1. Dòng thiền Lâm Tế ở Đàng Trong – sự du nhập và phân phái
Lịch sử Phật giáo đã chỉ ra rằng, từ Tổ Ca Diếp xuống đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã trải 28 đời truyền thừa liên tục; từ dòng pháp Tây Thiên truyền sang Đông Độ, từ Tổ Đạt Ma đến Tổ Huệ Năng qua 6 thế hệ tương thừa. Lục Tổ Huệ Năng có hai đệ tử lừng danh là Thiền sư Nam Nhạc – Hoài Nhượng (677-744) và Thiền sư Thanh Nguyên – Hành Tư (?-740), chính từ hai đại đệ tử này đã làm cho nguồn thiền chư Tổ chảy mãi đến mai sau.
Từ Tổ Thanh Nguyên – Hành Tư, truyền qua các đời và hình thanh nên 3 tông: tông Tào Động do Tthiền sư Động Sơn – Lương Giới (807-869) lập; tông Vân Môn do Thiền sư Vân Môn – Văn Uyển (864-949) lập; tông Pháp Nhãn do Thiền sư Pháp Nhãn – Văn Ích (885-958) lập.
Từ tổ Nam Nhạc – Hoài Nhượng truyền lại có Tổ Quy Sơn – Linh Hựu (771-744) lập tông Quy Ngưỡng và Tổ Lâm Tế – Nghĩa Huyền (?-867) lập tông Lâm Tế.
Như vậy, sau thời Lục Tổ Huệ Năng, thiền tông Trung Hoa phát triển cực thịnh và chia thành 5 tông mà danh từ thiền học thường gọi là “Ngũ gia tông phái”. Trong 5 tông thì dòng thiền Lâm Tế phát triển thịnh nhất. Đến đời thứ 8 của tông Lâm Tế lại chia ra làm hai nhánh là Lâm Tế Dương Kỳ do Thiền sư Dương Kỳ – Phương Hội (992-1046) sáng lập và Lâm Tế Hoàng Long do Thiền sư Hoàng Long – Huệ Nam (1002-1069) sáng lập. Cả hai chi phái của tông Lâm Tế đều song hành phát triển. Từ Trung Hoa, dòng Lâm Tế phát triển sang các nước như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên,…
Thiền phái Lâm Tế từ Trung Hoa truyền sang phía Bắc nước ta vào năm 16331, qua Thiền sư Viên Văn – Chuyết Chuyết (Chuyết Công). Cùng đi với Ngài còn có đệ tử là Minh Hành – Tại Tại. Thầy trò đến ở chùa Khán Sơn để hoằng hóa, sau dời về chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ngài tiếp nhận và giáo hóa thêm Minh Lương – Nguyệt An. Thiền sư Viên Văn – Chuyết Chuyết được chúa Trịnh Tráng quý mến, xem như bậc thầy; vua Lê Huyền Tông và các bậc công hầu quý trọng. Năm 1644, Ngài viên tịch, thọ 55 tuổi. Vua Lê Chân Tông phong hiệu là Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư. Đệ tử Minh Hành lập tháp Báo Nghiêm để an trí nhục thân Sư. Trên đỉnh tháp có hình cây bút do Minh Hằng dựng2.
Đệ từ truyền pháp của sư Chuyết Công nối pháp đời 35 tông Lâm Tế có Thiền sư Minh Hành (1596-1659) và Thiền sư Minh Lương; đời pháp 36 là Thiền sư Chân Nguyên (pháp danh Tuệ Đăng, 1747-1726); đời pháp thứ 37 là Thiền sư Như Hiện (hiệu Nguyệt Quang, ?-1765), và Thiền sư Như Trừng Lân Giác (1696-1733),…
Trong khi đó ở miền Trung, lúc này đất nước đã phân chia Đàng Ngoài – Đàng Trong, người đưa tông Lâm Tế truyền vào là Tổ Nguyên Thiều – Hoán Bích (1648-1728) hay còn gọi Siêu Bạch – Thọ Tông. Tổ là người nối pháp đời thứ 33 tông Lâm Tế, đệ tử của Thiền sư Khoáng Viên – Bổn Quả tại Báo Tư Tân tự thuộc Giang Lăng, Quảng Châu, Trung Quốc. Năm Đinh Tỵ (1677), niên hiệu Cảnh Trị thứ 3 đời vua Lê Huyền Tông, đời chúa Nguyễn Phúc Tần, ngài Nguyên Thiều đi theo thuyền buôn sang An Nam, đến trú tại phủ Quy Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp – Di Đà. Sau đó, Ngài ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung và chùa Quốc Ân theo yêu cầu của chúa Nguyễn Phúc Trăn (1648-1681), rồi ngài Nguyên Thiều được chúa Nguyễn cử về Trung Quốc thỉnh chư tăng và các pháp khí sang An Nam lập đàn truyền giới. Hai lần không mời được ngài Thạch Liêm, mãi đến năm Ất Hợi (1695), Ngài mới thỉnh được Hòa thượng Thạch Liêm cũng như các thiền sư trong Hội đồng thập sư sang truyền giới vào thời Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu. Phái đoàn xuống thuyền tại bến Hoàng Phố và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695). Sau đó đoàn ra Thuận Hóa và được chúa Nguyễn Hiển Tông đón tiếp trọng thể và thỉnh về trụ tại chùa Thiền Lâm.
Sau 51 năm hoằng hóa tại Đàng Trong, Tổ Nguyên Thiều đã đào tạo được nhiều vị đệ tử lừng danh kế thừa phát triển tông Lâm Tế, trong đó có các thiền sư trong Hội đồng thập sư từ Trung Quốc cùng sang Đại Việt với ngài Thạch Liêm như ngài Minh Vật – Nhất Tri; Minh Lượng – Thành Đẳng; Minh Dung – Pháp Thông; Minh Hải – Pháp Bảo; Minh Giác – Kỳ Phương,… trong đó, Tổ Minh Hải – Pháp Bảo3 lập kệ truyền phái Chúc Thánh và Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán xuất kệ truyền phái Liễu Quán. Vậy là, vườn thiền Việt Nam từ đó có thêm hai dòng phái mới: Lâm Tế Chúc Thánh và Lâm Tế Liễu Quán.
Sau khi giới đàn tại chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa vào năm Ất Hợi (1695) thành tựu viên mãn, chư vị tổ sư chia tay mỗi người một phương hoằng hóa. Năm Bính Tý (1696), ngài Thạch Liêm cùng một số vị khác về lại Trung Quốc. Ngài Minh Hoằng – Tử Dung ở lại Thuận Hóa khai sơn chùa Ấn Tôn (nay là chùa Từ Đàm). Ngài Minh Hải – Pháp Bảo vào Hội An đến làng Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là phường Tân An, thị xã Hội An) trác tích khai sơn chùa Chúc Thánh.
Ban đầu, Tổ chỉ lập một thảo am nhỏ để có nơi tu tập hành trì. Nhưng một thời gian sau, đạo phong của Ngài ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân nơi phố Hội và các vùng phụ cận nên đồ chúng ngày về theo học một đông. Thảo am đơn sơ năm xưa đã trở thành một tùng lâm thanh tịnh và Tổ đặt tên là Chúc Thánh4. Chúc Thánh nghĩa là Chúc cho Thánh đạo luôn mãi tồn tại với thế gian để dìu dắt chúng sanh xa lìa bến mê trở về bờ giác. Chúc Thánh còn có ý nghĩa là chúc cho các Thánh quân trụ thế dài lâu để hộ trì Phật pháp. Đồng thời, Ngài đã biệt xuất một bài kệ truyền thừa mà sử sách sau này thường gọi là Thiền phái Chúc Thánh hay Thiền phái Minh Hải.
Như vậy, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh được Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo sáng lập vào cuối thế kỷ XVII tại chùa Chúc Thánh, Hội An, Quảng Nam, khi Ngài biệt xuất bài kệ truyền phái gồm 40 chữ:
(Truyền Pháp danh)
“Minh thật (thiệt) pháp toàn chương
Ấn chơn như thị đồng
Chúc Thánh thọ thiên cữu
Kỳ quốc tộ địa trường.
(Truyền Pháp tự)
Đắc chánh luật vi tông
Tổ đạo giải hành thông
Giác hoa Bồ đề thọ
Sung mãn nhân thiên trung”.
(傳 法 名 偈) (傳 法 字 偈)
明 實 法 全 彰 得 正 律 為 宗
印 真 如 是 同 祖 道 解 行 通
祝 聖 壽 天 久 覺 花 菩 提 樹
祈 國 祚 地 長 充 滿 人 天 中.
Chúc Thánh Lão Tổ lấy chữ “Minh” trong 4 câu kệ đầu làm Pháp húy cho thế hệ của Ngài, và lấy chữ “Đắc” của đoạn thứ 2 làm Pháp tự. Cứ lần lượt như thế, mỗi thế hệ truyền thừa với các chữ kế tiếp.
Vào ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), Tổ Sư Minh Hải viên tịch sau 49 năm hoằng hóa tại đất Quảng. Kế thế trụ trì chùa Chúc Thánh là ngài Thiệt Diệu – Chánh Hiền. Từ đó về sau, các đời trụ trì tiếp tục tô bồi trùng kiến xây dựng Chúc Thánh trở thành một ngôi Phạm Vũ trang nghiêm tồn tại cho đến ngày nay.
2. Dòng Lâm Tế Chúc Thánh trên đất Đàng Trong (thế kỷ XVII-XVIII)
Nhìn một cách tổng quan, Đàng Trong ngoài những dòng thiền vốn dĩ đã tồn tại trong đời sống của các cộng đồng cư dân Việt (Trúc Lâm,…), Chăm (Phật giáo Đồng Dương), Khmer (Nam tông), hai dòng thiền mới du nhập là phái Thiền Lâm Tế (Từ Thiền phái Lâm Tế, Thiền sư Liễu Quán khai sáng chi phái Tế Thượng Chánh tông (chi Lâm Tế Liễu Quán); sư Minh Hải – Pháp Bảo khai sáng chi phái Lâm Tế Chúc Thánh) và phái Thiền Tào Động5 với sự có mặt của thiền sư Hưng Liên ở Quảng Nam, thiền sư Thạch Liêm ở Thuận Hóa,…
Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh do sư Minh Hải – Pháp Bảo thành lập, từ đất Quảng Nam nhanh chóng phát triển vào các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,… và đến nay Thiền phái Chúc Thánh đã có mặt khắp các tỉnh thành và vượt biên giới sang tận các nước Âu Mỹ.
Kể từ khi Tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai tông lập giáo, tính đến nay đã trên 300 năm truyền thừa với hơn 10 thế hệ tiếp nối:
- Tổ sư thượng Minh hạ Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo (1670- 1746), Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 34, Sơ Tổ khai sơn chùa Sắc tứ Chúc Thánh, Quảng Nam.
- Tổ sư thượng Thiệt hạ Dinh, tự Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm (1712-1796), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 35, thế hệ thứ 2 Thiền phái Chúc Thánh, khai sơn trụ trì chùa Sắc tứ Phước Lâm, Quảng Nam.
- Tổ sư thượng Pháp hạ Chuyên, tự Luật Truyền, hiệu Diệu Nghiêm, (1738-1810), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 36, thế hệ thứ 3 Thiền phái Chúc Thánh, khai sơn trụ trì chùa Từ Quang (chùa Đá Trắng), Phú Yên.
- Tổ sư thượng Toàn hạ Thể, tự Vi Lương, hiệu Linh Nguyên, nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 37, thế hệ thứ 4 Thiền phái Chúc Thánh, đệ nhị đại trụ trì chùa Từ Quang, Phú Yên.
- Tổ sư thượng Chương hạ Như, hiệu Từ Ý, nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 38, thế hệ thứ 5 Thiền phái Chúc Thánh, đệ nhị đại trụ trì chùa Thiên Hưng, Ninh Thuận.
- Tổ sư thượng Ấn hạ Chánh, tự Tổ Ý, hiệu Huệ Minh, nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 39, thế hệ thứ 6 Thiền phái Chúc Thánh, đệ tam đại trụ trì chùa Bảo Sơn, Phú Yên.
- Tổ sư thượng Chân hạ Chánh, tự Đạo Tâm, hiệu Pháp Tạng, nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40, thế hệ thứ 7 Thiền phái Chúc Thánh, đệ tứ đại trụ trì chùa Phước Sơn, Phú Yên.
- Tổ sư thượng Như hạ Đắc, tự Giải Tường, hiệu Thiền Phương (1879-1949), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41, thế hệ thứ 8 Thiền phái Chúc Thánh, đệ ngũ đại trụ trì chùa Phước Sơn, Phú Yên.
- Tổ sư thượng Thị hạ An, tự Hành Trụ, hiệu Phước Bình (1904-1984), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42, thế hệ thứ 9 Thiền phái Chúc Thánh, đệ nhị đại trụ trì chùa Đông Hưng, Sài Gòn.
- Hòa thượng thượng Đồng hạ Tín, tự Thông Nhiệm, hiệu Thiện Quý (1945-2008), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43, thế hệ thứ 10 Thiền phái Chúc Thánh, đệ tứ đại trụ trì Đông Hưng, Sài Gòn6.
- Đại đức Thích Chúc Đạo, tự Giác Pháp (1972-), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 44, thế hệ thứ 11 Thiền phái Chúc Thánh, hiện trụ trì chùa Đông Hưng, Sài Gòn.
v.v…
Riêng chùa Chúc Thánh đã trải qua 12 đời trụ trì như sau:
- Đời 34: Ngài Minh Hải – Đắc Trí – Pháp Bảo.
- Đời 35: Ngài Thiệt Diệu – Chánh Hiền.
- Đời 36: Ngài Pháp Diễn – Bảo Tràng
- Đời 37: Ngài Toàn Đăng – Bảo Nguyên.
- Đời 37: Ngài Toàn Nhâm – Vi Ý – Quán Thông.
- Đời 38: Ngài Chương Đạo – Tuyên Tùng – Quảng Viên.
- Đời 38: Ngài Chương Khoáng – Tuyên Điền – Chứng Đạo.
- Đời 39: Ngài Ấn Bính – Tổ Thuận – Phổ Bảo.
- Đời 40: Ngài Chơn Chứng – Đạo Tâm – Thiện Quả.
- Đời 40: Ngài Chơn Nhật – Đạo Chiếu – Quang Minh.
- Đời 41: Ngài Như Truyện – Giải Lệ – Trí Nhãn.
- Đời 43: Ngài Đồng Mẫn – Thông Niệm – Huệ Tánh7.
- Đôi điều cảm nhận
Trên cơ sở tham cứu các nguồn tài liệu để phục dựng vài nét bức tranh dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh trên đất Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII, chúng tôi có đôi điều cảm nhận:
- Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh ra đời và phát triển trên mảnh đất miền Trung, thuộc Đàng Trong trong thời kỳ đất nước chia cắt. Trung tâm là đất Quảng Nam, từ đó lan tỏa ra các vùng lân cận, tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sự truyền bá và phát triển mở rộng của dòng thiền này theo xu hướng của Phật giáo và văn hóa dân tộc nói chung là ngày càng mở rộng về phía Nam. Ngay cả ở Huế, một vùng đất nổi tiếng với Phật giáo và nhiều ngôi chùa nổi tiếng đã ra đời ngay từ thời các chúa Nguyễn đầu tiên, nhưng phần lớn chư tăng nơi đây đều truyền thừa theo bài kệ của tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán, còn phái Chúc Thánh chỉ tồn tại ở Tổ đình Viên Thông và chỉ ở đây mỗi thế hệ chỉ có một thầy, một trò, mãi đến năm 1889, khi Sư Chơn Kim – Pháp Lâm (thế hệ thứ 7 dòng Lâm Tế Chúc Thánh) kiêm nhiệm trú trì, bài kệ của dòng Lâm Tế Chúc Thánh mới được truyền thừa ở đây. Hơn nữa, ta thấy từ kinh đô Phú Xuân trở ra Thăng Long đã có một bề dày lịch sử phát triển của Phật giáo. Các thiền phái có mặt từ thời Lý – Trần với hàng ngàn tự viện, với những bậc cao tăng dày công giáo hóa nên ân pháp vũ đã thấm nhuần khắp nơi, đời sống tinh thần của người dân ổn định.
Thiền Lâm Tế truyền vào Đàng Trong, khi mà từ Quảng Nam trở vào là vùng đất người Việt mới khai phá và tạo dựng, nhất là vùng đất phía Nam. Lưu dân từ Thuận Quảng đi dần vào phía Nam, đời sống tinh thần và vật chất còn lắm khó khăn, họ cần một chỗ dựa tinh thần để vượt qua thử thách. Các thiền sư từ những Tổ đình Chúc Thánh, Phước Lâm, đã theo bước chân đoàn người Nam tiến để cùng chia sẻ, giúp họ những lúc cần thiết. Khi đến vùng đất mới, các sư lập chùa hoằng pháp và ngôi chùa đã trở thành điểm hội tụ gặp gỡ của những con người tha phương cầu thực. Đó cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho các tông phái Phật giáo có điều kiện phát triển, dòng Lâm Tế Chúc Thánh cũng không ngoại lệ.
- Phật giáo Việt Nam trải trên dưới 2.000 năm với sự tiếp biến nhiều dòng thiền từ bên ngoài như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Lâm Tế, Tào Động,… Từ các dòng thiền nước ngoài, các nhà sư Việt Nam hoặc các nhà sư nước ngoài đang hoằng hóa ở Việt Nam đã sáng tạo ra những dòng thiền mới mang màu sắc Việt Nam, thậm chí thuần túy Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XIV, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng trở thành dòng thiền Việt đầu tiên trong lịch sử. Đến thế kỷ XVII, dòng thiền Lâm Tế từ Trung Hoa truyền sang Việt Nam, cho đến khi đất nước phân đôi Đàng Trong – Đàng Ngoài, ở phía Bắc dòng Lâm Tế vẫn giữ gìn nét truyền thống của nó, trong khi ở Đàng Trong, không lâu sau khi Tổ Nguyên Thiều lập chùa Thập Tháp, hoằng truyền chánh pháp ở Bình Định, Tổ Minh Hải – Pháp Bảo đã xuất kệ lập nên chi phái mới Lâm Tế Chúc Thánh ở Quảng Nam và Thiền sư Thiệt Diệu – Liễu Quán nối pháp dòng Lâm Tế đời thứ 35 và phát triển tông phái, biệt xuất kệ lập chi phái Lâm Tế Liễu Quán hay còn gọi là Tế Thượng Chánh tông; còn Nguyên Thiều pháp phái hay Lâm Tế Gia phổ vẫn giữ gìn tinh anh của thiền tông Trung Hoa. Mặc dù Tổ Minh Hải – Pháp Bảo là người Trung Hoa, nhưng Ngài đã sớm hòa mình vào không khí chính trị, xã hội và văn hóa của người Việt Nam, nắm bắt và thấu hiểu yêu cầu lịch sử đặt ra cho các lớp lưu dân trên vùng đất mới, nhất là sự nhiệt thành hộ trì và xiển dương Phật pháp của các chúa Nguyễn mà xem ra ở nơi khác không có, nhất là ở Đàng Ngoài.
- Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo là một trong những vị thiền sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, chỉ một bài kệ truyền pháp đã toát lên sở tu, sở ngộ của Ngài, vượt thoát cả không gian và thời gian, bao trùm lên tất cả. Chính sự lan tỏa và phát triển mạnh mẽ của chi phái Chúc Thánh khắp cả Đàng Trong và khu vực phía Nam sau này, và cả nước ngoài nữa, đã minh chứng công đức của Ngài. Kế thừa Tổ Minh Hải – Pháp Bảo là Thiền sư Thiệt Dinh – Ân Triêm, Ngài là người Việt đầu tiên đắc pháp với Tổ. Theo phổ hệ truyền thừa, Tổ sư Minh Hải có trên 10 vị đệ tử truyền pháp, trong đó nổi bật hơn cả là Thiền sư Ân Triêm, cũng từ Tổ Ân Triêm, dòng thiền Chúc Thánh lan rộng khắp khác tỉnh thành, và đó cũng là yếu tố căn bản để hun đúc tính chất Việt trong phái Thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở nước ta.
- Một đặc điểm khá nổi bật của dòng Lâm Tế Chúc Thánh là những ngôi tổ đình thuộc hệ thống Chúc Thánh luôn nằm ở những nơi hẻo lánh, ít người lui tới, thậm chí nhiều vị Tổ sư dòng thiền Chúc Thánh luôn sống cuộc đời ẩn dật ở những nơi núi rừng tịch mịch, nên chủ trương “bất tác bất thực” để nuôi dưỡng giới thân huệ mạng. Không phải ngẫu nhiên mà khi nhắc đến Phật giáo Lâm Tế Chúc Thánh, dân gian vẫn thường gọi chùa Chúc Thánh là chùa Lúa; chùa Phước Lâm là chùa Khoai, chùa Vạn Đức được gọi là chùa Cây Cau,… hay tính chất “nông thiền” đó ở Bình Định còn thể hiện ở những câu nói ví von có vần có điệu như “Phổ Bảo nhiều bánh, Hưng Khánh nhiều nhang, Phổ Quang nhiều lúa”,… Rõ ràng là các sư vẫn luôn giữ được một cuộc sống thanh bần, không màng danh lợi, tự mình tạo lập để trang trải trong cuộc sống mà không dựa dẫm vào ai, vẫn luôn gần gũi sẻ chia với người dân nghèo khổ. Các vị luôn giữ gìn giới luật, “lấy giới luật làm gốc”, trở thành tấm gương sáng cho đệ tử và đồ chúng noi theo. Các Tổ sư luôn lấy câu “Hộ quốc an dân” làm phương châm hành động và lấy tinh thần “Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế, Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh”8 để gắn quá trình tu tập với độ chúng làm đầu. Đó cũng là tinh thần cơ bản trong bài pháp kệ của Tổ Minh Hải – Pháp Bảo “Chúc Thánh thọ thiên cữu, Kỳ quốc tộ địa trường”, nghĩa là tính chất “nông thiền” không đi ngược lại với chủ trương nhập thế của Phật giáo Việt Nam.
- Tất cả những đặc điểm trên đây đã tạo nên một hấp lực và sức lan tỏa mạnh mẽ, để rồi đủ sức quy tụ mọi tầng, mọi giới đến với Phật pháp, góp phần làm nên sự thanh bình, an vui cho đất nước, trong đó không ít người đến từ tinh thần “Tòng Nho mộ Thích”. Ta thấy, từ buổi đầu kiến lập, Phật giáo Đàng Trong đã có sự tích hợp nhiều thiền phái trong và ngoài nước. Các vị sư nước ta (thuộc Thiền phái Trúc Lâm và Liễu Quán) cũng như những thiền sư nước ngoài (thuộc Thiền phái Lâm Tế và Tào Động) đều có công lao lớn với sự truyền bá Phật giáo ở Đàng Trong. Nhiều người trong số họ, đã góp phần làm nên tính chất bản địa, để từng bước tạo dựng một nền Phật giáo mang màu sắc Việt Nam, và rất riêng ở Đàng Trong, cố nhiên trong đó, các thiền sư thuộc Thiền phái Trúc Lâm9 và Liễu Quán vẫn đóng vai trò nòng cốt. Đặc biệt, Thiền sư Thiệt Dinh – Ân Triêm, Thiền sư Liễu Quán đã làm cho Thiền phái Lâm Tế từng bước được Việt hóa, và trở thành phổ biến trên mảnh đất Đàng Trong. Phật giáo Đàng Trong rõ ràng đã thể hiện sự kết hợp cao những yếu tố nội sinh và ngoại sinh, sự khoan hòa và thâu hóa sáng tạo, mang tinh thần thống nhất trong đa dạng và thực sự trở thành động lực phát triển cho mảnh đất Đàng Trong.
Tính đa sắc diện của Phật giáo Đàng Trong còn thể hiện ở sự gặp gỡ và hỗn dung tông phái: Tịnh – Thiền – Mật; sự hòa hợp giữa Phật giáo quý tộc và Phật giáo bình dân; giữa hệ phái Bắc tông và Nam tông,… Nói cách khác, Phật giáo Đàng Trong đã thể hiện sự thâu hóa tinh hoa và sáng tạo tuyệt vời để có được sắc thái mới mẻ.
Một nét đặc biệt rất đáng được lưu tâm là Phật giáo Đàng Trong tồn tại và phát triển trong một tinh thần viên dung tam giáo Phật – Lão – Nho và các tín ngưỡng dân gian Hoa, Việt; Phật giáo cung đình đã hòa với Phật giáo dân gian. Các chúa Nguyễn, đặc biệt là chúa Nguyễn Phúc Chu, một vị chúa sùng kính đạo Phật đến mức thọ giới Bồ tát, đã tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều ngôi chùa Phật. Trong khi đó, nhiều ngôi chùa do dân bỏ tiền ra xây dựng hoặc của dòng họ dùng làm từ đường rồi “cải gia vi tự”. Không ít ngôi chùa vì có công với vua chúa nên được sắc tứ. Nhưng sự phổ biến là nhiều ngôi chùa do nhân dân và các thiền sư tạo dựng, trùng tu rồi các chúa Nguyễn ban sắc tứ danh.
PGS.TS. TRẦN THUẬN
Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG-HCM
_Chú thích:
1. Chuyết Chuyết theo đường thủy đến Đồng Nai năm 1630, năm 1633 mới ra Bắc, sau thuộc Đàng Ngoài. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 651.
2. Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr. 436-439.
3. Hòa thượng thế danh Lương Thế Ân, sinh ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) nhằm vào năm Khang Hy thứ 8 triều nhà Thanh tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Thân phụ Ngài là cụ ông húy Lương thụy Đôn Hậu, thân mẫu tộc Trần thụy Thục Thận. Ngài là người con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em,
anh trai là Lương Thế Bảo, em trai là Lương Thế Định. Được sinh ra trong một gia đình thuần phong Nho giáo, nên thuở thiếu thời, Ngài tỏ ra thông minh khác người. Năm Mậu Ngọ (1678), Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Phước Kiến, lúc bấy giờ Ngài vừa tròn 9 tuổi.
Sau một thời gian dài tu học, khi tuổi vừa tròn 20 thì Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu là Pháp Bảo, nối pháp đời 34 tông Lâm Tế truyền theo bài kệ của tổ Vạn Phong – Thời Ủy. (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Minh Hải Pháp Bảo, trích xuất ngày 24.8.2020).
4. Theo Thích Như Tịnh trong Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh thì Chúc Thánh (祝聖) “tức là nghi lễ trong Thiền lâm cầu chúc Hoàng đế sống lâu muôn tuổi. Niên hiệu Thần gia năm đầu (428) đời Bắc Ngụy, vào dịp Thánh tiết của Thái vũ đế, các chùa được lệnh dựng đạo tràng chúc thọ, cầu nguyện Hoàng đế bình an trường thọ. Khoảng năm Khai nguyên đời Đường cũng có ghi chép về việc này. Năm Khai Bảo thứ hai (969) đời Bắc Tống, nhân dịp Thánh tiết Thái tổ, chư tăng được vời vào điện để thi hạch học nghiệp, nhận áo đỏ, từ đó về sau cứ dịp Thánh tiết lại lên tòa thuyết pháp để chúc thọ Hoàng đế. Cứ theo Sắc tu bách trượng thanh quy quyển 1 nói, thì vào ngày Cảnh mệnh (ngày vua lên ngôi), bốn ngày trai (mùng 1, 15, mùng 8, 23) và sóc vọng (mùng 1, 15 mỗi tháng) cử hành nghi lễ tại Tạng điện, đều là để chúc mừng Hoàng đế. Vị trụ trì lên tòa nói pháp vào dịp chúc thọ Hoàng đế, gọi là Chúc Thánh thướng đường, thắp hương chúc thọ, gọi là Chúc Thánh niêm hương. Cổ tôn túc ngữ lục quyển 23 (Vạn tục 118, 227 hạ) nói: Ngày đầu tiên thầy lên tòa nói pháp, đại chúng tề tựu, thầy cầm hương dạy chúng rằng: Nén hương này chẳng phải từ phương khác mà có được, mà có ngay ở đất nước này của các vị, vậy hãy nguyện cầu cho Hoàng đế sống lâu muôn tuổi, các hiền thần nghìn năm, văn võ bách quan thường yên ngôi vị. [X. Thích thị kê cổ lược Q. 4 – Đại giác thiền sư ngữ lục Q. thượng – Q. trung – Thiền lâm tượng khí tiên Tùng quĩ môn]. (祝聖, Shukushin): nghĩa là cầu chúc thọ mạng quốc vương được vô cùng. Từ đó, vào những dịp thánh tiết, nghi lễ này được tiến hành nhằm cầu nguyện cho thánh thọ vô cùng. Như trong Thiền Uyển Thanh Quy (禪苑清規) cho thấy rằng xưa kia các Thiền lâm Trung Quốc đã từng phát hành tờ Thánh Tiết Do (聖節由) như là giấy chứng nhận có hành trì lễ Chúc Thánh này. Lễ này được tiến hành vào ngày mồng 1 và 15 mỗi tháng. Tại các nước Phật giáo Đại Thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam vẫn còn duy trì nghi thức này cho đến ngày nay.
5. Dòng Thiền Tào Động cũng được truyền từ Trung Hoa sang. Sự xuất hiện của dòng Thiền Tào Động gắn liền với sự kiện Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Hòa thượng Nguyên Thiều về Trung Hoa thỉnh các bậc cao tăng sang hoằng pháp tại xứ Đàng Trong. Trong số các Thiền sư được Nguyên Thiều đưa sang Đàng Trong, nổi bật nhất là Hòa thượng Thạch Liêm và Hòa thượng Minh Hoằng. Hòa thượng Minh Hoằng thuộc dòng Lâm Tế, còn Hòa thượng Thạch Liêm thuộc dòng Tào Động (đời 29 dòng Tào Động Trung Hoa). Có lẽ người đầu tiên mang dòng thiền Tào Động đến Đàng Trong là Quốc sư Hưng Liên tại chùa Tam Thai, Quảng Nam. Tuy nhiên, người đã làm cho nó trở nên thịnh là ngài Thạch Liêm. Chính trong đại giới đàn tổ chức tại Phú Xuân năm 1695, Ngài đã truyền giới cho nhiều người xuất gia và tại gia, nhân dịp đó, chúa Nguyễn Phúc Chu và nhiều hoàng thân quốc thích của chúa cũng đã thọ giới Bồ tát. Về mặt tư tưởng Thiền, ngài Thạch Liêm không mang đến những tư tưởng gì mới, Ngài xiển dương phương pháp Thiền – Tịnh song tu, vốn là truyền thống của Phật giáo nước ta. Tuy nhiên, tư tưởng đưa đạo vào đời thì được ủng hộ mạnh mẽ, điều đó được thể hiện qua con người của chúa Nguyễn Phúc Chu, đệ tử của Ngài… Về truyền thừa thì dường như dòng thiền này không có duyên lắm với xứ Ðàng Trong, không thấy nhắc đến các thế hệ tiếp sau thời chúa Nguyễn Phúc Chu…
6. Đồng một thế hệ với HT Thích Thiện Quý là: Thượng tọa thượng Đồng hạ Điển, tự Thông Kinh (sinh 1958-), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43, đệ tam đại trụ trì chùa Đông Hưng, Sài Gòn; khai sơn trụ trì chùa Đông Hưng ở Hoa Kỳ. Thượng tọa thượng Đồng hạ Thái, tự Thông Luật (sinh 1957), hiệu Thái Luật, nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông hiện nhiệm trụ trì chùa Từ Phong, TP. Hồ Chí Minh (Thích Chúc Hội, “Dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh”. Nguồn: https://sites. google.com.
7. Thích Chúc Hội, “Dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh”. Nguồn: https://sites. google.com.
8. Cặp câu đối của nhà sư Thiện Chiếu đặt ở cổng chùa Linh Sơn
9. Dòng Trúc Lâm mà tiêu biểu là Hương Hải theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng, đến năm 1682 trốn ra Đàng Ngoài. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 651.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Minh Hải Pháp Bảo, trích xuất ngày 24.8.2020.
2. Thích Đồng Bổn (1995), Tiểu sử Danh tăng Việt Nam, tập 1, Nxb. Tôn giáo.
3. Thích Đồng Bổn (2002), Tiểu sử Danh tăng Việt Nam, tập 2, Nxb. Tôn giáo.
4. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.
5. Thích Chúc Hội, “Dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh”. Nguồn: https://sites. google.com.
6. Vũ Ngọc Khánh (Cb, 2006), Chùa cổ Việt Nam, Nxb. Thanh niên.
7. Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học.
8. Li Tana (2016), Xứ Đàng Trong, Nguyễn Nghị dịch, Nxb. Trẻ.
9. Thích Đại Sán (1963), Hải ngọai ký sự, Viện Đại học Huế.
10. Hà Văn Tấn (Cb, 1993), Chùa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.
11. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông.
12. Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.