Sự phát triển dòng thiền Chúc Thánh ở Sài Gòn – Gia Định và Tổ đình Giác Nguyên (TP.HCM) (Nguyên Cẩn)

             A. Sự sáng lập dòng thiền Chúc Thánh

             Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhận định: “Theo lịch sử, Thiền phái Lâm Tế truyền vào Đại Việt từ nữa thế kỷ XVII, bắt đầu từ Đàng Trong năm 1630. Sau này, Đàng Ngoài do Thiền sư Viên Văn – Chuyết Chuyết và Minh Hành – Tại Tại, còn Đàng Trong do Tổ sư Nguyên Thiều, xem là tổ thứ hai định hình cho dòng Lâm Tế phát triển lâu dài. Đàng Ngoài vì không có người kế thừa, do đó dần dần tông Lâm Tế hòa đồng với tông Tào Động Việt Nam. Trong khi đó, Lâm Tế Đàng Trong tiếp tục tồn tại và phát triển đến ngày nay, nhờ hồng ân của Tổ Nguyên Thiều và liệt vị tổ sư dày công duy trì, phát triển một cách phong phú, bao gồm cả Lâm Tế Thiên Đồng, Lâm Tế Trí Tuệ, Lâm Tế Gia Phổ, Lâm Tế Chúc Thánh, Lâm Tế Liễu Quán đều lấy Lâm Tế Nghĩa Huyền làm chánh tông như một vườn hoa nở rộ, tỏa ngát hương thơm, khoe sắc thắm trong vòm trời và mảnh đất Việt Nam hơn 300 năm nay và mãi mãi về sau”.

             Chúng ta đều biết năm 1697, Tổ sư Minh Hải đã khai sơn chùa Chúc Thánh tại xã Cẩm Phô, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thành phố Hội An). Tổ mở trường dạy học, học chúng theo về rất đông. Về sau, để pháp môn phát triển có quy củ, thời gian đầu ở lại Đàng Trong, Sư Minh Hải – Pháp Bảo chỉ lập một thảo am ở Hội An để tịnh tu phạm hạnh. Dần dà, danh tiếng Sư được nhiều người biết đến, người dân phố Hội và các vùng phụ cận đến nghe giảng ngày càng đông. Thấy cơ duyên hóa độ đã đến, Sư chính thức khai đường giảng pháp, tiếp tăng độ chúng. Để cho sự truyền thừa có quy củ dài lâu, Sư biệt xuất một bài kệ truyền pháp như sau:

             傳 法 名 偈          Truyền pháp danh kệ:

             明 實 法 全 彰       Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

             印 真 如 是 同       Ấn Chơn Như Thị Đồng

             祝 聖 壽 天 久       Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu

             祈 國 祚 地 長.       Kỳ Quốc Tộ Địa Trường

             Đệ tử của tổ là những bậc cao tăng xuất chúng: Tổ Thiệt Diệu đời thứ hai trụ lại chùa Chúc Thánh; Tổ Thiệt Dinh khai sơn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Hai tổ Thiệt Đăng và Thiệt Thuận truyền pháp vào Bình Định, khai sơn chùa Long Sơn và Linh Sơn.

             Riêng tổ Thiệt Lãm vào Phú Yên khai sơn chùa Thiên Hưng.

             Sau 50 năm hoằng dương chánh pháp, đại nguyện đã viên thành, ngày 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), tổ truyền Tâm Ấn cho trưởng tử là Tổ Thiệt Dinh, rồi an nhiên thị tịch. Ngài xuất kệ phú chúc: Sau gần 50 năm sang Đại Việt hoằng hóa, đến ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), Ngài gọi đồ chúng đến dặn dò và đọc kệ phú chúc:

             原 浮 法 界 空          Âm: Nguyên phù pháp giới không

             真 如 無 性 相          Chơn Như vô tánh tướng

             若 了 悟 如 此          Nhược liễu ngộ như thử

             眾 生 與 佛 同          Chúng sanh dữ Phật đồng

Tạm dịch:

             Pháp giới như mây nổi

             Chân như tánh tướng không

             Nếu hiểu được như vậy

            Chúng sanh với Phật đồng

             Đồ chúng cung thỉnh nhục thân Ngài nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Chúc Thánh.

             Về ý nghĩa của hai chữ Chúc Thánh, chúng ta có thể hiểu hai nghĩa như sau:

             – Đứng về mặt đạo pháp, là một người trưởng tử của Như Lai, chư tổ thuở quá khứ cũng như các thế hệ chúng ta ngày nay, ai ai cũng muốn cho chánh pháp cửu trụ thế gian để lợi lạc nhân quần xã hội. Ở đây, Thiền sư Minh Hải lấy hai chữ Chúc Thánh để đặt tên cho ngôi chùa cũng có ý nghĩa như vậy. Thánh ở đây có nghĩa là Thánh đạo, Ngài muốn Thánh giáo luôn luôn tồn tại ở thế giới Ta bà này để xoa dịu những nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh.

             – Đứng về mặt dân tộc, mỗi người chúng ta ai cũng muốn có những vị vua anh minh cai trị đất nước, đem lại cảnh hòa bình an lạc cho muôn dân. Vì thế, Chúc Thánh ở đây còn có nghĩa là Chúc cho Thánh quân thọ lâu muôn tuổi để trị vì thiên hạ. Bởi lẽ, giai đoạn Tổ Minh Hải qua Đàng Trong là giai đoạn các chúa Nguyễn anh minh đang trị vì và Đàng Trong đang thời hưng thịnh. Đồng thời, các chúa Nguyễn là những vị nhiệt tâm hộ trì Phật giáo. Họ chính là những vị hộ pháp đắc lực cho chư tăng trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp.

             B. Những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc

             Đối với đạo pháp

             Qua ý nghĩa hai chữ Chúc Thánh, chúng ta thấy được nơi đây có sự kết hợp hai yếu tố đạo pháp và dân tộc. Với hai chữ ngắn gọn, Thiền sư Minh Hải đã gói trọn, dung hòa được cả hai yếu tố quan trọng này. Ngày nay, Thiền phái Chúc Thánh phát triển khắp các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam và sang tận Âu Mỹ. Với thời gian hơn 300 năm mà vì sao Thiền phái Chúc Thánh phát triển nhanh chóng như vậy? Chúng ta có thể lý giải vấn đề này qua một số nguyên nhân sau:

             – Gần 50 năm hoằng hóa, đạo phong của Tổ Minh Hải đã thấm nhuần, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng. Quan trọng hơn, Ngài đã đào tạo một thế hệ kế thừa xứng đáng, đủ khả năng kế nghiệp Ngài xiển dương đạo pháp và phát triển tông môn. Đời thứ 2 của dòng Chúc Thánh có các ngài Thiệt Dinh, Thiệt Diệu, Thiệt Thọ, Thiệt Đạo, Thiệt Mẫn, Thiệt Gia, Thiệt Lương v.v… hoằng hóa tại Quảng Nam; Thiệt Úy, Thiệt Uyên hoằng hóa tại Quảng Ngãi; Thiệt Đăng, Thiệt Thuận hoằng hóa tại Bình Định. Đến thế hệ thứ 3 có các ngài Pháp Liêm, Pháp Chuyên, Pháp Ấn, Pháp Diễn, Pháp Tịnh, Pháp Tràng, v.v… đều nhiệt tâm truyền bá chánh pháp làm cho Phật giáo Quảng Nam thêm hưng thịnh, đồng thời tông môn Chúc Thánh nhanh chóng phát triển.

             – Các thiền sư dòng Chúc Thánh đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân nên dòng thiền này nhanh chóng phát triển. Như chúng ta biết, Hội An là chiếc nôi khai sinh của dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Lúc bấy giờ, Hội An là một thương cảng trù phú nên có nhiều người ngoại quốc đến sinh sống làm ăn, trong đó cộng đồng người Hoa chiếm đại đa số. Với một lực lượng kế thừa hùng hậu, các thiền sư dòng Chúc Thánh đã đáp ứng được cả hai cộng đồng người Việt lẫn người Hoa. Các ngài Thiệt Diệu, Thiệt Thọ, Thiệt Mẫn là người Hoa nên ngụ tại Chúc Thánh đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng người Hoa. Còn thiền sư Thiệt Dinh ra khai sơn Phước Lâm với sự hỗ trợ của các ngài Thiệt Đạo, Thiệt Gia đã thu hút sự quy ngưỡng cũng như đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người Việt…

             – Với tư tưởng phóng khoáng của tông Lâm Tế, cộng với nếp sống giản dị, thanh bần, các thiền sư dòng Chúc Thánh gần gũi với nhân dân nên dễ dàng tiếp cận đi sâu vào lòng quần chúng. Thời bấy giờ, dân Quảng Nam phần lớn là dân di cư từ Thanh Hóa, Nghệ An vào. Những người xa xứ thường mang tâm hồn phóng khoáng, mạo hiểm, không muốn sống trong tư tưởng gò bó của lũy tre làng. Nay có một trào lưu tư tưởng phóng khoáng, không câu nệ nên họ nhanh chóng tiếp nhận và tuân phục. Sự giản dị trong cách sống, chân tình trong giao tiếp của các thiền sư nơi vùng đất mới tạo nên sự gần gũi thân mật dễ dàng hòa nhập cùng cộng đồng.

             Đối với dân tộc

             – Bằng sự chứng ngộ của mình, Tổ sư Minh Hải đã xuất kệ truyền thừa, lập nên một thiền phái lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tăng đồ của Thiền phái Chúc Thánh đóng vai trò quan trọng trong việc hoằng pháp tại các tỉnh thành từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Sài Gòn – Gia Định v.v…

             Các thiền sư Thiệt Dinh, Pháp Liêm, Pháp Chuyên, Toàn Nhật, Vĩnh Gia, Từ Trí, v.v… đều là những bậc cao tăng có sự ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Việt Nam qua các thời đại. Mỗi vị có một hạnh nguyện riêng biệt để hoằng pháp độ sanh: Ngài Pháp Liêm – Luật Oai với hạnh nguyện Bồ tát ròng rã 20 năm quét chợ không quản nắng mưa, ngài Pháp Chuyên – Luật Truyền, ngài Toàn Nhật – Vi Bảo với trí tuệ siêu việt đã trước tác nhiều tác phẩm Phật học có giá trị lưu lại hậu thế, ngài Ấn Bổn – Vĩnh Gia có công rất lớn trong việc đào tạo tăng tài thời cận đại v.v… tất cả đã viết nên trang lịch sử vàng son cho môn phái. Các vị sư dòng Chúc Thánh cũng đóng góp vào các cuộc kháng chiến của dân tộc, phải kể đến năm Ất Dậu (1885 chí sĩ Trần Cao Vân đã đến chùa Cổ Lâm, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, xuất gia với pháp danh Như Ý. Sau đó, thiền sư Như Ý nhận lời vào Phú Yên làm tham mưu cho ông Võ Trứ (môn đệ của sư cụ chùa Từ Quang Đá Trắng) phát động cuộc khởi nghĩa năm 1898 mà sử nhà Nguyễn gọi là Giặc Thầy Chùa. Đây là phong trào đấu tranh yêu nước do các nhà sư dòng Chúc Thánh đứng ra vận động nhằm mang lại độc lập cho dân tộc.

             Gần chúng ta hơn, có Hòa thượng Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân ngõ hầu cứu nguy đạo pháp trong mùa Pháp nạn 1963. Có thể nói hình ảnh vị sư già trên 70 tuổi kiết ấn Cam Lồ an nhiên ngồi trong ánh lửa đã thể hiện tinh thần vô úy của người con Phật, là sự kết tinh của hơn 300 năm hoằng truyền của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh.

             Hiện tại, chư tăng dòng Lâm Tế Chúc Thánh chiếm một lượng lớn và đóng góp không nhỏ trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Những vị Hòa thượng nổi tiếng của dòng Chúc Thánh phải kể đến:

             1/ Hòa thượng Trí Hải (1876-1950): Hòa thượng thế danh Nguyễn Trọng Khải, hiệu Mai Đình, sinh ngày 16 tháng 3 năm Bính Tý (1876) tại làng Háo Đức, phủ An Nhơn, Bình Định. thuộc đời 40 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 7 dòng Chúc Thánh. Năm 1931, Ngài được Hòa thượng Khánh Hòa mời làm Chủ bút tạp chí Từ Bi Âm của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Năm 1934, Ngài khai sơn chùa Bích Liên tại quê nhà. Từ đó mọi người kính ngưỡng đều gọi Ngài là Hòa thượng Bích Liên. Năm 1937, Hội Đà Thành Phật Học tại Quảng Nam Đà Nẵng mời Ngài làm Chủ bút tạp chí Tam Bảo. Sau đó, Ngài về chùa nghiên cứu giảng dạy và đã đào tạo nhiều vị tăng tài cho Phật giáo Việt Nam. Ngài viên tịch vào ngày 3 tháng 6 năm Canh Dần (1950) thọ 74 tuổi. Hòa thượng trước tác rất nhiều, đặc biệt hai bản văn “Quy Sơn Cảnh Sách” và “Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi” bằng chữ Nôm đã thể hiện được sự tài hoa của Ngài.

             2/ Hòa thượng Khánh Anh, thế danh Võ Bổng (tức Hóa), sinh năm 1895, tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1917, Ngài xuất gia tại chùa Cảnh Tiên, Quảng Ngãi, với Hòa thượng Ấn Tịnh – Hoằng Thanh, nối pháp đời 40 dòng thiền Lâm Tế, thế hệ thứ 7 dòng Chúc Thánh.

             Từ những năm 1927 đến 1945, Ngài là Giáo thọ sư của các trường Phật học từ miền Trung vào đến miền Nam. Năm 1957, Ngài được bầu làm Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Năm 1959, Ngài được thỉnh làm Thượng Thủ Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc. Hòa thượng viên tịch vào năm 1961. Ngài phiên dịch trước tác rất nhiều kinh sách, trong đó nổi bật nhất là bộ Khánh Anh Văn Sao. Ngài đào tạo được nhiều đệ tử nổi danh tại miền Nam như: HT Thích Thiện Hoa, HT Thích Hoàn Tâm, HT Thích Hoàn Quan, HT Thích Hoàn Phú.

             3/ Hòa thượng Thích Thiện Hoa: Hòa thượng thế danh Trần Văn Nở, sinh năm 1918, tại xã Phú Tân, Cầu Kè, Trà Vinh. Ngài xuất gia tại chùa Phước Hậu với Hòa thượng Khánh Anh được ban pháp danh Như Quả, tự Giải Nhân, hiệu Hoàn Tuyên, nối pháp đời 41 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 8 dòng Chúc Thánh. Ngài đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Pháp sư kiêm đốc giáo Phật học đường Phật Quang (1945-1952); Ủy viên Hoằng pháp Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (1956); Phó Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo (1963); Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN (1964); Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN (1966-1973). Ngài trước tác rất nhiều kinh sách, nổi tiếng và thông dụng nhất là bộ Phật Học Phổ Thông. Ngài thị tịch năm1973. Đệ tử của Ngài có Hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện chủ Thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt.

             Đời thứ 8 có các vị cao Tăng tiêu biểu trong việc hoằng truyền giới luật theo tinh thần “Đắc chánh luật vi tông” của tổ như các HT: Thích Phúc Hộ, Thích Hành Trụ, Thích Đổng Minh.

             4/ Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897-1963): Ngài thế danh Lâm Văn Tuất, sinh năm Đinh Dậu (1897), tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ngài xuất gia năm lên 7 tuổi với Hòa thượng Hoằng Thâm nên có pháp danh Thị Thủy, tự Hành Pháp, hiệu Quảng Đức thuộc đời 42 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 9 dòng Chúc Thánh. Ngài có tâm nguyện vân du hoằng pháp, gặp nơi nào chùa tháp hư hoại thì Ngài dừng lại trùng tu, kiến tạo rồi lại lên đường. Đời Ngài đã trùng tu cả thảy 17 ngôi chùa và chùa Quan Thế Âm tại quận Phú Nhuận là nơi dừng chân cuối cùng của Ngài. Năm 1963, Phật giáo đồ miền Nam và Trung bị sự đàn áp của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Trước sự đàn áp dã man đó, Ngài phát nguyện tự thiêu vào ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão (11/6/1963) để ngăn cản bạo quyền. Sự hy sinh cao cả của Ngài đã cứu nguy cho Phật giáo Việt Nam thoát khỏi pháp nạn tàn khốc này. Với tâm nguyện ấy, trái tim của Ngài không bị thiêu hủy dưới sức nóng 4.0000C của lò thiêu. Ngài được Tăng Ni Phật tử cả nước tôn xưng là bậc Bồ tát hiện thế.

             C. Sự phát triển dòng thiền Chúc Thánh ở Sài Gòn – Gia Định

             Tại Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh miền Nam

             Theo bước chân những người Nam tiến, các thiền sư dòng Chúc Thánh cũng đã có mặt đáp ứng nhu cầu tu học của quần chúng Phật tử. Xét về sự truyền thừa và phát triển của dòng Chúc Thánh tại miền Nam, theo TT. Thích Giải Nghiêm, ta có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX; giai đoạn 2 từ đầu cho đến cuối thế kỷ XX.

             1/. Giai đoạn 1:

             Những năm cuối thế kỷ XVIII, chúng ta đã thấy sự có mặt của các thiền sư dòng Chúc Thánh tại miền Nam. Đó là Thiền sư Gia Lành và Gia Linh, thuộc đời 37 Lâm Tế, thế hệ thứ 4 dòng Chúc Thánh đến tỉnh Bình Dương khai sơn chùa Thiên Tôn. Cùng thời gian này, Thiền sư Toàn Tánh – Chánh Đắc, đời 37 tông Lâm Tế từ chùa Tập Phước – Gia Định về trụ trì chùa Hội Khánh – Bình Dương, năm 1839.

             Như vậy, đến cuối thế kỷ XVIII, tại miền Nam đã có 3 ngôi chùa lớn truyền theo bài kệ của Tổ Minh Hải. Đó là chùa Tập Phước tại Gia Định và chùa Thiên Tôn, Hội Khánh tại Bình Dương. Cả hai ngôi chùa Tập Phước và Thiên Tôn có công giúp đỡ vua Gia Long trong giai đoạn bôn tẩu nên sau khi lên ngôi, vua Gia Long ban sắc tứ để thưởng công.

             Từ chùa Thiên Tôn và Hội Khánh, các đệ tử đã ra khai sơn các chùa Tây Tạng, Thiên Chơn, Phước Thạnh, Bình Long, v.v… nên hệ thống các chùa thuộc dòng Chúc Thánh nhanh chóng phát triển tại tỉnh Bình Dương. Trong sự truyền thừa tại đây, nổi tiếng nhất là Hòa thượng Từ Văn và Hòa thượng Minh Tịnh.

             2/. Giai đoạn 2:

             Đầu những năm thế kỷ XX, một số lượng lớn chư tăng thuộc các tỉnh miền Trung vào Nam hoằng pháp. Có lẽ mảnh đất mới miền Nam trẻ trung có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho việc tu học nên chư tăng vào Nam rất nhiều. Trong trào lưu đó, chư tăng thuộc dòng Chúc Thánh tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vào miền Nam tu học và chủ yếu là tại thành phố Sài Gòn. Từ đó, các chùa của môn phái Chúc Thánh được thành lập như sau:

             Chư tăng thuộc Quảng Nam ban đầu vào ngụ tại chùa Văn Thánh (Quận Bình Thạnh) và Hưng Long (Quận 10), về sau các chùa Bửu Đà (Quận 10), Pháp Hoa (Quận Phú Nhuận), Giác Quang (Quận 4), Viên Thông (Quận 11), Từ Minh (Quận 3), Bảo Tịnh (Quận Bình Thạnh), v.v… lần lần được thành lập, tạo thành một chi phái Chúc Thánh Quảng Nam tại Sài Gòn. Chư tăng thuộc Quảng Ngãi, tiêu biểu là ngài Khánh Anh vào trụ tại chùa Phước Hậu – Trà Vinh. Tại Sài Gòn, có các chùa Thiền Lâm (Quận 6), Phổ Đà Sơn (Quận 8), Đức Quang (Quận 4), Liên Hoa (Quận 4), Tân Long (Quận 7), Vĩnh Đức (Quận 2), v.v… tạo thành chi phái Chúc Thánh Quảng Ngãi tại Sài Gòn.

             Chư tăng thuộc tỉnh Bình Định vào lập chùa Giác Uyển (Quận Phú Nhuận), Giác Hoa (Quận Bình Thạnh), Phật Quang (Quận 10), v.v…

             Chư tăng thuộc tỉnh Phú Yên mà nổi tiếng nhất là Hòa thượng Quảng Đức và Hòa thượng Hành Trụ vào lập chùa Quan Thế Âm (Quận Phú Nhuận), Giác Nguyên, Kim Liên (Quận 4), Đông Hưng, Thiền Tịnh, Từ Phong (Quận 2), v.v…

             Như vậy, từ đầu cho đến giữa thế kỷ XX, số lượng chư tăng thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại các tỉnh miền Trung vào tu học và hoằng pháp tại thành phố Sài Gòn có số lượng khá đông. Hệ thống các chùa truyền thừa theo bài kệ của Tổ Minh Hải ngày một nhiều. Tuy nhiên, nổi bật nhất là quý Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Quảng Đức, Hòa thượng Hành Trụ đóng góp rất nhiều công đức cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

             D. Tổ đình Giác Nguyên

             Tổ đình Giác Nguyên được dựng lên do công của nhóm bốn Hòa thượng, đứng đầu là HT Hành Trụ.

             1/ Hòa thượng Thích Hành Trụ (1904-1984): Ngài thế danh Lê An, sinh năm 1903, tại làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài xuất gia với Tổ Thiền Phương tại chùa Phước Sơn, nên có pháp danh Thị An, tự Hành Trụ, hiệu Phước Bình, thuộc đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 dòng Chúc Thánh. Là người học Phật uyên bác, nên Ngài sớm làm giáo thọ tại các chùa tỉnh Phú Yên. Ngài có công kiến tạo nhiều ngôi chùa tại Sài Gòn và làm giáo thọ các trường Phật học khắp miền Nam. Hòa thượng kết nghĩa huynh đệ với ba vị khác là HT Thới An, Khánh Phước và Thiện Tường gọi là nhóm “Long An kết nghĩa”, nguyện “cùng nhau tu học, đồng lao cộng khổ, suốt hành trình tu học, không rời bỏ nhau. Ai thành tựu trước dìu dắt người đi sau”. Trong những năm chiến tranh Pháp Việt, mọi chuyện đều khó khăn. Năm 1947, ngài cùng ba vị sư đệ kết nghĩa lên Sài Gòn cùng nhau dựng chùa Tăng Già (Quận 4), mở Trường hương cho chư tăng ni tu học trong hoàn cảnh bất an ấy, rồi chùa bị cháy, nhưng lạ là ông hộ pháp vẫn còn nguyên sau cơn hỏa hoạn. Khi xây dựng lại, HT Hành Trụ với sự góp ý của HT Tâm Châu quyết định đặt tên chùa là Kim Liên với ý nghĩa “hoa sen vàng vẫn sáng lên trong lửa” hay còn gọi là chùa “Tăng Già sư nữ” vì HT quyết định chuyển tăng sang nơi khác, nhường chùa cho ni giới, vì chư ni gặp nhiều khó khăn hơn, nên từ đó chúng ta có chùa Kim Liên ở Quận 4. HT còn kêu gọi Phật tử phát đạo tâm xây nên một ngôi chùa mới gọi là Giác Nguyên để tiếp độ chư Tăng. Từ đó, Hòa thượng làm Giám đốc Phật học đường Giác Nguyên và Hóa chủ Phật học ni trường Tăng Già Khánh Hội với sự giảng dạy thường xuyên của hai vị Pháp sư Kiều Lợi và Huệ Hưng.

             Những Ni sư họ Tịnh như Tịnh Ý, Tịnh Quang, Tịnh Huệ, Tịnh Hạnh… đều là đệ tử của HT. Năm 1951, HT làm Trưởng Ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Nam Việt. Năm 1956, HT làm Chứng minh Đạo sư Hội Phật học Nam Việt chùa Xá Lợi. Ngài nhiều lần được cung thỉnh làm Hòa thượng đàn đầu truyền trao giới pháp cho tăng ni. Trải qua các Giáo hội, Ngài đều được cung thỉnh vào Hội đồng trưởng lão chứng minh tiêu biểu cho giới luật. Ngài thị tịch tại chùa Đông Hưng (Thủ Thiêm) vào ngày 29 tháng 10 năm Giáp Tý (1984) trụ thế 81 năm. Ngài trước tác rất nhiều kinh sách nhưng chủ yếu là luật học, như Luật Tứ phần Giới Bổn, Qui sơn cảnh sách, Sa di Luật giải, Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhơn Duyên, Tỳ kheo giới kinh, Di Đà Sớ Sao, Kinh Phạm Võng, Kinh Hiền Nhân

             2/ Hòa thượng Thích Thới An

             Thế danh Nguyễn Văn Quang, pháp danh Hồng Thọ, sinh 1912, tại Tân Phú Trung, Hóc Môn, nay là huyện Củ Chi. Ngài quy y từ năm 9 tuổi với HT Từ Phong. Trải qua nhiều năm thiền lữ xuôi ngược theo thầy và các bậc cao đức, năm 1944, HT làm trụ trì chùa Long An (Sa Đéc) với HT Khánh Phước và Thiện Tường. Năm 1946, các ngài về Sài Gòn khai mở đạo trường tiếp chúng, dựng chùa Tăng Già, Giác Nguyên, Chánh Giác. Ngài được HT Hành Trụ suy cử trụ trì chùa Phổ Hiền. Ngài thâu thần thị tịch ngày 25 tháng 4 Ất Sửu (1985).

             3/ Hòa thượng Thị Niệm, tự Hành Nguyện, hiệu Viên Thành

             Ngài thuộc tông Lâm Tế đời 42, thế hệ thứ 9 dòng Chúc Thánh, sinh năm 1904, tại làng Minh Hương, Tuy Phước, Bình Định, xuất gia năm 15 tuổi với HT Chánh Đạo chùa Tường Quang (Khánh Hội – quận 4). Năm 1938, Ngài được suy cử làm trụ trì chùa Khánh Phước tại Xóm Chiếu, quận 4. Năm 1941, cơ duyên đưa ngài gặp HT Thới An và Thiện Tường cùng nhau tu học. Các ngài xuống miền Lục tỉnh, đến Phật học đường Vạn An và Tổ đình Hội Phước tại Nha Mân, thọ học với Pháp sư Thích Hành Trụ, để rồi năm 1947, ngài cùng các huynh đệ đốc suất các vị Phật tử hảo tâm mến đạo đắp nền xây dựng nên chùa Giác Nguyên. Năm 1951, HT làm trụ trì Tổ đình Giác Nguyên. Đến năm 1965, Ngài thấy Phật sự tạm yên nên nhận lãnh trụ trì chùa Pháp Hải ở Bình Tây, quận 6, để an tâm nhập thất tu niệm. HT thị tịch ngày 18 tháng 4 Quý Sửu (1973).

             4/ Hòa thượng Thích Thiện Tường

             HT pháp danh Thanh Giới, tự Chơn Như, hiệu Thiện Tường, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41, sinh năm 1917, tại làng Bình Xuân, tổng Hòa Lạc, Gò Công. Năm 19 tuổi, HT xuất gia tại chùa Quang Bình làng Bình Thạnh. Ngài lên Sài Gòn gặp thầy tổ là HT Lê Phước Chí, sau đó thọ học với HT Hòa Bình chùa Kim Huê, HT Bửu Đạt chùa Linh Sơn. Năm 1944, HT trụ trì chùa Long An (Sa Đéc) và ở đây HT tình cờ gặp HT Hành Trụ, hợp cùng các sư huynh Thới An, Khánh Phước mở Phật học đường dạy chúng tăng tu học. Năm 1946, các HT đã cùng nhau dựng chùa Tăng Già (nay là Kim Liên) và năm 1947, dựng thêm chùa Giác Nguyên. Duyên lành hóa độ năm 1950, Hội Vạn Thọ hiến chùa Vạn Thọ ở Tân Định. Từ đó, suốt 10 năm, HT đã hoằng dương chánh pháp, trùng tu và kiến tạo các ngôi chùa Thiền Lâm, Giác Minh, Quan Âm, Thiên Phước, Hội Tôn, v.v…

             Năm 1960, HT về làm Hóa chủ Tổ đình Giác Nguyên để nhiếp độ tứ chúng. Sau đó, HT thường xuyên làm Giáo thọ A xà lê tại nhiều đại giới đàn. Qua hơn 65 năm hoằng pháp độ sanh, ngày 23 tháng 8 Giáp Tý (1984), HT thị tịch. Trước đó, ngài được tấn phong chánh trưởng tử, năm 1983 thì truyền y bát cho Thượng tọa Thông Ân – Đồng Hoằng, pháp hiệu Minh Nghĩa, đồng thời di chúc trụ trì lại cho TT Minh Nghĩa với lời dặn dò “bồi đắp Tổ đình Giác Nguyên mà Thầy cùng 3 vị Hành Trụ, Thới An và Hành Nguyện đã dày công sáng lập, mong tiếp chúng độ tăng, báo Phật ân đức”.

             5/ Hòa thượng Thích Minh Nghĩa

             Sinh năm 1951, HT đi tu từ bé cùng lứa với chư Hòa thượng Huệ Hưng, Minh Cảnh, Thiện Nhơn, Thái Siêu… Năm 1972- 1973, Đại đức Minh Nghĩa đã là Hiệu phó Trường Trung học Bồ Đề Long Khánh (Hiệu trưởng là HT Minh Cảnh). Thầy đã phát triển Trường Bồ Đề trở thành một ngôi trường uy tín nhất vùng 3 chiến thuật hồi đó. Năm 1974, thầy tu học với HT Thanh Từ và quyết định chuyển về Tu viện Chơn Không tu học cho đến khi về Giác Nguyên năm 1977. Đại đức thụ phong y bát năm 1983 từ HT Thiện Tường và trụ trì từ 1984 cho đến nay.

             Trải qua bao thăng trầm, Tổ đình Giác Nguyên vẫn là một trong những những ngôi tự viện uy tín nhất trong quận 4 và TPHCM với đông đảo tín chúng. Chùa hiện có khoảng 40 tăng sĩ, chưa kể số tăng sĩ an cư kiết hạ. Chùa đã hoàn tất xây dựng khang trang vào cuối năm 2019 và tiếp tục bổ sung thêm nhiều hạng mục. Chùa thường xuyên tổ chức những đạo tràng hết sức ý nghĩa như Đạo tràng cho bệnh nhân ung bướu, Đạo tràng cho người khiếm thị… Không dừng lại ở Giác Nguyên, HT Minh Nghĩa còn khai sáng Tu viện Toàn Giác từ một vùng đất hoang vu cách nay hơn 20 năm (trên 30 hecta) ở Giang Điền (Đồng Nai). Sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng và đạo lực của ngài đã khiến chúng đệ tử chung tay góp sức xây dựng những ngôi chùa ở hải ngoại, chùa Giác Nguyên 2 ở Virginia và Giác Nguyên 3 ở New Jersey, chùa Toàn Giác ở Houston, chùa Thanh Từ cũng ở New Jersey. Chúng ta cũng đã ghi nhận trong tăng đoàn ấy, có Hòa thượng Chơn Điền, thế hệ thứ 5 dòng Chúc Thánh sang bang Texas lập chùa Quan Âm; Hòa thượng Thông Đạt-Thanh An, đời 43 Lâm Tế, thế hệ thứ 10 dòng Chúc Thánh lập An Tường Tự Viện ở bang Oakland; HT Hạnh Đạo, lập chùa Phổ Đà tại bang California; HT Đồng Điển – Thông Kinh đời thứ 10 dòng Chúc Thánh, lập chùa Đông Hưng tại bang Virginia. Tất cả quý Ngài cũng không ngoài tâm nguyện phục vụ cho cộng đồng người Việt xa xứ.

             Ở đây không kể đến những ngôi chùa ở châu Âu hay châu Úc cũng đang mạnh mẽ phát triển thuộc dòng Chúc Thánh.

             Đệ từ của Ngài cũng đang trụ trì nhiều chùa trên cả nước, cụ thể 12 vị đang trụ trì những ngôi chùa ở Daklak, DakNong, chùa Thanh Lâm ở Bình Phước, chùa Từ Vân và chùa Phước Hội ở Bình Chánh, chùa Lan Nhã ở Bình Thạnh, 2 ngôi chùa ở Hải Dương và Hà Nội. HT đã kế thừa và phát huy dòng thiền Chúc Thánh một cách mạnh mẽ và sâu rộng. Như vậy, tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, dòng Chúc Thánh được truyền bá rất rộng rãi. Chư Tăng thuộc các tỉnh miền Trung vẫn trung thành với bài kệ truyền pháp của tổ. Hiện nay, các ngôi tổ đình xưa của dòng Chúc Thánh tại miền Nam như Tập Phước, Hội Khánh không còn truyền theo kệ của Tổ Minh Hải. Bởi lẽ, người miền Nam rất phóng khoáng, không câu nệ chấp chặt hệ phái. Có người cho rằng việc này thật là đáng tiếc, vì nó làm mất đi truyền thống bao đời của chư tổ. Nhưng có hề gì, Phật pháp ít khi câu nệ hình thức miễn là chúng ta hiểu đó là dòng Chúc Thánh vì:

             Mái chùa che chở hồn Dân tộc

             Nếp sống muôn đời của tổ tông.

                                           (Huyền Không)

             Các vị tổ sư như bóng nhạn bay qua dòng sông “Nhạn quá trường không/ Ảnh trầm hàn thủy/ Nhạn vô di tích chi ý/ Thủy vô lưu ảnh chi tâm”. Các ngài đâu cần lưu giữ hình bóng, huống chi hình tướng là không. Chúng ta nhìn dưới lăng kính người phàm thấy trên bình diện tục đế các ngài đã đến đã hiện hữu đã có công nghiệp để lại cho mai sau./.

 

 

 

             TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1/ ĐĐ Thích Như Tịnh, Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Chúc Thánh, https://viengiac.de/2016/01/lich-su-truyen-thua-thien-phai-chuc-thanh/

          2/ Thích Giải Nghiêm, Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của thiền phái Lâm tế Chúc Thánh tại Quảng Nam, http:// www. chuabuuchau. com.vn

          3/ Thích Thiện Nhơn, Những Đóa hoa Phật giáo Việt Nam, NXB Hồng Đức, 2018

          4/. Môn đồ đệ tử Tổ đình Đông Hưng – Tổ đình Giác Nguyên, Tiều sử Chư Hòa Thượng Tôn Sư, 1992.

          5/ Phỏng vấn trực tiếp HT Thích Minh Nghĩa tại Tổ Đình Giác Nguyên, chiều 17/7/2020.