Phật giáo không chỉ chủ trương từ bi đối với con người, tôn trọng đối với mọi sinh mệnh mà còn phải bảo vệ môi trường sống thiên nhiên, quý tiếc vật phẩm tiêu dùng hằng ngày. Những tư tưởng này của Phật giáo ngày càng được đề cao, nhất là với quan niệm bảo vệ môi trường sống trên toàn cầu hiện nay. Phật giáo khi bàn về bảo vệ môi trường thường chú trọng ba phương diện: quan niệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm bảo vệ môi trường và phương hướng thực hành thực tiễn.
QUAN NIỆM BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Quan niệm về giới sát sinh: giữ giới bất sát để bảo vệ động vật, tôn trọng tất cả mạng sống từ con người cho đến những loài sinh linh bé nhỏ nhất. Đồng thời, đây cũng là cách tốt nhất để duy trì sự cân bằng môi trường sinh thái. Trong suốt lịch sử phát triển của loài người, nhân loại vẫn luôn giữ lấy quan điểm “mình là trung tâm của vũ trụ”, do đó tùy tiện tước đoạt mạng sống của các loài động vật khác để phục vụ cho mình.
Ngày nay, khả năng chinh phục thiên nhiên của nhân loại ngày càng tăng cao, lại thêm nhân khẩu thế giới ngày một bành trướng. Điều này đã khiến số lượng lớn động vật mất đi chỗ trú thân. Nhất là nhân loại vì phát triển các ngành nghề công thương nghiệp và thỏa mãn ham muốn vị giác, dẫn đến mức độ gần như loài nào cũng bắt, loài nào cũng ăn, vơ vét cho bằng hết. Hơn thế nữa, nhu cầu may mặc phục trang của nhân loại cũng không còn đơn thuần với mục đích giữ ấm tránh lạnh nữa, mà ngày nay đang dần lưu hành các loại thời trang với nguyên liệu từ các loại da và lông của nhiều loài động vật khác nhau, trực tiếp đe dọa đến mạng sống của các loài động vật hoang dã thuộc dạng quý hiếm, khiến cho lượng lớn động vật vì phục vụ cho cái đẹp của con người mà bị săn bắt tàn khốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng của môi trường sinh thái và sự hài hòa của giới tự nhiên.
Đây cũng là nguyên do chính đưa đến quả báo bất thiện với minh chứng là các căn bệnh kỳ lạ và khó trị ngày một gia tăng. “Mặc đơn giản và ăn thức chay” suốt mấy nghìn năm qua vẫn luôn là truyền thống tốt đẹp của đệ tử Phật giáo Hán truyền. Bằng phương thức ăn chay lấy thực phẩm gieo trồng làm chính, là sự cam đoan chắc chắn và chân thực cho chủ trương không sát hại sinh mạng. Kinh Lăng Già dạy rằng: “Phàm sát sinh đều vì phục vụ việc ăn uống cho con người, nếu con người không ăn sẽ không ai giết hại sinh vật. Do vật, người ăn và kẻ giết đồng tội như nhau”. Mục đích căn bản của việc ăn chay là vun trồng hạt giống Phật tính từ bi của con người trong đời sống. Việc ăn chay cũng mang lại tác dụng tích cực đối với môi trường sinh thái. Tinh thần từ bi của “giới sát hộ sinh” trong Phật giáo đã thành công trong công cuộc truyền dạy người đời tăng trưởng tình yêu thương và nhân ái, đến một con muỗi con kiến cũng không nỡ làm chúng tổn thương. Như Kinh Phạm Võng có chép: “Nếu có đệ tử Phật nào thực hành phóng sinh với tâm từ bi, hãy luôn nhớ xem tất cả người nam là cha mình, xem tất cả người nữ là mẹ mình. Chúng ta đời đời kiếp kiếp thọ sinh biết bao nhiêu lần, do đó chúng sinh trong lục đạo đều là cha là mẹ mình. Nếu giết hại, nếu ăn thịt khác nào đang giết hại cha mẹ mình, đang ăn thịt chính người thân thích của mình. Tất cả mọi loài trên trái đất đều là thân đời trước của mình, tất cả đất nước gió lửa đều là bản thể mình, vật nên phải thường thực hành hộ sinh”.
Không ít những bậc cao Tăng cổ đức thời xưa đã thực hành được tinh thần: “Nhập thú bất loạn quần, nhập điểu bất loạn hành” (Vào giữa bầy thú không khiến chúng hỗn loạn bỏ chạy, đến gần đàn chim không làm chúng hoảng sợ bay đi), cùng với tiêu chí gọi chim hoang dã bay đến đậu vào lòng bàn tay để mổ lấy thức ăn làm cảnh giới tu hành. Đây là tinh thần tôn trọng mạng sống, cũng chính là sự cống hiến vĩ đại nhất của Phật giáo đối với môi trường sinh thái. Trên nền tảng cơ bản của giới sát hộ sinh, Phật giáo tiến thêm một bước nâng cao tinh thần bảo vệ sinh mạng, hướng dẫn người đời tích cực thực hiện các hành động thực tiễn bảo vệ động vật, bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, quan tâm đến các loài động vật bị ngược đãi, đề xướng quyền lợi và bình đẳng cho mọi loài chúng sinh, để duy trì sự quân bình cho sinh thái.
Mỹ hóa môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên, sáng tạo Tịnh độ nhân gian: Phật giáo là một tôn giáo đề cao ý thức bảo vệ môi trường, chủ trương không những dùng tâm từ để đối đãi giữa người với người, còn phải quý tiếc và bảo hộ sơn hà đại địa. Gọi đây là “Đại địa chúng sinh giai hữu Phật tính”, con người và giới tự nhiên từ muôn đời nay vẫn luôn luôn nương nhau để sinh tồn, chủ thể sinh mệnh và môi trường sống vẫn luôn là mối quan hệ “một thể không hai không khác”. Hơn thế nữa, Phật giáo vẫn luôn xem mỹ hóa môi trường sống và bảo vệ thiên nhiên chính là sứ mệnh nên có của một Phật tử. Bởi lẽ con người không thể sinh tồn nếu thiếu đi đại tự nhiên. Vậy nên cần không ngừng gắng sức để bảo hộ, duy trì và mỹ hóa, thay vì chỉ biết thụ hưởng và sử dụng những gì mẹ thiên nhiên ban tặng.
Phật giáo chú trọng bảo vệ môi trường thiên nhiên, đề xướng những hành vi văn minh, lành mạnh và hướng thượng. Trong việc hoằng dương giáo nghĩa, Phật giáo luôn đồng thời lan tỏa tư tưởng bảo hộ môi trường sống, hướng dẫn đại chúng cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường. Đề xuất các phương án thực tiễn như vun hoa dưỡng cỏ, trồng cây gây rừng, cúng hương văn minh, hoa tươi dâng Phật, tiết nước kiệm điện, trân quý tài nguyên, cho đến các khẩu hiệu tích phúc, biết đủ, thu hồi tài nguyên tái sử dụng, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng,… Nhiều đệ tử Phật giáo không những tận tâm duy trì và bảo vệ môi trường tại tự viện và xung quanh, còn rộng rãi tham gia các hoạt động trồng cây gây rừng. Hầu hết các tự viện ngày nay đã và đang áp dụng cúng hương văn minh, không đồng tình với hành vi thắp quá nhiều hương hoặc thắp các loại hương độc hại gây ô nhiễm môi trường để tịnh hóa bầu không khí chung, giảm thiểu ô nhiễm. Khuyến khích nên dùng hoa tươi để cúng Phật, không sử dụng hoa giả hoa nhựa nhằm giải quyết vấn đề hoa giả khó thu hồi phế liệu tái sử dụng và khó phân hủy. Đặc biệt, quan niệm tích phúc đã từ lâu thấm nhuần vào tâm hồn mỗi người con Phật, không dùng quá nhiều thức ăn và quần áo, không để thừa thức ăn, lãng phí vật dụng, các bảng hiệu “tiết nước kiệm điện” có mặt ở khắp nơi tại hầu hết các tự viện lớn nhỏ tại Việt Nam và các nước khác. Đề xướng thu hồi tài nguyên, không riêng việc sử dụng các vật liệu phế thải tái sử dụng, còn giúp giảm bớt lượng lớn trong công tác xử lý rác thải. Tất cả những điều ấy đều là hành vi trên tinh thần tự giác của người con Phật đối với việc mỹ hóa môi trường sống và bảo vệ thiên nhiên, cũng chính là sự dốc sức trong công cuộc sáng tạo một Tịnh độ nhân gian ngay giữa cõi đời trần tục.
Tịnh hóa tâm hồn, lợi lạc hữu tình, xây dựng một thế giới hòa bình: Với tư tưởng “y báo chính báo không hai không khác” của Phật giáo, bảo vệ tâm hồn cũng chính là then chốt của việc bảo vệ môi trường và mạng sống. Chỉ khi tâm hồn thiện lương, mới có được môi trường sống tốt đẹp. Bởi tất cả môi trường sống xung quanh đều là y báo của chúng ta, chúng đều tùy theo chính báo của chúng ta mà vận hành chuyển hóa. Trong thời buổi toàn xã hội đều đang kêu gọi bảo vệ môi trường sinh thái ngày nay, hi vọng nhiều người hơn nữa cùng bắt đầu gia nhập vào hàng ngũ bảo vệ tâm hồn. Tâm con người hướng thiện, hướng đến hòa bình, tôn trọng đạo đức, tuân thủ pháp luật, từ đó mới dẫn phát các hành vi hướng thiện, thế giới mới chuyển hóa thành một thế giới hòa mục, an vui và thanh tịnh. Do đó, năng lượng tâm của chúng ta không những có năng lực chuyển hóa thân, còn có thể chuyển hóa được vật ngoài thân, thậm chí có thể khiến cho cả thế giới hoàn toàn thay đổi.
Thời đại ngày nay dễ khiến nhân loại ngày một gia tăng tâm tự lợi và ích kỉ, chỉ khi nào giảm thiểu các nhu cầu ham muốn vật chất trong tâm, tịnh hóa tâm hồn mình, dẹp bỏ lòng tham luyến chấp trước vô hạn đối với người, việc và vật, cho đến lấy tư tưởng lợi lạc hữu tình, trang nghiêm quốc độ làm bản hoài, mới mong xây dựng được một xã hội hòa mục, một thế giới hòa bình.
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CON PHẬT
Trách nhiệm của một người con Phật không riêng ở việc xem trọng bảo vệ môi trường sinh thái, còn phải có nghĩa vụ tuyên truyền và lan tỏa quan niệm bảo vệ môi trường sống, động viên và khích lệ nhân dân trên toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp chung tay bảo vệ môi trường. “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, chúng ta cần phải hành động để Phật giáo hài hòa và dung nhập cùng với đời sống của đại chúng, mượn những phương tiện truyền thông mà xã hội hiện đại đang lưu hành đưa tinh thần Phật pháp cùng dung hòa và hướng dẫn xã hội thế tục. Phật pháp cần dấn thân vào xã hội nhiều hơn để tuyên truyền và lan tỏa quan niệm bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như in ấn sách báo phát cho các du khách, thêm vào phần phụ lục trên các kinh sách kết duyên ấn tặng, vận dụng các buổi thuyết giảng, khóa tu tại các tự viện để tuyên truyền, hướng dẫn người đời dù có là đệ tử Phật giáo hay không cũng nên cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường. Bởi vì đây là trách nhiệm chung, nghĩa vụ chung của toàn nhân loại, khích lệ đại chúng cùng sáng tạo một Tịnh độ nhân gian thanh tịnh và tốt đẹp.
Là một người con Phật, dưới thời buổi ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tâm hồn hiện nay, càng là lúc cấp bách hơn để chúng ta phát tâm bồ đề, hạnh nguyện Bồ tát. Chân lí cuộc đời không gì ngoài nhân quả, “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, phàm tất cả muôn sự vạn vật trên thế gian đều có nhân quả của nó. Điều chúng ta cần làm bây giờ chính là dốc sức trồng nhân lành nhiều hơn nữa, tránh gieo nhân xấu ác, khởi đầu từ chính bản thân mình, bắt tay ngay từ những việc nhỏ nhặt trong đời sống của mình, không làm bất cứ việc xấu gì gây tổn hại đến môi trường và xã hội dù là nhỏ nhặt, tất cả những hành động nào góp phần bảo vệ môi trường đều không bỏ qua. Số đông hãy cùng nhau chỉ rõ tác hại khôn lường của những hành vi phát hoại môi trường sống và môi trường sinh thái. Sau đó mới có thể lan truyền và khích lệ người thân trong gia đình, đoàn nhóm, tổ chức, nhà máy, trường học,… Chỉ có như vậy môi trường sống của chúng ta mới ngày càng tịnh hóa, xã hội ngày một tốt đẹp và thế giới ngày một an lành hơn, đời sống của chúng ta mới trở nên thanh bình và lạnh mạnh hơn, an lạc và hạnh phúc hơn.
Chú thích:
* ĐĐ. Thích Quảng Lâm, Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo quốc tế.