Đức Phật đã hiện hữu trên cuộc đời này cách đây hơn 2.600 năm. Những lời dạy của Ngài về cách sống tốt đẹp dành cho người xuất gia cũng như cho toàn thể nhân loại thật vô cùng giá trị từ xưa cũng như nay. Vì vậy, có thể nói, khi triển khai tinh ba của lời Phật dạy ở lĩnh vực nào của xã hội, phải công nhận tất cả đều nằm trong Phật pháp. Vì vậy, đối với vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu ngày nay loài người mới đặt ra, trong khi đó, Đức Phật đã quy định cách sống để bảo vệ môi trường từ hơn hai ngàn năm trước.
Trong bối cảnh chung của thế giới, các vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe con người và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh xã hội trong đời sống. Bởi vậy, công cuộc bảo vệ môi trường là vấn đề lớn mang tính chất toàn cầu được cả loài người trên thế giới quan tâm. Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng diễn ra mạnh mẽ, nhưng cũng kéo theo những hệ lụy ngày càng báo động về môi trường. Là một tôn giáo lớn, Phật giáo cũng là một nguồn lực đóng góp không nhỏ trong việc tham gia bảo vệ môi trường, đưa ra những giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên thế giới.
MỐI LIÊN HỆ SÂU SẮC GIỮA CON NGƯỜI VÀ THIÊN NHIÊN THEO GIÁO LÍ ĐẠO PHẬT
Thuyết Duyên khởi của Phật giáo khẳng định mối tương quan giữa các hiện tượng tự nhiên, nhân sinh và vũ trụ. Duyên khởi nói tới sự vận động của các yếu tố trong vũ trụ, nhân sinh, con người và cả tâm linh tôn giáo có liên quan với nhau. Giáo dục Phật giáo với bảo vệ môi trường nghĩa là đem tinh thần giáo dục Phật giáo áp dụng vào việc bảo vệ môi trường. Theo cách nghĩ thông thường, chúng ta xem yếu tố con người và môi trường tự nhiên trong mối quan hệ chủ thể và đối tượng; sự vật tự nhiên là khách thể phục vụ hữu dụng cho chủ thể con người. Theo cách nghĩ như vậy, rõ ràng không thể tồn tại, con người sống nhờ vào môi trường tự nhiên, ngược lại, con người phải biết bảo vệ môi trường tự nhiên, có như thế mối quan hệ cộng sinh mới tồn tại lâu dài, con người và hệ thống sinh thái của tự nhiên mới bền vững.
Thuyết Duyên khởi là thế giới quan độc đáo của Phật giáo, là đặc trưng cơ bản khiến Phật giáo khác biệt với các tôn giáo, triết học khác. Nội dung chủ yếu của thuyết Duyên khởi cho rằng sự tồn tại và hủy diệt của thế giới phụ thuộc vào các nhân duyên. Mọi thứ trong vũ trụ đều được kết nối bằng sợi dây Duyên khởi: “Có nhân có duyên thế gian tập thành; có nhân có duyên thế gian hủy diệt”. Nói cách khác, mọi hiện tượng trong vũ trụ nương nhau mà thành “từ vật lớn cho đến vật nhỏ, từ vật hữu hình cho đến vô hình, đều không ngoài nhân duyên mà có”. Chính vì mối tương quan cộng tồn rất mật thiết giữa muôn sự muôn vật, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên, mà Đức Phật dạy rằng: “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt” [1], cho nên một cái mất thăng bằng sẽ ảnh hưởng xấu đến những cái khác. Nhận thức như vậy, chúng ta phải bảo tồn các loài khác, bảo tồn xã hội, bảo tồn thiên nhiên thì đó là bảo tồn chính mình [2]. Nếu môi trường sống bị phá hoại thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất và tinh thần con người. Con người sống dựa vào tự nhiên, vì thế con người cần có thái độ ứng xử hài hòa với thiên nhiên theo tinh thần bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ môi trường sống của muôn loài. Hơn bao giờ hết, nhân loại cần đón nhận năng lượng niềm tin trong kho tàng giáo lý vi diệu của Đức Phật. Chỉ khi đó, chúng ta mới vượt qua những thách thức khủng hoảng này. Dựa trên học thuyết về nguyên lý duyên sinh giúp mọi người nhận ra rằng tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về nguyên nhân của khủng hoảng và tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhau. Do đó, chúng ta phải chung tay làm việc cùng nhau trong việc giải quyết những thách thức khôn lường đang diễn ra hàng ngày.
ỨNG XỬ THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN
Tôn trọng sự sống là vấn đề rất được đề cao trong Phật giáo. Cấm sát sinh và làm hại thú vật là một trong những giới luật căn bản dành cho Phật tử. Giáo lý Phật giáo cho rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Như trong Kinh Phạm Võng, Đức Phật dạy: “Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời, ta đều thác sinh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta [3]. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng vì bị vô lượng phiền não che phủ nên chúng sanh chẳng nhận thấy được” [4]. Như vậy, chúng sinh bao gồm tất cả mọi loài động vật trong đó có cả loài người, có cảm giác, có tình cảm, biết đau đớn và sung sướng. Họ có mối quan hệ ràng buộc thân thiết, họ cần được ứng xử bình đẳng như nhau, được tôn trọng quyền sống như nhau. Việc tôn trọng sự sống không chỉ vì từ bi, vì niềm tin vào luân hồi và nghiệp báo, mà còn vì ý thức rằng mọi loài sinh vật đều có quyền sống bình đẳng và môi trường sống là dành cho tất cả mọi loài trên trái đất này chứ không phải dành riêng cho con người, giáo lý Phật giáo cũng nhấn mạnh đến quan điểm từ bi. “Tâm Từ phải được rãi khắp đồng đều cho mọi chúng sanh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất, săn sóc, bảo bọc con, dầu nguy hiểm đến tánh mạng cũng vui lòng” [5].
Chính từ những quan điểm trên, Phật giáo đề cao lối sống hài hòa, thân thiện với tự nhiên, muôn loài yêu thương nhau, để cùng được sống trong an lành và hạnh phúc. Đây chính là giải pháp căn bản để dần khôi phục môi trường thiên nhiên. Khi môi trường thiên nhiên được khôi phục cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và ảnh hưởng do biến đổi khí hậu mang lại.
PHƯƠNG PHÁP THIẾT THỰC NHẤT LÀ QUAY VỀ CHUYỂN HOÁ NGUỒN TÂM CON NGƯỜI
Từ thuyết Duyên khởi, chúng ta nhận ra rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà có với những thực thể khác trong môi trường. Do đó, con người không thể sống tách mình ra khỏi vạn vật và thiên nhiên. Chẳng may một bên bị tiêu vong thì bên kia cũng không thể tồn tại. Điều đó đã trở thành quy luật chung. Xuất phát từ quan niệm này của Phật giáo, mỗi người cần có ý thức bảo vệ thiên nhiên như bảo vệ sự sống chính mình. Con người cần loại bỏ đi “tam độc” (tham, sân, si) khai thác vô độ, tàn phá thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục tùng mình bởi một khi thiên nhiên bị suy thoái, bị hủy hoại thì con người cũng không thể tồn tại dài lâu. Theo Phật giáo, “dùng tâm sân hận để hành động trả thù không thể giải quyết vấn đề khủng hoảng, mà còn làm tăng thêm tình trạng bất an, lo sợ và gây thêm nhiều thảm họa nữa. Tình trạng khủng bố đang diễn ra kéo theo những cuộc chiến sa lầy, gây chết chóc, sợ hãi, khổ đau cho nhiều người hiện nay” [6].
Giáo lý Phật giáo dạy con người phải biết sống theo Tứ vô lượng tâm, biết giữ “ngũ giới” bởi vì: “Năm giới này không những đưa người mạnh tiến trên đường giài thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, quốc gia, xã hội nữa. Ngũ giới chính là giềng mối chắc thật tạo hạnh phúc cho cá nhân và đoàn thể, chính là ông thầy ngăn ngừa chúng ta làm điều xằng bậy trong thời mạt pháp” [7] và biết làm “thập thiện”. Lối sống nhân văn, nhân đạo trong Phật giáo có ý nghĩa răn dạy con người phải ứng xử hài hòa với thiên nhiên, biết tôn trọng sinh mệnh của vạn vật, từ những loài nhỏ nhất như cây cỏ, côn trùng nhằm giữ gìn sự đa dạng sinh học. Về điều này, Hòa thượng Thích Minh Châu đã từng giải thích: “Hại người/vật vô tội cũng giống như ném bụi ngược gió với kết quả là ta phải chịu hậu quả của hành động mình” [8]. Ngoài ra, theo luật “nhân quả” của nhà Phật, con người nếu biết tu dưỡng nghiệp thiện, gây nhân tốt thì sẽ gặt hái được quả ngọt. Lối sống “thiểu dục, tri túc” mà Phật giáo đề cao cũng có ý nghĩa răn dạy con người phải biết trân trọng những gì mình có, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, không ham hưởng thụ, tiêu dùng quá mức, tham gia bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, không được vì lòng tham mà làm tổn hại đến vạn vật và môi trường. Theo ý nghĩa này, nhà Phật quan niệm sống giản dị không có nghĩa là sống không có chất lượng. Chất lượng của Đạo Phật là sự “an vui”, thay vì tham lam, “bận rộn”; là cố gắng bảo vệ muôn loài, thay vì thờ ơ giết hại sinh mạng và hủy diệt điều kiện sinh tồn của chúng sinh; là hợp tác vì lợi ích chung thay vì cạnh tranh giành giật cho quyền lợi riêng; là vượt qua chính mình để thể nhập cuộc sống thực tại, thay vì tách rời và đối nghịch lại thiên nhiên [9].
Quan niệm sống của Phật giáo rõ ràng đã giúp con người nhận thức sâu sắc và thấu đáo hơn về trách nhiệm của mình đối với môi trường sống. Một lối sống giản dị, tiết kiệm, giảm sức ép đối với môi trường sống, hài hòa giữa danh lợi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các loài động, thực vật sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm, tránh được tình trạng rừng bị tàn phá, tài nguyên bị suy kiệt, động vật bị săn bắn dẫn tới tuyệt chủng nhờ đó tránh được sự “trả thù” của thiên nhiên, khí hậu như bão lũ, hạn hán, sa mạc hóa, động đất, nước biển dâng,… đang đe dọa cuộc sống của chúng ta.
Có thể thấy, trong giáo lý của Phật giáo luôn tiềm ẩn những tư tưởng, những bài học sâu sắc về ý thức bảo vệ môi trường sống. Để cụ thể hóa những tư tưởng ấy thành hành động cụ thể của mỗi người, hàng năm, trong các ngôi chùa Phật giáo thường có ba tháng “an cư kiết hạ” để hành trì lời Phật dạy. An cư kiết hạ là ba tháng trùng vào mùa mưa của Ấn Độ xưa kia nên việc hạn chế đi lại trong ba tháng đó sẽ tránh được sự sát hại vô tình đối với côn trùng, sâu bọ, cây cỏ. Điều này vốn xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo là từ bi, hỷ xả, không sát sinh muôn loài. Nó đã góp phần nêu cao tinh thần, trách nhiệm tự giác của con người đối với sứ mệnh bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên tươi đẹp và môi trường sinh thái.
GIÁ TRỊ PHẬT DẠY ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
Cuộc sống hiện đại có nhiều tiến bộ đáng mừng nhưng cũng báo hiệu những triệu chứng đầy lo ngại. Sự giàu có về vật chất đi đôi với tình trạng sụt giảm đạo đức và bạo động gia tăng. Sự tiến bộ kỹ thuật hiện đại gắn liền với tình trạng chiến tranh và khủng bố lan rộng. Sự hưởng thụ xa hoa của con người đi đôi với tình trạng thế giới thiên nhiên thay đổi nhanh chóng dẫn đến các hiểm họa thiên tai xảy ra liên tục ở nhiều nơi. Tất cả đều là hậu quả của sự tăng trưởng các độc tố tham sân si ở trong mỗi con người mà nền văn minh hiện đại chưa có giải pháp khắc phục. Đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ lòng tham không đáy của con người đang đưa thế giới loài người đến các hiểm họa khó lường. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa tìm thấy giải pháp nào khả dĩ để chế ngự và khắc phục. Giữa lúc con người đang vui mừng về thành quả văn minh vượt trội của mình nhưng cũng đang bối rối lo lắng về hậu quả không sáng sủa của nền văn minh ấy và cố tìm cách khắc phục thì những lời dạy của Đức Phật hiện rõ như kim chỉ nam cho con người và cuộc đời để vượt qua mọi khổ đau khủng hoảng.
Chúng ta thấy rằng cuộc sống của con người là vô thường và có mối tương quan mật thiết với nhau, bởi thế sự xung đột giữa người với người, giữa người với thiên nhiên và xung đột với chính mình sẽ mang đến khổ đau. Sự xung đột giữa người với người gây ra biết bao tang tóc, chiến tranh gieo rắc sự chết chóc và sự hủy diệt. Tất cả những điều này đều phát xuất từ lòng tham lam và sân hận. Ngài M.Gandhi của Ấn Độ cũng từng nói: “Thế giới có đủ cho nhu cầu của mọi người nhưng không đủ ngay cho cả tham vọng của một người”. Do vậy, tham lam vô độ trở thành cội gốc của sự xung đột. Đức Phật dạy chúng ta trong quan hệ giữa người với người phải biết tôn trọng yêu thương lẫn nhau, chúng ta phải biết mang sự an lạc đến với tất cả mọi người bằng những hành động yêu thương, chia sẻ, thương người để xứng đáng sống ở đời. Để diệt bớt lòng hận thù, Đức Phật dạy “lòng hận thù không diệt được hận thù chỉ có lòng yêu thương mới không thù hận” [10], đây là một lời dạy cao quý của Đức Phật và chính là phương pháp giáo dục của bậc vĩ nhân.
Không tổn hại kẻ khác mới đích thực là bảo vệ chính hạnh phúc của mình, Đức Phật dạy trong Kinh Tiểu Bộ: “Chúng hữu tình đều ao ước có hạnh phúc, người nào mà dùng vũ khí, bạo lực làm tổn hại kẻ khác để tìm kiếm hạnh phúc riêng cho họ, sẽ không bao giờ kiếm được hạnh phúc” [11]. Trong đời sống thường ngày, Đức Phật luôn tôn trọng sự sống thậm chí cho đến sinh vật nhỏ nhoi như côn trùng, Ngài khuyên các đệ tử không nên giết hại: “Trên từ Thánh nhơn, Tăng nhơn, cha mẹ, dưới cho đến loại con trùng vi tế đều không được giết nếu cố tâm giết hại hoặc bảo người khác giết… đều bị phạm giới sát sanh” [12]. Ngài khuyên chư đệ tử không nên đốn phá cây cối, cho dù là chặt cành hay bẻ lá. Điều này được chứng minh rất rõ ràng trong một đoạn kinh sau: “Cây xanh cho chúng ta bóng mát trong lành, giúp chúng ta có nơi ngủ nghỉ qua đêm hay ngồi thiền định. Chặt cành hay bẻ lá của cây đều là hành vi phi đạo đức”. Đức Phật lấy ví dụ cụ thể trên chính bản thân là sau khi thọ thực xong không được ném thức ăn còn dư lại trên cỏ hay trong nước, nơi đó có côn trùng nhỏ đang sinh sống. Đức Phật khuyên các Phật tử không nên giết hại sinh vật để cúng dường thức ăn đến ngài và chư Tăng bởi vì làm như vậy sẽ giảm tổn phước đức… Đức Phật khuyến khích một cuộc sống hòa bình và bất hại. Ngài chê trách tất cả những hành động dẫn đến bất hòa, mâu thuẫn, xung đột bạo lực và chiến tranh “khắc phục chế ngự tiêu diệt lòng sân hận, mang đến sự khổ đau và sân hận sẽ không bao giờ dập tắt bởi sân hận mà bởi lòng yêu thương”. Tôn trọng và bảo vệ đời sống của con người, của mọi loài là động lực hay nhất và thiết thực nhất để bảo vệ, tôn trọng đời sống chính bản thân.
Khi đã ý thức rõ tham sân si chính là gốc rễ của mọi khủng hoảng khổ đau, chúng ta phải cố gắng hành theo nếp sống thoát ly tam độc ấy để vừa xây dựng hạnh phúc cho chính mình, vừa góp phần tạo hạnh phúc an lạc cho cuộc đời. Đây chính là con đường mà bậc đạo sư đã thực chứng và thông qua nếp sống ấy chúng ta hưởng được hạnh phúc an lạc, bởi: “Bớt tham một chút bớt khổ cho đời; bớt sân một chút bớt khổ cho đời; bớt si một chút bớt khổ cho đời”. Phương pháp giáo dục của Đức Phật không những cải cách thế giới trên một phạm vi rộng rãi mà còn nằm trong sự cải cách tự thân của chúng ta thực hành lời dạy của Đức Phật sẽ đặt chúng ta ở trong mối quan hệ tốt đẹp trong sáng hòa bình giữa người với người, và giúp cho họ thấy được con đường đưa đến thoát khỏi khổ đau bằng sự phấn đấu tu dưỡng bản thân hoàn thiện tinh thần của mình [13].
KẾT LUẬN
Ngày nay, đời sống vật chất rất đầy đủ nhưng con người chưa bao giờ thấy thỏa mãn. Nhằm đáp ứng nhu cầu tham dục, con người không ngừng khai thác và tàn phá thiên nhiên. Khi tiêu thụ nhiều đồng nghĩa xả thải cũng nhiều. Môi trường chịu đựng cách đối xử ngược đãi hai chiều lâu ngày thành ra bất kham. Hậu quả là sự báo động về ô nhiễm môi trường khắp nơi trên thế giới. Giáo lý “do cái này sanh, cái kia sanh” đã hiện hữu trước mắt mọi người nhưng không phải ai cũng ý thức để hiểu và thực hành. Một khi lòng tham vẫn hiện hữu, lối sống tiêu thụ xa hoa phung phí vẫn không giảm và hạt giống từ bi thương đồng loại rộng ra cho đến mọi loài chưa được nảy mầm phát triển trong mỗi con người thì những lời kêu gọi của một số cá nhân hay tổ chức vẫn còn là tiếng kêu lạc lõng. Những lời dạy của Đức Phật về bảo vệ môi trường vẫn còn nguyên giá trị nhưng sự thực hành giáo lý ấy vẫn còn xa vời với thế giới hưởng thụ ngày nay. Mong rằng lời dạy của Đức Thế Tôn được nhiều người biết đến và cùng thực hành để môi trường được cải thiện tốt hơn.
Chú thích:
* SC. Thích Nữ Tịnh Trí, Học viên Cao học khóa V, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Thích Minh Châu (dịch, 1991), ĐTKVN, Kinh Trường Bộ 1, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, tr.532.
[2] HT Thích Trí Quảng (2011), Khai thị 2009, Phật giáo và bảo vệ môi trường, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.122.
[3] Thích Trí Tịnh (dịch, 2008), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Nxb. Tôn giáo, tr.34.
[4] Thích Minh Châu (dịch, 1990), ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, tr.267.
[5] Thích Minh Châu (dịch, 1999), ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, tr.506.
[6] HT Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.281.
[7] HT Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.71.
[8] Trần Phương Lan dịch, Phật giáo, sinh thái học và đạo đức toàn cầu, http://www.thuvienhoasen.org (truy cập ngày 17/3/2023].
[9] Lê Văn Tâm, Đạo Phật với vấn đề phát triển lâu bền và bảo vệ môi trường, http://www.daitangkinhvietnam.org. (truy cập ngày 17/3/2023).
[10] Thích Minh Châu (dịch, 1999), ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú 5, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, tr.14.
[11] Thích Minh Châu (dịch, 1999), ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú 131, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, tr.62.
[12] Thích Trí Tịnh (dịch, 2008), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Nxb. Tôn giáo, tr.34.
[13] Ban Giáo dục Tăng Ni TW (2012), Hội thảo khoa học: Giáo dục Phật giáo – Định hướng & Phát triển, Đức Phật với môi trường sống, Lưu hành nội bộ, tr.415.
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Châu (dịch, 1991), ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh.
2. Thích Minh Châu (dịch, 1999), ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh.
3. Thích Trí Tịnh (dịch, 2008), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Nxb. Tôn giáo.
4. HT Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
5. HT Thích Trí Quảng (2011), Khai Thị-2009, Phật giáo và bảo vệ môi trường, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
6. HT Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
7. Trần Phương Lan dịch, Phật giáo, sinh thái học và đạo đức toàn cầu, http://www.thuvienhoasen.org, truy cập ngày 17/3/2023.
8. Lê Văn Tâm, Đạo Phật với vấn đề phát triển lâu bền và bảo vệ môi trường, http://www.daitangkinhvietnam.org, truy cập ngày 17/3/2023.
9. Ban Giáo dục Tăng Ni TW (2012), Hội thảo khoa học: Giáo dục Phật giáo – Định hướng & Phát triển, Đức Phật với môi trường sống, lưu hành nội bộ.