“Này các Tỳ kheo, hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người… Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp” (Mahavagga – Đại Phẩm 19, trang 20 – Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt, Thiên dịch).
Phật giáo được truyền vào Hoa Kỳ theo chân những cộng đồng người châu Á di cư như người Hoa, người Nhật (vào khoảng giữa thế kỷ XIX), người Việt (nửa sau thế kỷ XX) và các nhóm di dân khác như người Tây Tạng, Hàn Quốc, Mông Cổ, Đài Loan, Srilanca, Thái Lan, Campuchia, v.v… Hiện nay, Phật giáo đã trở thành tôn giáo được hàng triệu người Mỹ thực hành trên khắp cả nước và được nhiều người biết đến qua sách, báo, truyền hình và phim ảnh.
Do xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, nên Phật giáo ở Mỹ rất đa dạng về các tông phái và cách thức hành trì. Tuy nhiên, xét về mặt ngôn ngữ sử dụng trong sinh hoạt tôn giáo và một số đặc điểm khác, chúng ta có thể phân ra làm hai nhóm Phật tử chính ở Mỹ, đó là những Phật tử nói tiếng Mỹ (còn gọi là Phật tử Mỹ) và các Phật tử gia truyền (gồm những người thuộc các nhóm di dân châu Á, thường dùng ngôn ngữ dân tộc của mình, trong đó có cộng đồng người gốc Việt, nói tiếng Việt). Công việc hoằng pháp và công tác xã hội có nội dung và phương pháp tiến hành khác nhau đối với hai nhóm Phật tử này ở chùa Đông Hưng.
1. Giới thiệu về chùa Đông Hưng
Chùa Đông Hưng tọa lạc tại Virginia Beach, Hoa Kỳ, được Hòa thượng Thích Thông Kinh thành lập vào năm 1998 và đặt tên theo tên của Tổ đình Đông Hưng ở Sài Gòn, Việt Nam.
a. Cơ sở vật chất:
Chùa bao gồm ngôi Chánh điện mới xây dựng khang trang được đưa vào sử dụng năm 2015, trong đó có Tổ đường, nhà linh và phần nối dài để làm các pháp sự như sinh hoạt cộng đồng, các lớp học tiếng Việt. Trai đường, Thư viện cũng là nơi tổ chức các buổi pháp thoại, các lớp học giáo lý và các sinh hoạt khác. Nhà tăng được cải tạo từ một ngôi biệt thự gia đình cũ.
Chung quanh chùa là các Phật cảnh, sân vườn đẹp mắt. Bãi giữ xe có thể chứa được nhiều ô tô phục vụ các ngày lễ lớn.
b. Chư tăng: Tăng chúng chùa Đông Hưng gồm 4 vị
Thầy Thích Chúc Hội (pháp tự Giác Ngộ, hiệu Pháp Đạo), – trụ trì – quê quán Đồng Tháp. Được sư phụ Thông Kinh chọn giao chức vụ trụ trì năm 2013 dưới sự chứng minh của HT Thích Đạo Quang, chùa Quan Âm, California.
Thầy Thích Chúc Độ (pháp tự Giác Quảng, hiệu Pháp Trung) – tri sự – quê Quảng Nam. Thầy là người “kiến trúc sư” của chùa. Lên kế hoạch và định hướng cho sự phát triển của chùa. Gần đây, thầy xây dựng đạo tràng Chùa Phật Sơn tại thành phố Roanoke, Virginia. Thành lập và đào tạo các em Phật tử thanh thiếu niên (DHYA) làm thế hệ kế thừa.
Thầy Thích Chúc Thanh (pháp tự Giác Tịnh, hiệu Pháp Độ) – quê quán Quảng Nam. Thầy phụ tá cho quý thầy trong chùa để làm các pháp sự cần thiết để phát triển đạo tràng. Thầy phụ trách hướng dẫn và sinh hoạt cho cộng đồng Phật tử nói tiếng Anh.
Sư Sila Vivek, người Sri Lanka, tham gia giảng dạy cho người Mỹ và người Sri Lanka quanh vùng.
2. Những thành quả bước đầu trong công việc hoằng pháp
2.1. Hoằng pháp cho người nói tiếng Mỹ
a. Đào tạo thế hệ kế thừa
Mong muốn có sự tiếp nối trong tinh thần “Tổ tổ tương truyền” nên chư Tăng tại chùa Đông Hưng cũng đang nỗ lực đào tạo các thế trẻ. Hiện tại, chùa có một chú tiểu được ban pháp danh là Thánh Minh, thế hệ thứ 12 dòng thiền Chúc Thánh. Chú Thánh Minh sinh ra và lớn lên tại Mỹ.
b. Đào tạo cư sĩ giáo thọ
Để cho Phật pháp được phổ biến rộng rãi trong xã hội Mỹ, quý Thầy tại chùa Đông Hưng cùng kết hợp với HT Thích Trí Hoằng, trụ trì chùa Pháp Nguyên, bang Texas, đào tạo chương trình “cư sĩ giáo thọ”. Chương trình học được định hướng và cấp tín chỉ giáo thọ bởi “Dhamma Teacher Order”. Đây là một hoạt động có tính cần thiết và thích hợp cho xã hội Mỹ hiện nay.
c. Mở lớp giáo lý căn bản
Chùa Đông Hưng còn có mở lớp giáo lý căn bản. Trước đây, do Thầy Chúc Thanh hướng dẫn, từ khi có sư Sila Viveck (Seelaviveka) về sinh hoạt tại chùa, công việc này được bàn giao lại cho sư. Lớp học hiện đang thu hút rất nhiều người Mỹ tham dự và theo học.
d.Chư tăng đi đến các nơi cần để hoằng pháp
Ngoài các hoạt động tại chùa, chư Tăng còn được mời đi các nơi để giảng pháp. Những người chưa có cơ hội đến chùa thì chư Tăng sẽ đến tận nơi để kết duyên Phật pháp. Đây là việc làm thiết thực để làm cho lời Phật dạy lan truyền trong nhân gian.
Trường học
Trường học là một trong những nơi lý tưởng để truyền bá lời Phật dạy đến cho tầng lớp trí thức của xã hội Mỹ. Dưới sự uỷ thác của chư tăng chùa Đông Hưng, thầy Chúc Thanh được các trường đại học như: Regent University, Old Dominion University, Norfolk State University, mời đến nói chuyện và trao truyền kinh nghiệm tu tập cho sinh viên. Đồng thời, thầy còn đến các trường trung học cơ sở, phổ thông cơ sở để nói chuyện với các em học sinh về Phật pháp và sự truyền thừa của Phật giáo tại Mỹ.
Ngoài ra, các trường đại học và các trường trung học quanh vùng cũng thường xuyên đưa các sinh viên và học sinh đến tham quan chùa Đông Hưng và nghe thầy chia sẻ Phật pháp.
Nhà thờ và Thư viện
Để cho lời Phật dạy được lan tỏa với cộng đồng các tôn giáo bạn và những nơi sinh hoạt cộng đồng khác, thầy Chúc Thanh được mời đến các nhà thờ để chia sẻ Phật pháp. Đây là một trong những hoạt động giao lưu văn hóa nhằm tạo sự kết nối giữa các tôn giáo sinh hoạt tại nước Mỹ.
Song song với việc giao lưu văn hóa với các tôn giáo bạn, thầy còn được mời đi đến tiểu bang lân cận, North Carolina, hằng tháng để nói chuyện với người Mỹ tại vùng Outer Bank. Nơi đây cách chùa Đông Hưng hai tiếng lái xe. Ngoài ra, Thư viện Trung tâm của thành phố Virginia Beach đã mời thầy đến nói chuyện chuyên đề sự liên hệ giữa Thiền và sức khỏe được đặt tên là “Holiday Zen”.
2.2. Hoằng pháp cho người nói tiếng Việt
a. Thuyết pháp hàng tuần
Quý thầy tại chùa luân phiên giảng pháp tại chùa vào các ngày chủ nhật và các khóa tu Bát quan trai. Tổ Quy Sơn có dạy: “Thân cận thiện hữu như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận”. Người con Phật phải thường xuyên ôn lại lời Phật dạy bằng cách hành thiền, tụng kinh, và nghe pháp. Đây là những sinh hoạt có tính căn bản để bồi dưỡng đạo tâm cho người con Phật.
b. Mở lớp giáo lý căn bản
Các lớp giáo lý căn bản đã được quý thầy mở ra cho Phật tử Việt Nam tại chùa trong những năm trước nhằm giúp cho quý Phật tử xa xứ ôn lại lời Phật dạy có tính hệ thống hơn. Nhưng do điều kiện khách quan nên các lớp học đã bị gián đoạn. Hy vọng trong tương lai gần, các lớp giáo lý căn bản tiếp tục sinh hoạt trở lại.
c. Đào tạo thanh thiếu niên
Nhận thấy việc đào tạo lớp thế hệ kế thừa là cần thiết cho việc duy trì và phát triển đạo Phật tại nước Mỹ, thầy Chúc Độ đã thành lập Trung tâm Thanh Thiếu niên của chùa Đông Hưng, tên tiếng Anh là Dong Hung Youth Assiociation (DHYA). Thầy trao truyền kinh nghiệm cũng như hướng dẫn các em thanh thiếu niên cùng tham gia công tác giữ gìn văn hóa dân tộc. Đội ngũ kế thừa này sẽ tiếp tục dấn thân phụng sự làm cho ngọn đèn chánh pháp cũng như văn hóa truyền thống luôn được giữ gìn và phát huy.
3. Những đóng góp của chùa Đông Hưng trong công tác xã hội
3.1. Đối với cộng đồng người Mỹ
a. Tổ chức khóa tu (retreat) và các ngày lễ trọng đại của Phật giáo
Trong những năm qua, chùa đã tổ chức thành công các ngày tu học cho người Mỹ. Ngày tu học được đặt tên là “Lazy Day Retreat” đã thu hút một số lượng lớn những người Mỹ chưa có cơ hội đi chùa và sau các khóa tu học, ngày càng có nhiều người thường xuyên về chùa tu học hơn. Ngày “Lazy Day Retreat” được tổ chức nhằm đáp ứng cho những người mới biết đến đạo Phật, nên các thời khóa tu học trong ngày rất nhẹ nhàng. Mục đích của ngày tu học là giúp cho người tham dự khóa tu tìm lại được niềm vui của cuộc sống và thấy được chính mình.
Đối với quý Phật tử Mỹ đã quy y Tam bảo thì chùa có tổ chức ngày tu Bát quan trai để cho các Phật tử tinh tấn tu học. Ngoài ra, chùa cũng tổ chức các ngày lễ Phật giáo khác như ngày Phật đản, ngày lễ Vu lan để cho những người hữu duyên có cơ hội về chùa gặp gỡ chư Tăng, tham gia lễ hội và tham quan vãng cảnh.
Đặt biệt, chùa phát động và tổ chức ngày “Bodhi Day – Ngày Giác Ngộ” trong dịp lễ Tết Dương lịch để kỷ niệm ngày thành đạo của đức Bổn Sư Thích Ca. Trong ngày Bodhi Day này, các Phật tử Mỹ về chùa tham dự và thực hành các nghi lễ như tụng kinh (bằng tiếng Mỹ), lạy Phật, ngồi thiền, tưới cây bồ đề, đốt các lời nguyện ước trong dịp năm mới. Có thể nói đây cũng là một trong những cống hiến của chư Tăng tại chùa Đông Hưng cho nền Phật giáo tại Hoa Kỳ. Hy vọng trong tương lai gần ngày Bodhi Day trở thành một trong những ngày lễ hội của Phật giáo Mỹ.
Đồng thời, Đài Truyền hình WHRO và chư tăng tại chùa có tổ chức một ngày tu học cho cựu chiến binh Việt Nam. Ngày tu học này được ghi hình và được đề cử giải thưởng National Education Telecommunications Association – NETA Awards 2018. Sau khi được đề cử và công chiếu, thước phim đã đoạt được giải cao quý của hội này.
b. Chia sẻ “thực phẩm” – foodbank
Để cho việc hoằng pháp và thực hành lời Phật dạy có kết quả tốt, chư tăng và Phật tử tại chùa Đông Hưng đã thực hiện chương trình tặng phẩm dâng đời bằng cách quyên góp các thực phẩm như gạo, mì gói, đồ ăn đóng hộp, v.v… để tặng cho những người vô gia cư. Đây là việc làm thiết thực giúp các Phật tử trong việc thực hành lời Phật dạy làm xoa dịu nỗi đau của cuộc đời. Quý Phật tử phát tâm chia sẻ thực phẩm của mình cho những người không nhà cửa (homeless) thông qua một tổ chức phi vụ lợi (Foodbank).
c. Lá thư tù
Lá thư tù là một trong những nét “hoằng pháp” đặc thù cho một số người Mỹ đang thụ án tù, và những người này đã tìm cách liên lạc với chùa để được học hỏi thêm về lời Phật dạy. Đây là nhóm người thật sự cần sự giúp đỡ của Phật giáo. Thông qua “lá thư tù”, chư tăng và một số Phật tử người Mỹ đã có cơ hội đem Phật pháp vào đời làm xoa dịu bớt nỗi đau cho những người đang bị giam cầm trong các nhà tù tại Mỹ. Chùa thường xuyên nhận thư của các tù nhân gởi về để được tư vấn trao đổi và học hỏi Phật pháp. Đây cũng là một việc làm thiết thực để cho những nỗi khổ niềm đau của chúng sinh trong kiếp luân hồi.
d. Tư vấn cho những cá nhân
Để tạo điều kiện cho các người Mỹ đang có những khó khăn đối với bản thân và những “chuyện không vui” của gia đình, quý thầy tại bổn tự cũng thường xuyên tiếp chuyện với những cá nhân cần sự giúp đỡ. Những lần gặp gỡ tư vấn như thế rất cần thiết cho việc trao đổi, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của họ. Thông qua mạng Internet toàn cầu hoặc bạn bè thân hữu giới thiệu, những người Mỹ đã tìm được thông tin của chùa liên lạc và xin cuộc hẹn gặp trực tiếp chư Tăng để được tư vấn.
3.2. Cộng đồng người Việt
a. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt là một trong những ưu tiên hàng đầu của những người con Việt xa xứ nói chung và chư tăng Phật tử chùa Đông Hưng nói riêng. Nhằm tạo điều kiện cho các con em người Việt và cộng đồng Phật tử tại vùng Đông Nam Thuỷ Triều (Hampton Roads area), chùa Đông Hưng hằng năm tổ chức các lễ hội như Tết Nguyên đán, Trung thu, lễ Phật đản, Vu lan, v.v… để nhắc nhở cho thế hệ kế thừa về cuội nguồn của dân tộc Việt và các truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta bao đời gầy dựng và phát triển nên. Thông qua các lễ hội này, chư Tăng muốn gởi đi các thông điệp như “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” của người con đất Việt.
b. Dạy tiếng Việt
“Tiếng Việt còn người Việt còn” là một trong những niềm kiêu hãnh của người Việt. Dù xa xứ nhưng vẫn giữ gìn và bảo tồn tiếng nói của người con Việt. Để cho việc giữ gìn tiếng Việt được lâu dài tại vùng Đông Nam Thuỷ Triều này, Trường Việt Ngữ đã chính thức thành lập vào năm 2016 làm nơi dạy tiếng Việt cho các con em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Các em được kiểm tra trình độ đầu vào và chia theo 5 cấp khác nhau. Đội ngũ giáo viên gồm những thầy cô giáo thiện nguyện, trẻ trung, đa số có trình độ đại học, có kỹ năng dạy tiếng Việt tốt.
c.Trợ duyên cho những người mới đến Mỹ học tiếng Anh và tìm kiếm việc làm
Chùa Đông Hưng là một trong những nơi trợ giúp cho các Phật tử nói riêng và những người Việt mới di dân sang Mỹ như việc học tiếng Anh để hòa nhập với cuộc sống mới. Chùa đã có những lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các vị này. Bên cạnh đó, một số Phật tử là các chủ cơ sở kinh doanh làm ăn buôn bán nên những người mới đến cũng có thể tìm kiếm các cơ hội việc làm thông qua mối quan hệ của chùa.
d. Phục vụ các nghi lễ truyền thống như tang lễ, lễ hằng thuận
“Sinh ký tử quy” là quy luật của cuộc sống. Người con Việt rất nặng tình đối với những đấng sinh thành và những người thân khi họ qua đời, nên khi có hữu sự, các Phật tử về chùa cung thỉnh chư Tăng hộ niệm và tổ chức các tang lễ theo nghi thức Phật giáo. Đây cũng là một nét đặt thù của Phật giáo Việt Nam vừa tạo điều kiện cho người sống “trả hiếu” và cũng là dịp cho người mất được nghe lời khai thị của chư Tăng nhằm phát nguyện buông bỏ những oan trái kiếp người. Ngoài những lễ tang cho người cho người đã mất, chư Tăng chùa Đông Hưng còn thực thiện các nghi lễ khác của Phật giáo, đặt biệt là các lễ hằng thuận cho những Phật tử trẻ khi lập gia đình. Chư Tăng khuyên dạy các cặp vợ chồng mới cưới sống theo tinh thần của người con Phật, lấy năm giới làm căn bản cho đời sống hạnh phúc lứa đôi. Bên cạnh đó còn nhắc nhở cho họ về nếp sống văn hóa Việt trong gia đình như “chồng nóng thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa thì đời nào khê” hay tinh thần tương thân tương ái “thương kính như tân”.
e. Tổ chức các khóa tu Bát quan trai định kỳ cho Phật tử Việt Nam
Để giữ gìn văn hóa Việt, đặt biệt là văn hóa Phật giáo, chùa Đông Hưng thường xuyên tổ chức các ngày tu học định kỳ cho người Phật tử về chùa tu học. Những ngày tu học này là dịp cho quý đồng hương Phật tử “trưởng dưỡng đạo tâm” và cũng là cơ hội gặp gỡ chia sẻ những kinh nghiệm, những khó khăn vướng mắc của cuộc sống. Xen kẽ trong những thời khóa tu học là các buổi mạn đàm Phật pháp và các buổi thiền trà. Đây là cơ hội để cho chư tăng lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các Phật tử và những đóng góp ý kiến này sẽ giúp quý thầy xây dựng bổ sung thêm cho các kỳ sinh hoạt kế tiếp được hoàn thiện hơn.
4. Những khó khăn và thực trạng hoạt động hoằng pháp tại Mỹ hiện nay
Hoằng pháp là một trong những sứ mệnh quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển một tôn giáo. Truyền bá Phật pháp vào Mỹ, nơi đạo Phật không phải là tôn giáo bản địa lại càng khó khăn hơn. Ở đây, chúng tôi đề cập đến những khó khăn và thực trạng về nhân lực hoằng pháp, đối tượng tiếp nhận Phật pháp và chia sẻ một số kinh nghiệm hoằng pháp trên đất Mỹ.
4.1 Về nhân lực hoằng pháp
Khi nói đến nhân lực hoằng pháp là nói đến vai trò của tăng ni, nói đến tăng đoàn. Sức mạnh của tăng đoàn luôn phụ thuộc vào phẩm chất (lý tưởng, trình độ, đạo đức và kinh nghiệm thực hành) của các thành viên, và phụ thuộc vào số lượng các thành viên cùng với đường hướng hoằng pháp.
Các tu sĩ Phật giáo người Việt sang Mỹ, theo chúng tôi, có thể chia ra làm hai thời kỳ: thời kỳ đầu kể từ khi HT Thích Thiện Ân đến Mỹ năm 1966 cho đến 1995; và thời kỳ sau từ 1996 đến nay (sau khi có sự bình thường hóa quá quan hệ ngoại giao giữa hai nước Mỹ và Việt Nam).
Các tu sĩ thời kỳ đầu, số lượng rất ít, có uy tín và kinh nghiệm hoằng pháp, nhưng tuổi đã cao. Quý thầy chủ yếu hoạt động tôn giáo ở Cali và một số tiểu bang miền Tây nước Mỹ. Họ vốn là thành viên của Giáo hội Phật giáo VN thống nhất khi còn ở VN và tiếp tục tham gia vào Giáo hội này khi sang Hoa Kỳ. Các tu sĩ Phật giáo sang Mỹ từ năm 1996 trở đi đa phần là trẻ tuổi, đi theo diện bảo lãnh tôn giáo, du học hay du lịch rồi xin giấy tờ ở lại định cư. Chưa có số lượng thống kê chính xác, nhưng ước tính có cả nghìn vị. Họ thường là những tu sĩ đã qua trường lớp Phật học ở Việt Nam. Lực lượng này đáp ứng phần nào nhu cầu tăng ni ngày càng tăng ở Mỹ.
Hầu hết, các tăng ni sang Mỹ không chỉ vì lý tưởng làm sứ giả của Như Lai, đem giáo pháp Từ bi – trí tuệ – vô ngã – vị tha đến xứ người, mà còn mong tìm cho mình một tương lai tốt đẹp trên miền đất hứa. Nhưng họ chưa hình dung được cuộc sống tu hành ở Mỹ sẽ như thế nào.
Khi đặt chân đến Mỹ, người tu sĩ phải đối mặt với những khó khăn đầu tiên về nơi ăn, chốn ở, về cơm áo, gạo tiền, và sự khác biệt về ngôn ngữ giao tiếp. Họ chưa biết lái xe để tự đi lại và chưa hiểu rõ cách tổ chức xã hội, luật pháp và văn hóa Mỹ. Vì vậy, hầu hết các tu sĩ người Việt mới sang Mỹ đều cần có thời gian tự đào tạo hoặc học ở các trường lớp để thích ứng với cuộc sống mới, đặc biệt là phải học tiếng Anh tùy theo trình độ và khả năng tài chính, và điều kiện thực tế nơi họ ở. Vì vậy, không phải ai cũng có điều kiện, ý chí học tập cho đến khi hội đủ những kỹ năng tiếng Anh cần thiết và nắm được kho tàng kiến thức Phật học được chuyển tải bằng tiếng Anh để có thể thuyết pháp cho người Mỹ. Rào cản ngôn ngữ làm cho khá nhiều tăng ni chỉ tiếp xúc được với cộng đồng người Việt mà thôi.
Do khả năng tài chính hạn hẹp nên hầu hết các chùa Việt Nam ở Mỹ ban đầu đều là “cải gia vi tự”, rồi dần dần cải tạo, hay xây mới chính điện, trai đường, nhà tăng. Chùa Đông Hưng cũng tương tự và sau hơn 10 năm mới khánh thành ngôi chính điện nghiêm trang.
Nước Mỹ thì rộng lớn, số lượng tăng ni gốc Việt ở Mỹ mặc dù ngày càng tăng nhưng vẫn quá ít ỏi so với nhu cầu, mà lại thường có xu hướng lập chùa rải rác tại những vùng cư dân riêng biệt, nên phần lớn các chùa ở Mỹ đều “nhất tăng, nhất tự”. Việc hoạt động tôn giáo độc lập, không có sự liên kết tốt, không có một tổ chức thống nhất, không có một tăng đoàn, làm cho Phật giáo VN ở Mỹ nhìn chung chưa đủ sức mạnh, nguồn lực cần thiết để làm Phật sự và hoằng pháp như mong muốn.
Chùa Đông Hưng may mắn có một tập thể gắn bó gồm bốn tu sĩ có trình độ và tâm huyết nên đã cùng nhau vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng đạo tràng, đạt được những kết quả bước đầu trong việc đưa Phật pháp đến với cộng đồng người Mỹ và người Việt tại vùng Hampton Roads, VA, như đã viết ở mục 2 và mục 3. Đó quả thật là những đóng góp đáng ghi nhận.
4.2. Về đối tượng tiếp nhận Phật pháp
a. Cộng đồng người gốc Việt tại vùng Hampton Roads
Chùa Đông Hưng tọa lạc tại thành phố Virginia Beach, thuộc vùng Hamtons Roads thuộc tiểu bang Virginia. Dân số vùng Hampton Roads hơn 1,7 triệu người, diện tích 9.660 km2 (gấp hơn 4 lần diện tích TP. HCM). Vùng này có vị trí chiến lược về quân sự, kinh tế và du lịch biển.
Theo số liệu thống kê tổng điều tra dân số Mỹ năm 2010, vùng Hampton Roads có 58.017 người gốc Á, trong đó người Việt ước tính khoảng 5.000 người, gồm nhiều thành phần dân cư, xu hướng chính trị và đa dạng về nghề nghiệp, tôn giáo. Ngành Nails thu hút một số lượng dân cư lớn người Việt.
Rất khó thống kê được số lượng Phật tử VN tại Mỹ nói chung và vùng Hampton Roads nói riêng. Tuy nhiên, mỗi chùa có thể thống kê được số người quy y tại chùa của mình từ khi thành lập đến một thời điểm nhất định. Ví dụ, chùa Đông Hưng, từ năm 2009 đến năm 2019 đã quy y cho 79 Phật tử người Mỹ (41 nam, 38 nữ) và 114 Phật tử gốc Việt (40 nam và 74 nữ). Sau khi quy y, họ có thể tiếp tục sinh hoạt ở chùa Đông Hưng hay không, còn tuỳ duyên của mỗi người.
Sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam tại Mỹ cũng mang đủ sắc thái truyền thống giống như Phật giáo trong nước, gồm Phật giáo Bắc truyền, Nam truyền, Phật giáo Khất sĩ (Hệ phái Khất sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang), v.v…
Về các pháp môn tu tập thì Phật giáo Việt Nam tại Mỹ nói chung đều giữ cách tu tập truyền thống như trong nước là kết hợp Thiền – Tịnh – Mật. Chùa Đông Hưng thuộc Phật giáo Bắc truyền, dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh, nhưng hiện nay Phật tử Việt Nam tại chùa lại tu tập chủ yếu theo pháp môn Tịnh độ.
Cũng như phần lớn các chùa Việt Nam ỏ Mỹ, người đến chùa Đông Hưng đa số là người Việt cao tuổi và trung niên. Các Phật tử VN thường sinh hoạt vào sáng chủ nhật hoặc một vài buổi tối trong tuần vì nhiều người còn bận đi làm hoặc trông nom con cháu.
Chùa Đông Hưng như một mái nhà tâm linh, đáp ứng các hoạt động nghi lễ tôn giáo, các khóa học giáo lý và các lớp tiếng Việt, cũng là nơi gặp gỡ đồng hương, tham gia các lễ hội truyền thống, cho con cháu người Việt biết đến cội nguồn văn hóa dân tộc, chăm sóc người khó khăn và cử hành các tang lễ cho người quá cố.
Các Phật tử cao tuổi thường không muốn học những giáo lý cao siêu, chỉ cần tu tập hằng ngày tránh làm việc ác, làm việc thiện, giữ thân tâm thanh tịnh để khi chết được về cõi Tịnh độ. Họ thích niệm Phật, tụng những bài kinh đơn giản, trì chú, nghe pháp qua băng đĩa, hay mạng internet hơn là đến lớp học giáo lý gò bó theo lịch học định sẵn. Vì vậy, các lớp giáo lý tổ chức cho cộng đồng người Việt thường rất ít người tham gia và không duy trì được lâu dài.
Số lượng Phật tử người Việt chùa Đông Hưng nói riêng cũng như các chùa Việt trên đất Mỹ nói chung rơi rụng dần do tuổi cao, sức yếu, già, bệnh, và chết. Còn giới trẻ, con em người Việt trong vùng chưa quan tâm nhiều tới đạo Phật. Một câu hỏi lớn mà chư tăng ở đây luôn nghĩ đến, đó là: Nếu không có thế hệ trẻ tiếp nối thì tương lai Phật giáo VN tại Mỹ sẽ thế nào?
b.Cộng đồng nói tiếng Mỹ sinh hoạt tại chùa Đông Hưng
Từ khi chùa Đông Hưng khánh thành chánh điện khang trang tại Virginia Beach, chư tăng của chùa đã mở rộng hoạt động hoằng pháp trong cộng đồng nói tiếng Mỹ trong vùng (xem phần trên).
Cho đến nay, ngày càng nhiều người Mỹ trong vùng Hamton Roads đến chùa tìm kiếm sự nuôi dưỡng tinh thần từ Phật pháp.
Thành phần người Mỹ đến chùa khá đa dạng: những người trí thức, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh muốn tìm hiểu về Phật giáo, những người già cô đơn, những người gặp khó khăn, bất hạnh, bế tắc trong đời sống tinh thần muốn tìm kiếm sự giúp đỡ. Đa số họ là người Mỹ trắng, một số người da màu, người gốc Á và những người gốc Việt nhưng không biết tiếng Việt.
Nếu như phần lớn các Phật tử Việt Nam và gốc Á thường đến chùa để lễ lạy, cầu nguyện, tụng kinh, niệm Phật, trì chú theo cách hành trì của pháp môn Tịnh độ, thì các Phật tử Mỹ thường đến các Trung tâm thiền hoặc yêu thích nội dung hành thiền trong các khóa tu ở các chùa hơn là thực hành các nghi lễ Phật giáo.
Các Phật tử Mỹ ham thích tìm hiểu các lời dạy của đức Phật, đọc nhiều sách, chăm chỉ tham dự các lớp giáo lý, chủ động đặt câu hỏi, cùng thảo luận và cởi mở chia sẻ kinh nghiệm thực hành. Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá Phật giáo trong cộng đồng người Mỹ, nếu các chư tăng Việt Nam có đủ trình độ tiếng Anh, có kiến thức Phật học vững vàng, kinh nghiệm tâm linh sâu sắc và có phương pháp thích hợp trong việc hướng dẫn người Mỹ thực hành Phật pháp.
5. Một số suy nghĩ về phương hướng hoằng pháp nhằm duy trì và phát triển Phật giáo ở Mỹ
5.1. Về đối tượng hoằng pháp
Người gốc Việt ở Mỹ chỉ chiếm 0,65 % dân số Hoa Kỳ (2017). Vì vậy, để phát triển Phật giáo lâu dài ở Mỹ, phải chú trọng đúng mức đến việc hoằng pháp cho người bản xứ, những cư dân chiếm đa số ở Mỹ, điều này từ trước đến nay rất ít chùa làm được. Việc cố gắng duy trì sự tồn tại của Phật giáo trong cộng đồng người Việt cũng là lẽ sống của Phật giáo VN ở Mỹ. Đối với cả hai cộng đồng đa số và thiểu số này, lại cần phải quan tâm đặc biệt đến việc giới thiệu giáo lý cho giới trẻ và tầng lớp trí thức, vì tuổi trẻ là tương lai của Phật giáo và tầng lớp trí thức có thể giúp truyền bá Phật pháp nhanh chóng và hữu hiệu.
5.2 Về nhân lực hoằng pháp
Để có thể hoằng pháp cho người bản xứ, trước tiên cần có lực lượng giáo thọ người bản xứ. Việc đào tạo giáo thọ người bản xứ phải được ưu tiên hàng đầu, vì rất ít tăng ni người Việt có đủ trình độ giảng pháp bằng tiếng Mỹ và hiểu biết văn hóa Mỹ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích xu hướng dân chủ hóa Phật giáo thể hiện trong việc đào tạo cả các giáo thọ xuất sĩ lẫn giáo thọ cư sĩ vì số lượng tu sĩ người Mỹ rất hiếm, trong khi đó có nhiều cư sĩ người Mỹ rất am hiểu Phật giáo. Cần phải khuyến khích và nâng cao vai trò chủ động của các cư sĩ người Mỹ và người Việt trong việc tổ chức các trung tâm, lớp, nhóm tu học, giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề, phiên dịch kinh sách, v.v… với sự hướng dẫn của chư tăng, chư ni.
Các giáo thọ giảng bằng tiếng Việt cũng cần nâng cao trình độ và đổi mới phương pháp tiếp cận với các đối tượng nghe pháp khác nhau, đặc biệt là giới trẻ và tầng lớp trí thức người gốc Việt.
5.3. Về nội dung hoằng pháp và các phương pháp thực tập
a. Đối với cộng đồng người Việt
Như phần trên chúng tôi đã nhận xét, hiện nay thế hệ người lớn tuổi, hay thế hệ di dân thứ nhất trong mỗi gia đình người Việt ở Mỹ ngày càng giảm dần, còn các thế hệ con cháu họ được sinh ra và lớn lên trong nền văn hóa Mỹ, không giỏi tiếng Việt, ngày càng xa rời truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam. Trong khi đó, sinh hoạt tôn giáo trong chùa và việc hoằng pháp của chư tăng chủ yếu sử dụng tiếng Việt. Vì vậy, sự trường tồn và phát triển Phật giáo VN ở Mỹ liên quan mật thiết với việc gìn giữ sự hiểu biết tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ và trí thức người Việt tại Mỹ.
Hiểu rõ điều này, chùa Đông Hưng và một số chùa VN trên đất Mỹ đã tổ chức các lớp học tiếng Việt, dạy kèm các kiến thức văn hóa Việt Nam cho con em Việt kiều vào các ngày cuối tuần; tổ chức các buổi giới thiệu Phật pháp bằng tiếng Anh cho các em nhỏ chưa biết tiếng Việt; tổ chức các lễ hội truyền thống của Phật giáo và dân tộc như ngày Tết Nguyên đán, Lễ Phật đản, Tết Trung thu, Lễ Vu lan, v.v…
Khi giảng pháp, các giáo thọ cần chọn lọc những nội dung giáo lý có tính thực tiễn, thích hợp với từng đối tượng, từng độ tuổi, giới thiệu giáo lý một cách ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, có hình ảnh, tránh dùng ngôn ngữ bác học và mời gọi mọi người thực tập những gì có liên quan trong đời sống thường nhật của mình.
Bên cạnh đó, nhà chùa cần tổ chức các hoạt động, các sân chơi vui nhộn cho trẻ em gắn bó với chùa và định kỳ tổ chức các sinh hoạt dã ngoại cho học sinh kết hợp thiền tập và giảng pháp vào dịp các trường nghỉ hè, nghỉ xuân, nghỉ mùa Giáng sinh và năm mới hoặc tổ chức các khóa tu cho người trẻ vào các dịp đó. Chú trọng tìm kiếm và đào tạo thế hệ truyền thừa từ giới trẻ người Việt sinh ra tại Mỹ.
b. Đối với cộng đồng người Mỹ
Việc hoằng pháp không chỉ nhấn mạnh nội dung tôn giáo mà còn chú trọng giới thiệu các phương pháp thực hành về tâm linh. Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm thành công của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong 40 năm truyền giáo ở các nước Âu Mỹ, với quan điểm “Phương Tây đã có tôn giáo của họ, cái họ thiếu là một nền tâm học”; “Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo. Trái tim của đạo Phật là tuệ giác, giúp giải phóng con người, giúp con người sống an lạc, không sợ hãi”. Vì vậy, khi giới thiệu đạo Phật cho người phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh không nhấn mạnh nội dung tôn giáo, mà chủ yếu là cung cấp các pháp môn thực tập, đặc biệt là căn cứ trên “hiện pháp lạc trú” và thiền tập “Tịnh độ hiện tiền”, thực tập chánh niệm trong mỗi giây phút của đời sống thường nhật. Thiền sư đã mở ra nhiều trung tâm thực tập Thiền và rất thành công ở nhiều nước Âu, Úc, Mỹ.
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, “Tâm lý học là cửa ngõ mở ra để đi vào xã hội Tây phương dễ dàng vì đạo Phật có nền Tâm học rất sâu sắc”. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đồng ý với quan điểm này. Ví dụ: Trong bài viết “Dramatic Growth of American Buddhism: An Overview”, đăng trong tạp chí Dharma World Magazine, giáo sư Kenneth K. Tanaka, cho rằng những lý do làm phát triển Phật giáo ở Mỹ, đó là: Tâm lý học (gồm Tâm lý trị liệu) đã trở thành khuôn khổ chính để người Mỹ hiểu Phật giáo, bởi vì Phật giáo tập trung vào tâm thức, chỉ dẫn cách giảm bớt khổ đau về mặt tinh thần. Phong trào đưa thiền tập vào sử dụng trong bệnh viện, quân đội, trường học, nhà tù… cũng là một cách tiếp cận mới trong trị liệu về tâm lý. Lý do thứ hai là Phật giáo không mâu thuẫn với khoa học. Phật giáo có thể dung hợp với thế giới hiện đại trong sự tương tác với tâm lý học và khoa học tự nhiên. Phật giáo giúp giảm trừ tội phạm, các mâu thuẫn xã hội, bạo hành gia đình, bảo vệ môi trường, đem lại hạnh phúc cho bản thân và tha nhân.
Việc hành trì là lĩnh vực cốt lõi nhất để duy trì và phát triển mạng mạch của Phật pháp. Vì vậy, chư tăng chùa Đông Hưng đang học hỏi và ứng dụng phương hướng hoằng pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho cộng đồng nói tiếng Mỹ ở vùng Hampton Roads để làm mới lại đạo Phật, làm cho đạo Phật có thể đáp ứng được nhu cầu của con người và xã hội Mỹ hiện nay.
5.4. Sự kết nối giữa chùa Đông Hưng và chư tôn đức tăng ni trong sơn môn pháp phái Chúc Thánh
Để cho việc hoằng pháp lợi sanh tại Hoa Kỳ được mạnh mẽ hơn nữa và tình linh sơn pháp lữ được thêm phần gắng kết, chư Tăng chùa Đông Hưng đều đặn tham gia các cuộc họp mặt của Thiền phái Chúc Thánh tại Hoa Kỳ và đến nay đã được 6 kỳ. Bên cạnh đó, để cho hàng Phật tử biết thêm về sự ảnh hưởng và chư tôn đức tăng ni thuộc Thiền phái Chúc Thánh, chùa Đông Hưng đã cung thỉnh quý hòa thượng, thượng tọa và chư tôn đức thuộc dòng phái về chùa tham dự các ngày đại lễ và thuyết giảng trong các khóa tu của chùa Đông Hưng.
Trong kỳ họp mặt lần thứ 6 của Thiền phái Chúc Thánh hải ngoại – Hoa Kỳ được long trọng tổ chức tại chùa Linh Quang, thuộc tiểu bang Massachusetts, chùa Đông Hưng đã đăng ký tổ chức kỳ họp mặt lần thứ 9 dự kiến vào năm 2023 để cho chư Phật tử được duyên lành gặp mặt và học hỏi những bài pháp sống động thông qua những kinh nghiệm hoằng pháp từ chư tôn thiền đức thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại Hoa Kỳ.
5.5. Kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động hoằng pháp và hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng
Người tu sĩ Phật giáo luôn hướng đến sống tốt ĐẠO, đẹp ĐỜI, tức là hoạt động tôn giáo luôn song hành cùng hoạt động xã hội. Hoạt động xã hội tốt chính là cơ sở để phát huy ảnh hưởng tốt của Phật giáo trong xã hội. Chùa Đông Hưng đã có một số đóng góp nhất định trong các hoạt động giáo dục, từ thiện, tư vấn tâm lý, giúp đỡ các Phật tử người Việt và người Mỹ khi gặp khó khăn (xem mục 3 của bài viết này). Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần phát huy hơn nữa các nguồn lực tinh thần và vật chất của chùa và Phật tử để phục vụ hiệu quả hơn cho việc hoằng pháp và làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng dân cư ở vùng Hampton Roads. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chư tăng của chùa cũng đã và đang tìm cách hoằng pháp từ xa bằng các phương tiện Internet như Zoom hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác để an ủi, động viên cho những người có duyên với Tam bảo chùa Đông Hưng được lợi lạc./