Sự liên hệ giữa Tổ Phi Lai và Tổ đình Phước Hậu (ĐĐ. Thích Phước Năng)

(Tham luận)

*****

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Hòa thượng Chủ Tọa!

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni!

Kính thưa quý học giả, quý quan khách!

Nhân dịp hôm nay, …(tên tổ chức gì đó)……….. tổ chức hội thảo về Hòa thượng Tổ Phi Lai, một bậc tùng lâm thạch trụ của Phật giáo miền Nam Việt Nam, người mà Hòa thượng Khánh Anh của Tổ Đình Phước Hậu Trà Ôn ca tụng trong Khánh Anh văn sao của mình là ‘chân tu bậc nhất Nam Kỳ’, hôm nay được sự dạy bảo của Hòa thượng chủ tịch, Ngài dạy chúng tôi trình bày sự liên hệ giữa Tổ Phi Lai và Tổ Đình Phước Hậu, với sự thật lịch sử về mối liên hệ có thật với Tổ Phi Lai, đại diện cho chùa Phước Hậu, tôi xin trình bày hai điều sau đây:

1. Sự liên hệ của Tổ Phi Lai và Hòa thượng Khánh Anh, sự liên hệ mà tạo tiền đề cho một vị Đại Đức Tăng trẻ tài ba Khánh Anh vốn người xứ Quảng miền Trung, được góp sức vào phong trào chấn hưng đang sôi sục tại Phật giáo miền Nam, rồi trở thành một trong ba cây cột trụ trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, thành đệ nhị Tổ của Tổ Đình Phước Hậu Trà Ôn ngày nay.

2. Sự liên hệ của Tổ Phi Lai và dòng họ của chúng tôi – của con, là Phước Cẩn đang đứng đọc đây, hiện giữ trách nhiệm trụ trì Tổ Đình Phước Hậu. Việc này bắt đầu từ bà Cóc của tôi, bà Cóc đã đưa hết đại gia đình lên chùa Phi Lai Châu Đốc quy y với Tổ, được đặt Pháp danh nam chữ Thiện, nữ chữ Diệu, và rồi trước sau cho nhiều con cháu xuất gia trực tiếp với Tổ, hoặc trước quy y với Tổ rồi sau xuất gia với Hòa thượng Khánh Anh, từ đó làm tiền đề tạo ra sự gắn kết giữa dòng họ của tôi bắt đầu từ bà Cóc với Hòa thượng Khánh Anh, hỗ trợ Hòa thượng Khánh Anh trong bước đường vào Nam, tìm chùa để Hòa thượng Khánh Anh trụ trì nghỉ ngơi và hoằng Đạo, cho con em trong dòng họ trực tiếp xuất gia hay theo học với Hòa thượng Khánh Anh, để rồi nối gót Hòa thượng Khánh Anh dần dựng lên được một trào lưu cường thịnh vững mạnh cho Phật giáo miền Nam Việt Nam trung diệp và hậu bán thế kỷ 20 xuất phát từ Hòa thượng Khánh Anh đến Hòa thượng Thiện Hoa, các bạn đồng học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên và các tầng lớp học trò của Hòa thượng Thiện Hoa, như Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Từ Thông và một vài vị Hòa thượng còn lại ngày nay.

I. SỰ LIÊN HỆ CỦA TỔ PHI LAI VÀ HOÀ THƯỢNG KHÁNH AN

Chùa Phước Hậu được gọi là Tổ đình bắt đầu vào năm 1961, năm Hòa thượng Khánh Anh mất trong cương vị là Thượng Thủ Giáo hội Tăng già Toàn quốc, được bầu lên năm (1959-1961), là Pháp Chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, được bầu lên năm (1957-1961), và là một trong ba cây cột trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam từ năm 1935 tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, hệ thống các ngôi trường đầu tiên và duy nhất đào tạo Phật Pháp cho Tăng Ni trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam. Khi Hòa thượng Khánh Anh mất, trong văn bản, Hòa thượng Thiện Hoa và Giáo hội mới bắt đầu gọi Chùa Phước Hậu là Tổ đình, vì trở thành chốn Tổ rồi. Chứ trước đó, từ khi thành lập năm 1894, có giấy phép xin quan chủ tỉnh Cần Thơ người Pháp cất chùa hẳn hoi, và cho phép lập chùa tên là Chùa Phước Hậu tại làng Đông Hậu, tổng Bình Lễ, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, kéo dài mãi tới năm 1961 trước khi Hòa thượng Khánh Anh mất, chùa vẫn chỉ được dân gọi tên là Chùa Phước Hậu mà thôi. Vì hồi xưa khi mới thành lập, cho đến trước khi Hòa thượng Khánh Anh về trụ trì, đây là ngôi chùa duy nhất của làng Đông Hậu, nên người dân quen gọi là chùa làng Đông Hậu, chứ từ thuở ban đầu nó đã có bảng chùa là Chùa Phước Hậu.

 

Chùa Phước Hậu được quan chủ tỉnh người Pháp ký giấy cho phép thành lập năm 1894, người ở tu đầu tiên và là chủ chùa là Bà Hương Cả, vợ chính của ông Hương Cả Gồng (tên thật là Lê Ngọc Tán). Là chùa trong làng Đông Hậu nhưng mang tính cách gia đình, là chùa gia đình, hình thức chùa gia đình này hiện nay vẫn còn thấy nhiều tại vài tỉnh Miền Nam Việt Nam, ông Hương Cả bỏ tiền ra xây chùa cho vợ tu ở ngay trên đất nhà mình. Khi bà Cả tu tới hết đời (trước năm 1908, năm ông Hương Cả mất, vì bà mất trước ông, song không rõ mất năm nào) thì phần đất trong đó có kiểng chùa được chia về tay con gái thứ 08 của họ là bà Tám Huỳnh; để kỷ niệm mẹ, bà Tám sửa lại chùa và cho người nhang khói nhưng thiếu người ở tu. Chùa vẫn tên là Chùa Phước Hậu, là chùa duy nhất của làng Đông Hậu.

Khoảng năm 1910, Hòa thượng Hoằng Chỉnh – vốn đã là một vị Tăng có chức danh Yết Ma, chuyên làm Yết Ma trong các giới đàn xứ Quảng- di cư từ xứ Quảng miền Trung vào Nam, được biết chùa làng Đông Hậu còn thiếu người tu ở, nên xin bà Tám vào ở tu, bà Tám đồng ý. Khi đó chùa đã có khuôn viên trên 03 mẫu đất và bà Tám còn hiến thêm cho chùa hàng trăm công ruộng lúa để tự túc sinh kế nữa.

Hòa thượng Hoằng Chỉnh mất vào tháng 06 âm lịch năm Canh Thìn 1940, nói theo ghi chú trong Khánh Anh văn sao tập 01 của Hòa thượng Khánh Anh. Tháng 10 năm 1941, với sự giao tình và sự giới thiệu của bà Cóc chúng tôi với bà Tám Huỳnh, bà Tám Huỳnh đã nhờ tín đồ – phần lớn là người của dòng họ tôi, con cháu của bà Cóc – thỉnh Hòa thượng Khánh Anh về trụ trì Chùa Phước Hậu, và đến khi Hòa thượng Khánh Anh mất năm 1961, Chùa Phước Hậu mới được gọi tên là Tổ đình, chứ trước khi Hòa thượng Khánh Anh mất, trong tư liệu còn lại của chính Hòa thượng Khánh Anh hay các văn bản liên quan, cụ và mọi người vẫn chưa gọi Chùa Phước Hậu là Tổ đình.

Như vậy, mối liên hệ của Tổ Phi Lai và Tổ Đình Phước Hậu là bắt đầu phải kể từ Hòa thượng Khánh Anh, lý do có phải chỉ có thế thôi ư? Không. Gọi Tổ đình là sau khi Hòa thượng Khánh Anh mất, chứ mối liên hệ của Tổ Phi Lai và Hòa thượng Khánh Anh đã bén duyên từ khi Khánh Anh còn là một Đại Đức Tăng trẻ tài ba nhiệt huyết của xứ Quảng miền Trung ở tuổi trên 30 còn Tổ Phi Lai khi ấy đã trên 60 rồi.

Theo lời kể lại từ vài nguồn nhân vật sống, và đã được ghi thành sách, khoảng những năm đầu của năm 1920, có thể là năm 1923, hoặc 1925, hoặc 1926, vì 03 năm này Chùa Sắc Tứ Phước Quang ở Quảng Ngãi có tổ chức Giới Đàn,[1] Tổ Phi Lai đã hướng dẫn 02 nữ Phật tử đệ tử của mình (đều là Hương cả và Địa chủ) là bà Địa chủ Hai Ngó Pháp danh Diệu Nga[2] ở Bạc Liêu (đã xuất gia tháng 9-1920, ngay ngày khánh thành chùa Giác Hoa do bà Hai Ngó xây)[3] và bà Hương cả Nguyễn Thị Sáo Pháp danh Diệu Tịnh (bà Cóc của tôi), hướng dẫn 02 bà ra cúng dường Giới Đàn, sẵn đó cho bà Hai Ngó (lúc này xuất gia rồi, với Hòa thượng Chí Thành, có Pháp tự là Hồng Nga) thọ Giới Sa Di Ni. Năm ấy rất có thể là năm 1925, vì năm này theo ghi chép trong Khánh Anh văn sao thì năm Ất Sửu 1925 này chùa Phước Quang Quảng Ngãi có mở trường Hạ Hương và cuối Hạ có Giới Đàn được tổ chức rất lớn, bà Địa chủ Lê Thị Ngỡi ở Hương Điểm Bến Tre cúng 3000 đồng để mở Hạ và Giới Đàn, cuối Hạ mở Giới Đàn lại có ‘tái thi’, thi lại lần nữa, tổ chức khảo hạch Phật Pháp lần nữa.

Hòa thượng Khánh Anh kể trong Khánh Anh văn sao, từ nhỏ mình là người khắc khổ học tập, cha thừa Nho quá y, nên Ngài học Nho từ nhỏ, được dạy dỗ nghiêm khắc, và đời sống cũng rất cần lao khổ nhọc. Năm Bính Thìn 1916, Ngài 22 tuổi Ta, được 02 cậu ruột hướng dẫn quy y tại chùa Cảnh Tiên với Bổn sư là Giáo thọ Hoằng Thanh, có Pháp danh Chân Quý. 23 tuổi Ta, xuất gia tại chùa Cảnh Tiên, được Pháp tự là Đạo Trân. Bổn sư mất, phải qua công quả ở chùa Quang Lộc để học Phật Luật Tỳ Ni-Sa Di-Oai Nghi-Cảnh Sách với cậu ruột là Pháp sư Diệu Ngộ vốn là Giám tự của chùa, và rồi xách tráp theo hầu cậu ruột là vị Pháp sư giảng dạy Phật Pháp đang tu học tại Bình Định Quy Nhơn Minh Tĩnh tự, là Huệ Pháp, để học Phật Pháp. 26 tuổi Ta, năm Canh Thân 1920, Duy Tân thập tứ niên, thọ Giới Tỳ Kheo cũng tại Giới đàn chùa Phước Quang và đậu thủ khoa, sang năm sau được Hòa thượng đàn đầu Giới đàn và là trụ trì Chùa Sắc Tứ Phước Quang, là Tăng cang Hoằng Tịnh, ban Pháp hiệu là Khánh Anh. Năm 1925, cái năm mà ta suy đoán là Tổ Phi Lai hướng dẫn 02 bà đệ tử ra cúng Hạ và cô Hồng Nga thọ Giới tại Chùa Sắc Tứ Phước Quang, năm ấy có ‘tổ chức thi lại’ cho các Giới tử thọ Giới và năm ấy Hòa thượng Khánh Anh đang ở chùa Quang Lộc có đi qua đi lại để ‘nghe giảng Kinh Pháp Hoa’. Năm đó, 1925, Hòa thượng Khánh Anh 31 tuổi Ta. Hẳn đây là năm Tổ Phi Lai đã hơn 60 tuổi gặp chàng tu sĩ trẻ tài ba Khánh Anh mới hơn 30 tuổi.

Cũng những tư liệu được ghi từ nguồn người sống thuật lại ở trên, đã ghi thành sách, qua lần quen biết đó, Tổ Phi Lai đã mời chàng tu sĩ trẻ Khánh Anh vào Nam phụ giúp giảng dạy Phật Pháp cho hàng hậu học sơ cơ. Đó là lý do Hòa thượng Khánh Anh vào Nam năm 1927, khi bà Hai Ngó – lúc này đã là Sa Di Ni Pháp danh Diệu Nga, Pháp tự Hồng Nga – tổ chức trường Gia Giáo một năm tròn cho Ni giới ở chùa Giác Hoa thuộc Cái Dầy tỉnh Sóc Trăng xưa, nay thuộc huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu.

Trong Khánh Anh văn sao, tập 01, phần kỷ niệm về chùa Giác Hoa, về Hòa thượng Tổ Chí Thành, Hòa thượng Khánh Anh cho biết Trường Ni tại Chùa Giác Hoa là trường Ni đầu tiên của Nam Kỳ, được mở ra trong vòng 01 năm, năm Đinh Mão 1927, do bà Hai Ngó đài thọ mọi chi phí, Hòa thượng Tổ Phi Lai đã 67 tuổi làm Chứng minh, Hòa thượng Chân Niệm (Huynh đệ trong tông phong. Cụ Khánh Anh có Pháp danh là Chân Quý, Pháp tự là Đạo Trân, Pháp hiệu là Khánh Anh. Việc cái tên nào nổi trội nhất trong mấy cái danh-tự-hiệu ấy, có lẽ do người ta gọi quen, hoặc do đương sự – chính người mang tên ấy – tự chọn cho mình cái tên nào mà mình thấy thích người ta gọi thế.) trụ trì chùa Trùng Khánh ở Ninh Chử Phan Rang làm Pháp sư dạy học. Trong đó, Hòa thượng Khánh Anh còn ghi tên hai vị Hòa thượng Pháp sư khác đều ở tỉnh Phú An (Phú Yên nay), còn mình chỉ làm ‘chính thư ký’ và ‘trợ giáo’ thôi. Tuy vậy, ở phần kỷ niệm Hòa thượng Chân Niệm, bên dưới hình 02 vị Chân Quý-Chân Niệm chụp chung dưới mái trường chùa Giác Hoa, cụ Khánh Anh ghi rằng, trong suốt một năm tròn, trường hầu như chỉ có 02 vị này là Pháp sư dạy học! Xem thế thì hầu như suốt năm, cụ Chân Niệm vốn từ Phan Rang và cụ Chân Quý vốn từ Quảng Ngãi là 02 huynh đệ thường trực dạy và ở thường trú tại chùa Giác Hoa luôn rồi. Trường Ni Giác Hoa khai Gia Giáo một năm, vậy là Đại Đức tu sĩ trẻ tài ba Khánh Anh theo lời mời của Tổ Phi Lai vào Nam năm 1927, khi ấy Đại Đức được 33 tuổi Ta. Và ngó lại, mốc thời gian Tổ Phi Lai gặp và mời Đại Đức Khánh Anh vào Nam, năm 1925 thì hoàn toàn thuyết phục. Tính trước như thế, đủ 01 năm tròn chuẩn bị, thì đầu năm 1927, mọi diễn tiến của Trường Ni học mới diễn ra gọn gàng theo trù bị được.

Bằng chứng thứ hai ủng hộ cho thuyết Tổ Phi Lai gặp và mời Đại Đức Khánh Anh vào Nam làm Đạo là, đầu năm 1928, sau khi đã cùng nhau dạy 01 năm tròn ở Cái Dầy Sóc Trăng, trong Khánh Anh văn sao tập 1, phần ‘kỷ niệm Hòa thượng Chí Thành’, Hòa thượng Khánh Anh cho biết, đầu năm 1928, mình ‘được theo Hòa thượng Chân Niệm lên chùa Phi Lai để thăm Tổ.’ Năm 1927, Tổ Phi Lai đã 67 tuổi, đệ tử Ni Hai Ngó-Hồng Nga của Tổ mở Ni trường, 02 vị Pháp sư gần như duy nhất dạy trường kỳ 01 năm ở đó, hết năm thì kéo nhau lên Châu Đốc thăm Tổ, há chẳng phải rõ ràng cho ta thấy 02 vị vào Nam dạy là do mến Tổ và được Tổ mời dạy giúp hay sao? Trong phần kỷ niệm ấy, Đại Đức Khánh Anh rất mến mộ Tổ Phi Lai, gọi Ngài là ‘chân tu bậc nhất Nam Kỳ’. Đại Đức Khánh Anh ‘được theo Hòa thượng Chân Niệm’ cũng cho thấy Hòa thượng Chân Niệm dù hàng huynh đệ nhưng lớn tuổi hơn, trưởng thành hơn, dù có thể học Phật không chuyên bằng và nhận được sự nhún nhường từ Đại Đức Khánh Anh.

Giao tình của 03 vị còn kéo dài sang năm 1929 nữa, Khánh Anh văn sao tập 1, phần kỷ niệm Hòa thượng Chí Thành cho biết, năm 1929, Tổ đã 69 tuổi, và làm Chứng minh cho trường Hương (Hạ trường) 03 tháng ở Trùng Khánh tự tại Phan Rang Ninh Chử do Hòa thượng Chân Niệm mở khóa. Và Khánh Anh văn sao tập 04, phần ‘Thân Thế Lược Dẫn’ cho biết, ở đây mình vừa được mời làm chính thư ký của trường Hạ vừa làm Giảng sư dạy Phật Pháp 03 tháng, và trường Hương này cuối Hạ lại mở Giới đàn thì Pháp sư Khánh Anh lại được mời làm Đệ Nhất Yết Ma.

Qua 03 việc này: 03 vị có duyên với nhau ở 03 chùa Giác Hoa-Phi Lai và Trùng Khánh, ta thấy rõ ràng sự kiện Đại Đức Khánh Anh được Tổ Phi Lai và người Đạo huynh Chân Niệm mến tài và giao trọng trách khi từ Quảng Ngãi vào Nam phụ việc Đạo. Chánh thư ký không phải là ngồi ghi chép chuyện chi thu lặt vặt trên bàn giấy đâu, mà Chánh Thư Ký của Trường Ni 01 năm và Chánh Thư Ký của Trường Hạ và Giới Đàn, đó là ngoài việc người lớn như Tổ Phi Lai làm Chứng minh, Hòa thượng Chân Niệm làm chủ nhiệm tại Trùng Khánh, thì mọi việc của 02 Trường ấy đều do Chánh Thư Ký tổ chức sắp đặt hết thảy. Đã sắp xếp hết mọi việc mà còn tham gia dạy học, ngồi đàn truyền Giới nữa chứ! Một tài năng trẻ tuổi, từ 33 tuổi năm 1927 đến 35 tuổi năm 1929, giao việc cho thỏa sức làm mà làm thì chắc chắn đâu vào đấy, đúng là khéo biết người và khéo dùng người!

Đại đức Khánh Anh vào Nam năm 1927, lúc 33 tuổi Ta. Điều hành công việc và dạy Phật Pháp 01 năm tròn tại Ni Trường Giác Hoa Bạc Liêu. Năm 1928 về dạy Phật Pháp tại trường Hương chùa Hiền Long Vĩnh Long 03 tháng, năm 1929 dạy Phật Pháp và phụ giúp sắp xếp điều hành công việc ở Hương trường và Giới đàn Phan Rang 03 tháng, các tháng còn lại của 02 năm này đều ở trong đâu đó tại miền Nam, có thể là ở chơi chùa Phi Lai Châu Đốc hay ở chùa Đông Phước Vĩnh Long, có thể là về thăm Chùa Phước Hậu nơi Yết Ma Hoằng Chỉnh thuộc hàng sư chú của mình đang trụ trì. Năm 1930 bận việc gì đó về chùa Quang Lộc Quảng Ngãi trọn năm, dọc đường về Quảng có ghé lại Bình Định Minh Tĩnh tự thăm cậu là Huệ Pháp một thời gian, dọc đường vào Nam lại có ghé Ninh Chử Trùng Khánh tự thăm Hòa thượng Chân Niệm một thời gian. Và năm 1931, lúc 37 tuổi Ta, được con cháu của bà Cóc, là ông Ba Trần Văn Ngọt (anh thứ 03 của Hòa thượng Thiện Hoa) và ông Chín Quảng Thành Thái (chú 09 của Hòa thượng Hoàn Phú, Hòa thượng Hoàn Phú con bà thứ 02, chị 02 của Hòa thượng Thiện Hoa) thỉnh về trụ trì chùa Long An Đồng Đế tại làng Thiện Mỹ, tổng Bình Lễ, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Tại chùa Long An, Đại Đức Khánh Anh bắt đầu mở Gia Giáo đến hết năm 1932, vì đã được nhiều người biết tiếng nên theo về học, cả Tăng Ni lẫn cư sĩ, rất đông. Năm 1933 thì chính thức được mời tham gia giảng dạy tại Liên Đoàn Học Xã tổ chức 03 tháng tại chùa Thiên Phước Trà Ôn. Khánh Anh văn sao ghi rằng: “Liên đoàn học xã khai Gia Giáo tại Thiên Phước tự – Trà Ôn: Nguyễn Chánh Tâm Hoà thượng vi viện trưởng, cập Lê Khánh Hòa, Huệ Quang, Chân Hoa đẳng thỉnh ngu vi Pháp sư.” Rồi đến mùa Hạ năm 1935 Ất Hợi, 41 tuổi Ta, Khánh Anh văn sao kể: “Trà Vinh tỉnh Lưỡng xuyên Phật học Hội khai Thích học đường: Vĩnh Tràng tự An Lạc Hoà thượng hội trưởng; Giác Hải tự Từ Phong Hoà thượng vi Đạo sư; Tuyên Linh tự Khánh Hòa Hoà thượng vi chủ nhiệm; Long Hòa tự Huệ Quang Yết ma vi chính tổng lý; đồng thỉnh ngu vi giáo dục bộ Pháp sư. Trường trị ngũ niên. Kế vi Duy Tâm tạp chí chủ bút, Thích học đường đốc học, tịnh tặng vi Hoà thượng hàm.”[4] Năm 1935 thì chính thức được mời làm ‘giáo dục bộ Pháp sư’ chăm lo chuyện dạy học của Phật học đường Lưỡng Xuyên, chính thức bước chân lên con thuyền chấn hưng Chánh Pháp tại miền Nam Việt Nam.

Nhân duyên đưa đẩy, Phật học đường Lưỡng Xuyên là nơi duy nhất đào tạo Tăng chúng cho Phật giáo miền Nam, nhưng người dạy học được thì chỉ có vài người, và hai vị giỏi nổi tiếng tại miền Nam khi ấy được Đại Đức Khánh Anh ca ngợi là lão huynh đồng chữ Khánh là cụ Khánh Hòa ở chùa Tuyên Linh Bến Tre, lớn hơn Khánh Anh 18 tuổi – Khánh Anh văn sao gọi là ‘Nam Việt, Phật học Cách mạng Tổ sư’ – và cụ Chánh Thành ở chùa Vạn An Sa Đéc, lớn hơn Khánh Anh 23 tuổi, nên cuối cùng nói theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang là ‘Khánh Anh là người dạy nhiều môn và nhiều tiết nhất trong trường’, lại đúng với câu tự thuật là ‘trường trị ngũ niên’, lại làm chủ bút luôn tờ Tạp chí Duy Tâm nữa, tới nỗi được quý cụ phong làm Hòa thượng ngay trong những năm 1935-1939 luôn, tức mới từ 41-45 tuổi! Việc chấn hưng thành công của Phật giáo Việt Nam được khởi động từ các học Tăng học Ni của Phật học đường Lưỡng Xuyên sau này thì khỏi phải bàn! Đó là nhân duyên để vô tình Khánh Anh được người sau gọi là một trong ba cây cột của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam, với 02 cây cột kia là Khánh Hòa và Huệ Quang.

Đúng là cuộc đời vạn loại nhân duyên mầu nhiệm, Tổ Phi Lai suốt đời cực khổ dấn thân vì Đạo Pháp và dân tộc, những năm về già càng tích cực hỗ trợ phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam, ấy vậy mà thành công đến với Tổ trong công tác chấn hưng Phật giáo là ở nhân duyên tiếp xúc và nâng đỡ Đại Đức Khánh Anh này! Bỏ công nhiều chỗ, đầu tư nhiều nơi, thậm chí năm 1932 Tổ đã 72 tuổi, bệnh hoạn ngặt nghèo, vẫn còn cúng tiền đến 300 đồng và kêu gọi Phật tử các nơi hỗ trợ để Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học thành lập năm 1931 có tiền để mua trữ Đại Tạng Kinh – Tục Tạng Kinh và cất Thích học đường, ấy vậy mà Thích học đường sang năm 1933 vẫn không thể không khai giảng vì sự cản trở chống đối của Commis Chấn, tới nỗi khi Hòa thượng Khánh Hòa và Hòa thượng Huệ Quang bỏ về Trà Vinh mở Liên Đoàn Học Xã tháng 03 năm 1933 thì số tiền cúng của Tổ đã bị thành tài sản riêng của Commis Chấn rồi, còn Tổ thì bệnh mất trong tháng 02 rồi, và Liên Đoàn Học Xã phải xoay trở thay nhau mở lớp vì thiếu kinh phí!

Nhưng chuyến đi dắt 02 bà nữ đại hộ Pháp ra Quảng Ngãi năm 1925 thì thật là thành công quá đỗi, Tổ đã tiếp xúc và nhận thấy được ở Đạo đức Khánh Anh một khả năng hỗ trợ Phật giáo miền Nam. Lời mời và sự nâng đỡ khi Đại Đức Khánh Anh vào Nam từ năm 1927 là một thành công trong nhiều nỗ lực phụng Đạo của Tổ Phi Lai, nhân duyên đưa đẩy để chàng tu sĩ trẻ ấy góp phần cực kỳ quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam bấy giờ và tạo tiền đề bước ngoặt cho sự tiến bộ lịch sử thành công luôn cho Phật giáo Việt Nam hợp nhất vững mạnh sau này.

Hơn 20 năm trước có người viết bài nói Hòa thượng Khánh Hòa trong lúc đi dạy Phật Pháp ở miền Trung đã nhận thấy tài năng của Đại đức Khánh Anh, nên mời vào Nam cộng tác. Lời này không thuyết phục, công ấy phải là công của Tổ Phi Lai. Lý do đầu tiên là trong truyền thuyết để lại của Chùa Phước Hậu, không hề nhắc tới nhân duyên gặp gỡ của Hòa thượng Khánh Anh và Hòa thượng Khánh Hòa, trong khi nói tới nhân duyên vào Nam của đệ nhị Tổ, môn đồ Chùa Phước Hậu thường truyền nhau về nhân duyên gặp gỡ khi Tổ Phi Lai dắt 02 bà đại Hộ Pháp đệ tử ra cúng Giới Đàn Quảng Ngãi, còn bà con dòng họ của tôi – của con đây – thì vẫn nhắc nhau chuyện bà Cóc và bà Hai Ngó theo Tổ Phi Lai ra Quảng Ngãi gặp được Hòa thượng Khánh Anh, có duyên với Ngài từ đấy. Lý do thứ 02 là 03 diễn tiến đầu tiên của ba năm đầu tiên Hòa thượng Khánh Anh vào Nam tôi mới điểm qua ở trên, đều liên quan tới Tổ Phi Lai, cho thấy việc vào Nam của Đại Đức Khánh Anh là do quen biết và có sự mời gọi và nâng đỡ của Tổ Phi Lai. Lý do thứ 03 là trong Khánh Anh văn sao, dù ca ngợi Hòa thượng Khánh Hòa là ‘Nam Việt, Phật học Cách mạng Tổ sư’, nhưng Hòa thượng Khánh Anh 02 lần đầu chỉ nhắc tới lão huynh Khánh Hòa ở hai mốc thời gian là được Hòa thượng Khánh Hòa cùng quý cụ khác mời dạy Phật Pháp tại Liên Đoàn Học Xã năm 1933 và tại Phật học đường Lưỡng Xuyên năm 1935 mà thôi, thời gian trước đó không hề có nhắc.

II. SỰ LIÊN HỆ CỦA TỔ PHI LAI VÀ DÒNG HỌ CHÚNG TÔI

Như phần trên đã nói, mối liên hệ của Tổ Phi Lai và Tổ đình Phước Hậu thông qua hai hướng: sự tiếp xúc, mời gọi và nâng đỡ của Tổ Phi Lai với Hòa thượng Khánh Anh, và hai là mối liên hệ của Tổ Phi Lai và dòng họ chúng tôi, bắt đầu từ bà Cóc tôi là bà Hương cả Nguyễn Thị Sáo Pháp danh Diệu Tịnh.

Theo lời kể lại của các bậc tiền bối cha chú trong dòng họ, đa phần cũng đều đã xuất gia, nếu không xuất gia hoặc quy y với Tổ Phi Lai trước đó thì cũng xuất gia hoặc quy y với Hòa thượng Khánh Anh sau này, rằng bà Cóc tôi bén duyên với Phật giáo từ khi ông Cóc là Hương cả Trần Văn Khê qua đời ngày 07 tháng 01 âm lịch năm 1924. Từ đó bà mới buồn đời, dắt các con nhỏ đi chùa cầu siêu tuần thất, rồi đi công quả chùa này chùa kia, như Chùa Phước Hậu và Chùa Phi Lai.

Chồng làm Hương cả, quyền thế trong làng đã quen, nay chồng mất, còn gia thế nhưng không còn quyền thế, còn con thơ dại nặng gánh mà không còn chồng san sớt xẻ chia, hẳn việc này đã làm bà Cóc nặng lòng và các con bà thì cám cảnh, do đó cả đại gia đình bắt đầu hướng Phật, nhất là ngay ở vùng đó, và xa hơn tí, là Chùa Phước Hậu Trà Ôn sinh hoạt ổn định dưới sự hướng dẫn của Yết Ma Luật học Hoằng Chỉnh của vùng Quảng Ngãi vào và xa hơn tí là Đạo tràng hưng thịnh từ bi nức tiếng vùng Châu Đốc của Tổ Phi Lai. Theo sự thống nhất của lời kể người lớn và thư tịch ghi lại, ông Cóc mất, bà Cóc quá đau buồn mà gần như bỏ luôn việc nhà, dắt các con đi ở chùa công quả thường xuyên, và kết quả trước tiên là cả đại gia đình được bà dắt lên Phi Lai quy y hết với Tổ, việc này phải xảy ra trong năm 1924. Từ đó, các con cháu người nam trong dòng họ thì Pháp danh chữ Thiện, bà Cóc và con cháu bà người nữ trong dòng họ Pháp danh chữ Diệu, đó là chữ đệ tử của Tổ Phi Lai. Uy tín đức độ của Tổ Phi Lai được kính thương không chỉ ở hàng Phật tử, mà hàng Tăng nhân cũng rất kính trọng Ngài, bằng cớ hài hước là đệ tử của Tổ thì xuất gia ở đâu, ở chùa nào, thì khi Tổ còn sống, người ta vẫn lấy Pháp danh-Pháp tự ấy. Ví dụ khi được dắt quy y với Tổ, đứa bé con mới 04 tuổi Ta là Quảng Văn Mừng, được Tổ cho Pháp danh là Thiện Hỷ; cậu 09 của đứa bé ấy là Trần Văn Nở, được Tổ cho Pháp danh là Thiện Hoa. Mừng thì Hỷ, Nở thì Hoa, phải rồi, nhưng hài hước là chú bé con ấy năm 1932 khi 12 tuổi xuất gia tại Chùa Phước Hậu và trước đó cậu 09 của chú cũng xuất gia ở Chùa Phước Hậu khoảng năm 1927 hay 1928, thì Hòa thượng Hoằng Chỉnh đang trụ trì ở đó đều không dám cho Pháp danh khác, không dám đặt Pháp tự riêng, vẫn gọi tên cũ trong khi đệ tử Hòa thượng Hoằng Chỉnh tại Chùa Phước Hậu thì dù nam dù nữ gì cũng Pháp danh chữ Phước hết. Chú bé Quảng Văn Mừng xuất gia ở Chùa Phước Hậu mà Pháp danh Thiện Hỷ, Pháp tự Hồng Mừng, sau này Tổ mất rồi, theo Hòa thượng Khánh Anh, mãi tới năm 1941, thọ Đại Giới rồi Hòa thượng Khánh Anh mới cho Pháp hiệu Hoàn Phú gọi tới bây giờ; đó là Hòa thượng Hoàn Phú, là người cậu, con của bà Hai của Phước Cẩn con đây. Và cậu 09 của chú bé đó xuất gia tại Chùa Phước Hậu với Pháp danh là Thiện Hoa, Pháp tự là Hồng Nở, sau quen gọi là Hòa thượng Thiện Hoa, ông Chín của Phước Cẩn con đây. Tổ mất rồi, theo học với Hòa thượng Khánh Anh, mãi tới năm 1945, thọ Đại Giới rồi Hòa thượng Khánh Anh mới cho Pháp hiệu là Hoàn Tuyên, nhưng ông Chín vẫn dùng tên Thiện Hoa là tên xưng hô chính! Điều này cũng cho thấy rằng, khi 02 cậu cháu xuất gia, dù tại Chùa Phước Hậu, nhưng đã được sự cho phép và được ban Pháp tự từ Tổ Phi Lai.

Đó là mới nói 02 cậu cháu xuất gia nhỏ tuổi, vì nhỏ tuổi nên xuất gia sau, ở chùa khác, mà vẫn giữ nguyên Pháp danh-Pháp tự Tổ Phi Lai đặt cho. Thậm chí sau này, Hòa thượng Thiện Hoa đã trưởng thành, cầu Pháp với Hòa thượng Khánh Anh rồi, sau thành bậc tòng lâm thạch trụ của nước nhà rồi, vẫn lấy tên trong giấy tờ là Trần Thiện Hoa. Còn tên gốc là Trần Văn Nở thì chỉ còn người trong gia tộc biết. Trần là họ, Thiện Hoa là Pháp danh, lối gọi hay tự xưng trên giấy thời thời ấy, những năm cuối thời Pháp thuộc, như Hòa thượng Khánh Hòa chùa Tuyên Linh Bến Tre trong giấy tờ gọi là Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Hòa thượng Chánh Tâm chùa Thiên Phước Trà Ôn là Lê Chánh Tâm vậy.

Ông Chín Thiện Hoa nhỏ tuổi, nên xuất gia sau, xuất gia ở Chùa Phước Hậu mà Bổn sư là Tổ Phi Lai, Hòa thượng Hoằng Chỉnh không dám đứng tên Bổn sư. Còn những anh chị khác của ông Chín, lớn tuổi hơn, đã xuất gia từ trước với Tổ Phi Lai, xuất gia tại Chùa Phi Lai rồi. Như ông Tám là Trần Văn Mẹo khi quy y cùng lúc với đại gia đình thì Pháp danh là Thiện Tâm, nhưng năm 1926 xuất gia với Tổ tại Chùa Phi Lai thì có được Pháp tự là Hồng Mão, sau Tổ mất nương vào Hòa thượng Khánh Anh, thọ Đại Giới rồi mới được Pháp hiệu là Hoàn Tâm, nhưng ông vẫn dùng tên thường gọi là Hồng Mão, bằng chứng là sau này đệ tử của ông Tám đều mang chữ đầu là Nhật theo dòng kệ. Trước đó vài năm, bà Bảy Trần Thị Tích, chị thứ 07 của hai ông Tám-Chín, khi quy y chung gia đình Pháp danh là Diệu Kim, sau xuất gia Pháp tự là Hồng Tích, sau cầu Pháp với Hòa thượng Khánh Anh, thọ Đại Giới rồi có Pháp hiệu là Hoàn Phước. Ước đoán là năm 1924, tức ngay cái năm ông Cố mất, bà Bảy đã xuất gia với Tổ Phi Lai tại Chùa Phi Lai, xuất gia năm 17 tuổi. Ấn tượng chú bác chúng con kể lại, vài tháng sau nhớ con-nhớ chị em quá, bà Cóc lại dắt vài người lên Phi Lai thăm bà Bảy và viếng Tổ, từ xa thấy bà Bảy mang thùng từ chùa xuống chân núi gánh nước, tóc còn dài, chưa cạo, mặc đồ tu, cái tuổi con gái dòng trưởng giả lâu nay, 17 cha mới mất, mẹ và gia đình tìm nguôi ngoai nơi chùa chiền, nơi Phật Pháp, đi đây đi kia, giờ bỏ lại một đứa con gái 17 tuổi mạnh khỏe liền lạc tươi tắn của gia đình ở lại ngọn núi này, cực khổ cô lẻ tập hạnh xuất gia, khi về bà Cóc và anh em gia đình ngó ngoái lại chùa, nhớ cái cảnh ấy, bà và anh em ai cũng khóc. Có lẽ vì thế mà hai năm sau, bà Cóc cho cậu con trai thứ 08 đi tu cho có chị có em chăng! Trong khoảng thời gian ấy, chưa tìm hiểu để biết rõ năm nào, người anh thứ 05 trong nhà cũng đi tu với Tổ Phi Lai, là ông Trần Văn Tường, Pháp danh là Thiện Minh, không còn rõ Pháp tự là gì, có lẽ ông cũng xuất gia dạo này để chăm lo em gái chăng? Ông Tám, Ông Năm và Bà Bảy sau này đều là những vị khai sáng những ngôi chùa ở xung quanh Chùa Phước Hậu bây giờ, là Chùa Phật Quang Trà Ôn, Chùa Bảo An Cần Thơ và Chùa Linh Quang Trà Ôn.

Chính bà Cóc của con cũng xuất gia với Tổ Phi Lai, không rõ xuất gia năm nào, nhưng chắc chắn bà xuất gia trước tháng 02 năm 1933, khi Tổ qua đời, và xuất gia khi Tổ còn minh mẫn, vì chúng con được biết bà là Nguyễn Thị Sáo (con Sáo), quy y có Pháp danh là Diệu Tịnh, nhưng xuất gia mới có Pháp tự, và Pháp tự là Hồng Sáo, và không rõ mới xuất gia bà tu ở đâu, không rõ là Tổ Phi Lai có thấy bà gia duyên bận bịu nên cho xuất gia một thời gian rồi cho về nhà quản lý việc nhà, giữ giềng mối cho con cháu hay không, nhưng khi tuổi già thì bà Cóc ở Chùa Phước Hậu, từ năm 1945 khi Đại Đức Thiện Hoa từ Huế về Chùa Phật Quang Trà Ôn mở Phật học đường thì bà đã về đó cất cốc ở trong khuôn viên chùa rồi, và Đại Đức Thiện Hoa đều đặn qua thăm mẹ xem bệnh, bốc thuốc cũng như thăm coi việc ăn uống, đến năm 1953, Đại Đức Thiện Hoa lên Sài Gòn cộng tác chấn hưng Phật giáo với các huynh đệ thì bà cụ về cất cốc ở trong khuôn viên Chùa Phước Hậu cho tới ngày bà mất, bà mất tại Phước Hậu năm 1967 trong khi Hòa thượng Khánh Anh trụ trì Chùa Phước Hậu từ năm 1941 đến năm 1961.

Điểm qua để thấy rằng, dòng họ của con, tất cả người lớn đều quy y và xuất gia với Tổ Phi Lai thuở ban đầu, và sau này thì người lớn thì cầu Pháp y chỉ, người nhỏ thì quy y và xuất gia với Hòa thượng Khánh Anh cả. Điều đó cũng cho ta thấy có một sự kế thừa hay tiếp nối nâng đỡ, liên hệ Pháp lữ của Tổ Phi Lai với Hòa thượng Khánh Anh thông qua sợi dây liên hệ gia đình chúng tôi.

Nhất định có một sự nhận thấy tài năng của vị Đại Đức trẻ tuổi Khánh Anh vào năm 1925 khi theo Tổ ra Quảng Ngãi cúng Đại Giới đàn, khi mà Khánh Anh mới 31 tuổi còn bà Cóc đã ngoài 50 và bà Hai Ngó vừa trên dưới 30 tuổi, nhất định tấm lòng vì Đạo của Tổ Phi Lai và sự ân cần trọng thị của Tổ Phi Lai đối với Đại Đức Khánh Anh đã được 02 bà đại Hộ Pháp thấu hiểu và phụng hành, nên năm 1927 Khánh Anh được mời vào Nam thì ghé Chùa Phước Hậu trước, rồi đi thẳng xuống Chùa Giác Hoa Bạc Liêu dạy học và làm việc 01 năm tròn, năm 1928 thì Khánh Anh Chân Quý và Hòa thượng Chân Niệm lên Phi Lai thăm Tổ, rồi Khánh Anh dạy học tại Vĩnh Long, hẳn trong năm 1927 hay 1928 này, bà Cóc quyết định cho con trai Út của mình là Trần Văn Nở Pháp danh Thiện Hoa đi tu, vì sử liệu ghi lại ông Chín xuất gia sau ông Tám vài năm, mà ông Tám xuất gia tại Phi Lai năm 1926, và năm 1928 Hòa thượng Khánh Anh về Vĩnh Long dạy học và ngụ lại ở Chùa Đông Phước thì chú tiểu Thiện Hoa đã được gởi tới Đông Phước để học với Đại Đức Khánh Anh rồi.

Không những về già bà Cóc và đại gia đình quy tụ xung quanh Hòa thượng Khánh Anh, về ở xung quanh và hỗ trợ cho Chùa Phước Hậu, con cháu cầu Pháp và xuất gia với Hòa thượng Khánh Anh, mà ngay khi Đại Đức Khánh Anh mới vào Nam, dạy học xong ở Cái Dầy Sóc Trăng, hết việc về Vĩnh Long thì bà Cóc đã cho cậu Út theo cầu học Phật Pháp rồi. Năm 1930, Đại Đức Khánh Anh về Quảng Ngãi một năm, có xin phép bà Cóc đưa ông Tám theo về ‘để huấn luyện một năm’ theo đúng như lời tiền bối trong gia tộc nói lại là thế, theo đó cho biết trước đó chắc chắn bà Cóc đã cho ông Tám theo học với Đại Đức rồi, và nhận thấy thằng bé 16 tuổi (năm 1930) này quá thông minh, đáng để huấn luyện, nên xin phép mẹ nó dắt về quê mình 01 năm để trui rèn trong các môi trường học Đạo ổn định thâm trầm của Phật giáo miền Trung.

Năm 1931, khi xong việc riêng ở quê nhà Quảng Ngãi, Đại Đức Khánh Anh vào Nam, thì 02 ông Trần Văn Ngọt – con trai thứ ba của bà Cóc – và ông Quảng Thành Thái – chú chín của Hòa thượng Hoàn Phú, tức hai ông trạc vai trạc vế nhau, đã thỉnh Đại Đức về trụ trì Chùa Long An Đồng Đế quận Trà Ôn. Ông Trần Văn Ngọt thường được dân trong vùng gọi là ông Xã Ngọt, vì làm Xã trưởng lâu năm, năm 1931 thì ông 34 tuổi Ta. Con cháu mình tìm được chùa cho Đại Đức Khánh Anh ở, há không phải do mình thao thức nói ra tâm tư vì Đạo hay điều kiện cần thiết để phát triển Đạo Pháp tại miền Nam cho con nghe thường xuyên hay sao? mẹ bật đèn xanh cho con tìm chùa cho Đại Đức, không phải là do thầy của mẹ con dòng họ là Tổ Phi Lai đã nhắn nhủ từ đầu hay sao? Khi Đại Đức Khánh Anh về trụ trì Chùa Long An, mở gia giáo, đệ tử Tăng Ni và Phật tử về cầu học Gia Giáo rất đông, trong đó con cháu dòng họ tôi không ít, ông Chín Thiện Hoa, cậu Hoàn Phú…đều được gởi về Long An dạo này, từ đó bôn ba theo Pháp sư Khánh Anh khắp nơi, cậu Hoàn Phú thì làm thị giả Pháp sư, đi đây đi kia, từ trên tỉnh Long An xuống tới Trà Vinh, Sa Đéc hay Vĩnh Long đều có mặt. Ông Chín Thiện Hoa thì theo chân Pháp sư Khánh Anh học từ Gia Giáo, đến Liên Đoàn Học Xã, đến Phật học đường Lưỡng Xuyên, rồi được gởi ra Huế, và sau này về Nam, trải bao khó nhọc, rồi đóng góp được cho Phật giáo Việt Nam như chúng ta đã biết lâu nay.

Năm 1940, Hòa thượng Hoằng Chỉnh mất, với sự giao tình của bà Cóc và bà Tám Huỳnh-chủ chùa Phước Hậu vốn rất có bề thế ngay từ thuở mới hình thành, bà Tám Huỳnh đã nghe lời mà nhờ Hòa thượng Diệu Toàn, vốn thuộc hàng Pháp huynh của Hòa thượng Khánh Anh ở Quảng Ngãi, thỉnh Hòa thượng về trụ trì Chùa Phước Hậu năm 1941. Dòng họ tôi theo về ở xung quanh chùa, vì thời cuộc chiến loạn, chạy loạn mà về ở luôn trong khuôn viên chùa, rồi sau mua đất ở vòng quanh chùa, trước sau khá đông, vừa hỗ trợ Hòa thượng Khánh Anh, vừa nương theo Pháp sư mà tùy duyên tu học. Mối giao tình của dòng họ tôi với dòng họ chủ chùa cũng rất tốt, bà Cóc là chị em tốt của bà Tám Huỳnh chủ chùa. Xuống tới đời Hương hào Lến chủ chùa, cháu bà Tám Huỳnh, thì cả Hương hào Lến và con cháu cùng vô chùa tu Bát Quan Trai, và chính Hòa thượng Khánh Anh đã mai mối để dòng họ tôi có người kết duyên với dòng họ chủ chùa, Hòa thượng Khánh Anh đã mang trầu cau lên nhà ‘cô Hương’ là Hương hào Lến, xin cưới con gái – vốn là đệ tử cư sĩ của Ngài, cho vị Tăng thị giả của Ngài là chú của tôi, con ông Tư, anh thứ 04 của Hòa thượng Thiện Hoa, kết quả là hiện nay chúng tôi có vị Sư Đệ Hiền Tài của tôi hiện nay, đã ẩn cư nhập thất duyệt đọc Đại Tạng Kinh hơn 10 năm rồi, và còn phát nguyện nghiên cứu Kinh điển đến trọn đời, hầu đem Phật Pháp tinh hoa ra giới thiệu và truyền bá, kế vãng khai lai, thượng cầu hạ hóa, theo đúng tinh thần của các bậc tiền hiền mà trước nhất là Tổ Phi Lai, kế là Hòa thượng Khánh Anh và Hòa thượng Thiện Hoa thường lấy làm lẽ sống: ‘Hoằng Pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bổn hoài.’

 

Kính bạch Hòa thượng Chủ Tọa!

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni!

Kính thưa quý học giả, quý quan khách!

Được sự chỉ dạy của Hòa thượng Chủ Tọa, Ngài dạy chúng tôi trình bày tham luận về sự liên hệ của Tổ Phi Lai và Tổ đình Phước Hậu, chúng tôi đã vừa trình bày đến quý vị 02 mối liên hệ khắng khít với nhau từ Tổ Phi Lai và Hòa thượng Khánh Anh và Tổ Phi Lai với dòng họ chúng tôi. Mối liên hệ này tạo thành một thành quả lớn lao trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam hậu bán thế kỷ 20, và kết quả tốt đẹp của mối lương duyên này, sẽ còn kéo dài về sau, cùng sống theo nếp sống tốt Đạo đẹp đời, cùng theo tiền hiền trong Phật Pháp mà lấy ‘lợi sinh vi bổn hoài, hoằng Pháp vi gia vụ’, giúp cho chúng sinh ai nấy đều sống được một đời Giải Thoát bình an Niết Bàn.

Xin cảm ơn đã lắng nghe. Chúc quý vị thân tâm thường an lạc.

 

 

[1] Xem ‘Biên niên Thọ Giới của Phật giáo Việt Nam’ của Chùa Phật học Xá Lợi, từ năm 1911 đến  năm 1930, xem https://chuaxaloi.vn/thong-tin/bien-nien-tu-nam-1911-den-nam-1920/2621.htmlhttps://chuaxaloi.vn/thong-tin/bien-nien-tu-nam-1921-den-nam-1930/2622.html

[2] Khánh Anh văn sao, phần ‘Thân Thế Lược Dẫn’, Hòa thượng Khánh Anh gọi tên bà Hai Ngó là Huỳnh Tái Nga. Cách đặt Pháp danh-Pháp tự của Tổ Phi Lai là ai tên gì thì Ngài đặt thêm chữ lót Đạo vào cái tên đó thôi. Ví dụ Hòa thượng Thiện Hoa tên Trần Văn Nở, nên quy y được Pháp danh là Thiện Hoa-nam chữ Thiện, Pháp tự là Hồng Nở. Bà Hai Ngó tên Huỳnh Tái Nga, cha bà là người Minh hương, nên quy y bà có Pháp danh là Diệu Nga, Pháp tự là Hồng Nga, giữ chữ Nga chắc vì chữ Nga tên đẹp. Mẹ Hòa thượng Thiện Hoa là bà Cóc của tôi – là Nguyễn Thị Sáo, Pháp danh Diệu Tịnh, Pháp tự Hồng Sáo (Sáo là con chim Sáo).

[3] Xem ‘Nhân vật Phật giáo Việt Nam, vần NG’ của Chùa Xá Lợi, tại https://chuaxaloi.vn/thong-tin/nhan-vat-phat-giao-viet-nam-van-ng/2131.html

[4] Khánh Anh Văn sao, tập 4, phần Thân thế Lược dẫn, tr.05.