1. TỪ AM HUỆ ĐĂNG THỜ PHẬT ĐẾN CHÙA PHƯỚC HUỆ TRONG PHỦ TUY LÝ VƯƠNG
Chùa Phước Huệ hiện nay tọa lạc tại đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, gần phủ đệ Tuy Lý Vương.
Theo tác phẩm Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm tế Chúc Thánh của tác giả Thích Như Tịnh và tác phẩm Chư tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa (tập 3) của Hòa thượng Thích Trung Hậu và Hòa thượng Thích Hải Ấn, thì sau khi Tuy Lý Vương hồi hương và được phục tước cũ, vì lòng thương nhớ người cháu nội Ưng Đỗ [tức đại sư Pháp Thân], Tuy Lý Vương cho xây dựng cạnh phủ Tĩnh Phố một ngôi chùa nhỏ, và cho người vào Phú Yên rước người cháu nội của mình là đại sư Pháp Thân về chùa để được thường xuyên gần gũi. Khi đại sư Pháp Thân ra nhận chùa của ông nội xây dựng, đại sư đã xin phép ông cho được đặt tên là Phước Huệ để kỷ niệm chùa tổ Phước Sơn và tên của bổn sư Huệ Nhãn.
Nhưng trong tác phẩm Trần Thanh Mại toàn tập (tập 1) thì cho rằng: “Cuối mùa xuân năm 1845, dinh Tuy Quốc Công lập xong ở làng Tĩnh Phố, về sau đổi tên Vỹ Dạ. Tiệp Dư mới cho xây am, đặt tên là Huệ Đăng, nuôi dăm ba vãi già cùng ở đấy tu hành”(1). Sau khi đại sư Pháp Thân ra nhận chùa trú trì thì xin đổi tên am Huệ Đăng thành chùa Phước Huệ. Hai chữ “Phước Huệ” được ghép từ chữ “Phước” trong “Phước Sơn tự” [ngôi chùa của ngài Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh – người truyền kệ đắc pháp cho đại sư Pháp Thân] và chữ “Huệ” trong đạo hiệu của Tổ Huệ Nhãn [bổn sư thế độ của đại sư Pháp Thân].
Như vậy, rất có thể khi Tuy Lý Vương cho xây phủ ở Tĩnh Phố thì ông có cất thêm am Huệ Đăng để mẹ sớm hôm tụng kinh niệm Phật. Sau khi mẹ qua đời, gia đình rơi vào cảnh ly tán và sau đó được phục lại tước vị, cháu nội Ưng Đỗ [Pháp Thân đại sư] lúc này đã xuất gia thọ Tỳ-kheo giới nên Tuy Lý Vương cho sửa lại am Huệ Đăng để ngài về ở tu hành.
Từ ngày đại sư Pháp Thân trú trì chùa Phước Huệ, ngài thường thỉnh Tổ Huệ Nhãn và các đồng môn huynh đệ như Pháp Hỷ (Phú Yên), Pháp Tạng, Pháp Lâm, Phước Huệ (Bình Định), Vĩnh Gia, Phổ Hóa (Quảng Nam)… ra Kinh đô hoằng pháp. Có lẽ, chính những nhân duyên này mà sau này đại sư Chơn Kim – Pháp Lâm được bổn đạo chùa Viên Thông cung thỉnh trú trì chùa Viên Thông dưới chân núi Ngự Bình. Đây là ngôi chùa do Tổ Liễu Quán khai sơn, và các đời trú trì đều thuộc dòng thiền phái Liễu Quán. Nhưng đến thời đại sư Pháp Lâm trú trì cho đến ngày nay thì chư tăng trú trì chùa Viên Thông thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đảm nhiệm.
Đại sư Pháp Thân về Huế trú trì chùa Phước Huệ được 8 năm thì viên tịch (1887-1895), khi đó Hòa thượng Chơn Kiết – Đạo Tường – Phổ Hóa từ chùa Phước Lâm (Quảng Nam) kế nghiệp trú trì. Đến khoảng năm 1916, Tổ Vĩnh Gia cho gọi ngài Phổ Hóa trở lại chùa Phước Lâm thì chùa Phước Huệ do phủ Tuy Lý Vương quản lý và mời Hòa thượng Thích Tịnh Khiết [sau này là Đệ nhất Tăng thống GHPGVNTN] trú trì. Đến năm 1935, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết về trú trì Tổ đình Tường Vân thì cháu gọi Tổ Vĩnh Gia bằng bác và cũng là đệ tử của tổ là ngài Chơn Không – Đạo Tánh – Hoằng Định trú trì chùa Phước Huệ, đến khoảng năm 1945 thì viên tịch. Từ đó, chùa do phủ Tuy Lý Vương quản lý, đến năm 1983, Ni trưởng Thích Nữ Chơn Đức được cung thỉnh trú trì đến ngày nay.
Hiện nay, tại tổ đường chùa thờ 3 long vị: Tổ Ấn Thiên – Huệ Nhãn chính giữa, hai bên là đại sư Chơn Tâm – Pháp Thân và Hòa thượng Chơn Kiết – Phổ Hóa.
Sau khi Ni trưởng Thích Nữ Chơn Đức đảm nhận trú trì chùa Phước Huệ, vào năm 2010, Ni trưởng đã phát nguyện đại trùng tu thành ngôi bảo điện hai tầng bằng bê tông, xây dựng cổng và điện Dược sư. Bên trong chánh điện vẫn còn thờ bộ tượng Tam Thế Phật bằng gỗ và bức hoành “Sắc tứ Phước Huệ tự” năm Bảo Đại thứ 15 [1940] là những bảo vật còn lại của chùa.
Như vậy, chùa Phước Huệ tuy không phải là một ngôi tổ đình có bề dày lịch sử và truyền thừa sâu rộng, nhưng nơi đây cũng đã lưu dấu các bậc danh tăng ngoại tỉnh mỗi khi ra kinh đô Phú Xuân hoằng hóa, và gần nhất là Trưởng lão Hòa thượng Đệ nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết.
Các đời trú trì chùa Phước Huệ như sau:
– Hòa thượng Chơn Tâm – Đạo Tánh – Pháp Thân
– Hòa thượng Chơn Kiết – Đạo Tường – Phổ Hóa
– Hòa thượng Trừng Thông – Chơn Thường – Tịnh Khiết
– Hòa thượng Chơn Không – Đạo Tánh – Hoằng Định
– Ni trưởng Thích Nữ Chơn Đức (hiện nay đang trú trì).
2. TUY LÝ VƯƠNG MIÊN TRINH VỚI CÔNG ĐỨC HỘ TRÌ TAM BẢO
Tuy Lý Vương Miên Trinh có tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Miên Trinh, là hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng với bà Tiệp dư Lê Thị Ái, sinh này 19 tháng 12 năm Kỹ Mão (03-02-1820). Hoàng tử Miên Trinh có rất nhiều tên như: Khôn Chương, Quý Trọng, hiệu Tịnh Phố, Vĩ Dạ…, là ông nội của đại sư Pháp Thân (Nguyễn Phúc Ưng Đỗ).
Sinh thời, Tuy Lý Vương và Tùng Thiện Vương được ngài Tánh Thiên – Nhất Định – Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu thế độ(2). Qua nội dung long vị hiện đang thờ tại án bên trái hậu tổ chùa Phước Huệ thì Tuy Lý Vương có pháp danh Hải Tường.
Nội dung long vị ghi: 大 南 輔 政 親 臣尊人府 左 尊 正綏 理 王 諡 端 恭 法 名 海 祥 之 位 [Đại Nam Phụ chánh Thân thần Tôn Nhân phủ Tả Tôn chánh Tuy Lý Vương thụy Đoan Cung pháp danh Hải Tường chi vị].
Thuở nhỏ, hoàng tử Miên Trinh đã học thuộc Hiếu kinh và quy y Tam bảo để trở thánh một người Phật tử. Sau này, ông cho xây dựng am Huệ Đăng để mẹ tụng kinh niệm Phật và sửa sang thành chùa Phước Huệ cho cháu nội Ưng Đỗ mà sau này xuất gia tu hành trở thành đại sư Pháp Thân đã nói lên được công đức to lớn của Tuy Lý Vương hộ trì Tam bảo.
Hoàng tử Miên Trinh là người con được vua Minh Mạng thương yêu và chú trọng việc học hành từ nhỏ. Năm lên 6 tuổi, vua Minh Mạng cho dựng nhà Dưỡng Chánh ngay trong cấm thành để Miên Trinh và các hoàng tử vào ở chung học tập. Có lúc Miên Trinh bị bệnh, vua bãi triều ở Văn Minh điện, tự thân đến hỏi thăm. Ðó là chuyện rất hiếm thấy, việc này có ghi trong Thương Sơn cung từ:
Bất thị Miên Trinh kim đới bệnh
Thử gian hà xứ đắc thiên hương.
[Ví thử Miên Trinh không bệnh hoạn
Chốn này bao đặng hưởng hương trời](3).
Tuy sinh ra trong dòng dõi đế vương, được vua cha yêu quý nhưng hoàng tử Miên Trinh không vì đó mà lêu lỏng. Cuộc sống của ông rất mực giản đơn, có lòng thương người, là một người con chí hiếu, đặc biệt đối với mẹ.
Năm 1859, nhân lễ tứ tuần Tuy Quốc Công, vua Tự Đức tặng mừng câu đối thêu, chữ đối tự vua đặt lấy, khen lòng hiếu thảo của Tuy Quốc Công đối với mẹ:
Văn chất kiêm ưu, công kham đương thử
Hiếu từ đại học, ngã diệc tự chi.
[Cả văn chương đức hạnh đều hay, duy chỉ ông là gồm đủ
Lấy hiếu để nhân từ làm thích, họa chăng tôi dám cùng khoe](4).
Năm 1868, bà Tiệp dư thọ bệnh nặng, Tuy Quốc Công một mình săn sóc bên giường bệnh, không lúc nào nghỉ ngơi. Sau khi mẹ mất, Tuy Quốc Công thương tiếc vô cùng, lui về ở phòng riêng trong 3 năm không ra khỏi ngõ, cho đến bạn bè, vợ con cũng không nghĩ đến, Quốc Công gọi là “chung thân chi tang”.
Năm lên 7 tuổi, hoàng tử đã thuộc Hiếu kinh, vốn thông minh, ham học nên năm 12 tuổi, hoàng tử Miên Trinh đã bắt đầu làm thơ, 13 tuổi đã được mệnh danh là “ông hoàng thơ”, và đến 17 tuổi đã cùng anh là Tùng Thiện Vương nổi danh khắp chốn. Thơ của hai ông được vua Tự Đức ca ngợi:
“Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”.
Năm 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng, rồi lần lượt chiếm Gia Định, đến 1862 xứ Nam Kỳ, dần dần Pháp đánh chiếm các tỉnh Bắc Kỳ [1872]. Trong bối cảnh đất nước lâm nguy, triều đình lúc bấy giờ chia ra hai phe. Phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ trương, phe chủ hòa do các hoàng thân trong đó có Tuy Lý Vương Miên Trinh. Vì không đồng quan điểm và đất nước có nhiều biến động, Tuy Lý Vương bị đày đi Quảng Ngãi; các con của ông người thì bị giết, người thì bị đi đày. Trong đó, Nguyễn Phúc Hường Dược cùng các con Ưng Đỗ [Pháp Thân], Ưng Khoái… bị đày vào huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên [đây chính là nhân duyên đại sư Pháp Thân xuất gia với ngài Huệ Nhãn].
Sau thời kỳ “tứ nguyệt tam vua”, đến khi Đồng Khánh lên ngôi [1885], các hoàng tử và thân thích dòng dõi hoàng tộc bị đày đều được vua cho triệu về Kinh và khôi phục chức tước. Lúc này, Tuy Lý Vương và con cháu cũng không ngoại lệ.
Vì tuổi già sức yếu, năm Ðinh Dậu [1897], Tuy Lý Vương xin thôi việc ở Tôn Nhân phủ. Chẳng bao lâu, ông bị bệnh. Ông bảo với con cháu: “Ta lúc trẻ cùng với anh em bàn chuyện thọ của người xưa, có người mong được sống như Lão Tử hoặc Bành Tổ, ta cười nói mong như thế thì quá nhiều, ta chỉ mong sống như Thích Ca thì quá đủ, nay đã được thì còn ham gì nữa”(5).
Ông mất ngày 24 tháng 10 năm Ðinh Dậu (18-11-1897), hưởng thọ 79 tuổi.
Tuy Lý Vương học rộng, giỏi văn chương và nhất là có tài về thơ, trong sự nghiệp văn chương ông để lại Vỹ Dạ tập hợp – tất cả có 11 quyển, gồm văn vần và văn xuôi được viết bằng chữ Hán khắc bản gỗ, được xuất bản năm 1875. Tập Chúc ly ca, Nghinh tường khúc, và bộ Nữ phạm viết bằng chữ Nôm.
Là người thích giao du nên Tuy Lý Vương thường xướng vịnh thơ văn cùng với các vị thiền sư tại Huế, Quảng Nam… Chính vì thế, thơ của Tuy Lý Vương được Như Như Đạo Nhân chép trong “Lưỡng Xuân Sơn chí”(6).
Qua cuộc đời của Tuy Lý Vương cho thấy, ông là nhà trí thức uyên bác, có tâm hồn phóng khoáng, giản phác, sống chân thật, biết đối nhân xử thế. Là người có nhiều tình thương, đặc biệt đối với mẹ, ông là người chí hiếu. Và đồng thời, ông thường lui tới chốn thiền môn, ngoài trao đổi thơ văn ông còn được thân cận các danh tăng lúc bấy giờ và đã quy y với pháp danh Hải Tường. Đó chính là những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời của người cháu nội Ưng Đỗ [đại sư Pháp Thân] sau này.
3. VỀ THIỀN SƯ CHƠN TÂM – ĐẠO TÁNH – PHÁP THÂN
Đại sư Pháp Thân thế danh Nguyễn Phúc Ưng Đỗ, sinh ngày 26 tháng 10 năm Kỷ Tỵ [1869] tại làng Vỹ Dạ, nay là phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phúc Hường Dược và thân mẫu là cụ bà Võ Thị Quỳ. Đại sư là cháu nội của ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh.
Ưng Đỗ sinh ra trong thời điểm triều đình nhà Nguyễn bị chia rẽ sâu sắc. Giặc Pháp đã tấn công và bắt đầu chiếm các tỉnh Nam Bộ và các tỉnh phía Bắc. Chính vì thế, một số trí thức yêu nước như Cao Bá Quát… thấy cảnh nhu nhược của triều đình đối với thực dân Pháp đã đứng dậy khởi nghĩa.
Đặc biệt, tại Kinh đô Phú Xuân lúc này xảy ra nhiều biến động bởi các cuộc phế vua. Trong đó, binh biến phong trào Cần Vương do các đại thần nhà Nguyễn, như: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường nhân danh vua Hàm Nghi đề xướng chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Trong khi đó, Nguyễn Phúc Hồng Sâm [con trai của Tuy Lý Vương] dâng sớ xin trị tội Tôn Thất Thuyết, nhưng sự việc không thành. Công tử Hồng Sâm cùng Tuy Lý Vương và Hường Dược với các con là Ưng Đỗ, Ưng Khoái… bị đày biệt xứ đến Quảng Ngãi, Phú Yên, Phan Thiết. Ngài Ưng Đỗ lúc ấy 13 tuổi(7) theo gia đình bị đày vào trú tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Tại đây, cậu ấm Ưng Đỗ thường xuyên lui tới chùa Đá Trắng [tức chùa Từ Quang] tụng kinh niệm Phật, học hỏi kinh điển. Dần dần, Ưng Đỗ phát tâm xuất gia, và được Tổ Huệ Nhãn thế độ ban cho pháp danh Chơn Tâm, pháp tự Đạo Tánh.
Sau thời gian trưởng thành, Đạo Tánh được bổn sư cho thọ đại giới Tỳ kheo. Sau đó, Tỳ kheo Đạo Tánh đắc pháp với ngài Ấn Chánh – Tổ Tông – Huệ Minh, trú trì chùa Bảo Sơn và được ngài ban cho pháp hiệu Pháp Thân với bài kệ:
正 法 中 妙 樂
勿 逐 邪 見 迷
古 今 多 賢 聖
解 了 即 菩 提.
Phiên âm:
Chánh pháp trung diệu lạc
Vật trục tà kiến mê
Cổ kim đa hiền thánh
Giải liễu tức bồ-đề.
Dịch nghĩa:
Vui mầu trong Chánh pháp
Thấy bậy chớ theo mê
Xưa nay nhiều hiền thánh
Hiểu được tức bồ-đề.
(GS. Lê Mạnh Thát dịch)
Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, Tôn Thất Thuyết chết, vua Hàm Nghi bị đày, đến năm Ất Dậu [1885], vua Đồng Khánh lên ngôi đã ban chiếu triệu hồi tất cả hoàng thân bị đày về lại Kinh đô. Tuy Lý Vương cùng con cháu được hồi hương và khôi phục lại tước cũ. Nhưng lúc này, cháu nội Tuy Lý Vương là Nguyễn Phúc Ưng Đỗ đã xuất gia với pháp hiệu Pháp Thân không muốn trở về Kinh đô Phú Xuân nên đã ở lại chùa Từ Quang cùng bổn sư tu học.
Tuy Lý Vương sau khi về Huế, vì lòng thương nhớ cháu nội của mình, nên ông cho chỉnh trang lại am Huệ Đăng cạnh phủ Tĩnh Phố và cho đón Pháp Thân về ở để hai ông cháu sớm hôm cận kề bàn luận kinh Phật. Vâng lời ông nội, đại sư Pháp Thân từ giã bổn sư, từ Phú Yên trở về Huế năm 1887. Khi ngài Pháp Thân ra nhận chùa, để tưởng nhớ chùa tổ Phước Sơn và công đức bổn sư Huệ Nhãn nên đã xin Tuy Lý Vương được đổi tên am Huệ Đăng thành “Chùa Phước Huệ”, thường cung thỉnh Tổ Huệ Nhãn và các đồng môn huynh đệ như: Pháp Hỷ, Pháp Tạng, Pháp Lâm… ra Kinh đô thăm viếng và hoằng pháp.
Đại sư Pháp Thân vốn sinh trưởng trong dòng dõi hoàng tộc, thừa hưởng dòng máu thông minh của ông nội Tuy Lý Vương nên đại sư là một người quảng học đa văn, uyên thâm Phật học. Trong cuộc đời ngài có trước tác quyển Tam bảo biện luận chú rất có giá trị. Mục đích của cuốn sách này là chú thích, giảng giải những chỗ khó hiểu của cuốn Tam bảo biện luận do Tổ Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm trước tác. Tuy nhiên, quyển sách này đã thất lạc.
Đại sư Pháp Thân là người tài hoa nhưng bạc mệnh. Ngài viên tịch vào ngày 27 tháng 11 năm Ất Mùi (09-12-1895), hưởng dương 28 tuổi. Bảo tháp của ngài được dựng tại phía Bắc chùa Thiên Hòa thuộc địa phận làng Dương Xuân, nay là phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Long vị ngài được thờ tại hậu tổ chùa Phước Huệ, phường Vỹ Dạ với nội dung:
嗣 臨 濟 正 宗 四 十 世 初 開 福 慧 堂上 重 修 天 和 寺 沙 門 諱 上 眞 下 心 號 道 性 法 身 闍 梨 覺 靈 貎 座 [Tự lâm tế chánh tông tứ thập thế sơ khai Phước Huệ đường thượng trùng tu Thiên Hòa tự Sa-môn húy thượng Chơn hạ Tâm hiệu Đạo Tánh Pháp Thân xà-lê giác linh nghê tòa].
Từ long vị thờ đại sư Pháp Thân tại hậu tổ chùa Phước Huệ cho thấy, tuy chùa do Tuy Lý Vương Miên Trinh lập ra để mẹ là bà Tiệp Dư hằng ngày có nơi tụng kinh niệm Phật, nhưng sau khi đại sư Pháp Thân về trú trì và đổi tên thành chùa Phước Huệ thì ngài được xem là tổ sơ khai chùa Phước Huệ.
Ngoài ra, trong thời gian ngắn từ khi từ Phú Yên trở lại Huế cho đến ngày viên tịch, đại sư đã cho trùng tu chùa Thiên Hòa, là một trong những ngôi cổ tự tại Dương Xuân. Thông tin này, hiện nay không có tài liệu nào nhắc đến. Ngoài nhục thân và bảo tháp của ngài được an táng và xây dựng tại chùa Thiên Hòa thì phần mộ của song thân ngài cũng được an táng tại đây và hiện vẫn còn.
Trong Đại giới đàn tại Tổ đình Báo Quốc năm 1894, đại sư Pháp Thân lúc đó tuy mới 27 tuổi nhưng đã được cung thỉnh vào ngôi vị A-xà-lê [một trong những vị tôn chứng của giới đàn]. Tại giới đàn này, Thiền sư Hải Thuận – Lương Duyên (Diệu Giác) được cung thỉnh ngôi vị Đường đầu Hòa thượng; ngài Hải Thiệu – Cương Kỷ làm Yết-ma A-xà-lê và Tuyên luật sư; ngài Hải Toàn – Linh Cơ làm Giáo thọ A-xa-lê; chư vị tôn chứng gồm: Thiền sư Từ Mẫn (Bình Định), Ngài Ấn Bổn – Vĩnh Gia (Hội An), Thanh Thái – Phước Chỉ, Chơn Kim – Pháp Lâm và đại sư Chơn Tâm – Đạo Tánh – Pháp Thân…
Chư vị giới tử được thọ nhận giới pháp trong giới đàn này đều là các bậc danh tăng tiêu biểu xứ Thuận Hóa sau này như: Ngài Thanh Chân – Viên Giác (khai sơn chùa Ba La Mật), ngài Thanh Minh – Tâm Truyền (kế thế trú trì Tổ đình Báo Quốc), ngài Thanh Tú – Nhiêu Phong – Huệ Pháp (trú trì chùa Thiên Hưng), ngài Thanh Ninh – Tâm Tịnh (khai sơn Tây Thiên Di Đà tự), ngài Thanh Đức – Tâm Khoan (Tăng cang Diệu Đế quốc tự, trú trì các chùa Báo Quốc, Thuyền Tôn, Kim Tiên, Quang Bảo).
Như vậy, đại sư Chơn Tâm – Đạo Tánh – Pháp Thân dù viên tịch sớm, nhưng ngài đã để lại những dấu ấn quan trọng đối với Thiền phái Chúc Thánh tại xứ Thuận Hóa lúc bấy giờ.
4. MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH
– Tuy Lý Vương là người có ảnh hưởng rất lớn đối với đại sư Pháp Thân, khi Ưng Đỗ bị đi đày ở Phú Yên. Tuy là một đứa trẻ nhưng đã đến chùa học giáo lý và phát nguyện đồng chơn nhập đạo. Đó là một điều rất ít thấy đối với con cháu dòng dõi hoàng tộc.
– Sau khi vua Đồng Khánh lên ngôi, cả gia đình Tuy Lý Vương được phục chức tước cũ, nhưng đại sư Pháp Thân vẫn không muốn trở lại Kinh đô mà quyết chí ở bên bổn sư để tu học, chứng tỏ ngài phát tâm tu học là chí nguyện chứ không phải vì hoàn cảnh đi đày.
– Sau khi trở về am Huệ Đăng, đại sư Pháp Thân cho đổi tên thành chùa Phước Huệ (tưởng nhớ đến ân thế độ của bổn sư và ân tôn sư phú pháp), đồng thời thường xuyên cung thỉnh bổn sư cùng đồng đạo danh tăng thuộc Thiền phái Chúc Thánh tại Phú Yên, Hội An ra Kinh đô hoằng hóa. Chùa Phước Huệ lúc này là địa chỉ lui tới của chư tăng, đặc biệt là chư tăng Thiền phái Chúc Thánh tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Hội An…
– Đại sư Pháp Thân là một người uyên thâm Phật học, ngài đã trước tác cuốn “Tam bảo biện luận chú”, tiếc rằng tác phẩm này đã bị thất lạc.
– Tuy là người đồng chơn nhập đạo, thời gian xuất gia vỏn vẹn 15 năm và viên tịch sớm nhưng ngài đã có trong Hội đồng Thập sư Đại giới đàn năm 1894 tại Tổ đình Báo Quốc. Điều đó, cho thấy phạm hạnh và uy tín của ngài rất lớn.
– Hiện nay, tháp mộ của ngài và song thân được tôn trí tại chùa Thiên Hòa và ngài cũng là người đã từng trùng tu chùa Thiên Hòa nhưng không có tài liệu nào nhắc đến. Đây là vấn đề cần tìm hiểu thêm để làm sáng tỏ công trạng của ngài đối với ngôi cổ tự này.
– Chú thích
- Trần Thanh Mại toàn tập, tập 1, (2004), Nxb. Văn học, tr. 91.
- Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế (2006), Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr. 309.
- Trần Thanh Mại toàn tập, tập 1, (2004), Nxb. Văn học, tr. 69.
- Trần Thanh Mại toàn tập, tập 1, (2004), Nxb. Văn học, tr. 97.
- Vĩnh Cao – Vĩnh Dũng – Tôn Thất Hanh – Vĩnh Khánh – Tôn Thất Lôi – Vĩnh Quả – Vĩnh Thiều, Nguyễn Phúc tộc thế phả (1995), Nxb. Thuận Hóa – Huế.
- Như Như Đạo Nhân có trước thuật “Lưỡng Xuân Sơn chí” khoảng 100 cuốn, chép thơ văn của bạn bè và chư sơn tự tăng làm ở thi xã Liên Trì. Trong đó, có thơ văn của Tuy Lý Vương, Viên Thành thượng nhân… [Xem: Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế (2006), Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr. 379-380].
- Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông. tr. 219.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Thanh Mại toàn tập, tập 1, (2004), Nxb. Văn học.
- Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế (2006), Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
- Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông.
- Vĩnh Cao – Vĩnh Dũng – Tôn Thất Hanh – Vĩnh Khánh – Tôn Thất Lôi – Vĩnh Quả – Vĩnh Thiều, Nguyễn Phúc tộc thế phả (1995), Nxb. Thuận Hóa – Huế.