Quảng Nam là quê hương của nhiều vị thiền sư nổi tiếng. Tra cứu vào thư tịch, chúng ta biết đến các vị cao tăng thạc đức như Thiền sư Minh Châu Hương Hải, Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền, Thiền sư Đạo Minh Phổ Tịnh (chùa Báo Quốc, Huế), Hoà thượng Hải Toàn Linh Cơ (chùa Tường Vân, Huế). Đến giai đoạn cận đại, có Hoà thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp) và Thiền sư Chí Thiền chùa Phi Lai. Hai vị hoà thượng trên, gia thế có liên quan đến phong trào Văn Thân nên quí ngài từ bỏ quê hương, theo gia đình bỏ vào Nam ẩn tránh, thường dấu thân phận.
Tổ Chí Thiền, nhiều vị ghi là Chí Thành, tức đọc đúng âm. Do miền nam thuở xưa, đối với Tiền quân Nguyễn Văn Thành, người phò tá vua Gia Long có nhiều công trạng, nên dân gian không dám đọc đúng âm, mà đọc trại thành âm Thiền[1]. Trong bài viết này, chúng tôi ghi tên hiệu ngài là Chí Thiền như cách gọi sinh tiền. Ngài huý là Như Hiển, đệ tử của Hoà thượng Hoằng Ân, chùa Giác Lâm . Thật ra có nhiều tư liệu cho rằng Tổ Như Hiển xuất gia với tổ Minh Mai – Phương Danh ở chùa Giác Viên . Sau khi Tổ xuất gia được Hòa thượng bổn sư gửi cho huynh đệ Tổ Minh Khiêm – Hoàng Ân chùa Giác Lâm làm nuôi dạy . Do đó việc Tổ Như Hiển là đệ tử của Tổ Minh Mai hay Tổ Minh Khiêm theo chúng tôi đều là đúng. Trong bài viết, chúng tôi chỉ khảo về quê quán và tông tộc Thiền sư, nhằm xác định lại quê hương cùng gia tộc cho chuẩn xác.
1. KHẢO VỀ QUÊ HƯƠNG THIỀN SƯ CHÍ THIỀN:
Chúng ta chưa rõ tư liệu nào ghi chép sớm về hành trạng Thiền sư Chí Thiền. Qua sự tìm hiểu, Khánh Anh Văn sao, tập 1 là tập sách viết về Hòa thượng Chí Thiền khá sớm. Trong đó có ghi rõ quê quán và gia đình ngài như sau: “Nguyên cụ tổ là người xuất thân tại xã Viêm Sơn, huyện Di Xuyên, tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt. Nguyên sanh nhằm ngày Thanh Minh tháng 2 năm Tân Dủ (1861), cháu nội của Đức Hộ Quấc công, Nguyễn Công Thành, triều Tự Đức (1877-1883)”[2]. Sách in có một số lối chính tả như huyện Duy Xuyên thì ghi là Di Xuyên, Tân Dậu ghi là Tân Dũ, Hộ Quốc công ghi thành Hộ Quấc công. Hoà thượng Khánh Anh là người trực tiếp nghe Tổ Phi Lai kể lại cuộc đời, tiến hành ghi lại.
Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo sử luận III, ghi đơn giản “Thiền sư Chí Thành sinh năm 1861 tại Quảng Nam”[3]. Tiểu sử danh tăng Việt nam, tập 1 cho “Tổ Phi Lai thế danh là Nguyễn Văn Hiển, pháp hiệu Chí Thiền. Ngài sinh tháng 2 năm Tân Dậu (1861) tại Quảng Nam, xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên”[4]. Khác với Hoà thượng Khánh Anh, cho tổ quê xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên. Sai lệch đi phụ âm từ V chuyển sang D.
Trong Hành trạng chư tôn thiền đức xứ Quảng, mục “Hoà thượng Thích Chí Thành (1861-1933) nối tiếp tập sách trên: “Hoà thượng Thích Chí Thành (Thiềng) còn gọi là tổ Phi Lai, thế danh Nguyễn Văn Hiển sanh tháng 02 năm Tân Dậu (1861) tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam…”[5]
Hòa thượng Chí Thiền được nhiều người nghiên cứu viết Hành trạng và đều cho ngài quê tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên. Hoà thượng Khánh Anh ghi xã Viêm Sơn, Thích Đồng Bổn và Thích Như Tịnh ghi xã Diêm Sơn. Viêm Sơn và Diêm Sơn, kiểu tự dạng gần giống nhau, phát âm cũng vậy. Chưa rõ họ có tra cứu lại tư liệu địa dư tỉnh Quảng Nam chăng?
Chúng tôi tra cứu các sách như Đồng Khánh dư địa chí đồ, Danh mục làng xã tỉnh Quảng Nam do Trường Viễn Đông Bác Cổ thực hiện năm 1923, cho đến Danh sách làng xã cải cách dưới triều Bảo Đại khoảng năm 1926, cho đến Quảng Nam xã chí năm 1944 đều không thấy ghi xã Viêm Sơn hoặc xã Diêm Sơn thuộc huyện Duy Xuyên. Điều đó cho thấy, các tư liệu đưa ra chưa thật chuẩn xác, cần phải khảo sát thêm các tư liệu để đi tìm quê hương chính xác của Hòa thượng Chí Thiền.
Căn cứ Trang tộc gia phả do ngài Trang Quảng Hưng soạn, hành trạng Yết ma Phước Điền có ghi: “Năm Duy Tân thứ 2, được bổ làm trụ trì chùa Ngự tứ Vĩnh An, Viêm Sơn 至維新二年補炎山御製永安寺住持”[6] xuất hiện địa danh Viêm Sơn giống với cách ghi của Hoà thượng Khánh Anh. Điều quí là ghi chép ngôi chùa phía sau “Ngự tứ Vĩnh An tự” tức chùa Vĩnh An[7], một ngôi quốc tự tại huyện Duy Xuyên, dân gian gọi là chùa Vua, theo cách gọi của người dân địa phương. Vua Minh Mạng lập ngôi chùa thờ Phật, cùng phối thờ hai vị Hoàng Hậu của bản triều. Nhờ ghi chép tên chùa, chúng ta xác định chùa Vĩnh An thuộc xã Chiêm Sơn như Đại Nam nhất thống chí ghi chép. Theo Đồng khánh dư địa chí đồ, tỉnh Quảng Nam thì xã Chiêm Sơn thuộc tổng Mậu Hoà trung, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trang Tộc gia phả cũng như ghi chép của Hoà thượng Khánh Anh là Viêm Sơn, có thể một giai đoạn, xã Chiêm Sơn còn gọi là Viêm Sơn. Điều đó xác nhận rõ, Tổ Phi Lai quê tại xã Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên, nay là thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
Chiêm sơn được viết bằng chữ Hán dưới hai dạng: 瞻山 và 䀡山.Ô châu cận lục, huyện Điện Bàn phủ Triệu Phong có 66 xã, thì “Chiêm Sơn 䀡山” nằm trong danh sách đó. Điều đó cho thấy Chiêm Sơn được lập sau năm chiến thắng 1471[8]. Cũng sách ấy có ghi: “Lỗi Sơn, Chiêm Sơn rào cổng gỗ mà phòng hổ báo 耒山䀡山揜柴門以備猛虎”. Để cho thấy, Chiêm Sơn nằm dưới triền núi, hoang vu, người dân sinh sống cũng không đông, nên vẫn phải phòng thủ thú dữ cho an toàn.
Năm 1607, Nguyễn Hoàng cho tách huyện Điện Bàn ra khỏi phủ Triệu Phong, thăng lên phủ và xác nhập vào xứ Quảng Nam. Phủ Biên Tạp Lục, cuối quyển 1 ghi danh sách làng xã của hai phủ Thuận Quảng cho biết, Chiêm Sơn thuộc tổng Mông Lãnh, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn[9]. Triều Gia Long cho tiến hành lập địa bạ trong cả nước thì xã này ghi “Phụ lũy Chiêm Sơn xã 附壘䀡山社” thuộc tổng Mậu Hòa trung, huyện Duy Xuyên, Phủ Thăng Hoa. Xã đó diện tích hơn 678 mẫu, giáp với các xã như Hương Sơn (sau đổi thành Thọ Sơn), Đông Yên, Trà Kiệu. Năm Minh Mạng thứ 17, trích lấy huyện Duy Xuyên phủ Thăng Hoa cho lệ vào phủ Điện Bàn. Do vậy mà các tư liệu sau đều ghi xã Chiêm Sơn huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Chiêm sơn xã có hai giáp: Đông và Tây. Giáp Tây chiếm diện tích rộng hơn giáp đông. Hiện nay, Chiêm sơn tây thuộc xã Duy Trinh, còn Chiêm Sơn Đông thuộc xã Duy Sơn. Giáp Tây có hai tôn lăng: Vĩnh Diễn và Vĩnh Diên[10], cùng có lăng của công chúa Ngọc Dung, con gái bà Đoàn Quí Phi, dân gian gọi là Lăng Bà Bé. Chùa Vĩnh An (chùa Vua) nằm trên ngọn đồi thấp, khoảng giữa hai tôn lăng. Chùa do vua Minh Mạng cho lập năm Minh Mạng thứ 4, vừa thờ Phật, gian hai bên phụng án thờ hai vị Hoàng hậu tiên triều. Chùa thuộc loại chùa công, là ngôi quốc tự của huyện Duy Xuyên. Năm 1946, lệnh tiêu thổ kháng chiến, chùa bị triệt bỏ, nay vẫn chưa được tái dựng.
Phía dưới chùa khoảng hơn 100m có ngôi miếu bà, dân gian gọi là Miếu bà Chiêm Sơn. Tra vào Quảng Nam xã chí (AJ 23/4), làng Chiêm Sơn, mục Thần Tích thì đó là miếu thờ Thai Dương phu nhân, một nữ thần của người Chàm. Chiêm Sơn tây có chùa Tháp, nay gọi là chùa Trà Sơn, tiếc bị phá hủy nhiều. Phía sau ngôi chùa là tháp Dương Bi, tháp Chăm, nay chỉ còn nền chân tháp. Đó là sơ lược về xã Chiêm Sơn huyện Duy Xuyên và là quê hương của Hòa thượng Chí Thiền chùa Phi Lai.
2. GIA TỘC NGUYỄN VĂN LÀNG CHIÊM SƠN:
Làng Chiêm Sơn có ba tộc Tiền Hiền. Đó là Tộc Nguyễn Công, Nguyễn Văn và Nguyễn Đình. Trong Quảng Nam xã chí có ghi rõ: “Làng có 3 tộc tiền hiền. Tộc Nguyễn Công (Tiền hiền thỉ tổ Nguyễn Tá Triều). Hiện con cháu của tộc nầy đời nay còn giữ được một quyển Mục lục (Thái Đức lục niên), một quyển Phổ Ý (Minh Mạng thứ 16) (Tộc trưởng: Nguyễn Công Kiên giữ những giấy tờ nầy). Tộc Nguyễn Văn (Tiền hiền thỉ tổ Nguyễn Văn Minh). Tộc nầy, con cháu hiện nay còn giữ được một quyển Phổ Ý (Giáp Tuất 1714), một tờ trường biên (Thái Đức 8) (Tộc trưởng Nguyễn Văn Đông giữ những giấy tờ nầy). Tộc Nguyễn Đình (Tiền hiền thỉ tổ Nguyễn Đình Tứ) (Tộc trưởng Nguyễn Đình Hiếu)”[11]. Thủy tổ ba tộc đã cùng đến khai phá, qui dân lập ấp, hình thành nên ngôi làng Chiêm Sơn. Ngoài ra, còn có nhiều tộc họ đến tụ cư.
Hành Trạng Hòa thượng Chí Thiền ghi ngài thế danh Nguyễn Văn Hiển, có ông nội là Hộ quốc công Nguyễn Công Thành theo Hòa thượng Khánh Anh hay Nguyễn Văn Thành theo các tư liệu sau. Tiếc không ai ghi chép về cha mẹ ngài. Chúng tôi thấy ghi ông nội ngài là Nguyễn Công Thành nên tưởng ngài thuộc tộc Nguyễn công. Điều tra gia phả tộc Nguyễn Công làng Chiêm Sơn thì không thấy vị tổ nào có tên là Nguyễn Công Thành.
Xác định thế danh ngài là Nguyễn Văn Hiển, tức Ngài có chữ lót là chữ “Văn” ngầm hiểu ngài tộc Nguyễn Văn. Qua sự điều tra một người trong tộc Nguyễn Văn có chụp tông đồ thì có tên ngài Nguyễn Văn Thành. Do thời gian điều tra quá ít, nên chưa tiếp cận được tư liệu Gia phả chữ hán, nên việc truy nguồn gốc tông tộc cũng chưa đạt như ý muốn, tạm xác định ngài thuộc con cháu tộc Nguyễn Văn làng Chiêm Sơn. Nếu tiếp cận Gia phả chữ hán thì biết gia đình ngài thuộc phái mấy của tộc.
Quảng Nam xã chí, làng Chiêm Sơn phủ Duy Xuyên thì “Quân Cần Vương (nghĩa) nổi lên quấy phá các nơi trong hồi vua Hàm Nghi chạy ra đồn Tân Ấp. Bởi vậy, bao nhiêu giấy má về tự tích, về cổ chỉ đều bị thiêu đốt và hủy hoại hết cả”[12]. Qua đây cho thấy làng Chiêm Sơn có quan hệ đến quân Cần Vương, tức dân làng nhiều người tham gia, nhiều gia đình bị liên lụy. Trong đó có gia đình của hòa thượng Chí Thiền, nên mới bỏ trốn vào Gia Định. Ngài xuất gia tại chùa Giác Viên và khi ra hành đạo vẫn ít cho ai biết thân phận của mình, sợ liên lụy đến con cháu. Một phần ngài có mật hạnh tu tập, nên ít người rõ về thân thế của ngài.
Tiểu kết:
Qua kiểm chứng tư liệu địa dư chí, xác định Hòa thượng Chí Thiền quê xã Chiêm Sơn, tổng Mậu Hòa trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Các tư liệu ghi Viêm Sơn hoặc Diêm Sơn là chưa chính xác. Ngài thuộc gia thê tộc Nguyễn Văn, là một trong ba tộc lớn Tiền hiền của làng Chiêm Sơn. Vị thủy tổ Nguyễn Văn Minh cùng với hai tộc Nguyễn khác đến khai phá, hình thành nên xã Chiêm Sơn. Đây là một làng được thành lập sau chiến thắng năm 1471. Làng có nhiều cổ tích, lăng tẩm, chùa chiền, đền miếu, và còn nhiều dấu tích liên quan đến Chămpa cổ như gò chùa Vua, Triền Tranh, tháp Dương Bi…
Bài viết chỉ khảo cứu quê quán và tông tộc hòa thượng Chí Thiền. Nhờ tiếp cận được nhiều tư liệu xưa, xác định rõ ngài quê làng Chiêm Sơn huyện Duy Xuyên và gia đình thuộc tộc Nguyễn Văn của làng.
Tài liệu tham khảo:
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam, q.5, bản in triều Duy Tân, cùng bản dịch.
Lê Quí Đôn, Phủ biên tạp lục (bản dịch), Nxb Khoa Học, Hà Nội, 1964.
Quảng Nam tỉnh Duy Xuyên phủ Chiêm Sơn xã (No 52) của tập Quảng Nam tỉnh tạp biên, kí hiệu A. 3116/4, lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Hà Nội.
Làng Chiêm Sơn, tổng Mậu Hoà, phủ Duy Xuyên, Quảng Nam (trang 81- trong Quảng Nam xã chí, kí hiệu AJ 23/4, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Hà Nội.
[1] Hòa thượng Khánh Anh thì cho rằng, ông nội ngài là Nguyễn Công Thành nên đọc tránh âm.
[2] Khánh Anh (1952), Khánh Anh Văn sao, tập 1, phần Kỷ niệm, Nhà in Thanh Mậu, Sài Gòn, tr. 42.
[3] Nguyễn Lang (1993), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III, Nxb Lá Bối, San Jose CA-USA, tr. 62.
[4] Thích Đồng Bổn (chủ biên) (1995), Tiểu sử danh tăng Việt Nam, Thành hội Thành Phố Hồ Chí Minh ấn hành, tr. 81.
[5] Thích Như Tịnh (2008), Hành Trạng chư tôn thiền đức xứ Quảng, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.265.
[6] Trang tộc Gia phả, bản chữ Hán, tờ 19a.
[7] Theo sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam, mục Tự Quán ghi: “Chùa Vĩnh An ở xã Chiêm Sơn, bên lăng Vĩnh Diễn và Vĩnh Diên: 1 tòa 3 gian 2 chái, giữa đặt Phật tòa, hai bên tả hữu đặt thần vị, cắt binh coi giữ. 永安寺在瞻山社永衍永延二陵之旁一座三間二廈中設佛座左右設神御位置兵守護” (quyển 5, tờ 34a)
[8] Quảng Nam xã chí (AJ 23/4), khi trường Viễn Đông Bác Cổ về làng Chiêm Sơn điều tra thì “Theo lời truyền khẩu của các kỳ lão ở làng nầy, thì làng thành lập trước đời chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng) vào trấn đất Thuận Hóa…” (tr. 89).
[9] Lê Quí Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, bản dịch, Nxb Khoa Học, Hà Nội, 1964, trang 82.
[10] Theo Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam: “Lăng Vĩnh Diễn: táng Hiếu Văn hoàng hậu Nguyễn Thị (Bà tên là Mạc Thị Giai, gia tộc được ban quốc tính họ Nguyễn, Soạn giả chú); năm Canh Ngọ an táng ở xã Chiêm Sơn, tọa đinh hướng quí kiêm tí ngọ; năm Gia Long thứ 5 dâng tên lăng là Vĩnh Diễn, năm thứ 13 sửa thêm”
“Lăng Vĩnh Diên: táng Hiếu Chiêu hoàng hậu Đoàn Thị; năm Tân Sửu, an táng ở gò cao Thương Cốc thuộc xã Chiêm Sơn, tọa Canh hướng giáp kiêm Mão Dậu; năm Gia Long thứ 5 dâng tên lăng là Vĩnh Diên; năm thứ 13 sửa thêm. (Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại nam nhất thống chí, tập II, bản dịch, Nxb Khoa Học Xã Hội, H. 1970, tr.335)
[11] Quảng Nam xã chí (AJ 23/4), Trường Viễn Đông Bác Cổ điều tra làng Chiêm Sơn năm 1944, tr. 91-93.
[12] Nt, trang 89.