Thư tòa soạn 407

Quý độc giả thân mến!

Đức Phật từ khi đản sinh, đến lúc xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết bàn đều gắn liền với gốc cây. Đối với chúng đệ tử cũng vậy, ban ngày tu tập dưới gốc cây, đêm đến lấy gốc cây làm nơi ngủ nghỉ… Đó là thông điệp rõ ràng, sống động mà Đức Phật muốn chuyển tải đến mọi người: Hãy sống hòa hợp với thiên nhiên.

Thuyết Duyên khởi cho rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường. Tất cả các dạng sống trên vũ trụ là các thực thể bình đẳng trong tự nhiên và sự sống của tất cả con người, động vật, thực vật trên thế giới đều có quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và phát triển tương quan với nhau. Do đó, nhân loại không thể sống tách mình khỏi vạn vật và thiên nhiên.

Học thuyết Duy thức trong Phật giáo cũng chỉ ra tâm thức con người gắn liền chặt chẽ với sông ngòi, núi rừng và đất đai. Vì vậy, môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của mọi dạng sống trên Trái Đất và dẫn tới khổ đau cho nhân loại. Giáo lý nhà Phật còn dạy con người phải biết sống theo Tứ vô lượng (từ, bi, hỷ, xả), biết giữ “ngũ giới” và biết làm “thập thiện”. Lối sống nhân văn, nhân đạo răn dạy mỗi người phải ứng xử hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng sinh mệnh vạn vật, từ những loài nhỏ nhất như cây cỏ, côn trùng.

Nhân ngày Trồng cây Thế giới (21/3) do Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc phát động từ năm 2013, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 407 có chủ đề “Phật giáo và bảo vệ môi trường”, để tất cả cùng nhìn lại mối quan hệ gắn bó giữa con người với tự nhiên. Đồng thời, giúp chúng ta hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống để chung tay với cộng đồng bảo vệ môi trường và sự an nguy của Trái Đất.

Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo