Khi lực lượng Nho sĩ Cần Vương kháng chiến bị tiêu hao mòn mỏi thì số Nho sĩ thoạt đầu hợp tác với nhà nước bảo hộ càng ngày càng đông. Những nhà Nho chí sĩ, trong khi vận động phong trào cải cách Duy Tân trong quần chúng, bỗng nhận ra rằng lực lượng chống đối cách mạng lớn lao hơn hết lại là giới Nho sĩ quan liêu thỏa hợp. Lui về tìm cơ sở trong quần chúng, họ phải dựa vào những cơ sở Đạo Phật. Cơ sở Nho sĩ như: Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Quyền… trong lúc họat động cho phong trào Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục thường nhóm họp nhau tại các chùa như Trấn Quốc, Hòa Mã, Liên Phái… để cho được kín đáo và tránh sự dòm ngó của nhà chức trách Pháp. Họ được sự ủng hộ mật thiết của giới Tăng sĩ Phật giáo.
Trong số những nhà chí sĩ lãnh đạo Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục, ta có thể nói rằng Phan Châu Trinh là người tin tưởng nhiều nhất về sự đóng góp của một nền Phật giáo phục hưng. Ông thường hô hào việc chấn hưng Đạo Phật để hỗ trợ cách mạng. Có lần trong một buổi họp, giữa các đồng chí, sau khi chuông mới rung. Ông lên tiếng: “Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xã thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu; nào bị cướp sáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ Đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?”.
“Tinh thần tôn giáo” mà cụ Phan nói ở đây không phải là tinh thần Nho giáo mà là tinh thần Phật giáo, bởi vì ông đã nhiều lần lên tiếng cho rằng chính Nho học đã làm cho nước Việt suy nhược. Ông có soạn một bài nói về cái tệ của Nho học, nhan đề là Bất Phế Hán Tự, Bất Túc Dĩ Cứu Nam Quốc, kết án chế độ khoa cử và kết luận là phải bỏ Hán tự, dùng quốc ngữ. Phan Châu Trinh không phải là một nhà Nho cố chấp, thấy sao thì ông nói vậy. Sự tin tưởng của ông nơi Phật giáo không những bắt nguồn ở nhận thức về thời đại cực thịnh Lý-Trần mà còn ở sự nhận thức về khả năng Duy Tân của một xã hội Phật giáo như quốc gia Nhật Bản nữa. Nhưng nhiều đồng chí của ông vì lòng yêu Nho giáo sâu đậm quá nên đã cực lực chống đối đường lối phê Nho hưng Phật của ông. Phục tùng đa số, ông đành bỏ những bài diễn văn hô hào phục hưng Đạo Phật và phế bỏ Hán học, kể cả bài Bất Phế Hán Tự… vừa nói.
Tuy nhiên, phần lớn những vị lãnh đạo trong các phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục đều nhận thấy rằng, trong thời đại họ, những phương thức tranh đấu bất bạo động là những phương thức tranh đấu thực tiễn và hữu hiệu hơn cả. Họ đã biết đến những nguyên tắc tranh đấu bất bạo động. Trong Hải Ngoại Huyết Thư, Phan Bội Châu nói đến phương pháp đấu tranh này. Ông nói rằng: “Chỉ cần tranh đấu bất bạo động thôi, cũng đủ để đuổi Tây về nước. Họ chỉ có năm chục ngàn người, trong khi chúng ta một dân tộc hai mươi triệu. Chẳng cần gươm súng, chỉ cần đấu tranh hai tay không ta cũng đuổi được họ về nước. Điều cần thiết là ta phải một lòng một dạ. Chúng đến thu thuế, nếu ta đồng lòng không nạp, thì chúng làm gì được ta? Nếu chúng gọi lính bắt ta, thì ta kêu gọi lính đừng bắt ta, bởi vì lính cũng người Việt. Nếu chúng bắt một người trong chúng ta thì chúng ta kéo hàng chục ngàn người đi theo. Không có lý nó giết hết được? Cuối cùng chúng sẽ bỏ nước mình mà đi”. Những ý tưởng trên đây phản chiếu đúng đường lối tranh đấu bất bạo động. Một người đồng chí của Phan Bội Châu là Lê Đại đã diễn dịch đoạn văn trên ra thơ song thất lục bát, như sau:
Hai mươi triệu đồng bào đua sức
Năm mươi nghìn giống khác được bao?
Cùng nhau bên ít bên nhiều
Lọ là gươm sắc súng kêu mới là
Cốt trong nước người ta một bụng
Nghìn muôn người cùng giống một người.
Phòng khi sưu thuế đến nơi
Bảo nhau không đóng nó đòi được chăng?
Gọi đến lính không thằng nào chịu
Bắt một người ta kéo muôn người
Bây giờ có lẽ giết ai?
Hẳn thời nó cũng chịu lui nước mình.
Sức mạnh của bất bạo động là ở chỗ “đồng tâm”, cho nên Phan Bội Châu nhấn mạnh nhiều lần tới nguyên tắc này:
“Thương ôi! Trăm sự tại người
Chữ đồng ai dám ngăn rời chữ tâm?”.
“Người trong cho đến người ngoài
Chữ tâm cốt phải ai ai cũng đồng”.
“Gió nhanh thì sóng cũng mau,
Chữ tâm một phút đâu đâu cũng đồng”.
Để đi tới đồng tâm phương sách duy nhất là giáo dục và tỉnh thức quần chúng. Đó là mục tiêu của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Thi ca, sách báo và giảng diễn là những phương tiện lần đầu để thức tỉnh quần chúng. Kế tiếp là hành động. Cuộc vận động kháng thuế năm 1908 tại Trung Kỳ đã gây được ý thức sâu rộng trong quốc dân. Phong trào này phát khởi tại tỉnh Quảng Nam, quê của Phan Chu Trinh. Chiến dịch kháng thuế này đã mở đầu cho những cuộc biểu tình vĩ đại sau này. Tham dự vào cuộc phát khởi tại Quảng Nam có tới hàng vạn người; tất cả đều hớt tóc ngắn (không búi tóc, theo lời kêu gọi của Duy Tân, của Đông Kinh Nghĩa Thục) đến vây quanh tòa sứ Quảng Nam để yêu cầu Chính phủ giảm thuế. Vị công sứ Pháp không nhận đơn và ra lệnh giải tán nhưng quần chúng không nghe. Lính được lệnh tấn công vào quần chúng làm cho nhiều người bị thiệt mạng. Vì vậy, phong trào từ Quảng Nam đã nhanh chóng lan vào các tỉnh miền Nam Trung kỳ [1] Chính phủ Bảo Hộ đổ tội cho bốn người Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Phan Bội Châu lúc ấy còn ở Nhật thành ra không bị bắt. Trần Quý Cáp bị Chính phủ Nam Triều lên án xử tử “chém ngang hông” tại Nha Trang. Huỳnh Thúc Kháng bị bắt tại làng Thạnh Bình tỉnh, Quảng Nam. Phan Chu Trinh lúc ấy ở Hà Nội cũng bị Chính phủ bảo hộ bắt giam ở tòa Khâm Sứ. Tại đây, ông thực hiện một chiến thuật bất bạo động khác: tuyệt thực. Cuộc tuyệt thực kéo dài bảy ngày khiến viên khâm sứ Pháp phải trao ông về cho Cơ Mật Viện của Nam Triều. Triều đình Huế bèn đổi án “trảm quyết” thành án “Côn Lôn ngộ xá bất nguyên”. Sở dĩ Chính phủ Nam Triều kết án ông nặng nề như thế là vì hai năm trước đó ông đã đánh một đòn bất bạo động cân não làm rung động cả dư luận quốc dân. Đó là một văn thư ông gửi cho toàn quyền Đông Dương đề ngày 15.8.1906. Bức thư khảng khái này tố cáo tính cách hủ bại của lớp quan lại Nam Triều, lên án Chính phủ Bảo Hộ thực hiện chính sách ngu dân, chỉ muốn đưa lên chính quyền những phần tử thối nát và dối trá, đồng thời công kích Chính phủ Bảo Hộ đã có thái độ khinh miệt giới sĩ phu Việt Nam khiến cho sự hiểu biết của hai phía càng lúc càng trở nên khó khăn. Bức thư này lưu hành rộng rãi trong quốc dân đã khiến cho Bảo Hộ lẫn Nam Triều căm tức đến tột độ. Ở Côn Lôn được hai năm, ông được tha về nhờ sự vận động của ký giả Ernest Babut và hội Nhân quyền Pháp. Ông tiếp tục đấu tranh như thế cho đến khi chết, trong thời gian lưu trú tại Pháp cũng như sau khi hồi hương, rất trung thành với đường lối bất bạo động. Các đồng chí của ông có người họat động bí mật theo đường lối bất bạo động (vụ liên lạc với chiến khu của Đề Thám, vụ đầu độc quan binh Pháp ở Hà Nội năm 1908,…) nhưng Phan Châu Trinh không tham dự vào những họat động này. Cuối cùng Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa và các đồng chí người thì bỏ trốn, người thì bị bắt, người thì bị xử tử.
NHU YẾU DUY TÂN
Phong trào ngắn ngủi nhưng đã tạo được những thay đổi cần thiết: Mầm cách mạng dân tộc được gieo rắc, nền cựu học sụp đổ, quốc dân chấp nhận con đường Duy Tân. Sự kiện này có ảnh hưởng lớn đến phong trào phục hưng Phật học ở thượng bán thế kỷ thứ hai mươi. Những nỗ lực cải cách văn hóa, xiển dương quốc học và phục hưng Phật giáo đều có thể được nhận định là những hoạt động công khai nhằm nối tiếp tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục với một đường lối đấu tranh ôn hòa trong khuôn khổ “thỏa hiệp” với phe thống trị. Mục tiêu của tất cả những họat động này là khai hóa dân trí, tìm kiếm và xác định một ý thức hệ dân tộc. Sống dưới sự bảo hộ của một ngoại bang, cái lo âu sâu đậm nhất của người Việt là sự đánh mất cá tính và linh hồn Việt, cho nên sự phục hưng Phật học cũng như ý hướng xây dựng “quốc học” đã được sự hỗ trợ nồng nhiệt của quần chúng. Phục hưng Phật học và xây dựng quốc học là những công việc làm chính đáng, hợp pháp, không phải là những việc quốc cấm, cho nên không sợ bị đàn áp. Nơi đây, hai giới tân học và cựu học có thể gặp nhau để cùng họat động: cả trong hai lĩnh vực tôn giáo và văn hóa, chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Tây đều được sử dụng. Chữ “quốc ngữ” trở thành một phương tiện mầu nhiệm nối liền hai thế hệ cựu và tân học.
Trước 1908, những tờ báo quốc ngữ chỉ là những tờ do Chính phủ xuất bản, chỉ để thông tin và bố cáo các chỉ thị của Nhà nước, như các tờ Gia Định Báo (1865), Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo (1892), Nông Cổ Mín Đàm (1900) [2], Nhật Báo Tỉnh (1908) [3], Đại Việt Tân Báo (1907) [4] và Đăng Cổ Tùng Báo (1907). Sau 1908, ngoài việc thông tin, các báo còn đăng những mục xã thuyết, thơ văn, tự do diễn đàn,… phản chiếu nguyện vọng và ý hướng của người dân: đó là những báo như Lục Tỉnh Tân Văn, Thực Nghiệp Dân Báo, Khai Hóa, Tiếng Dân, Đông Pháp… Đứng về phương diện nâng cao dân trí, đại chúng hóa các học thuật tư tưởng Đông Tây, và xây dựng quốc học thì có các Tạp chí sau đây: Đông Dương Tạp chí (1913) Nam Phong (1917), Học báo (1919), Hữu Thanh (1921), An Nam Tạp chí (1926), Phụ Nữ Tân Văn (1929), Khoa Học Tạp chí (1931), Văn Học Tạp chí (1932)… Đông Dương Tạp chí và Nam Phong Tạp chí hồi đó rất được mến chuộng.
Trong khi đó thì công cuộc phục hưng Phật giáo được hình thành với sự thành lập các hội Phật giáo và các Tạp chí Phật học. Trước hết là Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học thành lập năm 1931 và Tạp chí Từ Bi Âm xuất bản đầu năm 1932. Tiếp đến là hội An Nam Phật Học (1932) và Tạp chí Viên Âm (1933), rồi Hội Phật Giáo Bắc Kỳ (1934) và Tạp chí Đuốc Tuệ (1935). Sau đó nhiều hội Phật giáo hoặc Tạp chí Phật học tiếp tục ra đời, như Tạp chí Tiếng Chuông Sớm (1935) của hai sơn môn Hồng Phúc và Bà Đá xuất bản tại Hà Nội, Tạp chí Duy Tâm (1935) do Hội Lưỡng Xuyên Phật Học xuất bản ở Trà Vinh, Tạp chí Tam Bảo (1937) của Đà Thành Phật Học xuất bản tại Đà Nẵng, Tạp chí Tiến Hóa (1938) do Hội Phật Học Kiêm Tế xuất bản ở Rạch Giá,… Quang cảnh phục hưng tưng bừng như chưa bao giờ có.
Chú thích:
[*] Trích Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật Giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.
[1] Phong trào thực tế còn lan ra Nghệ – Tĩnh và bùng lên dữ dội ở đây vào năm 1908. Người cầm đầu phong trào là Nguyễn Hàng Chi (Can Lộc, Hà Tỉnh) bị xử chém. Một người khác ít biết tên tuổi là Trinh Khắc Lập (Nghi Xuân, Hà Tỉnh) cũng bị xử chém. Còn các vị khác như: Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân đều bị dắt đi đày cùng với Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Nam (N.H.C).
[2] Theo Huỳnh Văn Tòng: Lịch sử báo chí Việt Nam. Trí Đăng, Sài Gòn, 1973, thì tờ báo này ra số 1 ngày 1/8/1901 (N.H.C).
[3] Theo Nguyễn Ngu Í: 100 năm báo chí Việt Nam. Bách Khoa, số 25, ra ngày 15/1/1996, Sài Gòn, thì tờ báo này ra đời từ 1905 (N.H.C).
[4] Theo Huỳnh Văn Tòng, Sđd, thì tờ báo này ra đời từ 1905.