Quá trình hình thành và phát triển Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình Dương (Đại đức Thích Tâm Thông)

          Theo dòng chảy thời gian và hoàn cảnh lịch sử, đạo Phật đã có mặt tại Đàng Trong vào những năm đầu thế kỷ XVII bằng sự kiện Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng xây dựng chùa Thiên Mụ ở xã Hà Khê huyện Hương Trà vào năm 1601 (1) và đại trai đàn chẩn tế đã được chúa Nguyễn Hoàng tổ chức nhân mùa Vu Lan rằm tháng 7 cũng tại chùa Thiên Mụ vào một năm sau đó. Những vùng đất mới được chúa Nguyễn khai phá kéo theo đó là những dòng người di dân từ Thuận Quảng vào Nam, trong dòng người ấy có những người mang tôn giáo đạo Phật cùng các nhà sư người Việt và Hoa. Chúa Nguyễn cũng như các nhóm người di dân đến vùng đất mới đầy hiểm trở nên họ tin vào đạo Phật và cầu Phật phù hộ được bình an, thoát khỏi tai nạn… Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cho rằng “… Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành giàu nhiệt huyết nhập thế một cách tích cực đã mau chóng đáp ứng được điều này. Ở đâu có đất mới được mở ra là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa mà tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với một xã hội đầy lam lũ…”(2) nên đi đến đâu họ đều lập am, xây chùa. Những ngôi chùa có mặt sớm ở Đàng Trong như: chùa Sắc Tứ Vạn An, chùa Long Bàn (Bà Rịa – Vùng Tàu), chùa Sắc Tứ Hộ Quốc, chùa Kim Cang, chùa Đại Giác, chùa Long Thiền (Đồng Nai), chùa Núi Châu Thới, chùa Hưng Long (Bình Dương),… trong đó có chùa Hội Khánh và chùa Sắc Tứ Thiên Tôn ở Bình Dương.

          CHÙA THIÊN TÔN VÀ SỰ TRUYỀN THỪA

          Phật giáo có mặt ở vùng đất Thủ Dầu Một, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, khá sớm và tại vùng An Thạnh, Thuận An, vào năm 1773, có hai vị cao tăng Gia Tiền và Gia Linh đã đặt chân truyền đạo và xây dựng chùa Thiên Tôn. Đặc biệt, trong thời gian chúa Nguyễn Ánh lúc chạy trốn quân Tây Sơn có ghé trú ẩn và được các hòa thượng che chở. Khi lên ngôi vào năm 1802, Gia Long sắc phong là “Sắc Tứ Thiên Tông Tự”. Hai vị Thiền sư Gia Tiền và Gia Linh thuộc Thiền phái Lâm Tế thế hệ thứ 37 truyền theo dòng kệ Chúc Thánh của Ngài Minh Hải – Pháp Bảo (3). Hiện nay, chưa rõ nguyên quán và hành trạng của hai vị, chỉ biết hai vị từ Gia Định, học trò của Thiền sư Pháp Nhân – Thiên Trường, trụ trì chùa Tập Phước, Gia Định. Trên bước đường đi hoằng hóa lên vùng đất An Thạnh thấy cảnh hợp tình, cất am tu hành. Hiện nay, chưa rõ năm sanh của hai thiền sư, do lòng linh vị của ngôi tháp quá mờ không nhận rõ, nên chúng tôi chỉ ghi nhận được sư Gia Tiền họ Trần và viên tịch vào năm Nhâm Thân (1812).

          Tháng 8 năm Quý Dậu (1933), tại chùa Thiên Tôn tổ chức đại giới đàn Chúc Thọ do Hòa thượng Từ Phong và Hòa thượng Từ Lương tổ chức. Đại giới đàn Chúc Thọ được quý Hòa thượng danh tăng tham gia chứng minh: Hòa thượng Thích Thiện Tòng – chùa Trường Thạnh, Hòa thượng Thích Thanh Tịnh – chùa Sắc Tứ Long Huê chứng đàn, Hòa thượng Thích Hoằng Tiên – chùa Sùng Phước làm Tuyên luật sư và nhiều vị cao tăng khác ở Sài Gòn – Gia Định. Hòa thượng Thích Từ Phong làm Đàn đầu, Hòa thượng Thích Thiện Hương làm Yết ma a xà lê (4). Đây là giới đàn được tổ chức lớn nhất tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ, thu hút hàng trăm giới tử về thọ giới. Sau khi hai vị Thiền sư Gia Tiền và Gia Linh viên tịch, đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa.

          Kế thế trụ trì là Hòa thượng Chương Phụng – Phước Lịch. Hòa thượng Chương Phụng là đệ tử Hòa thượng Gia Linh, thuộc thế hệ thứ 38 Thiền phái Lâm Tế đời thứ 5 dòng Chúc Thánh, ngài sinh năm Giáp Tuất (1814) tại Gia Định. Sau khi bổn sư viên tịch, ngài Chương Phụng đến cầu pháp với Hòa thượng Toàn Tánh – Chánh Đắc, chùa Hội Khánh. Vào năm 1885, với đức độ của ngài Chương Phụng, nên Hòa thượng Ấn Long, chùa Hội Khánh, cung thỉnh vào hàng chứng minh để khắc ván bộ kinh tại chùa Hội Khánh. Vào năm 1888, ngài đứng ra đúc một đại hồng chung để làm pháp khí. Sau thời gian hoằng hóa, Hòa thượng Chương Phụng – Phước Lịch viên tịch vào ngày 13 tháng 8 năm Canh Tý (1900). Đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa. Kế vị trụ trì là sư đệ Chương Lân – Phước Đông, Hòa thượng trụ trì không bao lâu thì cũng viên tịch.

          Kế vị trụ trì chùa Thiên Tôn là Hòa thượng Ấn Thành – Từ Thiện. Ngài là đệ tử của Hòa thượng Chương Phụng, thuộc thế hệ 6 dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Ngài sinh năm Giáp Tuất (1874), viên tịch ngày 19 tháng 8 năm Kỷ Mùi (1919), đệ tử lập tháp thờ trong khuôn viên chùa.

          Kế thế ngài Ấn Thành – Từ Thiện là Hòa thượng Ngộ Định – Từ Phong, ngài thuộc thế hệ thứ 39 truyền theo bài kệ “Tổ Đạo Giới Định Tông”, ngài là vị thầy đầu tiên truyền giới cho Hòa thượng Thích Minh Tịnh với pháp danh là Chơn Phổ – Nhẫn Tế. Năm 1935, Ngài một mình hành hương chiêm bái Ấn Độ và Tây Tạng. Sau 2 năm chiêm bái, tu học Mật giáo tại Tây Tạng và Ấn Độ, Ngài trở về Việt Nam mang theo Xá Lợi Phật về tôn thờ tại chùa Thiên Chơn. Năm 1945, Ngài được cử làm Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc Thủ Dầu Một. Ngài viên tịch vào ngày 17 tháng 5 năm 1951, nhục thân được tôn thờ tại chùa Thiên Chơn. Hòa thượng biên dịch để lại hai tác phẩm rất có giá trị là Nhật Ký Tây Tạng và Lăng Nghiêm Tông Thông. Ngài trụ trì thời gian từ 1919 đến 1934.

          Kế thế trụ trì là ngài Ấn Nhâm – Từ Lương (Hòa thượng Ấn Thành và Ấn Nhâm là hai anh em ruột). Ngài Ấn Nhâm sinh ngày 19 tháng 11 năm Nhâm Thân (1872) tại làng Hòa Thạnh, Hòa thượng cho trùng tu lại chùa rất khang trang và ngài xiển dương Phật pháp nơi đây rất thịnh. Hòa thượng Từ Lương nổi tiếng với khoa “Ứng Phú Đạo Tràng” ở vùng Đông Nam bộ. Hòa thượng Từ Lương viên tịch vào ngày 15 tháng 02 năm Đinh Sửu (1901), đệ tử lập tháp thờ trong khuôn viên chùa.

          Kế thế trụ trì là Hòa thượng Chơn Tân – Thiện Khoa, Hòa thượng là đệ tử của Hòa thượng Ấn Nhâm, ngài sinh năm Tân Sửu (1901) tại làng An Thạnh. Năm 1953, ngài được suy cử làm Tăng Phó Giáo Hội Lục hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1955, Hòa thượng đứng ra tổ chức xây dựng lại chùa và lễ khánh thành trọng thể. Ngài tịch ngày 11 tháng 10 năm Giáp Thìn (1964), đệ tử lập tháp thờ trong khuôn viên chùa. Kế vị trụ trì có Hòa thượng Như Kiêm – Bửu Thanh; ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Ngãi Thông, chùa Long Khánh (Tân Khánh), sau cầu pháp với Hòa thượng Chơn Tân, chùa Thiên Tôn. Hòa thượng Như Kiêm – Bửu Thanh là vị nổi tiếng về Ứng phú đạo tràng ở vùng đất Thủ. Sau thời gian hành đạo, Hòa thượng viên tịch vào năm 1979. Kế vị trụ trì là Hòa thượng Như Trực – Thiện Chánh là đệ tử của Hòa thượng Chơn Tân – Thiện Khoa. Hòa thượng viên tịch năm 2004, môn đồ lập tháp thờ trong khuôn viên chùa. Từ năm 2004, do chùa khuyết trụ trì nên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đã quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Chúc Minh về làm trụ trì. Cho đến nay, chùa Thiên Tôn đã được hình thành hơn 247 năm với 11 đời trụ trì.

          CHÙA HỘI KHÁNH VÀ SỰ TRUYỀN THỪA

          Năm 1741 (Tân Dậu), trên bước đường vân du truyền đạo, Thiền sư Đại Ngạn đến ngọn đồi thuộc làng Bình An, huyện Phước Long, Dinh Trấn Biên (Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương ngày nay) lập am tu hành. Sau một thời gian hoằng hóa, tín đồ quy tập ngày càng đông, am tranh được xây dựng thành ngôi Tổ đình Hội Khánh.

          Chùa Hội Khánh tọa lạc tại 29 Yersin, đường Chùa Hội Khánh, Phường Phú Cường, Tp. Thủ Dầu Một, Bình Dương, được xây dựng năm 1741, người khai sơn là Thiền Sư Đại Ngạn – Từ Tấn thuộc tông phái Lâm Tế Liễu Quán, sau Thiền sư Đại Ngạn là Thiền sư Chân Kính – Minh Huệ. Đến năm 1839, Hòa thượng Toàn Tánh – Chánh Đắc (1789-1869) đến trụ trì. Từ đó, chùa Hội Khánh mới truyền thừa theo pháp phái Lâm Tế Chúc Thánh. Trước đó, Thiền sư Trúc Linh, sư huynh của Hòa thượng Toàn Tánh đã khai sơn chùa Thiên Tôn (nay thuộc phường An Thạnh – thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).

          Thiền sư Đại Ngạn thuộc thế hệ thứ 37 của Thiền phái Lâm Tế, dòng Liễu Quán (1667-1742). Hệ phái này được truyền bá sớm vào Thủ Dầu Một, Bình Dương. “Trong thời gian Ngài Đại Ngạn đến xây chùa Hội Khánh và truyền bá Phật pháp ở đây thì vùng đất này còn hoang sơ, rừng rậm và nhiều thú dữ. Dân cư chưa đông lắm, nhưng tín ngưỡng Phật giáo đã có mặt, do lòng tin Phật của các di dân đến định cư nơi này” (5).

          Thiền sư Đại Ngạn đã viên mãn hóa độ và viên tịch vào ngày mùng 9 tháng 9 năm Mậu Thân (1788), đệ tử lập tháp thờ trong khuôn viên chùa.

          Kế thế trụ trì là Hòa thượng Chân Kính – Minh Huệ. Ngài sinh năm Tân Dậu (1741) và hành đạo nơi đây được 27 năm từ năm 1788 đến năm 1815. Hòa thượng Chân Kính viên tịch vào ngày 21 tháng 12 năm Ất Hợi, đệ tử lập tháp thờ trong khuôn viên chùa cách tháp Tổ Đại Ngạn chừng 25 m.

          Hòa thượng Chân Kính – Minh Huệ, trụ trì Tổ đình Hội Khánh viên tịch, vì không có đệ tử kế thừa nên bổn đạo đã cung thỉnh Hòa thượng Toàn Tánh – Chánh Đắc về trụ trì Tổ đình Hội Khánh (khoảng năm 1839-1840), năm đó Ngài vừa tròn 51 tuổi. Hòa thượng Toàn Tánh – Chánh Đắc, sinh năm Kỷ Dậu (1789), tại miền Trung. Ngài họ Phan, cùng với bốn anh em theo đoàn người Nam tiến vào lập nghiệp tại miền Nam. Ngài xuất gia với Tổ Pháp Nhân – Thiên Trường tại chùa Tập Phước, Gia Định, nên có pháp danh Toàn Tánh, hiệu Chánh Đắc, nối pháp đời 37 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 4 pháp phái Chúc Thánh (6).

          Năm Tân Dậu (1861), giặc Pháp đánh chiếm Nam bộ, Tổ đình Hội Khánh bị thiêu hủy hoàn toàn. Đến năm Mậu Thìn (1868), Hòa thượng Toàn Tánh trùng tu lại chùa nhưng không dựng trên nền chùa cũ mà dời xuống như địa điểm hiện nay.

          Hòa thượng Toàn Tánh – Chánh Đắc là một trong những vị cao tăng của Phật giáo Bình Dương trong thế kỷ XIX. Ngài đã đặt nền tảng cho sự phát triển của Thiền phái Chúc Thánh tại Bình Dương và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đệ tử nối pháp Ngài có các vị nổi tiếng như: Chương Đắc – Trí Tập, trụ trì Tổ đình Hội Khánh; Chương Nhân – Thiện Đức, trụ trì chùa Hội Sơn; Chương Lành – Nguyên Từ, trùng kiến chùa Bửu Nghiêm; Chương Tâm – Phước Thường, trụ trì chùa Tập Phước, v.v… Vào giờ Ngọ ngày 30 tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1869), Hòa thượng Toàn Tánh viên tịch tại Tổ đình Hội Khánh, đệ tử hỏa thiêu lập tháp thờ bên trái phần chính diện chùa. Sau khi Hòa thượng Toàn Tánh viên tịch, tông môn cử trưởng tử là ngài Chương Đắc – Trí Tập, kế thế trụ trì Tổ đình Hội Khánh.

          Hòa thượng Chương Đắc – Trí Tập, thế danh Nguyễn Trí Tập, sinh năm Đinh Sửu (1817), tại tỉnh Bình Dương. Ngài xuất gia đắc pháp với Tổ Toàn Tánh – Chánh Đắc, nên có pháp danh Chương Đắc, hiệu Trí Tập, nối pháp đời thứ 5 pháp phái Chúc Thánh.

          Trong thời gian hành đạo ở đây, Hòa thượng trụ trì có đúc một đại hồng chung vào năm 1883 (Quý Mùi) do một bổn đạo tên Dương Văn Lúa ở hạt Phước Tuy, tổng An Phú Thượng, thôn Long Điền, hiến cúng cho chùa. Đây là một đại hồng chung được đúc khá sớm ở Thủ Dầu Một.

          Hòa thượng Chương Đắc viên tịch vào tháng 11 năm Quý Mùi (đầu năm 1884), đệ tử lập tháp thờ trong khuôn viên bên đông lang chùa.

          Kế vị trụ trì là Hòa thượng Ấn Long – Thiện Quới, thế danh Nguyễn Thiện Quới, sinh năm Đinh Dậu (1837), tại Bình Dương. HT Ấn Long là bậc uyên thâm kinh luật. Trong thời gian trụ trì, chủ trương của HT Ấn Long là đào tạo thế hệ kế thừa, giảng dạy giáo lý. Do đó, ngài luôn được chư thiền đức trọng nể. Vào năm 1885 (Ất Dậu), HT Ấn Long đứng ra triệu tập chư sơn thiền đức chứng minh cho ngài phát tâm khắc bộ kinh cúng dường Tam Bảo để in ấn phát hành cho những ngôi chùa lân cận hoặc xa hơn. Đây là bộ kinh ra đời sớm nhất được khắc in tại Tổ đình Hội Khánh. Bộ Diệu Pháp Liên Hoa kinh Tri Âm gọi tắt là Pháp Hoa Tri Âm, gồm 7 tập, bằng chữ Hán, do Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch. Khi được đưa vào Đàng Trong, bộ kinh đã được in lại, vì ngoài việc ghi tên người dịch chữ Hán là Cưu Ma La Thập, trang đầu còn cho biết đã được Trụ trì chùa Hộ Quốc và chùa Kim Cang (Đồng Nai) tạng bản: “Hộ Quốc, Kim Cang tự, Trụ trì Như Ngu trữ” (7). Bộ kinh này là di sản của Tổ đình Hội Khánh hiện nay, đã chứng minh ảnh hưởng khá sâu rộng của Phật giáo đối với Phật tử ở Bình Dương. Bộ kinh Pháp Hoa Tri Âm là một tư liệu quý, hiếm hoi, ngày nay ít thấy còn được lưu giữ tại các chùa ở Nam bộ.

          Năm Nhâm Dần (1902), Hòa thượng Thiện Quới đứng ra trùng khắc bộ kinh. Vào ngày 9 tháng 11 năm 1891, Ngài đứng ra trùng tu lại Tổ đình Hội Khánh và khởi đầu tôn tạo gồm các bộ tượng, hoa văn có giá trị về mỹ thuật trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được bản ghi năm trùng tu đại hùng bảo điện Tổ đình Hội Khánh. Hòa thượng Ấn Long – Thiện Quới viên tịch vào ngày 25 tháng 10 năm Bính Ngọ (1906).

          Hòa thượng Ấn Long đã để lại nhiều giá trị cho Tổ đình Hội Khánh, đặc biệt là đào tạo một đệ tử sau này trở thành bậc danh tăng có uy tín trong giai đoạn phát triển Phật giáo ở Thủ Dầu Một là Hòa thượng Từ Văn. Sau khi Hòa thượng Ấn Long viên tịch, Hòa thượng Từ Văn và môn đồ pháp quyến đứng ra tổ chức lễ tang bổn sư một cách long trọng và xây tháp tôn thờ bên phải khuôn viên Tổ đình.

          Sau khi Hòa thượng Ấn Long viên tịch, mến trọng đức độ và tài trí của Hòa thượng Từ Văn, nên môn đồ pháp quyến đã cử Hòa thượng Từ Văn tiếp tục sự nghiệp thầy tổ, xiển dương Phật pháp tại Tổ đình Hội Khánh. Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Tầm, sinh năm Đinh Sửu (1877) tại làng Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Năm lên mười tuổi, Ngài xuất gia tu học với Hòa thượng Ấn Long – Thiện Quới tại Tổ đình Hội Khánh, Thủ Dầu Một, được Bổn sư ban pháp danh Chơn Thanh, hiệu Từ Văn, nối pháp đời thứ 7 của pháp phái Chúc Thánh.

          Sau 5 năm học đạo, Ngài được Bổn sư gửi đến tu học với Tổ Huệ Lưu tại chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức. Sau đó, Ngài tham dự nhiều khóa Hạ tại chùa Sùng Đức, Chợ Lớn, Gia Định và theo học đạo với nhiều vị cao tăng nổi tiếng khác. Năm Quý Sửu (1913), Ngài lại được quý Hòa thượng ở miền Tây Nam bộ cung thỉnh làm Pháp sư tại trường Hương chùa Tam Bảo, Rạch Giá. Năm Canh Thân (1920), chính quyền Pháp mời Ngài sang chủ trì lễ kỳ siêu chiến sĩ trận vong tại thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp. Từ đây, ở cương vị Tăng thống, Ngài đóng một vai trò chủ đạo trong giới Phật giáo nước nhà. Các nhà chức trách cũng như chư Tăng tín đồ đều gọi Ngài là Hòa thượng Cả. Năm Nhâm Tuất (1922), Ngài làm Chánh chủ khảo kỳ thi tại trường Hương chùa Giác Lâm, Gia Định.

          Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài đứng ra mở các lớp đầu tiên dạy giáo lý, quy tụ tất cả các tăng sĩ Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đến tham dự khóa học. Năm Quý Hợi (1923), Ngài cùng với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cụ Tú Cúc Phan Đình Viện thành lập Hội Danh dự yêu nước tại Tổ đình Hội Khánh, với mục đích giáo dục đồng bào sống đúng với đạo lý con người, truyền bá tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm trong đồng bào cũng như Tăng sĩ Phật giáo ở Thủ Dầu Một.

          Năm Giáp Tý (1924), Ngài là Pháp sư chúc thọ giới đàn chùa Giác Viên, Gia Định. Giữa năm 1926, Hòa thượng về làm Pháp sư tại trường Hạ chùa Hội Phước ở Mỹ Tho. Năm 1929, ngài làm Chứng minh tại trường Hương chùa Long Phước.

          Năm Canh Ngọ (1930), Ngài đứng ra tổ chức khắc bản in kinh để ấn tống cho khắp cả vùng miền Đông và Tây Nam bộ. Ngài đã xả bỏ xác thân giả huyễn, an nhiên thị tịch vào ngày 26 tháng 11 năm Tân Mùi (1931), đệ tử lập tháp tôn thờ trong khuôn viên Tổ đình Hội Khánh.

          Hòa thượng Từ Văn đã đào tạo nhiều đệ tử, trong đó có Hòa thượng Từ Tâm tài đức song toàn. Hòa thượng Từ Tâm là một nhà sư yêu nước, ngài tham gia phong trào Nam kỳ khởi nghĩa và bị giặc Pháp phát hiện, bắt vào đêm 15 tháng 7 năm 1940 tại chùa Bình Long, bị đày ra Côn Đảo, do đó không có người kế thừa Tổ đình Hội Khánh, nên ngài giáo thọ Ấn Bửu – Thiện Quới, là sư thúc của Hòa thượng Từ Văn lên thay thế trụ trì Tổ đình Hội Khánh.

          Hòa thượng Từ Văn là một danh tăng ở Thủ Dầu Một cũng như Sài Gòn – Gia Định, vùng Tây Nam bộ lúc này. Bút tích của Hòa thượng hiện còn được lưu giữ ở nhiều chùa tại Thành phố Hồ Chí Minh như Giác Lâm, Giác Viên, Sắc Tứ Từ Ân, Trường Thạnh,… Hòa thượng Từ Văn đã đào tạo nhiều thế hệ tăng sĩ nổi tiếng như Hòa thượng Từ Tâm, Hòa thượng Thiện Hương, Hòa thượng Mỹ Định,… Uy tín của Hòa thượng Từ Văn đã góp phần làm cho Phật giáo Bình Dương giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực đạo pháp ở khu vực Nam Bộ bấy giờ.

          Giáo thọ Ấn Bửu – Thiện Quới, thế danh là Nguyễn Văn Lai, sinh năm Tân Dậu (1861), tại Thủ Dầu Một. Ngài thị tịch vào ngày 25 tháng 5 năm Tân Tỵ (1941), môn nhơn lập tháp thờ trong khuôn viên chùa.

          Thừa kế trụ trì sau khi ngài Ấn Bửu viên tịch là Hòa thượng Thị Huệ – Thiện Hương. Hòa thượng thế danh Lê Văn Bạch, sinh ngày 14 tháng 5 năm Quý Mão (1903), tại làng Tương An, tổng Bình Thổ, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là xã Tân An, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một). Thân phụ là cụ ông Lê Văn Đông và thân mẫu là cụ bà Đào Thị Siêng.

          Ngài sinh trong một gia đình có truyền thống kính tin Tam bảo theo Phật giáo Cổ truyền. Năm Mậu Thân (1908), lúc lên năm tuổi, Ngài được cha mẹ đưa đến chùa Phước Hưng, xã Tân An, xin quy y với Hòa thượng Chơn Vị – Minh Vạn, được ban pháp danh là Như Huệ. Năm Ất Mão (1915), khi lên 13 tuổi, đúng vào ngày rằm tháng tám, Ngài được cha mẹ cho vào chùa Long Minh xin thế phát xuất gia với Hòa thượng Quảng Long.

          Năm Mậu Ngọ (1918), Ngài được Bổn sư trao pháp thế độ là Nhuận Huệ, tự Thiện Hương, được cho đi dự khóa luật và thọ giới Sa di tại giới đàn trường Kỳ chùa Long Phước, Tân An. Năm sau, Kỷ Mùi (1919), Ngài được theo học khóa giáo lý tại Tổ đình Hội Khánh, Thủ Dầu Một do Pháp sư Từ Văn khai mở và Ngài nhập chúng ở luôn lại đây tu học.

          Năm Nhâm Tuất (1922), Ngài được Hòa thượng Từ Văn cho đi thọ Cụ túc tại giới đàn chùa Giác Lâm, Chợ Lớn, do Hòa thượng Như Phòng– Hoằng Nghĩa làm Đàn đầu truyền giới. Từ đó, Ngài chuyên tâm tinh tấn tu học ở Tổ đình Hội Khánh. Đến năm Canh Ngọ (1930), Ngài cầu pháp với Hòa thượng Từ Văn, được ban pháp hiệu Chơn Duyên, tự Từ Giác, đồng thời được Hòa thượng và Tăng chúng cử làm Thủ tọa.

          Năm Tân Mùi (1931), Hòa thượng Từ Văn viên tịch, chư sơn thiền đức lập Ban Trụ trì Tổ đình Hội Khánh, gồm Hòa thượng Từ Tâm là Chánh trưởng tử, Sư cụ Giáo thọ Thiện Quý làm trụ trì, Thủ tọa Thiện Hương làm Phó nhất trưởng tử. Nhằm để theo thứ tự truyền thừa, Hòa thượng Từ Tâm đặt chữ thế độ cho Ngài là Thị Huê, nối pháp đời 42 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh.

          Năm Quý Dậu (1933), Ngài được suy cử lên ngôi vị Yết–ma A–xà–lê trong Đại giới đàn chúc thọ chùa Sắc tứ Thiên Tôn. Năm Giáp Tuất (1934), Ngài liên tiếp được cung thỉnh vào các chức sự: Phó Pháp sư trường Gia giáo chùa Tân Long (Gia Định); Chánh chủ Kỳ chùa Long Quang (Lái Thiêu); Thư ký trường Kỳ chùa Long Khánh (Thủ Dầu Một); Chủ Kỳ chùa Long Sơn (Thủ Dầu Một). Sang năm Bính Tý (1936), Ngài đứng ra trùng tu lại cổng Tam quan Tổ đình Hội Khánh. Năm Tân Tỵ (1941), Ngài được chư sơn thiền đức giáo phẩm trong tỉnh Thủ Dầu Một công cử làm trụ trì Tổ đình Hội Khánh. Từ đó, Ngài mở lớp gia giáo dạy cho chư Tăng trong tỉnh.

          Năm Ất Dậu (1945), Ngài tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, Hòa thượng Minh Tịnh được bầu làm Chủ tịch, Ngài làm Phó Chủ tịch Hội. Năm Quý Tỵ (1953), Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương được thành lập, Ngài được Trung ương Giáo hội và toàn thể Tăng tín đồ Bình Dương suy cử lên ngôi vị Hòa thượng, đảm nhận chức vị Tăng trưởng Phật giáo tỉnh Bình Dương.

          Đến năm Canh Tý (1960), Ngài được Hội đồng Trưởng lão Giáo hội suy cử Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng. Hòa thượng viên tịch vào ngày 2/7/1971, đệ tử lập tháp thờ trong khuôn viên chùa.

          Kế thế trụ trì là Hòa thượng Đồng Bửu – Quảng Viên. Hòa thượng Quảng Viên thế danh Lê Văn Ký, sinh năm Canh Tuất (1910), tại làng Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một. HT Quảng Viên tinh chuyên kinh luật. Ngài đã dịch bộ kinh Lăng Nghiêm theo tư tưởng thiền học nhưng do điều kiện lúc bấy giờ không thuận lợi nên HT không in được bộ kinh này và hiện nay bị thất lạc chỉ còn lại một vài quyển chép tay của hòa thượng.

          Năm 1945, hòa thượng từng là Thư ký Hội Phật giáo Cứu quốc Thủ Dầu Một. Năm 1947, Ngài trực tiếp ra bưng biền tham gia vào Ủy ban Kháng chiến hành chính xã, phụ trách ngành văn hóa xã hội và thương binh. Ngài từng là Thư ký Phật giáo Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một. Đặc ủy Tăng sự Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Dương năm 1965. Đến năm 1971, Hòa thượng làm xử lý Thường vụ Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương. Sau khi đại hội thống nhất Phật giáo tỉnh Sông Bé năm 1983, Hòa thượng đảm nhận chức vụ Chánh Thư ký; năm 1987 Hòa thượng làm Phó Ban Trị sự, kiêm Kiểm soát. Hòa thượng Đồng Bửu – Quảng Viên viên tịch vào ngày 15 tháng 8 năm Mậu Thìn, tỉnh hội Phật giáo xây tháp Hòa thượng trong khuôn viên chùa.

          Hòa thượng Quảng Viên không có đệ tử truyền thừa. Do đó, tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé đã đề cử Hòa thượng Nhựt Minh – Huệ Thông, thay thế Hòa thượng Quảng Viên làm trụ trì Tổ đình Hội Khánh. Lúc này, Hòa thượng Huệ Thông làm Phó Thư ký, kiêm Chánh Văn phòng Tỉnh hội.

          Hòa thượng Thích Huệ Thông, thế danh Trần Minh Quang, sinh năm 1960, tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Hòa thượng là đệ tử của Hòa thượng Hồng Tín – Huệ Thành, nguyên Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam. Hòa thượng Nhựt Minh – Huệ Thông truyền thừa theo dòng kệ Lâm Tế Gia Phổ “Đạo Bổn Nguyên…” thuộc thế hệ thứ 41.

          Hòa thượng Thích Huệ Thông trụ trì Tổ đình Hội Khánh từ năm 1988 cho đến nay, hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Thư ký, kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, Phó Thư ký Ban Tăng sự Trung ương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương.

*******

          Theo bước chân Nam tiến của dân tộc, các thiền sư dòng Lâm Tế Chúc Thánh có mặt tại các tỉnh, thành trong cả nước để truyền bá giáo lý giải thoát của Phật đà và ý chỉ Tổ sư. Tại mỗi địa phương đi đến, các Ngài đã đem hết khả năng của mình để giáo hóa và dần dần tạo nên chi phái khắp các mọi nơi. Tăng đồ của Thiền phái Chúc Thánh đóng vai trò quan trọng trong việc hoằng pháp tại các tỉnh, thành từ Quảng Nam ra Thừa Thiên- Huế, vào đến Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Sài Gòn-Gia Định, Bình Dương và nhiều tĩnh thành trong cả nước, cũng như ở nước ngoài.

          Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, tăng đồ của Thiền phái Chúc Thánh góp phần rất lớn trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp tại nước nhà. Các Thiền sư Thiệt Dinh, Pháp Liêm, Pháp Chuyên, Toàn Nhật, Vĩnh Gia, Từ Trí, v.v… đều là những bậc cao tăng có sức ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ. Mỗi vị có một hạnh nguyện riêng biệt để hoằng pháp độ sanh: Ngài Pháp Liêm – Luật Oai với hạnh nguyện Bồ tát ròng rã 20 năm quét chợ không quản nắng mưa; ngài Pháp Chuyên – Luật Truyền, ngài Toàn Nhật – Vi Bảo với trí tuệ siêu việt đã trước tác nhiều tác phẩm Phật học có giá trị lưu lại hậu thế; ngài Ấn Bổn – Vĩnh Gia có công rất lớn trong việc đào tạo tăng tài thời cận đại, v.v… tất cả đã viết nên trang lịch sử vàng son cho môn phái. Đặc biệt, ngọn lửa “Đại Hùng Đại Lực Đại Từ Bi” của ngài Thị Thủy – Quảng Đức năm 1963 đã góp phần không nhỏ trong việc đưa Phật giáo và dân tộc thoát khỏi một chế độ độc tài hà khắc. Ngọn lửa thiêng ấy chính là đỉnh cao, là kết tinh của tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc của tăng nhân dòng Chúc Thánh.

          Những giá trị lịch sử mà chư tôn thiền đức thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thành đã đóng góp cho ngôi nhà chung Phật giáo tại Bình Dương to lớn và đáng trân trọng, cần được giữ gìn và phát huy. Hiện nay, chư Tôn đức thuộc dòng Chúc Thánh ở Bình Dương đang dâng hiến và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội Phật giáo các cấp.

ĐẠI ĐỨC THÍCH TÂM THÔNG

 

 

_Chú thích:

1. Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, 2 tập, Nxb TP.HCM, 1995, tr. 22.
2. Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch sử Văn hóa Việt Nam, tập II, Nxb Giáo Dục, 2001, tr. 156.
3 .HT. Thích Huệ Thông, Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa Văn nghệ TP.HCM, 2015, tr. 277.
4. Sđd, tr. 160.
5. Thích Hụê Thông, Sơ thảo Phật giáo Bình Dương, Nxb Mũi Cà Mau, 2000, tr. 42.
6. Tại chùa Tập Phước, Gia Định. Ngài là thế hệ trụ trì thứ 3 đến năm đến năm 1869.
7. Trần Hồng Liên (chủ biên), Phật giáo ở Bình Dương hiện trạng và lịch sử, Nxb Phương Đông, 2016, tr. 116.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. HT. Thích Huệ Thông, Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa Văn nghệ TP. HCM, 2015.
2. Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, 2 tập, Nxb Tp.HCM, 1995.
3. Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch sử Văn hóa Việt Nam, tập II, Nxb Giáo Dục, 2001.
4. Thích Hụê Thông, Sơ thảo Phật giáo Bình Dương, Nxb Mũi Cà Mau, 2000.
5. Thích Minh Tịnh, Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, bảng pdf.
6. Trần Hồng Liên (chủ biên), Phật giáo ở Bình Dương hiện trạng và lịch sử, Nxb Phương Đông, 2016.