểu có công chấn hưng như Thiền sư Từ Phong, Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải, Chí Thành (Chí Thiền)… Hoạt động hành đạo chấn hưng tại miền Trung gồm các Ngài: Phước Chỉ, Tâm Tịnh, Phước Huệ, Phổ Tuệ, Huệ Pháp, Đắc Ân, Viên Thành, Giác Tiên… phát huy ở miền Bắc là các vị Thiền sư Thanh Hanh, Thanh Tường, Thanh Thao, Trung Thứ, Doãn Hài… Bài viết tập trung nói về Công nghiệp hoằng pháp của Thiền sư Chí Thành (Chí Thiền) đối với công cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam từ đó trở về sau:
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TÌNH HÌNH XÃ HỘI THỰC TIỄN ĐỂ THIỀN SƯ CHÍ THÀNH (CHÍ THIỀN) NHẬN THỨC THAM GIA TỪ ĐẦU CỦA CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO ĐẦU THẾ KỶ XX
Căn cứ vào Việt Nam Phật sử luận thì Thiền sư Chí Thành (Chí Thiền) là một trong những cao Tăng đồng thời với Thiền sư Khánh Hòa. Thiền sư Chí Thành được Thiền sư Khánh Anh cho là thuộc hạng “chân tu bậc nhất”. Thiền sư Chí Thành sinh năm 1861 tại Quảng Nam. Ông là cháu nội là Hộ Quốc công Nguyễn Công Thành dưới triều Tự Đức. Sau khi phong trào Văn thân khởi nghĩa thất bại ở miền Trung, ông xuất gia tại chùa Giác Viên Chợ Lớn. Đó là vào năm 1880…
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị Pháp xâm lược, xã hội đầy rẫy sự bất công cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, thế nhưng Thiền sư Chí Thiền vẫn được giáo dưỡng trong một gia đình có truyền thống theo Đạo Phật lâu đời, khi lớn lên bản thân cũng đã tiếp thu những tư tưởng mới của phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam được khởi xướng đầu tiên từ vùng đất Nam kỳ. Vào thời này, cùng với phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân cũng diễn ra, ắt hẳn cũng tác động vào tâm thức Thiền sư trong việc chuyển hoá tư duy, trực ngộ cuộc đời là khổ và cần có con đường đi đến sự thoát khổ.
Chính vì vậy, chí nguyện dấn thân phụng sự xã hội, hạnh nguyện Chấn hưng Phật giáo của Thiền sư Chí Thiền càng ngày càng chín muồi. Sự chuyển hoá nội tâm của Thiền sư hết lòng phụng đạo, vì thế trong quá trình vận động phong trào chấn hưng của Thiền sư Khánh Hòa, ngay từ buổi đầu họp bàn thành lập tổ chức Lục hòa Liên hiệp thì Thiền sư Chí Thiền đã tham gia cùng với các ngài Huệ Quang, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp. Sự đóng góp của các vị lên đến 400 đồng và cư sĩ Nguyễn Văn Nhiêu được ủy nhiệm làm thủ quỹ cho hội. Mục đích của hội là hội Lục hoà Liên hiệp làm cơ sở tiến hành các vận động nhằm Chấn hưng Phật giáo, hướng đến việc hình thành một tổ chức thống nhất các hoạt động Phật giáo trên quy mô cả nước [2].
Cơ sở lý luận và tình hình thực tiễn bấy giờ, ta thấy các Thiền sư Việt Nam và nhân sĩ trí thức Nho học yêu nước đều mong muốn Chấn hưng Phật giáo và phục hưng quốc học để giải thoát ách thống trị và đồng hóa văn hóa phương Tây. Thiền sư Chí Thiền cũng mang trong mình chí hướng mới đồng tâm chí hướng với các Thiền sư Khánh Hòa, Từ Phong, Pháp Hải… Thực tế, từ nửa sau thế kỷ XIX, sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, công nghệ đã tạo tiền đề cho các quốc gia phương Tây chinh phục hầu như toàn bộ phần đất còn lại của thế giới làm thuộc địa. Thực dân Pháp đã chia nước ta thành ba kỳ: Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ để cai trị.
Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, cùng với công cuộc khai thác thuộc địa, xã hội nước ta thay đổi sâu sắc. Tuy nhiên, giai đoạn 1920 – 1930 khủng hoảng kinh tế bắt đầu và kéo dài, Việt Nam lại lâm vào tình trạng khốn khổ, dẫn đến mâu thuẫn và phân hóa giai cấp trong xã hội Việt Nam ngày càng gay gắt. Sự thật này đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực trong đời sống thực tiễn từ kinh tế, chính trị, văn hóa và ngay cả tín ngưỡng tâm linh.
Các cuộc khởi nghĩa từ cuối thế kỷ XIX lần lượt nổ ra như khởi nghĩa chống Pháp của Võ Trứ tại Phú Yên và Bình Định; cuộc vận động của hội Thượng Chí do Tăng sĩ Vương Quốc Chính lãnh đạo ở miền Bắc, cuộc kháng chiến của nhà cách mạng Nguyễn Thiện Thuật, trước đó là phong trào Cần Vương, cuối cùng rồi cũng thất bại. Các phong trào Văn thân, Đông Kinh nghĩa thục, Đông Du, Duy Tân… ra đời, chủ trương chấn hưng, cải cách, duy tân trong một xã hội Việt Nam đầy biến động.
Trong số những nhà chí sĩ lãnh đạo Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục, ta có thể nói Phan Châu Trinh là người tin tưởng, có tác động vào việc Chấn hưng Phật giáo. Chính ông tuyên bố: “Nước Đại Việt chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho chúng ta đức hy sinh, coi nhẹ tính mạng của mình, phá sản vì đạo. Không có tinh thần tôn giáo chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: quân Nguyên thắng cả Á, Âu, nuốt trọn cả Trung Hoa mà qua nước ta thì bại tẩu; nào bị cướp sáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ Đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?”.
Rõ ràng, Phan Châu Trinh nói tinh thần tôn giáo ở đây chính là Phật giáo, chẳng phải là Nho giáo, có khi ông còn nói Nho giáo đã làm cho nước Việt suy nhược. Ông hiểu một thời quốc gia Đại Việt hưng thịnh vì thế ông chủ trương cần phục hưng đất nước thông qua con đường phục hưng Đạo Phật. Chính vì vậy ông đã bị phản kháng của một số nhà Nho khi ông chủ trương phế Nho và học Phật.
Phan Bội Châu thì chủ trương trong Hải ngoại huyết thư rằng: “Chỉ cần tranh đấu bất bạo động thôi, cũng đuổi Tây về nước. Họ chỉ có 50 chục ngàn người, trong khi chúng ta là một dân tộc hai mươi triệu. Chẳng cần gươm súng, chỉ cần đấu tranh hai tay không, ta cũng đuổi họ về nước. Điều cần thiết nhất là ta phải một lòng một dạ. Chúng đến thu thuế, nếu ta đồng lòng không nạp, thì chúng làm gì được ta? Nếu chúng gọi lính thì ta kêu gọi lính đừng bắt ta, bởi vì lính cũng là người Việt. Nếu chúng bắt một người trong chúng ta thì chúng ta kéo hàng chục ngàn người đi theo. Không có lý do gì nó giết hết được? Cuối cùng chúng bỏ nước mình mà đi” [3].
Quan điểm của Phan Bội Châu lúc này là đấu tranh chống Pháp bằng phương thức bất bạo động, đi đến sức mạnh là đồng tâm hiệp lực. Để đạt được sự đồng tâm là phải giáo dục và tỉnh thức quần chúng. Đây là mục tiêu của phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Thi ca, báo chí, sách vở, diễn thuyết là những phương tiện để tỉnh thức quần chúng. Sau đó là những cuộc vận động chống thuế năm 1908 tại Trung kỳ đã gây được ý thức sâu rộng trong quốc dân. Phong trào này xuất phát từ Quảng Nam. Tham dự vào cuộc phát khởi phong trào chống thuế này có tới hàng vạn người, họ đều cắt tóc ngắn, không búi tóc (theo lời kêu gọi duy tân của Đông Kinh nghĩa thục) đến vây quanh tòa sứ Quảng Nam. Sau đó phong trào này lan tỏa vào các tỉnh miền Nam Trung kỳ. Bốn nhân vật Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã bị chính quyền thực dân bắt và kết án. Cuối cùng Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa và các đồng chí thân hữu của tổ chức, người thì bị bắt, người thì bị xử tử…
Chính những biến động lịch sử này đã có tác động mạnh mẽ vào phong trào phục hưng Phật học vào thời kỳ này. Bởi lẽ các phong trào đã chủ trương duy tân, cải cách văn hóa giáo dục đã thay đổi nhận thức nhu yếu cả dân tộc cần phải phát huy. Phục hưng Phật học và xây dựng quốc học là những việc làm cấp thiết, chính đáng, hợp pháp không sợ chính quyền dòm ngó, đàn áp. Đây chính là điều kiện cần và đủ để tôn giáo và văn hóa có cơ duyên gặp nhau. Nói cách khác Nho giáo, Phật giáo, chữ Nho, chữ Quốc ngữ, chữ Tây đều được sử dụng để truyền bá những tri thức thời đại mới, phù hợp sự phát triển xã hội.
Do đó, báo chí trở thành mảnh đất màu mỡ đăng tải những thông tin cải cách xã hội, nâng cao dân trí, chỉ thị của Nhà nước để dân chúng thi hành, diễn đàn văn hóa, văn học, thi ca, hội họa, tư tưởng Đông Tây, khoa học công nghệ, kỹ thuật, thậm chí cả tâm tư nguyện vọng của người dân. Chẳng hạn tờ Gia Định báo (1892), Đại Nam Đồng Văn Nhật báo (1892), Nông Cổ Mín Đàm (1900), Nhật báo Tỉnh (1908), Đại Việt Tân báo (1907) và sau 1908, các tờ Đăng Cổ Tùng báo (1907), Lục Tỉnh Tân Văn, Thực Nghiệp Dân báo, Khai Hóa, Tiếng Dân, Đông Pháp lần lượt ra đời đã góp phần thức tỉnh, nâng cao dân trí. Đặc biệt các tờ báo có uy tín và có số lượng người đọc cao, phải kể đến là tờ Đông Dương Tạp chí, (1913), Nam Phong (1917), Học báo (1919), Hữu Thanh (1921), An Nam Tạp chí (1926), Phụ Nữ Tân Văn (1929), Khoa học Tạp chí (1931), Văn học Tạp Chí (1932). Đây là những tờ có nội dung cải cách văn hóa, văn học, tư tưởng, lối sống, theo một đường hướng mới, phù hợp xu hướng phát triển của thời đại, hết sức cởi mở, phóng khoáng, hợp lòng dân… Hẳn nhiên, các tờ báo này cũng góp phần thúc đẩy cho phong trào Chấn hưng Phật giáo nhanh chóng bùng nổ, đi vào đời sống thực tiễn.
Trong khi đó, tình hình sinh hoạt tôn giáo vào thời kỳ này, chẳng có gì sáng sủa cho lắm. Như chúng ta biết, kể từ khi nhà Nguyễn (1882-1945) nắm quyền trị vì đất nước, với chính sách dựa vào Nho giáo để xây dựng Nhà nước tập quyền, chuyên chế thì càng bộc lộ sự yếu kém của mình trước nguy cơ xâm lược của thực dân. Theo Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử, vào thời Nguyễn, Phật giáo không còn vững mạnh như các triều đại Lý – Trần. Thậm chí còn cho rằng: “Khi nhà Nguyễn thống nhất, từ Gia Long cho đến đầu thế kỷ XX, Phật giáo trở thành lợi khí chính trị trong tay các vua chúa để cũng cố, xây đắp ngôi báu của mình, còn Tăng sĩ thì bị trục xuống hàng thủ tự (ông giữ chùa) hay thầy cúng. Phật giáo bây giờ chỉ còn cái xác. Một số chùa Tăng Ni phạm trai phá giới là chuyện bình thường” [4].
Sự suy yếu của Phật giáo thể hiện ở sự suy giảm uy tín và ảnh hưởng của Phật giáo đối với dân chúng những năm đầu thế kỷ XX. Nguyên nhân chủ yếu là giới Tăng sĩ không còn chuyên tâm tu hành đúng chánh pháp. Trong một bối cảnh như thế, các nhà chân tu thật học và hàng trí thức, trong đó Thiền sư Chí Thiền đã có thiện chí với Đạo Phật, đã trăn trở và khát khao làm sao chấn hưng Phật giáo, cũng là chấn hưng các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Đây cũng thuận duyên lớn để các thành phần lãnh đạo tôn giáo, cùng với các nhà trí thức có lòng yêu nước, yêu đạo ngồi lại với nhau để chỉ ra nguyên nhân suy yếu Phật giáo, cũng như vạch ra đường hướng, phương thức cải cách, biện pháp thực hiện trước một diễn biến tình hình tôn giáo nói chung hết sức phức tạp.
CÔNG NGHIỆP HOẰNG PHÁP CỦA THIỀN SƯ CHÍ THIỀN TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Nối gót tông phong – thiết lập Đạo tràng Phi Lai giáo hóa đồ chúng
Theo thiền sử thì Thiền sư Chí Thiền (sinh năm 1861 – viên tịch 1933) sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh lịch sử diễn ra phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Ngài là bậc trí thức được tiếp cận nền Nho học và Phật học, bởi lẽ Thiền sư xuất thân trong gia đình quan lại, ở vùng Quảng Nam. Trước khi xuất gia học đạo, Ngài được bổ nhiệm làm quan Hậu Bổ tại hạt Khánh Hòa. Ngài tham gia phong trào Văn Thân. Khi phong trào tan rã, Ngài lánh nạn vào miền Nam ở đất Gia Định để tránh sự theo đuổi của quan quân triều đình và mật thám Pháp. Tại nơi lánh nạn này, Ngài đến chùa Giác Viên Chợ Lớn xin xuất gia học đạo với Tổ Phương Minh, được Tổ ban pháp hiệu Chí Thiền, pháp danh Như Hiển và sau đó học đạo với tổ Hoằng Ân chùa Giác Lâm vào năm Tân Tỵ (1881). Đây là những Tổ sư có công giới đức viên tròn, tuệ giác thăng chứng và có công hoằng hóa Phật pháp vùng Tây Nam Bộ từ thời vương triều Nguyễn khi xác lập và định cõi ở phương Nam.
Như vậy, truy nguyên về cội nguồn, Thiền sư Chí Thiền là đệ tử của thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39, với pháp hiệu là Như Hiển, hiệu Chí Thành về sau đổi thành Chí Thiền để tránh trùng tên với ông nội của mình, thuộc dòng kệ phú pháp:
導本原成佛祖先
明如紅日麗中天
靈源廣潤慈風溥
照世真燈萬古懸.
“Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên
Minh như hồng nhật lệ trung thiên
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ
Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền”.
Quá trình học đạo của Thiền sư Chí Thiền là sự dụng công tu tập nội tâm được thể hiện qua công phu chấp tác hằng ngày. Chúng ta cũng biết thiền phái Lâm Tế giai đoạn này đã được Việt hóa từ Tổ sư Liễu Quán, Nguyên Thiều để thích ứng tâm thức người Việt, không còn giữ pháp tu truyền thống từ Lâm Tế Nghĩa Huyền của Trung Hoa. Các Thiền sư Việt trong quá trình định cõi phương Nam đã ý thức thiền là cuộc sống, ngoài cuộc sống là không có thiền, để giáo hóa dân và an dân trong tiến trình di cư và khai hoang mở cõi.
Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì thiền sử mà sau này Tạp chí Từ Bi Âm ghi lại thì Thiền sư Chí Thiền vào những năm đầu xuất gia học đạo thiền, Ngài đã “noi gương các bậc tiền bối Tổ sư phát nguyện bửa củi, gánh nước, giã gạo… không nề gian lao khổ cực suốt một thời gian dài. Sau đó, Ngài phát nguyện đóng chuông ngày sáu thời ròng rã suốt ba tháng. Mãn đóng chuông ba tháng, Ngài phát tâm công quả đắp nền chùa Giác Viên hằng ngày bằng 100 xe đất cho đến lúc thành tựu. Sau đó, Ngài xin Bổn sư cho nhập thất ba năm, được thầy ban pháp ấn. Ba năm nhập thất cũng đạt sở nguyện viên mãn, Ngài lại cùng Bổn sư lo xây dựng ngôi Tam bảo Giác Sơn. Ngôi chùa được khánh thành, Bổn sư cử Ngài làm Thủ tọa coi sóc trong ngoài chùa Giác Sơn. Cho đến khi Bổn sư viên tịch vào năm Kỷ Tỵ (1899), Ngài lại kiêm nhiệm trụ trì chùa Giác Viên” [5].
Có thể nói, thời học đạo của Ngài là cả quá trình tự tu, tự học và tự chứng. Cũng theo thiền sử, Ngài tinh cần chuyên tâm học pháp và cầu pháp, có thể nói đây là nền tảng mà sau đó, Ngài đã thành công trong việc vân du hoằng pháp vùng đất An Giang mầu nhiệm. Tạp chí Từ Bi Âm viết: “Tay Ngài không rời quyển kinh, đêm không an giấc, ngày chẳng dám nghỉ, có thấy mới biết cái khổ hạnh của Ngài thật là ghê, cái chí nguyện của Ngài thiệt là thành, cái tinh thần lợi sanh của Ngài thiệt là vững, cái lòng tế độ chúng sanh của Ngài thiệt là sốt sắng” [6].
Đây chính là hành trang và là con đường rộng mở mà Thiền sư Chí Thiền đã cất bước chân đến vùng đất An Giang hoằng hóa vào năm Canh Ngọ (1990). Vùng đất này là vùng đất mới, nơi đây hội tụ mọi tầng lớp dân cư trong xã hội Việt Nam bấy giờ, bao gồm người Việt di cư, người Khmer và cả người Trung Hoa di dân sang. Trong hoàn cảnh như vậy, triết lý sống Phật giáo của dân Việt bấy giờ được vận hành bằng cách quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân. Chính nếp sống đạo Thiền khiến cho mọi người tự tin vào khả năng ngộ đạo của chính mình, tin vào sức của mình, tin ở dân tộc, tin ở luật nhân quả nghiệp báo để cuộc sống của toàn dân hướng đến chỗ chân, thiện, mỹ, đó là triết lý sống của người dân theo Đạo Phật. Thế nên Thiền sư Chí Thiền đã quyết định dừng lại vùng đất này để an trú dân chúng Phật tử địa phương cung thỉnh Ngài trụ xứ từ thảo am núi Cấm và với cương vị là trụ trì chùa Phi Lai. Nhờ uy đức và hạnh nguyện, Ngài đã biến nơi đây thành chốn già lam đông đúc tăng tín đồ đến thọ pháp, cuộc sống người dân quanh vùng có biến đổi mới mẻ và chan hòa ý sống tình đạo.
Cụ thể, Thiền sư Chí Thiền đã giáo hóa dân chúng bằng chánh pháp phù hợp triết lý sống người Việt, thiết lập đạo tràng chùa Phi Lai thành trung tâm đoàn kết mọi thành phần trong xã hội, trên hết phải bảo đảm đời sống an sinh cho người dân, đó chính là an dân. Và như thế ngôi chùa không chỉ là ngôi nhà tâm linh mà là nơi kết nối yêu thương, chia sẻ và đùm bọc nhau trong tiến trình khai hoang lập ấp cho dân làng. Ta chẳng ngạc nhiên gì, sử chép Thiền sư Chí Thiền đã cùng chính quyền tổ chức hương chức địa phương khẩn hoang khu vực rộng lớn xung quanh chùa để thành lập nông trại làm ruộng. Từ đó, Thiền sư trở thành người lãnh đạo tinh thần cho dân chúng, khuyến bảo mọi người ra sức tăng gia sản xuất để có tài vật thiết lập nhà cửa, lập ấp và xây dựng lại chùa khang trang đáp ứng một đạo tràng tu tập.
Theo dân gian truyền miệng, chùa Phi Lai khi ấy được tổ Chí Thiền kiến tạo khá quy mô trên một khu đất rộng gần 2 mẫu tây. Các công trình vừa chính vừa phụ đếm được trên 20 nóc. Điểm đáng nói, trong tinh thần hộ quốc an dân, Thiền sư là người hộ trì dân chúng, cứu giúp nạn dân tỉnh Châu Đốc qua cơn thiên tai tàn khốc năm Đinh Mùi (1907), tương tự như việc Ngài đã từng làm với Nhân dân Gò Công trong nạn nước năm Giáp Thìn (1904) và cùng Tăng chúng chùa Phi Lai thường xuyên hỗ trợ người dân vùng biên ải khó khăn. Công hạnh của Thiền sư được truyền tụng khắp nơi và lan sang tận nước bạn Campuchia, từng được sư sãi cả chùa Tà Lạp nước láng giềng dâng tượng Phật vàng tôn thờ tại chùa Phi Lai.
Một điểm nữa cần đề cập đến trong việc thiết lập đạo tràng Phi Lai giáo hóa đồ chúng của Thiền sư Chí Thiền, thì chùa Phi Lai là nơi hội tụ các nhân sĩ trí thức thời đó trong công cuộc chấn hưng văn hóa nước nhà, hướng đến quyền độc lập tự chủ của đất nước trong lúc bị Pháp xâm lược. Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc là những đại biểu nhà Nho – chí sĩ yêu nước và rất có niềm tin với Phật giáo. Cho nên, các nhân sĩ trí thức yêu nước tìm đến các Tôn túc uy tín Phật giáo để chung lòng giải quyết vấn đề chấn hưng Phật học và quốc học. Trường hợp cụ Phan Bội Châu đến chùa Phi Lai vào năm Quý Mão (1903) trao đổi với Thiền sư Chí Thiền là thể hiện tinh thần yêu nước phụng đạo, chỉ một lời khuyên của Thiền sư Chí Thiền cũng nói lên sự đồng tâm hiệp lực của Thiền sư – của giới Phật giáo với nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu về cách hành động, cách thực thi công cuộc phục hưng Phật giáo và dân tộc mà Pháp đang theo dõi: “Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc với nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya, nhà kín, tai mắt mình không thể phòng được xa, chỉ làm thêm cơ hội những ai muốn rình xét”.
Thực tế, vào thời điểm đầu thế kỷ XX, giới trí thức nhân sĩ yêu nước của Phật giáo và Nho giáo có tấm lòng yêu nước, yêu đạo đều được Pháp quan tâm và cảnh giác. Sự kiện, Thiền sư Chí Thiền có cuộc trao đổi với hoàng thân Cường Để tại Quảng Nam vào tháng 2 năm 1904, cũng vào tầm mắt của Pháp, không phải ngẫu nhiên mà Thiền sư Chí Thiền thường được chính quyền thực dân Pháp nghi ngờ, mật thám theo dõi và bắt bớ; sau đó không đủ chứng cứ thì thả ra. Bên cạnh đó, tư liệu sử còn cho ta biết Thiền sư Chí Thiền còn tiếp xúc nhiều chí sĩ yêu nước nữa qua mối liên hệ với Thiền sư Huệ Đăng từ năm 1925 cho đến năm 1932. Có thể nói, hơn 60 năm hoằng dương Chánh pháp, Thiền sư đã quy y Tam bảo cho hàng trăm Phật tử hữu duyên và hơn 40 Tăng, Ni xuất gia và trao đổi hoằng pháp cả các chí sĩ yêu nước, góp phần khơi nguồn, hun đúc nên những thế hệ Tăng Ni tài danh tiếp sau rạng danh Phật giáo đồ nói chung, tông phong Tổ đình Phi Lai nói riêng.
Đào tạo Tăng tài, truyền đăng tục diệm, truyền bá chánh pháp
Về việc đào tạo Tăng tài, là một trong bốn điểm trọng tâm mà Hòa thượng Khánh Hòa chủ trương trong chương trình chấn hưng: 1. Lập hội Phật giáo. 2. Thỉnh ba tạng Kinh điển dịch ra chữ Quốc ngữ. 3. Lập trường Phật học để đào tạo Tăng tài. 4. Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý, kêu gọi Tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng quy cũ thiền môn. Theo thiển ý của chúng tôi, trong 4 điểm nói trên, việc đào tạo lập trường đào tạo tăng tài là quan trọng nhất, đây là nguồn nhân lực để hoàn thành các mục tiêu khác.
Trong khoảng thập niên 20 của thế kỷ XX, các vị Thiền sư Việt Nam vẫn duy trì và phát triển được các đạo tràng có quy mô, đào tạo lớp kế thừa, tổ chức các lớp giảng dạy Phật pháp cho Tăng sĩ trong vùng, dịch kinh Phật và các tài liệu Phật học, hướng dẫn cư sĩ thực hành Phật pháp theo tinh thần chấn hưng diễn ra khắp nơi ở Nam kỳ như Chợ Lớn, Gò Vấp, Trà Vinh, Châu Đốc, Sóc Trăng… Theo Việt Nam Phật giáo sử luận thì Thiền sư Chí Thiền là người cùng chí hướng với Thiền sư Khánh Hòa, cũng là người thực thi chương trình chấn hưng qua việc tổ chức đào tạo Tăng Ni có trình độ Phật học. Sử chép: “Tại chùa Phi Lai ở Châu Đốc, Thiền sư Chí Thành (Chí Thiền) quy tụ Tăng sĩ về giảng dạy hàng năm, dưới sự hướng dẫn của ông, một trường Phật học dành cho Ni giới được tổ chức tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu, có trên một trăm học Ni tham dự” [7].
Do chưa có đầy đủ tư liệu về chương trình tu học Tổ đình Phi Lai, hay ở chùa Giác Hoa – Bạc Liêu mà Thiền sư Chí Thiền đứng ra tổ chức và giảng dạy tại các đạo tràng thời ấy, khó biết cụ thể những gì đã được trao truyền giữa thầy và trò, nhưng xét trên không khí sôi động của phong trào Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX trên các tạp chí của các Hội như Từ Bi Âm, Viên Âm, Từ Quang, Duy Tâm… có thể nghĩ rằng bên cạnh việc tu học theo giáo lý nhà Phật căn bản, thì các kinh điển Đại thừa với tư tưởng Phật giáo phát triển được phiên dịch và Việt hóa theo chủ trương 4 điểm của phong trào chấn hưng do Thiền sư Khánh Hòa khởi xướng. Mặt khác, căn cứ vào bài kệ của Thiền sư Chí Thiền phú pháp cho các đệ tử trước khi viên tịch vào ngày Rằm tháng 2 năm 1933 đủ chứng minh Ngài đắc pháp qua quá trình tu học kinh văn Đại thừa từ tư tưởng Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa, Viên Giác… và truyền trao lại cho đồ chúng đệ tử trong khi làm giáo thọ:
“Nhứt niệm viên quán tội tính không,
Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh”.
Trong số đệ tử mà Thiền sư đào tạo, có thể có những vị đệ tử có tư chất đặc biệt đã được thầy tổ tạo điều kiện tiếp cận với nền văn hoá đang thay đổi bằng cách học thêm chữ quốc ngữ, chữ Hán, tiếng Pháp và khuyến khích theo dõi báo chí, sách vở tân học.
Nhìn chung, nội dung đào tạo cho Tăng Ni trong giai đoạn chấn hưng mà Thiền sư Khánh Hòa khởi xướng, trong đó có Thiền sư Chí Thiền thực thi là trao truyền sự nhận thức Thiền học truyền thống và sống theo quy cũ thiền môn; việc đào tạo hoàn toàn y cứ trên nền tảng Giới – Định – Tuệ. Đối với Thiền sư Chí Thiền, điều căn bản để Chấn hưng Phật giáo là phổ biến kinh điển cho mọi người cùng biết và nghiên cứu; kế đó, căn cứ trên giáo nghĩa, thực hiện đúng những gì được phép và tránh những điều đã bị ngăn cấm. Đó là quan điểm Phật học, Thiền học mang tính Thiền Tịnh song hành, có khuynh hướng nhập thế ở mức độ dung hoà, nhấn mạnh đến việc tự độ trước khi thực hiện việc độ tha.
Trong quá trình đào tạo Tăng tài, hẳn nhiên đồ chúng theo học có thể lên đến hàng trăm Tăng Ni, nhưng số đệ tử xuất gia tu học theo các tài liệu sử hiện nay công bố là 40 vị, trong đó có những đệ tử xuất sắc làm rạng danh tông môn Tổ đình Phi Lai nói riêng, thiền phái Lâm Tế Gia Phổ Tây Nam Bộ và công cuộc Chấn hưng Phật giáo từ đó trở về sau. Các đệ tử tiêu biểu của Thiền sư Chí Thiền được tôn vinh sử sách thời cận hiện đại như:
1. Hòa thượng Hồng Pháp – Thiện Minh
2. Hòa thượng Hồng Diệu – Thiện Đạo
3. Hòa thượng Hồng Nhẫn – Từ Nhơn (Đào Bá Nhẫn);
4. Hòa thượng Hồng Nhơn – Từ Nhẫn
5. Hòa thượng Hồng Tôi – Thiện Tường
6. Hòa thượng Hồng Xứng – Thiện Quang
7. Hòa thượng Hồng Mão – Thiện Tâm;
8. Hòa thượng Hồng Nở – Thiện Hoa (tự Hoàn Tuyên);
9. Hòa thượng Hồng Minh – Từ Hội (HT. Pháp Long);
10. Hòa thượng Hồng Tông – Quảng Đạt;
11. Hòa thượng Hồng Thông – Trí Châu;
12. Hòa thượng Hồng Sáng – Thiện Quang;
13. Hòa thượng Hồng Tòng – Thiện Tòng, tự Phổ Quảng;
14. Hòa thượng Hồng Chương – Trí Đức (Y chỉ);
15. Hòa thượng Hồng Trung – Thiện Tín (HT. Huệ Hải).
Về thế hệ Pháp tôn có HT. Lệ Huy – Thiện Nhơn hiện là Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.
Về chư Ni đệ tử tiêu biểu phải kể đến Ni sư Hồng Từ – Diệu Nga; Ni sư Hồng Trung – Diệu Hậu; Ni sư Hồng Thọ – Diệu Tịnh (Pháp sư Ni đầu tiên của Ni giới Việt Nam thời kỳ chấn hưng); Ni sư Hồng Lầu – Diệu Tấn; Ni sư Hồng Tích – Diệu Kim; Ni sư Hồng Quý – Bửu Thanh; Ni sư Hồng Khoái – Bửu Chí; Ni sư Hồng Đắc…
Về vấn đề truyền đăng tục diệm, truyền bá chánh pháp, cứ nhìn kết quả đào tạo thế hệ con cháu của Thiền sư Chí Thiền nói trên cũng cho ta thấy về sự truyền thừa thiền phái Lâm Tế Gia Phổ ở Tây Nam Bộ được xuất phát từ Tổ đình Phi Lai cũng minh chứng cho vai trò của Thiền sư – tổ Chí Thiền là vô cùng quan trọng. Có thể nói chốn Tổ Phi Lai là một trong 4 chốn Tổ làm rạng rỡ dòng thiền này mà sử sách ghi chép:
1. Từ chốn Tổ chùa Đại Giác và chùa Kim Cang, có Hòa thượng Thành Đẳng (chùa Đại Giác), Thành Nhạc (chùa Châu Thới, Long Thiền), Thành Chí (chùa Bửu Phong, Đồng Nai), cho đến Hòa thượng Hồng Tín – Huệ Thành…
2. Từ chốn Tổ chùa Từ Ân và chùa Giác Lâm, các pháp tôn của Tổ như Phật Ý, Tổ Tông, Tiên Giác, Minh Khiêm, Minh Hương, Minh Lượng… Như Phòng, Như Nhãn, Như Quới, Như Hiền…
3. Từ chốn Tổ chùa Tây An – An Giang, ngài Tiên Giác truyền cho Minh Huyên – Pháp Tạng (Phật thầy Tây An), Minh Võ – Nhất Thừa… Sau đó, Tổ Minh Khiêm truyền cho Như Sơn, Như Quả, Như Nghĩa, Như Tâm, Như Đắc, Như Mật rồi đến Hồng Nguyện Hồng Đại, Hồng Trung, Hồng Chí, Hồng Hưng, Hồng Trực, Hồng Cung…
4. Từ chốn Tổ chùa Phi Lai, có Hòa thượng Hồng Pháp, Hồng Quang, Hồng Nở, Hồng Tôi, Hồng Xứng – Nhựt Bình (Trí Tịnh)…; Lệ Huy – Thiện Nhơn… đã phát triển thiền tông, truyền đăng tục diệm, làm cho đạo pháp được chấn hưng, đất nước hưng thịnh.
Cũng theo Việt Nam Phật giáo sử luận, Thiền sư Chí Thiền là người tham gia và chứng minh các khóa học đào tạo Tăng tài và truyền trao giới pháp, cụ thể vào “năm Đinh Mẹo (1927), Ngài chứng minh lễ khai giảng lớp học Tăng ở chùa Giác Hoa tỉnh Sóc Trăng. Năm Kỷ Tỵ (1929), Ngài chứng minh Đại Giới đàn chùa Trùng Khánh ở Phan Rang” [8].
Theo đó, tình hình sinh hoạt Phật giáo trong một bối cảnh lịch sử đầy biến động, vô cùng khó khăn, công tác Phật sự tuyển Phật trường vẫn được chú trọng. Vai trò của vị chứng minh Đại Giới đàn luôn đòi hỏi người chứng minh Giới đàn là những người giới đức trang nghiêm thanh tịnh và tuệ giác thăng chứng để Giới tử đắc giới. Việc tổ chức Đại Giới đàn ở Phan Rang miền Trung mà Ban Tổ chức đã vào tận miền Nam cầu thỉnh Thiền sư Chí Thiền ở miền Nam, chứng tỏ công hạnh của Ngài đã lan tỏa tận miền Trung. Với công đức sâu dày trong việc truyền đăng tục diệm kế thừa mạng mạch Phật pháp, con cháu các thế hệ của Thiền sư là những Tăng Ni được thọ giáo, tu học từ tổ Chí Thiền đã trở thành bậc pháp khí Đại thừa, đóng góp lớn trong công cuộc Chấn hưng Phật pháp qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử Phật giáo Việt Nam .
THAY LỜI KẾT
Thiền sư Chí Thiền – Như Hiển là bậc long tượng, là danh Tăng của Việt Nam ở thế kỷ XX, Ngài là Tổ sư phát tích chốn Tổ Phi Lai thuộc dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ vùng Tây Nam Bộ. Tổ sư hiện hữu ở đời với tâm đại từ, đại trí để chứng dự phong trào Chấn hưng Phật giáo, cũng là chấn hưng quốc học trong một bối cảnh xã hội Việt Nam đầy biến động. Chính tư tưởng và sở nguyện mong cầu Phật giáo Việt Nam hưng thịnh, quốc gia thịnh cường độc lập tự chủ mà Tổ sư đã đào tạo không biết bao nhiêu đồ chúng, pháp khí Đại thừa đóng góp cho công cuộc Chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX, cũng là góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương xứ sở, đất nước thanh bình.
Con cháu kế thừa tông phong pháp phái Tổ đình hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Trưởng lão Hòa thượng Tông trưởng – đương kim Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN – Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Thích Thiện Nhơn, đã thay mặt Tăng Ni tông phong đứng ra đại trùng tu Tổ đình vào năm 2018, đến nay đã trở thành ngôi phạm vũ huy hoàng tráng lệ, trở thành trung tâm tu học của vùng đất An Giang, là nơi kết nối truyền trao mạch thiền của dòng Lâm Tế Gia Phổ vùng Tây Nam Bộ nói riêng, Phật giáo nước nhà nói chung. Tổ đình Phi Lai ngày nay còn là nơi hội tụ những giá trị đạo đức tâm linh, văn hóa tín ngưỡng đặc thù chùa Việt phương Nam mà bất cứ người dân Việt nào có thể đến để trải nghiệm và thực hành đời sống nội tâm trong cuộc sống hiện đại đa màu sắc. Tất cả đều minh chứng cho một thế giới Phật tâm hóa hiện giữa cuộc đời này.
Chú thích:
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN.
[1] Nguyễn Lang (2014, tái bản), Việt Nam Phật giáo sử luận (Toàn tập), Nxb. Văn học, tr.754-755.
[2] Nguyễn Lang (2014, tái bản), Việt Nam Phật giáo sử luận (Toàn tập), Nxb. Văn học, tr.759.
[3] Nguyễn Hiến Lê (1974), Đông Kinh nghĩa thục, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn.
[4] Dẫn theo Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 3), Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.751.
[5] Tuệ Giác (1964), Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử, Nxb. Hoa Nghiêm, tr.74.
[6] Từ Bi Âm (1932), Tiểu sử của Hòa thượng chùa Phi Lai, in trong Từ Bi Âm, kỳ thứ 16, tr.42.
[7] Từ Bi Âm (1932), Tiểu sử của Hòa thượng chùa Phi Lai, in trong Từ Bi Âm, kỳ thứ 16, tr.42.
[8] Nguyễn Lang (2014, tái bản), Việt Nam Phật giáo sử luận (Toàn tập), Nxb. Văn học, tr.757.
[9] Nguyễn Lang (2014, tái bản), Việt Nam Phật giáo sử luận (Toàn tập), Nxb. Văn học, tr.795.
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm (2001), Phật giáo xứ Huế, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
2. Thích Đồng Bổn (biên soạn) (2017), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX (tập 1), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức.
4. Thích Phước Đạt (2020), Trần Thái Tông và Khóa hư lục nhìn từ góc độ Văn học, Nxb. Hồng Đức.
5. Thích Phước Đạt (2022), Văn hóa Phật giáo Việt Nam: Tiếp biến và Hội nhập, Nxb. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Nguyễn Hiền Đức (1993), Phật giáo Đàng Trong, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
8. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
9. Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2011), Chư tôn thiền đức, cư sĩ hữu công, Phật giáo Thuận Hóa, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
10. Nguyễn Lang (2014, tái bản), Việt Nam Phật giáo sử luận (Toàn tập), Nxb. Văn học,
11. Nguyễn Hiến Lê (1974), Đông Kinh nghĩa thục, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn.
12. Thích Thiện Nhơn (2018), Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
13. Thích Thiện Nhơn (2019), Hương đạo ngát đời, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
14. Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Quốc Tuấn và Thích Đồng Bổn (biên soạn), Nxb. Hồng Đức.