Chùa Chúc Thánh hay Chúc Thánh tự, hiện nay tọa lạc ở ngõ 370 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội. Đây là một trong những ngôi tự viện cổ của Phật giáo Thủ đô.
Chùa thuộc Tổ đình Trung Hậu của Thiền phái Lâm Tế.
Chùa Chúc Thánh (Chúc Thánh tự) có từ khi nào? Bình đồ? Bài trí tượng trong chùa? Đặc biệt, Chúc Thánh tự có phải là ngôi chùa của Thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở miền Bắc (hiện nay) hay không?
LÀNG HỒ KHẨU NƠI CHÙA CHÚC THÁNH TỌA LẠC
Làng Hồ Khẩu (quen gọi là Làng Hồ) gồm cụm dân cư số 1 và số 2, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội, nằm ở phía Đông Bắc đường Hoàng Hoa Thám (vốn là bức tường thành được đắp bằng đất bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa của các triều đại phong kiến Lý – Trần – Lê). Làng xưa có tên là phường Hồ Khẩu, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên.
Theo truyền thuyết, ngay từ thời Hùng Vương đã có một số cư dân đến đây lập ấp, đánh cá, trồng lúa mưu sinh.
Hồ Khẩu nằm nép mình giữa một bên sông Tô Lịch, một dòng sông thiêng với nhiều huyền tích và thi ca sâu đậm vào tâm tưởng người Tràng An thanh lịch. Và một bên là Tây Hồ còn được gọi là Dâm Đàm – Hồ Mù Sương, vốn ăn thông với sông Hồng dòng sông cái đỏ nặng phù sa theo chi lưu chảy vào một số phố phường trong 36 phố phường hoa lệ Thăng Long xưa. Hồ Dâm Đàm còn là nơi gắn với sự kiện trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh trong sự tích hóa Hổ một nghi án của lịch sử thời Lý.
Dân làng Hồ Khẩu xưa kia có nghề làm giấy dó, lúc đầu sản xuất giấy bản, giấy moi, đến đầu thế kỷ XVII, thì làm được cả giấy sắc để dùng vào việc viết sắc phong và chiếu chỉ của Vua Chúa. Làng cũng từng làm giấy để in Di chúc của Hồ Chí Minh, một di sản được công nhận là quốc bảo của nước ta.
Trong làng có 5 dòng tộc đến nay vẫn giữ được từ đường. Nổi danh là hai anh em Lý Văn Phúc và Lý Văn Hảo, cùng đỗ Hương Cống khoa Kỷ Mão đời Vua Gia Long (1819), rồi em Lý Văn Loát đỗ khoa Tân Tỵ đời Vua Minh Mạng (1821). Lý Văn Phúc (1785-1849), nhiều phen chìm nổi quan lộ, từng làm tới chức Tả Tham tri Bộ Hộ và được cử đi sứ Trung Quốc. Ông mất khi tại chức, để lại nhiều ký sự và thơ văn Hán Nôm. Tên của ông được đặt cho một con phố cụt ở cạnh số nhà 161 đường Nguyễn Thái Học.
Hồ Khẩu cũng là quê của nhà thơ Nguyễn Văn Giai, tác giả bài Hà Thành Chính khí ca được lưu truyền rộng rãi ngay sau khi thành Hà Nội bị quân Pháp đánh chiếm lần thứ 2 (1882). Bài vè này vừa ca ngợi Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn không đầu hàng giặc, vừa chỉ trích những kẻ phản bội và chạy trốn hèn nhát.
Về di tích, làng có ngôi đình, ba ngôi đền và hai cổ tự (chùa Chúc Thánh và chùa Thanh Lâu) với khuôn viên xưa rộng lớn. Do sự biến thiên của lịch sử, khuôn viên chùa Chúc Thánh nay bị thu hẹp, trong khi chùa Sải tức chùa Thanh Vân hiện nay rộng lớn hơn và là di tích nổi tiểng ven Hồ Tây(1).
CHÙA CHÚC THÁNH – BÌNH ĐỒ – BÀI TRÍ TƯỢNG
Trong điều kiện chùa Chúc Thánh lâu ngày bị xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ bị đổ sụp bất cứ lúc nào, nên nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội (2010), chùa cũ được giải hạ để xây chùa mới. Vì vậy đề cập đến bình đồ – bài trí tượng trong chùa cần thiết phải đề cập đến chùa cũ và chùa mới. May thay khi giải hạ chùa cũ người ta đã kịp ghi chép lại bình đồ – bài trí tượng của ngôi chùa cũ.
Bình đồ – Bài trí tượng chùa Chúc Thánh cũ
Các tài liệu hiện thời ghi chép về chùa Chúc Thánh đều viết đây là ngôi chùa cổ. Nhưng chùa được xây dựng từ khi nào, tên chùa ngay từ buổi đầu có phải là chùa Chúc Thánh hay không.
Theo Ni sư Đàm Khánh người đang kiêm nhiệm giúp sư Thầy của mình tại chùa thì chùa thuộc thiền phái Lâm Tế. Chùa thuộc tổ đình Trung Hậu(2), một ngôi chùa có tuổi đời 400 năm, từ thời Hậu Lê do Sơ tổ Phố Vọng xây dựng năm 1816.
Tấm bia: Chúc Thánh, Thanh Lâu đẳng tự hương hỏa điền bi (Bia ghi số ruộng hương hỏa các chùa Chúc Thánh và Thanh Lâu) lập ngày 28 tháng 3 năm Vĩnh Tộ thứ tư (1622) thì chùa đã có từ trước đó. Văn bia cho biết, năm Mậu Ngọ (1618), quan trong phủ chùa vâng mệnh đến [chùa] cầu đảo, nhờ ơn thần phù hộ, nạn hồng thủy đã bị đẩy lùi.
Năm Canh Thân (1620), quan Doãn bản phủ dâng tờ khải trình bày, nhờ Đức Phật độ trì, ruộng hương hỏa được trả lại(3).
Sách, Di tích Tây Hồ, của Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, Nxb Hà Nội, năm 2015, tr 30-34. Viết về chùa Chúc Thánh với các nội dung sau đây:
Bình đồ và kiến trúc chùa Chúc Thánh: Bình đồ chùa gồm tam quan – sân chùa – chùa chính (bao gồm tiền đường – thiêu hương – thượng điện). Các đơn nguyên này được xây tường bao xung quanh, tạo một không gian riêng, đồng thời làm tôn nghiêm của ngôi chùa cổ.
Sau tam quan đi vào một khoảng sân rộng là đến chùa chính. Nền chùa được tôn cao 0,70m với mặt sân.
Chùa chính là một bình đồ hình chữ đinh (J) gồm hai nếp tiền đường và thượng điện. Các nếp nhà này nằm kế tiếp nhau và được khép kín bởi hệ thống tường bao quanh tạo không gian tam bảo của chùa thêm rộng lớn.
Về kiến trúc, tam quan chùa xây theo kiểu chồng diêm, hai cổng phụ làm kiểu đơn giản. Phía ngoài giáp cổng phụ được xây dựng trụ cao, đỉnh trụ đắp hình 4 con chim phượng chụm đuôi vào nhau thành hình trái dành. Thân trụ được đắp nổi các câu đối bằng chữ Hán.
Hai bên phía trước chùa chính liền với tường hồi là hai cột trụ xây cao, đỉnh trụ đắp hình nậm rượu, phía dưới có các hình trang trí, thân trụ tạo khung đắp nổi đôi câu đối chữ Hán. Mái chùa được lợp ngói ta (ngói vảy cá), tạo hai tầng mái kiểu chồng diêm, phân cách giữa hai lớp mái là bức tường xây, trên trang trí đắp nổi hình trúc, mai, đào, lựu v.v… giữa đắp mái tạo khung ghi 3 đại tự (CHÚC THÁNH TỰ) [chùa Chúc Thánh] bằng chữ Hán.
Tiền đường là một tòa nhà lớn gồm 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Trong chùa, vì đỡ mái được làm theo hai dạng vì khác nhau. Các bộ vì giữa có kết cấu dạng thượng chồng rường giá chiêng, hạ kê, 2 vì hồi làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Hàng hiên trước nhà Tiền đường, có diện tích rộng tương đương với 7 khoảnh hoành. Trên tàu đỡ mái bằng xà ngang bằng gỗ lim có chạm trổ, trang trí vân mây, hoa lá, nhằm làm giản nhẹ sự nặng nề và tăng thêm vẻ đẹp thẩm mĩ, chắc khỏe cho ngôi chùa cổ. Thượng điện gồm 3 gian hai dĩ, có cùng phong cách với tiền đường, bộ vì chồng rường, có cột trốn trên xà thượng, các con rường được xếp chồng bên nhau, trang trí nhẹ nhàng vân mây, hoa lá. Các bức cốn tòa thượng điện được trang trí vân chữ triện, phía dưới câu đầu của các vì được gắn với cửa võng, hoành phi gỗ sơn son thếp vàng làm tăng thêm sự lộng lẫy cho nơi tọa lạc của các vị Phật.
Trong tòa thượng điện xây các bệ gạch cao dần từ ngoài vào làm nơi an trí các vị Phật. Ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất của thượng điện là ba pho Tượng Tam Thế thường trụ diệu pháp thân, biểu trưng cho ba thế giới Phật: Quá khứ – Hiện tại – Vị lai, đang ngồi kiết già trên tòa sen.
Lớp thứ hai gồm tượng A Di Đà, kích thước lớn hơn ngồi ở giữa hai bên là Quán Thế Âm Bồ tát và Đại Thế Chi Bồ tát được gọi là bộ Di Đà Tam Tôn.
Lớp thứ ba gồm tượng Di Lặc ngồi giữa hai bên là hai pho tượng hầu(4).
Lớp cuối cùng là tòa Cửu Long, tái hiện hình ảnh Phật Thích Ca lúc mới ra đời. Ngoài tòa Tiền đường bên phải là hai ban thờ Đức Ông mặt đỏ ngồi giữa hai bên là hai pho tượng hầu, đối diện bên trái là tượng Thánh tăng, ở giữa hai bên là hai tượng Hộ pháp.
Trong hệ thống tượng tròn của chùa có các tượng Tam Thế, tượng A Di Đà được tạo tác sớm hơn cả (khoảng thế kỷ XVIII). Đặc trưng của nhóm tượng này là tư thế ngồi tự nhiên, ngực nở, eo thót, cung mày lớn cùng đài sen nở rộng, các cánh sen dày mập, mũi sen chạm nổi họa tiết đặc trưng sắc nét.
Một số hiện vật ở chùa
Hiện chùa còn lưu giữ 6 tấm bia đá đặt ở dưới đất phía tay phải đứng dưới sân nhìn lên giáp tường gạch, chủ yếu là bia Hậu Phật. Người dân làng cho biết, do chùa Chúc Thánh bị đổ nát lâu ngày nên các tấm bia được đưa về đình làng Hồ Khẩu bảo quản. Sau này, chùa được xây dựng lại mới chuyển toàn bộ về chùa. Một trong tấm bia có giá trị là bia: Chúc Thánh, Thanh Lâu đẳng tự hương hỏa điền bi ký. Bia được lập ngày 28, tháng 3, năm Vĩnh Tộ thứ tư (1622). Bia một mặt cao 1,1m rộng 0,64m, trán bia có chạm nổi lưỡng long chầu mặt nhật, hình đằng vân. Bia đặt trên lưng rùa. Đầu rùa ngẩng cao. Diềm bia chạm hình hoa dây. Lòng bia khắc chữ Hán chân phương. Tấm bia thứ hai cũng được tạo lập thời Lê có tên Hậu Phật bi ký. Bia được làm ngày 6 tháng Mười niên đại Chính Hòa thứ hai (1681) từ phiến đá xanh mịn, bia 4 mặt kích thước cao 83cm rộng 70cm, mặt bia được khắc chữ Hán, nội dung ghi họ tên những người đóng góp kinh phí tu bổ chùa. Ngoài ra còn là các bia hậu Phật như Hậu Phật bi ký, lập năm Cảnh Thịnh(5). Một tấm bia khác, bi hậu tạo năm Tự Đức thứ 15 (1861) ngày 26 tháng Tám. Bia tạo đơn giản, đặt trên khối đá hình chữ nhật.
Trong chùa còn lưu giữ hai quả chuông đồng, trong đó đáng chú ý là quả chuông CHÚC THÁNH TỰ CHUNG (chuông chùa Chúc Thánh), chuông được đúc vào ngày lành, tiết cuối đông, niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 8 (1799). Chuông có kích thước 0,60m x 0,28m, dáng chuông hình trụ, vai tròn, trên thon dưới nở, miệng chuông có gờ loe ra, thân dài, thành chuông dày. Phần quai chuông với rồng uốn khúc chụm đuôi ở đỉnh, đầu ngước lên, đầu và hai chân bắt lấy đỉnh chuông. Thân chuông chia làm 4 ô. Bài minh bằng chữ Hán, trên chuông ghi việc công đức tu bổ chùa.
Đặc biệt, chùa còn bộ sưu tập tượng tròn với gần 50 pho tượng. Đáng chú ý hơn cả có các pho tượng Tam Thế, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca sơ sinh và tòa Cửu Long.
Bản dịch một văn bia
Như phần trên đề cập, chùa còn lưu giữ 6 tấm bia đá, đáng kể nhất là tấm bia dựng năm Vĩnh Tộ thứ tư (1622). Tấm bia này vốn cất giữ ở đình làng Hồ Khẩu, sau mới chuyển về chùa. Bia được Ban Hán Nôm tuyển dịch, giới thiệu trong Tuyển tập văn bia Hà Nội, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H, 1978, từ tr 37 – tr 40. Dưới đây là nguyên văn:
Bia ghi số ruộng hương hỏa của chùa Chúc Thánh và Thanh Lâu
(Chúc Thánh, Thanh Lâu đẳng tự hương hỏa điền bi)
Các quan viên, hương trưởng cùng mọi người lớn ở phường Hồ Khẩu, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên ghi việc dựng bia ở đền thần, chùa Phật.
Người ta từng nói:
“Thần Phật mà linh thiêng sáng suốt thì triều đình rất quý chuộng phụng thờ”. Cho nên dân chúng nhìn thấy sự việc cần ghi lại sự thực.
Nay nhận thấy phường Hồ Khẩu, huyện Quảng Đức,
Xưa vẫn có chùa nổi tiếng, đền linh thiêng
Phía đông: xanh biếc dòng Long Khê(6).
Phía nam trắng ngần sông Tô Lịch
Tản Viên từ phương Tây chầu lại,
Tam Đảo từ phương Bắc hướng về.
Nước hồ trong vắt, cùng da trời in một màu; thành phượng(7) ngất cao, tưởng vầng nhật còn thấp.
Tụ họp được khí tinh anh,
Ngắm trông đủ về hùng tráng,
Thực là nơi thắng cảnh bậc nhất của Đô thành.
Năm Mậu Ngọ (1618) quan trong Phú Chúa vâng mệnh đến cầu đảo, nhờ ơn thần phù hộ, nạn hồng thủy đã bị đẩy lùi.
Năm Canh Thân (1620) quan Doãn bản phủ dâng sớ khải trình bày, nhờ Đức Phật độ trì, ruộng hương hỏa được trả lại.
Ơn nước bao phong thêm rạng rỡ,
Lệnh trên chuẩn cấp được ban hành
Đến tháng Ba năm Nhâm Tuất (1622) bèn thuật lại việc đó, khắc vào bia để truyền lại muôn thuở, cho thấy lòng kính thần sùng Phật của đương thời.
[Từ đâu]
Một chữ trong lời sắc không nhòe.
Số ruộng được ghi mãi mãi sẽ còn. Khi xem thấy rõ liền, chẳng cần dò dẫm.
Tôi không ngại mượn lời, xin làm thêm Bài minh, để bổ sung cho việc ca tụng mai sau nữa.
BÀI MINH
[…].
…
Ngày hai mươi tám, tháng Ba năm Vĩnh Tộ thứ 4 (1622).
Giám sinh Đỗ Trực người xã Lạp Hạ, huyện Yên Sơn soạn.
Bình đồ – Bài trí tượng chùa Chúc Thánh mới
Chùa Chúc Thánh mới được xây dựng trên nền chùa chính, chùa Chúc Thánh cũ. Địa điểm vẫn ở ngõ 370 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Qua tam quan vào đến sân chùa với một khoảng rộng là bắt gặp ngôi chùa.
Về bình đồ và kiến trúc, chùa được xây ba tầng (quen gọi là chùa lầu) một loại hình bình đồ đã và đang được xây dựng khá phổ biến không chỉ ở thành thị đất chật người đông mà còn cả ở vùng thôn quê đồng bằng, miền núi, cao nguyên. Tầng thứ nhất được dùng làm nơi ở của nhà sư, cũng là nơi tiếp khách. Tầng thứ hai là thượng điện với bốn chữ Hán: Đại hùng bảo điện. Đại hùng bảo điện gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tầng thứ ba chia làm ba gian, gian giữa là gian thờ tổ, gian bên phải thờ Trần Triều, gian bên trái thờ Tứ phủ công đồng.
Muốn lên tầng hai – Đại hùng bảo điện – phải lên một trong hai cầu thang đều được xây từ dưới lên bắt đầu từ sân chùa. Từ Đại hùng bảo điện lên tầng 3 thì đi bằng cầu thang bên trong tầng hai.
Về kiến trúc, chùa mới được làm bằng vật liệu xi măng cốt thép, sơn giả gỗ và không có gì đặc biệt về trang trí, họa tiết.
Về bài trí tượng
Bài trí tượng nơi Đại hùng bảo điện. Thượng điện, bậc/cấp trên cùng là bộ tượng Tam Thế: Cấp thứ hai là tượng A Di Đà ở thế ngồi cao to hơn hai tượng hai bên là tượng Quán Thế Âm Bồ tát và Đại Thế Chí Bồ tác. Cấp thứ ba là tượng Quan Âm nhiều tay ở giữa hai bên là Văn Thù Bồ tát và Phổ hiền Bồ tát. Cấp thứ tư: tòa Cửu Long, Phật sơ sinh, một bên là Kim đồng, một bên là Ngọc Nữ lớp thứ tư là Thất Phật – lưu ly Phật.
Tiếp theo Thượng điện là gian Thiêu hương. Sau gian Thiêu hương là Tiền đường. Tiền đường bên phải đặt tượng Ông Thiện (Hộ pháp khuyến thiện), tiếp theo là Đức Chúa ông. Bên trái đặt tượng ông Ác (Hộ pháp trừng ác), bên cạnh là tượng Thánh Hiền, hai bên là tượng Vi Đà và tượng Tiêu Diện Đại Sĩ.
Cách bài trí tượng với lớp Di Đà Tam Tôn (lớp thứ hai) cho thấy có sự nghiêng về Tịnh Độ, một pháp tu niệm Tịnh Độ đang thịnh hành. Việc tượng Quán Thế Âm nhiều tay đi liền với tượng Văn Thù, Phổ Hiền là một cách bài trí khá đặc biệt. Thông thường lớp tượng thứ ba ở các ngôi chùa cổ vùng đồng bằng Bắc bộ nếu thiết trí tượng Quan Thế Âm nhiều tay (hoặc Quan Âm Thiên Thủ Thiên nhãn – nghìn mắt nghìn tay) thì chỉ thờ độc tôn. Như thế là biểu thị cho pháp tu Mật tông. Còn nếu có tượng Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát thường sẽ là tượng Thích Ca đặt ở giữa. Nếu là tượng Thích Ca niêm hoa thường thì hai bên sẽ là Ca Diếp và A Nam Đà.
Thượng điện chùa Chúc Thánh mới không kiến trúc theo thượng điện truyền thống của Tự viện Phật giáo Đại Thừa – Bắc truyền ở vùng đồng bằng Bắc bộ, bậc cao nhất tôn trí bộ Tam Thế sát vách thượng điện, phía dưới có khoảng trống dùng cho việc đi nhiễu quanh thượng điện mà tác giả Nguyễn Duy Hinh gọi là Tháp – Thượng điện.
Đại hùng bảo điện/Thượng điện chùa Chúc Thánh mới có một gian riêng ở phía sau thượng điện. Nơi này tôn trí tượng Địa Tạng Vương Bồ tát và di ảnh của người qua đời. Đây được xem như vãng sinh đường.
Tầng ba, gian giữa thờ Tổ Bồ Đề Đạt ma, vị tổ thứ nhất của Thiền sư Trung Hoa. Lớp bên dưới là tượng một ni sư qua đời. Hai gian bên, một gian thờ tượng Trần Triều, một bên thờ Tứ phủ công đồng.
Khi xây chùa mới một số tượng của chùa cũ như bộ Tam Thế, tượng A Di Đà… vẫn được cung nghinh tôn trí, bảo lưu được những giá trị di sản của ngôi chùa cổ.
NHẬN ĐỊNH HAY LÀ ĐI TÌM NHỮNG CÂU TRẢ LỜI
Chùa Chúc Thánh được xây dựng vào thời điểm nào?
Làng Hồ Khẩu xưa có hai chùa, đó là chùa Chúc Thánh và chùa Thanh Lâu/Tĩnh Lâu/Tịnh Lâu/chùa Sãi/chùa Sải. Nếu như chùa Chúc Thánh tên gọi từ buổi đầu và được giữ đến hiện thời thì chùa Thanh Lâu còn có các tên gọi trong “Sổ bộ” cũng như trong dân gian như Tĩnh Lâu, Tịnh Lâu, chùa Sãi, chùa Sải. Trong bài viết này chúng tôi gọi là chùa Thanh Lâu.
Chùa Chúc Thánh và chùa Thanh Lâu do là của chung làng Hồ Khẩu nên một số văn bia, chẳng hạn như văn bia: Bia ghi số ruộng hương hỏa các chùa Chúc Thánh và Thanh Lâu (từ đây gọi tắt là Bia ghi số ruộng hương hỏa) đề cập cùng một lúc hai chùa. Bia được lập năm Vĩnh Tộ thứ 4 (1622). Nội dung ghi chép về hai sự kiện: sự kiện thứ nhất diễn ra vào năm Mậu Ngọ (1618) với việc cần tạnh. Sự việc thứ hai diễn ra vào năm Canh Thân (1620) với việc ruộng hương hỏa của hai chùa bị chiếm đoạt trước đó, nay được trả lại.
Cứ theo hai sự kiện trên thì chùa Chúc Thánh và chùa Thanh Lâu đã có từ trước đó. Song, thời điểm hai chùa trên cụ thể hơn là chùa Chúc Thánh được xây dựng từ khi nào? Quy mô của chùa ra sao? Cho đến nay vẫn chưa có lời giải. Trải thời gian chùa đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, một thời gian dài chùa bị xuống cấp, xiêu đổ, dân làng gọi là chùa đổ.
Trong khi đó chùa Thanh Lâu vốn là một ngôi quán được lập để thờ một số vị vua thời Lý. Sau này, có một vị sư lập am ở bên cạnh để tu tập. Một giả định theo thời gian, am (hay tĩnh) được tôn tạo thành chùa, và một số vị vua thời Lý được đưa vào chùa hợp tự theo mô thức vẫn thường thấy đó là Tiền Phật, hậu Thần. Vì vậy mà có việc cầu đảo ở chùa (rất có thể là ở chùa Thanh Lâu).
Mở đầu văn bia: Bia ghi số ruộng hương hỏa viết:
“Các quan viên, hương trưởng cùng mọi người lớn nhỏ ở phường Hồ Khẩu, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên ghi việc dựng bia ở đền thần, chùa Phật”.
Người ta thường nói:
Thần, Phật mà linh thiêng sáng suốt thì triều đình rất quý chuộng phụng thờ.
Hoặc trong bài mình Bia ghi số ruộng hương hỏa có đoạn:
“Ruộng hương hỏa trả lại.
Ân nhà Vua rõ ràng
Công đức đều to tát
Thần, Phật đâu khác nhau”.
Trở lại thời điểm kiến tạo chùa Chúc Thánh, cuốn sách: Di tích Tây Hồ, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ, xuất bản năm 2015, phần viết về chùa Chúc Thánh có hai điểm đáng lưu ý khi đoán định thời điểm kiến tạo chùa. Điểm chú ý thứ nhất đó pho tượng A Di Đà, một pho tượng quý của chùa được xem là tác tạo vào thế kỷ XVIII. Điểm chú ý thứ hai, phần kết luận bài viết có đoạn: “Ngôi chùa (Chúc Thánh) có niên đại xây dựng sớm từ thời Lê thế kỷ XVIII”. Ở một đoạn khác bài viết ghi nhận: “các pho tượng (chùa Chúc Thánh) được tạo tác vào những thời gian khác nhau, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX”(8).
Một tư liệu khác bởi nhà sư kiêm nhiệm trụ trì hiện nay cho biết chùa Chúc Thánh thuộc Tổ đình Trung Hậu. Nhưng như phần trên đề cập, Trung Hậu trước khi trở thành tổ đình là một ngôi chùa – chùa Trung Hậu do Sơ tổ Phố Vọng xây dựng năm 1618 – đầu thế kỷ XVII. Để trở thành tổ đình, chùa Trung Hậu phải trải qua một thời gian hoằng pháp, phát triển sơn môn, pháp phái.
Từ những dữ liệu trên tạm đi đến kết luận: Chùa Chúc Thánh thời điểm thế kỷ XVII có thể chỉ là một am (hoặc tĩnh) nhỏ. Đến thế kỷ XVIII, chùa được hưng công xây dựng, trở thành một tự viện. Theo thời gian chùa tiếp tục được tu bổ, có thời gian bị đổ nát và được xây dựng theo kiến trúc “chùa lầu” như hiện nay.
Chùa Chúc Thánh thuộc Thiền môn nào?
Sự hưng phế chùa, việc gián đoạn nhà sư trụ trì… đã làm cho nhận định chùa Chúc Thánh thuộc Thiền môn nào trở nên khó khăn.
Chùa Chúc Thánh và chùa Thanh Lâu là hai ngôi chùa của làng Hồ Khẩu. Căn cứ vào tư liệu điền dã, đặc biệt là việc ghi chép về lễ hội Làng Hồ Khẩu, diễn ra ở đình làng được xây dựng năm Kỷ Mùi (1619) thờ hai Thành hoàng là anh em ngài Cống Lễ, Cá Lễ cùng sinh ngày 13 tháng Hai âm lịch. Tương truyền, hai ngài là tướng của Hùng Vương. Hằng năm, dân làng Hồ Khẩu gồm 8 xóm cùng tổ chức lễ hội chính vào dịp tháng Hai âm lịch. Làng chọn ra 32 trai tân, từ ngày mồng Một tháng Hai đã phải ăn chay để đến tới ngày 13 chia làm 2 đội chèo đò tại sân đền Vệ Quốc. Dịp tháng Tư vào ngày Rằm có lễ rước sư cầu an và rước nước ngoài Hồ Tây, đi từ chùa Sải về đình làng. Như vậy, trong hai ngôi chùa của làng, có lẽ chùa Sải/Thanh Lâu có vị trí hơn. Tác giả bài viết ghi nhận điều này bởi tại gian thờ Tổ, chùa Thanh Lâu còn lưu lại câu đối:
Lâm Tế tông phong lưu tứ phương như hàm thuận;
Tào Khê pháp phái dẫn vạn thủy dĩ trừng thanh.
Tạm dịch:
Tông phong Lâm Tế truyền bốn phương mà thịnh đạt;
Pháp phái Tào Khê chia vạn nhánh vẫn trừng thanh.
Câu đối tuy ở gian thờ tổ chùa Thanh Lâu nhưng do Chúc Thánh và Thanh Lâu là hai ngôi chùa cùng một làng, nên chùa Thanh Lâu thuộc Lâm Tế, chắc hẳn Chúc Thánh cũng thuộc thiền phái này.
Chùa Chúc Thánh có thuộc thiền Lâm Tế Chúc Thánh không?
Hiện chưa có lời giải đáp câu hỏi trên. Vậy lý giải thế nào khi tên chùa mang tên Chúc Thánh. Có thể chùa được xây dựng nhân sự kiện được ân huệ của Vua/Chúa (Thánh Thượng) ban cho dân làng, hoặc nhân sự kiện mừng thọ Vua/Chúa thời hậu Lê chăng? Song hiện chưa có tư liệu để khẳng định. Vậy phải chăng chùa Chúc Thánh thuộc Thiền Lâm Tế Chúc Thánh? Lâm Tế Chúc Thánh có hiện diện ở Đàng Ngoài cụ thể hơn là Hà Nội hay không? Lại càng chưa có tư liệu để khẳng định.
Song có một thực tế, tại Thủ đô Hà Nội ngày nay, vào thế kỷ XVIII hiện diện một ngôi tự viện mang tên Chúc Thánh thuộc Thiền Lâm Tế. Nhân dịp hội thảo “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh: Lịch sử hình thành và phát triển” qua nguồn tư liệu bi ký, thư tịch và tài liệu điền dã chúng tôi giới thiệu về một ngôi chùa như trên. Và nếu tìm được thêm tài liệu có thể đi đến những kết luận thỏa đáng.
Hà Nội, tháng Tám năm Canh Tý – 2020
– Chú thích
- Bài, Chúc Thánh, ngõ 370, Thụy Khuê, 360hncity.org/spip… Truy cập ngày 1/10/2020.
- Tổ đình Trung Hậu, dân gian vẫn quen gọi là chùa Trung Hậu thuộc xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, cách trung tâm Hà Nội 25km. Chùa có bề dày lịch sử 400 năm được xây dựng từ thời Hậu Lê, chùa do Sơ tổ Phố Vọng xây dựng năm 1618, trải qua 7 đời Cao tăng, Tổ đức trụ trì, Chùa Trung Hậu là địa điểm để Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hà Nội, tổ chức trường Hạ. Chùa cũng là nơi thường xuyên tổ chức khóa tu dành cho thanh niên tại Hà Nội. Vào giai đoạn 1920 – 1940, Tổ đình Trung Hậu được coi là một điểm sáng của Phật giáo phong trào Chấn hưng, khi Tổ Trung Hậu (cố Trưởng lão, Hòa thượng Thích Thanh Ất) còn trụ trì. Đây là nơi đào tạo Tăng tài kiệt xuất của Phật giáo phía Bắc. Sau này do chiến tranh, Tổ đình Trung Hậu có lúc hoang tàn, chỉ có Ni trưởng Thích Đàm Tùng trông nom. Năm 1990, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm là hậu duệ của Tổ Trung Hậu đã trở về tập hợp Tăng Ni trong sơn môn lại để trùng hưng Tổ đình. Sau khi trùng tu Đại hùng bảo điện, Tổ đường, Đông Tây đường được khang trang, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm đã cử Thượng tọa Thích Chiếu Tạng về trụ trì (từ năm 1996 đến nay). Dẫn theo phatsuonline/hno, truy cập ngày 1/10/2020.
- Toàn văn bia sẽ được đề cập ở phần sau.
- Bài viết không cho biết hai pho tượng hầu là hai pho tượng gì.
- Tiếp theo là dòng chữ bị mờ. Cảnh Thịnh là niên hiệu của Nguyễn Quang Toản con trai thứ của Vua Quang Trung, ông lên ngôi Hoàng đế tháng 8 năm 1792. Tháng 8 năm 1801 ông đổi niên hiệu thành Bảo Hưng. Như vậy, niên hiệu Cảnh Thịnh kéo dài từ 1792-1801. Bia tạo đơn giản, 12 dòng chữ Hán, mỗi dòng 28 chữ. Chữ Hán khắc chân phương. Bia được đặt trên bệ đá hình chữ nhật.
- Dòng Long Khê chưa xác định rõ vị trí.
- Thành Phượng: thành Thăng Long nay là Hà Nội.
- Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ: Di tích Tây Hồ, Nxb Hà Nội, 2015, tr 33-34.