Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo, đời thứ 34 của Thiền phái Lâm Tế (Trung Quốc), đệ tử ngài Nguyên Thiều – Siêu Bạch, chọn cuộc đất Hội An, cụ thể là làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc phường Tân An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) làm nơi trác tích khai sơn, xuất kệ truyền pháp lập tông.
Ngày nay, Hội An đã được biết đến như một trong những đô thị cổ hiếm hoi trên thế giới còn giữ được nguyên vẹn những đường nét kiến trúc một thời của nó. Trước thế kỷ XIV, vùng đất này vốn tên là Đại Chiêm hải – một cảng biển của Vương quốc Chămpa. Sau khi châu Ô, châu Lý là đất sính lễ qua cuộc hợp hôn của Huyền Trân công chúa nhà Trần với vua Chăm Chế Mân thì không bao lâu, cảng Đại Chiêm cũng thuộc về Đại Việt. Về sau, nó đã được ghi nhận trên tấm bản đồ Đại Việt của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes công bố năm 1653, như một thị trấn ven biển của người Việt có tên gọi là Hải Phố. Do cách phát âm của người phương Tây, Hải Phố đã biến thành Faifo. Từ thế kỷ XVI, XVII các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đồ Nha, Italia… đã biết và lui tới làm ăn ở “cảng thị thuyền buồm” này. Thương cảng Hội An lúc bấy giờ là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, là trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Đông và là cơ sở kinh tế trọng yếu của các chúa Nguyễn. Do đó, các chúa Nguyễn luôn tạo điều kiện cho các thương nhân nước ngoài đến làm ăn, sinh sống. Nhờ vậy, Hội An trở nên thịnh vượng nhất xứ Đàng Trong, kể cả thời của các vua nhà Nguyễn sau này. Thế nhưng cách nơi sầm uất ấy chừng vài cây số vẫn còn là rừng.
Như chúng ta đã biết, kể từ năm 1677, Thiền sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch đến Bình Định xây chùa Thập Tháp Di Đà, khêu ngọn đèn chánh pháp, trở thành Sơ Tổ Phật giáo xứ Đàng Trong. Từ cái nhân lành ấy, Phật giáo Đàng Trong sớm nhận được quả ngọt. Sau ngày cùng với cả ngàn tăng sĩ vân tập về Phú Xuân để thọ Đại giới đàn ở chùa Thiền Lâm từ mồng 1 đến mồng 8 tháng 4 năm Ất Hợi 1695 dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thạch Liêm, đời thứ 29 của Thiền phái Tào Động. Hòa thượng Thạch Liêm trụ trì chùa Trường Thọ ở Quảng Đông, Trung Quốc, mới được Quốc chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu thỉnh sang. Sau khi thọ Đại giới đàn ấy, Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo, đời thứ 34 của Thiền phái Lâm Tế (Trung Quốc), đệ tử ngài Nguyên Thiều – Siêu Bạch, chọn cuộc đất Hội An, cụ thể là làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc phường Tân An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) làm nơi trác tích khai sơn, xuất kệ truyền pháp lập tông. Và chùa Chúc Thánh ra đời cùng với bài kệ truyền pháp: “MINH THIỆT PHÁP TOÀN CHƯƠNG/ ẤN CHƠN NHƯ THỊ ĐỒNG/ CHÚC THÁNH THỌ THIÊN CỬU/ KỲ QUỐC TỘ ĐỊA TRƯỜNG/ ĐẮC CHÁNH LUẬT VI TÔNG/ TỔ ĐẠO GIẢI HÀNH THÔNG/ GIÁC HOA BỒ ĐỀ THỌ/ SUNG MÃN NHÂN THIÊN TRUNG”(1).
Dĩ nhiên ngày đầu tạo lập, chùa Chúc Thánh chỉ là một thảo am, nhưng qua mỗi đời trụ trì, các ngài đã cùng Phật tử phát tâm xây dựng, tô bồi để chùa Chúc Thánh trở thành một ngôi phạm vũ trang nghiêm như hôm nay.
*******
Việc phụng thờ ở chùa Chúc Thánh về cơ bản không khác mấy so với nhiều ngôi chùa khác trên đất nước này.Nhưng chúng ta cũng cần tìm hiểu kỹ một chút ngôi chùa Chúc Thánh xứ Quảng, bởi không có chùa Chúc Thánh thì chắc chắn không có Thiền phái Chúc Thánh ở Việt Nam.
Ngày trước, nơi này là rừng rậm.Cách đây chừng nửa thế kỷ, vùng đất này vẫn còn thưa người. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở Hội An diễn ra với tốc độ khá nhanh, nhưng khi đặt chân đến chùa Chúc Thánh, khách thập phương vẫn cảm nhận được hương vị cửa Thiền.
Bây giờ, nhà cửa, đường sá khang trang vây bọc cảnh chùa, nhưng vẫn còn là nơi yên tĩnh vắng vẻ, thích hợp với điều kiện tu hành thiền định.Đối diện cổng chùa, chếch về bên phải một chút vẫn còn khoảnh đất nghĩa trủng, có thể đoán ra vùng đất này trước ngày đô thị hóa.Ngày xưa, ngài Minh Hải – Pháp Bảo chọn nơi này quả không xa lắm nơi dân cư, nên những người dân ở “cảng thị thuyền buồm” có thể quá bộ đến chùa lễ Phật tụng kinh. Cũng từ lòng tín ngưỡng Phật giáo khá mạnh của hai dân tộc Việt – Hoa tại đây mà ngôi Tổ đình Chúc Thánh cũng trở nên phong phú về nhiều mặt, phong phú từ lối kiến trúc đến cách thờ phụng, như ngoài việc thờ Phật chính trong Chánh điện; ngoài vườn còn lập miếu Ông, miếu Bà để thờ các thần Thành Hoàng, Thổ Địa, kể cả hương linh những người khuất mày khuất mặt để cho mọi người đến cầu xin được phù hộ mua may bán đắt, đi đến nơi về đến chốn…Đấy là những tín ngưỡng dân gian.
Cổng Tam quan cách con đường ngang trước chùa 26m và cách Chánh điện 50m. Cổng tam quan đứng giữa 2 bức tường thành kiên cố và được thiết kế thành 2 tầng. Đỉnh trên cùng là 2 con sư tử trong tư thế ngồi chồm quay mặt vào nhau, tầng dưới là mái ngói giả, lối bước vào gồm 3 cổng; cổng giữa to lớn, cổng hai bên thấp nhỏ hơn, trên cổng giữa có tấm hoành sơn son thiếp vàng: Sắc tứ Chúc Thánh tự và câu đối:
Chúc đối Linh sơn thiên cổ tú;
Thánh khai Pháp thủy nhứt nguyên trường.
Nghĩa là:
Chúc như Linh sơn ngàn xưa xanh tốt;
Thánh mở nước Pháp một dòng dài xa.
Qua khỏi cổng Tam quan là bồn bông, kế tiếp bồn bông là bức bình phong.Bức bình phong này cũng có niên đại khá lâu, có khi cùng thời với việc trùng tu ngôi chùa hồi năm Ất Mùi 1845. Đây là hòn non bộ có tượng Phật Bà Quán Thế Âm lộ thiên ở trên.Bình phong cách Tiền đường và Chánh điện một sân bông đã tạo nên một không gian thoáng đãng, giúp cho khách thập phương bước vào đến đây cứ như trút được những muộn phiền, lo toan của đời thường.
Tiền đường và Chánh điện tổng cộng bề ngang 12m và bề sâu 18m. Thiết kế ngôi chùa bên trong bởi nhiều kèo cột gỗ như “Chồng rường giả thủ” thuộc phong cách Trung Hoa, “Cột trốn kẽ chuyện” thuộc phong cách Đại Việt. Đây cũng là nét đặc trưng của chùa Chúc Thánh.Bức tường chùa dày 30cm, giúp cho bên trong chùa vào mùa hạ ít nóng, mùa đông ít lạnh. Hai bên hông Tiền đường và Chánh điện là hai đường thông hành chạy thẳng ra phía sau nhà Tổ. Chánh điện nằm ngay giữa cân đối, hợp lý, một đặc trưng phổ biến trong kiến trúc phố cổ Hội An.
Trước hiên chùa có 2 câu đối:
Câu 1:
Chúc Nam quốc Chí tôn tứ hải nhơn dân hàm khể thủ;
Thánh Tây Phương liên tòa nhứt đàn Tăng chúng Tổng quy y.
Nghĩa là:
Chúc đấng Chí tôn Nam Quốc, bốn bể nhân dân đều cung kính;
Thánh ngự tòa sen Tây Phương, một đàn Tăng chúng thảy quy y.
Câu 2:
Chúc đối Linh sơn vạn cổ vĩnh truyền tâm diệu lý;
Thánh khai Pháp thủy thiên thu kế tục tánh chơn như.
Nghĩa là:
Chúc sánh Linh sơn muôn thuở mãi truyền tâm diệu lý;
Thánh mở nước Pháp ngàn năm tiếp nối tánh chơn như.
Mái chùa lợp bằng ngói âm dương uốn cong, mềm mại, trên chóp đỉnh là một cặp rồng quay mặt vào nhau đang rướn mình đến mặt trăng chính giữa.Phía sau 2 con rồng là 2 con phụng đang bay ra mà ngoảnh đầu nhìn lại.Tiếp xuống hiên mái chùa trang trí những hoa văn, chạm trổ những hình ảnh Đức Phật Thích Ca từ sơ sinh đến nhập diệt và góc cuối cùng của mái hiên là 2 con kỳ lân đang đứng quay mặt ra phía trước.
Bên trong, giữa Chánh điện và Tiền đường được liên kết với nhau bằng một máng xối đúc và 4 hàng cột gỗ cho cả 2 bên. Trên hàng cột của Tiền đường là 4 bức hoành phi sơn son thếp vàng, cẩn chạm xà cừ. Một tấm ngay trước cửa Tiền đường quay vô do Hòa thượng Phước Huệ tặng vào năm Giáp Tuất 1934, gồm 4 chữ: Phật Pháp chánh chương, còn lại 3 tấm treo ở 3 gian quay mặt ra, tấm giữa đề tên ngôi chùa: Sắc tứ Chúc Thánh tự, tấm bên phải: Tổ ấn trùng quang và tấm bên trái: Ân quang phạm vức.
Dưới nền Tiền đường, hai bên hông tường gắn 4 tấm bia, nội dung ghi sơ lược lại những lần trùng tu ngôi chùa và các phương danh các chùa, đạo hữu đóng góp xây dựng. Ngoài ra, trong Chánh điện còn có trống lớn, trống nhỏ, đại hồng chung, tiểu hồng chung. Đại hồng chung được đúc vào năm Giáp Ngọ (1894), được dưới sự chứng minh của các Hòa thượng Vĩnh Gia, Chí Thành, Quảng Đạt, Quảng Viên và Bát Nhã. Đại hồng chung cao 120cm, đường kính rộng 55cm. Trong đại hồng chung có khắc niên đại đúc chung, các Hòa thượng chứng minh, các bài kệ phục nguyện…
Chánh điện, gian giữa bàn phía trên cao thờ 3 tượng Phật gọi là tượng Tam Thế, bàn dưới thờ tượng đức Phật Di Lặc và 2 bên là A Nan và Ca Diếp. Hai gian 2 bên, trong cùng là 2 tượng Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền, mỗi tượng cao 1,75m (không tính đế). Ra ngoài, hai bàn kế tiếp là 18 vị A La Hán (mỗi bên 9 vị) và phía bên ngoài cùng là 2 tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện, mỗi tượng cao 1,75m (không tính đế). Những tượng trên chưa rõ được tạo tác từ lúc nào, nhưng đã được thờ ở đây lâu lắm rồi.
Chánh điện chỉ có một bức hoành để tên chùa làm vào Thành Thái năm thứ 4 (1892). Cả Chánh điện và Tiền đường gồm có 5 câu đối (tính thứ tự từ ngoài vào), được Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch Nôm:
Câu 1:
Tử trúc lâm trung mỗi dĩ kim thằng khai giác lộ;
Thanh liên tòa thượng trường tương bảo phiệt độ mê tân.
Nghĩa là:
Trong rừng trúc biếc mỗi lấy dây vàng mở lối giác;
Trên tòa sen xanh thường đem bè báu độ người mê.
Câu 2:
Chúc thiên thu cửu phẩm hương liên tự tại;
Thánh Thiên tử vạn gia cam lộ đồng triêm.
Nghĩa là:
Chúc ngàn năm chín phẩm hương sen tự tại;
Thánh Thiên tử muôn nhà cùng thấm cam lồ.
Câu 3:
Tam Tạng kinh văn giai sử nhứt tâm qui Chánh Pháp;
Thiên ban cụ diệp tổng huề vạn tượng hướng Chơn Như.
Nghĩa là:
Ba tạng kinh văn đều khiến nhất tâm về Chánh Pháp;
Ngàn thiên lá bối thảy xoay muôn vật hướng Chơn Như.
Câu 4:
Cửu phẩm liên đài Kim tướng đoan nghiêm thùy tiếp dẫn;
Thất trùng bảo thọ Ngọc hào xán lạn phóng quang minh.
Nghĩa là:
Chín phẩm đài sen Kim tướng đoan nghiêm thương tiếp dẫn;
Bảy hàng cây báu Ngọc hào sáng lạng phóng quang minh.
Câu 5:
Cửu phẩm liên hoa sư hống tượng minh đăng Bảo tòa;
Tam tôn pháp tướng long ngâm hổ khiếu xuất Thiên Thai.
Nghĩa là:
Chín phẩm hoa sen voi sư (tử) cung nghinh đăng Bảo tòa;
Tam tôn pháp tướng rồng cọp kêu gọi xuất Thiên Thai.
Dọc theo 2 đường thông từ Chánh điện ra phía sau là Hậu tẩm. Hậu tẩm, gian giữa thờ đức Địa Tạng đang cầm trên tay quả minh châu ngồi trên lưng con sư tử rất hùng mãnh, tượng cao 2m, những nép áo, hoa văn chạm trổ rất mỹ thuật. Hai gian 2 bên là bàn thờ Phổ Liên Hoa và Ái Sở Thân. Trước bàn Địa Tạng là sân lộ thiên rộng 7m, dài 10m, dùng để đặt các loại hoa, cây cảnh quý. Hai bên sân là Đông phương trượng dùng để Tăng chúng ở và Tây phương trượng để thờ hương linh.Bước qua khỏi sân là đến Tổ đường. Tổ đường này mặc dù đã có từ lâu nhưng chỉ trong hình thức đơn sơ, mãi đến đời ngài Chương Khoáng (trụ trì từ năm 1893 đến năm 1901), và ngài Chơn Chứng (trụ trì từ năm 1914 đến năm 1962), ngôi Tổ đường mới trở nên quy mô khang trang hơn. Tổ đường bề ngang 11m, bề sâu 9m tính cả đường thông hành vây quanh. Đường thông hành chủ yếu để làm nơi nghỉ ngơi của hàng Tăng chúng các nơi mỗi khi tề tụ về đây an cư kiết hạ và cũng là nơi bảo tồn các kinh sách, bảng gỗ (mộc bản) kinh cũ. Ngay chính giữa Tổ đường là nghi án thờ long vị các ngài trụ trì từ Tổ Minh Hải trở xuống. Nghi án bằng gỗ, những nét chạm trổ và sơn son thếp vàng rất công phu. Trên nghi án có 4 chữ Thủy thanh nguyệt hiện. Chính giữa nghi án là long vị và di ảnh của Tổ sư Minh Hải, tiếp theo 2 bên là long vị lịch đại chư vị trụ trì từ cao xuống thấp.
Quanh nghi án trang trí những bộ tích trượng và các bình bát của các vị tổ ngày xưa dùng để thọ thực. Trên cửa Tổ đường một bức hoành quay vô gồm 4 chữ: Tổ ấn lưu huy. Chính giữa phía trên cao quay ra 3 bức hoành; bức giữa: Thích trạch vinh triêm, hai tấm hai bên là Hoa vũ di thiên và Phật pháp tôn nghiêm. Dãy cuối cùng cũng 3 bức hoành; bức giữa là Tổ Tổ tương truyền, hai bức hai bên là Tích thụ kim hoa và Lộ ác đàm hoa. Phía dưới, bên phải nghi án Tổ là bàn thờ để thờ Tăng chúng quá cố, bên trái là Phổ Liên Hoa, phía trước là Phổ Phật Sanh và Phổ Triều Âm. Rường cột Tổ đường toàn bằng gỗ, mỗi cột treo vế đối tính thứ tự từ ngoài vào:
Câu 1:
Chúc Thánh triệu sơ cơ mộ cổ thần chung khai giác lộ;
Cao Tăng phu quảng tòa quang phong tiêu nguyệt ấn thiền tâm.
Nghĩa là:
Chúc Thánh mới dựng lập, khuya sớm trống chuông mở đường giác;
Cao Tăng trải pháp toà, đêm ngày trăng gió in tâm thiền.
Câu 2:
Phật xuất Tây phương pháp diệu túc trung tạng thế giới;
Tổ lai Nam quốc đạo truyền đăng hạ mãn thiền lâm.
Nghĩa là:
Phật tại Tây phương nói pháp vi diệu trùm pháp giới;
Tổ đến nước Nam truyền đạo đầy khắp chốn thiền lâm.
Câu 3:
Liên tòa vân khai hương đáo thiên đình long sủng mạng;
Dương chi lộ ấp căn tài địa ấm phát kim hoa.
Nghĩa là:
Mây mở tòa sen, hương đến thiên đình hưng mạng vận;
Cành dương nhuần thấm bóng che gốc rễ trổ hoa tươi.
Câu 4:
Hách trạc thanh linh thiên cổ ngưỡng;
Tôn nghiêm sư phạm ức niên khâm.
Nghĩa là:
Thanh linh oai vệ ngàn xưa đều kính ngưỡng;
Sư phạm tôn nghiêm muôn thuở mãi khâm sùng.
Đông đường và Tây đường nằm 2 bên trước sân Tiền đường, nối liền với Tiền đường một cái nhà gọi là nhà cầu (cầu bắt ngang giữa Tiền đường và Đông đường, Tây đường). Chiều dài Đông đường và Tây đường dài 11m, nhưng bề rộng của Tây đường chỉ 6m và Đông đường đến 9m, trên mái của 2 bên đều lợp ngói âm dương, bên trong là rường cột gỗ.
Tây đường chỉ để thờ linh và nơi Tăng chúng tu học, Đông đường là nơi tiếp khách, gian giữa là bàn Giám Trai thờ đức Đạt Ma. Trước bàn Giám Trai treo trên cao một bức hoành 4 chữ: Thiên vũ bảo hoa. Hai bức phía trước là Nhựt phương thăng và Huệ nhựt quang vinh.
Đông đường có 2 câu đối được Thượng tọa Thích Hạnh Niệm dịch Nôm:
Câu 1:
Chúc thánh thọ vô cương thiền lâm vĩnh mậu;
Hộ Pháp luân thường chuyển hải chúng đồng vinh.
Nghĩa là:
Chúc Thánh thọ ankhương rừng thiền mãi tươi tốt;
Hộ xe Pháp thường xoay hải chúng cùng hiển vinh.
Câu 2:
Cơ tải phụng hành thiền pháp giới;
Tha thần kỳ thọ Phật tâm trai.
Nghĩa là:
Bao năm phụng hành thiền môn giới pháp;
Ngày sau thọ hưởng Phật Tổ tâm trai.
Cũng như nhiều ngôi chùa Tổ khác, chùa Chúc Thánh cũng có những ngôi tháp Tổ, đặc biệt là Tháp Tổ Minh Hải – Pháp Bảo, người khai sơn chùa Chúc Thánh và xuất kệ truyền đăng dòng Thiền Chúc Thánh ở Việt Nam hơn ba trăm năm qua.
Bia tháp quanh vườn chùa trên dưới 20 cái. Đó là những nơi tôn trí nhục thân của chư vị Hòa thượng, Thượng tọa… đã quá cố. Ở đây, tháp Tổ Minh Hải – Pháp Bảo cao nhất gồm 7 tầng, cao 15m, tiếp xuống là những tháp 5 tầng, 3 tầng và 1 tầng. Những tháp này vì thời gian nên có cái bị hư được sửa lại, lại có cái chỉ còn một tấm bia… Như tháp của ngài Đại Dõng – Siêu Căn chỉ còn lại một tấm bia nhỏ, những chữ trong bia cũng đã bị phai mờ theo năm tháng./.
– Chú thích
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học, H, 2011, trang 594.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học, H, 2011.
2- Thực tế điền dã.