Bình Thuận là một tỉnh cực Nam của vùng duyên hải miền Trung. Đây là cửa ngõ kết nối miền Bắc, miền Trung với vùng đất Nam bộ và là một vị trí trọng yếu trên huyết mạch giao thông Bắc – Nam. Bình Thuận là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, đặc biệt là sự gắn bó với lịch sử của cộng đồng người Chăm. Về phương diện lịch sử, Bình Thuận được biết đến là địa giới của tiểu vương quốc Panduranga, nơi tồn tại vương triều cuối cùng của người Chăm. Vì vậy, Bình Thuận có sự đa dạng, phong phú về mặt lịch sử, văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng do sự cộng cư của nhiều dân tộc. Lịch sử Chăm ghi nhận Phật giáo đã từng là một trong những tôn giáo lớn, có ảnh hưởng đối với cộng đồng người Chăm. Đối với vùng đất Panduranga (Bình Thuận) dấu ấn của Phật giáo Chăm đã được xác minh thông qua các phát hiện khảo cổ học ở các di chỉ: động Bà Hòe – Phước Thiện Xuân, Đan Bình, Sông Lũy, Phan Thiết1. Các tượng Phật Di Đà (Amitabha Buddha), Quan Âm (Avalokiteśvara) trong tư thế đứng được làm bằng chất liệu đồng và đá có niên đại dao động từ khoảng thế kỷ thứ VII – X đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Bình Thuận và Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, theo ghi nhận của văn bia Võ Cạnh (Nha Trang) thì vào thế kỷ thứ III, Phật giáo là tôn giáo chủ đạo có sự ảnh hưởng lớn tại khu vực Panduranga. Bia Bakul (Phan Rang) có niên đại 829 đã ghi lại sự kiện Sthavira Buddhanivana đã xây dựng hai ngôi đền: một thờ Phật và cái còn lại thờ thần Siva. Một văn bia khác được phát hiện tại Phú Quý (Phan Rang) có niên đại 889, cho biết rằng vợ của một lãnh chúa ở Đồng Dương đã quyên tiền để xây một ngôi chùa được đặt theo tên của bà – Rajaka2. Như vậy, Phật giáo đã có một vị trí vô cùng quan trọng và phát triển mạnh mẽ tại vùng đất Panduranga từ rất sớm.
Sau sự kiện chúa Nguyễn Phúc Chu đổi tên xứ Panduranga thành Thuận Thành trấn (1693), rồi lại đổi sang Dinh Bình Thuận (1967) mãi cho đến nay thì lịch sử Bình Thuận đã trải qua trên 300 năm thăng trầm, biến thiên của thời đại. Theo chân của đoàn di dân mở cõi từ miệt ngoài vào, nhất là cư dân vùng Ngũ Quảng, Phật giáo của người Việt cũng đã bén duyên với vùng đất Bình Thuận cũng ngót 300 năm. Với vị trí là cửa ngõ trên con đường Nam tiến, là vùng đệm giữa kinh đô và thành Gia Định, ngoài ra còn có sự thuận lợi là bờ biển dài gần 200 km, Bình Thuận là điểm dừng chân lý tưởng của các đoàn lưu dân và các thiền sư, tăng nhân trên bước đường du hóa, hành đạo. Theo Địa Chí Bình Thuận3, các ngôi chùa được xây dựng sớm nhất tại Bình Thuận vào khoảng giữa thế kỷ XVIII có thể kể đến là: chùa Phật Quang (1736), chùa Linh Quang – đảo Phú Quý (1747), chùa Liên Trì (1756), chùa Bửu Quang – Phong Nẫm (1762), chùa Phước An – Dzuồng (1762),… Đến đầu thế kỷ XIX có: chùa Ngự tứ Bửu Sơn (1800), chùa Linh Thắng (1832), chùa Cổ Thạch (1840), chùa Long Sơn (1853), chùa Từ Quang (1884), chùa Hưng Long (1868), chùa Linh Sơn – Núi Tà Cú (1879), chùa Sắc tứ Bình Sơn. Một số chùa được khởi tạo đầu thế kỷ XX như là: chùa Bình Quang (1900), chùa Viên Quang (1902), chùa Phước Lâm (1904), chùa Phú Sơn (1907), chùa Sắc tứ Thiền Lâm (1911), v.v… Trên đây là một số ngôi cổ tự lưu dấu tích hoằng pháp của chư sơn thiền đức các dòng phái tại mảnh đất Bình Thuận. Từ buổi đầu du nhập Phật giáo vào Bình Thuận, đã xuất hiện rất nhiều vị cao tăng của các dòng thiền Liễu Quán, Chúc Thánh, Nguyên Thiều, Trí Bản Đột Không, v.v… từ vùng ngoài vào như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định hay từ trong ra như Đồng Nai – Gia Định4. Nhờ sự lân mẫn và tận lực hoằng dương Phật pháp của chư tiền bối Tổ sư mà Phật giáo Bình Thuận mới có sự thăng hoa, phát triển và đạt được nhiều thành tựu như hôm nay.
Sự phát triển của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình Thuận
Ngoài những sắc tộc tại địa phương thì nguồn gốc xa xưa của người Bình Thuận là những lưu dân từ miền ngoài vào. Ban đầu là những nhóm ngư dân hành nghề trên biển ghé vào tránh bão, nghỉ ngơi hay thực hiện các giao thương với người địa phương. Về sau, dần hình thành nên những xóm nhỏ, làng chài của di dân an cư lạc nghiệp, hòa nhập với đời sống, sinh hoạt với dân bản địa. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận là thành viên của các đoàn quân viễn chinh trên bước đường Nam tiến, khai hoang mở cõi hoặc thành phần bất mãn với triều đình và cùng khổ bởi chiến tranh liên miên cũng đã dừng chân và trở thành những cư dân người Việt có mặt sớm nhất tại Bình Thuận. Do yếu tố khác biệt về khí hậu địa lý, “rừng thiêng nước độc”, nên yếu tố an ninh tinh thần và sự tin tưởng vào các đấng siêu nhiên, thần Phật làm chỗ dựa tâm linh cũng là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt bao đời. Trong tín ngưỡng của người miền Trung việc dựng làng, xây chùa, lập miếu để cúng bái Thần – Phật, cầu mong sự bảo hộ của thần linh là việc làm rất quan trọng. Vì thế, song song với việc xây dựng đình làng thì chùa làng cũng là một công trình được đặc biệt quan tâm. Chính từ những ngôi chùa làng này làm cơ sở, điểm dừng chân của các vị thiền sư, tôn đức trên bước đường du hóa hoặc được thỉnh về trụ xứ, hành đạo, xiển dương Phật pháp, giúp đỡ nhân dân bá tánh trong làng. Do đặc điểm di chuyển bằng đường biển và đường bộ ven theo bờ biển của di dân, các khu vực có cửa sông lớn như: Long Hương, Dzuồng, Phan Rí, Mũi Né, Phố Hài, Phan Thiết, Lagi, v.v… dân cư tập trung đông đúc và dần trở thành những phố thị đầu tiên của người Việt trên đất Bình Thuận. Ngoài ra, sau năm 1809, nhà Nguyễn đã cơ bản hoàn thiện được “quan lộ” từ Quảng Nam vào Bình Thuận, tiếp đó là men theo bờ biển mở từ Phan Thiết qua Bình Tuy, Xuyên Mộc rồi ngược lên Mô Xoài (Bà Rịa – Vũng Tàu) đến Châu Thới (Biên Hòa). Năm 1890, Toàn quyền Đông Dương đã mở tuyến đường thuộc địa số 1 (Quốc lộ 1A) làm cho giao thông càng thuận lợi hơn. Từ đó, các đợt di dân quy mô vào vùng Bình Thuận càng nhiều5.
Cùng với các đợt di dân mở đất, lập làng thì các vị thiền sư cũng theo đó mà du phương hành đạo, khai sơn tạo tự, chấn tích dựng già lam, tiếp tăng độ chúng. Đối với sự truyền thừa và phát triển của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình Thuận, chúng tôi tạm chia làm 4 giai đoạn chính: Giai đoạn (1) từ thế kỷ XIX về trước, giai đoạn (2) từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, giai đoạn (3) từ 1945- 1975, giai đoạn (4) sau 1975 đến nay.
Giai đoạn1: Từ nửa cuối thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX
Giai đoạn này trên đất Bình Thuận đã xuất hiện rất nhiều ngôi già lam, tổ đình là đạo tràng tu học và quy tụ tăng nhân, cư sĩ tu tập như: Phật Quang, Liên Trì, Bửu Quang, Phước An, Phước Lâm, Bửu Sơn, Từ Quang, Linh Sơn (núi Trà Cú), v.v… Tại các ngôi cổ tự này hiện còn lưu giữ các long vị chư tổ đức thuộc dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh. Thế hệ sớm nhất được tìm thấy là đời thứ 4 của dòng phái Chúc Thánh: Toàn Nhật – Quang Đài (1757-1834) có bài vị thờ tại chùa Phật Quang và Liên Trì, Ngài Toàn Ngạn – Diệu Nghĩa (chùa Phước Lâm). Về mặt cứ liệu lịch sử, khó có thể khẳng định có hay không việc hoằng hóa của ngài Toàn Nhật tại đất Bình Thuận, hoặc giả chỉ là các đồ chúng, học tăng tại Tổ đình Từ Quang (Phú Yên) vì nể phục mà lập long vị vọng thờ. Tuy nhiên, đặt giả thuyết về việc trực tiếp hành đạo của quý ngài Toàn Nhật và Toàn Ngạn tại Bình Thuận vẫn có thể chấp nhận được, quan trọng là cần nhiều hơn nữa các chứng cứ hoặc dữ liệu có tính thuyết phục hơn nữa. Các thế hệ tiếp theo trực tiếp hiện diện và hành đạo tại Bình Thuận có thể kể đến các ngài: Chương Đạt – Tông Thông (chùa Phật Quang), Chương Lý – Trí Quang (chùa Phước Lâm), Chương Phú – Tông Thọ (1767-1853) tại chùa Bửu Quang – Phong Nẫm, ngài Chương Quảng – Nhuận Hòa, Chương Lý – Tông Sư (chùa Long Quang – Phan Rí), ngài Chơn Định – Liễu Đạt – Quang Huy khai sơn chùa Phước An (Dzuồng) khoảng năm Cảnh Hưng thứ 23 (Nhâm Ngọ 1762).
Ở giai đoạn này còn có thể kể đến các Ngài Như Hải – Định Thiền – Huệ Đức (1836-1904) khai sơn chùa An Lạc, ngài Thị Quang – Hành Tịnh – Huệ Minh (1810-1908) khai sơn trụ trì chùa Bửu Quang, Từ Quang và Phú Sơn. Ngoài ra, lịch sử chùa Long Quang (Phan Rí) còn ghi chép lai sự kiện năm Tự Đức thứ 4 (1851) ngài Như Thành – Nhất Bổn trùng tu chùa và đúc chuông gia trì (hiện vẫn còn)6. Như vậy, ở giai đoạn sớm nhất này vẫn ghi nhận được rất nhiều về hành trạng của các vị tổ sư, hòa thượng nối dòng Lâm tế Chúc Thánh hoằng hóa tại Bình Thuận.
Giai đoạn 2: Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945
Kế thừa bước chân hoằng pháp, du phương của chư Tổ đức, các tăng nhân dòng Chúc Thánh tiếp tục con đường Nam tiến, truyền bá và phát triển tông phong cũng đã dừng chân trên mảnh đất Bình Thuận. Bên cạnh đó, “Đạo mạch trường lưu”, “truyền đăng tục diệm” thế hệ thứ hai kế thừa tổ ấn tiếp tục củng cố và xậy dựng cơ nghiệp của tổ thầy đã dày công gầy dựng.
Tiếp tục đến đầu thế kỷ XX, xuất hiện các bậc cao tăng đại đức từ miền ngoài vào như ngài Như Quang – Giải Đạo – Hoằng Phúc (1887-1949), người gốc Phú Yên là đệ tử của ngài Chơn Kim – Pháp Lâm (chùa Châu Lâm – Phú Yên). Năm 1909, ngài Như Quang – Hoằng Phúc đã du hóa đến Phố Hài và hành đạo tại chùa Ngự tứ Bửu Sơn (Lầu Ông Hoàng), sau đó về trụ trì chùa Linh Long (Mũi Né). Các thế hệ kế tục có các ngài: Thị Chi – Thiện Phước – Diệu Quả (1916-1983), Thị An – Thiện Lạc – Diệu Thọ (1898-1987) trụ trì chùa Hải Quang (Mũi Né), đệ tử kế tục là ngài Đồng Văn – Thiện Tâm – Trí Thành (1948-2018). Thứ đến như các ngài Như Tiến – Giải Hinh – Quảng Hưng (1893-1946), khai sơn chùa Pháp Bảo năm 1930 tại phường Lạc Đạo và tích cực tham gia vào các hoạt động Phật sự đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Bình Thuận; ngài Chơn Huy – Đạo Diệu – Long Quang (?-1946), khai sơn chùa Bình Thiên (Tiến Thành); ngài Chơn Kim – Đạo Quang – Bửu Liên (1924-2017), khai sơn chùa Tường Minh (Phan Thiết); ngài Thị Quang – Huệ Minh, trụ trì các chùa Từ Quang, Long Thiền, Phú Sơn (Phan Thiết), ngài viên tịch năm 1908. Các thế hệ kế tục như ngài Đồng Đắc đời 10, ngài Chúc Tài đời thứ 11 dòng thiền Chúc Thánh và hiện tại là Đại đức Thánh Hiệp – Huệ Thiện kế nhiệm trụ trì. Ngài Thị Hòa – Viên Giác người Bình Thuận, xuất gia học đạo với ngài Như Hải – Định Thiền tại chùa An Lạc. Ngài Viên Giác về sau cầu học và đắc pháp với Hòa thượng Hải Hội – Chánh Niệm, nên được ban pháp danh Thanh Đăng – Viên Giác (kế truyền 2 dòng pháp). Ngài khai sơn chùa Xuân Thọ 1900, kế tục có Hòa thượng Đồng Huy – Pháp Độ, khai sơn Linh Sơn An Thọ Tự (Hố Dầu – Trà Cú) và chùa Phước Lộc (Lương Sơn – Bắc Bình). Cũng trong thời gian này, tại khu vực Tuy Phong, có ngài Thị Hiền – Ngộ Tịnh là người địa phương, nhưng xuất gia, cầu học với Hòa thượng Như Kỉnh – Thiện Hạnh (Ninh Thuận). Sau đó, Ngài Ngộ Tịnh trở về hành đạo tại thị trấn Liên Hương, khai sơn chùa Phật Học Thiên Tường (1935), thế hệ kế tục hiện nay là Thượng tọa Đồng Mễ – Trí Huệ.
Giai đoạn 3: Từ 1945 – 1975
Sự phát triển của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh cũng như những hoạt động của các sơn môn, tổ đình, các hoạt động Phật sự tại tỉnh nhà trong giai đoạn này có nhiều khởi sắc. Tiếp nối con đường hoằng hóa của chư vị Hòa thượng trước đây, chư sơn thiền đức thuộc dòng phái Chúc Thánh từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên theo sự thỉnh cầu của chư Tăng Bình Thuận, các Ngài đã vào Bình Thuận hiệp lực cùng sơn môn Tăng già để chấn chỉnh và phát triển Tăng đoàn Bình Thuận qua các trường Hạ, trường Kỳ. Tiêu biểu như các ngài:
– Hòa thượng Thị Lạc – Hưng Từ (1911-1991), đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh bảo vệ Phật giáo và dân tộc, cũng như các hoạt động Phật sự như: mở Tăng học đường, Trường An cư kiết hạ, đại giới đàn, trước tác, dịch thuật, v.v… Ngài Thị Lạc – Hưng Từ có công lao lớn trong việc phát triển Phật giáo tại khu vực phía Nam của Bình Thuận như: Bình Tuy (La Gi), huyện Tánh Linh, Đức Linh.
– Hòa thượng Như Nguyện – Giải Trình – Hồng Ân (1913- 1978), xuất thân từ Tổ đình Thiên Ấn (Quảng Ngãi), vì lòng bi mẫn với những người đồng hương Quảng Ngãi di dân vào sinh sống đất Bình Thuận, Ngài đã chứng minh, khai sơn chùa Quảng Ân (Hàm Tân), sau đó giao lại cho đệ tử là Hòa thượng Tâm Hòa – Trừng Khiết (1938-2020) tiếp quản và hoằng pháp. Từ sự kiện này, trên mảnh đất Hàm Tân – Bình Thuận lại phát triển một chi kệ truyền thừa mới, phái xuất từ dòng Chúc Thánh – Tổ đình Thiên Ấn. Dòng kệ này do Hòa thượng Như Nguyện – Hồng Ân biệt xuất chính thức vào tháng 12/1959 như sau:
Pháp danh: NHƯ TÂM NGUYÊN TỊNH
TÁNH HẢI TỊCH NHIÊN
THANH TRUNG HIỂN ĐẠT
KHẾ NGỘ BỔN TÔNG
Pháp tự: GIẢI TRỪNG ĐỨC NIỆM
TÚC LIỄU GIÁC MINH
THÁI TRUYỀN ĐĂNG PHÁP
TỪ HUỆ ĐỘ NHƠN
Năm 1947, Đại đức Đồng Đạo – Tâm An – Huệ Đắc từ Bình Định vào Bình Thuận hành đạo. Năm 1956, Ngài khai sơn chùa Vĩnh Thạnh (Hàm Thuận Bắc). Sau đó, truyền lại cho đệ tử là Chúc Trí – Huệ Minh, Chúc Định, Thiện Hóa, v.v.
– Hòa thượng Như Châu – Giải Ngọc – Hải Bửu từ Quảng Nam vào Bình Thuận khai sơn và trụ trì chùa Kim Sơn (Hàm Thuận Nam), các đệ tử kế truyền có: Thị Thạch – Hạnh Thông – Thanh Trường, Thị Nguyện, Thị Tự (Ni), v.v… Thượng tọa Thị Thạch, trụ trì chùa Phú Sơn (Phan Thiết), sau khi viên tịch truyền lại cho đệ tử Đồng Duyên – Thông An kế thừa.
Bên cạnh đó, còn có thể kể đến các ngài Như Tâm – Phước Như, người Quảng Nam, là đệ tử của Hòa thượng Chơn Thể – Đạo Viên (Tổ đình Phước Lâm), khai sơn chùa Phước Tường (năm 1958) và là thành viên chứng minh Giáo hội Tăng già Bình Thuận. Ngài Như Hạnh – Giải Kỉnh – Long Hoa người Quảng Ngãi, là đệ tử của Hòa thượng Chơn Huỳnh – Đạo Châu (chùa Quang Lộc), khai sơn chùa Giác Hoa (Phan Thiết) năm 1956; thế hệ kế thừa như Hòa thượng Thị Hòa – Hạnh Giải – Tịnh Trí (1918-2014), Thượng tọa Đồng Vị – Thông Triêm đương nhiệm.
Trong giai đoạn này, tại khu vực thị trấn Liên Hương – Tuy Phong, còn có sự du hóa, hành đạo của ngài Thị Bích – Ngộ Tú, người Bình Định cũng là đề tử Hòa thượng Như Kỉnh – Thiện Hạnh. Ngài Ngộ Tú đã từng là trụ trì, coi sóc chùa Cổ Thạch trong giai đoạn 1948-1950, sau đó Ngài về khai sơn chùa Bửu Thắng (1952) tại thị trấn Liên Hương.
Giai đoạn 4: Sau 1975 đến nay
Sau ngày đất nước thống nhất, với tinh thần đại nguyện của người con Phật, các chốn Tổ, già lam vẫn được bổn đạo, quý Phật tử đạo hữu giữ gìn, duy trì các sinh hoạt nghi lễ chính yếu, từ đó làm nền tảng để xây dựng nên những điểm sinh hoạt, cơ sở của các hội đoàn Phật giáo, đạo tràng, niệm Phật đường, v.v… làm tiền đề cho các tự viện, tịnh xá hình thành. Cho đến nay, có thể nói sự phát triển của Phật giáo tại Bình Thuận nói chung và dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng đã có những bước tiến rõ rệt và khởi sắc. Các chốn Tổ, già lam được trùng kiến, tu bổ khang trang, hàng môn nhơn tứ chúng quy ngưỡng tu tập hưng vượng. Có thể kể đến các tổ đình như: Tổ đình Giác Hoa, Hải Quang (Mũi Né), Tổ đình Quảng Ân (Hàm Tân), Quảng Đức (Lagi), Pháp Hội, Linh Sơn (Tánh Linh), Quảng Sơn (Đức Linh), Thiên Tường (Liên Hương), Pháp Bửu, v.v…
Hiện tại, phả hệ truyền thừa của dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình Thuận đã đến đời thứ 11 thuộc chữ Vạn/ Chúc, chữ Tịnh (do Hòa thượng Hồng Ân phái xuất). Hàng môn hạ dòng Chúc Thánh đã và đang tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà cũng như tham gia vào các vị trí quan trọng trong Ban Trị sự các cấp và cũng chiếm số lượng đáng kể trong danh bộ Tăng Ni trong toàn tỉnh.
Tóm lại, dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những thiền phái xuất hiện rất sớm tại Bình Thuận. Với hạnh nguyện hoằng truyền Phật pháp, kế vãng khai lai, chư vị tiền bối đã dày công tài bồi, hun đúc nên những bậc long tượng đống lương làm pháp khí Đại thừa cho Phật giáo tỉnh Bình Thuận. Hình bóng và công hạnh của các bậc tổ thầy như các Ngài: Như Quang – Hoằng Phúc, Như Hải – Định Thiền, Thị Quang – Huệ Minh, Như Tiến – Quảng Hưng, Thị Lạc – Hưng Từ, Đồng Huy – Pháp Độ, Chơn Kim – Đạo Quang, Thị Hòa – Tịnh Trí, Tâm Hòa – Trừng Khiết, v.v… là những bậc danh tăng trong thời cận – hiện đại, mãi lưu danh trong lịch sử truyền thừa và phát triển của Phật giáo tỉnh Bình Thuận.
NCS. THÍCH NGUYÊN THẾ
CƯ SĨ TÂM QUANG – NGUYỄN VĂN MAY
_Chú thích:
1. Thông Thanh Khánh (1999), Dấu tích Phật giáo Panduranga,
Nguồn: https://www.niemphat.vn/downloads/thuyet-phap/phat-su/ dau-tich-phat-giao-panduranga-thong-thanh-khanh.pdf
2. Quảng Văn Sơn (2014), Phật giáo Chăm từ tư liệu đến nhận thức, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo – số 6, tr. 50.
3. UBND tỉnh Bình Thuận (2006), Địa chí Bình Thuận, Sở VHTT tỉnh Bình Thuận, tr. 637 -639.
4. Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận, Lược sử Phật giáo Bình Thuận, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 24.
5. Phan Chính, Bình Thuận trong hành trình mở đất, http://baobinhthuan. com.vn/van-hoa/binh-thuan-trong-hanh-trinh-mo-dat-115305.html (10/08/2020)
6. Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận, sđd, tr. 192.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. UBND tỉnh Bình Thuận (2006), Địa chí Bình Thuận, Sở VHTT tỉnh Bình Thuận.
2. Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận (2012), Lược sử Phật giáo Bình Thuận, Nxb. Tổng Hợp TP. HCM.
3. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông.
4. Nguyễn Đình Chúc (2014), Chư tôn thiền đức Phật giáo Phú Yên, Nxb Tổng Hợp TP. HCM.
5. Nguyễn Đình Chúc (2015), Lược sử chùa – chư tôn Phú Yên trong và ngoài tỉnh, Nxb Tổng Hợp TP. HCM
6. Kỷ yếu tưởng niệm Thiền sư Hòa thượng Thích Hồng Ân (1913-1978) PL.2552-2008 (Lưu hành nội bộ).
7. Quảng Văn Sơn (2014), Phật giáo Chăm từ tư liệu đến nhận thức, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo – số 6.
8. Phan Chính, Bình Thuận trong hành trình mở đất, http://baobinhthuan. com.vn/van-hoa/binh-thuan-trong-hanh-trinh-mo-dat-115305.html (10/08/2020)
9. Thông Thanh Khánh (1999), Dấu tích Phật giáo Panduranga, Nguồn: https://www.niemphat.vn/downloads/thuyet-phap/phat-su/dau-tich-phat-giao-panduranga-thong-thanh-khanh.pdf
10. Lê Vinh Bổn, Sơ lược Phật giáo và những ngôi chùa Quảng Ngãi, (Nguồn: https://levinhbon.com/2012/10/02/209/)