Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở Hải Phòng (Nguyễn Đại Đồng)

          Năm 1946, Hòa thượng Thích Hành Trụ1 cùng ba vị sư đệ kết nghĩa từ chùa Long An ở Sa Đéc2 lên Sài Gòn họp nhau lập chùa Tăng Già (nay là chùa Kim Liên, quận 4, TPHCM) để tiếp độ chúng Tăng về đây tu học. Đây là Phật học đường đầu tiên ở Sài Gòn trong phong trào chấn hưng Phật giáo, mở đường cho các Phật học viện sau này phát triển.

          Năm 1947, ngài Hành Trụ lại cùng ba vị sư đệ dựng nên ngôi già lam thứ hai là chùa Giác Nguyên để chuyển chư Tăng về đây tu học, chùa Tăng Già biến thành trường Phật học dành cho Ni chúng. Hai đạo tràng này ngày càng thêm nổi tiếng và tăng ni khắp nơi về học rất đông, góp phần rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại đất Sài Gòn lúc bấy giờ. Hòa thượng Thích Hành Trụ đảm nhiệm Giám đốc Phật học đường Giác Nguyên và Hóa chủ Phật học Ni trường Tăng Già.

          Phật học Ni trường Tăng Già do Tổ Đông Hưng (tức Hòa thượng Thích Hành Trụ) mở tại vùng đất Khánh Hội – Sài Gòn năm xưa có một thế hệ xuất sắc với hàng trăm học đồ được mang danh “dòng họ TỊNH”3. Sau khi tốt nghiệp ra trường, mỗi vị đem sở học của mình đi hoằng hóa khắp nơi nơi. Duy có sư Tịnh Nguyệt cùng người anh của mình là cụ Khánh Nghiêm, tiếp tục con đường học đạo, lặn lội ra đất Bắc tìm học kinh luật với Hòa thượng Tuệ Tạng Thích Tâm Thi (1889-1959) ở chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Sau đó, vì chiến tranh, đã ở lại chốn này tu học và hành đạo độ sinh.

          Chùa Đồng Thiện hay còn gọi là chùa Hải Ninh, do Hội Đồng Thiện sáng lập năm 1934 và thỉnh Hòa thượng Thích Tâm Nhiên, thế danh Vũ Duy Quách, người làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, về trụ trì và hướng dẫn Phật tử tu tập, lễ bái.

          Hòa thượng Tâm Nhiên hành đạo tại đây cho đến cuối đời và viên tịch tại chùa vào ngày 27 tháng 10 năm Nhâm Thìn 1952. Hội Đồng Thiện đã lập tháp thờ ngài nơi khuôn viên vườn tháp chùa Hải Ninh. Tháp hiệu là Thiện Tường bảo tháp.

          Sau khi ngài mất, vì chùa không có người kế vị trụ trì, nên Hội Đồng Thiện tự trông nom hương khói trải qua thời gian hơn 10 năm.

          Năm 1964, Hội cung thỉnh Ni sư Thích Tịnh Nguyệt về chùa kế đăng trụ trì. Cùng về với Ni sư lúc ấy, còn có bào huynh của Ni sư là Thượng tọa Thích Khánh Nghiêm và đệ tử là sư thầy Thích Diệu Tâm.

          Kể từ đó, Thiền phái Chúc Thánh được lưu truyền ra xứ Bắc, sơn môn Đông Hưng có thế hệ truyền thừa đầu tiên từ Ni sư Tịnh Nguyệt, nối dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 10, rồi Ni sư Tịnh Nguyệt tiếp chúng độ sinh cho Ni trưởng Thích Diệu Tâm, chính thức nối pháp dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 11, thuộc sơn môn Đông Hưng, mang dòng kệ chữ CHÚC.

          Đệ nhị trụ trì: Ni sư Thích Tịnh Nguyệt (1925-1991)

          Ni sư Tịnh Nguyệt, thế danh Lê Thị Bảy, sinh năm 1925, tại Sa Đéc, trong gia đình có bảy anh em. Năm 18 tuổi, Ni sư đỉnh lễ Hòa thượng Thích Hành Trụ làm Bổn sư thế độ, và được ngài ban cho pháp danh là Đồng Viên, tự Thông Chiếu, hiệu Tịnh Nguyệt.

          Ni sư có ba người anh chị ruột cùng xuất gia: người chị thứ 4 là Ni sư Thích Nữ Như Thiện (1920-2009), viện chủ chùa Phước An, Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; người anh kế là Thượng tọa Thích Khánh Nghiêm, pháp tự Thông Trì (1922-1969), chùa Hải Ninh, thành phố Hải Phòng.

          Ni sư có sức tinh tiến cầu học rất lớn và rất nhẫn nại trong phụng sự đạo pháp. Ngoài sự học hỏi từ Hòa thượng Bổn sư, Ni sư còn xin phép Bổn sư cùng với bào huynh Thích Khánh Nghiêm khăn gói ra Huế cầu học và sau đó ra tận Nam Định để cầu học Luật với Tổ sư Tuệ Tạng.

          Sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước, sư và bào huynh ở lại miền Bắc, rồi năm 1964 được thỉnh về Hải Phòng trụ trì tại chùa Hải Ninh hơn 10 năm.

          Tại chùa Hải Ninh, Ni sư Tịnh Nguyệt đã đem sở học của mình ra giảng dạy cho Ni chúng và tín đồ. Bao lớp Ni chúng được thành tựu đạo nghiệp, trưởng thành từ nơi thụ giáo của Ni sư. Tín đồ Phật tử thì nương tựa quy y làm hưng thịnh mối đạo, dù đang trong giai đoạn chiến tranh. Ni sư Tịnh Nguyệt cũng là người đầu tiên truyền pháp phái Sơn môn Đông Hưng từ miền Nam ra đất Bắc.

          Sau ngày đất nước thống nhất, Ni sư Tịnh Nguyệt giao quyền trụ trì cho đệ tử là sư thầy Thích Diệu Tâm và sư trở về quê hương Sa Đéc tiếp tục hoằng dương chính pháp và tu dưỡng tuổi già cho đến khi viên tịch vào ngày mồng 1 tháng 3 năm Tân Mùi 1991. Tháp hiệu là Tịnh Quang, được đệ tử lập thờ vọng tại khu vườn tháp để tưởng nhớ công lao cống hiến của Ni sư nối truyền mạng mạch chùa Hải Ninh.

          Đệ tam trụ trì: Ni trưởng Thích Diệu Tâm (1938-2017)

          Ni trưởng Thích Diệu Tâm, pháp danh Chúc Tâm, pháp tự Giác Hạnh, pháp hiệu Nguyệt Thiên, thế danh Trần Thị Tâm, sinh năm Mậu Dần 1938, tại làng Trà Trung, xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho kính tin Phật pháp nhiều đời, nơi phát tích nổi tiếng của sơn môn Lâm Tế Linh Quang Trà Lũ Trung, do Tổ Phổ Liên sáng lập từ thời Nguyễn.

          Sư Diệu Tâm sinh trưởng trong dòng họ 4 đời đều có người xuất gia theo Phật. Thân phụ của bà là cụ Trần Đức Kỹ cũng xuất gia tại Tổ đình Linh Quang Trà Lũ Trung, pháp danh là Thích Chân Thường, hiệu Bản Như. Thân mẫu là cụ Phạm Thị Êm, hiệu Diệu Hòa. Hai cụ sinh hạ được 3 người con: hai gái, một trai. Ngay từ thiếu thời, cô bé Tâm đã có duyên lành thường theo bà nội lên chùa làng lễ Phật, nghe kinh, nhờ đó mà thiện tâm Bồ đề sớm khoe sắc, khai hương.

          Năm Tân Mão (1951), được phép của song thân, Người xuất gia tu học tại chùa Vạn Linh ngay quê hương bản quán ở độ tuổi trăng tròn (15).

          Năm Nhâm Thìn (1952), Người đến chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định, xin tu học Phật pháp, tại đây sư Tâm được gặp Sư Tổ Thích Tịnh Nguyệt thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Sơn môn Đông Hưng đời thứ 10 cũng học Luật Tạng tại đây. Sau nhiều lần tác bạch sư được Sư Tổ tiếp nhận làm đệ tử.

          Năm Quý Tỵ (1953), sư Tâm theo Thầy Tổ lên Hà Nội tu học tại Ni viện Khuông Việt (chùa) Vân Hồ do Hội Việt Nam Phật giáo mở. Tại đây sư được nghe các Tổ Tuệ Tang, Tổ Trí Hải, Tổ Tố Liên và các Ni trưởng Đàm Soạn, Đàm Đậu giảng dạy Phật pháp. Năm Giáp Ngọ (1954), thầy trò chuyển về chùa Linh Đường tham gia lao động, tăng gia sản xuất để sinh sống.

          Năm Đinh Dậu (1957), sư theo Sư Tổ về chùa Quảng Luận, huyện Kiến An, Hải Phòng sống bằng nghề làm ruộng. Vốn bản tính cần cù, lại siêng năng học tập, ngoài công việc chấp tác phụng Phật sự sư, Người dốc lòng vào học tập giáo lý, sớm khuya đèn sách kinh sử dùi mài. Nhờ thiện nhân ấy mà năm 20 tuổi, Người được Sư Tổ cho phép cầu Tăng đăng đàn thụ giới Tỷ khiêu Ni vào năm Mậu Tuất (1958) tại chùa Đức Viên, thành phố Hà Nội. Từ đó, Người được dự vào hàng Tăng bảo.

          Năm Canh Tí (1960), Người cùng Sư Tổ xin về trú ngụ tại chùa Phổ Chiếu, Hải Phòng, sống cuộc sống an bần lạc đạo, đan len để có kinh phí sinh hoạt hằng ngày.

          Năm Giáp Thìn (1964), Sư Tổ được Hội Đồng Thiện thành phố Hải Phòng mời về trụ trì chùa Đồng Thiện (Hải Ninh) thuộc xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải, Người lại theo hầu Sư Tổ tu học tại nơi đây. Suốt thời gian làm đệ tử, phụng Phật sự, Người siêng năng cần mẫn vượt lên chính mình được thầy yêu bạn quý, sống khắc kỷ nghiêm thân nâu sồng thanh đạm, nhưng vẫn toát lên hương vị giải thoát.

          Năm Ất Mão (1975), sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, non sông nối liền một dải, nhận thấy đệ tử đã trưởng thành có thể gánh vác được các công tác Phật sự, Sư Tổ Tịnh Nguyệt quyết định trở về miền Nam giao quyền trụ trì chùa Hải Ninh lại cho Người, được Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam Hải Phòng chấp thuận.

          Đối với công tác của Giáo hội

          Năm 1981, tại Đại hội Phật giáo Hải Phòng lần thứ nhất, Người được suy cử vào Ban Trị sự, là Ủy viên Thường trực, giữ chức vụ Chánh Thư ký và làm Chánh Đại diện Phật giáo huyện An Hải.

          Từ năm 1987 đến năm 2002 là Ủy viên Thường trực Ban Trị sự, phụ trách tài chính.

          Từ năm 2007 làm Phó Trưởng Ban Trị sự đặc trách Ni chúng, kiêm Trưởng Ban Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử.

          Từ năm 2012 làm Phó Trưởng Ban Trị sự. Với công tác giáo dục Tăng ni, là một Tăng sĩ tinh thông giới luật có uy tín lớn trong Tăng đoàn Giáo hội, Ni trưởng tham gia đầy đủ các khóa hạ thường niên, tham gia Ban Duy na quản lý giữ gìn kỷ cương tăng chúng trong nhiều khóa, đồng thời làm Giới truyền thụ pháp giới cho hàng trăm giới tử. Ngoài ra, Người còn tham gia giảng dạy Trường Trung cấp Phật học ngay từ khóa I (1987) giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách bộ môn Sa Di Luật, soạn dịch bộ Sa Di Luật và Tỷ khiêu Ni giới kinh ra tiếng Việt để Ni chúng học tập. Bên cạnh đó, Người chú trọng tới việc tiếp độ người xuất gia thiệu long thánh chủng; Người đã súc dưỡng được 14 đệ tử đến nay tất cả đã trưởng thành đều là những người có hạnh kiểm tốt, có trình độ Phật pháp và thế học từ Trung cấp đến Cử nhân, hiện trụ trì làm Phật sự tại các chùa trên địa bàn thành phố Hải Phòng và có 11 vị Pháp tôn đang tu học tại Trường Trung cấp Phật học và Học viện Phật giáo Việt Nam. Năm 2007, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc, Người được tấn phong Giáo phẩm Ni trưởng. Đồng thời là thành viên trong Đoàn đại biểu Phật giáo thành phố Hải Phòng tham dự các kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc tại Hà Nội.

          Đối với công tác trùng tu, tôn tạo chùa cảnh

          Ni trưởng đã có công đức lớn, đi đầu trong Phật sự này. Cụ thể là kể từ năm 1981, Người không những trụ trì chùa Hải Ninh mà còn kiêm nhiệm trụ trì các chùa như Sùng Hưng An Trì, Văn Tra, Sâm Đông, Phổ Tuệ, Mỹ Tranh, Tràng Duệ,… Ni trưởng đã cùng với Phật tử và nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo khang trang tố hảo với kinh phí xây dựng ở mỗi chùa hàng trăm triệu đồng; sau này mới giao lại cho các đệ tử kế nhiệm.

          Với trách nhiệm trụ trì chùa Hải Ninh

          Người đã dốc hết tâm trí vật lực xây dựng từ năm 1990 đến năm 2005 thì hoàn thành gồm các hạng mục: Tòa Tam bảo, Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Nhà Khách, Nhà Vong, Giảng đường, Vườn Tháp, Tam quan, Hồ sen, tượng Phật A Di Đà, cổng chính và một số công trình khác, tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng lúc bấy giờ, làm cho cảnh giới ngày một nghiêm trang tố hảo góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa Phật giáo và dân tộc, công đức của Người thật là to lớn.

          Với hạnh nguyện hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh

          Người thường xuyên thuyết giảng Phật pháp, tổ chức các khóa tu cho tín đồ Phật tử vào những ngày Lễ Trưởng tịnh, Trai nhật và các ngày lễ lớn như Thượng Nguyên, Phật Đản, Vu Lan, ngày vía Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Thành đạo, các ngày Khánh đản Bồ tát Quan Âm, Văn Thù Bồ tát. Đặc biệt là hướng dẫn phương pháp niệm Phật cầu vãng sinh tịnh độ, đồng thời in kinh sách băng đĩa giảng pháp của các bậc Tôn đức tặng cho Phật tử và nhân dân giúp mọi người hiểu rõ lời dạy của Đức Phật: “Bỏ ác làm lành, phát huy chính tín”, bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục mê tín dị đoan, sống làm việc theo chính pháp, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình hạnh phúc, đất nước thanh bình thịnh trị, thế giới hòa bình an lạc.

          Là một tu sĩ Phật giáo yêu nước, thấm nhuần lời dạy của Chư Tổ: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, “Phục vụ chúng sinh là cúng dàng Chư Phật”, Người đã tích cực tham gia công tác xã hội, là Đại biểu Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Vĩnh Niệm nhiều khóa và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Từ thiện thành phố khóa I, hết mình trong công việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt là tham gia phong trào an sinh xã hội, đóng góp các quỹ như: Xóa đói giảm nghèo, Khuyến học, Chăm sóc tuổi già, An ninh quốc phòng, Bảo trợ người tàn tật trẻ mồ côi, Người nhiễm chất độc da cam, ủng hộ đồng bào thiên tai bão lụt, tặng nhà tình nghĩa, trợ cấp cho những hộ nghèo. Kinh phí mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng góp phần làm vơi đi những khó khăn chung của cộng đồng xã hội. Do có công lao đóng góp to lớn đối với Đạo pháp – Dân tộc của Ni trưởng. Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN – Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng đã tặng nhiều Bằng khen, Bằng tuyên dương công đức.

          – Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao Bằng khen năm 2012.

          – Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân.

          – Huy chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố và các phần thưởng cao quý khác.

          Từ năm 2012 trở đi, sức khỏe của Ni trưởng ngày một yếu dần nhưng Người vẫn an nhiên tự tại tinh tiến không ngừng chăm lo công tác Phật sự của Giáo hội và trụ xứ. Cuối tháng 12 năm Bính Thân (2016), Ni trưởng lâm bệnh nặng và Người đã thu thần thị tịch vào hồi 3g15 phút sáng ngày 02 tháng 3 năm 2017, nhằm ngày 5 tháng 2 năm Đinh Dậu tại chùa Hải Ninh, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Trụ thế 80 năm, hạ lạp 45 năm.

          Cả cuộc đời 80 mùa sen nở, Ni trưởng đã cống hiến trọn đời cho đạo pháp và dân tộc. Cuộc đời hành đạo và hóa duyên của Người thật là bình dị, chân tu thực chứng, thực học, Đức hạnh và công đức của Người sẽ sống mãi trong lòng Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thành phố Hải Phòng.

          Đệ tứ trụ trì: Sư thầy Thích Diệu Đức

          Sau ngày Ni trưởng Thích Diệu Tâm về cõi Phật, sư thầy Thích Diệu Đức, trưởng tử của Ni trưởng Thích Diệu Tâm đã kế đăng trụ trì chùa Hải Ninh. Sư phát nguyện: “Nương hạnh nguyện của thầy, chúng con sẽ tinh tiến tu hành, nghiêm trì giới luật, lấy cuộc đời thanh tịnh của Thầy làm tấm gương sáng để tiến tu đạo nghiệp, làm tất cả những điều lợi ích cho Giáo hội và chúng sinh, để làm rạng rỡ tông môn Tổ đình Đông Hưng Chúc Thánh…”.

          Như vậy, kể từ Sư Tổ Thích Tịnh Nguyệt người đầu tiên truyền dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh từ miền Nam ra miền Bắc tới nay đã đến đời thứ 3 với 15 ngôi chùa và tự viện ở Hải Phòng thuộc sơn môn Đông Hưng.

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 

 

_Chú thích:

1. Hòa thượng Thích Hành Trụ (1903-1884), thế danh Lê An, pháp danh Thị An, tự Hành Trụ, hiệu Phước Bình, quê làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Hòa thượng là người có công đức lớn trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài và truyền thừa chính pháp qua việc phiên dịch, ấn hành nhiều kinh luật phổ biến. Ngài là một danh tăng thuộc sơn môn Đông Hưng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 9.

2. Ba vị sư đệ kết nghĩa gồm: các thiền sư: Khánh Phước, Thới An, Thiện Tường.

3. Chẳng hạn: Ni trưởng Tịnh Khiết (1920-1986) quê miền Bắc, năm 1937 được Bổn sư cho vào Nam học đạo và ý chỉ với Hòa thượng Hành Trụ. Năm 1963, sư được Hòa thượng Hành Trụ – Viện chủ chùa Đông Hưng giao trách nhiệm đứng ra tái thiết Phật học đường Ni Tăng Già (tức chùa Kim Liên) Ni trưởng là người có công đức mở trường Tiểu học với gần 1.000 học sinh; lập Ký nhi viện nuôi dưỡng hơn 100 em; khai sơn “Nông trại Kim Liên”…hay Ni trưởng Tịnh Giác (1909-1995) quê Phú Yên, năm 1945 xuất gia tại chùa Tăng Già làm đệ tử Hòa thượng Hành Trụ đã biến Tịnh thất tu dưỡng gần chùa Vạn Đức trở thành ngôi già lam mang tên “Ni viện Vạn Hạnh” rất trang nghiêm. Ni trưởng còn nhận thêm chùa Vạn Phước ở Bình Trị Đông, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh để Ni chúng có nơi cư trú an tâm tu học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Nxb Tôn giáo, 2017.
2. Thích Đồng Bổn, Chùa Hải Ninh và Hội Đồng thiện Hải Phòng, Nxb Tôn giáo, 2006.
3. Trang Web: Tiểu sử Ni trưởng Thích Diệu Tâm (1938-2017).