Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo – Người hình thành và phát triển Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh (NCS.Thích Nữ Nhuận Bình)

          Theo dòng lịch sử, Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ Ấn Độ và Trung Hoa. Với tinh thần hộ quốc an dân, đạo Phật cũng biến thiên theo sự thăng trầm của lịch sử dân tộc.

          Vào thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn thỉnh Thiền sư Thạch Liêm và rất nhiều vị tăng sĩ lỗi lạc tại Trung Hoa sang An Nam truyền bá Phật pháp. Tổ Minh Hải – Pháp Bảo là một trong những thành viên trong phái đoàn du hóa ngoại quốc của ngài Thạch Liêm. Thiện duyên tiếp nối thiện duyên, sau khi hoàn tất các Phật sự, phái đoàn và Tổ Minh Hải – Pháp Bảo vào Hội An, Quảng Nam. Tại đây, Ngài khai sơn chùa Chúc Thánh, là vị tổ đầu tiên khai sinh ra dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam.

          Từ đây, Ngài bắt đầu hạnh nguyện dấn thân trên con đường hoằng dương chánh pháp trong nước cũng như hải ngoại, nhằm đưa tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha của đạo Phật đến gần hơn với quảng đại quần chúng gần xa.

          Hạnh nguyện

          Theo tác giả cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược thì Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo đến Việt Nam hành đạo cùng đi chung phái đoàn với rất nhiều vị tăng khác. Trong đó có ngài Nguyên Thiều, Minh Hành – Tại Tại, Minh Hoằng – Tử Dung, Minh Vật – Nhất Trí(1).

          Theo một tài liệu khác cũng cho rằng: theo lời thỉnh cầu của Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1648-1681), Thiền sư Nguyên Thiều (lúc này đang hành đạo tại An Nam) trở về Trung Hoa thỉnh chư tăng và các pháp khí sang An Nam lập đàn truyền giới. Đến năm Ất Hợi (1695), Ngài thỉnh được Hòa thượng Thạch Liêm cũng như quý ngài: Minh Hải – Pháp Bảo, Minh Vật – Nhất Trí, Minh Hoằng – Tử Dung, Minh Lượng – Thành Đẳng v.v… trong hội đồng thập sư truyền giới (2).

          Sau khi giới đàn thành tựu, phái đoàn vào Hội An, trú tại chùa Di Đà (sau này đổi tên là Chiên Đàn) đợi thuyền về lại Trung Hoa. Trong thời gian này, phái đoàn được sự thỉnh mời tha thiết của chư tăng và bổn đạo tại trú xứ, lập đàn truyền trao giới pháp cho 300 vị giới tử tại đây. Đàn giới được tổ chức thành công, ngài Thạch Liêm về nước (Trung Quốc), lúc đó vào khoảng mùa thu năm Bính Tý (1696), có một số vị trong đoàn phát nguyện ở lại An Nam, tiếp tục hạnh nguyện hoằng pháp độ sanh tại vùng đất hữu tình này. Trong đó, “ngài Minh Hoằng – Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa, ngài Minh Lượng – Thành Đẳng khai sơn chùa Vạn Đức tại Cẩm Hà, Hội An và ngài Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phổ – Hội An. Lúc bấy giờ Ngài độ khoảng 26 hoặc 27 tuổi” (3).

          Sau 50 năm hoằng hóa tại mảnh đất xứ Quảng Việt Nam, khi duyên trần đã mãn, hạnh nguyện châu viên, Ngài quảy dép về Tây vào ngày 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746). Ngài đi rồi, hạnh nguyện sáng ngời vẫn còn đó, người đời sau vẫn hết lòng kính ngưỡng, bậc tăng tài có duyên lành với Phật giáo Quảng Nam.

          Đào tạo tăng tài kế nghiệp

          Quyết định ở lại vùng đất xứ Quảng của Tổ Minh Hải – Pháp Bảo là một trong những việc làm quyết định sự nghiệp cả đời của Tổ. Và việc chọn xứ Quảng Nam cho việc hoằng dương chánh pháp của Ngài cũng chính là nhân duyên thù thắng, sâu dày đã gieo tạo từ nhiều đời nhiều kiếp đối với người ngoại quốc như Ngài.

          Thời gian này, không chỉ ngài Minh Hải – Pháp Bảo mà còn một số vị tăng trong phái đoàn phát nguyện ở lại, dấn thân trên con đường hoằng pháp độ sanh tại Đại Việt, đó là: “ngài Minh Hoằng – Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa, ngài Minh Lượng – Thành Đẳng khai sơn chùa Vạn Đức tại Cẩm Hà, Hội An”(4). Như vậy, tùy theo hạnh nguyện, hoài bảo, lý tưởng, nhân duyên mà mỗi vị tăng mang trong mình một sứ mệnh khác nhau, chọn một vùng đất khác nhau để hành đạo.

          Tổ Minh Hải – Pháp Bảo đã hóa độ, thế phát cho rất nhiều vị phát nguyện xuất gia, đào tạo cho Phật giáo Quảng Nam nói chung và dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng thế hệ kế thừa vững mạnh. Chư vị ấy “đủ khả năng kế nghiệp Ngài xiển dương đạo pháp và phát triển tông môn” (5).

          Tổ Minh Hải – Pháp Bảo đã có những vị đệ tử và nhiều hậu duệ trong tông phong nổi danh như các ngài:

          – Thiền sư Thiệt Dinh – Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm, khai sơn chùa Phước Lâm, Hội An, Ngài truyền pháp cho nhiều vị nổi tiếng như Pháp Kiêm – Luật Oai (Tổ đình Man Tảo Thị), Pháp Ấn – Tường Quang (trụ trì chùa Vạn Đức, Hội An, Quảng Nam), Pháp Chuyên – Luật Truyền, hiệu Diệu Nghiêm (khai sơn chùa Từ Quang, Phú Yên).

          – Thiền sư Thiệt Úy – Khánh Vân, trụ trì chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi).

          – Thiền sư Thiệt Hội – Viên Quang, có để tử là Pháp Tràng – Quang Chính, hiệu Bảo Đài, hoằng hóa ở chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng).

          – Thiền sư Thiệt Quảng – Cảm Ứng có đệ tử nổi danh là Pháp Nhân – Thiên Trường, pháp tôn là Toàn Tánh – Chánh Đắc, nổi tiếng ở Gia Định (trụ trì chùa Tập Phước ở Gia Định và chùa Hội Khánh ở Thủ Dầu Một, Bình Dương) (6). Và còn rất nhiều vị phạm hạnh là hậu duệ của tông phong, đã hết lòng tu tập và hoằng pháp để phát triển Phật giáo nói chung, dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng.

          Noi gương tổ Minh Hải – Pháp Bảo, các thiền sư thuộc dòng Chúc Thánh đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, dù là cộng đồng người Việt, người Hoa hay nền văn hóa đa chiều tại miền Nam đều được hướng dẫn tu tập, giảng giải Phật pháp thâm sâu. Hầu hết, chư vị trong tông phong dòng Chúc Thánh ở các đời đều nhiệt tâm hoằng pháp, là những bậc long trượng của dòng thiền. Chính vì thế mà tông môn Lâm Tế Chúc Thánh nhanh chóng lan rộng, phát triển khắp Phật giáo Đàng Trong.

          Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam, từ đời thứ 2 đến nay đã hơn 10 thế hệ truyền thừa với hơn 300 năm, hiện vẫn đang tiếp tục phát triển nhiều nơi tại Việt Nam và hải ngoại, như Úc, châu Âu, Mỹ,…

          Phương pháp tu tập

          Thiền phái Lâm Tế được khai sáng tại Trung Hoa, do ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867) thuộc thế hệ thứ 6 sau Lục Tổ Huệ Năng làm sơ tổ phái này. Danh xưng và đặc tính tu tập của dòng thiền Lâm Tế được gói gọn trong 4 chữ: “Lâm Tế thống khoái”. Khi chư vị Tổ sư Nguyên Thiều, Minh Hải, Minh Lượng,… sang Đại Việt du hóa và phát nguyện ở lại hành đạo tại mảnh đất này thì tông Lâm Tế bắt đầu phát triển mạnh tại Đàng Trong. Ngài Minh Hải đời thứ 34, vị thiền sư sáng lập và phát triển dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh phát triển tại Quảng Nam và chùa Chúc Thánh là Tổ đình chính. Ngài biệt xuất bài kệ truyền thừa khai sáng dòng thiền này. Bài kệ có 8 câu, gồm 40 từ, được chia làm 2 phần: 4 câu đầu là bài kệ truyền pháp danh cho hàng xuất gia và tại gia, 4 câu sau là bài kệ truyền pháp tự cho hàng xuất gia.

 

(傳 法 名 偈)

明 實 法 全 彰

印 真 如 是 同

祝 聖 壽 天 久

祈 國 祚 地 長

 

Truyền pháp danh kệ

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chơn Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu

Kỳ Quốc Tộ Địa Trường

 

          Dịch:

Hiểu thấu pháp chân thực

Ấn chơn như hiện tiền,

Cầu thánh quân tuổi thọ

Chúc đất nước vững bền (7)

(傳 法 字 偈)

得 正 律 為 宗

祖 道 解 行 通

覺 花 菩 提 樹

充 滿 人 天 中.

 

Truyền pháp tự kệ

Đắc Chánh Luật Vi Tông

Tổ Đạo Giải Hạnh Thông

Giác Hoa Bồ Đề Thọ

Sung Mãn Nhơn Thiên Trung

 

          Dịch:

Giới luật nêu trước tiên

Giải và hạnh nối liền

Hoa nở cây Giác ngộ,

Hương thơm lừng nhân thiên(8)

 

          Mặc dù đến nay vẫn chưa tìm thấy nguồn tư liệu cụ thể nào ghi lại pháp môn tu tập của tổ Minh Hải – Pháp Bảo. Nhưng vì dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh nằm trong chi phái tông Lâm Tế, nên các pháp môn tu tập cũng không đi ra ngoài tông phái này.

          Tác phẩm Sa–môn Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm Thiền Sư Xuất Thế Nhân Do Tích Chí có ghi sơ lược con đường tu tập của Ngài thuộc tông Lâm Tế như sau: “… Phật thừa ư trung nhật thực, viễn ly tài sắc, bất thiệp thế duyên, cần khán kinh luật, tinh cần cầu đạo, tụng Đại bi chú nhất tạng, đảnh lễ Tam thiên vạn Phật hồng danh các hữu ngũ biến, dĩ thử thiện căn cầu chướng tội tiêu, tảo thành Phật đạo…”., nghĩa là: “Đức Phật ngày ăn một bữa, xa lìa tài sắc, không màng đến chuyện thế sự, thường xem kinh luật, tinh tấn cầu đạo, tụng chú Đại Bi một tạng, đảnh lễ Tam Thiên, Vạn Phật, Hồng Danh mỗi loại năm lần, đem thiện căn này cầu cho tội chướng tiêu trừ, sớm thành Phật đạo”(9). Có thể nói, phương pháp tu tập này được tăng đoàn và tín đồ hoan hỷ đón nhận, ứng dụng, tu tập vào đời sống hằng ngày.

          Bên cạnh đó, đọc qua một số đoạn hội thoại trong sách, chúng ta sẽ hiểu hơn về pháp môn tu tập của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh như sau:

          Có vị đệ tử đảnh lễ Bổn sư và thưa: – Người xưa nói: “Kẻ học đạo không thông lý, thân sau phải hoàn trả của tín thí”, thế nào là thông lý? Nguyện Thầy chỉ dạy cho!

          Thầy bèn trả lời: – Tùy theo pháp mà tu hành, cùng tột của sự thì đến lý, nóng lạnh tự biết, tuyệt đường ngôn ngữ.

          Lại hỏi: – Trong luật có dạy: “Người xưa tâm địa chưa thông, không quản ngàn dặm tìm thầy học đạo”. Việc ấy như thế nào?

          Thầy lại dạy: – Người xưa xuất gia không màng danh lợi, duy chỉ cầu đến chỗ rốt ráo của Đạo, đoạn trừ sanh tử, tâm địa như vậy, thấy rõ tự tánh thì thành Phật.

          Bổn sư biết Ngài là bậc có căn khí Đại thừa, đạo niệm siêu quần xuất chúng, bèn ấn chứng hiệu là Diệu Nghiêm(10).

          Qua những gì đã trích dẫn, có thể thấy pháp môn tu tập của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh là sự kết hợp hài hòa giừa Thiền và Tịnh. Nghĩa là chư hành giả mỗi ngày đêm tu tập bằng đọc tụng kinh văn, lạy Phật sám hối để cầu tội diệt phước sanh. Bên cạnh đó, cần tham thiền nhập định, học hỏi giáo pháp để liễu ngộ đạo mầu. Với ý nghĩa này, chính là tu tập theo chủ trương Thiền – Tịnh song tu của ngài Vĩnh Minh – Diên Thọ (904-975).

          Như vậy, với sự vận dụng, kết hợp hài hòa giữa Thiền – Tịnh song tu, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh do Tổ Minh Hải – Pháp Bảo sáng lập tại Quảng Nam đã hiến tặng cho đời pháp môn tu tập phù hợp với hoàn cảnh thực tế của xã hội, phù hợp với căn cơ của mọi đối tượng chúng sanh, cả tại gia lần xuất gia. Chỉ cần tùy phương tiện áp dụng tu tập, sẽ đem lại sự an lạc và lợi ích cho mọi người, mọi loài. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng, giúp Thiền phái Chúc Thánh lan tỏa và phát triển khắp nơi.

          Tông chỉ thiền phái

          Ngay từ những ngày đầu thành lập Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Tổ Minh Hải – Pháp Bảo đã phần nào khẳng định vai trò, vị trí và tông chỉ của thiền phái qua 2 câu kệ truyền pháp:

Chúc Thánh thọ thiên cửu
Kỳ quốc tộ địa trường (11)

          Từ ý nghĩa này cho thấy, tông phái Lâm Tế Chúc Thánh dù hành đạo ở địa phương nào, đều mang trong mình sứ mạng hộ quốc an dân, tinh thần luôn gắn liền giữa đạo pháp và dân tộc. Với nhiệt huyết của Tổ Minh Hải – Pháp Bảo và đội ngũ tăng già kế nghiệp, tầm ảnh hưởng của dòng thiền Chúc Thánh ngày một lan rộng ở các tỉnh phía Nam như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Gia Định,…

          Phật giáo tôn trọng hòa bình, luôn đem lại bình an, lợi lạc cho nhân thiên, đạo Phật Việt Nam hơn 2.000 năm qua luôn đồng hành, gắn bó cùng thịnh suy của dân tộc. Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh nằm trong dòng chảy của Phật giáo Việt Nam, nên tông chỉ của dòng thiền Chúc Thánh cũng không ra ngoài nguyên tắc ấy.

          Ngoài việc tu học nội điển, chuyển hóa tự thân, chứng ngộ đạo quả, chư vị thiền sư dòng Lâm Tế Chúc Thánh còn nhập thế tích cực, hòa quang hồng trần, hóa thân vào đời để làm cho đời sáng tươi. Điển hình trong ấy là các ngài như Minh Hải – Pháp Bảo(12), Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác(13), Ấn Bổn – Vĩnh Gia(14), Bồ tát Thích Quảng Đức(15),…

          Như vậy, “Tôn chỉ hành đạo của Thiền phái Chúc Thánh kể từ ngày Tổ sư khai sơn cho đến nay vẫn không thay đổi. Nhập thế tích cực cứu đời nhưng vẫn thong dong tự tại trước mọi lợi danh. Tùy duyên hành đạo và bất biến giữ đạo luôn được áp dụng tùy từng hoàn cảnh cụ thể đã thể hiện được bản hoài của người Thích tử theo tinh thần: Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật”(16).

          Tóm lại, sau gần 50 năm rời quê hương Trung Hoa sang Đại Việt hoằng hóa, mảnh đất Hội An, Quảng Nam, như ghi dấu sắc son bước chân Tổ Minh Hải – Pháp Bảo, vị thiền sư lỗi lạc khai sơn chùa Chúc Thánh, sáng lập và phát triển Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại đây. Với pháp môn tu tập và tông chỉ hành đạo thiết yếu, cùng với sự tận tâm, lòng nhiệt huyết của người con Phật, cộng với nhân duyên thù thắng cùng mảnh đất Quảng Nam, Tổ đã miệt mài hoằng pháp, đào tạo tăng tài, hóa độ thành công nhiều vị đệ tử nổi danh, kế thừa sự nghiệp, phát triển hưng thịnh dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh rộng khắp Phật giáo Đàng Trong.

          Duyên tròn quả mãn với đạo, tận duyên với đời, trước khi an nhiên thị tịch, vẫn không quên gọi chúng đệ tử lại dặn dò phú chúc:

 

       Nguyên phù pháp giới không

 Chơn như vô tánh tướng

Nhược liễu ngộ như thử

   Chúng sanh dữ Phật đồng

 

          Tạm dịch:

Pháp giới như mây nổi

        Chân như không tánh tướng

Nếu hiểu được như vậy

         Chúng sanh với Phật đồng(17)

 

          Chúng sanh với Phật không hai, nhưng mê là chúng sanh và ngộ là Phật. Đó là lý do cần phải tu tập, chuyển hóa chính mình và dìu dắt chúng sanh, để ta và người đều từ chúng sanh chứng thành Phật quả.

          Ngày nay, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đã phát triển sâu rộng, cả trong nước đến nước ngoài. Ân ấy, đức ấy đều nhờ vào hồng ân khai sơn chốn tổ Chúc Thánh tự của Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo, cũng là vị tổ tiên phong trong việc hình thành và phát triển Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam.

“Thật là, Một cõi sinh nhiều cành nơi nơi rợp bóng Pháp,
Bao đời nối dòng kệ chốn chốn kết rừng Thiền” (18.)

NCS. THÍCH NỮ NHUẬN BÌNH
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

 

 

_Chú thích:

1. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Phương Đông, TP.HCM, tr. 482.
2. Thích Như Tịnh (2008), Hành Trạng Chư Thiền Đức Xứ Quảng, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 12.
3. Hành Trạng Chư Thiền Đức Xứ Quảng, sđd, tr. 13.
4. Hành Trạng Chư Thiền Đức Xứ Quảng, sđd, tr. 13.
5. Thích Như Tịnh (2009), Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, tr. 123.
6. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014), Phật giáo thời Hậu Lê, Nxb. Tôn Giáo, TP.HCM, tr. 287.
7. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, sđd, tr. 487.
8. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, sđd, tr. 487.
9. Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, tr. 127.
10. Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, tr. 128.
11. Hai câu này được dịch là: “Cầu thánh quân tuổi thọ, Chúc đất nước vững bền”.
12. Thế hệ thứ 1 dòng Chúc Thánh.
13. Thế hệ thứ 3 dòng Chúc Thánh.
14. Thế hệ thứ 6 dòng Chúc Thánh.
15. Bồ tát Thích Quảng Đức, pháp danh Thị Thủy, tự Hành Pháp, thuộc thế hệ thứ 9 dòng Chúc Thánh.
16. Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, tr. 130.
17. Hành Trạng Chư Thiền Đức Xứ Quảng, sđd, tr. 15.
18. Hành Trạng Chư Thiền Đức Xứ Quảng, sđd, tr. 16.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

– Lê Mạnh Thát (2000), Toàn Tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. TP. HCM.
– Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập 2, Nxb. TP. HCM.
– Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Phương Đông, TP.HCM.
– Thích Đại Sán (1963), Hải Ngoại Ký Sự, Viện Đại học Huế.
– Thích Như Tịnh (2008), Hành Trạng Chư Thiền Đức Xứ Quảng, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
– Thích Như Tịnh (2009), Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông, TP. HCM.
– Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014), Phật giáo thời Hậu Lê, Nxb. Tôn Giáo, TP.HCM.