Miếu Bà Cậu ở Cần Thơ (Trần Phỏng Diều)

MIẾU BÀ CẬU

Miếu Bà Cậu tọa lạc tại khu vực Xóm Chài, thuộc khu vực 3, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Đây là ngôi miếu được xây dựng từ rất lâu đời, cách đây khoảng 120 năm. Bởi trước đây, cư dân khu vực này sống bằng nghề chài lưới, đánh cá, hằng ngày phải đối với diện với biết bao hiểm nguy sông nước nên họ cần có sự che chở của một vị thần nào đó để vững tâm trong công cuộc mưu sinh của mình. Quan niệm dân gian cho rằng Bà Cậu – với tư cách là vị thần cai quản sông nước có thể đem đến cho họ sự bình an trong tâm hồn nên dân làng mới chung tay xây miếu thờ Bà, mong Bà phù hộ cho sóng yên gió lặng, mọi người được bình yên, tôm cá đầy khoang… Do tọa lạc tại khu vực Xóm Chài nên miếu Bà Cậu còn gọi là miếu Bà Xóm Chài. Miếu này lúc đầu được xây dựng đơn sơ bằng cột gỗ, lợp lá. Sau thời gian dài phơi mình cùng mưa nắng, ngôi miếu xuống cấp, hư hỏng nhiều, dân làng mới góp tiền xây lại khang trang như hiện nay. 

Ngày nay, mặc dù người dân ở khu vực xóm chài không còn sống bằng nghề chài lưới nữa, nhưng miếu Bà Cậu vẫn được giữ gìn, hương khói mỗi ngày, cúng bái mỗi năm vào ngày lễ. Điều này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân nơi đây đối với bề trên, cụ thể là Bà Cậu đã cho họ một cuộc sống ấm no đủ đầy, bình an, hạnh phúc.

Miếu Bà Cậu có diện tích khoảng 40m2, là một khối nhà vuông có kết cấu đơn giản. Mái lợp tôn giả ngói hình vảy cá, gồm hai mái song song. mái trước che khoảng sân rộng dùng để tiếp khách; Mái sau che ngôi miếu. Gian trong cùng là gian thờ chính, thờ Bà Cậu. Gian này có bức tranh thờ gồm 10 Bà và 2 cậu. Dưới bức tranh là tượng Bà Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu. Bên phải (nhìn từ ngoài vào) là bàn thờ Quan Công và Tiền Hiền; Bên trái là bàn thờ Hậu Hiền. Hai bên là bàn thờ của Tả Ban và Hữu Ban. Gian phía trước là bàn thờ Bát Tiên, có phối tự Phật Di Lặc. Nhìn chung, cơ cấu thờ cúng ở miếu Bà Xóm Chài không khác mấy so với cơ cấu thờ cúng ở đình làng. Ngay cả lễ cúng Bà hằng năm cũng mô phỏng lễ hội Kỳ Yên. Hàng năm, miếu Bà có hai kỳ cúng lớn, đó là ngày 13-14 tháng Giêng âm lịch và ngày 23-24 tháng 4 âm lịch. Phẩm vật cúng Bà trong các ngày này gồm: ngoài các vật mặn còn có cháo ám, trái cây,…  Trong đó, phẩm vật mặn để cúng Bà Cậu, còn cháo ám dùng để cúng binh.Theo như danh xưng, Bà Cậu bao gồm Bà và Cậu. Đây là những nhân vật cai quản vùng sông nước nên những người sống bằng nghề liên quan đến nước đều lập bàn thờ cúng họ, đặc biệt là những người sống bằng nghề hạ bạc –  đánh bắt thủy sản – thì càng tin tưởng Bà Cậu hơn. Bà ở đây hiểu là Mẹ, còn Cậu là Cậu Trài và Cậu Quý, hai con trai của Bà. Theo phong tục, trước khi ra khơi, ngư dân vào miếu vái Bà – Cậu. Theo truyền thuyết, Thiên Y A Na trôi dạt trên biển, thân xác Bà biến thành cây trầm hương, do tính linh thiêng cứu độ người trên biển nên ngư dân và những người đi biển tôn thờ Bà là nữ thần biển cùng với hai con trai của Bà là Cậu Trài – Cậu Quý. Ngư dân người Việt ở Nam bộ rất tin tưởng tín ngưỡng Bà – Cậu và họ đều tự gọi nghề hạ bạc của mình là nghề Bà – Cậu […]. Họ xem Bà – Cậu là tổ nghiệp của mình. Có thể nói Bà – Cậu là dạng tín ngưỡng phổ biến nhất của dân chài và cư dân vùng biển Nam bộ [1].

LỄ CÚNG BÀ

Học trò lễ dâng rượu cúng Bà.

Lễ hội lớn nhất trong năm ở miếu Bà Xóm Chài là ngày 13-14 tháng Giêng âm lịch. Trong ngày này, lễ hội đã thu hút hàng trăm lượt người từ các nơi đến tham dự. Từ tờ mờ sáng ngày 13, người dân quanh vùng lần lượt đến miếu để chuẩn bị lễ vật cúng Bà. Lễ được chuẩn bị sẵn, đúng 9 giờ lễ cúng Bà bắt đầu. Ban tế tự đứng nghiêm chỉnh, học trò lễ mỗi bên khoảng 5 người đứng nghiêm trang để chuẩn bị làm theo lời xướng của Hương lễ.

Khi giờ lành đã điểm, Hương lễ xướng:

– Tĩnh túc thị lập: Mọi người im lặng.

– Chấp sự giả các tư kỳ sự: Chấp sự viên trở về vị trí của mình.

– Tả kích thác: Mõ đánh 3 hồi 3 dùi.

– Hữu kích chung: Chiên đánh 3 hồi 3 dùi.

– Trung tâm khởi cổ: Trống chầu đánh 3 hồi 3 dùi.

– Nhạc sanh khởi nhạc: Ban nhạc đổ 1 hồi.

– Cổ sơ nghiêm: Nhạc đổ 1 hồi 3 chập.

– Cổ tái nghiêm: Nhạc đổ 1 hồi 3 chập.

– Cổ tam nghiêm: Nhạc đổ 1 hồi 3 chập.

– Đại viên chức tấn bái: Những người chức sắc lạy 4 lạy.

– Chánh bái viên tựu vị: Chánh bái, phó bái bước đến bàn thờ thần.

– Nghệ quán tẩy sở: Chánh bái, phó bái đến chỗ có đặt thau nước.

– Quán tẩy sở: Chánh bái, phó bái rửa mặt.

– Thuế cân: Chánh bái, phó bái lau mặt.

– Củ soát tế vật: Học trò lễ dẫn chánh bái, phó bái đi kiểm tra lễ vật cúng thần.

– Phục cựu vị: Học trò lễ dẫn chánh bái, phó bái về chỗ cũ.

– Nghệ hương án tiền: Học trò lễ đốt nhang đưa cho chánh bái.

– Nguyện hương: Chánh bái nguyện hương.

– Thượng hương: Chánh bái đưa nhang cho học trò lễ đem lên cúng thần.

– Nhạc sanh tựu vị: Ban nhạc bước lên trước bàn thờ thần.

– Tiếp giá Đại Càn Quốc Gia Nam Hải: Nhạc đánh tiếp giá, chánh bái, phó bái lạy 4 lạy.

– Nhạc sanh hoàn cựu sở: Ban nhạc đánh tiếp giá xong về chỗ cũ.

– Sơ hiến lễ: Tuần rượu thứ nhất.

– Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống.

– Châm tửu: Chánh bái, phó bái rót rượu.

– Tấn tửu: Học trò lễ đi lên dâng rượu.

– Phủ phục hưng bình thân cúc cung bái: Chánh bái, phó bái đứng lên lạy 4 lạy.

Tuần rượu thứ hai, thứ ba thực hiện như tuần rượu thứ nhất.

Cúng xong, mọi người dọn bàn, bắt mâm đãi tiệc mời khách dùng cơm thân mật.

LỄ TỐNG ÔN

Sáng ngày 14, miếu Bà tổ chức lễ Tống ôn. Tống ôn là một lễ tục có từ lâu đời ở Cần Thơ. Mục đích của lễ tục này là cầu bình an cho gia đình, xóm làng, tống khứ những gì xui rủi của thời gian qua để mong đón nhận những điều tốt lành trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho buổi lễ này, người ta đã phân công việc trước đó, như: làm thuyền, chuẩn bị vật phẩm cúng thần, chỉ định những người phụ giúp cuộc lễ. Trước khi hành lễ, người ta đem tất cả các vật phẩm đến miếu Bà để làm lễ ra mắt và cũng để Bà chứng giám. Thông thường, họ bài trí một cuộc lễ như sau:

Họ đặt chiếc thuyền tống ôn ngay giữa sân ở trước miếu Bà. Chiếc thuyền này được làm rất công phu từ nhiều ngày trước đó. Đáy thuyền là bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó lấy tre, trúc đan lại làm khung thuyền, xung quanh thân thuyền được dán bằng giấy màu đủ loại. Trên thuyền còn có hình nhân được làm bằng đất với tư thế đang chèo thuyền, xung quanh thuyền có treo một hàng quần áo được cắt bằng giấy, ngụ ý dùng cho những người nghèo ở cõi âm mặc. Bên hông thuyền có ghi ngày tháng năm cúng, xung quanh thuyền và trên cabin treo cờ, kết dây, trang trí hoa màu nên trông chiếc thuyền rất đẹp. Thuyền Tống ôn có chiều cao khoảng 1m; dài khoảng 1,2m; ngang khoảng 0,5m. Trước mũi thuyền là một bàn hương án đặt hướng về chính điện của miếu Bà, với rất nhiều lễ vật bày biện gọn gàng, ngăn nắp, gồm các vật phẩm để cúng như: gà luộc, gạo, muối, bánh, trái cây và mấy lá bùa trừ tà.

Thuyền tống ôn.

Đến giờ hành lễ, trưởng Ban tế tự đứng trước chiếc thuyền khấn nguyện các vị thần được thờ tự trong miếu với nội dung đại khái: Hôm nay là ngày, tháng, năm, bổn miếu có làm lễ Tống ôn, cầu mong các vị thần tiên giúp dân làng xua đi những điều xui xẻo, những tai ương bệnh tật, tai nạn trên sông, đồng thời phù hộ cho dân làng được gia đạo bình an, làm phát đạt, tôm cá đầy khoang. Xong đâu đó, người ta đưa thuyền Tống ôn này lên một chiếc ghe để chở ra giữa sông thả xuống. Dịp này, trên sông có khoảng 30 – 40 ghe, xuồng đậu ken đặt cả khúc sông nên rất nhộn nhịp, vui tươi.

Ngày nay, mặc dù người dân ở khu vực xóm chài không còn sống bằng nghề chài lưới nữa, nhưng miếu Bà Cậu vẫn được giữ gìn, hương khói mỗi ngày, cúng bái mỗi năm vào ngày lễ. Điều này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân nơi đây đối với bề trên, cụ thể là Bà Cậu đã cho họ một cuộc sống ấm no đủ đầy, bình an, hạnh phúc.

 

 

 

Chú thích:

[1] Phan Thị Yến Tuyết (2016), Hệ thống nữ thần biển trong tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần ở vùng biển Nam bộ, trong cuốn Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ bản sắc và giá trị, Võ Văn Sen – Ngô Đức Thịnh – Nguyễn Văn Lên (Đồng chủ biên), Nxb. ĐHQG TP. HCM, tr.72-73.