Người đầu tiên viết Lịch sử truyền thừa Thiền phái Chúc Thánh (Vu Gia)

          Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là công trình đầu tiên viết về lịch sử một dòng thiền ở Việt Nam, và là công trình đầu tiên viết về lịch sử truyền thừa dòng thiền Chúc Thánh khá đầy đủ và có chất văn.

          Năm 2012, thầy Thích Như Tịnh tặng tôi cuốn sách “Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh”, in bìa cứng, khổ lớn, hơn 560 trang, khá đẹp và sang trọng. Bìa 4, có trích lời giới thiệu của Thiền sư Lê Mạnh Thát, gây ấn tượng trong tôi: “Tôi nhận thấy đây là một công trình quý giá, sẽ mở đầu cho các công trình về sau đối với các dòng thiền khác, đồng thời thể hiện tâm nguyện không chỉ tri ân của Đại đức đối với các tổ sư đời trước, mà còn nỗi niềm lo lắng cho tương lai của Đạo pháp những thế hệ tiếp theo”…

          Một công trình quý giá

          Đại đức Thích Như Tịnh, thế danh Lý Thuần Tâm, sinh năm 1976 tại Hội An, thọ Tỳ kheo giới tại chùa Ấn Quang TP. Hồ Chí Minh năm 1998. Đại đức Thích Như Tịnh là thế hệ thứ 8 của dòng Thiền Chúc Thánh. Qua những năm tháng tu học, thầy trăn trở: “Kể từ khi Tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai tong lập giáo, tính đến nay dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua 300 năm lịch sử với 12 đời truyền thừa. Qua ngần ấy thời gian có mặt trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, các thế hệ Tăng nhân của dòng thiền Chúc Thánh đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Đạo pháp và Dân tộc. Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại.

          Thế nhưng, từ trước đến nay đa phần các nhà viết sử Phật giáo hầu như không đề cập đến dòng thiền này. Nếu có chăng cũng chỉ trích dẫn bài kệ của Tổ Minh Hải – Pháp Bảo cho có lệ”1.

          Đúng như thế! Những người viết lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ Thích Mật Thể đến Nguyễn Lang, Vân Thanh, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Hiền Đức,… đều viết tổng quan, sử lược, sử yếu là chính, không ai đi sâu vào từng dòng thiền có mặt tại Việt Nam. Tôi nghĩ, để viết lịch sử truyền thừa từng dòng thiền, ngoài việc thu thập văn bản, xử lý văn bản, còn phải nghiên cứu và cân nhắc một cách kỹ càng những sử liệu để sử dụng cho hợp tình hợp lý, cho đúng với sự thật lịch sử của từng dòng thiền trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác điền dã cũng quan trọng không kém và không đơn giản chút nào. Chính vì lẽ đó mà các dòng thiền ở Việt Nam chưa có ai viết lịch sử truyền thừa của tông môn mình. Hết đời này đến đời khác, không ít những Phật tử xuất gia cũng như tại gia dường như chỉ… nghe nói như thế… như thế… Nhưng đến năm cuối cùng của thập niên đầu thế kỷ XXI, NXB Phương Đông ấn hành cuốn “Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh” của Thích Như Tịnh, được Thiền sư Lê Mạnh Thát tác giả của hàng chục công trình nghiên cứu Phật giáo có giá trị, trong đó có bộ “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” (3 tập, NXB Tổng hợp TPHCM, 2006), vui mừng cho rằng “đây là một công trình quý giá, sẽ mở đầu cho các công trình về sau đối với các dòng thiền khác”.

          Mong muốn của Thích Như Tịnh khi nghĩ và tiến hành sưu tầm tư liệu, xử lý tư liệu, đặt bút viết công trình này,… chỉ nhằm:

          “1. Thẩm định lại hành trạng của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo cũng như quá trình khai sơn Tổ đình Chúc Thánh để tránh những hiểu lầm suy luận không căn cứ khi viết về Ngài; đồng thời đưa ra một số tồn nghi để các giới nghiên cứu sử lưu tâm tìm hiểu về Tổ sư khai sơn thiền phái Chúc Thánh.

          2. Phác họa lại quá trình hình thành và phát triển của dòng Lâm Tế Chúc Thánh, để từ đó khẳng định lại vị trí lịch sử của dòng thiền này trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ở quá khứ, hiện tại cũng như trong tương lai.

          3. Làm sáng tỏ những đóng góp tích cực, tầm ảnh hưởng của Tăng nhân Chúc Thánh trong các lĩnh vực xã hội từ trước đến nay, đồng thời nêu rõ vai trò lịch sử của chư Tăng trong các phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước và sự tự do bình đẳng tôn giáo.

          4. Xác lập sự truyền thừa từ Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo cho đến các thế hệ hiện nay”2.

          Là người viết hơn chục công trình nghiên cứu văn học và lịch sử địa phương (địa chí), tôi thấy 4 tiêu chí trên nếu được thực hiện tốt thì chắc chắn sẽ đưa đến người đọc một công trình nghiên cứu về lịch sử truyền thừa một dòng thiền khá hoàn hảo.

          Có ích cho người đọc mọi thời

          Chỉ lướt qua phần “Chánh truyền trực hệ Thích Ca Mâu Ni Phật”, người đọc đã thấy thú vị. Phần này, Thích Như Tịnh cho người đọc biết khái quát tiểu sử, hành trạng từ vị Tổ thứ nhất: Tôn giả Ma ha Ca Diếp cho đến vị Tổ thứ 71: Sơ Tổ Thiền phái Chúc Thánh Minh Hải – Pháp Bảo, rồi tiếp đến chư Tổ của Thiền phái Chúc Thánh.

          Qua 100 trang đầu của cuốn sách “Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh” của Thích Như Tịnh, người đọc nắm vững cơ bản lịch sử truyền thừa Phật giáo sau thời Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. Điều này, tôi tin không phải tăng ni nào cũng biết, Phật tử tại gia nào cũng biết. Và ở đời, điều gì không biết thường hay nghĩ sai dẫn đến nói sai, lâu dần sẽ lệch lạc.

          Qua lịch sử truyền thừa Phật giáo sau thời Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, tuy ngắn gọn, song tôi học được nhiều điều. Chẳng hạn, tôi đã có đôi ba lần viết rằng đến thời Phật Thích Ca Mâu Ni, người phụ nữ được giải phóng, có quyền như nam giới, nghĩa là được quyền đi tu và cũng thành Phật, v.v. Thế nhưng qua “lý lịch trích ngang” của vị Tổ thứ 2: Tôn giả A Nan, tôi mới biết “Đến khi đức Thế Tôn lớn tuổi cần người thị giả thì Ngài được đại chúng cử làm thị giả cho Đức Phật suốt 25 năm. Ngài là người đứng ra xin Đức Thế Tôn cho nữ giới được được xuất gia. Giáo đoàn Tỳ kheo ni được hình thành cũng là nhờ công đức của Ngài”3.

          Nói về kinh điển Đại Thừa, ai cũng nhắc đến Ngài Long Thọ, nhưng qua cuốn sách của Thích Như Tịnh với những dòng “lý lịch trích ngang” các vị Tổ, tôi biết thêm Ngài Long Thọ là vị Tổ thứ 14. Và ngài sáng tác được nhiều kinh sách như thế, chính là nhờ “Ngài chu du nhiều nước tìm học các môn thiên văn, địa lý, toán số, sấm ký và các học thuật của ngoại đạo”4. Ông cha ta cũng từng dạy: “Có bột mới gột nên hồ”, kiến văn hẹp thì làm nên tích sự gì. Tấm gương học và hành của Ngài Long Thọ, các tu sĩ Phật giáo có được mấy người theo?

          Trước năm 1975, ở miền Nam, nhiều người trong lớp trẻ chúng tôi hướng về chủ nghĩa xã hội với suy nghĩ đơn giản: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng. Công bằng như thế, không yêu, không hướng về sao được. Một anh bạn nương nhờ cửa Phật trốn lính học ở Đại học Vạn Hạnh, cho biết kinh Phật cũng dạy: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (Một ngày không làm, một ngày không ăn). Đúng là những tư tưởng lớn thường gặp nhau! Sau ngày giải phóng, các tu sĩ Phật giáo tham gia khai hoang vỡ hóa và lòng vui với câu kinh này, tôi càng thấy đạo Phật không phải đạo yếm thế như suy nghĩ của một số người. Nay, qua cuốn sách của thầy Như Tịnh, tôi biết đó là pháp ngữ của vị Tổ thứ 36: Thiền sư Bách Trượng – Hoài Hải (720-814).

          Đến đời thứ 38, Thiền sư Lâm Tế – Nghĩa Huyền (787-867), hội đủ cơ duyên xuất kệ truyền thừa, khai tổ tông Lâm Tế. Mãi đến đời thứ 21 Tông Lâm Tế, Thiền sư Vạn Phong – Thời Ủy (1303- 1381), đủ điều kiện “dọn ra ở riêng”, xuất kệ truyền pháp với bài kệ: “Tổ đạo giới định tông…”, và Ngài Minh Bảo – Pháp Hải thọ giới theo dòng thiền này.

          Nói chung, qua gần 100 trang của”Chương I – Chánh truyền trực hệ Thích Ca Mâu Ni”, trong cuốn Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của Thích Như Tịnh, đã giúp tôi nắm vững cơ bản lịch sử truyền thừa đạo Phật, không còn ú ớ, ậm ừ cho qua chuyện như trước đây. Với tôi, chương này có ích cho người đọc mọi thời.

          Hiểu và hành sánh ngang

          Đến nay, Thiền Phái Chúc Thánh truyền thừa được khoảng 12-13 đời, nhưng để nói về tiểu sử, hành trạng của chư Tổ, tôi tin chắc các đệ tử xuất gia cũng như tại gia, phần lớn đều… ngắc ngứ. Do vậy, muốn viết được lịch sử truyền thừa, ngoài việc xử lý tốt văn bản hiện tồn, buộc người viết phải có thực tế điền dã, chứ không thể ngồi rung đùi, uống trà mà viết được. Chuyện này, nếu thiếu năng lực, thiếu tâm huyết thì không thể làm được.

          Bài kệ truyền pháp của dòng thiền Chúc Thánh được các đệ từ Ngài Minh Bảo – Pháp Hải, nương theo đó răn mình:

 

             “Minh thiệt pháp toàn chương

   Ấn chơn như thị đồng

         Chúc Thánh thọ thiên cửu

    Kỳ Quốc tộ địa trường

      Đắc chánh luật vi tuyên

      Tổ đạo giải hành thông

Giác hoa bồ đề thọ

              Sung mãn nhân thiên trung”

 

          Nguyễn Lang dịch:

        “Hiểu thấu đạo chân thực

     Ấn Chân Như hiện tiền

       Cầu Thánh quân tuổi thọ

       Chúc đất nước vững bền

    Giới luật nêu trước tiên

Giải và Hạnh nối liền

Hoa nở cây giác ngộ

                  Hương thơm lừng nhân thiên”5.

 

          Bản dịch của Thích Như Tịnh:

    “Thấu thật pháp, toàn bày

    Hợp chân như chẳng hai

         Nguyện đạo Phật bền vững

Cầu vận nước lâu dài

  Giới luận làm nền tảng

       Hiểu và hành sánh ngang

Cây giác ngộ hoa nở

                Trời người hương ngập tràn”6.

 

          Trong quá trình điều tra điền dã, dựa vào tư liệu các chùa còn lưu lại, Thích Như Tịnh cho biết Hòa thượng Ấn Bổn – Tổ Nguyên – Vĩnh Gia (1840-1918) thường căn dặn hàng môn đồ rằng: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, nếu phá giới phải hoàn lại y bát, ra khỏi già lam, để cho trong đục rõ ràng, tà chánh phân minh. Có vậy nước Thiền định mới khai thông, đèn Tri giác thêm sáng tỏ…”7. Hoặc Hòa thượng Ấn Lan – Tổ Huệ – Từ Trí cũng là người tinh nghiêm giới luật. Thích Như Tịnh viết: “Sự trì giới và khổ hạnh của Ngài đã được một ký giả người Pháp tên Albert De Marbre viết lại trong cuốn Les Montagnes (Ngũ Hành Sơn), như sau: “Nhưng tôi biết vị Tăng cang Lư (thế danh của Ngài là Nguyễn Viết Lư – VG) có lần đã ngã quỵ với khoản tiền lương và chế độ ăn uống này. Vị sư phải nhờ bệnh viện Hội An điều trị, năm 1920, chứng suy dinh dưỡng khiến nhà tu chịu đựng hết nổi. Dù giải thích thế nào, viện dẫn lý lẽ ra sao, vị trưởng lão già nua vẫn không muốn vượt ra ngoài giới luật nghiêm cấm dùng mọi thức ăn có nguồn là động vật như sữa, trứng, mỡ, nước mắm, ngay cả thịt và cá”8.

          Bây giờ, người đọc còn nhớ đến Ngài, vì Ngài đã để lại cho đời cuốn “Ngũ Hành Sơn Lục”. Nói như Thích Như Tịnh: “Đây là cuốn sách rất có giá trị về mặt lịch sử, bổ ích cho những ai để tâm nghiên cứu về lịch sử văn hóa và Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn”9.

          Với tâm niệm theo bài kệ truyền pháp của Ngài Minh Hải – Pháp Bảo: “Hiểu và hành sánh ngang”, nhiều đệ tử của Ngài đã thực hiện rất tốt. Hòa thượng Như An – Giải Hòa – Huyền Quang, để lại cho đời một số tác phẩm: “Thiên môn chánh độ, Sư tăng và thế nhân, Nghi cúng chư Tổ và chư vị Cao tăng, Đạo tràng công văn tân soạn, Thiếu thất lục môn, Phật pháp hàm thụ, Pháp sự khoa nghi, Nghi thức cúng giao thừa, Phật pháp áp dụng trong đời sống hằng ngày, v.v.”10; Hòa thượng Toàn Nhật – Vi Bảo – Quang Đài “là người đa văn quảng bác, ngay lúc sinh tiền Tổ Diệu Nghiêm cũng đã từng để cho Ngài thay Tổ giảng kinh luật cho đại chúng. Phần lớn trong những lần khắc bản in những tác phẩm của Tổ sư Diệu Nghiêm đều có sự tham gia san định chứng nghĩa của Ngài Toàn Nhật – Quang Đài.

          Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài là một trong những vị để lại nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm nhất. Hiện tại, chúng ta còn biết một số tác phẩm của Ngài rất có giá trị như: Hứa Sử Truyện Vãn, Tham Thiền Vãn, Thiền Cơ Yếu Ngữ Vãn, v.v.”11. Khi làm “Toàn tập Toàn Nhật – Quang Đài”, Lê Mạnh Thát nhận xét: “Toàn Nhật là một trong những nhà văn, nhà thơ lớn của lịch sử văn học dân tộc ta, là một nhà tư tưởng có những quan điểm độc đáo đầy sáng tạo đối với lịch sử tư tưởng Việt Nam”12; Hòa thượng Thị An – Hành Trụ – Phước Bình “có công lớn trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài và truyền thừa chánh pháp qua việc phiên dịch, ấn hành nhiều kinh luật phổ biến với các tác phẩm để lại: Sa-di luật giải, Quy Sơn cảnh sách, Tứ phần giới bổn như thích, Phạm Võng Bồ tát giới, Kinh A Di Dà sớ sao, Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên, Kinh Hiền Nhân, Kinh Trừ Khủng Tai Hoạn, Tỳ kheo giới kinh, Khuyến phát Bồ đề tâm văn, Long Thơ Tịnh Độ, Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư, Nghi thức lễ sám, Kinh Thi Ca La Việt, Sự tích Phật giáng thế”13; Hòa thượng Như Thiện – Giải Năng – Hoàn Quan, “- Về Kinh có: Thập thiện nghiệp đạo, Bát đại nhân giác, Tứ thập nhị chương kinh, kinh Di giáo, Kinh Viên giác. Năm bộ kinh này được tổng hợp thành một tập gọi là Phật tổ ngũ kinh. – Về Luật có: Luật Trường Hàng gồm Tỳ-ni, Sa-di, Oai nghi, Cảnh sách và diễn ra văn vần dễ đọc dễ hiểu. – Về Luận có: Tu tập chỉ quán tọa thiền pháp yếu, Hiển mật viên thông tâm yếu thành Phật, Tam thập tụng luận. – Về Hán văn có: Giáo trình Hán văn văn phạm cương yếu, Tân học quốc văn, v.v. – Về Nghi lễ: Ngài để tâm sưu tập, biên soạn tập Nghi lễ rất công phu và đầy đủ”14; Hòa thượng Đồng Phước – Thông Bửu – Viên Khánh, có những tác phẩm; “Đại thừa Diệu pháp Liên hoa giảng luận (2 tập), Phổ Môn giảng luận, Phật pháp căn bản, 25 bài giảng Phật pháp, Quản trị học Phật giáo, 36 pháp điều thân, Giảng sư bảy đức tính ưu việt, Truyện ngắn triết lý Phật giáo bằng tranh, Thi phẩm Từng giọt ma ni”15, v.v…

          Đạo cũng như đời

          Quan niệm tứ đại đồng đường, ngũ đại đồng đường, thậm chí cửu đại đồng đường của thời xa xưa đã đi vào dĩ vãng. Cả trăm năm qua, những bậc làm cha làm mẹ ở xứ ta đều chuẩn bị cho con cái ra riêng sau khi thành gia lập thất. Những ngày hôm nay, ai có con cái ra riêng đều được đánh giá gia đình ấy có phước. Sau khi con cái thành gia lập thất mà có đủ tài đủ lực để tách rời gia đình lớn dọn ra riêng, không bám vào cha mẹ mà không phải gia đình ấy có phước thì sao mới được gọi là có phước? Nếu con cái không đủ tài đủ lực để dọn ra riêng thì bản thân con cái và cha mẹ chỉ biết than vắn thở dài. Phần lớn những gia đình như thế, chắc chắn suốt ngày “Cõng cực chạy bỏ lên non/ Còng lưng mà chạy, cực còn đuổi theo” (ca dao).

          Soi chiếu vào giới tu hành, tôi nghĩ đạo cũng như đời. Và chỉ qua hơn 300 năm, Sơ Tổ Thiền phái Chúc Thánh Minh Hải – Pháp Bảo, đã có không ít đệ tử xuất kệ truyền pháp, nghĩa là họ “đủ tài đủ lực để dọn ra riêng”, thế là mừng. Thích Như Tịnh, tác giả cuốn Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, cho biết Hòa thượng Ấn Chánh – Tổ Tông – Huệ Minh xuất bài kệ truyền pháp: “Chánh Pháp Trung Diệu Lạc/ Vật Trực Tà Kiến Mê/ Cổ Kim Đa Hiền Thánh/ Giải Liễu Tức Bồ Đề”16. Hòa thượng Chơn Giám – Trí Hải, khai sơn chùa Bích Liên, Bình Định, cũng có xuất một bài kệ truyền pháp 40 từ: “Chơn Ngọc Hồng Sơn Chiếu/ Trừng Châu Bích Hải Viên/ Lý Minh Trí Tánh Diệu/ Trí Mật Ngộ Tâm Huyền…”17. Ngài Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm có xuất một bài kệ truyền pháp 80 từ: “Pháp Toàn Chương Bổn Tánh/ Phật Hiện Ấn Tâm Quang/ Vũ Hóa Hàm Linh Chủng/ Đồng Sinh Thượng Thanh Hương…”18. Hòa thượng Pháp Tạng với bài kệ truyền pháp: “Chư Pháp Bổn Lai Như/ Như Như Như Thị Pháp/ Khứ Lai Sinh Diệt Tận/ Liễu Ngộ Tức Bồ Đề”19. Hòa thượng Thanh Chánh – Phước Tường với bài kệ truyền pháp: “Tổ Phật Tâm Ân Bất Vong Pháp Nhũ/ Hộ Trì Tam Bảo Phật Truyền Diệu Tâm/ Thế Thế Sanh Sanh Như Phật Tổ Học/ Như Thị Tôn Trọng Khâm Mạng Hành Trì”20, v.v.

          Thế nhưng không phải vị nào xuất kệ truyền pháp cũng được nối đời, sinh cành ra lá. Theo Thích Như Tịnh, bài kệ truyền pháp 80 từ của Ngài Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm, “về sau, hàng đệ tử của Ngài lại tiếp tục truyền thừa theo bài kệ của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo chứ không truyền theo bài kệ này”21.

          Nhìn chung, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là công trình đầu tiên viết về lịch sử một dòng thiền ở Việt Nam, và là công trình đầu tiên viết về lịch sử truyền thừa dòng thiền Chúc Thánh, khá đầy đủ và có chất văn. Tôi đồ rằng nhiều tham luận dự hội thảo lần này, chủ yếu dựa vào công trình nghiên cứu của Thích Như Tịnh mà triển khai ý tưởng của người viết, chứ không mấy ai biết trong hàng ngàn ngôi chùa trên đất nước này, ngôi chùa nào là chùa của Thiền phái Chúc Thánh, cũng không mấy ai biết rõ bước chân hoằng hóa của các thiền sư dòng phái Chúc Thánh hơn 300 năm qua. Tôi tin không phải vì tình riêng mà Thiền sư Lê Mạnh Thát khẳng định: “Tôi nhận thấy đây là một công trình quý giá, sẽ mở đầu cho các công trình về sau đối với các dòng thiền khác”22. Đọc qua hơn 560 trang cuốn Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của Thích Như Tịnh, tôi thấy sự thật là như thế!

VU GIA

 

 

_Chú thích:

1. Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009, trang 19.
2. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 25-26.
3. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 28.
4. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 40.
5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học, H, 2011, trang 594.
6. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 114.
7. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 163.
8. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 166-167.
9. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 167.
10. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 314.
11. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 345.
12. Dẫn theo Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 346.
13. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 448-449.
14. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 455.
15. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 458.
16. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 219.
17. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 322.
18. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 356.
19. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 372.
20. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 374.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học, H, 2011.
2- Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009.