Kính thưa Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học!
Thưa toàn thể hội thảo!
Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh do Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo (1670-1746) thành lập từ thế kỷ XVIII tại Tổ đình Chúc Thánh, Quảng Nam, đến nay đã có trên 300 năm hình thành và phát triển với khoảng 13-14 đời truyền thừa. Trong hơn 300 năm ấy, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã không ngừng phát triển ra khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam, miền Bắc và cả nước ngoài. Trong quá trình đó, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã có nhiều đóng góp cho lịch sử Phật giáo Việt Nam, cho đạo pháp, dân tộc và văn hóa Việt Nam, góp phần đào tạo ra nhiều vị thiền sư, danh tăng của Phật giáo Việt Nam, xây dựng được hàng trăm, hàng ngàn ngôi chùa và tự viện, góp phần phục hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII, đồng thời, cùng với các dòng thiền khác như Lâm Tế Gia phổ, Tào Động, Lâm Tế Liễu Quán, v.v… tạo nên bức tranh phong phú, sinh động của Phật giáo Việt Nam, góp phần tạo nên bản sắc của Phật giáo Việt Nam.
Để hiểu thêm về bối cảnh ra đời, quá trình phát triển của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, chúng ta cần phải trở về bối cảnh lịch sử ở Đàng Trong thế kỷ XVII. Đây là giai đoạn các chúa Nguyễn không chỉ phải lo phát triển kinh tế, tăng cường quân sự, chiến tranh chống lại Đàng Ngoài, mà còn phải lo yên lòng dân. Chính vì vậy, giai đoạn này các chúa Nguyễn rất cần Phật giáo để ổn định xã hội. Vào thế kỷ XVII, dưới sự ủng hộ của các chúa Nguyễn, nhiều vị thiền sư Trung Hoa đã sang hoằng hóa tại Đàng Trong. Cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận cho biết, nhiều vị thiền sư Trung Hoa như Viên Cảnh, Viên Khoan (ở Quảng Trị), Minh Hoằng (khai sơn chùa Ấn Tôn, Thuận Hóa), Giác Phong (khai sơn chùa Thiên Thọ, Thuận Hóa), Từ Lâm (khai sơn chùa Từ Lâm, Thuận Hóa), Hưng Liên (trụ trì chùa Tam Thai, Quảng Nam), Pháp Hóa (khai sơn chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi), Nguyên Thiều (khai sơn chùa Thập Tháp Di Đà, Bình Định)(1), Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán khai sơn chùa Thiền Lâm (Thuận Hóa)… Trong số này, có thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, khai sơn chùa Chúc Thánh (Quảng Nam). Thiền sư Minh Hải (1670 -1746) thế danh Lương Thế Ân, sinh năm Canh Tuất (1670) năm Khang Hy thứ 8, triều nhà Thanh, tại làng Thiệu An, Huyện Đồng An, phủ Tuyên Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Thiền sư là đời thứ 34 Thiền phái Lâm Tế. Khi được Thiền sư Nguyên Thiều mời, Thiền sư Minh Hải đã nhận lời sang Việt Nam hoằng hóa. Sau một thời gian hoằng hóa tại Đàng Trong, dù đã có ý định trở về Trung Hoa, nhưng do những cơ duyên và sự cảm mến trước cảm tình đối với Phật giáo của người dân nơi đây, Thiền sư quyết định ở lại, ngài dựng thảo am tu tập, giảng kinh thuyết pháp, đào tạo đệ tử. Bằng uy tín và lòng nhiệt tình của vị thiền sư uyên thâm Phật pháp, hết lòng vì sự nghiệp hoằng pháp, lợi sinh, rất đông quần chúng nhân dân xứ Quảng đã đến quy y với Hòa thượng. Từ ngôi thảo am thuở ban đầu, dần dần hình thành ngôi chùa Chúc Thánh, cũng là tổ đình của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trường tồn cho đến ngày hôm nay.
Để các thế hệ học trò lưu giữ, phát triển tinh thần, tông chỉ và đặc trưng của thiền phái, Thiền sư đã để lại bài kệ truyền thừa:
Minh thực pháp toàn chương
Ấn chân như thị đồng
Chúc Thánh thọ thiên cửu
Kỳ Quốc tộ địa trường
Đắc chính luật vi tuyên
Tổ đạo hạnh giải thông
Giác hoa bồ đề thọ
Sung mãn nhân thiên trung(2)
Có thể nói, Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo đã dành gần như toàn bộ cuộc đời mình để hoằng pháp tại Việt Nam với tinh thần tùy duyên bất biến, tinh thần nhập thế cứu đời mà không chấp trước, phân biệt về nơi hoằng pháp và đối tượng hoằng pháp. Bài kệ truyền thừa đã nói lên tư tưởng của thiền sư về tinh thần hộ quốc an dân, gắn bó, đồng hành với dân tộc, tinh thần nhập thế cứu đời nhưng vẫn hướng đến mục tiêu cao nhất là giải thoát, an nhiên tự tại. Tinh thần, tư tưởng của Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo cũng chính là tông chỉ của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, truyền thống này đã được các thế hệ kế tiếp của thiền sư duy trì, phát triển cho đến ngày hôm nay. Có thể nói, kể từ khi thành lập đến nay đã hơn 300 năm, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh vẫn luôn giữ vững tôn chỉ hành đạo mà Sơ Tổ Minh Hải Pháp Bảo đã xây dựng và nêu trong bài kệ truyền thừa nổi tiếng, toàn thể thiền phái luôn lấy giới luật làm đầu, tích cực nhập thế cứu đời trên tinh thần hộ quốc an dân, tùy duyên hành đạo, để lan tỏa tinh thần Phật giáo trong đời sống nhân dân, giúp người dân thoát khổ. Đấy chính là lý do Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ngay sau khi ra đời đã nhanh chóng phát triển, lan tỏa ra khắp các tỉnh thành ở miền Trung và miền Nam, góp phần to lớn vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ XVIII cho đến nay.
Để tiếp tục làm rõ quá trình hình thành, phát triển, vị trí trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như những đóng góp đối với dân tộc trong hơn 300 năm qua, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Ban Điều hành Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh: Lịch sử hình thành và phát triển”.
Hội thảo tập trung vào các nội dung chính như sau:
Thứ nhất, làm rõ những đóng góp của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cho đạo pháp, cụ thể như những đóng góp cho sự ổn định Phật giáo Đàng Trong; Tham gia xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ Giáo hội; Tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo, tham gia xây dựng các ngôi chùa, tự viện; đào tạo tăng tài; mở rộng hoằng pháp trong nước và quốc tế, v.v.
Thứ hai, làm rõ những đóng góp của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cho dân tộc trên các phương diện như hỗ trợ chính quyền các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tham gia các phong trào yêu nước đấu tranh giành độc lập tự chủ của dân tộc qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội…
Thứ ba, làm rõ hành trạng và những đóng góp của chư vị Tổ sư, các vị danh tăng, danh ni tiêu biểu của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trên các lĩnh vực như biên soạn kinh sách Phật giáo, văn học Phật giáo, các Di sản Mộc bản Hán Nôm…
Thứ tư, nhìn nhận hiện trạng của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh hiện nay, những khó khăn, tồn tại hiện nay của hệ phái, những đề xuất kiến nghị để thiền phái có những bước phát triển trong thời gian tới.
Kính thưa Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học!
Thưa toàn thể hội thảo!
Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 90 báo cáo tham luận của chư tôn đức hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trên khắp cả nước và cả ở nước ngoài. Các bài tham luận đề cập đến nhiều chủ đề với nội dung phong phú, nhiều bài viết hết sức công phu, khảo cứu hết sức sâu sắc, cung cấp thêm nhiều thông tin, tư liệu có giá trị về Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Có thể nói, các báo cáo đã giúp chúng ta có sự nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về các phương diện khác nhau của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Thông qua các bài viết, chúng tôi xin tóm tắt nội dung chính của các bài viết thành các điểm chính như sau:
Thứ nhất, chiếm một tỷ lệ lớn trong số các báo cáo tham luận là các bài viết về Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo và các vị danh tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh qua các thời thời kỳ. Tiêu biểu như các bài viết của tác giả Nguyễn Thành Trung, Vu Gia, NCS. Thích Nữ Nhuận Bình, Thích Hữu Nhật, Thích Đạt Ma Quang Tuệ, ĐĐ Thích Đồng Trí, TT. Thích Thông Trí, TS. Dương Thanh Mừng, TT Thích Tâm Vị, ĐĐ Thích Nguyên Như, ĐĐ Thích Viên Trí, Ths. Trương Đức Quang, Thích Chấn Đạo, TS. Hoàng Văn Lễ, TT.TS. Thích Đồng Văn, TT.TS. Thích Giác Hiệp, HT Thích Huệ Minh, v.v. Qua các bài viết, chúng ta đã thấy được vai trò và đóng góp to lớn trên nhiều phương diện của các vị danh tăng tiêu biểu của thiền phái trong các giai đoạn lịch sử, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, trong phong trào chấn hưng Phật giáo cũng như trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, khá nhiều báo cáo tham luận đã trình bày sự phát triển của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ra các tỉnh, thành phố trên cả nước gắn với các tổ đình do các danh tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh xây dựng. Tiêu biểu như các bài viết của ĐĐ Thích Tâm Thông, Thích Như Tịnh, Ths. Đinh Đức Hiền & Ths. Đinh Đức Niệm, Thích Đồng Trung, Lương Thị Thu, Lê Đình Hùng, NNC Nguyễn Đại Đồng, PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, Đào Vĩnh Hợp & Võ Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Đình Chúc, Duy Vinh, Thích Nữ Trí Nguyên, Nguyên Cẩn, v.v. Bên cạnh những bài viết về các tổ đình của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trên cả nước, một số bài viết đã đề cập đến các ngôi chùa của Lâm Tế Chúc Thánh tại nước ngoài như các bài viết của ĐĐ.TS. Thích Thanh Tâm, Olaf Beuching & Văn Công Tuấn, PGS. Đinh Lê Thi & Thích Chúc Thanh, TT Thích Như Tú, NNC Nguyên Huệ, Đào Nguyên, v.v. Thông qua các bài viết, chúng ta thấy được Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã hiện diện ở hầu khắp các tỉnh miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận…), miền Nam (Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang…), và một số tỉnh, thành phố ở phía Bắc (Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định…) với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ngôi chùa, tự viện. Bên cạnh đó, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Pháp, Ý, Nga, Na Uy, Đức, Ấn Độ, v.v.
Thứ ba, một số bài viết tập trung làm rõ đặc điểm, vai trò, ảnh hưởng, những đóng góp của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đối với đạo pháp, dân tộc và văn hóa. Tiêu biểu như các bài viết của HT Thích Như Phẩm, TS. Thích Hạnh Chơn, TS. Nguyễn Thị Thu Hường, Ths. Đinh Văn Luân & Ths. Đào Văn Trưởng, Ths. Nguyễn Thị Tô Hoài, PGS.TS. Đặng Ngọc Lệ, Khánh Vân, PGS. TS. Trần Thuận, HT Thích Giác Liêm, Hàn Tấn Quang, PGS.TS. Trịnh Sâm, Dương Kinh Thành, v.v. Nhiều bài viết đã chỉ ra đặc điểm của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh như tính phóng khoáng, cởi mở, mạnh mẽ; tính tổng hợp; tính nhập thế. Các bài viết khác, dù không chỉ ra một cách cụ thể những đặc điểm của Thiền phái Chúc Thánh, nhưng đều nhấn mạnh đến tính gần gũi, bình dân; tính dung hòa thiền tịnh song tu, tinh thần gắn bó đồng hành cùng dân tộc, tinh thần dung dị không khoa trương, v.v. Một số bài viết đã đề cập đến những di sản của thiền phái như các ngôi chùa, các bức tượng, chuông, các sắc phong, v.v. Ngoài ra, một số bài viết đề cập đến ảnh hưởng của thiền phái đến văn học, nghệ thuật, cũng như những di sản để lại trên lĩnh vực này.
Có thể nói, qua hơn 90 bài viết của chư tôn đức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý từ nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau trên cả nước đã thể hiện sự quan tâm đối với chủ đề Hội thảo. Các bài viết đã làm rõ thêm những khía cạnh, nội dung khác nhau trong lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm qua của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Trên phương diện này, bên cạnh việc làm rõ bối cảnh ra đời Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, làm rõ cuộc đời, đạo nghiệp của Tổ Minh Hải Pháp Bảo, chúng ta cần phải ghi nhận những đóng góp của các bài viết trong việc làm rõ những thế hệ danh tăng qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển, đặc biệt là những vị danh tăng đã lan tỏa thiền phái đến các địa phương, vùng miền trên khắp cả nước. Những thông tin về tiểu sử, hành trạng của các vị danh tăng, danh ni qua từng thời kỳ lịch sử ở các vùng miền, nhất là những vị chưa tìm được đầy đủ và chưa viết thành sử liệu, là những thông tin, tư liệu vô cùng quý giá để bổ sung vào phổ hệ của thiền phái.
Ngoài ra, các bài viết đều ghi nhận những đóng góp của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đối với đạo pháp và dân tộc. Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, nhất là trong những giai đoạn thế kỷ XVIII, giai đoạn có nhiều biến động lịch sử với các cuộc chiến tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài, giai đoạn cuộc sống con người lầm than vất vả thì khi đó nhu cầu đến với tôn giáo, Phật giáo lại càng lớn mạnh. Trong quá trình hình thành phát triển, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã xây dựng được hàng trăm, hàng ngàn ngôi chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo, hoằng dương Phật pháp, đào tạo tăng tài, qua đó góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam. Trong quá trình phát triển, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không chỉ xây dựng chùa chiền, hoằng dương Phật pháp, đào tạo tăng tài, mà còn để lại nhiều trước tác kinh sách Phật giáo, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc, những lễ hội Phật giáo, v.v. đây trở thành những di sản vật thể, phi vật thể góp phần làm gia tăng giá trị văn hóa dân tộc.
Với tinh thần hộ quốc an dân, tinh thần nhập thế tích cực thể hiện rất rõ trong bài kệ truyền thừa nổi tiếng của Thiền sư Minh Hải, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã có những đóng góp to lớn đối với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều ngôi chùa của thiền phái đã trở thành cơ sở cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Nhiều danh tăng của thiền phái đã giúp đỡ, ủng hộ cách mạng và trực tiếp tham gia đấu tranh cách mạng. Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức đã lấy thân mình làm ngọn đuốc để đấu tranh cho đạo pháp và dân tộc là điểm sáng chói cho tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, đồng thời thể hiện cao nhất tinh thần hộ quốc an dân trong bài kệ của Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo.
Kính thưa Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học và toàn thể hội thảo!
Bên cạnh những nội dung đã được nêu trong các báo cáo tham luận mà chúng tôi vừa tóm tắt ở trên, chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề mà tại hội thảo này, cũng như trong các diễn đàn tiếp theo chúng ta cần phải tiếp tục trao đổi, thảo luận, làm rõ. Đặc biệt là những thông tin, tư liệu về các vị danh tăng, các ngôi chùa ở các vùng miền trên khắp cả nước của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh; những di sản vật thể, phi vật thể của thiền phái cũng cần có sự sưu tầm, bảo tồn, giữ gìn và phát huy. Bên cạnh đó, cần tiếp tục sưu tầm, tìm kiếm thêm thông tin để làm rõ những vấn đề còn đang tranh luận, hoặc những vấn đề còn chưa thống nhất về những sự kiện lịch sử của thiền phái. Những vấn đề đặt ra, những tồn tại hiện nay, cũng như những đề xuất, kiến nghị góp phần phát triển thiền phái trong thời gian tới mà một số báo cáo đã đề cập mong rằng sẽ được toàn thể Hội thảo thảo luận, bổ sung, làm rõ thêm.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn chư tôn thiền đức, các nhà khoa học, các quý vị đã nhiệt tình, dành thời gian, công sức và tâm huyết viết bài tham gia hội thảo. Xin kính chúc Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni, các nhà khoa học, các vị đai biểu khách quý và toàn thể hội thảo sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Chúc Hội thảo THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH: LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!
– Chú Thích:
- Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận, toàn tập, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 585.
- Theo bản dịch của Nguyễn Lang trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận.