Đời thứ 8 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã có mặt tại Thụy Sĩ (Thích Như Tú)

            Nhị vị Hòa thượng ở Âu châu đến Tích Lan để nhận phong tặng danh hiệu “Danh Tăng Hoằng Pháp Phương Tây” do Chính phủ và Hội đồng Tăng già Phật giáo Tích Lan tổ chức vào ngày 08 tháng 07 năm 2011, đó là cố Hòa thượng thượng Minh hạ Tâm khai sơn hai ngôi chùa Khánh Anh tại Pháp Quốc và Hòa thượng Phương Trượng thượng Như hạ Điển khai sơn Tổ đình Viên Giác và Tu viện Viên Đức ở Đức Quốc. Tháp tùng trong chuyến này còn có chư tăng đến từ Việt Nam Hòa thượng thượng Giải hạ Trọng, Giám sự Tổ đình Long Tuyền – Hội An, Thượng tọa thượng Đồng hạ Mẫn, Viện chủ Tổ đình Chúc Thánh – Hội An và Đại đức Thích Như Tịnh, Viện chủ Tổ đình Viên Giác – Hội An. Đồng tham dự có các Tăng sinh đang làm nghiên cứu sinh tại các trường đại học ở Ấn Độ: Đại đức Thích Nguyên Tân, Đại đức Thích Huệ Phát, Đại đức Thích Nhuận Huệ và chúng tôi. Đặc biệt, trong chuyến tháp tùng này có các văn nghệ sĩ đến từ Âu châu và Chủ bút Báo Viên Giác, Phật tử Phù Vân cùng những cây bút nữ của Báo Viên Giác.

            Được tham dự lần này, chúng tôi luôn thầm cảm nhận thật vinh dự cho Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại nói chung và đặc biệt có người con đất Quảng thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng. Xuyên suốt hơn 40 năm phụng sự hoằng truyền chánh pháp nơi xứ người, tương xứng với pháp ngữ của cố đức Đại lão Tăng thống Thích Huyền Quang đã ghi tặng cho Hòa thượng Thích Như Điển như sau: “Chúc Thánh Dư Hương”.

          I. Duyên khởi

            Sau khi tốt nghiệp Đại học New Delhi – Ấn Độ, chúng tôi muốn trở về Hội An, miền xuôi đất Quảng, nơi tôi xuất gia học đạo vào ngày 02 tháng 09 năm 1990 với Hòa thượng thế độ Bổn sư thượng Long hạ Trí, đời thứ 7 Thiền phái Chúc Thánh khai sơn Tổ đình Viên Giác – Hội An. Ngài đã có nhiều công lao xây dựng ngôi nhà Phật giáo Quảng Nam trong những năm sau 1975. Tuy đất nước không còn chiến tranh, nhưng chùa chiền lại gặp nhiều trắc trở. Ngài cùng chư sơn các tổ đình ở Hội An điều hợp sinh hoạt để ổn định tinh thần Phật tử lúc bấy giờ.

            Song, chúng tôi không về chùa cũ mà tôi trình lên Hòa thượng Như Điển về chùa Tổ. Năm 2012, chúng tôi về Tổ đình Chúc Thánh để xin tá túc nương nhờ chư tăng ở tổ đình cùng chư tăng Quảng Nam tu tập, sớm hôm kinh kệ, bái tổ tạ ơn sau những ngày long đong, vá áo chép kinh nơi xứ người.

            “Vô tình áo bạt sờn vai

            Mười năm vác mộng khôi hài viễn du” (Mặc Nhiên)

            Được sự hứa khả của Thượng tọa Viện chủ Tổ đình Chúc Thánh, chúng tôi đã sinh hoạt cùng chư tăng Quảng Nam gần được hai năm. Trong thời gian đó, Ban Hộ tự chùa Phước Khánh tại làng Đông Khương – Thị xã Điện Bàn, nơi tôi sinh ra đã cung thỉnh chúng tôi về trụ trì và hướng dẫn cho Phật tử tu tập.

            Tôi cũng có nguyện ước đó, sau khi học xong muốn trở về nơi tôi sinh ra và nơi tôi được xuất gia để phụng sự cho quê hương, đất tổ, góp phần trong công cuộc hoằng hóa độ sanh. Nhưng có lẽ Phật tổ thương cho những chúng sanh đang sống tha hương nữa khác chăng? Vì rằng sau đó, tôi không thể thực hiện được ước nguyện ban đầu, mà ngược lại là “xa quê hương mãi mãi”.

            Trên địa bàn năm huyện thị thuộc khu hai Quảng Nam nay gọi là khu vực Bắc Quảng Nam, các chùa viện đều do chư Tổ và Danh tăng dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trác tích khai sơn. Là người con đất Quảng, huynh đệ chúng tôi xuất gia dưới mái chùa Viên Giác, được truyền thừa phú pháp theo Thiền phái Chúc Thánh. Là hậu duệ, con cháu của Tổ Sư, cho dù có ở nơi đâu, chúng tôi đều mang trong người cùng chung trọng trách phát huy và giữ gìn tông phong, tổ ấn trùng quang. Cho dù hoàn cảnh có khó khăn như nào, chúng tôi vẫn quyết bước theo từng bước chân của sư phụ mình.

            Nhớ lại chuyến tháp tùng cùng Hòa thượng Phương trượng Thích Như Điển đến đảo sử Tích Lan, chúng tôi có dịp chiêm bái cây Bồ đề được Thái tử Mahinda, con của đức Vua A Dục mang đến trồng tại nơi đây. Chúng tôi đã có lần, khi hai bàn tay và trán của tôi chạm vào thân cây Bồ đề liền khởi lên dòng suy tư, rằng: “Rồi hơn hai mươi năm sau, dòng đời cứ trôi trôi mãi, vẫn lênh đênh đẩy tôi xa rời bến cũ. Tôi lạc lối quay về, để giờ đây tôi vịn tay lên cội Bồ đề trầm tư nghe tâm mình vấn hỏi. Có nhánh sông nào tôi sẽ rẽ qua? Tùy Duyên!”.

           II. Sự hình thành ngôi chùa

            Có lẽ phong thủy thổ địa nơi tôi sanh ra đã thay đổi. Hay như Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương đã từng than:

            “Tiểu thiếu ly gia, lão đại hồi

            Hương âm vô cải, mấn mao tồi

            Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

            Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?”.

    Dịch nghĩa:

            “Xa quê từ lúc còn thơ bé, già rồi mới trở về

            Giọng nói quê nhà không thay đổi, chỉ có tóc đen đã bạc màu

            Trẻ con trông thấy không biết người làng xưa

            Cười nhau hỏi khách ông từ đâu đến?”.

            Sau đó, tôi lại phải ra đi. Đành rời xa quê hương chốn tổ một lần nữa. Lúc bấy giờ, Hòa thượng pháp huynh Thích Như Điển nghe tôi chuẩn bị đi Thuỵ Điển. Ngài gọi điện về và đã dạy tôi nên đến Thuỵ Sĩ hành đạo. Tôi khâm thừa lời dạy của ngài và ngày 24.6.2014 (Giáp Ngọ), tôi đã đến Thuỵ Sĩ bằng con đường “Hoằng pháp” theo diện Tôn giáo cho đến ngày hôm nay. Trên đoạn đường về chùa, tôi đã cảm tác lời thơ để ghi lại dấu chân đầu tiên đến Thuỵ Sĩ:

            “Ngày 24 tháng 6 năm Giáp Ngọ

            Tôi đến ngôi chùa Phật Tổ Thích Ca

            Dưới trời nắng ấm, giữa tình bao la

            Tôi đi dưới khung trời đầy thơ mộng

            Chốn nhân gian tràn ngập tiếng yêu thương

            Thuỵ Sĩ là đây? Đây là Thuỵ Sĩ

            Biệt danh thiên đường lời người xưa ca ngợi

            Tôi đến nơi đây lòng người mong đợi

            Phủ phục chân ngài Phật Tổ Thích Ca

            Lòng tôi nguyện với hương thơm giải thoát

            Sẽ thở cùng một nhịp giữa mênh mông

                                                                  (Mặc Nhiên)

            Thuỵ Sĩ là một đất nước nhỏ có nhiều đồi núi và ao hồ thuộc vùng Trung Âu (Đức, Pháp, Ý, Áo và Liechtenstein). Đất nước nhỏ nhưng sử dụng 4 ngôn ngữ chính, đó là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh. Những ngành quan trọng của đất nước này là ngành Ngân hàng và Tài chánh. Bên cạnh đó còn có ngành Đồng hồ, Dao VICTOR INOX và Shocola nổi tiếng trên thế giới. Diện tích đất khoảng chừng hơn 41.000km2, với mật độ dân số trên 8 triệu dân. Riêng cộng đồng người Việt khoảng chừng hơn 15 ngàn người. Trong số này, nhiều người Việt theo đạo Thiên Chúa. Số lượng cộng đồng Phật tử rất ít. Tuy nhiên, nơi nào có người Việt thì nơi đó có những ngôi chùa được hình thành.

            Sau những thập niên 70s và 80s, người Việt theo làn sóng di cư và được định cư nơi này theo diện nhân đạo. Từ đó, các tiền bối Phật tử đã dựng lên Đạo tràng Phật giáo để người Việt xa xứ có nơi gởi gắm tâm linh. Trải qua nhiều năm vì nhân duyên khác nhau nên thay đổi nhân sự để điều hành Phật sự của Hội và ngôi chùa có tên Chùa Phật Tổ Thích Ca (cũ).

            Đến năm 2014, chúng tôi được Hội Phật giáo Đông Dương tiếng Đức gọi là Der Verein der Indochina-Buddhisten in der Schweiz thỉnh về trụ trì và điều hành hướng dẫn mọi Phật sự tại nơi đây. Vì là ngôi nhà cải gia vi tự này đã cũ mục, chính quyền không cho sinh hoạt tôn giáo với số đông. Trong thời gian này, chúng tôi thật lao đao với nhiều chướng duyên. Chúng tôi phải học tiếng Đức để được hội nhập hoằng pháp, vừa hóa duyên và khuyến tấn Phật tử về chùa tu tập, ứng phó đạo tràng. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm kiếm cơ sở mới để sinh hoạt trong suốt 2 năm mới được toại nguyện.

            “Sáu năm như một giấc mơ

            Trôi qua mấy dặm lời thơ hôm nào

            Thời gian khổ hạnh lao đao

            Tấm thân giả tạm biết bao vô thường

            Ơn sâu tín chủ mười phương

            Ơn Thầy, đức Tổ nhờ nương kiếp này

            Cũng vì pháp bảo Như Lai

            Dấn thân phụng sự tỏ bày tâm can

            Buổi đầu cảm thấy gian nan

            Chùa xưa cũ mục, nước tràn khi mưa

            Thầy trò kinh kệ sớm trưa

            Cầu xin Đức Phật tiếp đưa nguyện lành

            Duyên may đã đến thật nhanh

            Hai năm sau đó chuyển thành chùa to

            Khang trang rộng rãi chẳng lo

            Công lao Phật tử cam go muôn phần

            Cúi đầu đảnh lễ thâm ân

            Đàn Na tín thí ân cần cúng dâng.

                                     (Mặc Nhiên, 24.6.2020)

            Đến đầu năm 2017, chúng tôi gặp duyên lành và đã chọn mua được ngôi chùa mới rộng rãi, phương tiện giao thông thuận lợi cho Phật tử các nơi về sinh hoạt tu tập. Ngôi chùa được phép sinh hoạt 300 người. Và đặc biệt là được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và bà con hàng xóm tại làng Nebikon thuộc thành phố Luzern. Hiện nay, chùa vẫn đang trùng tu cũng tạm khang trang so với trước đây, nên chúng tôi đã đổi tên thành chùa Viên Minh với ý nghĩa liên hệ gắn bó với quê hương, tông môn pháp phái.

            Cũng như các Tổ sư trác tích khai sơn đều dùng con đất, quốc độ nơi ngôi chùa tọa lạc hay danh tăng tông môn truyền thừa pháp phái để đặt tên cho ngôi chùa mới.

            Đầu tiên là sự liên hệ địa phương: Ở Thuỵ Sĩ, mỗi ngôi làng đều có một biểu tượng riêng để định hình một lá cờ biểu trưng cho ngôi làng đó. Trên biểu tượng lá cờ tại làng Nebikon này là sự đại diện của mặt trời và mặt trăng nên hình thành chữ Minh. Ý nghĩa liên hệ thứ hai, đó là chúng tôi xuất thân từ chùa Viên Giác – Hội An là đệ tử của cố Hòa thượng thượng Long hạ Trí đời thứ 7 Thiền phái. Vì thế, chúng tôi đã khẩn bạch lên nhị vị Hòa thượng thượng Bảo hạ Lạc, Phương trượng Tổ đình Pháp Bảo tại Úc và Hòa thượng pháp huynh thượng Như hạ Điển nhân dịp nhị vị ghé thăm ngôi chùa đang trùng tu vào năm 2018. Hai ngài đều đồng ý cho phép chúng tôi lấy tên chùa có liên hệ với tông môn Viên Giác và dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh nơi quê nhà. Ngài Bảo Lạc đã đề tặng câu đối như sau:

            “圓 融 普润 鸿 音振.

            明了色空 般 若 談”

            “Viên Dung Phổ Nhuận Hồng Âm Chấn;

            Minh Liễu Sắc Không Bát Nhã Đàm

     Hòa thượng dịch:

            “Viên dung nhuần gội tiếng chuông ngân;

            Minh liễu sắc không lý tánh đồng

            Và cũng cùng diễn tả cốt tuỷ của tinh thần Bát Nhã trong thi kệ viên tịch của Tổ sư Minh Hải vào ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746):

            “Nguyên phù pháp giới không

            Chơn Như vô tánh tướng

            Nhược liễu ngộ như thử

            Chúng sanh dữ Phật đồng”.

        Dịch nghĩa:

            “Pháp giới như mây nổi

            Chân Như không tánh tướng

            Do vậy, ngôi chùa mang tên Viên Minh đã có từ đó. Tuy ngôi chùa không rộng rãi như các ngôi chùa ở Việt Nam, nhưng đối với đất nước nhỏ bé này tạo dựng được một ngôi chùa rộng 1.500m2 cũng không phải dễ dàng, nhưng cũng đủ cho cộng đồng Phật tử Việt Nam ở nơi xứ người về tu tập và gởi gắm tâm linh. Nhân Đại Lễ Phật Đản PL. 2563, Dương lịch 2019, chúng tôi đã truyền giới quy y cho hơn 30 đệ tử tại gia với Pháp danh chữ “Thiện…” thay cho chữ “Thị…”. Chúng tôi cũng dự định năm 2022, sẽ làm lễ khánh thành hoàn nguyện ngôi Tam bảo để tạ ơn chư Tổ và Đàn na Tín thí.

            Khẩn nguyện mười phương chư Phật, chư đại Bồ tát, chư hiền Thánh Tăng, chư vị Tổ sư thùy từ gia hộ, độ trì để thế hệ đệ tử đồ tôn, hậu duệ của Tổ sư Minh Hải gặp nhiều thuận duyên “Tổ Tổ Tương Truyền” hình thành và phát triển tông môn Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại nơi đất nước được người đời ca tụng là “thiên đàng trần gian”.

            Khể thủ,

            Thượng tọa Thích Như Tú. Pháp tự Giải Lệ. Pháp hiệu Viên Ân

            đời thứ 8 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Hội An – Quảng Nam.

                                                     Viết xong ngày 16 tháng 7 năm 2020

                                                     tại Thư viện chùa Viên Minh – Thuỵ Sĩ.