Tổ sư Như Hiển – một hóa thân của Bồ tát (Thích Nữ Chơn Phương Tuệ)

Việc trong chùa có nấu cơm, gánh nước, bửa củi, làm rẫy, trồng trọt, đắp đất, lau dọn, thỉnh chuông,… Tổ sư Như Hiển không từ nan bất cứ việc nào, trong công việc vừa làm vừa tu. Thời gian nhân duyên đầy đủ, Tổ xin phép nhập thất chuyên tu; sau thời gian nhập thất ba năm được thầy ban pháp ấn kế thừa dòng tông Lâm Tế đời thứ 39.

Tóm tắt

Ở thế gian người dân mỗi khi gặp tai nạn thường hay niệm Bồ tát cứu khổ cứu nạn. Cũng vậy nơi đâu có ách nạn nơi đó có hiện thân của Bồ tát. Bồ tát khi đủ duyên với chúng sinh nào đó có thể hiện đủ muôn hình, muôn dạng để độ sinh mà không ngăn ngại; vì đây là tâm nguyện hành Bồ tát đạo, trên con đường lợi ích chúng sinh để thành Phật quả. Tổ sư Như Hiển là một vị Tăng tài ở thời đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, là con nhà quan nhưng Tổ rất mến mộ Phật pháp và đã xuất gia tu hành; giáo hóa độ sinh, hoằng dương giáo pháp thịnh hành ở miền Tây vùng Nam Bộ. Trong việc giáo hóa độ sinh Tổ như một hóa thân của Bồ tát; toàn tâm toàn lực, quên cả thân mình để cứu độ chúng sinh khi họ gặp tai nạn. Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về Tổ sư Như Hiển, sẽ hiểu được công hạnh của Ngài như thế nào; lợi ích đối với chúng sinh ra sao, đã để lại ấn tượng gì cho đạo pháp và hàng hậu thế.

Từ khóa: Tổ sư Như Hiển, hóa thân Bồ tát.

DẪN NHẬP

Những ai tu hành theo Phật đạo đều biết rằng cái cao quý nhất của đạo Phật là trí tuệ từ bi. Khi tu hành tâm nguyện của mỗi hành giả luôn là “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”; vì đây là trách nhiệm của Phật giáo nói chung, hàng đệ tử Như Lai nói riêng. Tổ sư Như Hiển nối pháp dòng tông Lâm Tế đời thứ 39; Tổ sư là một bậc chân tu, đạo hạnh của Tổ đã góp phần làm nên phẩm chất của một vị Tổ sư; nối truyền mạng mạch Phật pháp hóa độ tha nhân không biết mệt mỏi. Phật pháp thịnh hay suy đa phần đều dựa vào tư cách của một hành giả giáo hóa độ sinh; điều đó đã được thể hiện nơi Tổ sư Như Hiển. Tổ sư giáo hóa thịnh hành nơi miền Nam Bộ An Giang; chùa Phi Lai, một ngôi chùa tranh vách đất, từ nơi vùng đất hoang sơ mà Tổ đã vận động, ra sức gầy dựng lên thành một ngôi chùa trang nghiêm, thanh tịnh; kiến lập đạo tràng giảng dạy Phật pháp cho Tăng Ni thành tựu đạo nghiệp; giáo hóa và cứu độ dân chúng vượt qua những ách nạn hiểm nguy trong cuộc sống. Có thể nói đây là một dấu ấn làm thay đổi bộ mặt nơi hoang sơ này; và làm rạng rỡ cho Phật giáo Việt Nam.

Tổ sư Như Hiển nối pháp dòng tông Lâm Tế đời thứ 39; Tổ sư là một bậc chân tu, đạo hạnh của Tổ đã góp phần làm nên phẩm chất của một vị Tổ sư; nối truyền mạng mạch Phật pháp hóa độ tha nhân không biết mệt mỏi. Phật pháp thịnh hay suy đa phần đều dựa vào tư cách của một hành giả giáo hóa độ sinh; điều đó đã và được thể hiện nơi Tổ sư Như Hiển.

THÂN THẾ CỦA TỔ SƯ NHƯ HIỂN – CHÍ THIỀN

Tổ sư Như Hiển (1861-1933) thế danh là Nguyễn Văn Hiển ra đời tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Gia tộc Ngài là dòng dõi nhiều đời làm quan triều đình, đặc biệt là kính tin Tam Bảo. Ông nội Ngài là Hộ Quốc Công Nguyễn Công Thành dưới triều Tự Đức; thân phụ là Tổng trấn Quảng Nam, cha mẹ Ngài rất nhân hậu nên rất được lòng dân yêu mến [1]. Gia thế của Ngài là dòng dõi nhà quan, tư dinh Tổng Trấn, nếp sống cao sang quyền quý; là con nhà quan nên sự giáo dục có phần nghiêm khắc, theo truyền thống nhà quan trí đức Ngài sáng ngời, văn võ song toàn. Tổ sư Như Hiển là con nhà danh gia vọng tộc mà tư cách Ngài khác hẳn người bình thường. 

Năm Tổ mười tám tuổi được triều đình đưa làm Hậu Bổ tại Khánh Hòa. Giai đoạn Tổ sư Như Hiển trưởng thành là vào thời điểm Pháp thuộc đô hộ Việt Nam. Tuy làm quan có tài nhưng Tổ lại không thích công danh quan quyền theo truyền thống gia tộc; nên Tổ đã bí mật tham gia vào phong trào khởi nghĩa Văn Thân. Sau khi phong trào Văn Thân tan rã; Tổ sư tìm đường lánh nạn để tránh sự truy đuổi của quan quân triều đình và mật thám thực dân Pháp; vào miền Nam sinh sống tại Gia Định – Sài Gòn. Thời gian lánh nạn do bí mật theo phong trào khởi nghĩa vào năm 1881, Tổ sư Như Hiển mới cám cảnh trước những tình huống mà mình vừa trải qua. Mỗi khi có sự tranh giành chiến đấu, kẻ hơn người thua thì bao giờ cũng luôn là việc thiệt hại; hại mình hại người, chẳng những vậy mà còn liên lụy cả những người chung quanh. “Thù hận không thể diệt hận thù, chỉ có lòng từ bi mới xoa dịu được hận thù mà thôi”, đây là định luật ngàn thu và là lời dạy của Phật muôn kiếp không thay đổi.

Nhân duyên hội đủ, trong thời gian lánh nạn Bồ đề tâm Tổ phát khởi. Ngài cảm nhận được cuộc sống thế gian mọi thứ cùng con người đều vô thường không có gì bền chắc; chủng tử Phật sống dậy trong tâm Tổ. Ngài đến chùa Giác Viên xuất gia với tổ Phương Minh, sau đó học đạo với tổ Minh Khiêm – Hoàng Ân tại chùa Giác Lâm. Từ đây, Tổ sư Như Hiển nguyện làm mọi việc dù nặng hay nhẹ đều không từ nan; quyết chí tu hành, sau đó nhập thất và được thầy bổn sư ban pháp ấn [2].

Khi tâm Bồ đề của Tổ sư Như Hiển phát khởi mạnh, nhận ra mọi thứ đều vô thường, không gì bền chắc; càng nhận rõ tất cả pháp đều là ảo mộng, thì Tổ kiên cố tu hành tâm Bồ đề không lay chuyển; mọi việc đến với mình cứ mặc nhiên làm một cách toàn tâm toàn ý, không phân biệt so đo tính toán thiệt hơn. Việc trong chùa có nấu cơm, gánh nước, bửa củi, làm rẫy, trồng trọt, đắp đất, lau dọn, thỉnh chuông,… Tổ sư Như Hiển không từ nan bất cứ việc nào, trong công việc vừa làm vừa tu. Thời gian nhân duyên đầy đủ, Tổ xin phép nhập thất chuyên tu; sau thời gian nhập thất ba năm được thầy ban pháp ấn kế thừa dòng Lâm Tế đời thứ 39.

Sau năm mươi hai năm tu hành hoằng pháp lợi sinh, Tổ sư Như Hiển đã làm tròn bổn phận của một hành giả là “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Năm 1933, Tổ thọ bệnh, trước khi quy tịch Tổ chấp tay lại và nói: “Nhứt niệm viên quang tội tánh không. Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh”, nói xong Tổ an nhiên thị tịch; ngày Rằm tháng hai năm Quí Dậu [3]. Công hạnh tu hành của Tổ sư Như Hiển, được xây dựng từ nền tảng của giới đức trang nghiêm; Tổ đã huân sâu miên mật và đã trở thành mạng sống của chính mình; thông qua giới hạnh đó Tổ giáo hóa độ sinh bằng mọi hình thức từ thân giáo đến khẩu giáo, ý giáo đều thanh tịnh sáng ngời. Với cái nhìn của Tổ sư Như Hiển, Tổ đã thấy mọi thứ không có gì bám víu được; không có gì phải sợ hãi. Trong tất cả việc hoằng pháp độ sinh, Tổ sư một niệm vẫn sáng ngời không đối đãi; tất cả chúng sinh trong pháp giới đều bình đẳng như nhau; cùng sống chung trên một trái đất; cùng thở chung trong một bầu khí quyển, hơi thở của Tổ sư và tất cả chúng sinh cùng chung một nhịp.

Mỗi một người trong chúng ta dù phàm phu hay thánh nhân khi xuất hiện ở thế gian đều có một mục đích. Nhưng khác nhau ở chỗ, mục đích của phàm phu là theo nghiệp lực mà tái sanh, gặp người ân kẻ oán để thanh toán với nhau; còn bậc thánh nhân là vì nguyện lực để độ sinh và độ cho chính mình để bước đi tiếp trên con đường đến Phật quả. Cho nên, những bước đi tiếp nối của chư vị thánh nhân; càng bước đi thì con đường luân hồi sinh tử của chư vị càng ngắn lại.

CÔNG ĐỨC VÀ ĐẠO HÀNH TỔ SƯ NHƯ HIỂN MỘT HÓA THÂN BỒ TÁT

Sau khi được thầy ban pháp ấn khi nhập thất được ba năm, Tổ sư Như Hiển vẫn ở hầu thầy và làm Phật sự với Bổn sư Minh Khiêm. Sau khi ngôi Tam bảo Giác Sơn được trùng tu và xây dựng lại khánh thành xong, Tổ được cử làm Thủ tọa coi sóc chùa Giác Sơn.

Năm 1904 xảy ra một trận thủy tai thảm khốc tại vùng nhân dân Gò Công sinh sống. Tổ sư Như Hiển cùng các Tăng chúng chèo thuyền cứu giúp vạn người dân đang bị lũ cuốn, vừa mưa vừa bão. Nơi vàm Ốc Len ghe của Tổ sư bị lật chìm; với lòng từ bi cao cả vì muốn cứu chúng sinh thoát khỏi cơn lũ dữ; tâm từ bi đó đã trở thành một sức mạnh phi thường, nên đã giúp tổ Như Hiển vượt qua tai nạn. Trận thiên tai khủng khiếp này, người dân Gò Công đã tận mắt chứng kiến, cảnh cứu trợ hãi hùng toàn tâm toàn lực của Tổ sư Như Hiển cùng chư Tăng; họ cảm động chân thành với một lòng tin sâu sắc nơi Tam bảo. Qua trận bão lụt, Tổ sư Như Hiển cùng chư Tăng, gom góp thu nhặt xác chết trôi, tẩm liệm mai táng; sắp xếp lễ để cầu siêu cho những người vắn số, sau đó vận động xây dựng sửa sang những mái nhà đổ nát từ cơn lũ dữ; lo cho chúng dân tương đối yên ổn, Tổ trở về chùa Giác Sơn từ giã huynh đệ đến núi Sam (Châu Đốc) muốn ẩn dật tu hành.

Đây không phải là hóa thân của Bồ tát sao? Chỉ có Bồ tát mới có cái cây tình thương rộng lớn như thế. Cây xanh nơi thế gian, dù cao lớn bao nhiêu chỉ đủ che cái mát mẻ tạm thời cho chúng sinh, cũng không che được cho tất cả; chỉ có cây từ bi vĩ đại của Bồ tát mới che khắp hết cho chúng sinh. Gặp thiên tai là xem như từ chết cho đến bị thương; nhưng Tổ sư Như Hiển vì lo cho chúng sinh mà bất chấp nguy hiểm đến với tính mạng, liều mình ra giữa dòng nước xiết cứu mạng Nhân dân. Khi chúng sinh gặp tai nạn lại có Bồ tát thị hiện cứu giúp. Tổ sư Như Hiển hết sức tận lực không nề gian nan, trong trận bão lụt khủng khiếp để cứu trợ đồng bào Gò Công. Thiên tai không phải bỗng nhiên ập đến, đều có nguyên nhân hết; chúng ta sống chung trong một vùng gặp thiên tai tất có cộng nghiệp với nhau, dù ít hay nhiều đều có cộng nghiệp. 

Từ khi xuất gia tu hành và trụ trì chùa Giác Viên ở Sài Gòn, Tổ giáo hóa độ sinh khắp nơi và đi dần dần đến núi Sam (Châu Đốc) định ẩn dật tu hành. Khi đi đến kênh Vĩnh Tế, Tổ được người đưa sang bờ lên chùa Phi Lai lễ Phật. Sau khi lễ Phật xong Tổ đi thẳng vào núi chuyên tu. Đến đây nhân duyên của Tổ sư hội đủ với người dân tại An Giang. Tổ sư Như Hiển tịnh tu một thời gian nơi núi cấm; Tổ được người dân tại ngôi chùa làng gọi là Phi Lai cổ tự thỉnh Tổ về trụ trì, vào năm 1900. Ngôi chùa mái lợp tranh, vách đất thô sơ; ngôi chùa này còn được gọi là chùa làng Tú Tề [4]. Tại nơi đây Tổ sư Như Hiển đã vận động và triển khai sửa sang xây dựng lại để làm nơi tu tập giáo hóa đồ chúng; Tăng chúng, Phật tử tu học ngày càng đông. Các Phật sự của Tổ sư Như Hiển thường xuyên cùng Tăng chúng giúp đỡ những người dân ở vùng biên ải khó khăn, cứu trợ thiên tai cho đồng bào. Năm 1907 một thiên tai rất lớn tại Châu Đốc không khác gì tại Gò Công năm 1904; Tổ sư Như Hiển đã cho cứu trợ khắp nơi, phân phát lương thực và đưa dân chúng về lánh nạn tại chùa nuôi họ chờ đến khi nước rút mới xong việc. Tổ lập đàn tràng Dược Sư cầu nguyện suốt 49 ngày; phát nguyện chỉ ăn rau trái với tâm nguyện chịu khổ nạn thay cho chúng sinh [5].

Chúng sinh ở đâu có ách nạn là có Bồ tát dang rộng đôi tay ra cứu giúp. Tổ sư Như Hiển xuất thân từ hàng danh gia vọng tộc; tay cầm bút, khi làm quan có tài có đức; chưa từng biết lao động nặng nhọc như thế nào. Thế nhưng, khi xuất gia tu hành Tổ sư Như Hiển làm bất cứ việc gì cũng không ngại khó, ngại khổ thậm chí quên thân mình để cứu chúng sinh được sống. Thật là tấm gương Bồ tát để lại cho đời sau một giá trị nhân văn sâu sắc. Hạnh nguyện tự độ, độ tha của Tổ sư Như Hiển quá rộng; từ đó danh tiếng Tổ đã được nhiều người biết và tìm đến học đạo tu hành; trong đó có người Việt, Hoa và dân tộc Khmer cũng có đủ. 

Năm 1927, Tổ sư Như Hiển đã chứng minh cho lớp học Tăng chúng ở chùa Giác Hoa – Sóc Trăng khai giảng; năm 1929 Đại Giới đàn ở chùa Trùng Khánh – Phan Rang cũng được tổ Như Hiển đến chứng minh. Đa phần mọi hành tung hoạt động của Tổ sư Như Hiển đều ẩn mật. Thời gian Tổ vào Nam lánh nạn ở Gia Định, và tu hành tại chùa Giác Viên không ai biết về thân phận của tổ Như Hiển. Suốt thời gian tại Châu Đốc rất lâu mà người chung quanh không ai biết Tổ sư là người có tri thức cao, con nhà quan quyền. (Nguyễn Lang, 2012, tr 658).

Những người sống chung quanh Tổ sư Như Hiển, không ai biết về thân thế của Ngài là con nhà nhiều đời làm quan triều đình, thuộc hàng danh gia vọng tộc, kiến thức rộng, tài đức cao, văn võ song toàn. Vì vốn dĩ từ nhỏ tánh tình Ngài đã khiêm cung, nhân hậu; Tổ sư rất mực thương người nghèo khó, thường hay giúp đỡ mọi người; không khoe khoan thân thế. Đây là Trí tuệ từ bi đã có sẵn trong tâm của Tổ sư; khi nhân duyên đầy đủ hạt giống trí tuệ từ bi nảy nở càng ngày càng lớn và đơm hoa kết trái. Cho nên, Tổ sư mới có thể khiêm cung, kham nhẫn với mọi người và hóa độ chúng sinh một cách toàn tâm toàn ý, không nghĩ đến tánh mạng của mình. 

Trí tuệ của Tổ sư Như Hiển là Trí tuệ cứu cánh mà Phật nói; là trí thanh tịnh thuần nhất không có đối đãi nhị nguyên. Từ bi của Tổ sư Như Hiển là từ bi cứu cánh mà Phật nói; nó không phải đơn giản từ là ban vui, bi là cứu khổ; không phải đơn giản thấy khổ thì an ủi, thấy thiếu ăn thì cho ăn. Từ mà không thấy từ; ban vui mà không thấy ban vui. Bi mà không thấy bi; cứu khổ mà không thấy cứu khổ. Đó mới đúng ý nghĩa của trí tuệ và từ bi rốt ráo mà Phật nói và cũng là trí tuệ từ bi của Tổ sư Như Hiển đã thể hiện hóa độ chúng sinh. Vì thế, Tổ sư Như Hiển làm tất cả mọi việc lợi lạc cho chúng sinh mà không biết mệt mỏi.

Công hạnh và đạo đức của Tổ sư Như Hiển quả thật là rất lớn, như một sự hóa thân của một vị Bồ tát vậy. Tổ sư đã góp phần vào cho mạng mạch của Phật giáo được trường tồn, chúng sinh mãi mãi có được những điều giá trị của Ngài để lại mà noi theo học hỏi tu hành.

Tổ sư Như Hiển rất xem trọng về mặt giáo dục Tăng chúng; vì truyền thống của gia tộc Ngài là nhiều đời làm quan, nên mặt giáo dục tri thức, giới đức Tổ sư rất xem trọng. Tại chùa Phi Lai hàng năm Tổ sư cũng mở ra các giới đàn, các lớp học Phật, khóa An cư Kiết hạ,… từ một ngôi chùa mái tranh vách đất thô sơ, nay đã trở thành một ngôi chùa khang trang đào tạo Tăng Ni tài, làm Phật sự cho đạo pháp và dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Từ những việc hoằng pháp lợi sinh của Tổ sư, mà uy nghiêm của Tổ được rất nhiều người biết đến; Tăng Ni, Phật tử cũng như người dân đều rất quý mến và kính trọng Tổ. Tổ sư Như Hiển trong thời gian hoằng pháp, Tổ cũng tạo dựng rất nhiều chùa trực thuộc ảnh hưởng của Tổ sư, trải dài khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Gia Định – Sài Gòn. Việt Nam Quốc Tự là trực thuộc ảnh hưởng của Tổ sư Như Hiển. Ni giới chùa Kim Sơn, chùa Bửu Sơn quận 5, cũng trực thuộc và ảnh hưởng của Tổ sư Như Hiển; ngoài ra đệ tử của Tổ ở các tỉnh miền Tây rất nhiều.

Nếu như khi còn trẻ Tổ sư Như Hiển làm quan và tiến thân bằng con đường thế gian, theo truyền thống gia tộc Ngài thì rất nhiều Tăng Ni, Phật tử không được nhờ ơn giáo dưỡng và dân chúng cũng không được sự giáo hoá độ sinh của Tổ; Phật giáo cũng không có được một vị Tăng tài để nối tiếp mạng mạch Phật pháp; cũng không có ai biết đến tên tuổi của Tổ sư ngoài gia tộc của Ngài. Tổ xuất gia tu hành làm những việc rất phi thường, có giá trị thiết thực trong cuộc đời, có ích lợi không những cho đạo pháp mà còn cho chúng sanh; và cả những người dân hữu duyên được Ngài giáo hoá, công đức của Tổ rất lớn. Tổ sư Như Hiển để lại cho đạo pháp, cho hàng Tăng Ni, Phật tử rất nhiều giá trị về mặt nhân văn. Hương thơm của Tổ sư Như Hiển chẳng những toả ra ngay hiện tại, mà còn lan tỏa mãi mãi cho nhiều thế hệ mai sau. Đức Phật dạy: 

“Hương các loài hoa thơm,

Không bay ngược chiều gió

Nhưng hương người đức hạnh,

ngược gió khắp tung bay”.

Chúng sinh ở đâu có ách nạn là có Bồ tát dang rộng đôi tay ra cứu giúp. Tổ sư Như Hiển xuất thân từ hàng danh gia vọng tộc; tay cầm bút, khi làm quan trong triều đình có tài có đức; chưa từng biết lao động nặng nhọc như thế nào. Thế nhưng, khi xuất gia tu hành Tổ sư Như Hiển làm bất cứ việc gì cũng không ngại khó, ngại khổ thậm chí quên thân mình để cứu chúng sinh được sống. Thật là tấm gương Bồ tát để lại cho đời sau một giá trị nhân văn sâu sắc

KẾT LUẬN

Công hạnh và đạo đức của Tổ sư Như Hiển quả thật là rất lớn, như một sự hóa thân của một vị Bồ tát vậy. Tổ sư đã góp phần vào cho mạng mạch của Phật giáo được trường tồn, chúng sinh mãi mãi có được những điều giá trị của Ngài để lại mà noi theo học hỏi tu hành. Chúng ta hàng hậu học ngày nay, dù ít hay nhiều cũng nên học tập theo hạnh khiêm cung, kham nhẫn và ý chí nghị lực của Tổ sư, để khi bước đi trên đường đời hay đường đạo đều có thể đem ra ứng dụng trong cuộc sống; chẳng những có ích lợi cho bản thân mà cả đến người chung quanh. Tâm nguyện rộng lớn của Bồ tát, đương nhiên là chư vị cứu giúp chúng sinh không biết mệt mỏi; nhưng về cơ bản làm người đều cần phải tự lo cho chính mình, trước khi nhờ đến sự giúp đỡ của Bồ tát hoặc những ai khác; khi biết lo cho chính bản thân tốt, cũng đồng nghĩa là mình đã giúp ích được mọi người. Công hạnh của Tổ sư là được xây dựng trên nền tảng giới, định, tuệ; nền tảng này đối với hàng hậu học như chúng ta rất còn hạn chế, cần cố gắng nhiều mới có thể được như Tổ sư Như Hiển; vì công hạnh đó cần có sự huân tu bền chí và rất thâm sâu miên mật.

 

 

 

Chú thích:

[1] Thích Đức Quang (6/2022), “Tổ sư Phi Lai – Một đại sĩ hóa thân”, Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, https://phatgiao.org.vn/to-su-phi-lai-mot-dai-si-hoa-than-d54025.html

[2] “Tổ sư Phi Lai hiệu Chí Thiền”, https://phatgiao.vn/bai-viet/tieu-su-to-phi-lai-hieu-chi-thien.html

[3] Thích Minh Ân (10/2020), “Tổ đình Phi Lai: Huyền tích, Phật tích và di tích kiến trúc văn hoá độc đáo”, Tạp chí Văn Hóa Phật giáo, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/5378

[4] Đức Toàn (7/2022), “Uy nghi Tổ đình Phi Lai”, Báo An Giang Online, https://baoangiang.com.vn/uy-nghi-to-dinh-phi-lai-a337526.html. 

[5]Trung Nghĩa (7/2020), “Phi Lai Cổ Tự-Nơi xuất thân của những bậc thượng sĩ”, Chùa Minh Đạo, https://chuaminhdao.vn/article/15/phi-lai-co-tu-noi-xuat-than-cua-nhung-bac-thuong-si. 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phât giáo Sử Luận, Nxb. Phương Đông, tr. 81.

2. Thích Thanh Từ (2008), Thiền Sư Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr. 590.

3. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phât giáo Sử luận, Nxb. Phương Đông, tr. 658

4. https://phatgiao.org.vn/to-su-phi-lai-mot-dai-si-hoa-than-d54025.html. Truy cập ngày 15/6/2022.

5. https://phatgiao.vn/bai-viet/tieu-su-to-phi-lai-hieu-chi-thien.html. Truy cập ngày 9/1/2018.

6. https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/5378 . Truy cập ngày 2/10/2020.

7. https://baoangiang.com.vn/uy-nghi-to-dinh-phi-lai-a337526.html. Truy cập ngày 8/7/2022.