Với phương châm “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”, Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, tâm nguyện “hoằng pháp vi gia vụ – lợi sinh vi sự nghiệp”, chư vị tổ sư qua nhiều thế hệ, đã mang ánh sáng Phật pháp trải dài trên 63 tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, tuỳ theo quá trình du nhập và văn hóa địa phương mà Phật giáo có sự thịnh suy khác nhau. Tiêu biểu như Phật giáo Nghệ An trong những năm gần đây đã có những bước chuyển mình rõ rệt, từ cơ sở thờ tự, tăng ni ngày một đông, Phật tử tín tâm…
Vài nét về Phật giáo Xứ Nghệ
Về với xứ Nghệ, chúng ta không chỉ sống lại trong những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc mà còn được hòa mình vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh đa dạng, phong phú của người Nghệ An. Là một tỉnh thuộc Bắc miền Trung với nhiều chùa chiền, đền đình, nhiều lễ hội lớn mang sắc thái riêng, và việc đi chùa lễ Phật từ lâu đã là một nét đặc trưng không thể thiếu của người dân nơi đây.
Nghệ An, quê hương của nhiều bậc danh nhân lịch sử, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng, anh hùng hào kiệt rạng danh như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Trần Phú, Lê Hồng Phong. Đặc biệt, vùng đất Nam Đàn- Nghệ An là nơi đã sinh ra vị lãnh tụ vĩ đại, vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà cả dân tộc ta, nhân dân ta, luôn luôn tự hào, đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Vào ngày 17 tháng 6 năm 2011, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An ra đời và Trưởng Ban Trị sự là Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu , Phó Chủ tịch Thường trực GHPGVN. Đây là dấu mộc lịch sử quan trọng kết thúc thời kỳ thăng trầm của Phật giáo Nghệ An kéo dài hơn 60 năm vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau kể từ sau Cách mạng Tháng 8 (1945) cho đến 10 năm đầu của thế kỷ XXI.
Theo thống kê của văn phòng Phật giáo tỉnh Nghệ An, thì: Trong vòng 10 năm trở lại đây, số lượng tăng ni trong tỉnh phát triển nhanh chóng, năm 2011 có 35 vị, đến năm 2018 có 77 vị, tăng 2,2 lần. Nhiệm kỳ 2011-2017, toàn tỉnh có 25 chùa có sư trụ trì và kiêm nhiệm trụ trì, đến năm 2017 thêm 17 chùa có sư trụ trì, nâng tổng số trụ trì là 27, năm 2018 bổ nhiệm trụ trì cho 3 chùa, nâng số chùa có sư trụ trì đến tháng 12 năm 2019 là 31 ngôi.
Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Nghệ An hiện nay
Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh do Tổ Minh Hải – Pháp Bảo, người Trung Hoa sang Việt Nam khai tông xuất kệ truyền thừa tại Tổ đình Chúc Thánh – Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong những dòng thiền lớn của Phật giáo Việt Nam từ xưa cho đến nay. Vì thế, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã hình thành và phát triển trên khắp đất nước hình chữ S, các thế hệ tăng ni vẫn kế đăng tục diệm, truyền thừa mạng mạch Phật pháp theo dòng kệ mà tổ đã ấn lập trên khắp các tỉnh thành, trong đó có sự khai hoa kết trái tại Phật giáo tỉnh Nghệ An. Hôm nay, hàng hậu bối chúng con xin được góp phần vào ngôi nhà Chúc Thánh về sự tiếp nối Phật pháp tại Nghệ An.
Tỉnh Nghệ An, có 4 ngôi chùa có sư trụ trì là truyền thừa tông môn pháp phái dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Có 03 vị tỳ khiêu là đệ tử của Hòa thượng Thích Đức Nghi và 01 vị là đệ tử của Hòa thượng Thích Đồng Huy.
– Hòa thượng Thích Đức Nghi, pháp danh Thị Can (đời thứ 9 Thiền phái Chúc Thánh), sinh quán tại thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Thủa nhỏ, ngài quy y với Hòa thượng Như Thông – Giải Minh – Huyền Ngộ, trụ trì Tổ đình Sắc tứ Thắng Quang, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Về sau, Hòa thượng xuất gia với Hòa thượng Thiện Thành tại chùa Giác Sanh, Sài Gòn. Năm 1976, Hòa thượng về tu tập và làm Phật sự tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, tạo lập nên 10 ngôi chùa, 1 nghĩa trang Phật giáo. Đệ tử xuất gia của Ngài có hơn 100 vị bao gồm cả tăng và ni.
Hòa thượng từng đảm trách các chức vụ:
– Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lầm Đồng;
– Trưởng Ban Bảo trợ Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng;
– Trưởng Ban Trị sự Phật giáo thành phố Bảo Lộc;
– Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Bảo Lâm;
Khi truyền pháp, Hòa thượng cho đệ tử pháp danh chữ Đồng và pháp tự là chữ Thông theo dòng kệ Lâm Tế Chúc Thánh. Hiện nay, tông môn pháp phái dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại Tổ đình Thắng Quang, tỉnh Bình Định suy tôn ngài làm Trưởng Môn phái.
– Hòa thượng Thích Đồng Huy, thế danh Phan Văn Đa, tự Thanh Tùng, pháp danh thượng Đồng hạ Huy, hiệu Trí Thắng (thuộc đời thứ 10 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh), nguyên Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trưởng Ban Quản trị Đại Tòng Lâm, Viện chủ Tu viện Vạn Hạnh.
Năm 1970, ngài khai sơn Tu viện Vạn Hạnh và khai khẩn trên 300 hécta đất tại xã Phú Mỹ để cấp cho Tăng Ni và Phật tử có nơi tu hành và sinh sống.
Năm 1990, ngài sáng lập chùa Vạn Thiện, Vạn Phước, Vạn An và trùng tu lần thứ nhất Tu viện Vạn Hạnh. Ngoài ra, Hòa thượng còn khai khẩn 20 hécta đất trên sườn núi Thị Vãi để trồng cây ăn trái và gây rừng, đồng thời còn lập ra nhiều am thất để cho chư tăng có nơi tu học.
Hòa thượng Thích Đồng Huy theo dòng truyền thừa Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình Định, nhưng sau này hành đạo tại Bà Rịa Vũng Tàu, Y chỉ Hòa thượng Thích Thiện Hòa nên nương theo ân đức của Hòa thượng ân sư mà đặt tên cho đệ tử theo tự là nam Minh nữ Diệu. Kể từ đó đến nay, gần 100 đệ tử của hòa thượng đều lấy chữ Minh làm chữ đầu.
Các ngôi chùa ở Nghệ An truyền thừa theo Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh
1. Chùa Hà (Phúc Linh tự) – huyện Nam Đàn
Chùa Phúc Linh tọa lạc xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách TP. Vinh khoảng 18km.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, chùa được xây dựng theo hướng chính Nam vào thời Tiền Lê năm thứ 14 (1007, Đinh Mùi), niên hiệu ỨNG THIÊN – do một vị tướng người Nam Định, hiệu Lê Khắc Minh – Đô đốc Trấn thủ tỉnh Nghệ An thời bấy giờ.
Chùa Hà được vua Gia Long sắc phong “Vạn Phúc Linh Tự”. Qua thời gian thăng trầm lịch sử đất nước và biến cố của thời đại, chùa đã mai một xuống cấp trầm trọng chỉ còn lại một nền đất trống.
Đến năm 2011, với mong muốn trùng tu phục hưng ngôi chùa, Phật tử địa phương đã cung thỉnh Đại đức Thích Đồng Tuệ về làm trụ trì.
Đại đức Thích Đồng Tuệ, thế danh Nguyễn Bá Minh, sinh năm 1985, nguyên quán Hà Nội, sinh sống tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Năm 13 tuổi, thầy xuất gia tu học với Hòa thượng thượng Đức hạ Nghi tại Tu viện An Lạc, thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, thuộc đời thứ 9 dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Sau khi được thầy tổ cho đi học qua các trường lớp Phật học, thế học, với tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh, đại đức đã đến Nghệ An y chỉ Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An để dấn thân phụng sự Phật pháp.
Từ khi chính thức trụ trì vào năm 2015, đại đức đã không ngừng kiến tạo xây dựng phát triển ngôi nhà tâm linh chùa Hà (Phúc Linh tự) theo đúng nếp sống thiền môn. Hằng năm, chùa vẫn thường diễn ra những nghi thức tâm linh quan trọng và đặc biệt, mở ra lớp võ miễn phí cho gần 200 em nhỏ trong huyện Nam Đàn mỗi cuối tuần về chùa nâng cao thể lực và trí tuệ.
Mỗi một ngôi chùa hiện hữu trên cuộc đời thì một nhà tù sẽ giảm đi. Và cách thờ tự cũng như sự nghiệp hoằng pháp tu học tại chùa cũng ảnh hưởng rất nhiều từ sự truyền thừa của thầy trụ trì cũng như văn hóa vùng miền. Đại đức luôn mong rằng, hiện tại cũng như tương lai, chùa HÀ sẽ là NGÔI PHẠM VŨ HUY HOÀNG, TÙNG LÂM SÁNG NGỜI, một điểm dừng chân cho tất cả hành giả trở về với cội nguồn chính đạo, tu tâm dưỡng tính, như 2 câu đối mà chư Tổ đã để lại nơi đây:
“Phúc Linh tự trùng hưng vui ý đạo
Phật giáo đồ hưng thịnh với lòng dân”.
2. Chùa Da (Âu Lạc Cổ tự) – TP. Vinh
Chùa Da hay còn gọi là chùa Âu Lạc – một ngôi chùa mang tính văn hóa và lịch sử của thành phố Vinh. Tới nay, nhiều thế hệ người dân làng Lộc Đa vẫn còn lưu dấu trong tâm thức mình về sự hiện hữu của ngôi chùa có tên là Âu Lạc, tên Nôm là chùa Da, tọa lạc tại xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh.
Tương truyền, chùa được xây cất từ thời vua Thành Thái (nhà Nguyễn) khoảng năm 1889-1907, cách nay 141 năm. Trong tán rừng rậm rạp với nhiều loại cây leo hiện nay là nền chùa dấu tích ngôi Tam Bảo, các cụ cao niên thường gọi Phật là Bụt Chùa Da.
Chùa DA nổi tiếng thiêng liêng từ thời xa xưa. Người dân truyền miệng câu châm ngôn “THÁNH ĐỀN TRÌ , BỤT CHÙA DA” để nhắc nhở mọi người phải thành tâm khi đến nơi Phật thánh. Trải qua bao thăng trầm biến cố lịch sử, ngôi chùa chỉ còn dấu tích vòm cây rậm rạp, xanh tốt quanh năm, lưu giữ khí thiêng tín ngưỡng cho tới hôm nay.
Ngày 19/10/2017, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân Phật tử nhiều xã lân cận và quanh xã Hưng Lộc, nhân dân Phật tử đã cung thỉnh Đại đức Thích Đồng Tuệ về kiêm nhiệm trụ trì và tri sự là Đại đức Thích Đồng Bảo, đệ tử của Hòa thượng Thích Đức Nghi thuộc đời thứ 10 dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Đây là ngôi chùa thứ 2, sau chùa Hà (Nam Đàn) nên được gọi là kiêm nhiệm trụ trì, kể từ khi đại đức đặt chân tới Nghệ An hoằng hóa.
Từ đó cho đến nay, dưới sự dẫn dắt tu học của thầy trụ trì và đại đức tri sự, chùa Âu Lạc (chùa Da) đã dần đi vào hoạt động ổn định, thập phương Phật tử quy ngưỡng, sinh hoạt tu tập ngày một đông, tạo nên một không gian văn hóa tâm linh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống tinh thần của người dân xã Hưng Lộc và thành phố Vinh.
Đất Lộc Đa rền vang trống thiêng thời Xô Viết
Chùa Âu Lạc rạng ngời tâm Phật vững đường tu…
3. Chùa Hưng Khánh – huyện Hưng Nguyên
Chùa Hưng Khánh – làng Yên Nậu, tọa ngự về phía Tây Nam làng Yên Nậu xưa (nay là làng Hồng Hà – xã Hưng Thông), cách khu dân cư khoảng 500m. Chùa được xây dựng năm Đinh Hợi, từ thế kỷ nào không rõ. Chỉ biết dòng họ Lê Văn, đông và lâu nhất làng đã phát triển đến nay là đời thứ 18. Nhưng do thời gian trải qua hàng chục thế kỷ, chiến tranh, thiên tai, bão lụt và nhiều lý do khác, chùa đã gần như mai một hoàn toàn.
Di tích văn hóa, qua sưu tầm bút tích và các cụ cao niên trong làng truyền lại bằng miệng, trước cửa chùa có 1 bức hoành đắp 3 chữ Hán to HƯNG KHÁNH TỰ.
Câu đối chữ Hán:
Ly huyễn tưởng, kiệt ái hà kiến hưng khánh tự tính;
Triệt võng tâm, thoát khổ hải nhập bản thể chân như.
Câu đối chữ Nôm:
Trời nở, Đài xuân, gió Á mưa Âu không bụi tục;
Đất chung khí tốt: Hồ sen cảnh đẹp tựa non bồng.
Nhận thấy đây là nơi tâm linh quan trọng của làng nên các bô lão cùng bà con làm hồ sơ phục dựng lại chùa. Vào ngày 28/8/2019, chùa đã được nhà nước công nhận và phục hồi, và thành lập ban hộ tự lâm thời từ đó thỉnh sư về trụ trì.
Đến đầu năm 2019, ban hộ tự đã cung thỉnh Đại đức Thích Đồng Phát về gieo duyên và làm các công tác Phật sự, đến ngày 24/12/2019, đại đức chính thức trụ trì.
Đại đức Thích Đồng Phát, thế danh Huỳnh Nguyễn Ngọc Nam, sinh năm 1992, pháp tự Thông Tấn, pháp hiệu Trí Huệ là đệ tử của Hòa thượng Thích Đức Nghi, Viện chủ Tu viện An Lạc tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đời thứ 10 theo dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Sau thời gian xuất gia tu học, đại đức được sư phụ cho đi học tại các chốn tòng lâm; cuối năm 2015, đại đức nhân duyên về tỉnh Nghệ An theo y chỉ Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An.
Từ khi chính thức trụ trì, đại đức đã chăm lo Phật sự và tiếp tục truyền trì mạng mạch, kiến tạo già lam ngày càng hưng thịnh. Vì để nhớ công ơn và con đường truyền thừa của mình, đại đức lấy pháp danh cho đệ tử xuất gia lấy chữ Vạn theo dòng truyền thừa Lâm Tế Chúc Thánh tỉnh Bình Định, còn đệ tử tại gia lấy chữ Chúc theo dòng Lâm Tế Chúc Thánh tỉnh Quảng Nam.
4. Chùa Bát Nhã – thị xã Hoàng Mai
Chùa Bát Nhã hiện ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Chùa có từ đời nhà Lý nhưng không rõ chính xác niên đại, trải qua bao thời thăng trầm biến thiên của lịch sử chùa chỉ còn lại bia đá được các nhà khảo cổ và Viện Hán Nôm phục hồi.
Đến cuối năm 2015, nhân dân Phật tử địa phương cũng thỉnh Đại đức Thích Minh Cảnh về gieo duyên và hoằng pháp. Tại đây, đại đức có nhân duyên được đảnh lễ và y chỉ Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa TW GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An, và đến năm 2018 thì chính thức trụ trì.
Đại đức Thích Minh Cảnh, thế danh Nguyễn Khoa Nam Phong, sinh năm 1987, nguyên quán Thừa Thiên Huế, nhưng được sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. 07 tuổi có nhân duyên theo xuất gia với HT Thích Đồng Huy tại Tổ đình Vạn Hạnh thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 11.
Trải qua nhiều năm phụng Phật pháp và theo học các lớp thế học cũng như tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Đại đức đã phát nguyện ra mảnh đất Nghệ An để gieo duyên và trụ trì cho đến ngày nay.
Đại đức luôn mong muốn kế thừa và phát triển dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh dù đặt chân đến nơi đâu, nên đã cố gắng hành đạo và hoằng pháp cùng với một số huynh đệ trong tông môn trở về đất Nghệ An để phụng sự cho đạo pháp, dân tộc và báo đền ân đức tổ sư đã khai sáng.
*******
Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Nghệ An hiện nay là sự kế thừa tiếp nối của chư vị tổ sư qua nhiều thế hệ, nhiều pháp phái khác nhau. Vì các chùa hầu như không còn sử sách lưu lại là thuộc tông môn pháp phái nào hay chư vị tổ sư nào đời trước ở đây. Cho nên, từ khi chư vị đại đức thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh về đây đều phải kiến tạo trùng hưng già lam từ mảnh đất trống, và xây dựng môi trường tu học theo sự truyền thừa của thầy trụ trì và văn hóa địa phương.
Với những vị tăng trẻ, nối gót dòng thánh, đã trở về Nghệ An ngày đêm chăm lo Phật sự, mang hạnh nguyện và ánh sáng Phật pháp dấn thân phụng sự lợi đạo ích đời. Duy trì phát triển tông môn pháp phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Nghệ An ngày một hưng thịnh, ấy cũng chính là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, toả ngát hương thiền, đền đáp công ơn sâu dày mà bao đời chư vị tổ sư đã truyền trao.
Nam Mô Lâm Tế Chúc Thánh Đường Thượng Lịch Đại Chư Vị Tổ Sư Thuỳ Từ Chứng Giám.
Đệ tử đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh
Tỷ khiêu Thích Đồng Bảo