Phối thờ Thần Thánh trong các ngôi Cổ tự ở Hội An (Trương Hoàng Vinh)

            Hội An là một đô thị thương cảng quốc tế được phát triển từ thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX. Bên cạnh chức năng trung tâm giao lưu thương mại của các thương nhân, Hội An còn trở thành một trong những nơi các Thiền sư Phật giáo từ Trung Quốc (Thạch Liêm, Nguyên Thiều, Minh Hải, Minh Lượng…) đến truyền thừa Phật giáo Trung Hoa trong đó có Thiền phái Lâm Tế tại Hội An và Đàng Trong Việt Nam(1). Các cổ tự Chúc Thánh, Vạn Đức… được hình thành vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII là di tích gắn với sự hoằng dương Phật pháp của các Thiền sư Minh Hải, Minh Lượng. Về sau, trong đầu thế kỷ XX, Hội An còn sự xuất hiện các hệ phái Phật giáo khác là hệ phái Phật giáo khất sĩ, hệ phái Phật giáo Nam tông… Cùng với sự phát triển của các hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ, đến 2015 ở Hội An đã có 26 Phật tự, trong đó có 17 cơ sở nằm trong danh mục di tích được Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An bảo vệ hoặc là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia(2). Đã có những ngôi chùa là cổ tự, chùa sắc tứ như chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, chùa Vạn Đức, chùa làng Minh Hương – Quan Âm Phật tự, chùa Thiên Đức, chùa Hải Tạng, chùa Viên Giác, Kim Bửu, Long Tuyền…

            Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, truyền nhập vào Việt Nam từ một trong hai con đường chính là từ Trung Quốc. Để lưu lại, phát triển ở Việt Nam, Phật giáo đã phải dung hợp văn hóa Nho giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian mà cụ thể ở đây là tín ngưỡng thờ Thần, Thánh, Mẫu trong nhân dân để được đi sâu, rộng hơn nữa vào tiềm thức nhiều tầng lớp nhân dân. Việc chuyển biến, kết hợp này đã có từ những thế kỷ đầu Công nguyên như Tạ Chí Đại Trường có đề cập trong tác phẩm Thần và Người đất Việt: Ở Giao Châu…, vì nhu cầu phổ biến theo đường lối hạ thừa để gần với trình độ dân chúng nên phải nhuộm màu sắc Đạo Giáo…”(3) và GS Trần Quốc Vượng có khẳng định “Vì Phật giáo vốn “dung Tam Giáo” thậm chí còn có lý thuyết “Tam giáo đồng nguyên” (ba tôn giáo ấy cùng chung một cội nguồn)”(4).

            Theo dòng chảy của Phật giáo Việt Nam, ở Hội An, Phật giáo cũng đã có sự kết hợp với Đạo giáo, tín ngưỡng thờ Thần, Thánh, Mẫu lâu đời, khá phổ biến và được thể hiện tất rõ qua hệ thống thiết trí phối thờ tại các cổ tự. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số thông tin tổng hợp từ khảo sát về hệ thống tượng các Thần, Thánh thuộc văn hóa Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian được phối thờ trong 9 ngôi cổ tự thuộc Phật giáo Bắc tông kể trên(5) nhằm khẳng định thêm tinh thần suy nghĩ về kết hợp giữa Phật giáo và Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian.

            Khái quát về các ngôi cổ tự

            Cùng với sự hình thành làng xã của người Việt, sự phát triển của thương cảng, sự truyền thừa Phật giáo Bắc tông ở Hội An trong các thế kỷ XVII, XVIII, Phật giáo Hội An đã hình thành và bảo tồn được nhiều cổ tự cho đến ngày nay. Các ngôi cổ tự này đa phần thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh, được hình thành ở những vùng thanh tịnh, cách xa vùng đô thị (trừ chùa Quan Âm ở trung tâm đô thị). Trong đó, có một số ngôi cổ tự nguyên là chùa làng như chùa Kim Bửu (chùa làng Kim Bồng), chùa Quan Âm (chùa làng Minh Hương), chùa Hải Tạng (chùa phường Tân Hiệp), chùa Viên Giác (chùa làng Cẩm Phô), một số chùa là Tổ đình (chùa Chúc Thánh, chùa Vạn Đức, chùa Phước Lâm) của dòng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Trong đó, có một ngôi chùa nay trở thành một phần thờ tự của nhà thờ tộc Đinh là chùa Thiên Đức, nhưng hệ thống thờ tự cũ của ngôi chùa vẫn được lưu giữ cơ bản… Các ngôi chùa có cách bố trí theo kiểu tiền Phật hậu Tổ, các bộ tôn tượng phổ biến là Tam Thế Phật, Tây phương Tam thánh, Di Đà Tam Tôn, Phật Thích và 2 đệ tử (Tuyết Sơn Tam Thánh) tại chính điện. Trong đó, có nhiều tượng có giá trị mỹ thuật, lịch sử(6). Một số thông tin chi tiết cụ thể của các ngôi cổ tự như sau (chưa kể các vị thánh thần được phối thờ):

  1. Chùa Chúc Thánh: Do Thiền sư Minh Hải xây dựng vào khoảng năm 1696, 1697(7) và là Tổ đình của Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh ở miền Nam Việt Nam và một số chùa ở nước ngoài. Tại đây bài trí, lưu giữ nhiều di vật, tượng thờ, bia ký liên quan đến quá trình du nhập và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong, Việt Nam. Chùa được sắc tứ vào năm Khải Định năm thức 5 (1920). Di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. Hệ thống thờ tự chính gồm Phật A di Đà, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, A Nan, Ca Diếp, Quan Âm Chuẩn Đề, Thập Bát La Hán, Hộ pháp Vi Đà, Tiêu diện Đại Sĩ, Địa Tạng Vương, Thiền sư Minh Hải, Lịch đại tổ sư, hương linh ký tự.
  2. Chùa Phước Lâm tọa lạc tại thôn Cửa Suối, xã Cẩm Hà, do Hòa thượng Minh Giác xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII. Chùa bài trí và lưu giữ nhiều di vật, tượng thờ, bia ký, kinh sách có giá trị lịch sử – văn hóa cao, góp phần minh chứng cho vai trò quan trọng của Hội An trong quá trình du nhập và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong, Việt Nam. Chùa được triều Nguyễn sắc tứ vào năm Duy Tân thứ 4 (1912). Di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. Hệ thống thờ tự chính gồm: A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Địa Tạng Vương, Thích Ca sơ sinh, A Nan, A Diếp, 18 vị A La Hán, Giám Trai, Tứ Thiên Vương, Lịch đại tổ sư, hương linh ký tự.
  3. Chùa Vạn Đức: Tọa lạc tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, chùa được Thiền sư Minh Lượng xây dựng vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Ngôi chùa nằm sát bên bờ sông Cổ Cò, con sông nối Cửa Hàn – Đà Nẵng với Cửa Đại – Hội An trong các thế kỷ trước, rất tiện lợi cho khách thương ghé bến để lên chùa lễ bái. Trong chùa còn lưu giữ, bài trí nhiều tượng thờ, di vật, kinh sách quý liên quan đến lịch sử Hội An, đến quá trình du nhập và phát triển Phật giáo ở Hội An, Đàng Trong và khu vực. Di tích được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1991. Hệ thống thờ tự chính gồm: A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc, hầu hết được làm bằng hợp chất và các pho tượng Quan Âm, Đại Thế Chí, Địa Tạng Vương, Vi Đà, Tiêu Diện Đại Sĩ, Bồ Đề Đạt Ma, Lịch đại tổ sư, hương linh ký tự.
  4. Chùa Viên Giác (Cẩm Lý tự) tọa lạc tại số 52 đường Hùng Vương, phường Cẩm Phô, tiền thân của chùa Viên Giác là chùa Cẩm Lý tại khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam. Chùa được dời về vị trí hiện nay, có tên là chùa Viên Giác vào năm 1841 và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. Hệ thống thờ tự chính gồm Phật Thích Ca, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát, A Di Đà, Tiêu Diện Đại Sĩ, Hộ Pháp Vi Đà, Bồ Đề Đạt Ma.
  5. Chùa Quan Âm: Nguyên xưa đây là ngôi chùa của dân làng Minh Hương có khuôn viên gắn liền với Quan Công miếu. Di tích này được xây dựng vào thế kỷ XVII. Di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. Hệ thống thờ tự chính: A Di Đà, Đại Thế Chí, Quán Thế Âm Bồ Tát.
  6. Chùa Hải Tạng tọa lạc tại Đồng Chùa thuộc thôn Bãi Làng – xã Tân Hiệp. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng có quy mô lớn để thờ Phật kết hợp thờ Thánh Thần. Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoảng 200m về hướng Đông Bắc, sau vì gió bão làm hư hại nặng và để thuận tiện cho các Phật tử đến hành lễ, nên vào năm Tự Đức Nguyên niên (1848), chùa dời về vị trí hiện nay. Di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2006. Hệ thống thờ tự chính của di tích gồm: Tam thế Phật, Long Thần, Gìa Lam Thánh Chúng, Địa Tạng, hương linh ký tự.
  7. Chùa Kim Bửu tọa lạc tại thôn Phước Thắng (cũ), xã Cẩm Kim, trước đây có tên là Bửu Kim tự, được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII, chùa được kiến tạo theo hình chữ nhất gồm 3 gian, 2 chái. Chùa được triều Nguyễn sắc tứ vào năm Bảo Đại 18 (1943). Di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hệ thống thợ tự chính gồm: Thích Ca, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Di Đà, Di Lặc, Địa Tạng Vương Bồ Tát.
  8. Chùa Long Tuyền tọa lạc tại khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà, do Thiền sư Phổ Thoại khai sơn vào năm 1909, chùa được triều Nguyễn sắc tứ vào năm 1933. Hệ thống thờ tự chính gồm: Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Thập Bát La Hán, Bồ Đề Đạt Ma, Lịch đại tổ sư, hương linh ký tự.

            Phối thờ theo tín ngưỡng dân gian trong các ngôi cổ tự ở Hội An

            Mặc dầu đã trải qua nhiều biến động của lịch sử, nhưng qua khảo sát hiện trạng tại mấy ngôi chùa là cổ tự, chùa sắc tứ, chúng tôi nhận thấy trong quy cách thờ tự vẫn thể hiện rõ tinh thần Phật giáo kết hợp với Đạo giáo – tín ngưỡng dân gian khá rõ nét và đa dạng ở cách thiết trí. Ngoài hệ thống tượng các Phật, Bồ Tát, La Hán thuộc Phật giáo, yếu tố kết nối giữa Phật – Thần – Thánh – Mẫu trong thờ tự được thể hiện ở các cổ tự Hội An là có ít nhất 8 vị, nhóm vị thần, thánh, mẫu được phối thờ ở các chùa. Cụ thể gồm:

  1. Nhóm các Thần gồm Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các Thần là quan phò trợ chốn Thiên đình là Phán Quan, Bắc Đẩu, Nam Tào. Đây là vị thần tối cao và các quan phò trợ cai quản tất cả các cõi của trong trời đất đã ăn sâu vào tiên thức tín ngưỡng dân gian Việt Nam và thờ Ngọc Hoàng cùng các quan thần phụ tá đã rất phổ biến trong các ngôi chùa ở các địa phương khác(8).
  2. Nhóm các vị thánh được tín ngưỡng dân gian Trung Hoa và Việt Nam tôn thờ đó là Quan Công(9) và Quan Bình, Châu Xương. Các vị thần này có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa nhưng đã trở thành tín ngưỡng phổ biến ở nhiều vùng, miền của Việt Nam trong đó có những vùng có sự giao lưu, cư trú, buôn bán với người Hoa trong lịch sử như Hội An.
  3. Nhóm các vị nữ thần được phổ biến trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam nhiều đời là Ngũ hành tiên nương, Lục Vị, Bà Chúa Tiên.

            Bảng tổng hợp các vị Thần – Thánh được phối thờ tại 9 ngôi cổ tự của Hội An – Quảng Nam(10)

 

            – Theo bảng tổng hợp thì việc thờ riêng Quan Công và Quan Công với Quan Bình, Châu Xương là phổ biến nhất: 5/9 cổ tự có thờ, Ngũ Hành và Lục vị được thờ tại 4/9 cổ tự và Ngọc Hoàng cùng các Thần quan được thờ tại 3/9 cổ tự. Điều đặc biệt ở đây là có chùa thờ bà Chúa Tiên (tại chùa Quan Âm), một vị Thần ít được thờ trong các chùa ở các nơi khác. Qua các đối tượng được thờ tự này, cho thấy việc phối thờ các vị Thánh, Thần, Mẫu trong các cổ tự có mang yếu tố truyền thống, phổ biến chung ở các địa phương (Bắc bộ, Bắc Trung bộ…) và có yếu tố tín ngưỡng nổi trội hoặc đặc trưng của địa phương Hội An (thờ Quan Công, Thiên Hậu, Bà Chúa Tiên). Điều này, trước tiên có thể đối sánh với các ngôi cổ tự ở Huế qua bài viết của tác giả Lê Thọ Quốc – 2010 (bài viết đã dẫn ở trên).

            – Việc bố trí vị trí thờ tự các vị thần thánh được thể hiện khá đa dạng và có nhiều điểm khác biệt. Thông thường, tại các ngôi chùa ở miền Bắc và ở Huế, Ngọc Hoàng được bố trí thờ ở Đại hùng bửu điện, dầu vị trí đặt tượng có khác nhau tùy theo từng chùa. Tuy nhiên, ở Hội An chỉ một ngôi chùa có thờ Thánh, Thần tại Đại hùng bửu điện là chùa Hải Tạng (Thờ Ngọc Hoàng và Quan Công, Quan Bình, Châu Xương), chùa Quan Âm có tranh tượng bà Chúa Tiên. Trong khi đó, chùa Chúc Thánh thờ các vị Thánh Thần tại hậu điện. Các chùa khác thờ thần thánh tại các miếu thờ riêng trong khuôn viên chùa như chùa Phước Lâm, chùa Vạn Đức. Chùa Thiên Đức có miếu Ngũ Hành riêng trong khuôn viên di tích, nhưng lại thờ các vị thánh thần trong nội thất nhà thờ.

            – Việc thờ Ngũ Hành, Lục vị (gồm các vị Ngũ hành tiên nương và Thiên Y A Na) tại các chùa đều có miếu riêng trong khuôn viên chùa. Điều này tạo nên suy nghĩ rằng ở Hội An mặc dầu có sự du nhập, kết hợp Tam giáo đồng nguyên nhưng vẫn có một sự phân biệt rõ và yếu tố Phật giáo vẫn là chính, chủ đạo trong các cổ tự.

            – Việc thờ chúa Tiên trong cổ tự là cũng là một điểm riêng khác góp phần làm thêm đa dạng các vị thần thần được thờ trong chùa Phật. Đồng thời, các yếu tố thờ Thổ địa tại các chùa ở Bắc bộ cũng không được thấy tại nhiều cổ tự của Hội An.

            – Tại chùa Viên Giác có một số tượng thần thánh, nhưng không có bố trí thờ tự. Điều này cho thấy, có thế trước đây, việc thờ Thần – Thánh trong các ngôi chùa phố biến hơn nhưng qua quá trình biến đổi của thời gian, nhất là không gian, vị trí của ngôi cổ tự có sự dịch chuyển, thu hẹp mà việc bố trí thờ tự được tinh giản đi.

            Kết luận

            – Để Phật giáo tiếp tục thâm nhập sâu vào đời sống tâm linh của người dân Hội An, Phật giáo Hội An cùng với dòng chảy của Phật giáo Việt Nam đã có sự linh hoạt, kết hợp với tư tưởng văn hóa phương Đông, tín ngưỡng dân gian Việt Nam và các địa phương để phối thờ trong chùa Phật nhằm tối đa hóa việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhiều tầng lớp cư dân. Tuy nhiên, ở một số chi tiết phối thờ, bố trí tại các ngôi cổ tự Hội An cho thấy có sự khác biệt ví dụ như đối tượng thờ tự, ở Hội An có thờ Lục vị, Bà Chúa Tiên, đây là những hình thức thờ mẫu phổ biến của Hội An.

            Yếu tố Điện (thờ Phật) – Miếu (thờ Thần, Thánh, Mẫu) cũng đã hình thành khá phổ biến trong không gian các cổ tự Hội An nhìn ở góc độ cấu trúc và chức năng. Qua đó, cho thấy rằng mặc dầu có được kết hợp phối thờ thần thánh trong chùa nhưng vẫn có sự phân biệt tương đối rõ ràng giữa việc thờ Phật – chủ đạo và thờ Thần Thánh – kết hợp trong một không gian của ngôi chùa.

            – Điều đáng quan tâm là liên quan đến việc thờ tự thần thánh tại các cổ tự là một hệ thống tượng thờ lớn (đa số bằng đất nung), có giá trị văn hóa cao về mặt tạo hình, mỹ thuật, có niên đại lâu đời cần được nghiên cứu về nguồn gốc (làng nghề, thợ, phương thức chuyển giao: mua bán, tiến cúng…) và được quan tâm bảo vệ nghiêm ngặt.

            Trong tương lai, cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu thêm về yếu tố tín ngưỡng dân gian trong thờ tự tại các ngôi chùa khác để có cái nhìn tổng quan hơn.

 

 – Chú thích

  1. Thích Như Tịnh (2013): Tổ Sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746), https://hoavouu.com/a25409/to-su-minh-hai-phap-bao-1670-1746, cập nhật: Chủ Nhật, Sunday, 8/12/2013.
  2. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015): Di tích – Danh thắng Hội An, Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng.
  3. Tạ Chí Đại Trường (2006): Thần, Người và Đất Việt, Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, trang 78.
  4. Trần Quốc Vượng (2008): Vài nét về Phật giáo Dân gian Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 7/2005, nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/ cập nhật: 17:01, Thứ Hai, 14/7/2008
  5. Chúng tôi chọn 7 ngôi cổ tự trên vì những ngôi cổ tự trên có lịch sử lâu đời, có sự ổn định về vị trí hoặc có giữ tiếp quản xuyên suốt qua các giai đoạn tồn tại của chùa.
  6. Xin xem chi tiết bố trí thờ tự các bộ tôn tượng tại các bài viết về các chùa ở Hội An trong số Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản, số 03/2019.
  7. Thích Như Tịnh (2013): Tổ Sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746), tài liệu đã dẫn.

      8, 9. Lê Thọ Quốc (2010): Thiết trí tượng thờ già lam xứ Huế trong bố cảnh đương đại, Bài in trong Nghiên cứu Văn hóa miền Trung số 9/2009, tr. 168, 169.

      10. Thông tin được tổng hợp từ kết quả khảo sát, các lý lịch di tích của các di tích – Tư liệu được lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

 

             TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Thọ Quốc (2010): Thiết trí tượng thờ già lam xứ Huế trong bố cảnh đương đại, Bài in trong Nghiên cứu Văn hóa miền Trung số 9/2009.
  2. Thích Như Tịnh (2013): Tổ Sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746), https://hoavouu.com/a25409/to-su-minh-hai-phap-bao-1670-1746, cập nhật: Chủ Nhật, Sunday, 8/12/2013.
  3. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015): Di tích – Danh thắng Hội An, Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng.
  4. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn Hóa Hội An (2019): Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản số 03/2019, số chuyên đề về Phật giáo và các chùa Phật Hội An, nhiều tác giả.
  5. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn Hóa Hội An: Lý lịch di tích 9 ngôi chùa được đề cập mô tả trong bài viết, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm.
  6. Tạ Chí Đại Trường (2006): Thần và người đất Việt, Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa thông tin.
  7. Trần Quốc Vượng (2005): Vài nét về Phật giáo dân gianViệt Nam, Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 7/2005 nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/cập nhật: 17:01, Thứ Hai, 14/7/2008.