Hòa thượng Quảng Hưng với các hoạt động chấn hưng Phật giáo tại Quảng Nam – Đà Nẵng (TS.Dương Thanh Mừng)

          1. Khái quát về cuộc đời và hành trạng của Hòa thượng Quảng Hưng

          Hòa thượng Quảng Hưng (1893-1946), thế danh Trang Văn Trí, sinh ngày 04/04/1893, tại làng Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Trang Văn Lư, pháp danh Chơn Hương và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Chút, pháp danh Chơn Xuân. Năm 13 tuổi, Ngài chính thức xuất gia tại chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và được Hòa thượng Phước Trí ban pháp danh Như Tiến. Năm 1906, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại chùa Từ Quang (Phú Yên) do Hòa thượng Chơn Chánh – Pháp Tạng làm Đàn đầu.

          Mặc dù tuổi còn rất trẻ nhưng ngay từ năm 1909, Ngài đã được các thân hào làng Hải Châu, Đà Nẵng cung thỉnh làm Trị sự chùa Sắc tứ Phước Hải. Năm sau, Ngài được đăng đàn thọ giới Cụ túc với Hòa thượng Vĩnh Gia tại chùa Phước Lâm, Hội An. Năm 1911, Ngài được mời về làm trụ trì chùa Thạch Châu, xã Thạch Thang, Đà Nẵng. Năm 1913, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Chơn Nhẫn – Phước Điền (trụ trì chùa Ngự Kiến, Vĩnh An, Duy Xuyên) và được ban pháp hiệu Quảng Hưng. Cũng trong năm này, Ngài xin Bổn sư vào Nam tham cầu Phật pháp (1).

          Năm 1919, Hòa thượng Tịnh Hạnh khai đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm (Phan Thiết, Bình Thuận), Ngài được cung thỉnh làm Thống sự kiêm Thư kí. Sau khi giới đàn hoàn tất, Ngài đến chùa Linh Sơn Cổ Thạch nhập thất tịnh tu. Tháng 9/1921, Ngài vào Gia Định, sau đó, làm đơn xin lập chùa Thiên Ân tại thôn Chí Hòa. Trong thời gian này, Hòa thượng Diệu Đại (trụ trì chùa Tịnh Độ, Tân Sơn Nhất) khai đại giới đàn đã cung thỉnh Ngài làm Đệ nhị Tôn chứng sư. Năm 1922, Ngài trở về Quảng Nam kiến lập bảo tháp của Hòa thượng Phước Điền đã viên tịch trước đó. Trong Gia phả họ Trang, Ngài viết: “Đến tháng 5 năm Nhâm Tuất niên hiệu Khải Định thứ 7 (1922), tôi 30 tuổi lại trở về bổn tỉnh, làm đơn trình huyện Hòa Vang xin dựng tháp bổn sư là Phước Điền giác linh. Tôi cũng làm đơn bẩm Chánh Công sứ đại thần tòa Đà Nẵng xin lập chùa hiệu là Từ Vân, và nhập tịch vào sổ đinh xã Thạc Gián. Tháng 10 có đơn khánh thành, thiết đại lễ cầu cho các tướng sĩ mộ binh người Nam, và đúc một quả đại hồng chung bằng đồng nặng 112 cân. Đến ngày 13/12, quý Sứ tòa của bổn tỉnh sức khai lý lịch tu hành”(2).

          Ngày 15/2/1926, Hòa thượng Phổ Tế trụ trì chùa Tân Long (Cao Lãnh, Sa Đéc) khai Đại giới đàn và đã cung thỉnh Ngài làm Đệ nhất Tôn chứng sư. Đạo hạnh và uy tín của Ngài ảnh hưởng rất lớn không những đối với Phật giáo mà còn đối với Nam triều cũng như chính phủ bảo hộ Pháp nên vào ngày 19/1/1927, chùa Từ Vân được ban biển nghạch Sắc tứ.

          Ngày 18/2/1928, Ngài làm đơn trình Tỉnh tòa xin mở trường Hương. Đến tháng 6 lại xin mở giới đàn và cung thỉnh Hòa thượng Phước Trí (chùa Linh Ứng) làm đàn đầu, Hòa thượng Lê Phước Thông (chùa Tam Thai) làm Yết ma, Hòa thượng Lê Phổ Minh (chùa Phước Lâm) làm Giáo thọ, Hòa thượng Thích Thiện Quả (chùa Chúc Thánh) làm Đệ nhất Tôn chứng, Hòa thượng Chơn Bổn – Phước Khánh làm Đệ tứ Tôn chứng, cùng với sự tham gia của 10 vị sư ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.

          Ngày 9/11/1933, Ngài được triều đình sắc tứ Tăng cang, ban cho giới đao độ điệp. Năm 1935, lại được Thống đốc Nam Kì cấp bằng Y khoa bào chế. Trong những năm 1938-1939, Ngài được mời tham gia nhiều giới đàn với các cương vị khác nhau như: Chánh Chủ kỳ tại giới đàn chùa Phước Long (Châu Thành, Mỹ Tho, ngày 16/1/1938), chùa Phước Hựu (tổng Hòa Đồng Trung, Gò Công, ngày 15/2/1938), chùa Thiền Lâm (Phan Thiết, Bình Thuận, ngày 9/9/1938), chùa Linh Sơn Trường Thọ (Hàm Tân, ngày 22/1/1939); làm Tuyên Luật sư tại giới đàn chùa Linh Bảo (Tân Thái, Quảng Nam, tháng 4/1938), làm Chánh Chủ sự tại giới đàn chùa Long Thạnh (Bình Điền, Mĩ Tho, ngày 9/2/1939).

          Sau những năm tháng cống hiến không mệt mỏi cho Đạo pháp, Ngài đã viên tịch tại chùa Pháp Bảo, Phan Thiết (do Ngài kiến lập) vào ngày 17/12/1946.

          2. Đóng góp của Hòa thượng Quảng Hưng cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Quảng Nam – Đà Nẵng

          Trước những biểu hiện khủng hoảng và suy yếu của Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX, nhiều tăng ni, Phật tử đã chủ động đề xuất các giải pháp để khắc phục. Ở trong Nam, nhà báo Nguyễn Quân Mục Tiên qua bài viết “Nên chấn hưng Phật giáo nước nhà” đăng trên tờ Đông Pháp Thời báo, số 529, ra ngày 5/1/1927 đã cho rằng, các thức giả trong nước cần mở một cuộc điều tra về tình hình Phật giáo. Từ đó, chấn chỉnh, sửa đổi các sai phạm để xây dựng một tâm thế phát triển mới cho Phật giáo(3). Tiếp đến là sư Thiện Chiếu với một chương trình chấn hưng gồm 3 điểm (lập Phật học báo quán, lập Phật học đường, diễn dịch kinh sách Phật giáo sang chữ Quốc ngữ), và Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh, Sài Gòn) với lời kêu gọi lập Phật học đường, xuất bản báo chí Phật giáo. Ở ngoài Bắc, sư Tâm Lai đã đề xuất một chương trình chấn hưng với 3 điểm (sau nâng lên thành 7 điểm gồm: Lập giảng đàn trong các chùa; Dịch kinh sách Phật giáo từ chữ Hán và chữ Pháp sang chữ Quốc ngữ; Lập thư viện trong các chùa; Lập bên cạnh các chùa một ngôi nhà để nuôi dưỡng những người khó khăn, một ngôi nhà nuôi dưỡng người tàn tật, một nhà phát thuốc cho những người ốm đau; một nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi) và Nguyễn Mạnh Bổng cũng đã đề xuất trên tờ Thực nghiệp Dân báo 4 giải pháp để triển khai hiểu quả công cuộc chấn hưng là chiêu mộ nhân tài, vận động tài chính, đổi mới nhân cách người Phật tử rồi cùng nhau nỗ lực để thực hiện(4).

          Tại miền Trung, những nỗ lực cho quá trình vận động chấn hưng Phật giáo được đánh dấu bằng các hoạt động đào tạo tăng tài. Lúc này ở Huế, Hòa thượng Giác Tiên, Giác Nhiên cùng cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám mở các lớp học tại chùa Trúc Lâm, chùa Tây Thiên; tại Bình Định, Quốc sư Phước Huệ mở các lớp học tại chùa Thập Tháp, chùa Long Khánh; tại Quảng Nam – Đà Nẵng, ngoài các hoạt động của “Bản tỉnh Chư sơn Hội” do Hòa thượng Thiện Quả, Phổ Thoại, Phước Trí,… chủ xướng thì ngài Quảng Hưng cũng đã rất nhiệt tâm trong việc vận động các Tăng Ni, Phật tử, các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo học.

          Để có cơ sở cho việc đào tạo tăng tài, ngày 15/8/1927, Hòa thượng Quảng Hưng làm đơn gửi Công sứ Đà Nẵng là Galtie về việc xin mở Trường Phật học giáo dục tại chùa Từ Vân. Bức thư có đoạn viết: “Bẩm quan lớn Công sứ Tourane. Chùa tôi xin phép cho mấy thầy nhỏ ở chùa được học kinh Phật bằng chữ Quốc ngữ và chữ Tàu, học tập theo đạo Phật, lúc cúng kinh đàn, kèn trống có giảng kinh cho mấy thầy cùng bổn đạo nghe. Dịch kinh Tàu ra chữ Quốc ngữ và bố thí cho kẻ nghèo đến ăn học hoặc người nào có cúng tiền vào trong chùa theo sự học ấy cũng được phép dùng. Các trò nào đã đến học mà không giữ đủ phép thì tôi xin bẩm ngay cho quan lớn xét”(5). Trong gia phả họ Trang, Ngài cũng đã đề cập đến sự kiện này như sau: “Ngày 13/8/1927, có mưa xuống. Ngày 24 tháng này, bàn bạc xin mở trường giáo dục Phật học, bố thí cho con trẻ được theo học. Đến ngày 19/11/1927, có thư của Khâm sứ Trung Kỳ thưởng bội tinh hạng hai kèm theo tờ văn sao lục”(6).

          Sau khi xin mở được trường lớp, Hòa thượng Quảng Hưng tích cực sưu tầm các kinh sách chữ Hán để dịch ra chữ Quốc ngữ, đồng thời, chắt lọc các nội dung quan trọng để xây dựng thành các bài giảng. Các công trình đã được ngài biên soạn để dùng làm tài liệu giảng dạy cho các học tăng trong giai đoạn này có thể kể đến như: “Bác nhã Tịnh tâm”, biên soạn xong và phát hành vào năm 1927, dung lượng 35 trang; “Luật ông thầy chùa”, sách được Tú tài Hàn lâm viện Trần Văn Bích (Quảng Bình) viết lời giới thiệu, sư ông Tâm Lai chùa Bà Đá (Hà Nội) và ông Finot – Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ giám định nội dung. Công trình này biên soạn xong vào năm 1928, có độ dày 216 trang (bao gồm cả phần Hán ngữ và Việt ngữ); “Tịnh độ Khuyến tu”, sách có độ dày 73 trang, biên soạn xong vào năm 1930. Cũng trong năm này, được sự hỗ trợ của vợ chồng chủ kho bạc Đà Nẵng là Hàn Đình Phong, các công trình của Hòa thượng Quảng Hưng đã được nhà in Tiếng Dân (Huế) hiệu đính, xuất bản và phát hành rộng rãi trong cả nước.

          Ngoài việc đề cập đến giới luật cùng cách thức hành trì của người Phật tử, đọc các tác phẩm của Ngài, chúng ta cũng sẽ bắt gặp được nhiều thông tin khá quan trọng liên quan đến các hoạt động chấn hưng Phật giáo tại Quảng Nam – Đà Nẵng. Chẳng hạn như trong “Tịnh độ Khuyến tu” đã đề cập đến những kết quả bước đầu của công tác đào tạo tăng tài tại chùa Sắc tứ Từ Vân như sau: “Mấy năm nay tôi hô hào trên báo chí cũng lắm phen mà họa ứng cũng chẳng thấy hiệu quả gì. Mục đích Phật học ấy cũng là một cơ quan cốt yếu của Phật giáo và cũng có tinh thần có ích cho chúng sinh, đã tu cho mình và cũng phải có lợi cho đạo mới đúng là người thế phát bẩm sư. Vậy nên tôi cũng hết sức tán tâm, tận lực đào tạo cho trẻ con học xong bốn quyển luật chùa và chữ quốc văn cũng dùng được. Năm nay chùa tôi cũng cho thi bằng Tiểu học Yếu lược tại trường nhà nước xứ Đà Nẵng gồm có những người sau đây: Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Tờn (14 tuổi) thuộc làng Mỹ Khê, Nguyễn Văn Khi (13 tuổi) và Nguyễn Văn Khuôn (10 tuổi) thuộc làng Xuân Thiều, Nguyễn Văn Thí (14 tuổi) thuộc làng Ngân Hà. Tôi mong sao các học sinh này đều đạt được kết quả tốt để Phật pháp xứ này sẽ được tăng quang. Còn lại bao nhiêu học sinh thì tôi đều cho tới các tỉnh khác học kinh kệ”(7).

          Cũng trong tác phẩm này, Ngài đã nêu lên những ưu tư và trăn trở của mình khi Phật giáo đang đứng trước những khó khăn và thách thức rất lớn nhưng lại thiếu những tấm lòng thành tâm vì đạo pháp: Tôi dám chắc rằng, phần đông tín đồ đến với Phật giáo là để cầu quả phước cho mình được tai qua, nạn khỏi, được thảnh thơi, được mạnh khoẻ, được thăng tiến trên con đường lợi danh,… chứ ít có ai thật lòng, thật dạ mà đối đãi với cái chủ nghĩa từ bi, bác ái của đức Phật cho tận tâm, tận lực, hoặc nghiên cứu kinh kệ cho tường tận, hoặc nhất tâm quy ngưỡng Phật giáo cho đến cùng. Lại có những hạng người vì quá say mê trong chốn phồn hoa đô hội mà bỏ quên đi bổn phận tu hành; lại có người thị phi bài biếm, thích chia rẽ lương tâm, theo đạo này chê bai đạo nọ, đem một mối tơ duyên Phật tuyến xé năm, xé bảy… Thảm thiết thay đuốc từ bi đã thiếu tay nhen nhóm, thuyền bát nhã không có người quay chèo, đã khổ như thế lại còn thêm ngôn luận thảm binh nên nỗi phải hư danh, chưa có thực dụng. Ôi Phật pháp cao dày, người đời khó thấu, từ xưa tới nay ai cũng lầm tưởng rằng làm theo lẽ cúng lạy bình thường ắt cũng đủ làm cho Phật giáo được vẻ vang. Đâu có ngờ trái ý Phật pháp mà cũng chẳng theo kinh luật gì cả(8).

          Trước những thực trạng đáng buồn như vậy, Hòa thượng Quảng Hưng đã kêu gọi rằng: “Xin những người có chí biết học hành, cùng những người chưa biết chữ, trong lúc này mình đã đầu thai làm một thực thể trong xã hội thì đã có tánh linh, cũng nên tỉnh bớt việc chơi bời, đắm mê theo cuộc phong trần, tửu sắc, tài khí… Nó thật là sông mê, bể khổ lôi cuốn thân xác ta chìm vào, ngấm vào trăm ngàn vạn kiếp, thoát ra chẳng khỏi. Ta đã có tánh linh chắc chắn là sẽ hơn muôn loài, sao ta lại chẳng biết đến những cái khổ ấy mà kinh sợ hay sao. Cảnh thế gian này là một cảnh khổ làm cho ta mê man theo cái khổ ấy thế thì ta cũng nên lần hồi tìm kiếm cái chí tu niệm đạo đức mà giải thoát khỏi cái mê khổ ấy thử có được không”(9). Còn đối với những bậc thiếu niên, nhất là các em học sinh phải cố gắng tu học. Vừa học, vừa tu niệm, vừa thuận thành hiếu thảo sẽ mang lại những hiệu quả và những giá trị vô cùng lớn lao. Nếu không chịu khó chăm lo học hành thì chẳng những cha mẹ buồn rầu mà khi mình lớn lên cũng sẽ trở thành một người dốt nát với đời. Những người nào “hữu chí cánh thành” (có chí thì nên), chăm chỉ học hành, chăm chỉ tu dưỡng, lúc lớn lên sẽ trở thành một người tài đức vẹn toàn. Nếu chỉ là một người thường dân cũng sẽ là một người nhân nghĩa, thuần lương, còn nếu may mắn làm nên được chức trách gì trong xã hội thì cũng sẽ là một người công tư liêm chính, một đời thanh liêm. Cái nhân đức ấy mình đã làm nên được thì ông bà, tổ tiên tất sẽ thêm khoái lạc tiêu diêu, thế gian cũng ca ngợi đó là những người con của các gia đình lương thiện, có giáo dục. Như vậy thì có phải là đáng quý, đáng làm hay không(10).

          Còn trong công trình “Luật ông thầy chùa”, Hòa thượng Quảng Hưng lại nhấn mạnh đến các biện pháp tu tập cùng vai trò của việc trì giới đối với các học tăng. Theo ngài, bất luận người tu hành nào cũng đều phải lấy 5 điều căn bản như sau để làm cội gốc là: 1/Cội chánh tín bền chặt, 2/Cội đạo đức sạch sẽ thuần khiết, 3/Cội tưởng niệm phải ghi lòng, 4/Cội tin cậy hằng giữ, 5/Cội trí tuệ sáng suốt. Đi cùng với 5 điều cội gốc là 5 cái tinh lực cần phải có cho quá trình tu tập: 1/Bằng sức mình cố gắng rèn luyện nhất định sẽ thành công, 2/Bằng sức mình tu dưỡng đạo đức cho thật nhiều, 3/Bằng sức mình xây dựng nên những nguyện vọng lớn, 4/Bằng sức mình nghiên cứu để thấu hiệu mọi căn cơ, mọi phép màu nhiệm của giáo lý, 5/Bằng sức mình hãy phát huy chủ nghĩa từ bi, cứu khổ để giúp đỡ cho các chúng sinh.

          Cùng với các hoạt động chấn hưng tại Quảng Nam và Đà Nẵng, Hòa thượng Quảng Hưng cũng đã nhiều lần vào Nam vừa là để tham gia các sinh hoạt Phật sự, vừa là để tìm kiếm những người bạn cùng chí hướng, ủng hộ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần cho những dự định, ấp ủ lớn lao của mình. Nhận thấy đây là một gương mặt tiêu biểu trong cuộc vận động chấn hưng Phật giáo tại Trung Kỳ, nên ngay khi vừa đến Sài Gòn, phóng viên báo Đông Pháp đã chủ động tìm gặp Ngài để cùng trao đổi thêm về các câu chuyện trong nhà thiền. Ngoài việc đưa ra ý kiến về chương trình chấn hưng của các tăng ni, Phật tử và các nhà trí thức đăng tải trên báo chí đương thời, Hòa thượng Quảng Hưng còn bày tỏ quan điểm riêng của mình về vấn đề này. Theo Hòa thượng, muốn chấn hưng Phật giáo thì phải bắt đầu từ việc thành lập trường học, dạy chữ chữ Quốc ngữ, chữ Hán và dịch thuật kinh sách để làm tài liệu cho quá trình nghiên cứu, tu học. Quan điểm này sau đó đã được báo Đông Pháp, số 455, ra ngày 17/12/1927 đăng tải như sau: “1/Làm trường học tại chùa, rước thầy giáo đến dạy các đạo nhỏ. Trước phải học hai buổi công phu sớm khuya và bốn cuốn luật của nhà chùa (tì ni, sa di, oai nghi, kỉnh sách). Sự học này toàn bằng chữ Quốc ngữ cả. 2/Nuôi người nghèo khổ ăn học cho biết hai thứ chữ Tàu và chữ Quốc ngữ. 3/Dịch kinh Phật ra chữ Quốc ngữ. Trước phải tìm kiếm các bài thơ ca, truyện giảng trong nhà Phật của các bậc tiền bối để lại, đem dịch ra Quốc văn cho bá tính biết tích lớp mà tu hành. Sau sẽ thỉnh các vị cao tăng bác học dịch Đại tạng Chư kinh để truyền bá cho người hữu tâm, rõ nghĩa “Từ bi vô thượng” của đức Như Lai”(11).

          Trong khoảng thời gian từ năm 1935-1936, các hoạt động chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Quảng Hưng càng mạnh mẽ cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Ngoài việc tham gia các giới đàn truyền giới, các sinh hoạt Phật sự ở Quảng Nam – Đà Nẵng và thậm chí là các tỉnh thành ở miền Nam, Hòa thượng còn tích cực cộng tác đối với các tổ chức Phật giáo đương thời. Tổ chức mà Ngài tham gia tích cực nhất chính là Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Thời gian này, Ngài đã củng cố và đưa các quan điểm chấn hưng của mình lên một tầm cao mới. Ngoài việc chăm lo cho công tác giáo dục và đào tạo tăng tài thì việc thành lập một đoàn thể Phật giáo thống nhất, việc đoàn kết tăng ni, Phật tử trong cả nước và đặc biệt là phải đặt phong trào chấn hưng trong mối tương quan với các yêu cầu của sự phát triển xã hội chính là những chủ trương mới của Ngài.

          Trước những ý kiến khác nhau về việc có nên hợp nhất các đoàn thể, tổ chức Phật giáo trong cả nước để tiến đến thành lập Phật giáo Tổng hội hay không, Ngài đã chia sẻ quan điểm rằng: Nghe được tin Nam, Trung, Bắc ba kỳ hiện thời đã tổ chức được nhiều Hội Phật giáo, mục đích là đào tạo nhân tài, xiển dương giáo lý, để bồi đắp nền tảng tư tưởng, tinh thần cho nước nhà và mưu cầu hạnh phúc cho nhân quần xã hội, bần tăng rất lấy làm hoan nghênh, kính phục cái tài, cái lực, cái tâm nguyện siêu quần của các ngài. Nhưng bần tăng thiết nghĩ, ngày nay dù là Việt Nam hay các nước ở phương Đông, phương Tây cần phải thay đổi quan điểm, cách nhìn và cả các phương pháp chấn hưng Phật giáo so với giai đoạn trước đó. Vì trước kia, xã hội thái bình, thịnh trị, nhân dân được sinh hoạt trong bầu không khí êm đềm, khoẻ khoắn, không biết có thiên tai, nhân họa là gì nên Phật giáo được truyền bá một cách hòa bình để bồi đắp thêm tinh thần an vui cho quốc gia, xã tắc. Còn ngày nay là thời đại đầy biến động, nào là bão lụt, thiên tai, nào là chiến tranh, nào là dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của không biết bao nhiêu người. Đó là chưa kể đến sự bài xích, công kích nhau giữa các quốc gia, dân tộc giữa các cá nhân trong xã hội. Có người thì nay lại xướng lên chủ nghĩa này mai lại xướng lên chủ nghĩa khác, làm cho người đời cảm thấy phân tâm, mất phương hướng, không biết đâu là thật, đâu là giả. Có người thì lại tìm cách bài xích đạo Phật, phê phán Phật giáo như một thứ thần quyền với đầy rẫy những thứ hoang đường, mê tín để làm cho lòng tín ngưỡng của quần chúng bị xao lãng, không biết đâu là chỗ quy xu. Lại thêm xã hội hiện thời đang khuynh hướng theo con đường khoa học thực nghiệm. Bất cứ vấn đề gì cũng cần phải được chứng minh, phải có đủ cơ sở thì họ mới chịu tin. Vậy nên muốn thành lập được Phật giáo Tổng hội thì các tổ chức phải chú trọng đến vấn đề này. Cần phải thống nhất về tư tưởng, cách nghĩ, cách làm; phải có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa tuyên truyền và hành động giữa các tổ chức. Nếu không có thực hành, không có những hành động thật sự cụ thể thì các tổ chức Phật giáo chẳng những không phát huy được giáo lý của đức Phật mà cũng không thể biểu thị một cách chân thật những câu chuyện của mình đang nói, những công việc của mình đang làm để dìu dắt người đời vào trong phạm vi Phật giáo được. Để cho người đời thật sự tin tưởng, quý mến đạo Phật thì mỗi tổ chức, mỗi người Phật tử cần phải lấy quan niệm dữ lạc, bạt khổ (đem lại niềm vui, giảm bớt khổ đau) để làm phương châm cho mọi hành động. Bởi theo Hòa thượng: “Các phương pháp dữ lạc, bạt khổ cho chúng sinh trong Phật giáo không thiếu chi cả. Chỉ vì những người chủ trương thành lập Phật giáo Tổng hội không thực hành cái chủ nghĩa đó thôi. Vậy nên xin quý ngài chủ trương Phật giáo Tổng hội ngoài sự đào tạo nhân tài và phổ thông giáo lý cũng nên lập nhà Dục Anh, sở y viện để tỏ lòng bác ái đối với toàn thể quốc dân và cũng để biểu thị cho người đời hiểu rằng quý ngài đang thực hành chủ nghĩa từ bi của Phật giáo”(12.)

          Không chỉ nhiệt tâm vì sự tồn vong của Đạo pháp mà Hòa thượng Quảng Hưng còn tham gia nhập thế một cách tích cực. Điều này được thể hiện rõ qua các sự kiện do Ngài ghi lại như: Tháng 12/1920, nhân dân bị chứng bệnh dịch hoành hành, tôi lại có đơn thỉnh trình đến xã Long Hương phúng kinh cầu an, sau đã yên ổn. Tháng 10/1922, thiết đại lễ cầu an cho các tướng sĩ mộ binh người Nam. Ngày 1/10/1925, trong hạt bị thiên tai, nhân dân bị bệnh mà chết, có đơn bẩm xin phúng kinh một tháng, nguyện cho nhân dân được an bình. Ngày 13/7/1927, bổn tỉnh bị thiên tai đại hạn, ruộng lúa khô cháy, có đơn xin nguyện cầu mưa trong một tháng. Đến ngày 13/8, có mưa xuống… Và khi giữa các tổ chức bắt đầu có những sự bất đồng về đường lối, quan điểm, phương thức thực hiện chấn hưng Phật giáo, Ngài cũng đã lên tiếng kêu gọi các tăng ni, Phật tử hãy đề cao tinh thần lục hòa. Trong bài “Học Phật cần phải hòa bình”, ngài đã viết: Ngày nay cách Phật đã xa, lòng người thay đổi (biếng nhác) đã làm cho nền đạo ngày một suy đồi, phong hóa ngày càng xuống cấp. Người thì mê tài, kẻ mê sắc, người bán lợi, kẻ mua danh, say sưa trong giấc mộng hồn, không hề tỉnh ngộ, chìm đắm giữa dòng tình ái. Than ôi, Phật pháp đã thành ra như vậy, ai là người ưu thời mẫn thế lại chẳng đau lòng, xót dạ lo tìm phương cứu chữa hay sao. Vậy nên các bậc danh y trong tòng lâm mới đem tất cả các dược phẩm trong nhà Phật ra để nghiên cứu và bào chế nên các lớp hoàn tán “Từ Bi” (ý là chỉ Từ Bi Âm của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học), lớp luyện đơn Đuốc Tuệ (cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kỳ), người nấu cao Viên Âm (cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học), người nghiền tán Duy Tâm (cơ quan ngôn luận của Hội Lưỡng Xuyên Phật học)… Mỗi phương thuốc đều có những công dụng riêng để chữa trị cho các chứng bệnh thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ác, dục), ngũ dục (dục vọng, tài sắc, danh, thực, thùy) mà cứu thân bệnh và tâm bệnh cho chúng sinh. Bởi các danh y trong nhà Phật ai cũng dùng Bát chánh, Tứ nhiếp, Lục độ, Thập nhị nhân duyên và Tứ đế, các khoa đó mà tinh chế ra cao đơn, hoàn tán khác nhau; nhưng khác là khác ở cái phương thức áp dụng chứ không phải là phương này hay, phương kia dở. Huống gì trong từng loại thuốc lại có thứ công, thứ bổ, có thứ bổ mà công, có thứ công mà bổ, công với bổ là tuỳ theo bệnh tình. Nếu đúng bệnh thì thuốc nào cũng thấy hiệu nghiệm. Ngặt vì người dùng thuốc tính hay thiên chấp. Hễ người dùng cao đơn thì nhất định nói cao đơn là siêu quần mà xem thường hoàn tán. Còn người dùng hoàn tán thì quyết nâng vai trò của nó cho bằng được mà xem thường cao đơn. Do cái tệ thiên chấp ấy mà đã gây nên bao sự bất bình thật là đau đớn giữa các nhà danh y trong Phật giáo. Tại sao mà Thích tử này lại dám quả quyết như thế? Bởi vì thấy những nhà dùng cao đơn thì lại lấy độc dược mà pha vào hoàn tán, còn những nhà dùng hoàn tán thì lại lấy tiên phẩm mà chế vào cao đơn, rồi đánh trống hô hào, đua danh, cướp lợi, bênh vực phương này cho cao giá trị, đánh đổ thuốc nọ cho mất thanh danh; làm bài xung đột, viết báo phẩm bình, cờ dáo tranh nhau trên trường ngôn luận mà làm cho nhà nghiên cứu phải rộn ràng, cửa đạo thêm bối rối. Thích tử xin những người dụng dược trong tòng lâm nên lấy công tâm mà quan sát, dùng hòa khí mà thi hành, đem tất cả các Phật dược phòng về làm một hội cứu thế, hợp tất cả các thứ cao đơn, hoàn tán lại mà phổ tế cho chúng sinh, đừng sân, đừng si, đừng tranh thắng phụ, đừng trách thị phi thì tự nhiên trời thanh sóng lặng, bốn biển một màu, Phật pháp tăng quang, hòa bình xuất hiện(13)

          Điểm qua một vài hoạt động như đã nêu trên, có thể thấy rằng, Hòa thượng Quảng Hưng chính là một trong những nhân vật tiêu biểu của phong trào chấn hưng Phật giáo tại Quảng Nam – Đà Nẵng. Tính tiêu biểu ở đây được thể hiện qua sự thức thời kêu gọi, vận động chấn hưng, cải cách khi Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng rơi vào khủng hoảng; qua sự nhận thức được những hạn chế có tính căn cốt đã làm suy yếu Phật giáo để từ đó quy tụ lực lượng, chuẩn bị các phương tiện và điều kiện cần thiết để khắc phục; qua việc xác định được những nội dung có tính trọng tâm mà công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Quảng Nam – Đà Nẵng cần phải thực hiện như: Giáo dục và đào tạo tăng tài, Việt hóa kinh sách Phật giáo, chấn chỉnh phương thức tu tập, sinh hoạt truyền thống cho người Phật tử. Và đây cũng chính là những nội dung rất cơ bản mà phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam sau khi được phát động đã tập trung mọi nỗ lực để thực hiện. Một điều thú vị nữa là trong số các nhân vật tiêu biểu cho quá trình vận động chấn hưng Phật giáo miền Trung thì Ngài là nhân vật đầu tiên cụ thể hóa quan điểm, lập trường của mình trên báo chí. Mặc dù đây chỉ mới là những phác thảo bước đầu song nó cũng đủ để minh chứng cho lòng nhiệt tâm của Ngài trước tiền đồ của Đạo pháp.

TS. DƯƠNG THANH MỪNG
Khoa Dân tộc và Tôn giáo,
Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng

 

 

_Chú thích:

1. Về cuộc đời và hành trạng của Hòa thượng Trang Quảng Hưng xin xem thêm Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng chư thiền đức xứ Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 279-288.
2. Đinh Thị Toan (2016), “Hành trạng Thiền sư Thích Quảng Hưng qua gia phả và văn bia chùa Từ Vân”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 247, tr. 12-15.
3. Xem thêm Nguyễn Quân Mục Tiên (1927), “Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà”, Đông Pháp Thời báo, số 529, ra ngày 5/1. tr. 2-4.
4. Tiên Lữ Động Tự (1927), Chấn hưng Phật giáo, Long Quang Ấn quán Hà Nội xuất bản, tr. 79-82.
5. Trang Quảng Hưng (1930), Luật ông thầy chùa, nhà in Tiếng Dân, Huế, tr. 6.
6. “Hành trạng Thiền sư Thích Quảng Hưng…”, Tlđd, tr. 12-15.
7. Trang Quảng Hưng (1930), Tịnh độ khuyến tu, nhà in Tiếng Dân, Huế, tr. 7-8.
8. Tịnh độ khuyến tu, Tlđd, tr. 7-8.
9. Tịnh độ khuyến tu, Tlđd, tr. 18-19.
10. Tịnh độ khuyến tu, Tlđd, tr. 24-25
11. Trang Quảng Hưng (1927), “Việc chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ”, báo Đông Pháp, số 455, ra ngày 17/12.
12. Trang Quảng Hưng (1935), “Chư phương lai cảo: Vài ý kiến đối với Phật giáo Tổng hội”, Tạp chí Từ Bi Âm, số 96, tr. 35-36.
13. Trang Quảng Hưng (1936), “Chư phương lai cảo: Học Phật cần phải hòa bình”, Tạp chí Từ Bi Âm, số 103, tr. 35-37.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trang Quảng Hưng (1927), “Việc chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ”, báo Đông Pháp, số 455, ra ngày 17/12.
2. Trang Quảng Hưng (1930), Luật ông thầy chùa, nhà in Tiếng Dân, Huế, tr. 6.
3. Trang Quảng Hưng (1930), Tịnh độ khuyến tu, nhà in Tiếng Dân, Huế, tr. 7-8.
4. Trang Quảng Hưng (1935), “Chư phương lai cảo: Vài ý kiến đối với Phật giáo Tổng hội”, Tạp chí Từ Bi Âm, số 96, tr. 35-36.
5. Trang Quảng Hưng (1936), “Chư phương lai cảo: Học Phật cần phải hòa bình”, Tạp chí Từ Bi Âm, số 103, tr. 35-37.
6. Nguyễn Quân Mục Tiên (1927), “Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà”, Đông Pháp Thời báo, số 529, ra ngày 5/1. tr. 2-4.
7. Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng chư thiền đức xứ Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
8. Đinh Thị Toan (2016), “Hành trạng Thiền sư Thích Quảng Hưng qua gia phả và văn bia chùa Từ Vân”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 247, tr. 12-15.
9. Tiên Lữ Động Tự (1927), Chấn hưng Phật giáo, Long Quang Ấn quán Hà Nội xuất bản.