Tổ đình Phi Lai: Huyền tích, Phật tích và di tích kiến trúc văn hoá độc đáo (ĐĐ.TS Thích Minh Ân)

Ở vùng biên ải Tây Nam xa xôi, nơi được lưu truyền nhiều huyền thoại và điển tích về chốn Già lam, có một di tích Phật giáo độc đáo đã gắn bó với mảnh đất này qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử. Đó là Phi Lai Cổ Tự (Tổ đình Phi Lai), tọa lạc dưới một ngọn núi nhỏ tên là Kỳ Hương, thuộc làng Tú Tề, tổng Thành Ý, huyện Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc (nay là ấp Núi Voi, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

PHI LAI CỔ TỰ VÀ DẤU ẤN CỦA LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Vào đầu thế kỷ XX, Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền (1861-1933) là bậc cao Tăng Phật giáo đã đặt dấu ấn và làm thay đổi bộ mặt của vùng đất này. Trên bước đường du hóa hoằng truyền Phật pháp, Ngài đã đến vùng Tịnh Biên (An Giang) kiến lập đạo tràng, giáo hóa và cứu độ dân chúng vượt qua những cơn bĩ cực lầm than. Dưới đạo hạnh và công đức của Ngài, chốn Tổ đình nổi tiếng này đã trở thành điểm nhấn trong phong trào chấn hưng Phật giáo và đóng góp tích cực vào công cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng Tây Nam Bộ. Cũng chính tại đây, nhiều thế hệ Tăng Ni đã được đào tạo và thành tựu đạo nghiệp, trở thành bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam. Những bậc danh Tăng này đều đem giáo pháp phổ biến khắp nơi, góp phần xây dựng, mở rộng Tông môn pháp phái và duy trì mạng mạch Phật pháp.

Vùng đất này trước đây vốn hoang sơ, là nơi chung sống hài hòa giữa hai dân tộc Kinh (Việt) và Khmer bản xứ. Do đó, ngoài những ngôi chùa Phật giáo Nam tông cũng có một ngôi chùa Bắc tông có tên là Phi Lai (Phi Lai Cổ Tự). Ban đầu, Phi Lai Cổ Tự là một ngôi chùa làng, được những lưu dân người Việt dựng lên vào năm 1786 để làm chốn nương tựa tinh thần trong những ngày đầu khai phá nên còn được gọi là chùa làng Tú Tề. Theo truyền thuyết, vào năm 1900, người dân làng Tú Tề nằm mộng thấy đức Phật Thầy Tây An (1807-1856)  báo rằng sẽ có một vị cao Tăng xuất hiện tại xứ này để truyền đạo và làm lợi lạc cho nhân sanh.

Tại chùa Giác Viên (Gia Định) Ngài quy y với Tổ Phương Minh, được ban pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39, theo dòng kệ “Đạo Bổn Nguyên”, pháp phái Nguyên Thiều.

Vì thế, mọi người đều háo hức, trông ngóng suốt ba ngày ba đêm và cuối cùng đã đón được Tổ sư Chí Thiền đang trên đường du hóa qua đây. Sự xuất hiện của Tổ như cơn “mưa Pháp” dạt dào khiến cho mọi người đều cảm thấy rất hân hoan và tràn đầy hỷ lạc. Cho nên, không lâu sau đó các hương chức, dân làng và Phật tử địa phương quyết định hiến cúng chùa Phi Lai và cung thỉnh Tổ về trụ trì. Ngài đã hoan hỷ chấp thuận về đây hoạt động Phật sự và bắt đầu công cuộc trùng tu (năm 1900), biến ngôi chùa từ một mái tranh vách đất trở thành chốn Già lam hết sức khang trang, uy nghiêm và bề thế:

Hòa thượng Thích Minh Thanh, Phó Ban trùng tu Tổ đình Phi Lai nói rằng: “Ngôi Tổ đình Phi Lai trước khi tổ Chí Thiền về đây tu tập và hoằng hóa chỉ là một ngôi chùa am tranh vách đất. Vào đầu thế kỷ XX, Tổ từ chùa Giác Viên ở Sài Gòn về Châu Đốc để tìm nơi thuận lợi tu hành và làm Phật sự. Khi đến tới Châu Đốc, Tổ dừng chân ở núi Cấm, sau đó; dân làng nghe tin nên rước Tổ về chùa Phi Lai để an trụ và tu hành tại đây. Từ đó, Tổ bắt đầu mở mang khai phá, từ một ngôi chùa am tranh vách đất trở thành một ngôi già lam hết sức khang trang, tú lệ”.

Để có kinh phí trùng tu và hoạt động Phật sự, Tổ đứng ra chiêu mộ dân phu, Phật tử cùng hương chức địa phương khẩn hoang, thành lập các nông trại làm ruộng, đồng thời tổ chức mua bán khoai, muối, tích trữ huê lợi. Nổi tiếng đương thời là bậc chân tu, lấy tinh thần cứu tế, giúp đỡ xã hội, chúng sinh làm mục đích chính, tổ Chí Thiền đã dẫn dắt chư Tăng chùa Phi Lai thường xuyên hỗ trợ người dân vùng biên ải khó khăn. Điển hình là các hoạt động cứu giúp nạn dân vùng Châu Đốc qua cơn thiên tai tàn khốc năm Đinh Mùi (1907), tương tự như việc Ngài đã từng làm với nhân dân xứ Gò Công trong nạn nước năm Giáp Thìn (1904). Dần dần, uy đức và đạo hạnh của Tổ được truyền tụng khắp nơi và lan sang tận Campuchia. Có lời đồn rằng, sãi Cả chùa Tà Lạp (Cao Miên) vì mến mộ Tổ nên đã dâng cúng tượng Phật bằng vàng và được tôn trí tại chùa Phi Lai .

NƠI HỘI TỤ CỦA NHỮNG BẬC DANH TĂNG PHẬT GIÁO

Cảm phục ân đức sâu dày của tổ Chí Thiền, tứ phương Tăng tục đã quy tụ về dưới chân Ngài để cầu đạo, trong đó có người Việt, Hoa và Khmer, biến ngôi Phi Lai trở thành chốn Già lam sung túc, cuộc sống người dân quanh vùng có nhiều biến đổi tốt đẹp. Trong thời gian hơn 60 năm “Tác Như Lai sứ hành Như Lai sự”, Tổ đã quy y Tam bảo cho hàng trăm Phật tử hữu duyên và hơn 20 Tăng Ni xuất gia, góp phần khơi nguồn, hun đúc nên những thế hệ Tăng Ni tài danh tiếp sau.

Nhiều vị trong số đó đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, làm cho “Tổ ấn quang huy, chúng sinh lợi lạc, tốt đời đẹp đạo”. Tiêu biểu là các cao Tăng như Hòa thượng Thiện Hoa, Trí Tịnh, Hồng Pháp, Hồng Nhẫn, Ni trưởng Diệu Kim, Diệu Tịnh, Hải Ấn,… Đặc biệt hiện nay, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cũng thuộc tông phong pháp phái của Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền.

Cũng theo Hòa thượng Thích Minh Thanh, Phó Ban trùng tu Tổ đình Phi Lai, ba thế hệ trong tông môn tiếp nối lãnh đạo và gìn giữ mạng mạch của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bao gồm: Thế hệ thứ nhất là Hòa thượng Thiện Hoa, húy là Hồng Nở. Thế hệ thứ hai Hòa thượng Trí Tịnh, húy là Nhựt Bình, nếu nói theo thế gian là cháu nội. Và thế hệ thứ ba là Hòa thượng Thiện Nhơn, húy là Lệ Huy thì điều đó cũng đã chứng minh phần nào uy đức của Tổ.

Nếu nói về những ngôi chùa trực thuộc ảnh hưởng của Tổ thì không đếm hết được, trải dài khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng khá nhiều, điển hình là Việt Nam Quốc Tự. Vị trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Thiện Hoa là đệ tử của Tổ. Bên Ni thì có chùa Hải Ấn, chùa Kim Sơn và chùa Bửu Sơn (Quận 5) cũng là trực thuộc của Tổ. Ngoài ra, tại các tỉnh miền Tây, nhất là Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, đệ tử của Tổ rất nhiều.

Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền, bậc long tượng phát quang Tổ đình Phi Lai, Tổ thế danh Nguyễn Văn Hiển, húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền. Nguyên quán tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm quan triều đình Nhà Nguyễn (1802-1945) và có truyền thống Phật giáo.

Năm 18 tuổi, sau khi phong trào Văn Thân thất bại, vì tránh sự truy đuổi của địch nên Ngài lánh nạn vào Nam sinh sống. Năm 1881, cảm nhận sự giả tạm, vô thường của thế nhân, chí xuất trần phát lộ nên Ngài quyết chí xuất gia, tầm cầu giải thoát. Tại chùa Giác Viên (Gia Định) Ngài quy y với tổ Phương Minh, được ban pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39, theo dòng kệ “Đạo Bổn Nguyên”, pháp phái Nguyên Thiều.

Theo đuổi con đường chuyên tu hạnh đầu đà và theo gương Lục tổ Huệ Năng khổ hạnh lao động công quả, Ngài phát nguyện đánh chuông ngày sáu thời ròng rã suốt ba tháng, rồi lại phát tâm công quả đắp nền chùa Giác Viên bằng 100 xe đất mỗi ngày cho đến lúc thành tựu. Sau ba năm nhập thất tham thiền đạt sở nguyện viên mãn, Ngài cùng Bổn sư xây dựng và coi sóc ngôi Tam bảo Giác Sơn.

Sau thời gian Tổ được thỉnh về trụ trì chùa Phi Lai (Phi Lai Cổ Tự) tại Châu Đốc, uy tín của Ngài ngày càng lan xa và ngôi chùa Phi Lai cũng là nơi gặp gỡ bí mật của các nhà cách mạng yêu nước thời bấy giờ. Tổ rất tích cực tham gia hoạt động hỗ trợ cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp, trong một lần hội kiến với cụ Phan Bội Châu tại chùa Phi Lai (năm 1903) Ngài đã đưa ra lời khuyên với cụ: “Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc vơi nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya, nhà kín, tai mắt mình không thể phòng được xa, chỉ làm thêm cơ hội những ai muốn rình xét…”.

Năm 1899, Bổn sư viên tịch nên Ngài kiêm nhiệm trọng trách trụ trì chùa Giác Viên và Giác Sơn. Đến đầu năm 1900, Ngài giao chùa lại cho Hòa thượng Minh Khiêm – Hoằng Ân để đến núi Cấm (tỉnh An Giang ngày nay) tịnh tu. Sau thời gian Tổ được thỉnh về trụ trì chùa Phi Lai (Phi Lai Cổ Tự) tại Châu Đốc, uy tín của Ngài ngày càng lan xa và ngôi chùa Phi Lai cũng là nơi gặp gỡ bí mật của các nhà cách mạng yêu nước thời bấy giờ. Tổ rất tích cực tham gia hoạt động hỗ trợ cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp, trong một lần hội kiến với cụ Phan Bội Châu tại chùa Phi Lai (năm 1903) Ngài đã đưa ra lời khuyên với cụ: “Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc vơi nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya, nhà kín, tai mắt mình không thể phòng được xa, chỉ làm thêm cơ hội những ai muốn rình xét…” .

Tổ Chí Thiền là một bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam với nhiều cống hiến nổi bật cho đạo pháp và dân tộc. Ngoài việc đóng góp kinh tài, những năm 1915-1930, chùa Phi Lai còn là nơi hội họp của chư vị Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh, Vạn Ân, Phổ Tuệ… để bàn phương hướng chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Các Giới đàn, khóa An cư kiết hạ và các lớp Phật học gia giáo thường xuyên được tổ chức tại chùa Phi Lai.

Xuân thu qua mãi, sương tuyết đổi dời, luật vô thường chẳng có chừa ai, dòng sinh tử đúng thời quy định, thân tứ đại một ngày thọ bệnh, nên Tổ sư an dưỡng tại thiền sàng, các đệ tử ân cần hầu hạ thuốc thang, hỏi thầy chừng nào về Phật, Tổ nói chờ Tam Thánh Liên Trì đến rước, đúng giờ ngọ ngày rằm tháng Hai.

Tổ chấp tay nói kệ:

Nhứt niệm viên quang tội tánh không

Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh.

Rồi Tổ an nhiên thâu thần thị tịch vào rằm tháng hai, năm Quý Dậu (1933), trụ thế 73 năm, hành đạo 52 năm, Bảo tháp nhục thân được tôn trí tại khuôn viên chùa Phi Lai, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang).

Tổ đình Phi Lai, kiến trúc Phật giáo độc đáo thời hiện đại Phi Lai Cổ Tự, ban đầu được tổ Chí Thiền kiến tạo khá quy mô trên một khu đất rộng, riêng phần kiến trúc xây dựng tổng thể được dàn trải trên hàng ngàn mét vuông đất, với các công trình vừa chính vừa phụ đếm được trên 20 hạng mục. Nhưng sau khi Tổ viên tịch, đến năm 1945, một biến cố nghiêm trọng đã xảy ra khiến ngôi Tổ đình bị thiêu hủy hoàn toàn cùng với 14 sinh mạng, trong đó có trụ trì chùa Phi Lai (Hòa thượng Thích Thiện Minh, vị trưởng tử của Tổ). Hai năm sau, Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh, Sài Gòn) và Ni trưởng Diệu Kim (chùa Bảo An, Cần Thơ) đã đứng ra vận động tái thiết ngôi Tổ đình lần thứ nhất, quy mô khiêm tốn hơn nhiều so với công trình mà Tổ đã xây dựng ngày trước. Rồi theo thời gian, chốn Già lam linh địa năm xưa một lần nữa lại đứng trước nguy cơ hư hại, xuống cấp nghiêm trọng sau hơn nửa thế kỷ tồn tại.

Nhiều vị trong số đó đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, làm cho “Tổ ấn quang huy, chúng sinh lợi lạc, tốt đời đẹp đạo”. Tiêu biểu là các cao Tăng như Hòa thượng Thiện Hoa, Trí Tịnh, Hồng Pháp, Hồng Nhẫn, Ni trưởng Diệu Kim, Diệu Tịnh, Hải Ấn,… Đặc biệt hiện nay, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cũng thuộc tông phong pháp phái của Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền. (Ảnh Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng chư Tôn đức thắp hương tháp Tổ – sưu tầm)

Đến năm 2018, với sự khởi xướng của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, chư Tôn đức Tăng Ni môn hạ Tổ đình Phi Lai đã phát tâm đại trùng tu chốn Tổ, để báo đáp phần nào ân đức sâu dày của Tổ, đồng thời góp công tôn tạo một thắng tích lịch sử của nước nhà.

Sau cuộc đại trùng tu kéo dài trong gần ba năm (2018-2020), Tổ đình Phi Lai đã có bước chuyển mình lịch sử, trở thành một ngôi “Đại hùng bửu điện” bề thế, với lối kiến trúc hiện đại pha lẫn nét văn hóa truyền thống của Phật giáo vùng An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Tổng thể công trình gồm có các hạng mục: Chánh điện, Nhà Tổ, Trai đường, khu Tăng phòng, khu lưu niệm và các tôn tượng, vườn cảnh lộ thiên tọa lạc trên diện tích. Trong đó, nổi bật nhất là tòa Chánh điện có chiều ngang hơn 33m, chiều dài gần 59m, chiều cao 36,5m, bố cục một trệt, một lầu và bảy mái cổ lầu cùng với một đỉnh tháp bằng đồng dát vàng có trọng lượng 3 tấn và chiều cao lên đến 8m.

Tầng một là không gian thờ tự chính của Tổ đình, gồm ba gian Tiền điện tôn trí Bồ tát Di Lặc, Tứ Đại Thiên Vương và Kim Cang Hộ Pháp. Trung tâm là Chánh điện thờ Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền và thập bát La Hán. Hậu Điện thờ Tổ sư Chí Thiền cùng chư liệt vị tiền bối Tổ sư qua các thời kỳ. Tầng trệt là khu Trai đường và phòng nghỉ của chư Tăng. Với tổng diện tích sử dụng hai tầng lên đến gần 4.000 m2, không gian Tổ đình có quy mô trở thành nơi tổ chức các sự kiện lớn, quy tụ đông đảo chư Tăng Ni, tín đồ Phật tử của Tông môn pháp phái, kế thừa xứng đáng danh tiếng của Tổ ngày trước. Ngoài ra, Tổ đình còn có khu lưu niệm, nơi lưu giữ những tôn tượng Phật và Bồ tát từ thời tổ Chí Thiền đến nay. Kiến trúc gồm 1 trệt và mái ngói, chiều dài 15.4m, chiều ngang 11,4 m, chiều cao 11,5m. Tổng diện tích 175,5m.

KẾT LUẬN

Tổ đình Phi Lai là ngôi cổ tự gắn liền với dòng lịch sử của bậc cao Tăng có nhiều công lao trong công cuộc xiển dương chánh pháp và chấn hưng Phật giáo, nơi hội tụ những giá trị đạo đức tâm linh, văn hóa tín ngưỡng đặc thù chùa Việt. Đồng thời cũng là nơi cho đồng bào địa phương và du khách thập phương khi đi núi Sam, núi Cấm có dịp ghé đến chiêm ngưỡng và hành lễ chốn Tổ, nơi được xem là cội nguồn của Phật giáo vùng Nam Bộ.

Dù thời gian có đi qua, không gian có biến dịch, song công đức và đạo hạnh của Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền vẫn trường tồn trong tâm tư Tăng Ni và Phật tử, đánh dấu trang sử vàng son của Phật giáo Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Để trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, chốn Già lam linh địa một thời vẫn mãi tỏa ngát hương thiền, tiếp nối mạch nguồn đạo pháp nơi đất Tổ thiêng liêng.

 

 

Chú thích:

* Đại đức Tiến sĩ Thích Minh Ân – Ủy viên HĐTS, Thư ký Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN.

1. Tỉnh Châu Đốc được chia thành mười tổng, sáu tổng người Việt và bốn tổng người Khmer. Làng Tú Tề là một trong tám làng thuộc tổng Thành Ý. Theo Hội nghiên cứu Đông Dương (2017), Địa lý học: Tự nhiên, kinh tế và lịch sử Nam kỳ, Chuyên khảo về tỉnh Châu Đốc, tập VI, Nguyễn Nghị và Nguyễn Thanh Long (dịch), Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 41.

2. Tục danh là Đoàn Minh Huyên, người sáng lập ra giáo phái “Bửu Sơn Kỳ Hương” (Đạo Lành) tại Nam Kỳ trong giữa thế kỷ XIX, có đóng góp lớn trong công cuộc khai hoang vùng đất An Giang.

3. Thích Đồng Bổn (biên soạn) (2017), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.8.

4. Còn được gọi là Chí Thành, do kỵ húy tên ông nội nên sửa lại là Chí Thiền.

5. Bài kệ truyền pháp của Thiền sư Đạo Mân, đời thứ 31 phái Lâm Tế (Chùa Thiên Đồng, Trung Quốc) truyền sang Việt Nam: Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên/Minh như hồng nhựt lệ trung thiên/Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ/Chiếu thế chân đăng vạn cổ huyền.

6. Thích Thiện Nhơn (2018), Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 259.

7. Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ chùa Minh Đạo (TP. Hồ Chí Minh).

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Thiện Nhơn (2018), Những Đóa Hoa Phật Giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.

2. Thích Thiện Nhơn (2019), Hương đạo ngát đời, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

3. Thích Đồng Bổn (biên soạn, 2017), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

4. Hội nghiên cứu Đông Dương (2017), Địa lý học: Tự nhiên, kinh tế và lịch sử Nam kỳ, Chuyên khảo về tỉnh Châu Đốc, tập VI, Nguyễn Nghị và Nguyễn Thanh Long (dịch), Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

5. Viện nghiên cứu Tôn giáo – Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Quốc Tuấn và Thích Đồng Bổn (biên soạn), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.