Ứng xử của Tỳ kheo đối với môi trường theo Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc (SC. Thích Nữ Hạnh Từ)

DẪN NHẬP

Nhân loại đang đối mặt với vô vàn vấn nạn về môi trường. Đứng trên góc nhìn Phật giáo, không ai khác, chính con người là nguyên nhân dẫn đến những hệ luỵ này. Vì vậy, mỗi chúng ta phải tự ý thức lại những hành động của bản thân để không gây ra tổn hại to lớn đến thiên nhiên và môi trường xung quanh. Trong các bài pháp, Đức Phật đã nhiều lần giảng dạy về sự tương quan tương duyên của vạn pháp, giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với các loài chúng sanh. Ngài không chỉ dạy riêng cho hàng Tỳ kheo mà muốn nhắn gửi đến tất cả con người hãy ý thức tầm quan trọng của môi trường. Trong bài Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc, Đức Phật đã dạy các Tỳ kheo về bảy phương pháp giúp đoạn trừ những lậu hoặc. Mỗi phương pháp có những đặc trưng khác nhau, đối trị những phiền não khác nhau. Nhưng trong bài viết này, người viết chỉ sử dụng phương pháp “thọ dụng” để nghiên cứu về vấn đề bảo vệ môi trường. Do sử dụng không đúng cách nên gây ra vô số tàn hại nhiệt não đối với thân, tâm và hoàn cảnh sống. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, tàn hại môi trường và tàn hại các sinh vật vô tội. 

THỌ DỤNG Y PHỤC

Trong Đạo Phật, vấn đề ăn uống, y phục, sàng tọa, dược phẩm không phải là mục đích để một vị Tỳ kheo hướng đến. Mục đích cần hướng đến là sự an lạc giải thoát ngay trong kiếp hiện tại. Trong Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc, Đức Phật đã dạy rằng: “Ở đây, này các Tỳ kheo như lý giác sát thọ dụng y phục chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng” [1]. Một vị Tỳ kheo khi sử dụng y phục thì phải như lý giác sát mới thọ dụng. Như vậy, thế nào là “như lý giác sát” (yoniso patisankhàna), nó tương đương với từ “như lý tác ý”: “Là tư duy chơn chánh và chú tâm hợp theo sự thật. Khi một vật là vô thường vị ấy thấy nó là vô thường, khi một vật là khổ, vô ngã, bất tịnh, vị ấy thấy nó là khổ, vô ngã, là bất tịnh…, sự trú tâm thường xuyên trên đó, hướng tâm vào đó, tư duy hợp với cái đó thì gọi là như lý tác ý” [2].

Vị Tỳ kheo phải tỉnh giác quán sát đúng như chân lý. Ví như, khi thọ dụng y phục Phật tử cúng dường cần nên tác ý như lý rằng y phục chỉ ngăn ngừa những xúc chạm bên ngoài, chỉ vì mục đích che đậy sự trần truồng mà thôi. Khi nghĩ như vậy, Tỳ kheo đó không thọ dụng vì sự ưa thích hay đắm nhiễm nên không làm tổn hại đến những hữu tình xung quanh. Một vị Tỳ kheo chỉ có ba y và một bình bát.

Ngày nay, chúng ta mặc không chỉ để che thân, không chỉ để ngăn ngừa những xúc chạm. Mặc phải đẹp, phải sang, vì sự ưa thích đó đã gây ra biết bao hệ luỵ về môi trường, làm tổn hại biết bao loài chúng sanh. Ví như áo phải dệt bằng tơ lụa, gấm vóc, lông thú, giày và túi xách, thắt lưng phải bằng da cá sấu mới gọi là “hàng hiệu”. Chính vì lòng tham ích kỉ của cá nhân mà gây ra biết bao đau thương cho chúng sanh. Do vậy, mỗi người tự ý thức rằng “mặc” chỉ để che đậy tấm thân trần truồng, không cần quá hình thức cầu kì. Nếu chúng ta nhận thức đúng đắn như thế thì chính bản thân được an vui, những hữu tình xung quanh cũng được sống an nhiên với môi trường thiên nhiên. 

Chúng ta thấy nếp sống của chư Tăng thật giản dị, rất gần gũi với thiên nhiên, cho đến cuối đời vẫn nhẹ nhàng và giản dị. Ðiển hình là chính Thế Tôn, là bậc Thiên Nhân Sư, vô thượng ở đời, Ngài vẫn dung dị trong tấm y vàng, có những lúc chỉ mặc y phấn tảo, đi chân không, dùng tấm lót ngồi đan bằng cỏ khô [3]. Có những lúc, Ngài trú mưa qua một đêm trong chái nhà lá của thợ làm đồ gốm một mình. Ngài sinh ra dưới cội cây, xuất gia tu tập dưới cội cây, thành đạo dưới cội cây và nhập Niết bàn cũng dưới cội cây, chỉ đơn giản nằm nghiêng trên chiếc võng dây treo giữa hai cây Sala. Là người có đầy đủ phước báu, đầy đủ quyền uy nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả để đi tìm con đường giác ngộ giải thoát. Đây được xem là một sự từ bỏ vĩ đại.

THỌ DỤNG THỨC ĂN

Kế đến, Đức Phật đã dạy về thọ dụng món ăn: “Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh” [4]. Một vị Tỳ kheo khi thọ dụng thức ăn không phải vì đam mê những món mình yêu thích, không phải thọ dụng thức ăn bởi trau diện tấm thân ngũ uẩn này ngày càng xinh đẹp, mà chỉ xem chúng như dược phẩm để nuôi dưỡng tấm thân này. Dẫu biết thân tứ đại do duyên hợp thành mà có, nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ bê hay mặc kệ nó. Bởi thân khoẻ tâm mới an, chúng ta hãy xem nó là phương tiện đưa người đến đạo quả, là chiếc bè đưa người qua sông. Nếu lỡ chiếc bè hư hỏng giữa dòng thì không qua được bờ, cũng thế, chúng ta thọ dụng thức ăn để giữ cho thân không bệnh tật, để tu tập tiến đến đạo quả giác ngộ giải thoát. Chúng ta phải biết thọ dụng vừa đủ, theo tinh thần thiểu dục tri túc của Phật giáo. 

“Nhứt bát thiên gia phạn, 

Cô thân vạn lý du.

Kỳ vị sanh tử sự, 

Thuyết pháp độ xuân thu” [5].

Tài sản của một vị Tỳ kheo gồm có ba y và một bình bát. Chỉ có thế, ngoài y bát, chư Tăng còn cần đến một bữa ăn trưa mỗi ngày mà không tích lũy, một chỗ nằm khiêm tốn gọi là sàng tọa, có thể chỉ một tấm ván hay một chiếc giường tre hay giường dây thấp và hẹp cùng một ít thuốc men tùy thân phòng chữa bệnh khi đau ốm. Tất cả các thứ cần thiết này đều nhờ các thí chủ cúng dường. Chư Tăng không cổ động hay vận động cúng dường, cũng không cất chứa sẵn, hoàn toàn sống không có tài sản. Như vậy, nếp sống thiền môn không mang lại sự tàn hại chúng sanh, không mang lại tổn lại cho môi trường. Ăn chỉ để sống chứ không phải sống để ăn.  

THỌ DỤNG SÀNG TOẠ

Trong 45 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Phật để lại cho chúng ta hình ảnh một bậc đạo sư đi bộ từ làng này qua làng khác, từ đô thị này qua đô thị khác, sau khi khất thực trở về, thường ngồi trong một khu rừng gần đấy để an nghỉ hoặc thuyết pháp, ngồi thiền. Đời sống của chư Tăng cũng như thế, lấy gốc cây làm nhà, mỗi gốc chỉ ở đúng ba đêm để tránh sự tham đắm, chấp trước. Đức Phật luôn luôn tán thán núi rừng và xem núi rừng là nơi trú ẩn lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo. Đức Phật dạy các vị Tỳ kheo khi thọ dụng sàng toạ cần phải: “Như lý giác sát, thọ dụng sàng toạ, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ được giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh” [6].

Đạo Phật tán dương nếp sống hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với loài người, tán thán lòng từ bi, khích lệ thương người thương vật, đề cao hạnh thiểu dục tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường tu học lý tưởng cho người xuất gia. (Ảnh: sưu tầm)

Đức Phật đã chủ động tìm cách xây dựng cho mình và hội chúng tăng già một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, một đạo tràng tu tập thích hợp hướng tới giác ngộ và Niết bàn. Chỗ ở chỉ để ngăn ngừa những xúc chạm bên ngoài tác động và mục đích ở một mình để tu tập thân tâm. Không cần nhà cao cửa lớn, không cần phải giường cao tốt đẹp, không cần phải nội thất sang trọng, mà chỉ cần một gốc cây, một tấm phản nhỏ, một tấm cỏ để ngủ qua đêm. Chính lối sống thiểu dục tri túc đó đã không làm tổn hại đến môi trường xung quanh. “Ở đây này Nagita, ta thấy một Tỳ kheo sống ở trong rừng, ngồi chưa đạt được Thiền định ở trong rừng. Này Nagita, đối với vị ấy, ta suy nghĩ: “Tôn giả này chưa đạt được Thiền định, nhưng sẽ thành tựu được Thiền định, và sẽ bảo vệ được tâm đã được Thiền định”. Do vậy này Nagita, ta hoan hỷ về trú xứ tại rừng của Tỳ kheo ấy” [7].

Chỉ với một nếp sống thiểu dục tri túc như vậy, hành giả mới sống một đời sống lành mạnh hướng thượng, đạt đến giác ngộ giải thoát. Như vậy, Đạo Phật tán dương nếp sống hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với loài người, tán thán lòng từ bi, khích lệ thương người thương vật, đề cao hạnh thiểu dục tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường tu học lý tưởng cho người xuất gia.

“Làng mạc hay rừng núi,

Thung lũng hay đồi cao

La-hán trú chỗ nào

Đất ấy thật khả ái”.

 

“Khả ái thay núi rừng

Chỗ người phàm không ưa

Vị ly tham ưa thích

Vì không tìm dục lạc”.

 

(Kinh Pháp Cú, kệ số 98-99)

Ngược lại, con người hiện nay tham đắm nhà cao cửa rộng, nội thất phải xa hoa, sang trọng. Chính sự ham muốn vô cùng vô tận ấy đã dẫn tới những hành động làm tổn hại đến thiên nhiên. Những cây cổ thụ quý hiếm, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngắt hầu như đã bị chặt phá, thay vào đó là những rừng hoang đồi trọc. Những rừng cây đều biến thành đô thị, chung cư, nhà máy, xí nghiệp, những ngôi nhà cao to. Sự tàn phá của con người đã khiến thiên nhiên nổi giận. Những trận bão lụt, lốc xoáy, hạn hán… biết bao nhiêu thiên tai đang đổ xuống. Không phải tự nhiên như vậy, tất cả đều có nguyên nhân. Không ai khác, chính lòng tham con người là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả như thế. A. Toynbee khẳng định: “Nạn ô nhiễm là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống còn của cả loài người và không thể cứu chữa nếu con người không hạn chế lòng tham” [8].

Chính tâm tham cầu quá nhiều mới sanh ra khổ đau, hại mình hại người, hại những thứ xung quanh. Như vậy, thiểu dục tri túc là một pháp đối trị lại tâm tham cầu. Chính dục vọng của con người đã làm cho họ khổ đau triền miên, phải tự gánh những hậu quả do chính mình gây ra.“Phật giáo dạy con người đi vào giải thoát, có nghĩa là đi ra khỏi mọi trói buộc mọi ách nô lệ. Nô lệ lớn nhất của hiện tượng giới là nô lệ chính dục vọng của mình” [9].

THỌ DỤNG DƯỢC PHẨM

Đối với vấn đề sử dụng dược phẩm để trị bệnh, Đức Phật đã hướng dẫn vị Tỳ kheo khi sử dụng cần phải: “Như lý giác sát thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chặn các cảm giác thống khổ đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn. Này các Tỳ kheo, nếu vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy thì những lậu hoặc tàn hại và nhiệt não sẽ không còn” [10].

Như vậy, chúng ta thấy ở đây một vị Tỳ kheo chỉ được sử dụng dược phẩm trị bệnh khi có bệnh, Đức Phật đã nói sử dụng dược phẩm chỉ để ngăn chặn các cảm giác thống khổ đã sanh. Nghĩa là những cơn đau nhức hoành hành khiến vị Tỳ kheo đó đau đớn, khổ sở. Lúc này mới sử dụng dược phẩm để ngăn chặn những nỗi thống khổ đó. 

Đức Phật đã từ bi khai mở năm thứ dược phẩm cho một vị Tỳ kheo khi bị bệnh có thể sử dụng. Các vị Tỳ kheo bị nhiễm cơn bệnh thuộc về mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Khi ấy, Đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Năm loại dược phẩm này như là bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía là các loại dược phẩm tuy được quy định là dược phẩm ở thế gian, không được xem là loại thức ăn thông thường, có lẽ ta nên cho phép các Tỳ kheo được thọ lãnh năm loại dược phẩm này đúng thời và thọ dụng đúng thời” [11]. 

Những thứ được xem quá bình thường so với người thế gian, nhưng năm thứ này đối với một vị Tỳ kheo khi bệnh mới được sử dụng, để ngăn ngừa tâm ưa thích, tham đắm vào những dược phẩm đó. Như vậy, dược phẩm chỉ giúp ngăn ngừa những bệnh tật, có một thân thể khỏe mạnh để tiếp tục chí nguyện xuất trần của bản thân, chứ không phải dùng những dược phẩm đó để bồi bổ cho tấm thân giả huyễn này. Không phải lạm dụng dược phẩm để bổ béo hay làm đẹp, nếu không bệnh thì không được dùng thuốc. Nếu sử dụng đúng như vậy, những lậu hoặc tàn hại nhiệt não sẽ không khởi lên nơi vị ấy. 

Ngày nay, con người không bệnh cũng uống thuốc, không đau đớn khó chịu cũng dùng thuốc. Họ không chỉ sử dụng thuốc để trị bệnh mà còn sử dụng vào nhiều mục đích khác. Những vitamin như: dầu cá, mỡ trăn, sừng hươu giúp làm đẹp, những mỹ phẩm đều chiết xuất từ sinh mạng chúng sanh. Chính vì những mục đích này đã gây tổn hại lớn đến môi sinh. Con người đã không ngừng sản xuất ra những thứ dược phẩm đó để cung cấp cho nhu cầu con người hiện nay. Họ sử dụng không dừng lại để trị bệnh, mà còn muốn nuôi dưỡng tấm thân này trẻ hoài không già, khoẻ mãi không bệnh. Nhưng điều đó sẽ không thành hiện thực. Vì đó là quy luật không một ai có thể tránh. Do đó, chúng ta phải xác định sau khi mạng chung, những gì có thể đi theo chúng ta? Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp? Tất cả đều không, chỉ có nghiệp sẽ đi theo chúng ta. Không ai khác cứu được mình, mà chính bản thân là chủ nhân quyết định mọi việc. 

“Nếu ác nghiệp bất thiện

Đã làm, nay đang làm

Thì trọn không thoát được

Và cũng không chỗ tránh” [12].

KẾT LUẬN

Tóm lại, Đức Phật cho phép các học trò mình thọ nhận các nhu yếu tối thiểu do người khác hiến tặng gồm y áo, đồ ăn khất thực, chỗ cư trú, dược phẩm trị bệnh để hỗ trợ đời sống tu học nhưng nhấn mạnh đến việc thọ dụng đúng pháp, tức giữ tâm chánh niệm tỉnh giác trong lúc sử dụng các nhu yếu như là một phương pháp tu tập nhằm mục đích thăng tiến giới đức, tâm đức, tuệ đức, hướng đến đoạn trừ các lậu hoặc, thành tựu lý tưởng xuất gia tu học đạo lý giác ngộ.

Ngày nay, nếp sống ấy còn được duy trì trong châm ngôn của Phật giáo “Tam thường bất túc”. Nếp sống ấy, một mặt vừa để tiết chế dục vọng, biểu hiện bên ngoài cái vẻ kham khổ, nhưng một mặt nói lên một nghệ thuật sống cao. Ðời sống vật chất của chư Tăng có vẻ thiếu thốn, nhưng chính vì thế mà nuôi sống tâm hồn rất sung mãn. Các vị trọn hưởng các hạnh phúc của cuộc sống và hạnh phúc của Thiền định một cách rất nhẹ nhàng và thanh thoát. 

Rõ ràng, với các pháp môn tu tập hết sức giản dị và thực tế do bậc đạo sư giảng dạy, người Phật tử không cần phải tìm đâu xa cách thức để thực nghiệm an lạc, bởi an lạc nằm ngay trong đời sống hàng ngày, trong việc ăn – mặc – ở, có chánh niệm mà đấng giác ngộ đã ân cần chỉ bảo cho mọi người. Người xuất gia sống theo chánh hạnh, thọ dụng y áo, đồ ăn khất thực, chỗ cư trú và thuốc trị bệnh do người khác hiến cúng chỉ với mục đích ngăn chặn các lậu hoặc ngay trong hiện tại và diệt trừ các lậu hoặc ngay trong tương lai. Thế giới ngày nay, hầu như con người càng ngày càng trở nên vong thân, căng thẳng và mệt mỏi bởi các áp lực huyễn ảo nhân tạo và sự hào nhoáng phù phiếm của chủ nghĩa thực dụng, người ta có thể trông chờ và tìm ở đâu khác một lẽ sống tỉnh táo, minh triết và an lạc như vậy.

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Kinh Trung Bộ 1, Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Tất cả lậu hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.28.

[2] Acharya Buddharakkhita, Đoạn trừ lậu hoặc, Tỳ-khưu Pháp Thông dịch, tr.42-43.

[3] Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.465.

[4] Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ 1, Kinh Tất cả lậu hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.28.

[5] Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.466.

[6] Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ 1, Kinh Tất cả lậu hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.28.

[7] Thích Minh Châu (2001), Chánh pháp và hạnh phúc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.161.

[8] A.J. Toynbee & D. Ikeda, Man himself must choose, tr.41.

[9] Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.251.

[10] Kinh Trung Bộ 1, Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Tất cả lậu hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.28.

[11] Tỳ khưu Indacanda (2014), Đại phẩm tập 2, VI, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.2.

[12] Thích Thiện Siêu dịch (1992), Kinh Trung A-hàm tập I, VNCPHVN, tr.130.