Hòa thượng Bích Liên – Danh Tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh (Thích Hữu Nhựt)

          Xuyên suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Bình Định, nơi đây đã đóng góp nhiều thành tựu nổi bật cho Phật giáo Việt Nam và đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Từ lâu, Bình Định đã trở thành trung tâm văn hóa Phật giáo Đàng Trong, xuất hiện nhiều vị tổ và danh tăng với vai trò nổi bật trong việc hoằng pháp độ sanh, mở trường Phật học đào tạo nhiều tăng tài phục vụ cho đạo pháp và dân tộc, đặc biệt trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Nửa đầu thế kỷ XX, tình hình chính trị xã hội diễn biến phức tạp, sự xuất hiện nhiều tôn giáo mới và sự xuống cấp đạo đức của các bậc tu sĩ. Những nguyên nhân nội tại của Phật giáo đã tác động lớn đến ý thức chấn hưng Phật giáo của các bậc cao tăng và chư thiện tín nhằm duy trì mạng mạch của Phật pháp. Trong những bậc cao tăng đó, không thể không kể đến Hòa thượng Bích Liên – Trí Hải là bậc quảng kiến đa văn, tài đức vẹn toàn, một trong những ngọn cờ đầu trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam với vai trò chủ bút của Tạp chí Từ Bi Âm và Tạp chí Tam Bảo.

          Dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh do Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo khai sáng tại Tổ đình Chúc Thánh (Quảng Nam). Trong quá trình hoằng dương chánh pháp, chư tôn thạc đức đã truyền bá dòng thiền này, phát triển khắp các tỉnh Trung Kỳ. Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh truyền đến ngài là đời thứ 7 và sau đó, ngài khai sơn chùa Bích Liên, đã biệt kệ tạo ra một dòng phái mới, được gọi là dòng thiền Chơn Giám Trí Hải, là sơ Tổ của kệ phái Bích Liên. Từ đây, có nhiều bậc cao tăng, thạc đức xuất hiện như Hòa thượng Trí Độ, Hòa thượng Huyền Quang… duy trì mạng mạch của Phật pháp và phát triển tông môn. Sự phát triển của dòng thiền cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển Phật giáo Đàng Trong, thành lập các Phật học viện đào tạo Tăng tài đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo.

          1. Thân thế Hòa thượng Chơn Giám Trí Hải

          Hòa thượng Bích Liên, tục tánh là Nguyễn, tự là Trọng Khải, sinh ngày 10 tháng 4 năm 1876 (nhằm ngày 16 tháng 3 năm Bính Tý), tại làng Háo Đức, tổng Háo Đức, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định, nay thuộc ấp Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ của ngài là Tú tài Nguyễn Tự, thân mẫu là Lâm Thị Hòa Nghị. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho giáo nên năm lên 8 tuổi, Ngài bắt đầu học Nho. Vốn bản tánh thông minh lại siêng năng học hỏi, Ngài không chỉ am tường chữ Hán mà còn giỏi chữ Nôm, thơ văn thấm nhuần tư tưởng Nho giáo. Có lẽ vì nguyên nhân đó, Ngài không được tiếp xúc chữ quốc ngữ, mang đậm tư tưởng văn hóa phương Tây.

          Đến năm 20 tuổi, theo sự sắp xếp của hai đấng sanh thành, Ngài kết duyên với Lê Thị Hồng Kiều thuộc làng An Hòa, phủ An Nhơn. Với quan niệm phong kiến, trách nhiệm mang công danh “vinh quy bái tổ” được đặt lên vai Ngài. Trải qua hơn mười năm “văn ôn”, đến năm 30 tuổi (1906), Ngài vác lều chõng dự khoa thi Hương tại trường thi Bình Định và đậu Tú tài. Khoa thi Hương được tổ chức 4 năm một lần, đến năm 34 tuổi (1910) (1), Ngài dự thi thêm một lần nữa và chỉ đỗ tú tài, dân làng thường gọi là “Tú Kỉnh”. Ngài trở về làm ông thầy đồ, tâm hồn phong lưu, mượn cảnh làm thơ tỏ bày tâm trạng, người dân thường đến nhà Ngài xin chữ hay câu liễn đối treo trong nhà.

          Trong Tạp chí Từ Bi Âm, vào tháng 9 năm Đinh Tỵ, lúc Ngài 41 tuổi, người dân đi đánh cá vô tình vớt được một tượng Phật bằng sành nhưng tượng chỉ có từ cổ đến tòa sen, không có đầu, đem tặng cho Ngài. Vừa tròn tháng sau, một ngư dân khác vớt được cái đầu Phật làm bằng sành, cũng đem tặng cho Ngài. Sau khi ráp lại, Ngài thấy hai phần của tượng Phật vừa khớp với nhau tạo thành bức tượng hoàn chỉnh, đó là tượng Phật Quan Thế Âm(2). Vốn là một nhà Nho, Ngài dùng văn thơ xiển dương Nho học, chưa có niềm tin với đạo Phật. Ngài cho rằng các bậc tu sĩ chỉ là những người trốn đời nương đạo, không biết chữ nghĩa. Khi gặp Quốc sư Phước Huệ, Ngài mượn Kinh Kim Cang bỏ mất hai tờ rồi trả lại, Quốc sư biên lại không sai một chữ. Qua nhiều lần thử thách, Ngài nhận thấy các vị tu sĩ không chỉ am tường kinh điển mà còn thông đạt Nho học. Từ đó, Ngài “tâm phục khẩu phục” trước tài đức của Quốc sư Phước Huệ, phát khởi niềm tin với đạo Phật, Ngài dùng văn chương xiển dương Phật pháp.

          Năm 1918, lúc Ngài 42 tuổi, có một nhà sư (3) đem tặng Ngài hai quyển Long Thơ Tịnh Độ4 với yếu chỉ là tŕnh bày pháp môn Tịnh độ, phát khởi ḷng tin sâu chắc về cảnh giới Tây phương và phương pháp đi đến Cực lạc không c̣n sự mê lầm. Ḥa thượng vốn dĩ tinh thông Hán văn nên Ngài dễ dàng thấu đạt thâm ư của hai quyển kinh này. “Từ ấy Ngài dạo khắp các danh-lam cổ-sát, mượn những các bộ Văn, Luận, Tập và các kinh Tam-thừa mà gia công nghiên cứu về lý thú của nhà Phật và giảng trạch pháp môn tu hành”(5).

          Theo Thích Đồng Bổn: “Càng ngẫm nghĩ những việc trùng hợp này, Ngài càng tin rằng cơ duyên xuất gia đầu Phật đã đến. Cho nên, sau khi thu xếp xong việc nhà, năm 1919 (năm 43 tuổi), Ngài đến chùa Thạch Sơn ở Quảng Ngãi quy y thọ giới với Hòa thượng Hoằng Thạc. Ngài được ban pháp danh Chơn Giám, tự là Đạo Quang, pháp hiệu là Trí Hải. Nhờ tinh thông Hán học, lại gặp thiện duyên, sau vài năm tham học và đắc pháp với Hòa thượng Hoằng Thạc (năm 1921), Ngài đã diệu nhập Phật tạng, thông suốt yếu lý giải thoát. Tuy mới xuất gia, nhưng Ngài đã sớm trở thành một Tăng sĩ quảng kiến đa văn, đạo cao đức trọng”(6).

          2. Đóng góp cho Tạp chí Từ Bi Âm

          30/4/1931, Tạp chí Từ Bi Âm do ông Phạm Ngọc Vinh sáng lập, được sự cấp phép của quan Toàn Quyền Đông Pháp cho xuất bản nửa tháng một kỳ. Sau đó, ông Phạm Ngọc Vinh đã cúng lại cho hội, trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. 01/01/1932(7), tạp chí ra số đầu tiên, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont, Sài Gòn.

          Theo Tạp chí Từ Bi Âm, năm 1926, Hòa thượng Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh được thỉnh ra làm pháp sư tại giới đàn chùa Long Khánh, tỉnh Bình Định(8). Ngài gặp được Hòa thượng Bích Liên và Liên Tôn, nhận thấy họ là những người trí thức có khả năng đóng góp cho hội nên Ngài mời hai vị vào Nam cộng tác. Năm 1931, ông Trần Nguyên Chấn đích thân viết thư gửi cho Hòa thượng Bích Liên và Ngài hoan hỉ nhận lời, trở thành chủ bút của Tạp chí Từ Bi Âm.

          Sự suy vi của Phật giáo Việt Nam bao gồm nguyên nhân, nhưng đáng kể nhất là đời sống Tăng già xuống cấp, tu sĩ không hiểu giáo lý Phật đà thông qua chữ Hán, đi theo con đường mê tín, đây là nan đề của Phật giáo. “Bổn chí vì sợ tôn chỉ đạo Phật nước nhà chết theo Hán văn và xiêu ngã theo mấy cái thuyết tà ma ngoại đạo, nên chẳng xét tài hèn, không vì thế yếu, tìm phương bổ cứu, mới xuất bản Phật học Tạp chí Từ Bi Âm”. Theo Hòa thượng Bích Liên, Tạp chí Từ Bi Âm ra đời muốn kêu tỉnh người mê muội, dìu dắt kẻ lạc đường, khen ngợi người chánh tín(9), nội dung của tạp chí bao gồm 7 mục: Luận về triết lý nhà Phật, Luân lý nhà Phật, Phiên dịch kinh Phật, Lịch sử nhà Phật, Thời sự nhà Phật, Tiểu thuyết nhà Phật, Văn uyển. Với sự đa dạng trong hình thức lẫn nội dung của tạp chí, Hòa thượng Bích Liên trong vai trò chủ bút, Ngài mời Hòa thượng Liên Tôn giữ vai trò phó chủ bút, Hòa thượng Trí Độ và cùng cư sĩ Phật tử khắp nơi như Giác Nhựt, Thiện Dụng, Minh Tịnh, Nhật Chánh… không ngại những khó khăn góp phần xây dựng tạp chí phát triển bền vững, trở thành phương tiện truyền bá giáo lý Phật đà và cơ quan ngôn luận của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận ghi: “Nhờ sự hợp tác của các thiền sư Bích Liên và Liên Tôn còn đóng được một vai trò hoằng pháp đáng kể. Từ Bi Âm không đóng góp được gì trong việc xây dựng ý thức văn hóa dân tộc, nhưng trong mười năm trời cũng đã làm được công việc phổ thông báo Phật học bằng chữ Quốc ngữ(10). Hòa thượng Bích Liên giữ vai trò chủ bút từ kỳ số 36 năm 1933 đến kỳ số 165 tháng 9 năm 1939, trong vòng sáu năm, bằng sự khôn khéo, với tấm lòng nhiệt thành vì đạo, Ngài giữ vai trò quan trong việc phát triển tạp chí thông qua số lượng tác phẩm mà Ngài sáng tác và trước tác. Trong Tạp chí Từ Bi Âm, các tác phẩm của Ngài vô cùng đa dạng với nhiều hình thức:

          Kinh: Kinh Lăng Nghiêm diễn nghĩa.

          Luật: Diễn nghĩa Luật Sa di, Pháp trường kì thọ giái (giới), Quy sơn cảnh sách diễn nghĩa.

          Nghiên cứu Phật học: Trọng kinh sách và giấy chữ, Nghĩa lý của kinh pháp khó hiểu và khó diễn, Luận về Giới Định Tuệ, Công phu tham thiền, Lời vấn đáp về đạo Tiên và đạo Phật, Đại thừa chỉ quán, Luận Duy thức, Phật có pháp dễ tu dễ hành, Luận 12 pháp Nhân Duyên, Quy sơn cảnh sách.

          Pháp môn Tịnh Độ: Pháp Tịnh Độ nay có hiện chứng, Bàn về lý Tịnh Độ.

          Bài sám nguyện: Bài kệ thập phương, Bài nguyện nhất tâm, Bài kệ nguyện sanh, Bài nguyện Khể Thủ, Bài ca đưa người mạng chung trong khi tống táng, Thiền tông tham thiền yếu pháp.

          Diễn ca: Tinh Nghiệp văn, Bài diễn ca tỉnh thế, Chứng đạo ca diễn âm, Khuyên người tỉnh tâm niệm Phật, Diễn bảy bài kệ của vua Khương Hi, Diễn bài thơ tỉnh đời của ông trạng nguyên là Ngài Hồng Tiên Sanh, Diễn bài Đại Thế Chí niệm Phật trong kinh Lăng Nghiêm, Diễn bài thượng phẩm thượng sanh trong kinh “Quán Vô Lượng Thọ”, “Tân Thinh” diễn tích Phật, Cảnh sách diễn ca, Tự vịnh cảnh chùa.

          Phật giáo nước ngoài: Phật giáo nước Tàu, Phật giáo Tây Tạng.

          Các bài luận: Biện về sự Đăng Luật, Đáp giải Hai điều khuyết nghi của ông Tâm Trai, Nhân quả hiếu thuận là mẹ của phước Hòa Bình Thế giới, Phúc biện cái hồn, Tại sao phải ăn chay, Cái tưởng giàu sang, Tiếc về sự chết của một nhà sư chưa được thích đáng, Mừng xuân.

          Ngoài những tác phẩm được đăng lên tạp chí, vẫn còn nhiều tác phẩm của Hòa thượng vẫn chưa được tìm thấy như: Tịnh độ huyền cảnh, Tây song kí, Tích lạc văn, Tọa thiền chỉ quán hợp biên.

          Với những tác phẩm trên, chúng ta thấy tính đa dạng phong phú trong các thể loại sáng tác của Ngài, được dàn trải trên tất cả các hình thức, tập trung chủ yếu ở hai mảng nghiên cứu Phật học và diễn ca. Ngài vốn sẵn tú tài Nho học lại am tường Phật học nên các tư tưởng được trình bày logic dễ đi vào lòng người. Đặc biệt, các bài phản bác những ý kiến của ngoại đạo vừa nhẹ nhàng nhưng vô cùng thâm thúy. Hòa thượng Bich Liên đóng góp một phần rất lớn đối với tạp Từ Bi Âm nói riêng và Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học nói chung. Để ghi nhận công lao, Ngài nhận chức hội viên tán trợ, trong kỳ 14 của tạp chí đã đăng tiểu sử của Ngài nhằm khích lệ tinh thần và để lưu danh cho các bậc hậu bối được rõ.

          3. Tạp chí Tam Bảo

          Sự phát triển các hội Phật học, báo chí trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ là tiền đề thúc đẩy các bậc tu sĩ và chí sĩ yêu nước ở Trung Kỳ thành lập hội Phật học. Ngày 14/5/1935, Hội Phật học Đà Thành được thành lập theo Nghị định 1057 do Khâm sứ Trung Kỳ M.F.Graffeuil phê duyệt, đặt trụ sở tại chùa Phổ Thiên, đường Marc Pourpe. Hai năm sau, 15/01/1937, Hội Phật học Đà Thành xuất bản Tạp chí Tam Bảo sau khi được Khâm sứ Trung Kỳ cấp phép ấn hành, tòa soạn đặt tại số 59, đường Marc Pourpe.

          Sau một thời gian hoạt động tại Tạp chí Từ Bi Âm, đến năm 1937, các bài viết của Hòa thượng không còn xuất hiện trên tạp chí. Trong giai đoạn này, Hội Phật học Đà Thành đã thỉnh Hòa thượng Bích Liên làm chánh chủ bút tạp chí. Nội dung của tạp chí gồm những mục như Khảo cứu các vấn đề Phật giáo, Vấn đáp, Kinh diễn nghĩa, Truyện Cao Tăng nước ta, Nhàn đàm, Văn uyển. Bên cạnh đó, tạp chí có nhiều bài viết đề cập về việc thống nhất các tổ chức Phật giáo thành Hội Phật giáo Liên hiệp. Mục đích của tạp chí: “nhằm khôi phục Tam Bảo làm chủ nghĩa, dựng đạo tràng, nổi pháp cổ, rung chuông kỉnh tỉnh… ai cũng phát tâm Bồ Đề, ai cũng mở trí bát nhã, không còn mở lòng tà ngoại, cúi đầu nép dưới thần quyền, dắt nhau tới cảnh Niết Bàn”(11). Các bài viết trên tạp chí của Hòa thượng để bút danh là H.T. Bích Liên, các bài viết khác để tên Tam Bảo có lẽ cũng là của Hòa thượng, vai trò chánh chủ bút đại diện tiếng nói của hội. Sau hơn một năm xuất bản, tạp chí đã tạo dựng được tiếng vang nên có nhiều bài viết ca ngợi, đây là sự cổ vũ trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Có thể thấy đạt được thành công ấy là nhờ sự đóng góp rất lớn cúa Hòa thượng Bích Liên. Sau 8 kỳ ấn hành, tạp chí đã đình bản với nguyên nhân chính là không đủ tài chính để duy trì và thiếu nhân sự viết bài.

          4. Nhiếp hóa độ chúng

          Hòa thượng Bích Liên là bậc tài đức vẹn toàn, thạch trụ của tòng lâm, danh tiếng đồn xa, nhiều người kính trọng tài đức ấy nên xin quy y với Ngài. Hòa thượng thu nhận đệ tử tại gia lẫn xuất gia. Chính nhờ sự tận tụy giáo dưỡng của Ngài, các vị đệ tử xuất gia đã được học hỏi kiến thức và nương nhờ đức hạnh trở thành của Ngài trở thành những bậc Tăng có đầy đủ trí tuệ và giới hạnh đóng góp cho Phật giáo Bình Định nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Trong đó có Hòa thượng: Thích Trí Độ (1896-1979), thế danh là Lê Kim Ba, quy y với Hòa thượng năm Canh Thìn, 1940. Hòa thượng là một bậc danh Tăng có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng và phát triển Phật giáo; Hòa thượng Huyền Quang, thế danh là Lê Đình Nhàn, quy y với Hòa thượng năm Ất Hợi, 1935, có pháp danh là Ngọc Tân, pháp tự Tịnh Bạch và pháp hiệu là Huyền Quang, tức Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN. Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Viên, thế danh là Võ Thị Kim Đính, quy y với Hòa thượng năm Tân Tỵ, 1941, có pháp danh là Ngọc Diệu, pháp tự là Hương Quang, pháp hiệu là Tịnh Viên, hiện là Viện chủ Ni viện Hương Quang. Đây là một trung tâm đào tạo nhiều Ni sinh xuất sắc cho Ni bộ tỉnh Bình Định suốt một thời gian dài.

          Hòa thượng là vị Bổn sư đầy đủ trí tuệ, đức độ và tài năng, là tấm gương sáng chói không riêng cho hàng đệ tử noi theo, mà còn chung cho các thế hệ Tăng Ni và Phật tử thừa hưởng.

5. Biệt kệ truyền thừa

          Sau khi Thiền sư Minh Hải biệt kệ khai phái, lập nên dòng thiền Chúc Thánh, nhiều vị đệ tử truyền bá chánh pháp đã đem dòng kệ phát triển khắp các tỉnh miền Trung.

          Năm 1919 (năm 43 tuổi), Ngài Bích Liên đến chùa Thạch Sơn ở Quảng Ngãi quy y thọ giới với Hòa thượng Hoằng Thạc. Ngài được ban pháp danh Chơn Giám, tự là Đạo Quang, pháp hiệu là Trí Hải, thuộc đời thứ 7 của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh.

          Sau thời gian hoạt động tại Tạp chí Từ Bi Âm, đến năm 1934, Ngài trở về Bình Định khai sơn chùa Bích Liên. Hòa thượng vốn là người giỏi chữ Hán lại uyên thâm Phật pháp nên có rất nhiều vị đệ tử xuất gia lẫn tại gia đến quy y cầu đạo Ngài. Hòa thượng vì muốn phát triển Phật pháp, mặt khác là phát triển tông môn, nên đến ngày 19 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 16, Ngài đã biệt kệ truyền thừa thành một dòng phái riêng. Sau này, người ta thường gọi là kệ phái Bích Liên gồm 8 dòng 40 chữ, 4 dòng đầu truyền pháp danh và 4 dòng sau truyền pháp tự:

眞 玉 紅 山 照           Chơn Ngọc Hồng Sơn Chiếu

澄 珠 碧 海 圓           Trừng Châu Bích Hải Viên

理 明 知 性 妙           Lý Minh Tri Tánh Diệu

智 密 悟 心 玄           Trí Mật Ngộ Tâm Huyền

凈 緣 懷 翠 柳           Tịnh Duyên Hoài Thúy Liễu

樂 國 御 金 蓮           Lạc Quốc Ngự Kim Liên

聖 境 歸 來 日           Thánh Cảnh Quy Lai Nhật

宗 風 振 古 傳           Tông Phong Chấn Cổ Truyền

          Ban đầu, Hòa thượng vẫn truyền pháp danh theo dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh, tức đời thứ 8 có pháp danh là chữ Như và pháp tự là chữ Giải. Sau khi sáng lập ra dòng phái mới, Hòa thượng Bích Liên truyền pháp danh và pháp tự theo dòng kệ của mình. Cụ thể là đổi chữ Như thành chữ Ngọc và chữ Giải thành chữ Tịnh, trong đó có Hòa thượng Huyền Hy, pháp danh Như Khánh, tự là Giải Hỷ, đổi thành Ngọc Khánh tự là Tịnh Hỷ; Hòa thượng Huyền Quang, pháp danh Như An, tự là Giải Hòa, đổi thành Ngọc Tân, tự Tịnh Bạch; Hòa thượng Huyền Ấn, pháp danh Như Định, tự là Giải Phát, đổi thành Ngọc Tùng, tự là Tịnh Mãn(12). Các đệ tử về sau tiếp tục theo dòng kệ mới của Hòa thượng Bích Liên, cụ thể như: ĐĐ. Hồng Kim có pháp tự Hoài Khoa, hiệu là Ngộ Tự. Dòng kệ đã truyền đến đời thứ 4 tức là chữ Sơn.

          Kết luận

          Suốt cuộc đời của mình, Hòa thượng Bích Liên đã cống hiến trọn giữa đạo với đời. Đối với đời, vốn sinh ra trong gia đình trung lưu theo tinh thần Nho giáo, Ngài đã thấm nhuần lễ giáo và hoàn thành bổn phận của mình đối với gia đình. Với trí tuệ sẵn có, hòa thượng đã thông thạo Hán văn, đây là cơ duyên của Ngài đến với Phật giáo khi được lĩnh hội bộ sách Long thơ Tĩnh hội. Đối với đạo, trên tinh thần hoằng pháp độ sanh, Ngài đã tích cực đóng góp cho Phật giáo trong công tác đào tạo Tăng tài phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.

          Các tác phẩm của hòa thượng bao gồm cả Hán văn lẫn Nôm văn không chỉ chứa đựng nội dung sâu sắc mà còn là giá trị nghệ thuật sử dụng ngôn từ, trong đó một số tác phẩm tác động mạnh mẽ đối với văn học Phật giáo nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

          Ngài tích cực tham gia phòng trào chấn hưng Phật giáo nhằm chấn chỉnh đời sống Tăng đoàn, bài trừ mê tín, hướng đến con đường chánh tín. Sau thời gian, Ngài trở thành chủ bút Tạp chí Từ Bi Âm, Tạp chí Tam Bảo với mục đích truyền bá văn hóa Phật giáo đối với Tăng Ni Phật tử khắp cả nước. Sự cống hiến của Ngài đối với Phật giáo như là một hồi chuông tỉnh thức nhằm thức tĩnh ý chí của các vị tu sĩ và Phật tử trong buổi đầu của việc chấn hưng.

          Hòa thượng là bậc Tòng lâm thạch trụ của Phật giáo, danh tăng của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, tiếp nối mạng mạch truyền thừa và phát triển Thiền phái Lâm Tế Chúc Tánh, Ngài đã biệt kệ lập nên một dòng phái mới, Ngài được xem là sơ tổ của dòng kệ Bích Liên. Sự ra đời của dòng kệ có sức ảnh hưởng trong nếp sống sinh hoạt của Phật giáo miền Trung thêm phần khởi sắc và hưng thịnh. Từ đây, có nhiều bậc cao tăng thạc đức đã và đang làm rạng rỡ tông môn, phát triển Thiền phái Chúc Thánh lan rộng ra cả nước.

THÍCH HỮU NHỰT

 

 

_Chú thích:

1. Theo Thích Đồng Bổn, Hòa thượng Bích Liên đỗ Tú tài hai lần vào năm 31 và 34 tuổi tức là năm 1907 và 1910. Theo Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, Hòa thượng Bích Liên đỗ Tú tài vào năm 1906 và 1909. Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, (2010), Chuyện cũ nhà sư Bình Định, Nxb. Văn hóa dân tộc, tr. 584.
2. Từ Bi Âm, kỳ thứ 14, 1932, tr. 43
3. Theo TT. Hồng Thiện trụ trì chùa Vĩnh Khánh cho rằng nhà sư chính là Quốc sư Phước Huệ.
4. Quyển sách này của Ông Vương Nhật Hưu soạn, quê ở quận Long Thơ.
5. Từ Bi Âm, kỳ thứ 14, 1932, tr. 44.
6. Thích Đồng Bổn (chủ biên) (2017), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Tập 1, Nxb. Tôn Giáo.
7. Theo Từ Bi Âm, số ra đầu tiên của Tạp chí là ngày 01/01/1932. Từ Bi Âm, kỳ thứ 1, 1932, tr. 1. Theo Nguyễn Lang, số ra đầu tiên của Tạp chí là 01/03/1932. Nguyễn Lang, (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận Nxb. Phương Đông, tr. 631
8. Từ Bi Âm, kỳ thứ 14, 1932, tr. 44.
9. Mục đích của Từ Bi Âm, Từ Bi Âm, kỳ thứ 1, 1932, tr. 6.
10. Nguyễn Lang, (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận Nxb. Phương Đông, tr. 651.
11. Hội Phật học Đà Thành (1937), “Chủ nghĩa”, Tam Bảo Tạp chí, số 1, tr. 2.
12. Thích Như Tịnh, (2018), “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình Định”, Trích trong kỷ yếu hội thảo khoa học Phật giáo và văn học Bình Định, Nxb. Khoa học xã hội. tr. 227.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Đồng Bổn (chủ biên) (2017), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Tập 1, Nxb. Tôn Giáo.
2.
Đặng Quý Địch (2010), Chuyện cũ nhà sư Bình Định, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
3. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông.
4. Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1931-1951), Nxb. Đà Nẵng.
5. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông.
6. Thích Như Tịnh, (2018), “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình Định”, Trích trong kỷ yếu hội thảo khoa học Phật giáo và văn học Bình Định, Nxb. Khoa học xã hội.
7. Tạp chí Từ Bi Âm, trọn bộ.
8. Tạp chí Tam Bảo, trọn bộ.