Bồi đắp gốc rễ (Tỳ kheo Ni Thích Nữ Mai An)

Năm Nhâm Dần 2022 đã khép lại, thế nhưng đến tận những ngày cuối năm, tin tức các nơi trong nước vẫn có những vụ án thương tâm do người cùng một nhà sát hại lẫn nhau. Chỉ trong một năm mà có quá nhiều những vụ án cha mẹ sát hại con, con cái sát hại cha mẹ. Đó là hồi chuông báo động về sự suy thoái đạo đức con người. Nhưng liệu trách nhiệm có phải của riêng những người phạm tội hay tất cả chúng ta, những người “vô tội”. Theo người viết, trong cái nhìn tương tức, duyên sinh, trong phần lỗi của người có phần lỗi của chính mình. Đó là lỗi đã không làm gì hoặc chưa làm đủ, để có thể phần nào giúp đời sống đạo đức, văn hóa nước nhà được vững bền.

Thời đại Lý – Trần, vì sao dân giàu nước mạnh, bởi các vị vua đã dùng đạo đức Phật giáo và văn hóa dân tộc làm gốc rễ, bồi đắp cho nhân dân. Dân có đạo đức, an cư lạc nghiệp, đất nước thái bình, giặc ngoại xâm không xâm lấn được bờ cõi. Ngược lại, nguy hiểm luôn rình rập, lịch sử đã chứng minh như thế. HT. Mãn Giác (Huyền Không) từng viết những câu thơ như sau:

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu

 

Vì vậy làng tôi sống thái bình

Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm

Xây dựng tương lai xứ sở mình

Tối đến dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông.

(Trích Nhớ Chùa)

Vai trò của ngôi chùa như trái tim làng xã, là nơi dạy cho con người nếp sống đạo đức, tỉnh thức và thương yêu. Năm giới của Đạo Phật dạy cho con người những điều căn bản mà bất kỳ một xã hội nào, một quốc gia nào cũng cần đến: không giết chóc, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ (không dối trá, không nói lời đâm thọc, không nói lời thô ác, không nói lời thêu dệt hay phù phiếm vô ích), không say sưa nghiện ngập. Thập thiện của Đạo Phật dạy con người làm điều lành nơi thân, nơi miệng và giữ cho ý xa lìa tham, sân, si. Chỉ có vài phép tắc ngắn gọn mà vô giá, thế nên Phật hoàng Trần Nhân Tông là bậc giác ngộ đã từ bỏ thế gian để tu hành trên đỉnh núi Yên Tử, nhưng mỗi năm vẫn chống gậy xuống núi đi vào dân gian khuyên dân chúng tu năm giới, hành thập thiện, bỏ dâm từ. Tấm lòng bi mẫn của người con Phật không hề xa lìa chuyện thế gian. 

Mấy câu trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên gợi lên một nỗi buồn man mác:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Sự thiếu vắng của hình ảnh ông đồ bên phố khiến trong sâu thẳm tiềm thức dân tộc bị thiếu vắng. Nhưng điều đó là gì? Theo người viết, không phải chỉ là hình ảnh ông đồ. Trong những năm gần đây, có nhiều người thích chơi thư pháp trở lại. Ngày xuân đã có những nơi bày bán thư pháp, cho chữ. Đó là một tin vui của sự sống lại nét đẹp xưa nhưng vẫn còn nhiều thiếu vắng, thiếu những nếp nhà trên kính dưới nhường, biết thương yêu nhau, trọng tình làng nghĩa xóm, biết đủ mà an vui, đạo đức, nghĩa tình. Hồn dân tộc đơn sơ mà thuần khiết đang dần mất đi trong những nếp nhà. Con người trong nếp sống hối hả kiếm tiền, cầu danh lợi, chạy điểm, chạy bằng,… dần mất đi bản sắc văn hóa ông cha từ ngàn xưa, như trong Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) từng nói:  

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Trong Kinh Du Hành thuộc Trường A-hàm (tương đương Kinh Đại Bát Niết-bàn thuộc Kinh Trường Bộ) có kể lại sự việc vua A-xà-thế (Ajàtasattu) nước Ma-kiệt-đà (Magadha) phái đại thần Vũ Xá (Vassakara) đến thỉnh ý Đức Phật về việc ông muốn cất binh đánh xứ Bạt-ky (Vajjì). Đức Phật không trực tiếp trả lời với vị đại thần mà nói với Tôn giả A-nan (Ananda) về bảy điều sau [1]:

1. Nếu dân nước Bạt-ky thường nhóm họp bàn những sự việc chân chánh thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.    

2. Nếu người nước Bạt-ky vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

3. Nếu dân nước Bạt-ky thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ, thì nước đó càng thêm thịnh vượng và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

4. Nếu dân nước Bạt-ky thường hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng thì nước đó càng thêm thịnh vượng và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

5. Nếu dân nước Bạt-ky thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần (tôn kính Tổ tiên, tôn trọng văn hóa tín ngưỡng) thì nước đó càng thêm thịnh vượng và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

6. Nếu dân nước Bạt-ky thường giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy thì nước đó càng thêm thịnh vượng và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

7. Nếu dân nước Bạt-ky thường tôn thờ Sa-môn, kính trọng người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng biếng thì nước đó càng thêm thịnh vượng và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

Bảy lời dạy đó trong thời đại ngày nay càng thể hiện tính minh triết và giá trị vượt thời gian. Đó cũng là những điểm then chốt mà các vị vua – Phật tử và vua – Thiền sư đời Lý, đời Trần đã ra sức xây dựng và giữ gìn để dân giàu, nước mạnh. 

Trong những ngày xuân, ôn cố tri tân, chúng ta không phải chỉ nhìn vào những mặt tốt đẹp mà còn cần nhìn thẳng vào những gì chưa hay, chưa tốt, để có thể định hướng một năm mới với nhiều nỗ lực hơn, đóng góp nhiều hơn, sửa đổi chính chúng ta và lan tỏa đến những người thân một nếp sống thiện lành, trong sáng. Nếu điều phục được tâm mình, thắng nội ma và ngoại ma, thì sẽ được như Đức Điều Ngự Giác Hoàng từng dạy:

Thế số nhất tức mặc,

Thời tình lưỡng hải ngân.

Ma cung hồn quản thậm,

Phật quốc bất thắng xuân.

 

Dịch:

Số đời một hơi lặng

Tình trần hai biển trăng

Cung ma chi sá kể

Nước Phật xuân không cùng.

(Nguyễn Thế Đăng dịch)

Một khi tâm ma của ta và người đều được quản thúc thì mùa xuân Tịnh độ sẽ tràn đầy khắp nhân gian.

 

 

 

Chú thích:

[1] Tham khảo “Kinh Du Hành”, Kinh Trường A Hàm, Thích Tuệ Sỹ dịch, https://thuvienhoasen.org/a11161/02-kinh-du-hanh, truy cập ngày 28/12/2022.