Mấy ý kiến xung quanh về Tổ Minh Hải – Pháp Bảo và Bảo tháp của Ngài cùng phần mộ Song Thân (ThS.Trương Đức Quang)

          Có phải Ngài Minh Hải – Pháp Bảo đã phải rời chùa Chúc Thánh, trốn lên núi Thiên Ấn ở Quảng Ngãi, đổi tên họ và pháp danh: Ở chùa Chúc Thánh có pháp danh là “Pháp Bảo” họ Lương, vào núi Thiên Ấn đổi pháp danh là “Pháp Hóa” và đổi thành họ Lê? Có phải vì chữ “Thượng vọng”, nên có người cho rằng bảo tháp ở chùa Chúc Thánh là tháp vọng – tháp để tưởng nhớ Tổ sư Minh Hải chứ bên dưới không có nhục thân của ngài?

          Theo Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, thì Sơ Tổ Thiền phái Chúc Thánh sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất 1670, tại làng Thiệu An, huyện Đông An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình, anh là Lương Thế Bảo, em là Lương Thế Định. Ngài xuất gia lúc 9 tuổi, tròn 20 tuổi được đăng đàn thọ Cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo, nối pháp đời thứ 34 dòng Lâm Tế theo bài kệ truyền pháp của ngài Tổ Định – Tuyết Phong: “TỔ ĐẠO GIỚI ĐỊNH TÔNG/ PHƯƠNG QUẢNG CHỨNG VIÊN THÔNG/ HẠNH SIÊU MINH THIỆT TẾ/ LIỄU ĐẠT NGỘ CHƠN KHÔNG”1… Sau 49 năm hoằng dương Phật pháp, xuất kệ lập tông, ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần 1746, ngài thâu thần thị tịch, trụ thế 77 tuổi.

          Tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi)?

          Trong cuốn sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức, NXB TP Hồ Chí Minh, ấn hành năm 1995, có một số chi tiết về Tổ Minh Hải – Pháp Bảo làm cho không ít người quan tâm đến lịch sử phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong có chút băn khoăn. Theo Nguyễn Hiền Đức, “Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam, là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều và theo Tổ sư qua Đàng Trong, vào khoảng năm 1692-1694, đã phải rời chùa Chúc Thánh, trốn lên núi Thiên Ấn ở Quảng Ngãi, đổi tên họ và pháp danh: Ở chùa Chúc Thánh có pháp danh là “Pháp Bảo” họ Lương, vào núi Thiên Ấn đổi pháp danh là “Pháp Hóa” và đổi thành họ Lê”.

          Lịch sử cho biết “Thiên Ấn niêm hà” (Dấu trời đóng bên sông) là tên bài thơ đã được Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), danh tướng đồng thời là danh sĩ đời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và Định vương Nguyễn Phúc Thuần, lúc giữ chức Tuần vũ Quảng Ngãi đã làm thơ ngợi ca là một trong mười cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi. Và dân gian đã góp phần làm cho cảnh đẹp chùa Thiên Ấn được lung linh hơn: Ông thầy đào giếng trên non/ Đến khi có nước không còn tăm hơi.

          Chuyện kể rằng, ngày ấy khi khai sơn, vị sư trụ trì đi tìm nguồn nước và chọn được vị trí đào giếng để có giếng nước ngọt, trong như ngày nay. Ngài đào sâu những khoảng 20 thước thì gặp phải tảng đá. Ai cũng khuyên ngài bỏ, tìm nơi khác. Nhưng ngài tin vào định lực của Phật pháp, tin vào đạo hạnh của mình, quyết tâm khơi nguồn mạch. Với ngài, khơi nguồn mạch nước này cũng giống như khơi nguồn mạch đạo. Và niềm tin của ngài được chứng quả. Chẳng bao lâu, tảng đá chắn ngang chưa thủng hết mà nguồn nước trong ngọt từ mach nước ngầm dưới lòng đất cứ tuôn trào. Hơn 300 năm trôi qua, nguồn nước ấy không bao giờ cạn. Và ông thầy được nhân dân Quảng Ngãi ghi khắc trong tâm, đưa vào ca dao ấy là vị Tổ khai sơn chùa Thiên Ấn.

          Theo Nguyễn Hiền Đức, “Chùa Thiên Ấn được ngài Phật Bảo – Pháp Hóa, thế danh Lê Duyệt, người tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc đến khai sơn khoảng thập niên cuối cùng của thế kỷ XVII. Năm Bính Thân 1716, chùa được Quốc chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu ban ngạch Sắc tứ Thiên Ấn tự. Chùa Thiên Ấn qua nhiều đời trụ trì, nhưng chỉ có 6 đời trụ trì được chư sơn suy tôn là Lục Tổ Thiên Ấn. Đó là các ngài Phật Bảo – Pháp Hóa, Thiệt Úy – Khánh Vân, Toàn Chiếu – Bảo Ấn, Chương Khước – Giác Tánh, Ấn Tham – Hoằng Phúc, Chơn Trung – Diệu Quang.

          Chùa Thiên Ấn qua nhiều lần trùng tu, song vẫn giữ được nét cổ kính thâm u một ngôi già lam của núi Ấn sông Trà. Qua các thời kỳ chiến tranh, cổ vật nơi đây thất lạc khá nhiều, nhưng vẫn còn đó quả chuông thời tổ Toàn Chiếu – Bảo Ấn hồi tiền bán thế kỷ XIX, cổng Tam quan được kiến tạo từ thời Tổ Ấn Tham – Hoằng Phúc hồi đầu thế kỷ XX”.

          Trong Lục Tổ Thiên Ấn không có Tổ Minh Hải – Pháp Bảo, dù trong cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nguyễn Hiền Đức có đưa ra những cứ liệu lịch sử thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu để chứng minh suy luận của mình là có cơ sở. Nếu chi tiết trên của Nguyễn Hiền Đức đưa ra là đúng, thì Tháp Tổ khai sơn chùa Thiên Ấn và Tháp Tổ khai sơn chùa Chúc Thánh là một. Như vậy, tháp nào là tháp có nhục thân, tháp nào là tháp vọng?

          Theo Đại đức Thích Như Tịnh, trụ trì chùa Viên Giác (Hội An), tác giả cuốn sách Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh (NXB Phương Đông, 2009), thì thiền sư khai sơn chùa Thiên Ấn thuộc đời 35 dòng Lâm Tế, có pháp danh Phật Bảo, tự là Pháp Hóa, thế danh Lê Duyệt. Trên bia tại chùa Thiên Ấn có ghi rõ: “Tự Lâm Tế chánh tông tam thập ngũ thế Pháp Hóa húy thượng Phật hạ Bảo hòa thượng chi tháp”. Như vậy, vị Tổ sư khai sơn chùa Thiên Ấn thọ giáo theo bài kệ của ngài Mộc Trần – Đạo Mân: “ĐẠO BỔN NGUYÊN THÀNH PHẬT TỔ TIÊN/ MINH NHƯ KIỂU (HỒNG) NHỰT LỆ TRUNG THIÊN/ LINH NGUYÊN QUẢNG NHUẬN TỪ PHONG PHỔ/ CHIẾU THẾ CHƠN ĐĂNG VẠN CỔ HUYỀN”2… và có thể là đệ tử của ngài Minh Lượng – Thành Đẳng tại chùa Vạn Đức ở Hội An – khai sơn cùng thời với chùa Chúc Thánh. Còn vấn đề Thiền sư Thiệt Úy – Khánh Vân, đệ tử Tổ Minh Hải kế thế Thiền sư Phật Bảo – Pháp Hóa trụ trì chùa Thiên Ấn cũng là tự nhiên. Bởi vì, việc hoằng hóa Phật giáo xứ Đàng Trong ở giai đoạn ấy, hầu hết chư Tăng chưa có sự phân biệt rõ ràng là theo dòng Lâm Tế Đạo Mân hay Lâm Tế Chúc Thánh, hay Tào Động, hay Liễu Quán… Các ngài đều xem như huynh đệ một nhà. Vì thế, Thiền sư Thiệt Úy sau khi thọ giáo với Tổ Minh Hải ở chùa Chúc Thánh, về quê nhà tại Mộ Đức (Quảng Ngãi) lập chùa Thiên Phước. Sau khi ngài Phật Bảo viên tịch, vì không có đệ tử kế thừa, nên ngài Thiệt Úy được chư sơn cử đến kế vị trụ trì chùa Thiên Ấn, tiếp tục khêu ngọn đèn chánh pháp. Từ đó, pháp kệ của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo được truyền thừa nơi đây và phát triển sâu rộng khắp Quảng Ngãi. Và chùa Thiên Ấn trở thành Tổ đình của Thiền phái Chúc Thánh ở Quảng Ngãi.

          Từ cứ liệu ấy, chúng tôi cho rằng Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo và Tổ sư Phật Bảo – Pháp Hóa là hai và Tổ Minh Hải – Pháp Bảo không phải là người khai sơn Tổ đình Thiên Ấn. Như vậy, nhục thân của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo ở ngay bảo tháp của ngài tại chùa Chúc Thánh (Hội An).

          Có người cho rằng, ngài Phật Bảo – Pháp Hóa chưa hẳn là người Hoa, bởi pháp danh Phật Bảo là huynh đệ với các ngài Phật Thuyết – Tường Quang (kế thế trụ trì chùa Vạn Đức, Hội An) và Phật Ý – Linh Nhạc (kế thế trụ trì chùa Đại Giác ở Biên Hòa và khai sơn chùa Từ Ân ở Sài Gòn). Và qua những cứ liệu trên, chúng ta có thể khẳng định ngài Phật Bảo – Pháp Hóa là Tổ khai sơn chùa Thiên Ấn và không phải Tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh, Sơ Tổ Thiền phái Chúc Thánh hiện nay.

          Bảo tháp Tổ Minh Hải – Pháp Bảo và phần mộ song thân của Ngài ở chùa Chúc Thánh không có nhục thân?

          Trên bảo tháp của Tổ Minh Hải – Pháp Bảo, phía bên phải có dòng chữ: “Tịch Ư Bính Dần Niên Thập Nhất Nguyệt Sơ Thất Nhật – Chi Nhật – Như Ngữ Hiệp Chung Thượng Vọng Sáng Tạo”. Phải chăng vì chữ “Thượng vọng”, nên có người cho rằng chính đây là tháp vọng – tháp để tưởng nhớ Tổ sư Minh Hải chứ bên dưới không có nhục thân của ngài?

          Thắc mắc này của chúng tôi, được Đại đức Thích Như Tịnh đồng thuận, bởi chính thầy cũng từng có nghĩ như thế. Thầy Như Tịnh nói: “Hai chữ “Thượng vọng” ấy cũng đã làm chúng tôi băn khoăn, bởi việc này không thể hiểu theo chủ quan của mình, dù có cơ sở vững chắc. Chúng tôi đã dành thời gian tham khảo ý kiến của nhiều bậc tôn túc. Hồi năm 2009, chúng tôi gặp Hòa thượng Thích Nhật Tu, trụ trì chùa Thảo Đường ở quận 6 – TPHCM. Sau khi đọc kỹ bản sao văn bia, hòa thượng giải thích về hai chữ “Thượng Vọng” như sau: “Thượng vọng đây là chỉ cho rằm tháng Giêng theo cách nói của người Trung Hoa xưa. Phong tục người Hoa chia một năm ra làm ba tiết: Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên. Vì thế, ngày rằm tháng Giêng còn gọi là Thượng vọng; Rằm tháng bảy gọi là Trung vọng; rằm tháng 10 là Hạ Vọng. Ngoài ý nghĩa trông xa ngưỡng vọng thì chữ 望 (vọng) ở đây còn có nghĩa là ngày rằm, Thượng vọng là “Rằm tháng Giêng”. Như vậy dịch đúng nghĩa cụm từ “Thượng vọng sáng tạo” là: Tạo lập vào rằm tháng Giêng”.

          Bảo tháp của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo ở phía trước chùa Chúc Thánh, Hội An, Quảng Nam hiện nay được trùng tu năm 1991. Tháp cao 7 tầng, nền tháp rộng lớn, tấm bia trên đá là lấy lại tấm bia của tháp cũ.

          Tháp cũ cao 3 tầng, xung quanh có lan can rất đẹp, cổ kính. Tháp mới hoành tráng hơn, nhưng nét cổ kính của tháp cũ không giữ lại được. Đó cũng là điều rất tiếc đối với những người quan tâm đến công tác bảo tồn di sản.

          Chếch về phía bên trái trước tháp Tổ chừng 10m có một ngôi mộ với hai tấm bia. Tấm bia bên trái của mộ ghi: “Đồng An, Hiển Khảo Đôn Hậu Lương Khảo Quân Chi mộ”. Bên phải bia ghi: “Thời tại Canh Tý Thập Nhị Ngoạt Tịch Đán”. Bên trái ghi: “Nam, Thế Bảo, Thế Ân, Thế Định lập thạch”. Tấm bia bên phải của mộ ghi: “Đồng An, Hiển Tỷ Lương Môn Chánh Phối Thụy Thục Thận Trần Nhu Nhân Mộ”. Bên trái của bia ghi: “Tân Mùi Trọng Xuân Cát Đán”. Bên phải của bia ghi: “Nam Thế Ân lập thạch”. Đây là ngôi mộ ông Lương Đôn Hậu và bà Trần Thục Thận, thân phụ và thân mẫu của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo. Theo những người lớn tuổi ở Quảng Nam, thì thường thường người ta hay an trí hài cốt của cha mẹ trước mộ tháp của người con được hiển đạt, tức có danh vọng hoặc đức độ, nên càng khẳng định Tháp Tổ ở chùa Chúc Thánh có nhục thân của ngài Minh Hải – Pháp Bảo. Nhưng ngôi mộ song thân của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo ở chùa Chúc Thánh có hài cốt hay chỉ là mả vọng?

          Năm lập bia là năm Tân Mùi, vậy đó là năm 1691 hay năm 1751, tức 5 năm sau khi ngài Minh Hải viên tịch? Chúng tôi nghĩ, năm Tân Mùi 1691 đúng hơn, bởi lúc đó ngài còn tại thế mới ghi: “Nam Thế Ân lập thạch” được. Ngôi mộ song thân của Tổ Minh Hải – Pháp Bảo ở chùa Chúc Thánh, chúng tôi đồ rằng, sau ngày ngài viên tịch, có đệ tử nào đó của ngài có dịp “về nguồn”, đến viếng mộ song thân của ngài rồi chép lại bia mộ đem về “phục dựng” như là việc “báo hiếu” với Tổ sư; chứ năm Tân Mùi 1751, thì hai ông Lương Thế Bảo và Lương Thế Định nếu còn sống cũng chẳng đủ sức mà đưa hài cốt của song thân từ Phước Kiến sang Hội An. Vả lại, việc di dời hài cốt song thân không phải là chuyện đơn giản đối với người phương Đông, nhất là những người đã có con cháu như anh và em trai của ngài, bởi con cháu ở đâu thì ông bà ở đó, nhất là nơi chôn nhau cắt rốn.

          Quan niệm của người Minh Hương, ngoài nơi chôn nhau cắt rốn thì ở nơi nào cũng là đất khách (người Việt Nam cũng gọi những người Minh Hương là Khách). Do vậy, khi qua đời, linh cữu của họ luôn được con cháu đặt quay đầu vào trong (người Việt Nam thì đặt quay đầu ra ngoài). Lý giải điều này, nhiều người Minh Hương cho rằng vì là khách nên lúc đứng dậy là bước ra, về cố quận với ông bà, còn người Việt Nam là chủ nhân cuộc đất nên lúc đứng dậy thì đi vào nhập với bàn thờ tổ tiên. Vì thế, chúng tôi tin phần mộ song thân của Ngài Minh Hải – Pháp Bảo chỉ là mả vọng, nghĩa là không có nhục thân.

          Qua hội thảo lần này, chúng tôi rất mong muốn nghe thêm nhiều ý kiến khác để góp phần làm phong phú cho cuộc sống những người muốn tìm hiểu về Sơ Tổ Thiền phái Chúc Thánh – thiền phái được xuất kệ truyền thừa trên mảnh đất này./.

ThS TRƯƠNG ĐỨC QUANG

 

 

_Chú thích:

1. Tỳ kheo Thích Xương Tâm, Thế thứ truyền thừa các tông phái Phật giáo, NXB Tôn giáo, H, 2019, trang 14.
2. Thế thứ truyền thừa các tông phái Phật giáo, sđd, trang 21.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009.
2- Tỳ kheo Thích Xương Tâm, Thế thứ truyền thừa các tông phái Phật giáo, NXB Tôn giáo, H, 2019.