Lời khai mạc Hội thảo của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (HT.Thích Giác Toàn)

            Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

            Kính bạch chư tôn thiền đức,

            Kính thưa quý vị đại biểu có mặt tại hội thảo,

            Khi đạo Phật vào Việt Nam được nhân dân Việt Nam tiếp nhận, từng bước hòa quyện với tín ngưỡng dân gian Việt Nam, góp phần hình thành nên nền văn hóa Việt Nam. Từ đó, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, để lại dấu ấn sâu đậm, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế – xã hội, nhất là đời sống tinh thần trong nhân dân. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc, tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo đã và luôn được phát huy vì nền độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân, và dòng thiền Chúc Thánh cũng theo dòng chảy ấy.

            Trong “Pháp Bảo Đàn kinh”, bài kệ tụng phần sau của phẩm Bát nhã có viết: “Phật pháp tại thế gian/ Bất ly thế gian giác/ Ly thế mích Bồ đề/ Kháp như cầu thố giác”. Nghĩa là: “Phật pháp nơi thế gian/ Không lìa thế gian giác/ Lìa thế tìm Bồ đề/ Giống như tìm sừng thỏ”.

            Ở đây, Lục Tổ Huệ Năng muốn nhấn mạnh tinh thần nhập thế của đạo Phật, bởi tìm cầu Phật pháp phải ngay trong thế gian này. Phật pháp không phải là một thế giới khác hoặc một sản vật trong cảnh giới tách rời khỏi xã hội thế tục. Không thể chấp trước vào sự phân chia tuyệt đối hóa giữa thế gian và xuất thế gian, rời khỏi thế gian để tìm cầu sự giác ngộ trong Phật giáo là việc không có kết quả. Và với tinh thần ấy, qua sự thăng trầm của lịch sử dân tộc đã cho thấy Phật giáo Việt Nam luôn vì lợi lạc nhân sinh, tích cực trong các hoạt động của nhân sinh để lan tỏa tình yêu thương cho con người và vì con người.

            1- Cơ duyên xuất kệ truyền thừa trên đất Việt

            Vì để tránh chúa Trịnh Tùng hãm hại, năm 1600, Nguyễn Hoàng giả cách nói đi dẹp loạn, rồi tự dẫn binh về Thuận Hóa. Từ đấy, đất nước phân biệt Đàng Trong, Đàng Ngoài. Về đời sống vật chất, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng hậu duệ đã có những chính sách hiệu quả để phát triển vùng đất mới và mở rộng lãnh thổ hơn nữa về phía Nam. Về đời sống tinh thần, chúa Tiên Nguyễn Hoàng và hậu duệ đã chọn đạo Phật làm nơi nương tựa. Chùa Thiên Mụ được chúa Tiên Nguyễn Hoàng khởi lập từ năm Tân Sửu (1601), vừa là nơi thờ Phật vừa là “từ đường” của chúa Nguyễn.“Ông nhơn đức và mộ đạo Phật, xây cất nhiều chùa, mở đường cho các vị chúa và nhơn dân sau này tin mộ đạo Phật”(1). Qua các đời chúa Nguyễn, nhiều thiền sư Trung Hoa đến Đại Việt hoằng dương chánh pháp. Theo tác giả Việt Nam Phật giáo sử lược thì “cùng qua với Nguyên Thiều có các thiền sư Minh Hành Tại Tại, Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Trí”(2). Và “Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, người Phúc Kiến, là người khai sơn chùa Chúc Thánh Quảng Nam. Tương truyền ông từ Quảng Đông được Nguyên Thiều mời qua Đại Việt trong thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687- 1691) và sau khi tham dự giới đàn tại chùa Linh Mụ (tức chùa Thiên Mụ), ông vào Quảng Nam dựng chùa này (…) Thiền sư Pháp Bảo có để lại bài kệ truyền pháp sau đây: “MINH THIỆT PHÁP TOÀN CHƯƠNG/ ẤN CHƠN NHƯ THỊ ĐỒNG/ CHÚC THÁNH THỌ THIÊN CỬU/ KỲ QUỐC TỘ ĐỊA TRƯỜNG/ ĐẮC CHÍNH LUẬT VI TUYÊN/ TỔ ĐẠO HẠNH GIẢI THÔNG/ GIÁC HOA BỒ ĐỀ THỌ/ SUNG MÃN NHƠN THIÊN TRUNG”. Dịch: “Hiểu thấu pháp chân thực/ Ấn Chân Như hiện tiền/ Cầu Thánh quân tuổi thọ/ Chúc đất nước vững bền/ Giới luật nêu trước tiên/ Giải và Hạnh nối liền/ Hoa nở cây giác ngộ/ Hương thơm lừng nhân thiên””(3).

            Từ đó, Thiền phái Chúc Thánh ra đời tính đến nay hơn 300 năm, truyền thừa khoảng 13-14 thế hệ. Ngài Minh Hải – Pháp Bảo trở thành Sơ Tổ dòng thiền Chúc Thánh.

            Theo Chánh truyền trực hệ Thích Ca Mâu Ni Phật, đến đời thứ 38, Thiền sư Lâm Tế – Nghĩa Huyền (787-867), hội đủ cơ duyên xuất kệ truyền thừa, khai tông Lâm Tế. Và đến đời thứ 21 tông Lâm Tế, Thiền sư Vạn Phong – Thời Ủy (1303-1381), đủ cơ duyên xuất kệ truyền pháp với bài kệ: “Tổ Đạo Giới Định Tông/ Phương Quảng Chứng Viên Thông/ Hạnh Siêu Minh Thiệt Tế/ Liễu Đạt Ngộ Chơn Không”(4). Ngài Minh Hải – Pháp Bảo thọ giới theo dòng thiền này cho đến lúc xuất kệ truyền pháp dòng thiền Chúc Thánh ở Quảng Nam.

            2- Những danh tăng làm rực sáng thêm ngọn đèn thiền

            Hơn 300 năm hình thành và phát triển, các tăng nhân dòng thiền Chúc Thánh đã thực hiện bổn phận trách nhiệm của người con Phật đối với Tam bảo, đối với xã hội và nhân quần. Bổn phận trách nhiệm đó là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Và dường như thời nào, đời nào, dòng thiền Chúc Thánh cũng có những danh tăng làm rực sáng thêm ngọn đèn thiền, như: Hòa thượng Thiệt Dinh – Chánh Hiển – Ân Triêm, Hòa thượng Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác, Hòa thượng Toàn Nhâm – Vi Ý – Quán Thông, Hòa thượng Chương Tư – Tuyên Văn – Huệ Quang, Hòa thượng Ấn Bổ – Tổ Nguyên Vĩnh Gia, Hòa thượng Chơn Pháp – Đạo Diệu – Phước Trí, v.v…

            Hòa thượng Ấn Bổn – Tổ Nguyên – Vĩnh Gia (1840-1918) thường căn dặn hàng môn đồ rằng: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, nếu phá giới phải hoàn lại y bát, ra khỏi già lam, để cho trong đục rõ ràng, tà chánh phân minh. Có vậy nước Thiền định mới khai thông, đèn Tri giác thêm sáng tỏ…”(5); Hòa thượng Như An – Giải Hòa – Huyền Quang, để lại cho đời một số tác phẩm: “Thiên môn chánh độ, Sư tăng và thế nhân, Nghi cúng chư Tổ và chư vị Cao tăng, Đạo tràng công văn tân soạn, Thiếu thất lục môn, Phật pháp hàm thụ, Pháp sự khoa nghi, Nghi thức cúng giao thừa, Phật pháp áp dụng trong đời sống hằng ngày, v.v.”(6); Hòa thượng Toàn Nhật – Quang Đài “là một trong những vị để lại nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm nhất. Hiện tại, chúng ta còn biết một số tác phẩm của Ngài rất có giá trị như: Hứa Sử Truyện Vãn, Tham Thiền Vãn, Thiền Cơ Yếu Ngữ Vãn, v.v.”(7). Khi làm “Toàn tập Toàn Nhật – Quang Đài”, GS-TS Lê Mạnh Thát nhận xét: “Toàn Nhật là một trong những nhà văn, nhà thơ lớn của lịch sử văn học dân tộc ta, là một nhà tư tưởng có những quan điểm độc đáo đầy sáng tạo đối với lịch sử tư tưởng Việt Nam”(8); Hòa thượng Thị An – Hành Trụ – Phước Bình “có công lớn trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài và truyền thừa chánh pháp qua việc phiên dịch, ấn hành nhiều kinh luật phổ biến với các tác phẩm để lại: Sa-di luật giải, Quy Sơn cảnh sách, Tứ phần giới bổn như thích, Phạm Võng Bồ tát giới, Kinh A Di Dà sớ sao, Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên, Kinh Hiền Nhân, Kinh Trừ Khủng Tai Hoạn, Tỳ kheo giới kinh, Khuyến phát Bồ đề tâm văn, Long Thơ Tịnh Độ, Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư, Nghi thức lễ sám, Kinh Thi Ca La Việt, Sự tích Phật giáng thế”(9), v.v…

            Đặc biệt, Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897-1963), pháp danh Thị Thủy, đệ tử đời thứ 9 Thiền phái Chúc Thánh. Trang mạng Bách khoa toàn thư mở, cho biết Ngài “đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là ngã tư đường Cách mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM) vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, nhằm tỏ thái độ không đồng tình trong việc bất bình đẳng tôn giáo của chính quyền Sài Gòn.

            Tấm ảnh chụp Ngài tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ đệ nhất cộng hòa. Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam, một người sau được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, thi hài của Ngài đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của Ngài thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng trắc ẩn, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn Ngài thành một vị Bồ tát, làm tăng sức ảnh hưởng của vụ tự thiêu lên dư luận”(10).

            Theo Phật giáo, với người tu hành thì hình hài hiện tại chỉ là hình hài giả tạm do các duyên giả hợp mà có, nên việc thiêu thân cũng là cách cúng dường chư Phật. Và ngọn lửa từ bi Thích Quảng Đức đã soi tâm ác độc của bạo quyền, giúp họ phát sinh lòng từ, mà ngưng tay đàn áp tôn giáo, lương dân vô tội.

            Phóng viên David Halberstam viết trên tờ New York Times khi chứng kiến giây phút Hòa thượng Thích Quảng Đức dùng ngọn lửa từ bi của mình để thức tỉnh những người tôn vinh cái xấu, cái ác: “Tôi lại thấy cảnh đó thêm lần nữa, nhưng một lần là đủ lắm rồi. Ngọn lửa phun ra từ một con người; thân thể ông cháy héo khô dần và teo nhăn lại, đầu của ông đen dần và hóa than. Trong không khí thoảng mùi cháy khét của thịt người; loài người có thể cháy nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Từ phía sau tôi có thể nghe tiếng thổn thức của những người Việt giờ đang tụ tập. Tôi đã quá sốc để khóc, quá bối rối để ghi chép hay đặt câu hỏi, quá ngỡ ngàng để cả suy nghĩ… Khi cháy, ông ấy không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào, sự điềm tĩnh của ông thật trái ngược với cảnh những người đang rền rĩ khóc than xung quanh”11.

            Hành động của Bồ tát Quảng Đức một mặt “nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật”, mặt khác nhằm mục đích “hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo”, đã thức tỉnh lương tri của nhiều người trong nước và trên thế giới. Thực tế cho thấy ngọn lửa từ bi của Bồ tát Thích Quảng Đức có khả năng soi sáng lương tâm như ngọn đuốc trí tuệ. Bằng ngọn lửa từ bi, trái tim từ bi của Bồ tát Thích Quảng Đức trở thành “xá lợi trái tim” đầu tiên và duy nhất về thể loại này, bất diệt với thời gian, biểu tượng của tình thương chiến thắng bạo tàn, trí tuệ chiến thắng gian ngụy.

            Ngọn lửa từ bi của Ngài soi sáng những tăng sĩ chúng ta trên bước đường tu tập. Người xuất gia cần phải có niềm tự giác mãnh liệt, chí giải thoát dứt khoát, tự ý thức được rằng lửa vô thường đang cháy, vũ trụ là tướng bại hoại, bất an. Con đường tu tập tất yếu của một tăng sĩ không ngoài con đường tăng tiến và kiện toàn tam vô lậu học: Giới – Định – Tuệ. Vậy nên đời sống tinh thần của người xuất gia được viên mãn hay không đều nhờ vào sự thành tựu của Giới. Đây cũng là điều Sơ Tổ Minh Hải – Pháp Bảo nhắc nhở trong bài kệ truyền pháp hơn 300 năm qua: “Giới luật nêu trước tiên”.

            Hơn 300 năm qua, dòng thiền Chúc Thánh đã có lớp hậu duệ như thế, và chắc sẽ hơn thế.

            Kính bạch chư tôn thiền đức,

            Kính thưa quý vị,

            Hôm nay, chúng ta đã hội đủ cơ duyên cùng ngồi lại với nhau tại Tổ đình Chúc Thánh, nơi Ngài Minh Hải – Pháp Bảo cắm thiền trượng, xuất kệ truyền thừa dòng thiền mới ở xứ Đàng Trong nước Đại Việt, nay là TP Hội An, tỉnh Quảng Nam – Thành phố được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1999, không chỉ để tưởng niệm chư Tổ, mà còn cùng với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa – những người có tấm lòng với Phật giáo nói chung, với Thiền phái Chúc Thánh nói riêng – nhìn lại chặng đường hoằng pháp đã qua của các thế hệ tăng nhân dòng thiền Chúc Thánh. Từ đó, Thiền phái Chúc Thánh cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam đúc rút kinh nghiệm, nhìn ra hướng đi mới trên bước đường tu tập, hoằng dương chánh pháp trong thời kỳ mới, thời đại khu vực hóa, toàn cầu hóa với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thích ứng với những nhu cầu của xã hội hiện đại, nhằm gắn liền Đạo với Đời trên tinh thần “Phật pháp tại thế gian/ Bất ly thế gian giác” để “Hộ quốc an dân”, và theo đúng hướng hành đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

            Với tư cách đơn vị đồng tổ chức, chúng tôi tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh – Lịch sử hình thành và phát triển”.

            Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp./

 

 

 

           – Chú Thích: 

  1. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Các Phật học viện và các chùa xuất bản, Sài Gòn mùa Đông năm Giáp Dần (1974), trang 145.
  2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học, H, 2011, trang 589.
  3. Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, sđd, trang 593-594.
  4. Tỳ kheo Thích Xương Tâm, Thế thứ truyền thừa các tông phái Phật giáo, NXB Tôn giáo, H, 2019, trang 14.
  5. Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009, trang 163.
  6. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 314.
  7. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 345.
  8. Dẫn theo Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 346.
  9. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 448-449.

           TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

       1- https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Quảng_Đức

       2- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học, H, 2011.

       3- Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009.

       4- Tỳ kheo Thích Xương Tâm, Thế thứ truyền thừa các tông phái Phật giáo, NXB Tôn giáo, H, 2019.

       5- Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Các Phật học viện và các chùa xuất bản, Sài Gòn mùa Đông năm Giáp Dần (1974).