Vài cảm nhận nhân Hội thảo “Công đức và đạo hạnh của Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền Tổ đình Phi Lai: Hội tụ và lan tỏa” (Sa môn Thích Giác Toàn)

HUYỀN THOẠI PHI LAI VÀ TỔ ĐÌNH PHI LAI

“Phi Lai” có nghĩa là bay đến, từ không trung ghé lại. Trong dân gian có truyền thuyết rằng chỉ trong một đêm, một ngọn núi hay ngôi chùa từ trên không hoặc từ Thiên Trúc, Ấn Độ, quê hương của Đức Phật đã bay đến, hoặc do một đấng thiêng liêng muốn ban phước cho vùng đất, ngôi chùa nào đó và rằng núi hay chùa ấy có sự hiện diện của chư Phật, Bồ tát, chư thần linh, chư Thiên… Có huyền thoại kể rằng, từ xa xưa, núi Phi Lai đã xuất hiện tại Hàng Châu, tỉnh Triết Giang và khoảng hơn 1.000 năm trước đây, núi có 380 tượng Phật, Bồ tát và chư Thiên. Đây hẳn là một huyền thoại nhưng cũng có ý nghĩa đáng trân trọng khi nhiều chùa chọn tên Phi Lai. Ví dụ, ở nước ta có chùa Địa Tạng Phi Lai ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, chùa Phi Lai ở phường Tân Tiến, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, được xây dụng từ năm 1969…

Tại làng Tú Tề, kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có chùa Phi Lai, được thành lập năm 1867 nhưng đến năm 1905, sau khi Tổ sư Như Hiển Chí Thiền đến trụ trì thì chùa được đại trùng tu, trở nên rộng rãi, khang trang, nay gọi là Tổ đình Phi Lai. Thế là từ ý nghĩa huyền thoại đã trở thành hiện thực: chùa thực, người thực. Tổ Phi Lai Như Hiển Chí Thiền  thuộc thế hệ 39 dòng Lâm Tế, sinh năm Tân Dậu (1861) tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thừa mệnh Thầy tổ, trụ trì Phi Lai tự, tại làng Tú Tề, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, miền Tây Nam nước Việt. 

Tiêu đề của Hội thảo là “Hội tụ và lan tỏa”. Tôi hiểu rằng tất cả thành viên của Hội thảo hội tụ lại, cùng đóng góp tiếng nói của mình và cùng nhau ủng hộ Tổ đình Phi Lai và tông môn. Chúng ta cũng chung sức làm lan tỏa phẩm chất cao đẹp, công lao to lớn của Tổ Phi Lai, ủng hộ việc xây dựng, mở mang Tổ đình Phi Lai, ủng hộ việc tu tập, hoằng pháp vì đạo vì đời của tất cả các thành viên của tông môn. Đây cũng là phụng sự Phật giáo, Giáo hội Phật giáo vậy.

BẬC TÔNG TƯỢNG VỚI PHẨM CHẤT CAO ĐẸP

Tổ sinh ra trong một gia đình danh giá: nội tổ và thân phụ đều là đại quan của triều đình. Tổ cũng là người trí thức có địa vị, được triều đình bổ làm chức Hậu bổ từ năm 18 tuổi. Ba năm sau, nhận thấy quan trường  gò bó, không đáp ứng được tấm lòng khao khát được trải rộng, Tổ xin từ quan, liên hệ gần gũi với phong trào Văn Thân chống Pháp. Nhiều nhân sĩ bị bắt bớ, Tổ sợ bị bắt vì liên lụy, lại nghĩ rằng những hoạt động lẻ tẻ không phù hợp với tấm lòng khao khát từ bi và trí tuệ của Phật giáo mà từ lâu Tổ đã ngưỡng mộ, Tổ xin xuất gia, chuyên tâm tu tập.

Với chí nguyện vì Đạo, vì Đời, là người lãnh đạo tông môn, Tổ mở trường đào tạo Tăng Ni, mở các khóa giảng cho quần chúng Phật tử, cứu giúp đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, mở các lễ đàn cầu an cầu siêu cho các nạn nhân đang chịu cảnh khổ cực tang thương ở khắp vùng Châu Đốc – An Giang… Nếu không có lòng từ bi rộng lớn, không có trí tuệ cao vời, không có lòng dũng cảm, ý chí kiên trì thì Tổ đã không chịu đựng được những khó khăn trong tu tập, trong ngục tù của thực dân Pháp, trong những Phật sự lợi đạo ích đời. Suốt 52 năm, từ 1881 đến 1933, những thành tựu mà Tổ đã tạo nên thật không thể kể hết.

VÀI NHẬN ĐỊNH NHÂN CUỘC HỘI THẢO NÀY

Bài viết này không nhằm nêu tiểu sử của tổ Phi Lai Như Hiển Chí Thiền, tài liệu của Tông môn mà ban Tổ chức gởi đến cho các thành viên tham dự Hội thảo đã khá đầy đủ về tiểu sử của Tổ. Ở đây tôi chỉ xin nêu một vài nhận định thô thiển để tham gia vào nội dung của Hội thảo.

1/ Về tiểu sử của Tổ, tôi nghĩ cần được sưu tập thêm, nhất là những sinh hoạt và Pháp ngôn của Tổ, cần được phổ biến rộng rãi trong quần chúng Nhân dân và  trong giới Tăng Ni, Phật tử. Tôi cảm thấy tiếc vì các nhà viết sử Phật giáo Việt Nam trước đây đã không đề cập đến tiểu sử của Tổ trong các tác phẩm của mình.

2/ Tổ đình Phi Lai tại An Giang xứng đáng là một danh lam vì lịch sử của Tổ đình, của tổ Phi Lai và của thể cách xây dựng nên được tăng cường các buổi thuyết pháp, lễ lạc, tổ chức các cuộc hành hương về Tổ đình, các lễ cầu an, cầu siêu, các hoạt động từ thiện…

3/ Nhằm phát triển Tổ đình, thu hút tín đồ, nhằm giữ gìn an ninh trong các sinh hoạt với quần chúng đông đảo, Tổ đình cần nỗ lực xin sự giúp đỡ nhiều hơn  của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, của Trung ương Giáo hội Phật giáo và chính quyền địa phương cũng như của quần chúng Phật tử trong khu vực.

4/ Truyền thống trí đức, tâm đức của tông môn cần được giữ gìn và phát huy không ngừng để xứng đáng là tông môn của Tổ, đóng góp vào việc giữ gìn truyền thống giới đức của Thiền môn nước Việt.

Tổ sinh ra trong một gia đình danh giá: nội tổ và thân phụ đều là đại quan của triều đình. Tổ cũng là người trí thức có địa vị, được triều đình bổ làm chức Hậu bổ từ năm 18 tuổi.

HỘI TỤ VÀ LAN TỎA

Nội dung của hội thảo hôm nay theo ban Tổ chức là nhằm tuyên dương công đức và đạo hạnh của Tổ sư Phi Lai Như Hiển Chí Thiền, đồng thời tưởng niệm ngày viên tịch của Ngài. Tiêu đề của Hội thảo là “Hội tụ và Lan tỏa”. Tôi hiểu rằng tất cả thành viên của Hội thảo hội tụ lại, cùng đóng góp tiếng nói của mình và cùng nhau ủng hộ Tổ đình Phi Lai và tông môn. Chúng ta cũng chung sức làm lan tỏa phẩm chất cao đẹp, công lao to lớn của tổ Phi Lai, ủng hộ việc xây dựng, mở mang Tổ đình Phi Lai, ủng hộ việc tu tập, hoằng pháp vì đạo vì đời của tất cả các thành viên của tông môn. Đây cũng là phụng sự Phật giáo, Giáo hội Phật giáo vậy.

THAY LỜI KẾT

Tưởng nghĩ đến công đức và đạo hạnh của tổ Phi Lai Như Hiển Chí Thiền, tưởng niệm ngày Ngài viên tịch, cũng là lời chúc tụng kính tặng chư huynh đệ tông môn Tổ đình Phi Lai, tôi xin có mấy lời thơ như sau:      

Đê đầu đảnh lễ

Cao cao công hạnh Tổ

Nghiễm nghiễm Tổ đình này

Trăng Thiền lơ lửng nơi đây

Dáng Thầy hiển hiện từng ngày từng đêm

Phi Lai sáng tỏ ước nguyền

Vì dòng cổ tích, vì huyền nghĩa đây

Công đức Tổ ngập trời mây

Vì thời hiện tại, vì ngày mai sau

Tấm gương vời vợi nhiệm màu

Lan khắp đất nước, tỏa vào thế gian

Làm tăng ánh Đạo huy hoàng

Sáng soi trí đức cho toàn tông môn

Chân thành khể thủ lập ngôn

Chúc toàn huynh đệ noi tròn Tổ đức.

Nam-mô Thường Hoan Hỷ Bồ tát Ma-ha-tát.