Sự phát triển trong công tác Hoằng pháp của Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (TT.TS. Thích Minh Nhẫn)

LTS: Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong sáu Ban ngành được thành lập đầu tiên, thể hiện rằng công tác hoằng dương Phật pháp là một việc rất đỗi quan trọng. Bài viết giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981 đến nay, điểm lại một số thành tựu tiêu biểu và vận hội mới. Bên cạnh đó, bài viết cũng báo cáo đến quý độc giả thông tin về Lễ Tốt nghiệp Cao – Trung cấp Giảng sư khóa X (2019-2022) do Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức vào ngày 07/4/2023 tại Văn phòng 2, Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi nghĩa, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Nhân sự kiện này Ban biên tập xin trân trọng với thiệu bài viết về những thành tựu của ngành hoằng pháp đến quý độc giả.

Trong thời đại toàn cầu hóa, trước sự du nhập của làn sóng văn hóa nước ngoài, vàng thau lẫn lộn, Phật giáo luôn được xem là yếu tố quan trọng cấu thành bản sắc văn hóa dân tộc ta. Công tác Hoằng pháp của Giáo hội đứng trước những thời cơ và thách thức nhất định.

Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, Phật giáo Việt Nam với mong muốn của toàn thể Tăng, Ni Phật giáo đồ trong cả nước vào ngày 4 – 7/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thống nhất Đại biểu Phật giáo Việt Nam, thành lập nên một Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã hình thành từ đó, các Ban trực thuộc GHPGVN cũng được thành lập.Ban Hoằng pháp Trung ương là một trong 6 Ban ngành được thành lập đầu tiên. Ban Hoằng pháp Trung ương là ngành mũi nhọn của Giáo hội thời bấy giờ, là ngành đi đầu trong việc truyền bá chánh pháp đến đồng bào Phật tử trong cả nước.

Khi Giáo hội mới vừa thành lập, lúc bấy giờ Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng (đương vi Đệ tứ Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN) còn là TT. Thích Trí Quảng được suy cử đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương. Ngài là vị Thượng tọa trẻ tuổi nhất đảm trách vai trò Trưởng một đầu ngành quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.

Sau Đại hội, Thượng tọa Thích Trí Quảng – Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương đã mời thêm quý vị cộng tác để thành lập Ban Hoằng pháp lúc bấy giờ. Có thể nói, từ Ban Hoằng pháp đầu tiên này, đã tạo nên nền tảng cho các Ban Hoằng pháp Trung ương cũng như Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành trong cả nước hoạt động thành tựu, ổn định và phát triển suốt hơn 40 năm qua.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BAN HOẰNG PHÁP TRUNG ƯƠNG

Sau khi đảm trách vai trò Trưởng ban Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, lúc bấy giờ Ban Hoằng pháp còn non trẻ, Hòa thượng đã thành lập các đạo tràng Pháp Hoa Ban Hoằng pháp Trung ương. Đặc biệt là tổ chức thuyết giảng tại các giảng đường tại TP. HCM như Xá Lợi, Ấn Quang…

Thứ đến, Ban Hoằng pháp Trung ương được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN phân công diễn giảng tại các Hạ trường trong cả nước. Qua thực tế thuyết giảng, Ban Hoằng pháp Trung ương đã kết hợp với Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN, mỗi năm trước mùa An cư Kiết hạ đều tổ chức khóa bồi dưỡng Giảng sư Trung ương và các tỉnh, thành. Đề ra chương trình thực tập diễn giảng tại các Hạ trường để phát hiện các nhân tố Tăng, Ni trẻ tích cực. 

Qua 2 nhiệm kỳ, tổ chức và thực tập diễn giảng. Đến năm 1994, Ban Hoằng pháp Trung ương kết hợp với Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN mở ra các khóa đào tạo giảng sư “khóa Thiện Hoa và Trí Thủ” để đào tạo Tăng, Ni giảng sư của Giáo hội. Mỗi khóa học được diễn ra trong thời gian 3 năm, đến năm 2001 chính thức mở khóa Cao – Trung cấp Giảng sư trực thuộc Ban Hoằng pháp Trung ương. Cho đến nay, tại khu vực phía Nam đã tổ chức được 12 khóa, khu vực phía Bắc tổ chức 2 khóa, tổng số Tăng, Ni tốt nghiệp khóa Thiện Hoa, Trí Thủ và Cao – Trung cấp giảng sư theo số liệu thống kê gần đây là hơn 1.000 vị Giảng sư.

Từ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, VIII và IX, HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, được suy cử chức vụ Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương nhiệm kỳ VI (2007-2012), nhiệm kỳ VII (2012-2017), nhiệm kỳ VIII (2017-2022) và nhiệm kỳ IX (2022-2027).

Trong suốt 20 năm từ nhiệm kỳ I đến nhiệm kỳ V, HT. Thích Trí Quảng với vai trò là Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương đã đem hết tâm lực và trí lực phát triển ngành Hoằng pháp được Trung ương Giáo hội đánh giá là một trong những ngành nổi bật nhất, đã dấy lên được phong trào học Phật, tạo nên một sinh khí mới cho Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam lúc bấy giờ, đóng góp rất nhiều công sức trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh cho Giáo hội phát triển như ngày nay. 

Đến nhiệm kỳ VI, do nhu cầu của Trung ương Giáo hội, nên HT. Thích Trí Quảng đã chuyển sang đảm trách vai trò khác trong Giáo hội, chuyển giao nhiệm vụ Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương cho HT. Thích Bảo Nghiêm đảm trách.

TẬP TRUNG ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC HOẰNG PHÁP TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Từ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, VIII và IX, HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, được suy cử chức vụ Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương nhiệm kỳ VI (2007-2012), nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) và nhiệm kỳ IX (2022 – 2027).

Với vai trò và nhiệm vụ mới, HT. Thích Bảo Nghiêm cùng chư Tôn thiền đức trong Ban Hoằng pháp Trung ương thừa hưởng nền tảng hoằng pháp của HT. Thích Trí Quảng đã đưa Ban Hoằng pháp Trung ương đến giai đoạn mới đó là giai đoạn hội nhập và phát triển.

Mỗi năm 2012, 2013, 2014, 2020 vào mùa An cư Kiết hạ, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức các phái đoàn cùng nam nữ Phật tử đến cúng dường và thuyết giảng các trường Hạ tại các tỉnh, thành trong cả nước. Tổ chức các khóa tu mùa hè và hội trại hè cho thanh thiếu niên Phật tử. Tham gia chương trình tiếp sức mùa thi, tổ chức lễ Vu lan, tết Trung thu…

Kênh Phật Sự Online đã kết hợp cùng Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức nhiều buổi tập huấn về Nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0, tổ chức 6 khóa Hội nghị triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Hoằng pháp thời đại mới” cho chư Tăng, Ni Ban Hoằng pháp của 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Để hội nhập với thế giới, Ban Hoằng pháp Trung ương đã mở ra nhiều cuộc hội thảo toàn quốc và khu vực, cũng như bồi dưỡng Hoằng pháp viên Phật tử như: Tổ chức các khóa bồi dưỡng, hội thảo Hoằng pháp, tập huấn Hoằng pháp viên cho các giảng sư. Ngoài ra, Phân ban Hoằng pháp Hải ngoại còn tổ chức các chuyến hoằng pháp ở các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Đại Dương, Bắc Mỹ và châu Âu.

Phân ban Thông tin Truyền thông của Ban Hoằng pháp Trung ương phối hợp cùng Tổ Thông tin tuyên truyền Văn phòng Trung ương Giáo hội xây dựng kênh Phật Sự Online vào ngày 10/5/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép số 84/GP-TTĐT cho phép thành lập trang thông tin điện tử Phật Sự Online trực thuộc Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật Sự Online có nhiệm vụ thông tin về hoạt động của Giáo hội và tổng hợp những thông tin liên quan đến Phật giáo trên cả nước và nước ngoài. Kênh đã hoạt động xuyên suốt từ ngày 28 tháng 03 năm 2018 đến nay. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch bệnh Covid-19, kênh đã nỗ lực hết mình để đưa tin tức Phật sự, các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh và các sự kiện truyền hình trực tiếp thuyết giảng, video thuyết giảng của chư Tôn đức Giảng sư đến cộng đồng. Kênh Phật Sự Online đã kết hợp cùng Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức nhiều khóa tập huấn về nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0, tổ chức 6 khóa hội nghị triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Hoằng pháp thời đại mới” cho chư Tăng, Ni thuộc Ban Hoằng pháp của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Các chương trình đã hướng dẫn cho chư Tôn đức Tăng, Ni các tỉnh, thành ứng dụng hệ thống tạo phòng họp trực tuyến nội bộ, thiết lập hệ thống dạy học trực tuyến trên website, sử dụng thuần thục công nghệ tổ chức mở các buổi họp, phòng học trực tuyến nội bộ giữa các thành viên ngay trên điện thoại, máy tính bảng, máy tính và các thiết bị nghe nhìn thông minh. Đồng thời, truyền phát các buổi dạy học, pháp thoại, pháp đàm online lên không gian mạng, với hình thức thiết kế theo sở thích riêng và có thể kiểm soát được người tiếp cận,  xây dựng thành công trang hoangphaponline.com và hocphatonline.com.

Đào tạo nhân lực hoằng pháp là nội dung cực kỳ quan trọng, vì vậy, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức các khóa bồi dưỡng, hội thảo khu vực và toàn quốc để bồi dưỡng cho chư Tăng, Ni giảng sư trong việc truyền trao kiến thức Phật học, tập huấn Hoằng pháp viên Phật tử. Có thể kể đến như:

– Năm 2009: Tổ chức khóa Bồi dưỡng, Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc và Tập huấn hoằng pháp viên tại TP. Đà Nẵng.

– Năm 2010: Hội thảo toàn quốc tại tỉnh Kiên Giang.

– Năm 2011: Hội thảo toàn quốc tại tỉnh Bình Dương.

– Năm 2015: Hội thảo toàn quốc tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.  

– Tổ chức Hội thảo Hoằng pháp khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại tỉnh Khánh Hòa từ 28 – 30/9/2018 với chủ đề “Hoằng pháp trong thời đại mới”. Có trên dưới 400 đại biểu tham dự là đại diện của Ban Hoằng pháp 15 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên.

– Khóa bồi dưỡng Hoằng pháp và tuyên truyền Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2019 tại tỉnh Hà Nam.

– Hội thảo Hoằng pháp và tập huấn Hoằng pháp viên Phật tử khu vực miền Nam và 6 tỉnh, thành phía Bắc, tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng với chủ đề: “Sứ mệnh Hoằng pháp thời công nghệ số và trọng trách xây dựng niềm tin vững chắc cho cư sĩ Phật tử” ngày 01/4/2019. Hội thảo khai mạc tại giảng đường trường Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng; Hội thảo chuyên đề tại 3 hội trường của 3 khách sạn (Mường Thanh, Sài Gòn và  Bavico Plaza), Hoằng pháp viên Phật tử tại giảng đường trường Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng, Hội thảo đã được thành tựu viên mãn.

– Chương trình tọa đàm với chủ đề “Sứ mệnh Hoằng pháp thời đại mới” vào ngày 26/12/2020 tại Trung tâm Văn hóa – Hội nghị Phật giáo của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, nhằm tạo kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội và truyền thông mạng trong công tác Hoằng pháp của thời đại kỷ nguyên số.

Ở phía Bắc, trong nhiệm kỳ VIII, Ban Hoằng pháp Trung ương đã mở thêm một cơ sở đào tạo giảng sư đặt tại chùa Vạn Phúc (Sóc Sơn, TP. Hà Nội) dành cho khu vực phía Bắc. Cơ sở khai giảng vào ngày 16/10/2018, niên khóa (2018-2021) với số lượng Tăng, Ni tham dự là 150 vị tham gia khóa học. Đến ngày 21/4/2022, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp khóa I cho 76 vị và khai giảng khóa II lớp đào tạo Cao cấp Giảng sư cho 99 vị tại khu vực phía Bắc. 

Ở phía Nam, cơ sở đào tạo Giảng sư đặt tại chùa Hòa Khánh (Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh). Trong nhiệm kỳ VIII, Phân ban đào tạo giảng sư phía Nam đã tổ chức tốt nghiệp cho 2 khóa, với 169 Tăng, Ni tốt nghiệp. Phân ban đào tạo Giảng sư phía Nam tiếp tục chương trình đào tạo Giảng sư các khóa XI, khóa XII, số lượng Tăng, Ni đang theo học là 184 vị, tiếp tục thông báo chiêu sinh khóa XIII (2023-2026).

Ngày 06-07/4/2023, Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN tổ chức lễ Tốt nghiệp Cao – Trung cấp Giảng sư khóa X (2019-2022) tại Văn phòng 2, Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi nghĩa, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội và 300 – 400 đại biểu tham dự buổi lễ.

Trong nhiệm kỳ VIII, thống kê cả nước có 1.075 giảng sư, 2.724 đạo tràng, 150.878 buổi giảng, 12.133.903 vị tham gia sinh hoạt tu tập.

Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, đã đóng góp rất nhiều Phật sự góp phần cho sự trang nghiêm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã được Thủ tướng tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng Huân chương như:

– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011;

– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017;

– Huân chương Lao động hạng ba năm 2021.

– Nhiều bằng Tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Để thành tựu được những Phật sự to lớn của Ban Hoằng pháp Trung ương từ những nhiệm kỳ đầu là nhờ sự dấn thân hoằng dương chánh pháp của HT. Thích Trí Quảng, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương và sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội. Hòa thượng là người đặt nền tảng cho Ban Hoằng pháp Trung ương phát triển như ngày hôm nay.

Tiếp theo là thời kỳ hội nhập và phát triển, để có được sự thành tựu như ngày nay là nhờ sự chỉ đạo của HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN và sự lãnh đạo khéo léo của HT. Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương. Đồng thời là sự đóng góp vô cùng to lớn của chư Tôn đức trong Ban đã giúp cho Ban Hoằng pháp Trung ương phát triển đến tầm cao mới.

THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC

Trong thời đại toàn cầu hóa, trước sự du nhập của làn sóng văn hóa nước ngoài, vàng thau lẫn lộn, Phật giáo luôn được xem là yếu tố quan trọng cấu thành bản sắc văn hóa dân tộc ta. Công tác Hoằng pháp của Giáo hội đứng trước những thời cơ và thách thức nhất định.

Đất nước Việt Nam được ổn định, hòa bình và phát triển như ngày hôm nay là công sức của hàng triệu người suốt nhiều thế hệ. Phật giáo Việt Nam đóng góp phần sức lực mình vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp. Thật vậy, nhờ điều kiện đất nước được giữ ổn định, đời sống của Tăng Ni, Phật tử ngày một nâng cao. Phương tiện tu học được dồi dào với sách vở, mạng xã hội giúp mọi người dễ tiếp cận tài liệu học tập. Cơ sở tu học được duy trì và phát triển. Như vậy là thuận duyên rất lớn cho chư Tăng, Ni và Phật tử.

Có thể nói, sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi cuộc sống, tầm nhìn và sinh hoạt của xã hội, kể cả đối với chư Tôn đức Tăng Ni, cư sĩ. Việc sử dụng thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại như smartphone, mạng xã hội, E-mail, website, hệ thống lưu trữ dữ liệu đám mây… hứa hẹn khả năng tiếp cận thông tin và con người một cách nhanh chóng, tiết kiệm. Biên giới về địa lý gần như bị xóa nhòa để chúng ta có thể thực hiện công tác hoằng pháp với mọi người ở bất kỳ nơi đâu. Nhưng cũng cần cẩn trọng bởi khi chúng ta tiếp xúc với những căn tính văn hóa đặc thù, cần am hiểu họ và văn hóa, đặc điểm vùng miền để nâng cao hiệu quả hoằng pháp.

Bên cạnh đó, cần thấy công tác hoằng pháp phải phát triển hơn về chiều sâu, bởi vì trình độ kiến thức của người dân đã nâng cao hơn nhiều so với trước đây. Nhu cầu thính pháp của Phật tử vừa dồi dào về lượng, vừa yêu cầu cao về chất. Họ đến không chỉ để nghe những kiến thức Phật pháp phổ biến, đã biết, mà còn cần được chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm hành trì cũng như những pháp ngữ đậm tính khai mở nguồn tuệ giác. Họ rất cần những nhà hoằng pháp thực tu, mỗi lời giảng đều là pháp ngữ, chứ không chỉ quan tâm đến kỹ năng, nghệ thuật diễn giảng, kiến thức thế gian. Đội ngũ Giảng sư hiện nay vẫn còn mỏng, còn cần được đào tạo thêm, nâng cao chất lượng và số lượng để có thể công tác tốt và thâu nhiếp được mọi tầng lớp.

Đối với người tu sĩ, sự dồi dào về đời sống vật chất, tinh thần vừa là thuận duyên vừa là nghịch duyên, thách thức trong đời sống tu tập. Mỗi người có khả năng đối trị tham ái khác nhau tùy theo công hạnh tu tập mà thành. Do đó, chư Tăng Ni phải hết sức giữ gìn giới luật để bản thể Tăng đoàn được thanh tịnh, hỗ trợ đắc lực cho công tác hoằng pháp. Chính nhờ đối trị được tham ái trong hoàn cảnh dồi dào vật chất mà chư Tăng, Ni có đủ kinh nghiệm để chia sẻ phương pháp đối trị tham ái cho Phật tử.

Thiết nghĩ, để nhiệm vụ hoằng pháp vươn lên tầm cao mới, ngoài duy trì thế mạnh hiện có, cần chú trọng đào tạo về kiến thức, phẩm chất và số lượng Giảng sư hoằng pháp học và tu song hành, có khả năng thuyết giảng tốt và có năng lực thực hành giáo pháp của Đức Phật. Cần có chủ trương chỉ đạo, vận động, quan tâm hơn nữa về cơ sở mặt bằng, về công tác đào tạo, về tiêu chí hoằng pháp để hoạt động được nhiều thuận duyên hơn nữa, từng bước tiến đến thành lập một học viện chuyên ngành Hoằng pháp. Công tác Hoằng pháp tiến hành tốt sẽ hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu tập đúng với chánh pháp của Đức Phật, phù hợp với đường lối, chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

 

 

 

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn – Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN.