Phật học đường Long Sơn Nha Trang còn gọi là Tăng học đường Nha Trang, theo một số nhà nghiên cứu, thì vốn là đứa con chính thống thừa tự đạo nghiệp từ Đại học đường Kim Sơn (Huế) truyền lại, ra đời khai giảng vào tháng 10- 1952, với năm học đầu tiên được thực hiện từ tháng 10 năm 1952 đến tháng 1 năm 1954…
Còn Tu viện Nguyên Thiều (Phật học viện Nguyên Thiều) là một trụ xứ rộng lớn, gồm cả Phật đường (Chùa) và Phật học đường, tọa lạc tại khu đất trảng khá rộng, bên dưới chân Tháp Bánh Ít (Tháp Bạc) thuộc thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, được thành lập vào năm 1958 (27- 9-1958), khóa học đầu tiên của Phật học viện Nguyên Thiều gồm có đến 84 Tăng sinh, được khai giảng vào ngày 6 tháng 3 năm 1961…
Và Tăng xá Phước Huệ là danh xưng của một trụ xứ nhỏ được xây cất tạm trong khuôn viên của chùa Hưng Long, thuộc quận 11, Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, đã tập hợp hầu hết số lượng Tăng sinh người Bình Định, hiện đang theo học đại học và trung học tại Sài Gòn ngày ấy, quy tụ về đấy để nội trú, sinh hoạt từ giữa năm 1965 đến đầu năm 1968 thì giải thể.
Nói “Từ Phật học đường Long Sơn – Nha Trang (Khánh Hòa) đến Tu viện Nguyên Thiều (Bình Định) và Tăng xá Phước Huệ (Sài Gòn)” là chúng tôi muốn nói đến, muốn nhắc tới, cụ thể là xin thành kính tưởng nhớ đến người đã từng đảm nhận chức vụ Giám đốc Phật học đường Long Sơn – Nha Trang trong một hoàn cảnh lịch sử rất là đặc biệt, xin thành kính tưởng nhớ đến người đã sáng lập và bảo trợ cho cả hai trụ xứ lớn nhỏ vừa nêu trên. Đó là Đại Lão Hòa thượng Huyền Quang (1920-2008), một người con Phật ưu tú của xứ Bình Định thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, một bậc danh Tăng xuất chúng của Phật giáo Việt Nam hậu bán thế kỷ XX, đã có những đóng góp lớn trong Phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo miền Nam đòi hỏi sự công bằng về tôn giáo (1963-1964), nhất là đã dành hơn nửa đời người của mình cho sự nghiệp Giáo dục Phật giáo, cho sự nghiệp thành lập, điều hành Phật học viện, góp phần đào tạo Tăng tài, phát huy những nhân tố tích cực nơi các thế hệ Tăng Ni sinh trẻ giúp họ vững bước trên con đường tu học.
Theo tác phẩm Chư Tôn Thiền Đức và Cư Sĩ Hữu Công của Phật Giáo Thuận Hóa, Tập 2. (Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn biên soạn, Nxb Tổng hợp TP HCM, 2011) và Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh (Thích Như Tịnh biên soạn, Nxb Phương Đông, 2009) chúng tôi xin được giới thiệu tóm tắt về hành trạng của Hòa thượng Huyền Quang (1920-2008), cùng với những liên hệ, những gắn bó nơi ba trụ xứ như đã nêu:
1. Hòa thượng Huyền Quang (1920-2008), thế danh Lê Đình Nhàn, sinh ngày 19-9-1920, tại thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình cư Nho mộ Phật. Năm 15 tuổi, xuất gia đầu Phật với Hòa thượng Chơn Đạo, được Pháp danh là Như An, Pháp tự là Giải Hòa. Năm 17 tuổi, tức sau 2 năm Hòa thượng Chơn Đạo viên tịch, Hòa thượng Huyền Quang lại cầu pháp với Hòa thượng Chơn Giám – Trí Hải (1876-1950) trụ trì chùa Bích Liên, được pháp danh là Ngọc Tân, pháp tự là Tịnh Bạch, pháp hiệu là Huyền Quang.
Từ năm 1938-1945, Hòa thượng Huyền Quang theo học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên – (Trà Vinh: 1938-1941), sau đấy thì ra Huế học tiếp tại Phật học đường Báo Quốc (1942-1945). Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (1946), Hòa thượng tham gia vào việc thành lập Hội Phật giáo Cứu quốc Liên khu 5, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Hiệp định Genève 1954, chia đôi đất nước, đã khiến cho Hòa thượng Huyền Quang, lúc này được xem là một trong số chư vị Thượng tọa ưu tú của Phật giáo miền Trung thêm lo lắng về nội lực cần có của Phật giáo Bình Định nói riêng, Phật giáo cả miền Nam nói chung, để ứng phó với hoàn cảnh mới. Do đấy, Hòa thượng Huyền Quang đã liên hệ và nhất trí với Hòa thượng Giác Tánh (1911-1987) bấy giờ là trụ trì chùa Hưng Long (An Nhơn, Bình Định) sau thời gian làm Giáo thọ tại Phật học đường chùa Phổ Đà (1938-1942) của Hội Đà thành Phật học (Đà Nẵng) tạo phương tiện để đưa số lượng Tăng sinh Bình Định đã từng theo học tại Phật học đường Hưng Long (1943-1945, 1946-1954) vào Nha Trang để có điều kiện tu học tiếp. Như vậy là vào đầu năm 1955, “Hòa thượng Huyền Quang đã hướng dẫn đoàn Tăng sinh Bình Định vào Phật học đường chùa Long Sơn – Nha Trang gồm 12 vị, đó là quý Hòa thượng Đồng Thiện, Đỗng Minh, Đỗng Quán, Đồng Từ, Tâm Hiện, Liễu Không, Nguyên Trạch, Đỗng Tánh, Từ Hạnh, Thiện Nhơn, Thiện Duyên và Tâm Lâm” (Chư Tôn Thiền Đức… Tập 2, Sđd, tr. 468). Nhưng theo bài viết: “Tìm hiểu giáo dục Phật giáo Bình Định từ Phong trào Chấn hưng Phật giáo đến nay” của Đại đức Thích Nhuận Huệ (In trong: Trường Trung cấp Phật học Bình Định – Tu viện Nguyên Thiều: Kỷ yếu 25 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, 2017), căn cứ theo Hồi ký của Tăng sinh Giác Tuệ, thì số lượng Tăng sinh Bình Định ngày đó cùng đi vào Nha Trang là trên 20 vị – tức ngoài 12 vị kể trên, còn thêm: Nguyên Hồng, Như Cầu, Như Bửu, Như Kế, Thành Ký và 3 vị lớp trẻ là Giác Tuệ (Trần Nguyên Sanh), Thiện Trí (Võ Phi Thiên) và Sư cô Hạnh Nghiêm (Võ Thị Mười). “Cả đoàn đã đi bộ từ chùa Hưng Long vào đến Tuy Hòa rồi mới lên xe vào Nha Trang, tới chùa Long Sơn lúc 5 giờ chiều ngày 10-11-1954…” (Tài liệu đã dẫn, trang 60).
Và chư vị Tăng sinh này sau ngày tốt nghiệp khóa học (1957), nhất là sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời (12-1-1964) đã lần lượt đảm nhận các Phật sự chủ yếu, tạo thêm sinh khí mới cho guồng máy hoạt động của Giáo hội Phật giáo miền Trung càng khởi sắc.
2. Hoạt động Phật sự của Hòa thượng Huyền Quang từ năm 1955 đến cuối đời có thể chia làm 2 thời kỳ chính: Thứ nhất là thời kỳ từ năm 1955 đến cuối tháng 4-1975 ở miền Nam và Thứ hai là thời kỳ sau ngày đất nước thống nhất cho đến cuối đời (2008).
a. Về thời kỳ thứ nhất thì có thể phân làm 4 gian đoạn: Giai đoạn 1955-1957. Giai đoạn 1958-1963. Giai đoạn 1963-1964 và Giai đoạn 1965-1975.
* Giai đoạn 1955-1957: Theo tác giả Thích Nhuận Huệ nơi bài viết đã nêu dẫn ở trên thì “Tăng học đường Nha Trang (sách Chư Tôn Thiền Đức… Tập 2, gọi là Phật học đường Long Sơn Nha Trang) ra đời, khai giảng vào tháng 10 năm 1952. Ban Giám đốc niên khóa đầu (10-1952 – 1-1954), gồm có Hòa thượng Thiện Minh (1922-1978) làm Giám đốc. Hòa thượng Huyền Tân (1911- 1979) làm Phó Giám đốc. Từ năm thứ hai trở đi thì số lượng Tăng sinh theo học ở đây tăng lên khá nhiều, do có đoàn học tăng từ Bình Định mới vào nhập học. Ban Giám đốc mới gồm: Hòa thượng Thiện Minh (1922-1978) làm Cố vấn. Hòa thượng Huyền Quang (1920-2008) làm Giám đốc. Hòa thượng Viên Giác (1912-1976) làm Phó Giám đốc. Các chức vụ Thủ chúng, Phó Thủ chúng, Ủy viên, Thư ký đều do các Tăng sinh Bình Định đảm nhiệm. Chương trình học gồm: Kim Cang Giảng Luận, Bát Thức Quy Củ, Kinh Duy Ma, Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Nhơn Minh Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận… Dịch thuật, Diễn giảng, Soạn đề tài v.v…” (Tlđd, tr. 60). Chương trình học ấy chắc chắn là có sự đề xuất và tổng duyệt của Hòa thượng Huyền Quang, tuy Ban Giám Đốc cho là khá nặng, nhưng vì khóa học này được đào tạo có tính chất cấp thiết, nên các học tăng phải gắng sức thu nhận phần giáo trình gấp bội nhằm đạt được những kiến thức về Phật học và Thế học nhất định để kịp thời ứng phó với hoàn cảnh mới.
Như ở trước chúng tôi đã nói: Chư vị Tăng sinh kể trên, tức các học tăng Bình Định chiếm đa số nơi lớp Trung học của Phật học đường Long Sơn – Nha Trang thời Hòa thượng Huyền Quang làm Giám đốc, sau khi tốt nghiệp khóa học (1957) nhất là sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập (12-1- 1964), đã lần lượt đảm nhận các Phật sự chủ yếu, ở đây xin nêu dẫn thêm để chúng ta cùng thấy rõ cái thành quả giáo dục đầu tiên mà Hòa thượng Huyền Quang đã góp phần để tạo được.
+ Giáo sư Lý Kim Hoa (Nguyên Hồng, lúc này còn là Tăng sĩ) sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục học tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) thì trở về nước giữ chức vụ Khoa trưởng Phân Khoa Giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh.
+ Hòa thượng Từ Hạnh, sau ngày tốt nghiệp Cử nhân Triết học tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, thì trở về Bình Định làm Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề Quy Nhơn.
+ Chư vị Hòa thượng Đồng Từ, Tâm Hiện, Nguyên Trạch thì làm Giáo thọ tại Phật học viện Nguyên Thiều.
+ Hòa thượng Đỗng Quán thì làm Quản chúng và Giáo thọ Phật học viện Nguyên Thiều, rồi làm Giám đốc Trường Trung học Bồ Đề Nguyên Thiều, Trung học Bồ Đề Diêu Trì.
+ Hòa thượng Liễu Không thì làm trụ trì Tổ đình Thiên Bình, kiêm Chánh Đại diện Chi hội Phật giáo huyện An Nhơn, Giám đốc Trường Trung học Bồ Đề Đập Đá (An Nhơn, Bình Định).
+ Hòa thượng Tâm Lâm (Đức Minh) thì ra Quảng Trị giữ chức vụ Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị, rồi về Nha Trang làm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa.
+ Hòa thượng Thiện Duyên thì hành đạo nơi chùa Đạo Nguyên, thị xã Tam Kỳ, Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Tín (nay là Quảng Nam).
+ Hòa thượng Đỗng Minh thì đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Hãng Vị Trai Lá Bồ Đề rất nổi tiếng vào thời bấy giờ. Về sau thì làm Chủ quản nhóm Dịch thuật Đại Tạng Kinh ở Nha Trang thuộc Đại Tạng kinh Linh Sơn Pháp Bảo do Hòa thượng Tịnh Hạnh sáng lập và bảo trợ.
+ Hòa thượng Như Bửu thì làm Tuyên úy tại Quân đoàn 1.
+ Hòa thượng Thiện Nhơn thì giữ chức vụ Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum, Giám đốc Trường Trung học Bồ Đề Kon Tum, Tuyên úy tại Quân đoàn 2.
+ Hòa thượng Thành Ký thì làm Chánh Đại diện Chi hội Phật giáo huyện Phù Mỹ (Bình Định).
+ Hòa thượng Như Kế thì giữ chức vụ Chánh Đại diện Chi hội Phật giáo quận Tam Quan (Bình Định).
+ Hòa thượng Đỗng Tánh thì làm Tổng Thư ký của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định…
Có thể xem đây là thế hệ Tăng sĩ vàng của Phật giáo Bình Định vào hậu bán thế kỷ XX đã có được, trong ấy người góp sức vun xới chính là Đại Lão Hòa thượng Huyền Quang.
* Giai đoạn 1958-1963: Sau ngày Phật học đường Long Sơn – Nha Trang và Phật học đường Báo Quốc – Huế, hợp nhất thành Phật học viện Trung Phần Hải Đức – Nha Trang (1957), Hòa thượng Huyền Quang giữ chức vụ Tổng Thư ký của Ban Quản trị Phật học viện trong một thời gian, sau đấy thì trở về Bình Định hợp cùng với một số vị tôn túc hiện có của Phật giáo Bình Định tạo điều kiện để thành lập Tu viện Nguyên Thiều (1958) điều hành sinh hoạt của Phật học viện Nguyên Thiều: Khóa học đầu tiên được khai giảng vào ngày 6-3-1961. (Xem thêm bài viết của Đại đức Thích Đồng Thành: Lược sử Tu viện Nguyên Thiều. In trong: Trường Trung cấp Phật học Bình Định. Tu viện Nguyên Thiều. Kỷ yếu 25 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, 2017, tr 28-34).
Điều đáng nhấn mạnh ở phần này là năm học 1963-1964 của Phật học viện Nguyên Thiều đã trôi qua một cách thuận hợp và phấn khởi cùng với thắng lợi lớn của Phong trào tranh đấu bất bạo động, chống lại chế độ Ngô Đình Diệm, đòi hỏi sự bình đẳng về tôn giáo do Phật giáo miền Nam khởi xướng, lãnh đạo, trong ấy có sự đóng góp của Phật giáo Bình Định, tiêu biểu nhất là sự tham gia của Hòa thượng Huyền Quang với chức vụ Tổng Thư ký của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo kiêm Trưởng Khối Biên soạn – in ấn tài liệu đấu tranh phổ biến ra khắp cả miền, cả nước. Và sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời (12-1-1964) thì Hòa thượng Huyền Quang giữ chức vụ Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Cư sĩ. Thế nên, bước sang năm học 1964-1965 của Phật học viện Nguyên Thiều (Lúc này do Hòa thượng Đỗng Quán làm Quản đốc) thì Trường Trung học Bồ Đề Nguyên Thiều đã được thành lập và khai giảng. Thượng tọa Minh Tâm làm Hiệu trưởng. Hòa thượng Đỗng Quán làm Giám đốc. Cư sĩ Trần Bùi Thao làm Giám học. Ngoại trừ một số học Tăng lớn tuổi không theo học Ngoại điển nữa, số đông Tăng sinh còn lại đều được cho ra học Ngoại điển nơi các lớp Trung học Đệ nhất cấp của trường này.
* Chúng tôi xin được lướt qua Giai đoạn 1963-1964 và phần đầu của Giai đoạn 1965-1975, vì đã nêu tóm tắt ở trên, để nói đến sự việc thành lập Tăng xá Phước Huệ vào đầu năm học 1965-1966, thể hiện tấm lòng ưu ái đầy trách nhiệm của Hòa thượng Huyền Quang đối với các thế hệ Tăng sinh hậu học của Phật giáo Bình Định. Bấy giờ là khoảng cuối tháng 6 năm 1965, anh em chúng tôi được Hòa thượng Nguyên Ngôn (vốn là một Tăng sinh xuất sắc của Tăng học đường Thập Tháp – Nhạn Sơn 1956-1960, được chọn gởi vào Phật học đường Nam Việt – chùa Ấn Quang, Chợ Lớn – để tiếp tục tu học. Hiện trú tại chùa Ấn Quang, giảng dạy môn Giáo Lý nơi các lớp Trung học Đệ nhất cấp thuộc Trường Trung học Bồ Đề Sài Gòn do Hòa thượng Quảng Liên làm Hiệu trưởng) tìm đến báo cho biết một tin vui: Hòa thượng Huyền Quang (1920-2008) cùng với các Hòa thượng Từ Hạnh (1927- 1988), Hòa thượng Thiện Nhơn (1931-2013) đã đi tìm được chỗ đất và đang cho xây dựng gần xong một trụ xứ, sẽ là nơi chốn nội trú của đám Tăng sinh người Bình Định hiện đang theo học Đại học và Trung học tại thành phố Sài Gòn này. Hòa thượng Nguyên Ngôn còn cho biết thêm: Toàn bộ các chi phí mua đất, xây cất trụ xứ, trang bị cho mỗi Tăng sinh về ở đấy một chiếc đi văng hộp và mùng, mền, cũng như chi phí về ăn uống hằng tháng của toàn bộ Tăng sinh về sau này đều do Hòa thượng Huyền Quang bảo trợ.
Hai ngày sau, một cuộc họp được tổ chức tại chùa Phổ Đà do Hòa thượng Từ Hạnh chủ trì để bàn về: (1) Đặt tên cho trụ xứ. (2) Ghi danh số lượng Tăng sinh sẽ quy tụ về nội trú ở đấy. (3) Nêu tóm tắt về nội quy sinh hoạt của trụ xứ. (4) Công bố Ban Quản chúng của trụ xứ theo sự chỉ đạo chung của Hòa thượng Nguyên Ngôn.
Trụ xứ Phật học mang đậm màu sắc Bình Định mới được thành lập này có tên là Tăng xá Phước Huệ do chúng tôi đề xuất và được toàn thể đại chúng trong cuộc họp chấp thuận, thông qua. Tuy chỉ tồn tại không đầy ba năm (1965-1968), nhưng đối với chúng tôi, những năm tháng sống ở đấy là những năm tháng không thể nào quên. Không thể nào quên không chỉ vì chúng đã gắn chặt với vùng trí nhớ của cả đời mình, mà còn hơn nữa, vì với những năm tháng sống tại Tăng xá Phước Huệ ấy, hành trang trí thức của chúng tôi đã được thâu nhận gấp bội, đã được bổ sung rất nhiều để đạt tới một sự tạm gọi là hoàn chỉnh, tất nhiên chỉ là tương đối. Có được một vốn liếng trí thức như vậy, dù chẳng là gì, nhưng cũng tạm đủ để giúp chúng tôi xoay xở tìm lấy một chỗ đứng trong cuộc sống, có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhất là trong cái dòng xoáy xô bồ của thời cuộc, vốn liếng tri thức ấy đã giúp chúng tôi quay đầu kịp thời, bám trụ được nơi bến bờ tỉnh giác để giũ sạch những thứ trần cấu, kể cả thứ trần cấu về tri thức. Vậy thì chúng ta há không luôn tưởng nhớ đến những trụ xứ của quá khứ, ở đấy có các bậc tôn túc, các bậc trưởng thượng đã luôn đưa cánh tay nhân ái, đậm đà hương vị Từ Bi, để chỉ đường, để nâng đỡ, để che chở cho sự trưởng thành của chúng ta, sao?
b. Về thời kỳ chính thứ hai trong quá trình hành hóa Phật sự của Hòa thượng Huyền Quang, tức sau ngày đất nước thống nhất (1975) cho đến cuối đời (2008), lúc đầu chúng tôi định sẽ viết nhiều, nhưng rồi nghĩ lại thấy là chưa cần thiết. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, chính ở trong chỗ bế tắc mà chúng ta có được cánh cửa khai thông. Chính vì những trở ngại do khách quan mà chúng ta có được những thuận hợp cho một chủ quan. Chính do không còn những phương tiện để đóng góp trực tiếp cho Giáo hội, cho Phật giáo Bình Định mà Hòa thượng Huyền Quang đã có đủ thời gian để đọc khắp Đại Tạng Kinh chữ Hán. Đọc khắp các bộ kinh lớn nhỏ để suy gẫm về những lời dạy của Đức Phật, có khi rất thực tiễn mà cũng có khi rất sâu xa vi diệu. Đọc khắp các Bộ Luận dài ngắn, để chia sẻ với những biện luận của chư vị Bồ tát, có khi thì đơn giản mà cũng có lúc thì tinh tế chi li đến từng chân tơ kẽ tóc. Đối với một vị tôn đức tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm, thì sự việc tiếp cận ấy há chẳng phải là một nguồn hạnh phúc tuyệt vời sao?
Thành phố Hồ Chí Minh tháng 8 năm 2020
ĐÀO NGUYÊN
Nhà Nghiên cứu Phật học và Dịch thuật Hán Tạng.
Thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Phật học Việt Nam
thuộc Viện NCPH Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chư Tôn Thiền Đức… Tập 2. Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn, Nxb Tổng Hợp TP. HCM, 2011.
2. Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Thích Như Tịnh, Nxb Phương Đông, 2009.
3. Kỷ yếu 25 năm hình thành và phát triển của Trường Trung cấp Phật học Bình Định – Tu viện Nguyên Thiều, Nxb Hồng Đức, 2017.
4. Nguyệt san Giác Ngộ số 207, tháng 6 năm 2013.
5. Bồ Tát Quảng Đức. Ngọn lửa và Trái tim, Nxb Tổng Hợp TP. HCM. 2005.
6. Việt Nam Phật giáo sử luận tập 3, Nguyễn Lang, Nxb Lá Bối, Paris, 1985.