Bồ tát Thích Quảng Đức, đời 9 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh yêu nước, xả thân vì Đạo Pháp (TS.Hoàng Văn Lễ)

          Thiền sư Minh Hải là vị sư uyên thâm Phật pháp, người sáng lập Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Quảng Nam, xứ Đàng Trong, Việt Nam. Là Sơ tổ hay Tổ đời thứ 1 của Thiền phái Chúc Thánh thuần Việt, dù ngài Minh Hải là người Phúc Kiến, Nam Trung Hoa (có thể là dân tộc Bách Việt xưa). Ngài truyền bài kệ như sau:

          Ngài đã xuất kệ truyền thừa với bài kệ 40 từ (20 từ đầu làm Pháp danh, 20 từ sau làm Pháp tự). Hơn 300 năm qua, đoạn kệ truyền Pháp danh chỉ còn khoảng 7 từ nữa là hết vần bản kệ, thiền phái cần chuẩn bị tục biên bài kệ nối tiếp, sao cho đồng môn thừa nhận.

          Những đặc trưng của thiền phái Chúc Thánh

          – Nối tiếp truyền thống tông phái Lâm Tế, Thiền phái “LÂM TẾ CHÚC THÁNH có pháp môn tu phù hợp tùy với điều kiện xã hội. Sự vận dụng kết hợp Thiền – Tịnh song tu đã đem lại sự lợi lạc cho hành giả và tha nhân. Về tự thân, các thiền sư đạt được sự an lạc do thiền định đem lại, thân tâm an lạc, nội lực tăng trưởng nên thấy rõ thật tướng của mọi sự mọi vật. Với pháp môn Tịnh Độ, các Ngài đã giúp cho dân chúng ổn định tinh thần, có một niềm tin hướng về Tam bảo. Đặc biệt, với tâm lý của những người mới di cư vào vùng Quảng Nam lúc bấy giờ, tín ngưỡng Di Đà, quy kính Tịnh Độ là chỗ dựa tinh thần vững chắc, an ổn nơi mảnh đất đầy sơn lam chướng khí này. Đây cũng là một trong những điều kiện giúp cho thiền phái Chúc Thánh nhanh chóng lan tỏa, phát triển trong các tầng lớp nhân dân tại Quảng Nam và các tỉnh thành”1.

          – Tu tập chứng ngộ tâm linh, đồng thời nhập thế tích cực, tùy duyên hành đạo theo tinh thần “Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật”. Các Tổ sư Thiền phái Chúc Thánh sống ẩn dật, lao động và tu thiền. Một khái niệm riêng có của Chúc Thánh là “nông thiền” là niềm tin của sơn môn; nông gắn với nông thôn, đồng ruộng; là ngành nghề hàng đầu của dân tộc Việt ngàn đời nay; nay nông gắn với “thiền” là sức mạnh tự thân của nhà Phật: phạm hạnh, thiểu dục, tri túc và “bất tác bất thực” để nuôi dưỡng thân mình.

          – “Hộ quốc an dân” là tôn chỉ hành đạo của Phật giáo nói chung, là khẩu hiệu hành động của giới tu sĩ vào thời kỳ đất nước lâm nguy, dân tình khốn khó. Thiền phái Chúc Thánh theo xác lập của vị Sơ Tổ Minh Hải “Chúc thánh thọ thiên cửu/ Kỳ quốc tộ địa trường”. Thực hiện “động vi binh, tịnh vi tăng” một cách hiệu nghiệm trong hơn 300 năm, ngay trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

          – Thiền phái Chúc Thánh bắt nguồn từ Quảng Nam trải rộng về phương Nam, nơi vùng đất dân đến vùng đất mới khai hoang lập ấp, ngôi chùa trở thành nơi hội tụ người xa xứ; sự dấn thân của các tôn sư cũng như của người dân là sự an trụ bền vững để đối diện với các thách thức từ thiên nhiên trù phú nhưng nhiều bức hại như bệnh tật, thú dữ, đi lại trắc trở với sông rạch chằng chịt… Ý nghĩa là người tiên phong mở cõi có giá trị lịch sử của dân tộc. Ngày nay, dải đất phương Nam trù phú, gắn kết cộng đồng dân tộc, đấu tranh vệ quốc hàng thế kỷ… là kỳ tích của cộng đồng tộc Việt có sự thúc đẩy từ tâm linh Phật giáo, trong đó Thiền phái Chúc Thánh là nhân tố tích cực. Một điển hình nổi bật, Hòa thượng Thích Quảng Đức, đời thứ 9, Thiền phái Chúc Thánh được giới tu sĩ, cư sĩ và người suy ngưỡng công bằng, giải thoát tôn vinh phẩm vị “Bồ tát”; niềm tự hào biết bao!

          Ngọn lửa Quảng Đức

          Một trích đoạn trong sách “Việt Nam Phật giáo sử luận”, tập III, Nguyễn Lang, Nhà xuất bản Lá Bối San Jose USA, 1993 ghi: “… Vị thiền sư ngồi tự thiêu ở ngã tư Phan Ðình Phùng – Lê Văn Duyệt tên là Thích Quảng Ðức, sáu mươi bảy tuổi, trú trì chùa Quan Âm ở Gia Ðịnh. Trong tư thế kiết già, tay bắt ấn Cam Lộ, ông ngồi vững như một pho tượng đồng trong khi ngọn lửa cháy lên cao gần bốn thước, phủ trọn cả thân hình ông. Ðó là vào khoảng giờ Ngọ ngày 11 tháng 6 năm 1963.

          Lửa cháy trước con mắt kinh ngạc của những ký giả và nhiếp ảnh gia quốc tế. Lửa cháy trước niềm xót thương và lòng kính cẩn của quần chúng có mặt tại đó. Xe cộ dừng lại cả, và mọi người đến vây quanh cảnh tượng hào hùng chưa từng thấy xảy ra ở thủ đô Sài Gòn. Mười lăm phút sau, nhục thân của thiền sư ngã xuống; tiếng kêu khóc của quần chúng vang lên, nức nở. Vài giờ đồng hồ sau, hình ảnh và tin tức Thiền sư Quảng Ðức tự thiêu đã tràn ngập trên hệ thống truyền hình và báo chương quốc tế. Nhật báo nào cũng đăng hình thiền sư tự thiêu ở trang đầu với tiêu đề lớn. Thế giới chấn động, dồn hết sự chú ý về phía trời Ðông Nam Á. Không một ai trên trái đất còn giữ thái độ hờ hững về cuộc tranh đấu của Phật tử Việt Nam”, đã nói tầm vóc và bản lĩnh thiền định tuyệt vời của nhà sư đắc đạo.

          Nghiên cứu lịch sử thấy rõ thêm mối quan hệ chặt chẽ của phong trào Phật giáo với công cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất nước nhà của toàn dân tộc ta. Như vậy, đạo Phật thêm một công nghiệp đồng hành với sự tồn vong của đất nước, mang lại vinh quang cho đạo pháp, cho các vị tăng lữ và phật tử kháng chiến trên khắp các mặt trận, trong đấu tranh trực diện với quân thù. Sự hậu thuẫn của Phật giáo đối với lực lượng cách mạng miền Nam diễn ra dưới nhiều hình thức: ra tuyên ngôn, kháng nghị, tổ chức biểu tình, tự thiêu, nuôi giấu cán bộ tham gia kháng chiến rất phổ biến ở khắp các tỉnh… đã tiếp thêm sinh lực cho công cuộc đấu tranh lên án Mỹ, đuổi Mỹ, kêu gọi hòa giải mà thực chất là góp phần lật đổ chế độ không hợp lòng dân, đã từng có lúc đàn áp Phật giáo…

          Đài Tưởng niệm Bồ tát Quảng Đức

          Ngày 18-9-2010, Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức sau thời gian dài xây dựng đã chính thức được khánh thành. Đây được xem là một trong những công trình đẹp nhất của Thành phố Hồ Chí Minh xét về góc độ mỹ thuật, được thực hiện để tưởng nhớ và ghi ân bậc chân tu khả kính đã hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc. Lễ khánh thành hoành tráng, có mặt đủ các vị lãnh đạo Thành phố, chư tăng, chức sắc Phật giáo và đông đảo quần chúng ngưỡng mộ, kể cả người không là Phật tử.

          Thời gian thi công công trình này hơn 2 năm. Khoảnh đất giá trị lớn của trung tâm quận 3, được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho xây dựng tượng đài Hòa thượng Thích Quảng Đức để thấy “Ngọn lửa Từ Bi” của Ngài vẫn còn soi sáng thế hệ mai sau. Khi tượng Hòa thượng Thích Quảng Đức trong vòng lửa bủa quanh được đưa vể quảng trường, đa số nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ tưởng niệm Ngài Thích Quảng Đức, mừng vui khó tả, mà cả một biểu tượng của cao trào đấu tranh của Phật giáo yêu nước 1963.

          Tóm lại, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh thuần Việt đã trải qua quá trình hơn 300 năm gắn bó với đất nước, nhất là với Đàng Trong trước đây và Nam bộ hiện nay… là thành quả làm đạo và hành đạo đồng hành cùng văn hóa – lịch sử dân tộc. Xác lập và thực hành đúng tôn chỉ và sáng tạo của hệ phái là “nông thiền” với tinh thần tự lực, lao động sản xuất; “hộ quốc an dân” với hành vi “khoác chiến bào” cùng nhân dân kháng chiến; xả thân vì Phật pháp và dân tộc, hy sinh thân mình vì đại cuộc như Bồ tát Thích Quảng Đức; hòa hợp triết lý, trí tuệ với từng giới trong cộng đồng, xác lập thế đứng xã hội, mở rộng địa bàn hành đạo trên cả nước và lan rộng quốc tế… là đặc trưng tôn quý giúp cho Thiền phái Chúc Thánh đồng hành cùng dân tộc. Niềm tự hào chính đáng biết bao!

TS. HOÀNG VĂN LỄ
Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam

 

 

_Chú thích:

1. Theo Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, trang 128, file:///F:/lich-su-truyen-thua-thien-phai-chuc-thanh-thich-nhu-tinh.pdf, truy cập 12-9-2020

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, file:///F:/lich-su-truyen-thua-thien-phai-chuc-thanh-thich-nhu-tinh. pdf, truy cập 12-9-2020
2. H. Diệu, Bảo Toàn,Lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, ttps://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=16C201, truy cập ngày 13-9-2020.