Tóm tắt: Tổ đình Phi Lai không chỉ là một địa chỉ tâm linh tôn giáo mà còn là một di tích lịch sử vô giá, là tài sản quý báu mang những nét đặc trưng của văn hóa An Giang. Cùng với sự khắc nghiệt của thời gian, di tích Phật giáo này đã bị xuống cấp trong quá khứ. Tuy nhiên, các cấp chính quyền và ban ngành địa phương đã chỉ đạo, phối hợp kịp thời với Ban Quản lý di tích cùng người dân nơi đây tiến hành tu bổ, tôn tạo ngôi thiền tự của Phật tử Tịnh Biên. Từ những điều đã làm được cũng như chưa làm được, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại di tích này để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các địa phương khác. Và đây cũng là nội dung chính mà tác giả bài viết đề cập đến.
Từ khóa: Tổ đình Phi Lai, Di tích Phật giáo, Bảo tồn, Phát huy giá trị, Bài học kinh nghiệm.
DẪN NHẬP
Du khách thập phương tới chân núi Kỳ Hương – ấp Núi Voi (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), ngước lên sẽ thấy một kiến trúc Phật giáo khang trang, to đẹp. Đó chính là Tổ đình Phi Lai, được mệnh danh là “một trong những trung tâm hành hương và du lịch tham quan của khu vực Bảy Núi” . Viết về Tổ đình Phi Lai, đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến. Những nguồn tài liệu cho biết, người có công thực hiện sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp, nuôi dạy Tăng tài tại Phi Lai tự là Tổ sư Chí Thiền. Bên cạnh các hoạt động cứu tế xã hội, Ngài đã bỏ bao tâm huyết trong việc trùng tu ngôi thiền tự. Theo thời gian, ngôi chùa lá đơn sơ bé nhỏ dần phát triển thành chốn Tổ khang trang. Đến năm 2018, ngôi thiền tự tiếp tục được tu bổ, tôn tạo và tham gia vào sứ mệnh phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương. Nghiên cứu của Đại đức Thích Minh Ân cho biết: “Đến năm 2018, với sự khởi xướng của hòa thượng Thích Thiện Nhơn, chư Tôn đức Tăng Ni môn hạ Tổ đình Phi Lai đã phát tâm đại trùng tu chốn Tổ, để báo đáp phần nào ân đức sâu dày của Tổ, đồng thời góp công tôn tạo một thắng tích lịch sử của nước nhà”. Nhờ đợt tu bổ tôn tạo lần này, chốn Tổ đình Phi Lai ngày càng bề thế và vững chắc.
SỰ THAM GIA CỦA CHÍNH QUYỀN VÀ CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG
Đối với Nhân dân Tịnh Biên nói riêng cũng như Nhân dân tỉnh An Giang nói chung, Tổ đình Phi Lai là một di sản văn hóa – lịch sử chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Việc gìn giữ, khai thác, đưa giá trị di sản phục vụ đời sống người dân địa phương là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị của Phi Lai thiền tự, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý và bảo tồn di sản.
Tổ đình Phi Lai tọa lạc ở Núi Voi thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Do đó, di tích tôn giáo này thuộc quyền quản lý của UBND huyện Tịnh Biên, trực tiếp là Ban Quản lý Tổ đình Phi Lai với sự phối hợp của UBND xã Núi Voi. Các hoạt động tôn giáo tâm linh diễn ra tại đây do sự điều hành của Ban Quản lý ngôi thiền tự, trực tiếp là nhà sư trụ trì. Mọi hoạt động liên quan đến di tích đều phải thực hiện nghiêm theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về công tác quản lý, bảo tồn di sản và những văn bản pháp luật liên quan. Có thể kể đến Thông tư Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích – Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về Quy định chi tiết một số vấn đề về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tại Điều 1 Thông tư Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có viết:
“1. Thông tư này quy định nội dung, thẩm quyền thẩm định thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi là thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích), thiết kế bản vẽ thi công bảo quản hiện vật, đồ thờ (sau đây gọi là thiết kế bản vẽ thi công bảo quản hiện vật); thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi là thi công tu bổ di tích); tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích; tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên đã được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương (sau đây gọi là đối tượng kiểm kê di tích);
2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tiến hành lập, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích; thi công tu bổ di tích; tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích trên lãnh thổ Việt Nam”.
Những nội dung trong văn bản này là kim chỉ nam, cẩm nang mà bất kỳ cán bộ quản lý văn hóa nào cũng cần nắm vững khi thực hiện các nghiệp vụ quản lý di sản ở địa phương. Và cũng bởi Tổ đình Phi Lai là một di tích tôn giáo, nên các hoạt động quản lý đều phải thật cẩn trọng, vừa vận dụng đúng tinh thần quy định pháp luật, vừa khiến tín đồ của Tổ đình hài lòng. Đây là việc làm không dễ. Đồng thời, các cơ quan Trung ương cũng như địa phương cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các hướng dẫn, quy định về công tác quản lý và tổ chức. Đây sẽ là cơ sở để vận dụng về quản lý trong tình hình thực tế, từ đó giúp xử lý triệt để các vi phạm; qua đó tạo cơ sở pháp lý giúp địa phương thực hiện tốt những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Điều này rất quan trọng bởi nó sẽ giúp Tổ đình Phi Lai tránh được các nguy cơ bị biến dạng, làm mất đi những giá trị cốt lõi.
SỰ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH – KIỂM TRA
Di sản là tài sản của quốc gia, là linh hồn gắn kết dân tộc. Các di tích lịch sử – văn hóa chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống di sản mỗi quốc gia và đồng thời là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống, là bảo tàng các loại hình nghệ thuật dân gian. Do đó, cần thiết nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp, của Ban Quản lý di sản về tầm quan trọng và trách nhiệm đối với công tác quản lý và bảo tồn đối với di sản văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và di tích Tổ đình Phi lai. Việc xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực văn hóa có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là yếu tố vô cùng quan trọng.
Từ hoạt động bảo tồn ở Tổ đình Phi Lai cho thấy, hoạt động thường xuyên kiểm tra tình trạng di sản rất có lợi cho tuổi thọ và tính hấp dẫn của di sản nói chung, di sản tôn giáo nói riêng. Ban Quản lý di tích Tổ đình Phi Lai đã làm rất tốt điều này, đặc biệt từ sau năm 2018. Đây là những bài học quý giá đối với công tác quản lý di sản của nhiều địa phương. Khi có hiện tượng xuống cấp, Ban Quản lý cần nhanh chóng triển khai các hoạt động kết nối chính quyền để có những giải pháp phối hợp thực hiện trùng tu, tôn tạo nhằm đảm bảo cho sự tồn tại của di tích, bảo vệ cảnh quan của di tích sạch, đẹp và khang trang. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật đối với di sản. Đây là lĩnh vực được xem là nhạy cảm, do đó, nếu không nắm chắc những văn bản pháp luật, xử lý tình huống một cách khéo léo, linh hoạt sẽ dễ bị thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cần đồng bộ trong việc phát hiện, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân trục lợi từ di sản, gây ra những hệ quả đáng tiếc. Điều này cho thấy, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo vô cùng cần thiết.
Những hoạt động phát huy cũng như đầu tư cho di sản, cần phát huy nhiều nguồn lực xã hội. Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra những cơ sở dịch vụ, những công trình được đầu tư, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đảm bảo cho việc phát triển bền vững, bảo vệ di tích đúng quy định của phát luật. Hoạt động quản lý đối với di sản Tổ đình Phi Lai ở Núi Voi cho thấy, việc nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý di tích cần tuân thủ những quy định pháp luật. Đây cũng chính là lời đáp cho câu hỏi điều gì đã giúp Tổ đình Phi Lai trở thành một di sản văn hóa lịch sử đặc trưng của địa phương, tăng cường khả năng đối thoại giữa các cộng đồng, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội tỉnh An Giang.
XÂY DỰNG CƠ SƠ HẠ TẦNG, TRIỂN KHAI CÁC ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH
Chính quyền huyện Tịnh Biên và các ban ngành chức năng đã phối hợp để có các biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lấn chiếm, kịp thời trả lại không gian nguyên trạng cho di tích. Đồng thời, triển khai quy hoạch lại không gian di tích cho phù hợp với tình hình hiện nay khi số lượng du khách đến ngày càng tăng. Cũng vì vậy, những khu vực dành cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa hợp lý cần thiết phải cách xa khu vực di tích Tổ đình Phi Lai. Nhận thức được điều này, chính quyền huyện Tịnh Biên đã vận động người dân kinh doanh các hàng quán quanh khu di tích di dời ra bên ngoài khu vực quy hoạch, từ đó giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không để ảnh hưởng di tích. Đồng thời, bổ sung các thiết chế văn hoá của di tích, đầu tư tôn tạo các điểm di tích xứng tầm với quy mô; Phát triển mạng lưới, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm văn hóa di sản; tập trung vào một số lĩnh vực sáng tạo, lưu truyền, bảo tồn, phục dựng các lễ hội và hoạt động văn hóa dân gian. Các cấp ban ngành ở huyện Tịnh Biên cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tăng thêm nguồn lực và giảm bớt kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho các hoạt động bảo tồn di tích Tổ đình Phi Lai. Tăng cường nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp trong hoạt động bảo vệ và phát huy Tổ đình.
Theo thời gian, Tổ đình Phi Lai cũng xuống cấp. Trước tình hình đó, Ban Quản lý di tích đã báo cáo lên cơ quan chức năng ở địa phương, phối hợp xây dựng kế hoạch trùng tu tôn tạo di tích với mục đích gìn giữ giá trị quý của công trình nhằm kịp thời bảo quản, chống xuống cấp di tích, vừa tạo di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn, khang trang, trang nghiêm thu hút ngày càng đông du khách thập phương. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là bến bãi, đường xá đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Từ năm 2018, Ban Quản lý Tổ đình Phi Lai đã tổ chức cuộc đại trùng tu, kéo dài gần ba năm (2018-2020). Sau sự kiện này, khu di tích đã có bước chuyển mình lịch sử và được đánh giá là “Đại hùng bửu điện” bề thế, với lối kiến trúc hiện đại pha lẫn nét văn hóa truyền thống của Phật giáo vùng An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngày càng nhiều Phật tử và du khách thập phương đến chiêm bái ngôi thiền tự trên Núi Voi. Điều này cho thấy, Ban Quản lý di tích và người dân địa phương đã nắm bắt được giá trị của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bài học rút ra đối với các địa phương có di sản cùng loại đó là, cần triển khai đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, cần có kế hoạch bảo tồn, phục hồi các thực hành và sinh hoạt liên quan đến di tích, như: Truyền dạy thực hành nghi lễ, nhạc lễ cho thế hệ trẻ để có đội ngũ kế thừa. Việc triển khai thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích cần công bố cho Nhân dân biết, trên cơ sở đó có thể huy động nguồn lực mạnh mẽ từ phía cộng đồng xã hội. Ban Quản lý di tích Tổ đình Phi Lai phối hợp với chính quyền địa phương, làm rất tốt điều này. Do đó, huyện Tịnh Biên đã phát huy được hiệu quả trong hoạt động xã hội hóa các hoạt động giữ gìn, thực hành và phát huy giá trị của Phi Lai thiền tự.
Cuối năm 2022, Tổ đình Phi Lai triển khai kế hoạch tổ chức Hội thảo “Công đức và đạo hạnh của Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền” và dự định sẽ tổ chức vào đầu năm 2023, nhân dịp lễ tưởng niệm lần thứ 90 năm ngày viên tịch của Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền. Có thể thấy, Ban Quản lý di tích đã rất nhanh nhạy khi biết phối hợp với các nhà khoa học để tổ chức một sự kiện mang tính học thuật, tưởng nhớ tới vị Tổ sư khai sơn ra Phi Lai tự. Một trong những nội dung mà Hội thảo đề cập đến là di tích Tổ đình Phi Lai. Có thể nói, đây là một sự tri ân không chỉ tinh tế với vị Tổ sư mà còn có ý nghĩa trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi thiền tự trên Núi Voi, về các vấn đề liên quan đến không gian thiêng, phân tích được vai trò và giá trị của di tích Phật giáo này. Cơ sở dữ liệu được xây dựng đầy đủ và cập nhật thường xuyên, kịp thời sẽ giúp cho việc đánh giá, nhận xét về bảo tồn, tôn tạo và phát triển giá trị di tích Tổ đình Phi Lai được khách quan và hiệu quả hơn. Với ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, những vấn đề được quan tâm và làm sáng tỏ trong Hội thảo sẽ giúp mọi người nhận thức sâu sắc về giá trị truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, tiềm lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; cùng rút ra những giải pháp đồng bộ kịp thời đối với di sản. Điều đó cho thấy sự nhất quán và quyết tâm của các cấp các ngành ở huyện Tịnh Biên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung, trong việc chung tay giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững những giá trị Tổ đình Phi Lai. Những diễn biến này không chỉ góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của các cấp, mà còn cung cấp thêm cơ sở dữ liệu phục vụ cho mục đích tuyên truyền, quảng bá về di tích một cách đầy đủ và chân thực hơn. Đây cũng chính là một bài học kinh nghiệm quý giá mà các cơ quan chức năng quản lý nhiều di tích khác có thể học hỏi.
TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG QUẢNG BÁ, TRUYỀN THÔNG
Trên thực tế hiện nay, Tổ đình Phi Lai là cái tên quá quen thuộc không chỉ với Phật tử mà còn với cả những người yêu thích du lịch tâm linh trong và ngoài nước. Các hoạt động bảo tồn, lưu giữ những giá trị di sản văn hoá truyền thống tại di tích này đã giúp mở rộng kênh quảng bá, giới thiệu về Tổ đình Phi Lai; giới thiệu về hình ảnh, văn hoá tỉnh An Giang đến với du khách trong nước và quốc tế. Điều này đã thiết thực góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch và tạo đà phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, để quảng bá về di tích một cách mạnh mẽ, cần có sự kết nối với các báo đài, cơ quan thông tấn Trung ương và địa phương. Đây chính là điểm nổi trội khi chúng tôi tìm hiểu về Tổ đình Phi Lai. Ban Quản lý di tích và chính quyền địa phương đã xúc tiến công tác truyền thông, giới thiệu những nét đặc sắc của di tích Tổ đình Phi Lai rất tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, Tổ đình Phi Lai vốn đã “nổi tiếng”, có cần thiết đầu tư phương diện quảng bá nữa không? Thực tế, truyền thông có sức mạnh rất to lớn. Nên các di tích, trong đó có di tích tôn giáo tâm linh, cần thiết xúc tiến nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh để đưa di sản đến gần với công chúng trong nước và ra quốc tế; từ đó có thể khai thác, phát huy được những giá trị của di sản cho việc phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
Những di tích tôn giáo có tính lịch sử – văn hóa cũng hàm chứa yếu tố giáo dục cao đối với cộng đồng ở các mức độ khác nhau . Đây cũng là một vấn đề mà Tổ đình Phi Lai nên phát huy hơn nữa. Ban Quản lý di tích cần có các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức và thông tin hướng đến quảng đại công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ; triển khai những chương trình giáo dục và đào tạo cụ thể cho cộng đồng và các nhóm người có hoạt động liên quan đến Tổ đình Phi Lai. Theo yêu cầu của chương trình giáo dục ở các cấp học phổ thông, mỗi học sinh cần nhận biết các loại sử liệu đã quy định cụ thể của môn Lịch sử và Địa lý. Để hoàn thành mục tiêu môn học, giáo viên có thể giới thiệu với học sinh bằng nhiều cách, như: tranh ảnh, sách vở, tư liệu hay kể các giai thoại truyền miệng cũng như dẫn các em tới những di tích cụ thể ở địa phương phù hợp với yêu cầu giờ học. Với những giá trị của Tổ đình Phi Lai, ngôi thiền tự hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu đó.
Để đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động quảng bá cho di sản, các cấp ban ngành ở huyện Tịnh Biên nói riêng và An Giang nói chung cần thiết lập website hoặc trang tin (song ngữ), đăng tải trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và cổng thông tin du lịch www.checkinangiang.vn. Nội dung của các tin hoặc bài viết cần có nhiều hình ảnh phong phú, nội dung đa chiều, đa dạng về di tích. Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, quy định quy tắc ứng xử trong tham quan, giúp khách hành hương đạt được mục đích một cách thuận lợi nhất có thể khi tới Tổ đình Phi Lai. Các cơ quan ban ngành địa phương cần thiết tăng cường tận dụng thế mạnh của truyền thông, chủ động liên hệ làm việc với những cơ quan báo đài trong tuyên truyền, quảng bá cho ngôi thiền tự. Nội dung của hoạt động tuyên truyền quảng bá là tập trung đi sâu vào giới thiệu những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của Tổ đình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua các diễn đàn truyền thông, tiến hành vận động người dân đến Tổ đình hạn chế đốt vàng mã, nhang hương trong khuôn viên di tích. Điều này vừa bảo vệ môi trường, tiết kiệm không phô trương, hình thức; vừa phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân giữ gìn vệ sinh môi trường; bỏ rác đúng nơi quy định, thực hiện tốt các quy định về văn minh trong quá trình tham quan di tích… Trong quá trình đó, địa phương cần đặc biệt ứng dụng kỹ thuật, công nghệ số tạo thêm hình ảnh sinh động, bắt mắt và giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh, thuận tiện hơn.
KẾT LUẬN
Tổ đình Phi Lai là nơi lưu dấu của Tổ sư Như Hiển Chí Thiền – bậc cao Tăng có nhiều công lao trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Ngôi thiền tự có lịch sử lâu đời, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa to lớn và đã có những đóng góp cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam. Từ lâu, di tích này đã trở thành biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân An Giang cùng du khách trong và ngoài nước. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, ngôi thiền tự ở Núi Voi luôn thể hiện là một tài nguyên vô giá với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Ân (2020), “Tổ đình Phi Lai: Huyền tích, Phật tích và di tích kiến trúc văn hoá độc đáo”, Tạp chí văn hóa Phật giáo, https://tapchivanhoaphatgiao.com/to-dinh-phi-lai-huyen-tich-phat-tich-va-di-tich-kien-truc-van-hoa-doc-dao-thich-minh-an/, 02/10/2020, ngày truy cập 11/12/2022.
2. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2019), Thông tư Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Thong-tu-15-2019-TT-BVHTTDL-bao-quan-tu-bo-phuc-hoi-di-tich-43- 4020.aspx, 31/12/2019, ngày truy cập: 14/12/2022.
3. Nguyễn Hảo (2021), Tịnh Biên: Khởi sắc vùng Phum, Sóc, Cổng Thông tin điện tử tỉnh An Giang, https://angiang.gov.vn/wps/portal/Home/chi-tiet-tin-tuc/tinh-bien-khoi-sac-vung-phum-soc, 25/01/2021, ngày truy cập: 13/12/2022.
4. Thanh Hoàng (2019), Tổ đình Phi Lai nơi vun bồi đạo hạnh bậc thượng sĩ, https://www.phattuvietnam.net/to-dinh-phi-lai-noi-vun-boi-dao-hanh-bac-thuong-si/, 09/3/2019, ngày truy cập: 10/12/2022.
5. Đăng Huy (2020), Tổ đình Phi Lai – dấu ấn chấn hưng Phật giáo vùng Tây Nam Bộ, http://www.phatgiaodongnai.org/to-dinh-phi-lai–dau-an-chan-hung-phat-giao-vung-tay-nam-bo.html, 09/3/2020, ngày truy cập: 10/12/2022.
6. Duyên Khởi (2020), Phi Lai Cổ Tự – Nơi xuất thân của những bậc thượng sĩ, https://chuaminhdao.vn/article/15/phi-lai-co-tu-noi-xuat-than-cua-nhung-bac-thuong-si, 14/7/2020, ngày truy cập: 17/11/2022.
7. Lịch sử hình thành Tịnh Biên, Cổng Thông tin điện tử huyện Tịnh Biên, https://tinhbien.angiang.gov.vn/wps/portal/Home/trang-chu/tong-quan-tinh-bien/lich-su-hinh-thanh/!ut/p/z1/04_iUlDg4tKPAFJABpSA0fpReYllmemJJZn5eYk5-hH6kVFm8ZaWLp4G3iaGPu5u5pYGjpZmZiYhQcYGBkEG-l76UfgVFGQHKgIAjF7rMg!!/, ngày truy cập: 07/12/2022.
8. Dương Quỳnh Phương – Đỗ Văn Hảo (2019), Di sản và vấn đề giáo dục di sản cho học sinh Trung học phổ thông, Trang Điện tử Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, Số 55/2019, file:///C:/Users/Anh%20Van/Downloads/14-DUONG%20QUYNH%20PHUONG(68-73)101.pdf, ngày truy cập: 19/12/2022.
9. Tích Trí (2018), Lược sử Tổ đình Phi Lai, tỉnh An Giang, https://phatsuonline.com/luoc-su-to-dinh-phi-lai-tinh-an-giang/, 21/3/2018, ngày truy cập: 09/12/2022.
10. Đức Toàn (2022), Uy nghi Tổ đình Phi Lai, https://baoangiang.com.vn/uy-nghi-to-dinh-phi-lai-a337526.html, 8/7/2022, ngày truy cập: 09/11/2022.
11. Tổ đình Phi Lai An Giang – chốn tu tập thơ mộng và huyền bí, https://luhanhvietnam.com.vn/du-lich/to-dinh-phi-lai-an-giang-chon-tu-tap-tho-mong-huyen-bi.html, 12/10/2020, ngày truy cập: 12/12/2022.
12. Đỗ Văn Trụ (2022), Vai trò của Di sản văn hóa trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/vai-tro-cua-di-san-van-hoa-trong-xay-dung-nen-van-hoa-viet-nam-tien-tien-dam-da-ban-sac-dan-toc-625691.html, 28/11/2022, ngày truy cập: 09/12/2022.
13. Đinh Công Tuấn – Ngô Ngọc Diễm (2022), Quản lý Nhà nước về di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra, https://lsvn.vn/quan-ly-nha-nuoc-ve-di-san-van-hoa-va-nhung-van-de-dat-ra1662659428.html, 09/9/2022, ngày truy cập: 18/12/2022.
14. Nguyễn Khánh Tùng – Trần Bá Hùng (2021), Quản lý Nhà nước về di sản văn hóa – những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện, https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/04/01/quan-ly-nha-nuoc-ve-di-san-van-hoa-nhung-van-de-dat-ra-va-giai-phap-hoan-thien/, 01/4/2021, ngày truy cập: 18/12/2022.