Những đóng góp của Hòa thượng Thích Quảng Đức đối với xã hội và Phật giáo (ĐĐ.Thích Viên Trí)

          Trong số những thiền sư Trung Hoa du phương hoằng hóa có Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo dừng chân tại Hội An, Quảng Nam, khai sơn chùa Chúc Thánh, xuất kệ truyền thừa; lập nên Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Kể từ khi Tổ Minh Hải – Pháp Bảo lập giáo tính đến nay đã hơn 300 năm lịch sử với 12 – 13 đời truyền thừa. Cùng đồng hành trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, các thế hệ Tăng nhân của dòng thiền Chúc Thánh đã có nhiều đóng góp đáng kể cho sự phát triển đạo pháp và dân tộc; là một trong những thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại, và tương lai sau này.

          Hòa thượng Thích Quảng Đức thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh; là người đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo và xã hội. Tiêu biểu là phong trào đấu tranh Phật giáo 1963.

          Cuộc đời Hòa thượng Thích Quảng Đức

          Hòa thượng Thích Quảng Đức, sanh năm 1897, tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Tên thật là Lâm Văn Tuất, pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp, pháp hiệu Quảng Đức. Ngài nối pháp đời thứ 42 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 9 của pháp phái Chúc Thánh.

          Năm lên 7 tuổi, Ngài được song thân cho xuất gia học đạo, thọ giáo với Hòa thượng Như Đạt; là cậu ruột của Ngài. Hòa thượng Như Đạt tự là Giải Nghĩa, hiệu Hoằng Thâm, nối pháp đời 41 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 8 thiền phái Chúc Thánh. Hòa thượng Như Đạt xuất gia ở tuổi trung niên nhưng “sự tinh tấn tu tập của Ngài không ai bì kịp”1.

          Năm 15 tuổi, Ngài thọ Sa di.

          Năm 20 tuổi, thọ Tỳ kheo và Bồ tát giới.

          Sau khi thọ giới, Ngài ở tu ba năm tại núi Ninh Hòa. Sau đó, Ngài tu hạnh đầu đà, một mình với chiếc bình bát đi hóa đạo khắp nơi, rồi về nhập thất tại chùa Thiên Ân (Ninh Hòa).

          Năm 1932, chi hội An Nam Phật học tỉnh Ninh Hòa thỉnh Ngài làm chứng minh đạo sư. Giáo hội Tăng già Trung Việt mời Ngài làm chức Kiểm Tăng tại Khánh Hòa2. Trong thời gian hành đạo tại miền Trung, Hòa thượng đã trùng tu và kiến tạo được 14 ngôi chùa.

          Theo một số nguồn tài liệu như cuốn 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam (sa môn Thích Thiện Hoa soạn), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam (Thích Đồng Bổn biên soạn) cho biết năm 1943, Hòa thượng vân du vào Nam hóa đạo tại các tỉnh: Sài Gòn, Gia Định, Bà Rịa, Long Khánh, Định Tường… rồi Ngài đến Nam Vang 3 năm nghiên cứu kinh điển Pali. Nhưng theo nghiên cứu của Giáo sư Lê Mạnh Thát thì cho rằng năm 1945, Hòa thượng Quảng Đức mới vân du vào Nam. Lê Mạnh Thát đã căn cứ vào 14 văn kiện về Bồ tát Quảng Đức đề cập về quãng thời gian hoạt động Phật sự 15 năm tại Khánh Hòa của Hòa thượng Quảng Đức trước lúc vào Nam. Văn kiện ngày 8 tháng 4 năm Bảo Đại thứ 19 (1944) có đoạn viết: “Đồng ưng thuận nhượng đất công hoang như sau… Cứ theo lời tường của Ngài Lâm Tuất, Kiết ma Hòa thượng hiệu Quảng Đức, trú trì chùa Sắc tứ Linh Sơn…”3.

          Năm 1953, Giáo hội Tăng già Nam Việt mời Ngài làm Trưởng ban Nghi lễ, đồng thời lãnh nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt.

          Năm 1958, Ngài xin thôi mọi chức vụ để có đủ thì giờ an tâm tu niệm. Tuy nhiên, vốn có tâm từ bi nên Ngài vẫn vân du nhiều nơi để hành đạo, khi thì chùa Quan Âm ở Gia Định, lúc lại trở về Khánh Hòa, dùng mọi phương tiện thích ứng hướng dẫn hậu sanh mê mờ quay về chánh đạo.

          Phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963

          Hòa thượng Quảng Đức được sanh ra và trưởng thành trong giai đoạn đất nước bị các thế lực Tây phương nhòm ngó và chiếm đóng. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, đất nước Việt Nam bị chia ra làm hai miền Bắc – Nam. Năm 1960-1963, Phật giáo Việt Nam đi vào khúc quẹo lịch sử, đó là những vụ đàn áp đẫm máu do Tổng thống Ngô Đình Diệm gây nên: “Đối với dân gian từ năm 1954 đến năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm đã giết chết, bắt giam, tra tấn Phật giáo đồ”4. Chính sách kỳ thị tôn giáo ngày càng rõ rệt và khắc nghiệt, cố ý bóp méo tinh thần mộ đạo Phật của nhân dân Việt Nam.

          Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc qua bao cuộc thịnh suy, vậy mà “lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có những người dám cả gan đứng ra trừ diệt Phật giáo”5. Ngày 10/5/1963, tín đồ Phật giáo Việt Nam đưa ra năm nguyện vọng: “Lệnh cấm giáo kỳ phải được thu hồi, thứ hai Phật giáo phải được đối xử bình đẳng,.., thứ năm…”6. Nguyện vọng trên được bổ túc bằng những phụ đính, phụ trương nhưng vẫn không được thực thi. Có thể thấy rằng, Phật giáo trước chính sách kỳ thị của chính quyền Ngô Đình Diệm còn dừng lại trong khuôn khổ thỉnh cầu chế độ giải quyết chứ chưa ra mục tiêu và phương pháp đấu tranh cụ thể7. Mọi việc diễn ra trong im lặng: “Im lặng là một phương thức rèn luyện ý chí, là đưa những uất hận lắng sâu vào tận tâm can…những xót xa mà anh em ta đã phải chịu”8.

          Phong trào từ Huế đã lan vào Sài Gòn và lan rộng ra toàn miền Nam. Bản Tuyên ngôn ngày 10/5/1963, khẳng định năm nguyện vọng của Phật giáo và khẳng định đường lối đấu tranh bất bạo động: “Với tính cách ôn hòa, bất bạo động, kỷ luật trong sự tranh đấu hợp lý, người Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam phải có một ý niệm sáng suốt, tiêu biểu ý niệm chơn chánh…”9. Ngày 25/5/1963, Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo được thành lập. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn, nó thể hiện sự thống nhất ý chí và lực lượng của Phật giáo.

          Để đấu tranh cho năm nguyện vọng trong bản Tuyên ngôn, ngày 30/5/1963, các cấp lãnh đạo sáu tập đoàn Phật giáo đồng tuyệt thực trong 48 tiếng.

          Ngọn lửa từ bi và trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức

          Sanh ra và trưởng thành, hành đạo trong bối cảnh đất nước như vậy, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã thấu tỏ được thực trạng mà đất nước và Phật giáo đang phải gánh chịu. Ngày 11/6/1963, sự kiện Ngài Thích Quảng Đức tự thiêu đã làm chấn động thế giới: “Cả thế giới ngơ ngác, bàng hoàng hướng mắt nhìn về Việt Nam và cúi đầu thán phục”10. Ngài đã “coi nhẹ thân mình, đã tìm một cái chết thảm thương nhất, để thức tỉnh nhân tâm, cảnh cáo chính quyền và bảo vệ chánh đạo… chịu nạn để cứu khổ cho muôn dân…”11. Ngài khuyên Ngô Đình Diệm “nên lấy lòng nhân từ, khoan dung đối với nhân dân và thực hiện chính sách bình đẳng tôn giáo”12. Hòa thượng Quảng Đức đã thấu rõ chân lý: “Chánh pháp là ngọn đuốc thần soi sáng thế nhân, còn thân ngũ uẩn chỉ là giả tạm”13. Ngọn lửa mỗi lúc mỗi bốc lên cao, khói tỏa mờ mịt, Hòa thượng vẫn ngồi yên, gương mặt của Ngài như ngời lên một thứ ánh sáng kỳ diệu, phi thường “lửa từ bi, bác ái, bình đẳng, tự do” khiến cho những kẻ trần tục đang đắm chìm trong bến mê cũng thấy lòng mình phút chốc siêu thoát, bay bổng lên chốn cao vời, lồng lộng của miền Cực lạc.

          Hòa thượng Quảng Đức đã mở đường, là người tiên phong trong vấn đề lấy thân mình cúng dường Chánh pháp, đòi bình đẳng cho Phật giáo Việt Nam, để từ đó có bao lớp thế hệ đã noi gương lấy thân mình làm ngọn đuốc bảo vệ chánh pháp. Những ngọn lửa tự thiêu bùng lên đòi công bằng tôn giáo, ngọn lửa “đã vượt qua biên giới quốc gia làm rung chuyển lòng người khắp trái đất, không phân biệt màu da, tôn giáo”14.

          Với sức nóng 4.0000C mà vẫn không thể nào đốt cháy được trái tim của Bồ tát Quảng Đức. Trái tim bất diệt ấy đã nêu bật tinh thần yêu chuộng hòa bình tự do và bình đẳng nhưng cũng bất khuất trước cường quyền và áp bức.

          Sau ngọn lửa Thích Quảng Đức, dư luận quốc tế đã lên tiếng về sự hy sinh của Thích Quảng Đức “là một trạng thái mới lạ và huyền ảo của bất bạo động… Sức chịu đựng của một cá thể đối với mọi ức chế đàn áp chính trị độc tài thật vô biên”15. Và… ngày 1/11/1963, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.

          Kết luận

          Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc qua bao biến cố. Khi đạo Phật cắm rễ vào tâm hồn dân tộc Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò hộ quốc an dân. Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ năm 1963 đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước, quyết tâm đấu tranh đến cùng để bảo vệ những giá trị tâm linh dân tộc của toàn dân. Tinh thần đoàn kết tất cả các tổ chức Phật giáo, giữa các thiền phái không phân biệt Nam Bắc đã góp phần to lớn trong cuộc tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo, tạo tiền đề đi đến cuộc vận động thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

          Trái tim Thích Quảng Đức vẫn còn mãi theo thời gian, tinh thần từ bi nhẫn nhục trước cường quyền của Phật giáo đã thức tỉnh được trái tim nhân loại. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngài đã tôn tạo được 31 ngôi tự viện, ghi dấu sâu đậm với người dân Sài thành với Tổ đình Quan Thế Âm. Để ghi nhớ công hạnh của Ngài, sau khi Giáo hội Phật giáo Thống nhất ra đời đã đồng thanh quyết nghị suy tôn Ngài Pháp vị Bồ tát.

ĐĐ THÍCH VIÊN TRÍ

 

 

_Chú thích:

1. Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông, tr. 368.
2. Lê Mạnh Thát, Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức, Nxb. Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr. 7.
3. Lê Mạnh Thát, Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức, sđd, tr. 51.
4. Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm biên soạn, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 476.
5. Lịch sử Phật giáo xứ Huế, sđt, tr. 10.
6. Tuệ Giác, Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử, Nxb. Hoa Nghiêm ấn hành, 1964, tr. 232.
7. Lê Cung (chủ biên), Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945- 1975), Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 109.
8. Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945-1975), sđt, tr. 231.
9. Quốc Tuệ, Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam từ Phật đản đến Cách mạng 1963, tr. 95.
10. Quốc Oai (biên soạn), Phật giáo tranh đấu, Nxb. Tân Sanh, Sài Gòn, 1963, tr. 60.
11. Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam từ Phật đản đến Cách mạng 1963, sđd, tr. 104.
12. Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam từ Phật đản đến Cách mạng 1963, sđd, tr. 106.
13. Phật giáo tranh đấu, sđd, tr. 59.
14. Phật giáo tranh đấu, sđd, tr. 179.
15. Phật giáo tranh đấu, sđd, tr. 93.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Như Tịnh, Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế ChúcThánh, Nxb.
2. Tuệ Giác, Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử, Nxb. Hoa Nghiêm ấn hành, 1964.
3. Quốc Tuệ, Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam Từ Phật Đản Đến Cách Mạng 1963, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964.
4. Quốc Oai biên soạn, Phật Giáo Tranh Đấu, Nxb. Tân Sanh, Sài Gòn,1963.
5. Nam Thanh, Cuộc Tranh Đấu Lịch Sử Của Phật Giáo Việt Nam.
6. Trương Văn Chung chủ biên, Nhìn Lại Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963, Nxb. Phương Đông, 2013.
7. Lê Mạnh Thát chủ biên, Bồ Tát Quảng Đức Ngọn Lửa Và Trái Tim, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2005.
8. Nguyễn Kỳ Nam, 83 Năm Nước Pháp Với Việt Nam Đã Mấy Lần Ký Hiệp Ước, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2016.
9. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập III, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1994.
10. Nguyễn Đại Đồng, Biên Niên Sử Phật Giáo Miền Bắc (1920-1953), Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2008.

11. Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm biên soạn, Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001.
12. Thích Hải Ấn – Lê Cung, Cuộc Vận Động Của Phật Giáo Việt Nam Năm 1963 Qua Tài Liệu Của Các Cấp Phật Giáo, Nxb. Thuận Hóa,2013.
13. Lê Cung chủ biên, Tinh Thần Nhập Thế Của Phật Giáo Việt Nam (1945-1975), Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2019.
14. Lê Cung, Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Việt Nam 1963, Nxb. Thuận Hóa, 2008.
15. Lê Cung, Năm Mươi Năm Nhìn Lại Phong Trào Phật Giáo Miền NamViệt Nam, Nxb. Đại học Huế, 2013.
16. Hoành Linh Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, Hồi Ký Chính Trị, Hoa Kỳ 1993.
17. Nhiều tác giả, 1963 – 2003, Bốn Mươi Năm Nhìn Lại, Giao Điểm, 2003.
18. Nguyễn Hiền Đức, Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong, Tập I, Nxb. Thành Phố, 1995.
19. Lý Nhân, Trần Lệ Quyên Thăng Trầm Quyền – Tình, Nxb. Công An Nhân Dân, 2018.
20. Thích Thiện Hoa soạn, 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam, Tập I, Viện Hóa Đạo xuất bản, 1970.
21. Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo Và Hạnh Phúc Con Người, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2002.
22. Thích Phước Sơn, Tính Chất Trí Tuệ Và Nhân Bản Của Đạo Phật, Thiền viện Vạn Hạnh xuất bản, 2013.
23. Hồng Quang, Vài Nét Về Phật Giáo Tây Phương Để Suy Nghĩ Về Mười Vấn Đề Cấp Thiết Của Phật Giáo Việt Nam.
24. Lê Mạnh Thát, Một Số Tư Liệu Mới Về Bồ Tát Quảng Đức, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006.
25. Chủ nhiệm Thích Diệu Không, Liên Hoa Nguyệt San, Số Đặc Biệt Tái Ngộ, Thái Độ Của Chúng Ta, in tại nhà in Liên Hoa, Tp. Huế, 30/11/1963.
26. Nhóm Giáo sư, Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn Chủ Trương, Sử Địa, Tập 6, Nhà Sách Khai Trí bảo trợ, 1967.