Đi tu là đi tìm đạo tâm của mình. Nhưng thực ra tìm đạo tâm không cần phải xa lánh cõi trần mà mỗi một việc làm không thẹn với lương tâm chính là đạo tâm.
Thiền phái Chúc Thánh phát triển ngày một thịnh. Chỉ qua vài ba đời truyền pháp, Thiền phái Chúc Thánh phát triển rộng khắp các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, dần dần lan rộng khắp các tỉnh miền Nam. Hiện nay, Thiền phái Chúc Thánh có hơn 30 Tổ đình, hàng 100 tự viện trong và ngoài nước. Nhưng nói đến Thiền phái Chúc Thánh, không thể không nhắc tới Tổ đình Phước Lâm.
Hai trung tâm truyền giáo đầu tiên của dòng Chúc Thánh
Như chúng ta đã biết, Tổ sư Minh Hải – Pháp Hải khai sinh Thiền phái Chúc Thánh tại chùa Chúc Thánh, Hội An. Thời bấy giờ, Hội An là một thương cảng trù phú nên không thiếu người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống, nhưng cộng đồng người Việt và người Hoa vẫn chiếm đa số. Với một lực lượng kế thừa hùng hậu, các thiền sư dòng Chúc Thánh đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của hai cộng đồng này. Các ngài Thiệt Diệu, Thiệt Thọ, Thiệt Mẫn là người Hoa nên ngụ tại chùa Chúc Thánh lo cho phần tâm linh cần thiết của cộng đồng dân tộc Hoa; còn thiền sư Thiệt Dinh khai sơn chùa Phước Lâm với sự hỗ trợ của các pháp đệ Thiệt Đạo, Thiệt Gia đã thu hút được sự quy ngưỡng cũng như đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người Việt. Như vậy, trong hàng đệ tử xuất gia của Tổ Minh Hải có cả người Hoa và người Việt.
Các vị người Hoa ở chùa Chúc Thánh và các vị người Việt ở chùa Phước Lâm tạo thành hai trung tâm truyền giáo đầu tiên của dòng Chúc Thánh. Đến đời thứ ba thì đạo tràng Phước Lâm với sự thừa kế của ngài Pháp Ấn, Pháp Kiêm đã phát triển mạnh và đóng vai trò chủ chốt của sự truyền bá Thiền phái Chúc Thánh. Theo long vị thờ ở những Tổ đình của Thiền phái Chúc Thánh, thì các thiền sư danh tiếng tại Quảng Nam đều trụ tại chùa Phước Lâm. Ngay cả các vị đi các tỉnh khác hoằng hóa cũng đều xuất thân từ chùa Phước Lâm. Điều này cho thấy Tổ đình Phước Lâm đóng một vai trò hết sức quan trọng trong vấn đề phát triển của Thiền phái Chúc Thánh.
Những cổ vật của dòng Chúc Thánh còn lại ở Hội An
Ông Tống Quốc Hưng từng làm công tác quản lý, bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, cho biết các ngôi chùa cổ thuộc dòng Thiền Chúc Thánh không chỉ lưu giữ nhiều cổ vật quý như: bình bát của Tổ khai sơn chùa Vạn Đức cùng thời với chùa Chúc Thánh là ngài Minh Lượng – Nguyệt Ấn, hoặc Y Tăng cang của ngài Phổ Triêm – Phước Sơn, trụ trì đời thứ 3 của chùa Vạn Đức. Ở chùa Chúc Thánh ngoài chánh điện được bài trí tôn nghiêm, còn có bộ tượng Thập bát La hán bằng đất nung cao 0,70m, phần tượng cao 0,45m, ngang 0,28m. Theo ông Tống Quốc Hưng, dù chưa có điều kiện khảo sát hết những cổ vật liên quan đến Phật giáo, nhất là các bộ tượng La Hán ở các chùa Việt Nam, nhưng ông tin bộ tượng Thập bát La hán bằng đất nung này thuộc loại lớn, đẹp và độc đáo nhất.
Bên cạnh đó, những chùa cổ trên 300 năm ở Hội An, như Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm còn là nơi in ấn nhiều loại kinh sách của Phật giáo Đại thừa. Hiện nay, ở các ngôi chùa này còn giữ số lượng mộc bản khá đồ sộ với nhiều chủng loại được các vị tổ sư thuê thợ tại địa phương khắc ván (làng mộc Kim Bồng – Hội An, hình thành từ thế kỷ XV), và thậm chí có nhiều bản được khắc từ Trung Hoa chuyển sang ta. Những mộc bản này có niên đại chế tác khá xưa cho thấy vai trò và sự phát triển mạnh mẽ của Thiền phái Chúc Thánh ở xứ Đàng Trong. Qua 12 mộc bản của bộ kinh Quan Âm Phổ Môn ở chùa Chúc Thánh, chúng ta dễ dàng nhận ra sự tạo tác khá công phu, nhất là tư thế xuất tướng của Phật Bà Quan Âm hết sức sắc sảo, sống động. Hoặc Tổ đình Phước Lâm còn giữ được 86 bản khắc. Mộc bản ở đây rất đa dạng về kích thước của ván cũng như nội dung chuyển tải. Loại ván khắc dài nhất là từ 101 cm đến 138 cm, loại ván ngắn nhất là từ 26 cm đến 50 cm. Các mộc bản ở đây ngoài chữ Hán còn có cả chữ Phạn (Sancrit). Nội dung trong các bản khắc ở chùa Phước Lâm không chỉ là những bộ kinh của Phật giáo Đại thừa, mà còn nhiều bản khắc mẫu để sử dụng lâu dài như mẫu Pháp phái quy y, mẫu độ điệp, mẫu in người thế, mẫu bùa trùng tang… Đặc biệt, tại đây còn có nhiều bản khắc kinh mang đậm dấu ấn Đạo giáo như ván khắc bùa, kinh Quan Thánh giác thế…
Niên đại xưa nhất của mộc bản chùa Phước Lâm là vào niên hiệu Khang Hy năm Giáp Thìn. Đây là bản khắc từ đời nhà Thanh chuyển sang ta. Đại đa số bản khắc còn lại đều ghi niên hiệu các vua của Việt Nam từ Lê Cảnh Hưng ở thế kỷ XVIII đến thời Bảo Đại ở thế kỷ XX.
Qua những mộc bản còn lưu giữ tại các ngôi chùa cổ ở Hội An mà 2 chùa vừa kể là ví dụ điển hình, cho chúng ta thấy sự dung hòa “Tam giáo” Nho, Phật, Lão tại thương cảng Hội An xưa, và vai trò nổi trội của Thiền phái Chúc Thánh trên mảnh đất này.
Nhập thế tích cực với tinh thần vô nhiễm
Với tôn chỉ “Hộ quốc an dân” xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Thiền phái Chúc Thánh sinh sau đẻ muộn nhưng cũng không xa rời tôn chỉ ấy. Ngoài việc tu hành chứng ngộ, các thiền sư dòng Chúc Thánh với chủ trương nhập thế tích cực với tinh thần vô nhiễm. Điều này được thể hiện qua cuộc đời thiền sư Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác, thế hệ thứ 3 Thiền phái Chúc Thánh. Hạnh nguyện của Thiền sư Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác không chỉ được Lịch sử Phật giáo Việt Nam nhắc đến, mà trong dân gian, nhất là những người dân cố cựu ở Hội An còn nhớ và kể cho con cháu nghe như một bài giảng về nghị lực và sự răn mình.
Thiền sư Minh Giác (1747-1830), thế danh Võ Đức Nghiêm, sinh ngày 15 tháng 1 năm Đinh Mão (1747) tại thôn Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm Kỷ Mão (1759), khi vừa tròn 12 tuổi, Ngài xuất gia tại chùa Phước Lâm, Hội An, với Hòa thượng Ân Triêm và được bổn sư cho pháp danh Pháp Liêm, tự Luật Oai. Như vậy, Ngài nối pháp đời thứ 3 dòng Chúc Thánh.
Năm Canh Dần (1770), sau hơn 10 năm tu tập, Ngài về làng thăm song thân. Gặp lúc giặc Mọi Đá Vách nổi loạn gây bất ổn cuộc sống an lành của người dân Quảng Ngãi, Ngài tòng quân đánh dẹp loạn phỉ, lập nhiều chiến công được phong chức chỉ huy (?). Nếu ở lại trong quân ngũ, ngài có thể tiếp tục thăng quan tiến chức hưởng công danh phú quý, nhưng Ngài từ quan, về lại Hội An, phát nguyện quét chợ 20 năm để sám hối tội lỗi không cố ý đã gây ra trong chiến tranh. Với ngài, quét chợ là để làm sạch cảnh trần ai và cũng là quét sạch mọi cáu bẩn trong tâm, dọn mình khiết tịnh để tiến lên bờ giác.
Năm Mậu Ngọ (1798), khi công hạnh viên mãn, Ngài được chư sơn cũng như tín đồ thỉnh về trụ trì chùa Chiên Đàn và tôn hiệu là Minh Giác Hòa thượng. Sau đó, Ngài trở lại chùa Phước Lâm cùng Ngài Quảng Độ trùng tu chùa và kế thế trụ trì. Ngài tích cực xiển dương chánh pháp cho đến khi viên tịch vào giờ Tý ngày mồng 10 tháng 11 năm Canh Dần (1830), hưởng thọ 84 tuổi.
Hàng đệ tử thờ Ngài với câu đối đầy ý nghĩa như sau:
– Bình man, tảo thị, lưỡng đạo gian lao, xuất gia kỳ, phát nguyện vưu kỳ, bát dật sanh thiên thành chánh giác;
Tạo tự, chú chung, nhị thung công đức, cách cựu hảo, đảnh tân cố hảo, thiên thu giác thế vĩnh truyền đăng.
Thích Hạnh Niệm dịch:
– Dẹp giặc, quét chợ, mấy độ gian lao, xuất gia lạ, phát nguyện càng thêm lạ, tám mươi vãng sanh thành chánh giác;
Làm chùa, đúc chuông, biết bao công đức, sửa cũ đẹp, làm mới lại càng đẹp, ngàn năm sáng mãi ngọn đèn Thiền.
Đệ tử của Ngài có các vị thành danh như: Ngài Toàn Nhâm – Vi Ý – Quán Thông (trụ trì chùa Phước Lâm); Toàn Ý – Vi Tri – Phổ Huệ (khai sơn chùa Phổ Bảo – Bình Định); Toàn Tín – Vi Tâm – Đức Thành (khai sơn chùa Khánh Lâm – Tuy Phước),v.v. Hạnh nguyện của Ngài quả thật là vô tiền khoáng hậu trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, người dân Phố Hội thường nhắc đến Ngài với cái tên dung dị: “Tổ Bình Man Tảo Thị” (1).
Qua việc làm cụ thể của Thiền sư Minh Giác đã cho chúng ta thấy từ bi không phải là thụ động. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, không hiếm tu sĩ sẵn sàng cởi áo cà sa, dấn thân vào đời dẹp giặc cứu nước, trả lại bình yên cho mọi nhà, mọi người. Đó là hạnh nguyện từ bi đem lại an lạc cho dân tộc và đất nước.
Tôn vinh Tổ nghề quét rác/ quét chợ
Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc Việt Nam luôn được gìn giữ hàng nghìn năm qua. Và nghề nào cũng có Tổ nghề (còn gọi là Tổ Sư, Thánh sư, Nghệ sư – người phát minh, sáng lập, gây dựng nên một nghề (thường là nghề thủ công mỹ nghệ) hoặc là người thứ nhất đem nghề ở nơi khác truyền lại cho dân chúng trong một làng hay miền nào đó, được người đời sau tôn thờ như bậc thánh. Tổ nghề có thể là nam giới hoặc nữ giới.
Có thể kể một số nghề như nghề dệt chiếu cói, dệt the, dệt lụa, dệt nhiễu, thêu, thợ may, thợ mộc, nghề kim hoàn, chạm bạc, khảm xà cừ, nghề giấy, nghề mây tre, làm nón, nghề sơn, chạm khắc đá, đúc đồng, nghề gốm…. Những người làm nghề thường ở thành phường nhóm, làng (làng nghề). Biết ơn những vị này, họ thờ phụng các vị Tổ của nghề mình đang làm. Có thể lập bàn thờ Tổ nghề tại nhà, và vào ngày tuần tiết, sóc, vọng, giỗ Tết, đều có cúng cấp. Nhưng phổ biến hơn cả là các phường nghề, làng nghề lập miếu, đền riêng để thờ Tổ nghề riêng của nghề mà phường, làng mình đang làm. Đặc biệt, nhiều vị Tổ nghề còn được thờ làm thành hoàng làng.
Thờ phụng Tổ nghề, người ta cầu mong Ngài phù hộ cho công việc được suôn sẻ, buôn may bán đắt hoặc lúc đi xa tránh được mọi sự rủi ro. Sau khi công việc có kết quả, người ta làm lễ tạ ơn. Nhưng đến nay, trên đất nước ta vẫn chưa có Tổ nghề quét rác/ quét chợ, mặc dù trong lịch sử dân tộc ta có “Trạng Quét”.
Lịch sử có ghi rằng: “Lê Quát (黎括, 1319-1386), tự là Bá Đạt, hiệu Mai Phong, biệt hiệu Lương Giang; là danh sĩ và là quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.
Ông là người ở hương Phủ Lý, huyện Đông Sơn, trấn Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), thuộc dòng dõi Thái sư Lê Văn Thịnh, và cùng đồng môn Phạm Sư Mạnh là học trò giỏi của nhà giáo Chu Văn An.
Sau khi thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), Lê Quát được cử giữ một số chức quan dưới triều vua Trần Minh Tông.
Năm 1358 đời vua Trần Dụ Tông, ông được cử làm Tả tư lang kiêm Hàn lâm viện phụng chỉ, kế đó thăng làm Thượng thư hữu bộc xạ.
Năm 1366, nhà vua cử ông đi duyệt định sổ trướng tịch (tức sổ hộ tịch) ở trấn Thanh Hoa; về thăng ông làm Thượng thư hữu bật, nhập nội hành khiển (tương đương chức Thủ tướng ngày nay)”(2).
Dòng dõi là thế, nhưng đến đời cha mẹ ông thì sa sút. Cha mất sớm, mẹ ông làm nghề quét rác ở chợ nuôi con. Thuở nhỏ, ông thường giúp mẹ ra chợ quét rác để kiếm miếng cơm manh áo và dĩ nhiên luôn nhận những ánh mắt khinh khi cùng những lời mỉa mai cay nghiệt. Nghề quét chợ có gì cao sang đâu để người đời kính trọng.
Sau này, ông thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) và làm quan to, nhưng trong dân gian vẫn gọi ông là “Trạng Quét”, và ông vui vẻ với tên gọi này, bởi tên gọi đó cần có để con cháu và lớp hậu học nhớ về thuở thiếu thời nghèo khổ của ông mà cố gắng vươn lên.
Nhưng nhìn ở góc độ đạo hạnh và thời gian hành nghề quét rác/ quét chợ, thì Ngài “Bình Man Tảo Thị” xứng đáng được tôn làm Tổ nghề.
Trong các bài văn cúng Tổ nghề, tôi thấy mở đầu là niệm “Nam mô A Di Đà Phật” (3 lần). Kết thúc bài văn cúng Tổ nghề cũng niệm 3 lần “Nam mô A Di Đà Phật”. Và ở chợ nào, những ngày sóc, vọng, tất niên, đầu năm, đều có lễ cúng hoàng thiên hậu thổ chư vị tôn thần, thổ địa cai quản vùng đất, các vị khuất mày khuất mặt… với ước nguyện bình an, công việc hanh thông, sở cầu tất ứng, lộc tài tăng tiến… thì tại sao ta không thể tôn vinh Ngài “Bình Man Tảo Thị” làm Tổ nghề quét rác/ quét chợ?
Nhiệm vụ này đối với những tu sĩ Phật giáo Việt Nam nói chung, tu sĩ Thiền phái Chúc Thánh nói riêng, không phải là khó. Do vậy, sau hội thảo này, tôi hy vọng trong các lễ cúng ở các chợ (trước mắt là các chợ ở Quảng Nam), sẽ có lời khấn đến Ngài “Bình Man Tảo Thị” với tư cách là Tổ nghề.
Đi tu là đi tìm đạo tâm của mình. Nhưng thực ra tìm đạo tâm không cần phải xa lánh cõi trần mà mỗi một việc làm không thẹn với lương tâm chính là đạo tâm. Lừa người, giết người là việc làm xấu, nhưng vì bảo vệ người thân, bảo vệ ruộng vườn của mình, bảo vệ dân tộc mình, bảo vệ đất nước mình… thì việc làm ấy không thẹn với lương tâm và được muôn đời con cháu cung phụng. Và Ngài “Bình Man Tảo Thị” xứng đáng được tôn vinh.
Tinh thần xả thân phụng sự Đạo pháp và Dân tộc
Tiếp nối gương các bậc cổ đức, các thế hệ Tăng đồ dòng Chúc Thánh luôn nhiệt tâm tham gia vào các phong trào đấu tranh đòi độc lập, tự do cho dân tộc, Thiền sư Ấn Bổn – Vĩnh Gia thuộc thế hệ thứ 6 dòng Chúc Thánh là một bậc cao tăng thạc đức được triều đình Huế kính trọng, thường thỉnh ra Kinh thuyết giảng. Tuy nhiên, không vì sự kính trọng, ưu ái ấy mà ngài quên nỗi đau mất nước. Ngài đã âm thầm cố vấn cho nhà chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên trong kế hoạch cùng vua Duy Tân khởi nghĩa lật đổ thực dân Pháp hồi đầu năm 1916. Với chí sĩ Trần Cao Vân thì trước đó, các thiền sư tại chùa Cổ Lâm (huyện Đại Lộc) – một trong ba chân vạc phát triển Thiền phái Chúc Thánh tại Quảng Nam, đã che giấu Trần Cao Vân một thời gian dài. Theo long vị thờ tại chùa Cổ Lâm, thì nhà yêu nước Trần Cao Vân cũng có thời gian tu hành tại đây với pháp danh Như Ý.
Từ chùa Cổ Lâm, chí sĩ Trần Cao Vân vào Phú Yên phối hợp với giới Tăng sĩ, nhất là nhà sư Võ Trứ. Hai người đã chọn chùa Từ Quang – một trong bốn Tổ đình chính mang đậm dấu ấn truyền thừa và có ảnh hưởng rất lớn đối với lịch sử phát triển Thiền phái Chúc Thánh tại Phú Yên, do Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm, thế hệ thứ 3 dòng Chúc Thánh, khai sơn năm Đinh Tỵ 1797 – làm nơi hội họp, bàn bạc kế hoạch cho cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào năm 1898. Cuộc khởi nghĩa này lan rộng khắp các tỉnh Nam – Nghĩa – Bình – Phú, mà sử sách về sau gọi là “Giặc thầy chùa”.
Bước sang thế kỷ XX, tinh thần nhập thế của các tăng sĩ Thiền phái Chúc Thánh lại một lần nữa được thể hiện qua phong trào đấu tranh đòi tự do bình đẳng tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Đỉnh cao của phong trào ấy là sự hy sinh cao cả của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Hòa thượng Thích Quảng Đức pháp danh Thị Thủy. Vì vậy, tất cả Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam tôn xưng ngài là hiện thân của Bồ tát, tự Hành Pháp thuộc thế hệ thứ 9 của Thiền phái Chúc Thánh. Ngài xuất thân từ chùa Long Sơn ở Khánh Hòa và vào hoằng pháp khắp các tỉnh miền Nam. Trước Pháp nạn 1963, Ngài đã phát nguyện thiêu thân cúng dường chư Phật, cầu nguyện cho đạo pháp trường tồn. Tâm nguyện Bồ tát của ngài đã để lại trái tim bất diệt đời đời tăng ni, Phật tử kính ngưỡng. Sự hy sinh của ngài là đỉnh cao của tinh thần xả thân phụng sự Đạo pháp và Dân tộc./.
– Chú thích
- Xem thêm Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009.
- Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB KHXH, H, 1992, trang 371.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1- Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB KHXH, H, 1992.
2- Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009.