Sách Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh do Đại đức Thích Như Tịnh biên soạn, nơi Tiết 4 (thuộc Chương III: Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh tại các tỉnh miền Trung): Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh tại tỉnh Bình Định, sau khi viết về Mục III: Những vị Danh Tăng tiêu biểu, giới thiệu 15 vị Hòa thượng người Bình Định thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, thì đến Mục IV: Sự truyền thừa của chư Ni, đã dành khoảng một trang sách để viết tóm lược về hành trạng của Ni trưởng Thị Hương – Từ Đăng – Diệu Hoa (thế danh là Đào Thị Sen: 1925- 1995) trụ trì chùa Long Quang, nối pháp đời thứ 42 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 9 thuộc Pháp phái Chúc Thánh (Xem: Sđd. Nxb Phương Đông, 2009, trang 318-319).
Chúng tôi đã đọc kỹ và nhiều lần phần viết như vừa nêu và ghi nhận: Có đến ít nhất là 3 lý do khiến chúng tôi không thể không viết về một số liên hệ đối với ngôi chùa Ni Long Quang kia, dù đấy chỉ là những chi tiết có tính chất bổ sung – vì những nét chính thì đã được sách của Đại đức Thích Như Tịnh đề cập tới rồi. Và như vậy là bài viết có cái nhan đề khá dài như bạn đọc đã thấy, đã được hình thành, do chúng tôi xem đây là một việc làm mang tính nghĩa vụ.
Trước hết, chúng tôi xin nói rõ hơn về 3 lý do như vừa dẫn.
* Thứ nhất: Chùa Long Quang ấy là ngôi chùa Ni đầu tiên và duy nhất đã được xây dựng tại thôn Xuân Quang, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, là quê hương chôn nhau cắt rốn của chính mình. Người đứng tên cho công việc tạo lập chùa là cụ Đào Vận, thân phụ của Ni trưởng Diệu Hoa (1925-1995), cũng là nội tổ của chúng tôi, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Như Từ – Tâm Đạt (1907-1979), trụ trì Tổ đình Thiên Bình(1). Như thế thì đối với đám con cháu xa gần của tộc họ Đào nơi vùng quê đó, trong số ấy có chúng tôi, ngôi chùa Long Quang kia chính là một trụ xứ thuận hợp cho sự quy ngưỡng, nương dựa, nhờ đấy mà họ có thể có được những hiểu biết thêm về Đức Phật, về Phật pháp. Nhờ đấy mà họ có thể có được những sự tin tưởng vững chắc hơn để phát tâm xuất gia đầu Phật, nối tiếp con đường tu học Phật mà Ni trưởng Diệu Hoa đã đi.
* Thứ hai: Nói riêng về cá nhân mình, thì ngôi chùa Long Quang ấy cũng chính là nơi chốn thuận hợp đã giúp chúng tôi ngày đó, ở độ tuổi 15, 16, với trình độ học vấn là đã học hết lớp 5 của Ban Trung học thời kháng chiến chống Pháp (tương đương với lớp 6 bây giờ), lần đầu tiên được tiếp cận với Phật pháp thông qua một số bài viết trong Tạp chí Từ Bi Âm, Cơ quan Ngôn luận của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, số đầu tiên ra ngày 1-3-1932, do Hòa thượng Bích Liên (1876-1950) làm Chủ bút, Hòa thượng Liên Tôn (1891-1951) làm Phó Chủ bút (hai vị Hòa thượng này đều là người Bình Định) (2). Lý do vì sao mà ngôi chùa Long Quang đã có được khá nhiều số báo Từ Bi Âm (đóng thành tập dày) thì nơi Ghi chú (3) sẽ xin nói rõ.
Rồi hơn hai năm sau, cụ thể là vào ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch, năm 1958, cũng tại ngôi chùa Long Quang ấy, chúng tôi, theo sự hướng dẫn của bà ngoại và mẹ (vì cha tôi đã đi tập kết ra Bắc từ đầu năm 1955) đã cùng đi đến ngôi chùa thân quen kia, lễ Phật và xin xuống tóc, mặc pháp phục, dưới sự chứng minh của Ni trưởng Diệu Hoa (1925-1995), bắt đầu cho quãng thời gian tu học Phật của mình. Nơi bài viết: “Có Một Thời Để Nhớ” (Bài viết để tưởng niệm Hòa thượng Từ Hạnh 1927-1988) đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ số 128, tháng 11-2006, chúng tôi đã có nói qua sự việc kể trên, ở đây xin được dẫn lại: “Làng quê tôi có ngôi chùa nhỏ, do ông nội tôi tạo lập dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thiên Bình (Tức HT Như Từ – Tâm Đạt 1907-1979, trụ trì Tổ đình Thiên Bình), cũng là chỗ bà con xa. Hòa thượng Thiên Bình Pháp danh là Như Từ, nên các bổn đạo được Hòa thượng cho quy y ở quê tôi đều có Pháp danh là Thị (Chân Như Thị Đồng…)… Bà cô ruột tôi là vị Sư nữ đầu tiên trụ trì ngôi chùa nơi làng quê ấy. Thấy tôi phát tâm xuất gia tu Phật, bà rất vui. Sau lễ “Thế phát”, tôi tạm trú nơi ngôi chùa này 10 ngày, học xong “Đàng công phu” buổi tối gồm Kinh A Di Đà, Chú Đại Bi, Chú Vãng Sinh và mấy chú ngắn khác, cùng biết qua thể thức lạy Hồng Danh Sám Hối; tiếp theo, với từng ấy hành trang, bà cô đã dẫn tôi xuống Tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn, xin nhập chúng để bắt đầu cuộc đời tu học chính thức. Bấy giờ, Tổ đình Long Khánh đang được đại trùng tu…”(4).
* Thứ ba: Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi đã tham dự khá nhiều các cuộc Hội thảo Khoa học về Phật giáo được tổ chức khắp các tỉnh thành Nam Bắc và đều có bài tham luận, nhưng chưa có dịp để viết về hoặc nhắc tới Hòa thượng Thiên Bình (1907-1979)(5), là vị Hòa thượng đầu tiên đã đem một ít ánh sáng của chánh pháp truyền đến vùng quê xa xôi, hẻo lánh này. Chúng tôi đã nhiều lần tự hỏi: Nếu như ngày ấy, Hòa thượng Thiên Bình không đích thân đi đến vùng quê đó để chứng minh cho sự ra đời của một ngôi chùa bé nhỏ, rồi sau đấy lại đích thân đi đến một lần nữa để truyền giới, để thuyết pháp, v.v… thì những người dân hiền lành, hầu hết là nghèo khó và ít học nơi vùng quê của chúng tôi, biết đến bao giờ mới thấy được chút ít ánh sáng của đạo pháp giác ngộ, giải thoát?
Niên đại tạo lập chùa Long Quang
Về chi tiết này, sách Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh đã viết: “Năm Ất Mùi (1955) được sự hiến cúng của thân tộc, Ni trưởng (tức Ni trưởng Diệu Hoa: 1925-1995) lập chùa Long Quang tại quê nhà và bắt đầu sự nghiệp tiếp độ chúng Ni của mình” (Sđd, trang 319). Ghi nhận như vậy e là không chính xác. Trước hết, như nơi phần trên chúng tôi đã nói rõ: “Người đứng tên cho công việc tạo lập chùa Long Quang là cụ Đào Vận, thân phụ của Ni trưởng Diệu Hoa, cũng là nội tổ của chúng tôi, dưới sự chứng minh của HT Như Từ – Tâm Đạt (1907-1979), trụ trì Tổ đình Thiên Bình”. Đây là một trong những thứ sự thật đã gắn liền với vùng trí nhớ của cả đời mình, nên chúng tôi không hề quên. Thứ nữa, là niên đại 1955. Đây là năm mà hòa bình đã lập lại ở hai miền Nam Bắc sau khi hiệp định Genève được ký kết (20- 7-1954), bấy giờ chúng tôi vừa được 14, 15 tuổi, đã được cha mẹ sắm sửa tạm đủ các thứ vật dụng cần thiết như quần áo, mũ dép, ruột nghé đựng gạo, valy chứa đồ đạc v.v… để theo cha đi tập kết ra Bắc. Nhưng rồi chúng tôi không được đi… và chính từ những ngày tháng của năm 1955 khá đặc biệt đó, bây giờ nhớ lại, đã khiến chúng tôi nghĩ tới 2 kỷ niệm, được xem là quá đủ để chứng tỏ ngôi chùa Long Quang đã có mặt từ trước, từ rất lâu đối với năm 1955.
* Kỷ niệm thứ nhất: Chúng tôi sinh năm 1941 và bắt đầu học lớp 1 từ năm học 1947-1948, đến năm học 1951-1952 thì học xong 4 lớp của cấp I (Tiểu học), không phải vì học dở mà vì phải học đúp lại một năm lớp 4 do chưa đủ tuổi để vào lớp 5 của cấp II (Trung học cơ sở). Như vậy, trong số gần 50 học sinh là bạn đồng học lớp 5 tại Trường Trung học Phù Cát II, niên khóa 1952-1953 ngày đó, có một anh bạn thuộc loại đặc biệt vì có nhiều liên hệ tới ngôi chùa Long Quang kia. Ấy là anh bạn Đinh Sum, cùng tuổi với chúng tôi, con ông Đinh Hồng và bà Đào Thị Giao, là chư vị cô – dượng ruột của chúng tôi (Bà Đào Thị Giao là em gái kề ba tôi. Bà cô ấy thứ 7, còn Ni trưởng Diệu Hoa – Đào Thị Sen là thứ 10, con gái út của ông bà nội chúng tôi). Chúng tôi còn nhớ rất rõ là anh bạn Đinh Sum kia, ít nhất là hai lần đã được thầy hiệu trưởng và cả lớp tuyên dương, vì tuy hiện đang ở tạm tại chùa Long Quang, nhưng đã tham gia tích cực vào phong trào Tam Tinh Tứ Diệt (Tam Tinh là ba sạch, tức ăn sạch, uống sạch và ở sạch. Tứ Diệt là diệt ruồi, diệt muỗi, bắt chuột và giết sâu bọ) do bộ phận y tế xã hội cổ động…
Trường Trung học Phù Cát II đó chỉ hoạt động được một niên khóa 1952-1953 rồi giải thể, cho nhập vào trường Trung Học Phù Cát I. Như thế là vào năm học 1953-1954, anh em chúng tôi gồm khoảng 5, 6 người, là bạn đồng học lớp 5 và cùng quê, đã phải đi bộ xuống tận Trường Trung học Hòa Bình để nộp đơn xin theo học lớp 6. Trường Trung học Hòa Bình là một trong số ít những ngôi trường trung học lớn nhất của tỉnh Bình Định thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bấy giờ đang trụ tại một số thôn thuộc xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chúng tôi chỉ học ở đấy được nửa năm lớp 6, rồi nghỉ học vì bị bệnh, nhưng cũng nhờ đấy nên chúng tôi biết được trụ xứ của Tổ đình Thiên Bình (do Hòa thượng Như Từ – Tâm Đạt 1907-1979 trụ trì) là ở thôn Trung Lý, gần với thôn Thanh Danh, là nơi chốn chúng tôi đang trọ học. Và tất nhiên là chúng tôi đã tranh thủ để có thì giờ ít nhất là hai lần tìm đến thăm, chủ yếu là ngắm cảnh nơi ngôi Tổ đình ấy.
* Kỷ niệm thứ hai: Có 2 cô gái, một cô tên Chí, một cô tên Diệu, đều là người Bắc, thuộc lớp đàn em út của Ni trưởng Diệu Hoa, đã xa lìa quê hương từ những ngày tháng đầu của sự kiện “Toàn quốc kháng chiến”, lưu lạc vào tận xứ Bình Định này, được Ni trưởng Diệu Hoa dẫn về chùa Long Quang, ra mắt ông bà nội của chúng tôi và được thâu nhận làm “cháu ngoại gái nuôi”, sau đấy thì làm lễ xuống tóc để thành Ni cô xuất gia tu Phật tại chùa ấy (Quy y và được pháp danh đều từ nơi HT Thiên Bình). Đây có thể xem là 2 Ni cô đệ tử đầu tiên của Ni trưởng Diệu Hoa. Cô Chí thì hơi thấp và mập, còn cô Diệu thì cao gọn hơn, xinh xắn hơn. Cả hai cô đều có giọng tụng kinh niệm Phật cùng tán tụng rất hay, khiến hầu như chư vị bổn đạo nữ nào thường hay lui tới chùa cũng đều tỏ ra rất vui thích, vì sau khi lễ Phật hoặc lễ Tổ xong thì đều quỳ xuống bên mép chiếu, chấp tay lắng nghe giọng điệu tụng kinh hay tán tụng của hai Ni cô mới xuất gia kia. Bà ngoại tôi, má tôi và cả chúng tôi, cũng đã có nhiều lần cùng quỳ gối chấp tay để lắng nghe như vậy. Đấy là vào khoảng năm 1951-1952. Sở dĩ chúng tôi đã nhớ lại khá chính xác như thế là vì cũng vào thời gian ấy, ba tôi, do giảm biên chế, nên đã từ một cán bộ huyện, phải chuyển về xã giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Rồi cái chi tiết đáng nhớ nhất là lần nhận phụ cấp của tháng đầu tiên làm việc ở xã, tức được khoảng 20kg lúa, và ông bố rất đáng yêu của chúng tôi ấy, tuy sinh trưởng ở thôn quê nhưng vẫn có đủ vóc dáng nho nhã thư sinh của một ông thầy giáo nơi làng, xã, hôm đó đã mượn đủ các vật dụng như thúng đòn gánh, v.v… để tự mình gánh lấy 20kg lúa kia, từ trụ sở xã về đến nhà. Những sự việc như vậy, đúng như chúng tôi đã viết ở trước, là chúng đã gắn liền với vùng trí nhớ của cả đời mình, nên không hề quên…
Sau ngày lễ Phật Đản mồng 8 tháng 4 âm lịch năm 1955, thì cô Diệu, đâu như đã có được những tin tức về gia đình hay thân tộc nơi quê hương, nên đã xin phép Ni trưởng Diệu Hoa cùng với chư vị có liên hệ xa gần đối với chùa Long Quang, tạm biệt để trở về quê cũ nơi đất Bắc. Riêng cô Chí thì vẫn ở lại chùa cũ, và mãi về sau này, khi số Ni chúng ở đấy đã khá đông, thì tách ra lập Tịnh thất để tu niệm riêng, nhân đó mà đã tạo dựng được ngôi chùa Ni Long Hương tại thị trấn Đập Đá (huyện An Nhơn, Bình Định) thuộc loại khá đồ sộ (Người khai sơn cũng là Hòa thượng Thiên Bình)(6).
Như vậy thì với hai kỷ niệm do chúng tôi đã nêu dẫn khá chi tiết như trên, tức “được xem là quá đủ để chứng tỏ ngôi chùa Long Quang ấy đã có mặt từ trước, từ rất lâu đối với năm 1955” vậy.
Lại cũng theo trí nhớ rất đáng tin cậy của chúng tôi, và chúng tôi có tham khảo ý kiến của một vài vị lớn tuổi trong tộc họ Đào hiện còn sống, thì sự việc tạo lập chùa Long Quang là có trước, xong rồi thì mới đến sự việc “Tìm người mời về làm trụ trì”. Và bà cô thứ 10 tên Đào Thị Sen của chúng tôi, là người đã được cả cha mẹ cùng anh chị khuyến khích phát tâm xuất gia đầu Phật. Rồi như sách Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh đã viết: “Năm Kỷ Mão (1939), Ni trưởng – tức Ni trưởng Diệu Hoa 1925-1995 phát tâm xuất gia với Hòa thượng Như Từ – Tâm Đạt 1907-1979 tại chùa Thiên Bình, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn…” (Sđd, trang 318). Vậy nếu chi tiết năm 1939 vừa nêu là chính xác thì ngôi chùa Long Quang đã được tạo lập xong vào năm 1939, hoặc trước đó chừng một năm, tức năm 1938.
Nguyên nhân xa gần đã khiến xây cất chùa
Theo chúng tôi, công việc tạo lập chùa, dù chỉ là một ngôi chùa bé nhỏ nơi thôn quê, cũng không hề là một chuyện đơn giản. Phải có những tác động nào đấy từ ngoại cảnh hoặc từ nơi những người khác, khiến cho đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của chúng ta bị xáo trộn hay có thêm ít nhiều sự phấn khích thì mới nhân đấy mà phát tâm, quyết định tạo dựng chùa dựa trên nguồn tịnh tài đã có được một cách thuận hợp (Đây là chúng tôi chỉ nói đến trường hợp tạo lập chùa của hàng Cư sĩ tại gia)
a. Về nguyên nhân xa: Bà Đào Thị Quế người con gái thứ tư của ông bà nội chúng tôi, vào năm 1921 thì được 17 tuổi, là một thiếu nữ còn sống chung với cha mẹ, đã cùng với cô em gái kề mình và với hơn 20 người nữ nữa, đều là người cùng thôn, cùng nhau đi chợ Gò Găng bằng đò để bán nón (Nón Ngựa Gò Găng) và đã gặp phải tai nạn là chuyến đò ấy đã bị chìm khiến 19 người bị chết đuối, chỉ có 5 người là được sống sót, trong số ấy có mình (tức bà Đào Thị Quế). Sự việc thương tâm ấy đã xảy ra vào khoảng 4-5 giờ sáng ngày 20 tháng 10 âm lịch năm 1921. Sống sót trong một vụ chìm đò quá đỗi hãi hùng như thế đã là chuyện hy hữu, nhưng nơi trường hợp sống sót của bà cô thứ tư ấy phải nói đấy là một sự kỳ diệu. Tức cho đến lúc bị xô đẩy và rơi xuống nước thì bà Đào Thị Quế đó vẫn đội chiếc nón lá rộng vành có chiếc quai nón bằng vải dày thít chặt vào cằm khiến vành nón như bị cong lại giống như một thứ mũi thuyền bé tí. Có lẽ nhờ vậy mà gió thì cứ thổi dữ, nước thì cứ chảy xiết, như thể đã hợp sức để xô đuổi thân cô thiếu nữ nơi đầu có đội chiếc nón lá rộng vành kia trôi nhanh xuôi theo dòng chảy, trôi nhanh mà nổi chứ không chìm, cho tới khi được vớt lên…
Có đến hai cô con gái lớn cùng đi chợ để bán Nón Ngựa Gò Găng trong mùa mưa lũ, và cùng gặp phải tai nạn là đò bị chìm, chỉ một cô chị được sống sót, còn cô em thì bị nước cuốn trôi, năm ngày sau mới vớt được xác, tất nhiên là ông bà nội của chúng tôi rất đau buồn, nhưng dù sao thì cũng còn có chút an ủi, vì tin rằng chắc chắn là đã có sự phù hộ của Phật Trời linh thiêng đối với gia đình mình. Từ đấy, hẳn ông bà nội kia đã nghĩ tới một số công việc có tính chất tạo phước đức mà mình có thể làm được khi có phương tiện, như lập chùa, xây cầu đường, góp nhiều công của để tu tạo đình, miễu, v.v…
b. Về nguyên nhân gần: Cũng là liên hệ với bà cô thứ tư của chúng tôi – cô Đào Thị Quế. Sau đó, cô Quế lập gia đình, làm ăn càng ngày càng khấm khá, mua được cả mẫu ruộng, nhưng rồi ông chồng lại chết sớm, không có con trai, chỉ sinh được một cô con gái, những người thân vẫn quen gọi là cô Ba. Cô Ba này, về nhan sắc thì dưới điểm trung bình, mà tính tình thì cũng khác chúng, chỉ thích ngồi một mình để suy nghĩ về những điều gì đấy chứ không thích vui đùa với chúng bạn cùng lớp tuổi. Năm đó, cô Ba được 15 tuổi, và vào một buổi sáng, cô Ba ấy bỗng dưng bỏ nhà ra đi, không mang theo gì cả, chỉ mặc một bộ đồ bà ba bằng vải thường màu đà sậm, đầu đội chiếc nón lá. Cô Ba đã từ nhà đi ra hướng Bắc qua khỏi quãng gò rộng thì tới thôn Phú Gia, đi tiếp nữa thì đến thôn Vạn Sơn, là nơi chốn có nhiều gò nổng, cây cối tiếp giáp với một phần thuộc mặt phía Nam của dãy Núi Bà cao ngất. Cô Ba ra đi vào khoảng 6 giờ sáng, đến gần 10 giờ trưa thì cả nhà và người thân mới phát hiện là cô gái đó đã bỏ nhà đi vào núi rồi. Lúc đó, ông nội tôi hiện làm Chánh Tổng, nên đã sức dân đinh của hai thôn Xuân Quang và Phú Gia, khoảng gần 10 người tức tốc lên đường đi nhanh tới thôn Vạn Sơn, rồi vào thẳng vùng núi rừng trải rộng phía trước mặt. Đám người trai tráng ấy đã cố sức tìm kiếm khắp mọi nơi chốn xa gần quanh đấy mà họ cho là cô gái lạ lùng kia có thể đi tới, kể cả những hố nước sâu, cạn, những gộp đá, tảng đá vừa rêu mốc vừa đen sì chồng chất nối tiếp nhau, cùng những vạt rừng mọc đầy cây chà là, v.v… Theo lời kể của người dân thôn Vạn Sơn thì vào mùa chà là chín, rất nhiều đám dân quê đây đó, đã vào tận vùng rừng núi có lắm cây chà là này để hái trái, và có người đã bị cọp vồ chết. Vậy mà cả một buổi chiều hôm đó, rồi suốt cả ngày hôm sau, mọi ngả tìm kiếm thảy đều thất vọng…
Đại thể, sự việc “Cô Ba đi tu núi” ấy đã là nguyên nhân gần khiến tâm nguyện tạo lập chùa của ông nội chúng tôi, lúc này đã trở thành hiện thực, do đã có tạm đủ phương tiện, tức phần tịnh tài dùng để xây cất chùa, đã được người mẹ của “Cô Ba đi tu núi” kia là bà Đào Thị Quế phát tâm cúng dường. Ba tôi còn kể rõ thêm là để có đủ số lượng tịnh tài ấy, bà Đào Thị Quế, ngoài phần tiền bạc dành dụm được từ bấy lâu nay, còn phải bán bớt 5, 6 sào ruộng nữa, đều là loại ruộng tốt, vì chúng đều nằm gần con mương lớn chạy qua cánh đồng, nên một năm có thể canh tác tới ba vụ…
Vậy là ngôi chùa Long Quang đã được tạo lập.
Sơ lược về các thế hệ con cháu gần xa của tộc họ Đào (chủ yếu là nữ giới) đã nhờ nơi ngôi chùa Long Quang ấy mà nối tiếp theo con đường xuất gia tu Phật
Khi có chùa Long Quang, nữ giới của dòng họ Đào chúng tôi xuất gia tu Phật khá nhiều.
Về phía nữ giới thì có các Ni sư: Ni sư Diệu Quang (Đào Thị Hoa), Ni sư Diệu Phương (Đào Thị Phương), Ni sư Thông Huyền (Đào Thị Thoại), Ni sư Hạnh Nguyên (Đào Thị Đốc)…
Rồi từ Ni sư Thông Huyền thì có các Sư cô Thông Uyên (Đào Thị Chín), Sư cô Đồng Tiến (Đào Thị Tiến), Sư cô Đồng Hòa (Đào Thị Mỹ Dung)…
Ni sư Diệu Quang (Đào Thị Hoa) là bà cô thứ 8 của chúng tôi, tức chị ruột Ni trưởng Diệu Hoa (Đào Thị Sen). Trung niên xuất gia, quy y, tu học nơi Hòa thượng Như Từ, Tổ đình Thiên Bình, sau đấy thì trở về chùa Long Quang, xem như là phụ lực với Ni trưởng Diệu Hoa, điều hành một số công việc có tính chất đối ngoại của chùa chiền đang hồi phát triển, v.v… Sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập (12-1-1964), nghe theo lời khuyên của bà chị ruột mình, lúc này đã chuyển chỗ ở từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Ni sư Diệu Quang, do bị bệnh về tim mạch, nên đã lên ở hẳn nơi thành phố Đà Lạt, tự tạo lập Tịnh thất riêng để an trụ và tu niệm.
Ni sư Diệu Phương (Đào Thị Phương) và Ni sư Thông Huyền (Đào Thị Thoại) đều là hàng “cô họ” của chúng tôi. Cùng lứa tuổi, cùng xuất gia tu Phật trong cùng một thời gian, nhưng mỗi người mỗi vẻ. Nếu như Ni sư Diệu Phương đã phát tâm xuất gia tu học y như con đường của bà chị mình là Ni sư Diệu Quang đã đi, kể cả sự việc cũng đi theo Ni sư Diệu Quang lên Đà Lạt, tự lập Tịnh thất riêng để tụng kinh ngồi thiền, thì Ni sư Thông Huyền lại có tính tìm cầu, đổi mới. Nói cụ thể là bà cô Bảy Thoại này – chúng tôi vẫn quen gọi như thế, đã từ ngôi chùa Long Quang nơi quê nhà ấy lần hồi đi vào tận Nha Trang, cầu pháp, quy y xin làm đệ tử của Ni trưởng Tâm Đăng (1915-2005) chùa Linh Sơn, phường Vĩnh Nghiêm, Nha Trang, để có pháp danh là Thông Huyền (vẫn thường gọi là Thông Thoại),7 đã phụ giúp đắc lực cho thầy mình trong nhiều công việc, và vào năm 1964 thì được Bổn sư đề cử làm trụ trì chùa Tịnh Đức (Đồi Trại Thủy, Nha Trang). Và từ Ni sư Thông Thoại thì lại có thêm các Sư cô Thông Uyên, Đồng Tiến, Đồng Hòa, đều là đám con cháu của Ni sư Thông Thoại, được trưởng thành từ sự dẫn dắt bước đầu của bà cô hiện là trụ trì ngôi chùa Tịnh Đức.
Chỉ riêng Ni sư Hạnh Nguyên (Đào Thị Đốc) là thuộc về lớp nhỏ, tức là hàng con cháu, chúng tôi vẫn quen gọi là chị Ba Đốc, vì ông nội của chị Ba này, tuy nhỏ tuổi hơn và chỉ là một anh Hương Bộ, nhưng thuộc về phái anh, còn ông nội của chúng tôi, tức cha của Ni trưởng Diệu Hoa, Ni sư Diệu Quang, là bác của Ni sư Diệu Phương, Ni sư Thông Thoại, thì lớn tuổi hơn, có chức vị hơn, nhưng lại thuộc về phái em, v.v… Mà con đường xuất gia tu Phật của Ni sư Hạnh Nguyên ấy cũng không giống với chư vị Ni sư đi trước. Qua lần gặp mặt và lễ bái Ni trưởng Tịnh Viên (1924-2000) tại chùa Long Quang nhân một dịp cúng giỗ gì đấy, thì cô thiếu nữ Đào Thị Đốc kia đã chiếm được cảm tình của vị Ni trưởng nọ, hiện là trụ trì chùa Liên Tôn, vốn là trưởng nữ của Pháp sư Huyền Ý (tức Hòa thượng Liên Tôn: 1891-1951, trước khi xuất gia). Thời gian sau đó thì cô Đào Thị Đốc đã tự thân tìm đến chùa Liên Tôn (thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát), tuy là cùng huyện nhưng cách chùa Long Quang khá xa, để cầu pháp, xin xuất gia làm đệ tử Ni trưởng Tịnh Viên, có được pháp danh là Hạnh Nguyên. Vì là đệ tử lớn của Ni trưởng Tịnh Viên, nên Ni sư Hạnh Nguyên (giống như Ni sư Thông Thoại) đã phụ tá rất đắc lực cho thầy mình trong một số Phật sự, kể cả công việc quản chúng tại chùa Hương Quang (Thị trấn Tuy Phước), là ngôi chùa Ni do thầy mình mới tạo lập, xem như là một phiên bản của chùa Liên Tôn. Đầu năm 2000, sau khi Bổn sư viên tịch, Ni sư Hạnh Nguyên đã kế tục bước đường hành đạo của thầy mình, làm trụ trì chùa Hương Quang ấy8.
Xin tạm dừng ở đây để nhắc lại lần nữa về cái trụ xứ khởi điểm là Tổ đình Thiên Bình. Bài viết của Đại đức Thích Đồng Lực, Giáo thọ trường Trung Cấp Phật Học Nguyên Thiều Bình Định, như nơi ghi chú (5) đã dẫn, đã cho biết Hòa thượng Như Từ – Tâm Đạt (1907-1979) trụ trì Tổ đình Thiên Bình ngày ấy (Trụ trì từ 1927-1967) đã khai sơn đến những hơn 20 ngôi chùa nơi khắp các huyện thuộc tỉnh Bình Định, trong số ấy, các chùa Long Quang (Ni), Long Hương (Ni), Thiên Xá (Tăng) đều do các thế hệ con cháu của tộc họ Đào trụ trì, hành đạo. Thế nên, theo chúng tôi thì sự việc tạo lập chùa Long Quang đúng là một bước ngoặt tâm linh cực lớn của tộc họ Đào trong thế kỷ XX, tạo được ảnh hưởng rất tốt rất đáng kể đối với nhiều thế hệ con cháu xa gần giúp họ có được một chỗ dựa thuận hợp để vững tin hơn trên con đường phát tâm xuất gia tu Phật.
Ví như có Ni trưởng Diệu Hoa (1925-1995) gắn liền với sự ra đời của chùa Long Quang, thì có sự nối tiếp của các Ni sư Diệu Quang, Ni sư Diệu Phương, Ni sư Diệu Chí trụ trì chùa Long Hương (Đập Đá, Bình Định), Ni sư Thông Thoại trụ trì chùa Tịnh Đức (Nha Trang), Ni sư Hạnh Nguyên trụ trì chùa Hương Quang (Thị trấn Tuy Phước, Bình Định).
Ni sư Diệu Quang, Diệu Phương tuy chỉ lập Tịnh thất để tu niệm, nhưng đều là những chỗ dựa về tinh thần rất an ổn để chư vị Ni sư đệ tử của Ni trưởng Diệu Hoa tạo lập và làm trụ trì các ngôi chùa Hương Quang (Đà Lạt), Ni viện Huệ Quang (Đà Lạt), chùa Bảo Quang (Long Khánh, Đồng Nai), chùa Kiều Đàm (Phù Cát, Bình Định).
Hoặc như ở trước chúng tôi đã có nói, tức từ Ni sư Thông Thoại, trụ trì chùa Tịnh Đức, Nha Trang, thì có các Sư cô Thông Uyên, Đồng Tiến, Đồng Hòa… đều đang nối tiếp theo con đường hành đạo, làm trụ trì, v.v… của chư vị Ni sư đi trước.
Tất cả đã cho thấy, sự phát triển về Ni giới của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, không chỉ trải khắp tỉnh Bình Định mà còn lan rộng đến nhiều địa phương khác nữa vậy.
Sài Gòn tháng 8 năm 2020
– Chú thích
- Do vậy, một số bài viết về hành trang của HT Như Từ – Tâm Đạt (1907-1979), trụ trì Tổ đình Thiên Bình ngày ấy, là người khai sơn chùa Long Quang, cũng là hợp lý.
- Xem thêm: Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập III, Nguyễn Lang, Nxb Lá Bối, Paris, trang 53-55.
- Vì Ni trưởng Diệu Hoa (1925-1995) đã có một thời gian nhập chúng tu học tại chùa Liên Tôn, kết bạn rất thân với Ni trưởng Tịnh Viên (1924-2000), là trưởng nữ của Pháp sư Huyền Ý (1891-1951) trước khi xuất gia. Sau này, Ni trưởng Tịnh Viên là trụ trì chùa Liên Tôn. Pháp sư Huyền Ý, tức là Hòa thượng Liên Tôn, Phó Chủ bút của Tạp chí Từ Bi Âm. Do đó nên Ni trưởng Diệu Hoa đã có được nhiều số báo Từ Bi Âm từ Ni trưởng Tịnh Viên tặng, để làm phần nền cho Tủ sách Phật học của chùa mình.
- Xem thêm: Nguyệt san Giác Ngộ số 128, tháng 11 năm 2006, trang 51-58.
- Về hành trang của HT Thiên Bình (HT Như Từ – Tâm Đạt 1907- 1979) có thể tham khảo: * Mục III: Những vị Danh Tăng tiêu biểu. Thuộc tiết 4: Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh tại tỉnh Bình Định của sách Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, do Thích Như Tịnh biên soạn, Nxb Phương Đông, 2009, trang 309-310. * Bài viết: Tổ đình Thiên Bình và hành trạng của Thiền Ông Như Từ – Tâm Đạt, của Đại đức Thích Đồng Lực, Giáo thọ Trường Trung Cấp Phật Học Bình Định. In trong: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Phật giáo và Văn học Bình Định, Tập 1… Nxb KHXH, 2018, trang 398-416.
- Xem thêm bài viết của Đại đức TS Thích Đồng Lực, như vừa dẫn.
- Về hành trạng của Ni trưởng Tâm Đăng (1915-2005) và Ni trưởng Tịnh Viên (1924-2000), xin tham khảo: Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd trang 319-321 và trang 386-389.
- Do chỉ nói về phần nữ giới, gọi là “Làm rõ sự phát triển về Ni giới của Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh tại tỉnh Bình Định”, nên chúng tôi không đề cập đến nam giới. Ví như HT Thiên Xá (Đào Công Trinh, sinh 1932), hầu như là vị nam giới duy nhất thuộc hàng con cháu của tộc họ Đào, đã xuất gia tu Phật, làm đệ tử của HT Như Từ – Tâm Đạt (1907-1979) chùa Thiên Bình, được pháp danh là Thị Xá, pháp tự là Liễu Pháp, pháp hiệu là Thắng Nghiêm, đã giữ vững phần vị phạm hạnh của một Tăng sĩ Phật giáo cho đến trọn đời. Hiện đã gần 90 tuổi, vẫn là trụ trì chùa Thiên Xá (thành phố Nha Trang).
- Ngoài ra, cũng có thể kể đến trường hợp Hòa thượng Phước Sơn (1937- 2020) (thế danh là Đặng Thành Công) là dân của thôn Xuân Quang, xã Cát Tường… vào năm 1958, theo sự dẫn dắt của Ni trưởng Diệu Hoa (1925-1995), ngày ấy là trụ trì chùa Long Quang, đã từ chùa Long Quang đi vào thị xã Phan Thiết, rồi từ Phan Thiết đi ra Nha
Trang, cầu pháp, xin xuất gia làm đệ tử của Hòa thượng Trí Thủ (1909-1984) bấy giờ là Giám Viện Phật Học Viện Trung Phần, để có được pháp danh là Nguyên Hùng, pháp tự là Thuận Tịnh, pháp hiệu là Phước Sơn, dần dần trưởng thành và thành: * Một vị Giáo thọ có uy tín của Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, giảng dạy ở đấy hàng bao nhiêu năm. * Là một nhà nghiên cứu Phật học khá nổi tiếng với những đóng góp có giá trị gồm hai phần dịch thuật và khảo cứu biên soạn, đã từng là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Thân mẫu của HT Phước Sơn là họ Đào (Đào Thị Thước) thuộc hàng em đối với ông nội của chúng tôi, nên có thể xem vị Hòa thượng họ Đặng này cũng là con cháu của tộc họ Đào (thuộc phía ngoại) đã nhờ nơi chùa Long Quang mà có được sự hiểu biết ít nhiều về Phật pháp, có được sự vững tin để phát tâm xuất gia tu Phật… như chúng tôi đã viết ở trước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Thích Như Tịnh biên soạn, Nxb Phương Đông, 2009.
- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III của Nguyễn Lang, Nxb Lá Bối, Paris, 1985.
3. Nguyệt san Giác Ngộ số 128. Tháng 11 năm 2006. - Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học: Phật giáo và Văn học Bình Định, Tập 1, Nxb KHXH, 2018.
- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II của Nguyễn Lang, Nxb Văn Học, 1992.
- Nước Non Bình Định của Quách Tấn, Nxb Thanh Niên tái bản, 1999.