Khi nói đến Tổ đình Phi Lai (Châu Đốc), mọi người đều nhớ về tổ Chí Thiền. Ngài là bậc cao Tăng đạo hạnh, chuyên tu đầu đà khổ hạnh, lao động công quả. Bên ngoài, Ngài thường thể hiện lòng từ bi, làm từ thiện cứu giúp dân nghèo, không nề khó khăn cực khổ, bên trong Ngài rất miên mật về hành trì thiền định. Đạo hạnh của Ngài cảm động đến chư vị hộ pháp thiện thần, mọi tầng lớp dân chúng, cả đến các loài chim chóc muông thú cũng đều ngưỡng mộ ái kính. Châu Đốc – Tịnh Biên là vùng đất có đông người Khmer sinh sống nên đạo hạnh của Ngài được lan truyền qua tận xứ chùa Tháp (Campuchia), vị Sư Cả Lục bên đó đã quý trọng, gởi tặng Ngài bức tượng Phật bằng vàng, một bảo vật rất hiếm thời đó (thập niên 20 thế kỷ XX).
Tổ người gốc Quảng Nam, sinh năm Tân Dậu (1861), tịch năm Quý Dậu (1933), trụ thế 73 năm, hạ lạp 52. Tổ là một trong những danh tăng có công lao lớn trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Nam, vào những thập niên 1920 – 1930, cùng với tổ Khánh Hòa, tổ Khánh Anh… Ngày nay, hậu duệ của Tổ rải rác khắp các tỉnh miền Tây và TP. Hồ Chí Minh. Hàng năm, đến ngày 15/2 ÂL, môn đồ pháp quyến đều quy tụ về Tổ đình Phi Lai long trọng tổ chức lễ húy kỵ của Tổ, nhằm kỷ niệm và khắc ghi công đức hoằng hóa Ngài.
Năm 1943, khi xây dựng chùa Phi Lai (Phú Yên), Tổ sư Trừng Thành – Vạn Ân khai sơn Tổ đình Hương Tích Phú Yên, đã cho bản tự là Phi Lai và giải thích nguồn gốc chữ Phi Lai. Vào thập niên 1920 – 1930, tổ Vạn Ân có vào Nam hành đạo tại các tỉnh Châu Đốc, Bạc Liêu… cộng tác Phật sự với các vị danh Tăng đương thời như: HT. Khánh Anh, HT. Khánh Hòa, HT. Chí Thiền… Trong thời gian hành đạo tại các tỉnh miền Tây, tổ Vạn Ân rất cảm mến quý trọng đạo hạnh của tổ Chí Thiền, một vị cao Tăng đa hạnh, một vị Bồ tát nhục thân, cho nên khi đặt tên bản tự Phi Lai, tổ Vạn Ân mong muốn sau này chùa Phi Lai (Phú Yên) sẽ xứng danh là một ngôi phạm vũ như Tổ đình Phi Lai của Tổ Sư Chí Thiền. Trong thâm tâm, Tổ sư Vạn Ân kỳ vọng, người đệ tử của mình, trú trì chùa Phi Lai này cũng sẽ trở thành một danh Tăng như Tổ sư Chí Thiền, để sáng mãi ngọn đèn chánh pháp của chư Phật, chư Tổ.
Bằng tầm nhìn sâu sắc, Tổ sư Vạn Ân đã khéo vận dụng một giá trị hiện thực, làm nền tảng cho tương lai của ngôi già lam do đệ tử của mình đang phụng sự. Bảo tự Phi Lai (Phú Yên) do cố Hòa thượng Thích Diệu Tâm khai sơn vào năm 1943, do Tổ sư Trừng Thành – Vạn Ân ấn chứng, có nguồn gốc từ thánh địa Phi Lai và Tổ sư Chí Thiền từ miền Tây xa xôi.
“Ẩm Thủy Tri Nguyên”, để thực hiện hoài bão, tìm về nguồn cội của dòng nước pháp Phi Lai, vào mùa hạ năm 2015, chúng tôi hàng con cháu môn phong Phi Lai (Phú Yên), Phi Lai (Biên Hòa – Đồng Nai) đã vượt hàng trăm cây số tìm về đất Tổ Phi Lai (Châu Đốc) tại thị trấn Chi Lăng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), dưới chân cụm núi Sam. Đặt chân lên đất Tổ, chúng tôi có cảm giác như chàng cùng tử đã về lại căn nhà của người cha khả kính đầy của báu. Thoạt nhìn thánh địa Phi Lai, rêu phong cổ kính, trầm mặc oai nghiêm, chúng tôi liên tưởng đến các Phật tích Ấn Độ đã và đang im lặng trong dòng chảy thời gian hưng thịnh suy vong. Sau lưng Tổ đình là ngôi bảo tháp bề thế trên triền đồi, ghi lại dấu chân hoằng hóa của Tổ sư, trước mặt là khu phố thị dân cư dưới thấp, tạo nên thế cuộc “tiền đề hậu cao tử tôn hưng”. Tức cảnh sinh tình, chúng tôi hoài vọng tương lai huy hoàng của dòng nước pháp phát nguyên từ thánh địa Phi Lai (Châu Đốc), thánh tăng Chí Thiền sẽ mãi mãi còn lưu chảy, còn tươi nhuận bao mầm non thiện pháp, để chánh pháp hằng cửu trụ Ta bà, để ngọn đèn Tổ sư sáng mãi, lợi lạc chúng sanh.
Sau khi lễ Phật, lễ Tổ, ghi lại một số hình ảnh về Tổ đình, về Tổ sư Chí Thiền, chúng tôi lặng lẽ xuống núi, lòng đầy hoài cảm mênh mông khó tả.
Chú thích:
* HT. Thích Thiện Đạo, trụ trì chùa Phi Lai, Biên Hòa – Đồng Nai, chấp bút năm 2015.