Chùa Tam Thai, Linh Ứng với Thiền phái Chúc Thánh (Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan)

            Ngũ Hành Sơn là một mảnh đất cổ, vốn là một trung tâm tín ngưỡng của người Chăm. Sau khi thuộc về Đại Việt, lại trở thành một trung tâm lớn của Phật giáo đất Quảng, trong nhiều thế kỷ.

            Ở đây, từ thập niên 30, 40 của thế kỷ XVII, với sự có mặt của Thiền sư Huệ Đạo Minh, Phật giáo đã ảnh hưởng lớn trong xã hội, thu hút không chỉ người Việt mà cả người Nhật, người Trung Hoa “chung bỏ của nhà” đến đây cúng dường Tam bảo. Đến cuối thế kỷ XVII, đón nhận sự truyền nhập của cả hai thiền phái Tào Động và Lâm Tế từ Trung Hoa. Các thiền sư đến dựng chùa hành đạo, rất được các chúa Nguyễn tín mộ. Có thể nói rằng, trong thế kỷ XVII, Ngũ Hành Sơn là nơi tạo được không khí sinh hoạt Phật giáo hưng thịnh bậc nhất xứ Quảng.

            Bước sang thế kỷ XIX, Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn lại nhận được sự quan tâm của nhàNguyễn. Tam Thai, Ứng Chân (Linh Ứng) được liệt vào hàng quan tự (chùa công) và nhận nhiều ân điển vua ban. Ở khía cạnh tu chứng, Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn thường xuyên đón nhận và sản sinh những vị thiền tăng am tường khoa phạm, đạo hạnh uyên thâm, cóảnh hưởng lớn trong hàng tăng chúng.

            Theo những tài liệu nghiên cứu đã công bố, thì muộn nhất là vào năm 1631, Huệ Đạo Minh thiền sư đã đến Ngũ Hành Sơn tu sửa Phật tích, xây dựng đạo tràng và truyền bá Phật pháp. Qua Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, thì “ngài Hưng Liên – Quả Hoằng là đệ tử của ngài Thạch Liêm, qua Đàng Trong cùng với ngài Nguyên Thiều vào năm 1677. Ngài Hưng Liên được chúa Nguyễn Phúc Chu tôn làm Quốc sư và trụ tại đạo tràng Tam Thai”(1). Và “Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), vua đã ngự đến Tam Thai và trùng tu lại chùa này. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua đúc tượng Phật bằng đồng cúng dường chùa, đồng thời bổ nhiệm ngài Viên Trừng ở chùa Thiên Mụ vào làm trú trì Tam Thai (…) Sau khi ngài Viên Trưng viên tịch thì các thiền sư thuộc dòng Chúc Thánh được các vua nhà Nguyễn bổ nhiệm làm trú trì hoặc Tăng cang”(2). Những thiền sư dòng Chúc Thánh đến làm trú trì chùa Tam Thai đến nay, bắt đầu từ thế hệ thứ 5. Ở thế hệ thứ 5 này, Ngài Chương Quảng – Nguyên Châu – Mật Hạnh (1822-1884) cũng được triều đình bổ nhiệm làm trú trì chùa Linh Ứng, đến năm 1873, Ngài được triều đình cải bổ làm trú trì chùa Tam Thai.

            Việc kiến trúc và thờ tự ở các ngôi chùa Việt Nam có chút dị biệt nhưng vẫn đại đồng. Trên bước đường hoằng pháp, các sứ giả Như Lai “Tùy duyên hóa độ”, miễn sao không xa rời mục đích “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, chứ không nhất thiết phải rập khuôn. Vậy, việc kiến trúc và thờ tự ở hai ngôi chùa quan này ra sao?

            Kiến trúc

            Hai chùa Tam Thai, Linh Ứng (gần nhau và đều là chùa quan) được tái dựng vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825) cùng với nhiều công trình khác trên núi Ngũ Hành, theo chủ trương của vua Minh Mạng. Từ việc liệt kê tên các công trình xây dựng lúc bấy giờ trong Đại Nam thực lục(3), có thể hiểu cách gọi chùa Tam Thai, Ứng Chân/ Linh Ứng, thực chất là để chỉ thành phần kiến trúc quan trọng nhất, tức chính điện, chứ không phải bao hàm tất cả mọi thành phần kiến trúc tạo nên một cơ sở Phật giáo như một chỉnh thể. Bởi, ngoài tên hai chùa được nêu lên, thì vẫn có tên một loại công trình khác mà chắc chắn nó phải thuộc về cơ sở Phật giáo, đó là sơn phòng. Ngoài ra, theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên) thì bấy giờ còn có thêm nhà phương trượng(4). Đây là những nơi sinh hoạt thường ngày (ăn uống ngủ nghỉ) của tăng sĩ nói chung, trong đó phương trượng được dành riêng cho vị sư trụ trì. Căn cứ các tờ châu bản năm Tự Đức thứ 36 (1883)(5) và năm Thành Thái thứ 9 (1897)(6), có thể thấy có hai phương trượng (một cho trụ trì chùa Tam Thai và một cho trụ trì chùa Ứng Chân) nhưng chỉ một sơn phòng (chung cho tăng chúng của cả hai chùa). Vị trí sơn phòng nằm ở khu vực chùa Tam Thai(7). Năm Thành Thái thứ 9, chùa Tam Thai có thêm một công trình nữa gọi là “am” – theo cách gọi trong châu bản, để cho thiền sư vừa được sắc chuẩn tăng cang hai năm trước sinh hoạt(8).

            Quy mô của các công trình không lớn, nếu không nói là nhỏ hẹp, nhất là nhà sinh hoạt của thiền tăng. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết chính điện, phương trượng đều 3 gian(9). Nhưng thực chất diện tích phương trượng chỉ đủ cho một người sử dụng, bởi vậy Bộ Công mới đồng ý với đề xuất của Tổng đốc Nam Ngãi trình xin xây dựng am riêng cho tăng cang. Xem ra trong thực tế, quy mô phương trượng đã đúng theo quan niệm truyền thống(10). Với am cho tăng cang, như cách gọi của Bộ Công, hẳn đã phản ánh quy mô khiêm tốn của nó. Quả thật, từ thống kê vật liệu xây dựng cho thấy số lượng ngói âm dương là 7.280 miếng. Chừng đó có thể đủ cho một căn nhà diện nhỏ.

            Ngoài những công trình vừa kể, mỗi chùa đều có kiến trúc cổng ngõ. Trong một số bản vẽ phác các công trình kiến trúc và sự phân bố của nó ở ngọn Thủy Sơn được A. Sallet giới thiệu trong tiểu luận của mình, đã thể hiện sự có mặt của những kiến trúc này. Về niên đại, có lẽ, nó cũng được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 6, với tên gọi “cửa tam quan” và “nghi môn” mà Đại Nam thực lục ghi lại. Theo bản vẽ nói trên thì quy mô, kiểu thức kiến trúc của hai cổng không giống nhau. Cổng chùa Linh Ứng là cổng vòm đơn, tức chỉ có một cửa, trên tạo cổ lâu. Trong khi đó, cổng chùa Tam Thai gồm ba cửa, là một tam quan đúng nghĩa. Về cơ bản, tam quan này hiện tại vẫn được bảo tồn, còn cổng chùa Linh Ứng thì đã bị hủy hoại không còn dấu vết. Nhìn tổng thể, kiến trúc tam quan có hai phần trên và dưới. Phần dưới là thân cổng hình một khối hộp chữ nhật nằm ngang, mặt bằng là: dài 6,4m, rộng 2m, chiều cao thân 3,0m. Cả ba cửa đều theo lối vòm cuốn. Cửa chính cao 2,5m, rộng 1,5m; hai cửa bên đều bằng nhau và nhỏ hơn cửa chính, cao 1,9m và rộng 1,0m. Mặt trong thân cổng xây các bậc cấp tỏa về hai phía, để tạo đường lên xuống cổ lâu. Cổ lâu là một khối hộp nhỏ chồng lên cửa chính, trên cùng tạo bốn mái cong. Mặt ngoài cổ lâu xây bít, ba mặt còn lại trổ cửa vòm nhỏ. Tam quan ít có sự trang trí, chỉ tạo một số ô hộc đắp mai điểu, tùng lộc và dơi.

            Trên đây chủ yếu trình bày về bình đồ kiến trúc và quy mô công trình đối với chùa Tam Thai, Linh Ứng thế kỷ XIX. Để có thêm thông tin ở vài khía cạnh khác của kiến trúc, những miêu tả chấm phá dưới đây của A. Sallet là một sự bổ sung cần thiết. Điều thú vị là, với sự quan sát, cảm nhận tinh tế và lối viết giàu hình ảnh, bác sĩ người Pháp không chỉ dựng lên trước mắt độc giả khung cảnh của một ngôi chùa mà hơn thế, là ở sức sống, tình hình Phật giáo. Có lẽ do sự biến động dữ dội của hoàn cảnh lịch sử – xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chùa chiền nơi đây không còn được được triều đình quan tâm như trước; sự ảnh hưởng, hủy hoại của chiến tranh, tín hữu ly tán nên thiền môn cũng nhanh chóng rơi vào cảnh ngộ là nạn nhân của thời tao loạn, sự nghèo nàn và lạnh lẽo đã phủ một lớp dày lên những công trình là nơi đón vua một thuở. A.Sallet viết về chùa Linh Ứng: “Chùa được dựng lên ở cuối một sân nhỏ có vòng rào bằng tuồng nề bảo vệ, và trông ra biển. Ở phía bên là các công trình phụ để thờ cúng với tường mái nghèo nàn. Vừa là nơi để thờ cúng, cũng như để tu học, ngôi chùa đứng đó một cách mạnh dạn, ngưỡng vọng thần phật một cách lặng lẽ, và rất chi là nghèo nàn. (…) Dưới cái mái hiên không mấy tươm tất của nó là một cái chuông đồng và một cái khánh bằng kim khí trên đó có tỉa vẽ các ngôi sao.

            “Đúng như tại nhiều ngôi chùa khác, và mở ra bằng các cánh cửa không đóng được kín, không kiểu cách mắc vào bộ dàn trò, thì cái gian nhà chùa này cũng chỉ là một gian duy nhất, thô sơ, và vào các góc sâu có nhiều bàn thờ. Trên các bàn thờ đứng trên nền chùa có đồ thờ, trên các bàn thờ dính vào nơi vách ta thấy nào là bài vị, nào là lò xông, đế đèn, nào là các pho tượng, tất cả đều bụi bặm, rách rưới, tàn tệ, mặc dầu vẫn có một thứ ánh sáng nhợt nhạt, ngập ngừng xuyên qua các khung cửa, hay hơn nữa xuyên qua các chỗ dột vô tình trên mái nhà làm cho đỡ bớt ảm đạm.

            “Tôi không đủ can đảm để phóng đại một cách rườm rà và tỉ mỉ cảnh tượng của chùa Linh Ứng cùng các bàn thờ của nó: thật là một thứ vật xưa cũ tàn lụi đáng thương hại, mà cái thiêng liêng đành chịu rách rưới tại nhiều chỗ, chẳng khác gì những nhăn nhúm dồn lên trên mặt sơn của những bức hoành. Một mùi thơm bụi bặm phảng phất như là mùi thơm phế thải của các đồ vật bị bỏ quên. Trong sự yên tĩnh mênh mông của các buổi trưa, đứng bên sự quạnh hiu của các thần phật, ta có cảm tưởng như là một cái gì âm u của một cõi niết bàn đầy bí ẩn và tiếc thương đang tuôn xuống, chẳng thiết tha với những điều an ủi”(11).

            A.Sallet không có những khảo tả chi tiết về chùa Tam Thai, nhưng theo ông “Dường như chùa cũng bị hư hỏng với thời gian, giống như chùa Linh Ứng. (…) Tại đây [bàn thờ đặt trước chính điện] cũng có các đồ thờ như lư hương, đế đèn, nhưng có sáng sủa hơn một chút, cũng có bụi bặm, và khung cảnh trang hoàng cũng đạm bạc”(12).

            Thờ tự

            Ở chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng, châu bản năm Tự Đức thứ 36 (1883) đã liệt kê: chùa Tam Thai có 9 án thờ, gồm: Tam Bảo, Di Lặc, Quan Thánh, Hộ Pháp, Phật bi vị, tả La Hán, hữu La Hán, tả, hữu Phụ bật vị. Chùa Ứng Chân thờ 9 án, gồm Thích Ca, Di Đà, Di Lặc chung 1 án, Tam Bảo, Văn Thù, Phổ Hiền, tả hữu Thập điện 2 án, Thiện Hữu, Ác Hữu, Hộ Pháp(13). Nhưng tài liệu không cho chúng ta biết cách thức, sơ đồ bố trí các án thờ. Mặt khác, có một số án thờ mà tên gọi của nó thật khó xác định được đối tượng cụ thể là ai, như các án: Tam Bảo, Phật bi vị.

            Nửa thế kỷ sau, trong những trang khảo tả của A.Sallet, chúng ta thấy có ít nhiều thay đổi về đối tượng thờ tự, tức là có một số án thờ không thấy A.Sallet nhắc đến, hoặc xuất hiện thêm một số án thờ mới mà trước đó không thấy có. Nhưng về cơ bản, nhiều án thờ được liệt kê năm Tự Đức thứ 36 vẫn còn hiện hữu. Điều đó cho thấy sự bảo tồn tương đối về đối tượng thờ tự ở các ngôi cổ tự trên Ngũ Hành Sơn. Bởi vậy, tuy là tài liệu được ghi chép muộn, đầu thế kỷ XX, nhưng những trang viết của A.Sallet có thể giúp chúng ta hình dung rõ hơn cách bài trí thờ tự ở nơi đây trong quá khứ. Chúng tôi tổng hợp những miêu tả của A.Sallet như sau:

            – Chùa Tam Thai: Chính giữa là bức tượng đồng Di Lặc ngồi, bên trái Phật Di Lặc là tượng Quan Thánh bằng gỗ, bên phải là tượng vị Tổ bằng đất. Trước mặt Di Lặc là tượng Hộ pháp Kiên Lão bằng đồng. Trước mặt cửa ra vào, hai bên trái phải là các vị thần bảo vệ, tức Tả phụ Hữu bật. Phía trong, sát vách bên phải có bàn thờ vọng 18 vị La Hán(14).

            – Chùa Linh Ứng: Trên bàn thờ trung ương là bộ ba tượng Tam Thế, giữa là tượng Thích Ca bằng đất, bên phải là Di Lặc bằng đá và bên trái là tượng Di Đà cũng bằng đá. Bên cạnh Di Lặc có tượng Phổ Hiền bằng đồng, bên cạnh Di Đà có tượng Văn Thù bằng đá. Tiếp theo, hai bên tả hữu có hai bàn thờ thờ bài bị của 18 vị La Hán(15). Giữa trung tâm chính điện là tượng Ngọc Hoàng bằng đồng. Dưới bảng treo tên chùa ở cửa ra vào là bàn thờ và tượng Hộ pháp bằng đồng; ở hai bên có thần Thiện và thần Ác bằng đá. Trước mặt có bàn thờ Tiêu Diện(16). Ở đây cần phải trao đổi thêm về pho tượng mà hẳn A. Sallet đã nhầm lẫn khi cho đó là tượng Ngọc Hoàng. Ông miêu tả: “Ngọc Hoàng ngồi trên đóa sen thiêng liêng, trầm mặc, với cử chỉ của các bàn tay khác nhau, phóng ra xung quanh ngài vòng hào quang cử động của 18 cánh tay. Ngài có con mắt cách điệu trước trán, là dấu vết của ảnh hưởng Ấn Độ trong nghề nặn chạm hình tượng mà hiện nay người An-nam vẫn còn noi theo”(17). Rõ ràng, đặc điểm hình thức này của tượng hoàn toàn không phải là hình ảnh của Ngọc Hoàng mà ngay lập tức gợi lên một dạng thức quen thuộc của Bồ tát Quan Âm, tức Quan Âm Chuẩn Đề (18 tay). Đây có lẽ chính là pho tượng do Tăng cang Từ Trí chú tạo mà trước đó Châu bản năm Thành Thái thứ 18 (1906) đã nhắc đến. Theo tài liệu này thì từ trước đến nay, ở Ngũ Hành Sơn chưa có tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề nên thiền sư Từ Trí mới tạo chú để thờ tự. Tượng ngồi, cao hơn 1 thước 2 tấc, nặng hơn 75 cân(18).

            Chúng tôi có thể mô hình hóa cách thờ tự ở các chùa Tam Thai và Linh Ứng theo miêu tả của A.Sallet, như sau:

            – Sơ đồ thiết trí thờ tự chùa Tam Thai (đầu thế kỷ XX)

            – Sơ đồ thiết trí thờ tự chùa Linh Ứng (đầu thế kỷ XX)

            Trên đây là đối tượng và cách thức thờ tự trong chính điện. Chùa chính thống còn thờ tự nhiều đối tượng khác và ở các thành phần kiến trúc khác. Phương trượng, sơn phòng chùa Tam Thai, Linh Ứng thờ tổ sư, các thiền tăng quá vãng và cả đối tượng ký kỵ vào chùa.

            Tóm lại, cuối thế kỷ XVII, trong bối cảnh nhiều đoàn sư tăng Trung Hoa đến Đàng Trong truyền bá Phật giáo, Ngũ Hành Sơn lại đồng thời đón nhận sự du nhập hai thiền phái Tào Động và Lâm Tế với những thiền tăng rất có uy tín, được chúa Nguyễn tín mộ. Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn càng phát triển mạnh, nổi lên như một địa chỉ danh tiếng.

            Sang thời Nguyễn (thế kỷ XIX), Ngũ Hành Sơn tiếp tục là một trung tâm Phật giáo lớn, được triều đình nâng đỡ. Chùa Tam Thai, chùa Ứng Chân (tức Linh Ứng sau này) trở thành chùa quan, do triều đình cắt cử các danh tăng đảm trách trụ trì, quản lý. Cuộc sống sinh hoạt, lễ nghi cũng được triều đình đảm bảo. Và chính đây cũng là trung tâm đào tạo tăng tài, sản sinh ra những thiền sư ưu tú gánh vác công tác Phật sự, xiển dương Phật pháp, tiêu biểu như Tiên Thường – Viên Trừng, đặc biệt là các thiền sư dòng thiền Chúc Thánh, chẳng hạn, ngài Ấn Lan – Tổ Huệ – Từ Trí (1852- 1921), “xuất gia với Hòa thượng Chương Quảng – Mật Hạnh, tại chùa Linh Ứng với pháp danh Ấn Lan, tự Tổ Huệ, hiệu Từ Trí, nối pháp đời thứ 6 dòng thiền Chúc Thánh. Năm 1886, ngài được triều đình bổ nhiệm làm trú trì chùa Linh Ứng (…) Năm 1895, triều đình sắc phong cho Ngài làm Tăng cang, cai quản hai chùa Tam Thai, Linh Ứng. Trong lịch sử Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn, Ngài là vị Tăng cang đầu tiên vậy”(19).

            Nhìn chung, các sứ giả Như Lai hoằng dương chánh pháp ở hai chùa này đã trở thành những danh tăng mẫu mực về đạo hạnh, công đức, được hậu bối trọng vọng, kính ngưỡng./

 

 

 

            – Chú thích

  1. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, tr. 150-151.
  2. Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, tr. 151-152.
  3. Theo Đại Nam thực lục: “Tháng 6 sửa hành cung và chùa miếu ở núi Tam Thai, tỉnh Quảng Nam. (Một sở hành cung “Động thiên phúc địa”, một chùa Tam Thai, một chùa Trang Nghiêm, một miếu Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi, một chùa Ứng Chân, một miếu Tượng Thành, một chùa Từ Tâm và các sở cửa Vân Căn Nguyệt Quật, cửa Tam Quan, cửa Linh Quan, sơn phòng và nghi môn)”.
  4. Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập VII, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.72.
  5. Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn – tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 552-554.
  6. Lý Kim Hoa (2003), sđd, tr.689-690.
  7. Châu bản ngày 24 tháng 12 năm Tự Đức 36 trình tấu việc ban cấp kinh phí thờ tự cho hai chùa Tam Thai và Ứng Chân. Khi liệt kê các án thờ tại các cơ sở thờ tự của hai chùa này đã cho thấy, một phương trượng và một sơn phòng thuộc chùa Tam Thai, và một phương trượng thuộc chùa Ứng Chân. Châu bản ngày 14 tháng 9 năm Thành Thái thứ 9 trình tấu việc xây nhà riêng cho vị tăng cang vừa được triều đình sắc chuẩn [tức thiền sư Từ Trí], có đoạn: “…hai chùa Tam Thai và Linh Ứng nguyên mỗi chùa có một phương trượng từ trước tới nay làm chỗ ở của trụ trì”.
  8. Lý Kim Hoa (2003), sđd, tr.689-690.
  9. Nội các triều Nguyễn (2005), sđd, tr.72.
  10. Tức là căn phòng vuông vức mỗi bề một trượng (khoảng 3,33m, theo đơn vị trượng của Trung Quốc).
  11. Sallet, A (2002), “Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn)”, Những người bạn cố đô Huế (BAVH), Tập XI, 1924, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.85-86.
  12. Sallet, A (2002), tr.118-119.
  13. Lý Kim Hoa (2003), sđd, tr.552-553.
  14. Sallet, A (2002), sđd, tr.118-119.
  15. Ở đây A.Sallet đã nhầm lẫn cho rằng thập bát La Hán là 18 ông vua của đời Hán có nhiệm vụ canh giữa cửa ngục và giữ các cuốn sổ sanh và sổ tử [88, tr.87].
  16. Sallet, A (2002), sđd, tr.86-88.
  17. Sallet, A (2002), sđd, tr.87.
  18. Lý Kim Hoa (2003), sđd, tr.830.
  19. Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, tr. 166.

            TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1- Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn – tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

    2- Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập VII, Nxb Thuận Hóa, Huế.

    3- Sallet, A (2002), “Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn)”, Những người bạn cố đô Huế (BAVH), Tập XI, 1924, Nxb Thuận Hóa, Huế.

    4- Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông.