Dân tộc Việt Nam trong bất cứ thời đại nào cũng có các bậc vĩ nhân các anh hùng dân tộc làm rạng danh, đưa đất nước thoát khỏi sự cai trị của ngoại bang.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Xong hào kiệt đời nào cũng có.
(Nguyễn Trãi)
Phật giáo cũng thế, mỗi giai đoạn đều có những danh Tăng, long tượng thiền gia, bậc xuất trần thượng sĩ, những bậc thạch trụ các chốn tòng lâm làm rạng danh con nhà Thích tử, giúp hưng thịnh Phật pháp chốn nhân gian. Và một trong các vị Bồ tát hiện thân vào đời ấy là cụ tổ Như Hiển – Chí Thiền.
Để tưởng niệm công đức sâu dày của Tổ trong công cuộc hoằng dương chánh pháp ở vùng đất phương Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, cũng như đặt nền móng phát triển cho các thế kỷ tiếp theo, Môn phong Tổ đình Phi Lai đã phối hợp với Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Công đức và đạo hạnh của Tổ sư Như Hiển Chí Thiền – Tổ đình Phi Lai: Hội tụ và lan tỏa”. Chúng con thuộc hàng cháu chắt của Tổ đang thừa hành Phật sự tại các Tổ đình xin mạo muội dựa theo sử liệu của Tổ đình để ghi lại đôi dòng về sự hưng thịnh của các chốn Tổ và công hạnh cao cả của các bậc Tổ sư trong việc tu tập, hành đạo. Đặc biệt là công cuộc phát triển và Chấn hưng Phật giáo ở vùng đất chín rồng cực nam của Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện tấm lòng tri ân báo đức các bậc Tổ sư làm động lực trong tu học và nỗ lực cống hiến phụng sự Tam bảo, phát triển Phật pháp ở thế kỷ XXI.
Tổ đình Phước Lâm tọa lạc tại làng Phú Nhuận Đông, tổng Lợi Thuận, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường nay thuộc xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Do thời gian lâu xa cũng như chiến tranh nên sử liệu về Tổ đình bị thất lạc khá nhiều, vì thế chưa xác định được chính xác chùa có từ năm nào và do vị Tổ nào khai sáng.
Dựa theo tài liệu của Hội Nghiên cứu Đông Dương trong quyển Địa chí tỉnh Mỹ Tho (Monographie de la Province de My Tho, ấn bản năm 1902), do hai tác giả Lê Minh Hà và Trần Thành Trung dịch chú giải, giới thiệu, nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản, có thể thấy: Làng Phú Nhuận được thành lập vào năm Gia Long thứ 18 (1819) bởi tiền hiền Nguyễn Văn Lợi và hậu hiền Bùi Văn Tảng, có chùa thờ Phật tên gọi là Phước Lâm Tự. Như vậy, Tổ đình Phước Lâm có thể thành lập trước năm 1819. Hiện nay, chùa chỉ còn sử liệu từ tổ Thanh Lợi, hiệu Minh Đức, trụ trì từ năm 1836. Đến năm 1850, khi Đức Tổ Tăng Cang Tiên Giác – Hải Tịnh bắt đầu hoằng hóa Phật pháp ở vùng đất phương Nam thì cụ tổ Thanh Lợi đưa đệ tử tục gia của mình là Phật tử Tô Ngọc Trử đến chùa Tây An (Châu Đốc) cầu thế phát xuất gia tu học. Ngài được Đức Tổ Tiên Giác thâu nhận làm đệ tử cho xuất gia tại chùa Giác Lâm (Sài Gòn) và ban cho Pháp Húy là Minh Trử hiệu Quảng Huệ thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 38.
Tổ đình Phi Lai được những lưu dân người Việt dựng lên vào năm 1786 dưới chân ngọn núi Kỳ Hương thuộc làng Tú Tề, tổng Thành Ý, huyện Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc, nay thuộc ấp Núi Voi, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Cụ tổ Minh Mai thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 38 do cùng là đệ tử của cụ tổ Tiên Giác – Hải Tịnh nên giữa cụ tổ Minh Mai và cụ tổ Minh Trử rất thân nhau, thường hay làm Phật sự cùng nhau. Sử ghi rằng: cụ tổ Minh Trử rất giỏi võ thuật và y thuật nên thường hành y bốc thuốc Nam chữa bệnh cho dân chúng quanh vùng Cai Lậy, Cái Bè. Do vậy, cụ tổ Minh Mai thường nhờ người đi hái các cây thuốc nam để đưa về cho cụ tổ Minh Trử ở Tổ đình Phước Lâm chữa bịnh cho dân chúng.
Lúc bấy giờ, vùng Châu Đốc dân cư còn thưa thớt. tổ Tiên Giác muốn chánh pháp ở đây hưng thịnh nên đã khai mở Đại Giới đàn vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Tân Mùi (1871) tại chùa Tây An (núi Sam – Châu Đốc), truyền trao giới pháp cho Tăng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Trong giới đàn này, tổ Hải Tịnh được cung thỉnh vào vị Đàn đầu Hòa Thượng. Cụ tổ Chơn Ứng (trụ trì chùa Sùng Đức và Phụng Sơn – Chợ Lớn) được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê. Cụ tổ Minh Mai và cụ tổ Minh Trử được cung thỉnh vào Tôn chứng Tăng già.
Nhận thấy vùng Cai Lậy, Cái Bè tuy có chùa chiền nhưng Phật pháp chưa phát triển, nhất là chưa có hàng kế vãng khai lai truyền thừa mạng mạch, nên nhân ngày Đại lễ Phật đản, cụ tổ Minh Trử đã trình thưa với Hòa thượng bổn sư cho phép mở Đại Giới đàn. Ý tưởng này được tổ Tiên Giác chấp thuận, giới đàn được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Nhâm Thân (1872) tại chùa Huỳnh Long (một chi nhánh của Tổ đình Phước Lâm). Giới đàn này đã cung thỉnh cụ tổ Tiên Giác làm Đàn đầu Hòa thượng, cụ tổ Minh Chiếu (chùa Bảo An – Gò Vấp) làm Yết Ma, cụ tổ Quảng An (Tổ đình Giác Lâm – Sài Gòn) làm Giáo thọ, cụ tổ Minh Mai và cụ tổ Minh Trử làm Tôn chứng Tăng già.
Tháng Chạp năm Quý Dậu (1873), sau khi trùng tu Tổ đình Phước Lâm hoàn mãn, cụ tổ Minh Trử lại xin phép Hòa thượng bổn sư tiếp tục mở Đại Giới đàn tại Tổ đình Phước Lâm. Được tổ Tiên Giác chấp thuận, trong Giới đàn này, cụ tổ Tiên Giác được cung thỉnh Đàn đầu Hòa thượng, cụ tổ Minh Thế (chùa Long Quang – Cần Thơ) làm Yết Ma, cụ tổ Phổ Minh (chùa Hội Phước – Sa Đéc) làm làm Giáo thọ, cụ tổ Minh Mai và cụ tổ Minh Trử được cung thỉnh làm Tôn chứng Tăng già.
Năm Giáp Tuất (1874), vì muốn lưu truyền kinh điển cho đời sau nên cụ tổ Minh Trử chủ trì khắc nhiều bản Kinh, Luật bằng mộc bảng. Ngày khai mộc đã cung thỉnh cụ tổ Minh Mai và nhiều vị cao Tăng thạc đức đến chứng minh Phật sự này. Những mộc bản Kinh, Luật này đến nay vẫn còn nguyên giá trị và trở thành pháp bảo của chùa. Rất nhiều Phật sự được hai cụ Tổ cùng nhau thực hiện, qua đó giúp cho thế hệ hậu lai một bài học vô cùng quý giá. Đó là tinh thần pháp lữ đồng hành trên con đường thừa đương Phật sự sống có nghĩa có tình, tương thân tương ái cùng nhau hành Bồ tát đạo.
Thế hệ tiếp theo của hai cụ Tổ là tổ Như Hiển – Chí Thiền xuất gia với cụ tổ Minh Mai tại chùa Giác Lâm (Sài gòn). Tổ Như Huy – Khánh Huy là đệ tử cụ tổ Minh Trử – Quảng Huệ tại Tổ đình Phước Lâm (Cai Lậy) tuy là đệ tử của hai cụ Tổ nhưng vì nhỏ tuổi hơn nhiều nên tổ Như Huy luôn xem cụ tổ Như Hiển là bậc thầy thường xuyên theo tu học với Tổ. Cũng như mọi công việc Phật sự của Tổ đình Phước Lâm, tổ Như Huy đều thỉnh ý tổ Như Hiển. Như trận bảo năm Giáp Thìn (1904) theo lời chỉ dạy của tổ Như Hiển, tổ Như Huy đã về vận động gia đình dòng họ phát tâm cúng tịnh tài gần 1.000 đồng bạc Đông Dương để giúp an táng người chết cũng như phát quà cứu đói và chữa thương cho người sống. Cũng trong năm này, vâng lời dạy của tổ Như Hiển, tổ Như Huy đã đứng ra tổ chức Chúc thọ Giới đàn tại chùa Khánh Quới (chi nhánh Tổ đình Phước Lâm) và cung thỉnh tổ Như Hiển chứng minh, tổ Minh Lương – Chánh Tâm (Tổ đình Kim Cang) làm Đàn đầu Hòa thượng, Hòa thượng Tâm Ba – Phước Chí (Tổ đình Phước Lâm) làm Yết Ma.
Năm Giáp Dần (1914), tổ Như Huy lại thỉnh thị ý kiến tổ Như Hiển cho khởi công tái thiết lại Tổ đình Phước Lâm. Tổ Như Hiển đồng ý và đích thân quang lâm đến để góp ý việc trùng tu. Sau khi công việc trùng tu hoàn thành, tổ Như Huy đã thỉnh ý tổ Như Hiển mở Đại Giới đàn tại Tổ đình Phước Lâm. Tổ Như Hiển hoan hỷ chứng minh. Cũng trong năm này, tổ Như Huy lại thỉnh ý tổ Như Hiển mở khóa Kiết đông tại Tổ đình Phước Lâm. Tổ hoan hỷ đồng ý chứng minh, khóa Kiết đông này có hơn 200 vị Tăng ở khắp vùng Nam kỳ lục tỉnh về tham dự, đặc biệt trong khóa Kiết đông này đã cung đón cụ tổ Huệ Đăng (Tổ đình Thiên Thai – Bà Rịa) quang lâm về chứng minh tham dự. Chính trong khóa kiết đông này, chư Tổ đã khơi dậy lòng yêu nước với các vị Tăng sĩ trẻ lúc bấy giờ như: HT. Thiện Chiếu (sư Thiện Chiếu), HT. Thiện Tòng, HT. Thiện Ân, HT. Thiện Nghĩa… và các thế hệ tiếp theo như: HT. Pháp Tràng, HT. Bửu Thông.
Có thể nói, dưới sự chứng minh và hướng dẫn của cụ tổ Như Hiển – Chí Thiền, tổ Như Huy đã thành tựu được rất nhiều công việc Phật sự tại chốn Tổ đình Phước Lâm và các tự, viện thuộc môn phong của Tổ đình cũng như các tòng lâm tự viện ở khắp vùng Nam kỳ lục tỉnh, nhất là vùng Cai Lậy, Cái Bè. Đặc biệt, dưới sự chỉ dẫn của cụ tổ Như Hiển, tổ Như Huy tham gia tích phong trào Chấn hưng Phật giáo do cụ tổ Khánh Hòa (chùa Tiên Linh – Mỏ Cày Bến Tre) khởi xướng. Tổ Như Huy đã vận động gia tộc và đồng bào Phật tử đóng góp rất nhiều tịnh tài (vì gia đình và dòng họ tổ Như Huy là địa chủ của vùng Cai Lậy).
Ân đức của Tổ sư đã để lại nhiều giá trị cao quý về công phu hành trì và công đức phụng sự đạo pháp, dân tộc, truyền thừa qua bao thế hệ, giúp hàng hậu bối chúng con hôm nay được thừa hưởng. Chúng con nguyện cố gắng noi theo tấm gương đạo hạnh sáng ngời của Tổ sư để gìn giữ, phát huy những bài học về giá trị sự tu tập tự thân và nỗ lực hành trì phụng sự Phật pháp lẫn Giáo hội ngày một phát triển hưng thịnh.
Hôm nay, nhân lễ tưởng niệm 90 năm ngày viên tịch của Tổ sư, chúng con lại một lần nữa ôn lại những công hạnh của Tổ để nhắc nhở tự thân và huynh đệ môn phong cùng hàng hậu học cố gắng tinh tấn trau dồi đạo hạnh, dấn thân phụng sự đạo pháp, dân tộc cũng như Giáo hội. Đồng thời, đoàn kết hòa hợp phát triển tông môn Tổ đình Phi Lai ngày càng xương minh thịnh mậu trong hiện tại và tương lai. Đó là cách chúng con tri ân báo ân Tổ sư trong muôn một.